Tuesday, September 4, 2012

Cố Trung Tá Lê Hằng Minh

Cố Trung Tá Lê Hằng Minh
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2 / Thủy Quân Lục Chiến
Ngọc Thủy
1346623957.jpg
Ðất nước Việt đang thời binh biến, Tổ quốc lâm nguy, vang dậy núi sông những lời hiệu triệu anh hào. Khi tôi chưa chào đời thì vào giữa năm 1954, theo đoàn người trai quyết xếp bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi non sông, làm tròn trách nhiệm người công dân trong thời quê hương khói lửa.
Người thanh niên tên Lê Hằng Minh đã từ giã người mẹ hiền, rời bỏ cuộc sống gia đình ấm êm nơi Hàng Keo - Gia Ðịnh, từ giã mái trường Huỳnh Khương Ninh & Trương Vĩnh Ký sau khi tốt nghiệp Tú Tài để cùng người anh Lê Minh Ðảo (thiếu tướng Lê Minh Ðảo gia nhập khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, là một trong số những tướng lãnh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa), lên đường nhập ngũ.
Ông theo học khóa 5 Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức (Khóa Vì Dân) và sau khi ra trường vào đầu năm 1955 với cấp bậc Thiếu Úy Trừ Bị, người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã cùng bao chiến hữu khác ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước, xông pha vào những trận tuyến ngăn giữ bước quân thù xâm lăng, hầu mong mang yên vui cho mảnh đất miền Nam Tự Do thân yêu.
Ðầu năm 1957, vì muốn vẫy vùng ngang dọc hơn cho thỏa chí tang bồng, ông rời khỏi Sư đoàn 4/ Bộ binh dã chiến (sau này là Sư đoàn 7/ BB) để tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, Lực lượng Tổng Trừ Bị nòng cốt của Quân đội VNCH và lần lượt đảm trách các chức vụ: Trưởng Ban 5 TQLC, Trung đội trưởng (Tiểu đoàn 1), Ðại đội trưởng (Tiểu đoàn yểm trợ), (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4), Chiến đoàn phó (Chiến đoàn A) và Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 2/ TQLC).

Tham dự nhiều chiến dịch quan trọng cùng những trận đánh hào hùng trên khắp các mặt trận chiến trường đất nước từ: Ðồng Xoài, U Minh, Bời Lời, Ðầm Dơi, Bến Cát, Ðức Cơ, Plei-me, Bình Ðịnh, Bồng Sơn - Tam Quan, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Huế, Phù Lưu, Quảng Trị v.v... Với những thành tích chiến đấu dũng cảm, Lê Hằng Minh được thăng cấp Trung úy sau hai năm ra trường và được gởi đi du học khóa Sĩ quan TQLC ở Quantico - Hoa Kỳ năm 1959 - 1960.

Ðầu năm 1959, Lê Hằng Minh đưa Ðại đội Trinh Sát TQLC/ Tân Lập về Sài Gòn tham dự khóa học Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Hoàng Hoa Thám tại Bà Quẹo. Trong thời gian huấn luyện này, ông chứng tỏ sự gan dạ và là một cấp chỉ huy gương mẫu, xứng đáng làm gương và hướng dẫn quân nhân thuộc quyền noi theo không nề hiểm nguy. Yêu thích đường bay trên những nấc thang mây thênh thang của người lính Nhảy Dù, Lê Hằng Minh luôn hãnh diện khi chỉ cho mọi người xem huy hiệu "Cánh Dù" luôn gắn trên túi áo ngực mà ông đã đạt được sau khóa huấn luyện. Trong biến cố 11/11/60, ông cùng Ðại Ðội Chiến Ðấu/ TQLC về giải vây cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Sau đó, năm 1960 ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ tiếp vận/ Thủy Quân Lục Chiến. Và rồi nổi trôi theo vận hạn quốc gia cùng tình hình đất nước rối ren, thêm một lần nữa, vị Tiểu đoàn trưởng Lê Hằng Minh của TÐ4/TQLC lại là một trong những đơn vị tham gia cuộc đảo chánh Tổng thống vào ngày 1/11/63.

Những biến cố đất nước cùng những thăng trầm của cuộc đời binh nghiệp vẫn không làm mất đi tinh thần quả cảm của một người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào Tổ quốc, ông vẫn cùng với bao lớp người thanh niên chiến hữu luôn giữ vững sự cang cường chiến đấu như ánh thép gươm đao vẫn lóe sáng mỗi khi lâm trận ngoài địa đầu giới tuyến. Sau khi tu nghiệp khóa AWS ở Hoa Kỳ về (1964 - 1965), đầu tháng 11/1965, Thiếu tá Lê Hằng Minh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng TÐ2/ TQLC và tên tuổi ông đã gắn liền với danh hiệu "Trâu Ðiên", một tiểu đoàn lừng danh của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói riêng và của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung từ trận đánh An Quý vào tháng 2/1966 ở Bồng Sơn - Tam Quan.

Từ tư thế bất ngờ bị phục kích khi tiến chiếm mục tiêu ấp chiến lược này, dù bị bao vây tứ phía bởi sự bố trí sẵn bên ngoài lẫn sự phòng thủ rất mạnh của VC bên trong, bị bắn phá nã đạn như mưa vào các toán quân, nhưng điều đó không làm chùn bước được của những người lính luôn luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng xung phong nên ngay giữa cánh đồng trống, không nơi ẩn nấp, vị TÐT đã cùng với tất cả các chiến sĩ lúc ấy vẫn hiên ngang tràn vào và tiến lên dũng mãnh đến nỗi VC phải khiếp sợ với khí thế hăng như trâu điên của TÐ2 quyết băng mình phá tan lằn lửa đạn, dù phải đối chọi với tử sinh chạm gần trong gang tấc. Kết quả TÐ2/ TQLC toàn thắng chiếm hẳn được mục tiêu tuy phải chịu sự tổn thất vừa chết vừa bị thương mất gần một trung đội, trong số đó có Trung úy Nguyễn Ngọc Ðiệp (khóa 17/ VBÐL) v.v...

Với chiến tích "phản phục kích" vẻ vang này, Tiểu đoàn do Thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy và yêu cầu sự đề đạt danh hiệu, đã được Bộ tư lệnh TQLC chấp thuận cho mang danh xưng Trâu Ðiên (Crazy Buffalo) biểu tượng sự Cảm Tử, Hi Sinh và Dũng Mãnh. Ngoài ra còn được tuyên dương công trạng trước Quân đội lần thứ tư và được mang dây biểu trưng màu xanh Quân Công Bội Tinh. Bắt đầu từ đó, các tiểu đoàn khác cũng được đặt tên để có những danh hiệu riêng như: Quái Ðiểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ.

Người lính Lê Hằng Minh như chúng ta đã thấy là một chiến sĩ rất gan lì và quả cảm khi xông pha ngoài mặt trận, bởi ông luôn đặt trọng trách hi sinh vì Tổ quốc lên hàng đầu. Nhưng bên trong con người của ông lại là một nghệ sĩ giàu cảm tính và nhân hậu. Ông sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo gồm 10 anh chị em. Người mẹ đã tần tảo một mình lo bảo bọc các con khi người Cha đã qua đời năm ông 17 tuổi. Sống và lớn lên từ ngôi nhà cổ kính giữa vườn cây bóng mát xum xuê nơi Hàng Keo nằm trên đường Chi Lăng nối dài, gần chợ Bà Chiểu cạnh đền Lăng Ông nổi tiếng hiển linh, khói trầm nghi ngút quanh năm bên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn tỏa sáng uy linh của bậc trung thần đại nghĩa, phải chăng đã ảnh hưởng phần nào đến tâm tình con người Lê Hằng Minh từ thuở nhỏ. Thích sống đời trai oai phong dũng mãnh nhưng cũng là người yêu văn nghệ, đàn nhạc, thơ văn. Ðôi khi cũng rất ủy mị, ướt át. Tình cảm của ông cũng rất dạt dào đối với anh chị em trong gia đình cùng sự kính trọng, hiếu thảo đối với bậc sinh thành và nhất là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện rất rõ nét trong những vần thơ mộc mạc được viết ra từ đáy tâm hồn thiết tha:

(LMH viết vào ngày 25 Tết, Kỷ niệm ngày giỗ Ba. Kính tặng các bà Mẹ vạn nẻo đường con đã gặp)

Trên con đường rong ruổi nghiệp binh đao, ông cũng mang nặng tình thương yêu đối với các chiến hữu, những người cùng chí hướng lên đường nối gót chinh nhân. Cuộc đời của những người chấp nhận Ðời Lính Chiến với tất cả những vui buồn gian khổ:

(LHM thân tặng các chiến sĩ vô danh không vụ lợi và để tang cho cố Thiếu tá Nguyễn Văn Nho và những chiến hữu TÐ4/ TQLC đã hi sinh trong trận chiến Bình Giả cuối tháng 12-1964)

Những lời ấy là tất cả những tâm tình của ông trên bước đường hành quân xuôi ngược đó đây. Qua những trận đánh ác liệt và sau những tiếng súng, người lính trẻ lại trở về với những nỗi niềm cô đơn trăn trở trong những phút giây nhớ nhung và trống vắng:

Và trong những ngày mùa đông rét mướt ở Washington trong thời gian du học, ông trải rộng niềm thương nhớ đến người mẹ hiền và cô em gái út ở quê nhà:

(Tặng em Ánh Tuyết. Ghi một ngày nhớ má 15/1/65. Mùa đông Washington. LHM)

Cuộc sống ông cũng rất chí tình gắn bó với bạn bè đồng đội:

(LHM. Kontum - Dakbla ngày 14/12/65. Một đêm nhớ Soạn và trước khi đi hành quân. * Thiếu tá Tôn Thất Soạn, Thiếu tá Hoàng Tích Thông và Trung úy Tâm).

Và người thanh niên ấy cũng có những phút giây mơ mộng say đắm về tình yêu:

(Bài thơ "Về Phong Dinh" của LHM đã được nghệ sĩ Hồ Ðiệp diễn ngâm trong chương trình Thi Văn Tao Ðàn năm 1966).

Cuộc đời gian khổ của người lính chiến rày đây mai đó, luôn cận kề bên những sống chết hiểm nguy, làm sao dám nghĩ đến chuyện tình yêu và mộng ước mai sau. Nhưng tình cảm đó vẫn không thể thiếu trong trái tim người lính trẻ, vẫn có những nỗi niềm u ẩn, vấn vương, mộng mơ và nhung nhớ...

Ngoài sự yêu thích thơ văn, ông còn là người rất tài hoa về âm nhạc. Học đàn năm 12 tuổi, ông đánh thành thạo tất cả các loại đàn dây và điêu luyện nhất là Tây Ban Cầm với những nhạc khúc cổ điển Tây Ban Nha. Trong thời gian còn đi học, ông thường đệm đàn cho ban nhạc của trường Petrus Ký, ban Khuyến nhạc của Ðài phát thanh Pháp Á và ban nhạc Ðồng Nai (đàn và hát chung với người anh là Lê Minh Ðảo và người em gái kế là Mộng Huyền, một chi tiết nhỏ để nói lên con người hiền lành hiếu thảo của ông là dù mê đánh đàn ca hát tới đâu, xong việc là ông lo sớm về nhà để phụ giúp mẹ việc nhà và săn sóc các em).

Qua hai lần sang Mỹ tu học, ông cũng trau dồi thêm về kiến thức âm nhạc với các danh tài ngoại quốc và đã sáng tác một số ca khúc như: Hoa cài trên súng (1959), Bơ vơ (1960), Người anh chinh chiến (1964), Em là mùa thu (1965), Sao buồn (1966) v.v... Có lẽ, Lê Hằng Minh cũng là người lính duy nhất, dù ở hậu cứ hay bất cứ tuyến đầu trận địa nào, đi đâu cũng mang theo bên mình cây đàn Guitaire yêu quý, hễ có dịp dừng quân hay nghỉ ngơi là ông lại ôm đàn thay cho tay súng, đánh lên những tiếng đàn du dương trầm bổng cùng những ca khúc tuyệt vời cho bạn bè binh lính thưởng thức, tạm quên những gian khổ quân hành, vơi bớt nỗi nhớ nhà, cô đơn. Ông luôn lấy sự hào hiệp, tử tế vui vẻ của mình để đối đãi và cư xử với mọi người chung quanh. Trong chỉ huy, ông nguyên tắc mực thước, sống đời thường lại nhân ái giản dị nên ông được hầu hết các bạn bè chiến hữu dành cho tình cảm thương mến tốt đẹp.

Trong bài viết những cảm nghĩ về một vị chỉ huy khả kính của mình (ÐSST), Thiếu tá Lâm Tài Thạnh đã viết đôi dòng hồi tưởng như sau: Trong những ngày cuối năm 1965 về dưỡng quân tại hậu cứ Thủ Ðức (Tam Hà), hôm đó là một buổi chiều thứ bảy, tôi và Quang chẳng biết làm gì cho qua "chiều cuối tuần cạn túi" trong phòng ngủ độc thân vì cả hai nguyên quán đều ở xa, bà con họ hàng ở Sài Gòn cũng chẳng mấy thân thích gần gũi, còn em gái hậu phương thì cũng chẳng quen biết nhiều với lại điều kiện "đầu tiên" bó buộc. Thôi thì nằm nhà cho ăn chắc mặc bền. Chúng tôi mang quân dụng ra lau chùi đánh bóng để qua thời giờ giữa buổi trưa quá tĩnh lặng, bỗng nghe vang lên tiếng Tây Ban Cầm réo rắt với bản Panama (Cánh buồm xa xứ) khi thì như sóng vỗ lúc chẳng khác cơn gió heo may. Tôi nói nhỏ với Quang: "Ông cũng ở nhà như mình", Quang trả lời: "Ông chưa có lập gia đình" rồi chúng tôi lại tiếp tục công việc còn dang dở.

Khoảng 30 phút sau, tiếng đàn ngưng hẳn và vào lúc chúng tôi không chuẩn bị để chào kính thì: "Chiều thứ bảy mà không đi bát phố à? Sĩ quan trẻ mà nằm nhà, dở vậy??". Chúng tôi lúng túng chào tay và cùng trả lời: "Tiền lính tính liền thưa Th/T, với lại chả biết đi đâu". Ngắn gọn, dứt khoát như khi ban lệnh hành quân: "Mặc quân phục vào, đi với tôi ra hồ tắm "Ngọc Thủy" uống nước giải khát". Năm phút sau, chúng tôi đã có mặt trên xe do chính Tiểu đoàn trưởng làm tài xế với tôi ngồi kế bên (Quang là khóa đàn em nên cố tình nhường tôi ngồi trước với Ðại Bàng hoặc vì e ngại sơ suất khi nói chuyện nên bán cái cho tôi??). Trước khi rời trại, người còn nói nhỏ: "Mình đi gần đây khỏi gọi HS Danh (tài xế) làm chi, cho chú ta ở nhà với vợ con". Trong tự nhiên đối xử như một người anh cả trong gia đình sau khi gọi nước uống cho chúng tôi, NT Minh hỏi thăm về nguyên quán, gia đình, học vấn, quân trường v.v...

Từ dè dặt, ngần ngại như lệ thường của bất cứ một Sĩ quan cấp trung đội trưởng nào khi phải trực tiếp tiếp xúc với Ðơn vị trưởng ở cấp cao mà thường khi "chạm mặt" thì chỉ có "Từ chết tới bị thương", chúng tôi đã vui vẻ trao đổi trả lời các câu hỏi. Dần đà câu chuyện trở nên thân tình có tính cách đời thường thực tế và tươi mát hơn. Trước khi ra về, tôi còn nhớ rõ: "Các sĩ quan trẻ nhiều năng nổ, chịu khó, kỷ luật, ham học hỏi là xương sống và chìa khóa thành công của đơn vị. Các em cố gắng nhé, thôi mình về". Lời nói chân tình, tha thiết có giá trị động viên cao của cố Niên trưởng Lê Hằng Minh đã làm cho tôi và Quang thực sự xúc động và cảm mến vị chỉ huy đầy đức độ, nghiêm nhưng không "quan liêu", oai nhưng không "khắc nghiệt". Gần 10 năm sau có lần tôi đã lặp lại câu nói đó của người cùng toàn thể Sĩ quan TÐ 9 trong ngày tôi nhận chức vụ TÐT.

Nơi hậu cứ Thủ Ðức - Tam Hà là nơi Tiểu Ðoàn 2/ TQLC thường về đây dưỡng quân, sau này còn được gọi là hậu cứ Lê Hằng Minh sau năm 1966.

Trở lại với người chiến sĩ Lê Hằng Minh, khi chiến trường miền Trung càng lúc càng sôi động thì Tiểu đoàn 2/ TQLC cùng những đơn vị bạn càng đi sâu vào những gian lao chiến đấu với tất cả mọi căng thẳng hiểm nguy rình rập từng phút từng giây. Từ đầu mùa hè năm 1966, họ phải điều động và tham dự nhiều trận hành quân liên tiếp suốt ba tháng không ngày về thăm nhà, nghỉ phép. Ðánh Bình Ðịnh, Quế Sơn vừa xong, lại bay vào Quảng Ngãi, rồi về Ðà Nẵng, Huế...

Ngày Quân lực Việt Nam.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment