Neil Armstrong: Anh Hùng Nhân Loại
(09/03/2012)
Tác giả : Vi Anh
Neil Armstrong, người lên mặt trăng đầu tiên trong lịch sử Nhân Loại đã qua đời vào tuổi 82, bịnh tim mạch. Đó là một anh hùng không những của Mỹ mà của Nhân Loại do đánh giá vô tư của hầu hết nhân dân và chánh quyền cũng như truyền thông đại chúng trên thế giới.
Nhưng đối với Neil Armstrong, Ông coi đó là công việc phải làm của mình với tư cách là người mê không gian từ nhỏ, một công dân Mỹ khiêm nhường, một sĩ quan Mỹ yêu nước cố gắng làm nhiệm vụ của mình. Nói hơi triết lý một chút, Neil Armstrong là một anh hùng bất đắc dĩ, ngoài ý muốn của chính Neil Armstrong, một mâu thuẩn của kiếp nhân sinh trong cõi ta bà,vạn vật vô thuờng này.
Thực vậy, dù là người lên cung Trăng đầu tiên cũng không qua khỏi số Trời được hệ thống hoá trong giáo lý của Phật Giáo: sanh, lão, bịnh, tử. Dù là một một công dân khiêm tốn, một sĩ quan Mỹ yêu nước chỉ muốn làm tròn nghĩa vụ với quốc gia dân tộc của mình lại trở thành một anh hùng lưu danh muôn thuở trong lịch sử Mỹ và lịch sử Nhân Loại khám phá không gian.
Nhận xét chính xác nhứt về một con người trong kiếp phù sinh này, có lẽ là lúc nấp quan tài đã đóng kín lại. Khi Armstrong bước chân xuống mặt Trăng, Ông nói một câu rất khiêm nhường nhưng lưu danh muôn thuở: “Đây là một bước nhỏ của con người, nhưng là một bước nhảy khổng lồ của nhân loại.” Khi Armstrong chết, gia đình và người đồng đội cùng đi chung trong khoan thuyền Eagle đáp xuống mặt trăng ngày 20 tháng Bảy năm 1969, là Buzz Aldrin nói, Neil Armstrong là «một anh hùng Mỹ ngoài ý muốn” đã phục vụ Tổ quốc với niềm tự hào, như một phi công hải quân, phi công thử nghiệm, kế đến là phi hành gia.”Neil Armstrong lúc nào cũng coi mình “công việc của mình thôi”.
Nhưng công luận chánh trực của Nhân Loại rất công bằng. Con người ăn nói khiêm cung đó phút chốc trở thành người anh hùng của Trái Đất, một biểu tượng của cuộc phiêu lưu kỳ thú khám phá và chinh phục không gian của Nhân Loại tuổi chưa bằng một phần tỷ của Thái Dương hệ trong đó có Trái Đất là quê hương Con Người và Mặt Trăng là niềm mơ ước, nguồn cảm hứng của Nhân Loại.
Bản tính khiêm nhường, Armstrong sau chuyến lên Cung Trăng trở về làm Phụ tá cho Tổng Giám đốc NASA, giáo sư cho Đại học Cincinnati rồi hồi hưu về sống ẩn dật hàng chục năm trước khi qua đời, sống trong một trang trại nhỏ ở vùng sâu của tiểu bang Ohio, né tránh máy quay phim và máy vi âm của truyền thông đại chúng Mỹ.
Dù vậy, nước Mỹ rất công bình, Nhân Loại hiểu biết biến Ông thành một anh hùng vĩ đại của Mỹ và trong lịch sử Nhân Loại.
Một chuyện vui vui đọc thấy trên báo Pháp Le Figaro. Người thợ hớt tóc cho Ông được người ngưỡng mộ Neil Armstrong trả 3000 Đô chỉ để lấy một mớ tóc của ngươi phi hành gia này cho bộ sưu tập.
Vô ích, Armstrong không thể coi mình, không thể tránh tiếng thơm anh hùng. Vĩnh biệt Armstrong trên cõi đời này, Tổng thống Mỹ là TT Obama đã ra thông cáo báo chí xác quyết “Neil [Armstrong] là trong những đại anh hùng Mỹ, không những trong thời đại hiện tại, mà trong tất cả mọi thời đại.” “Khi Ông và đồng đội trên phi thuyền Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng năm 1969, những vị này mang theo kỳ vọng của nguyên quốc gia này.” “Ngày nay, tinh thần khám phá của Neil tiếp tục đánh động tất cả mọi người nam cũng như nữ cống hiến cuộc đời cho việc tìm hiểu điều chưa biết, là những người làm cho chúng ta đi cao hơn, xa hơn.”
Và ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà dù bận trăm công ngàn việc tranh cử, là Mitt Romney cũng xác quyết “Mặt Trăng đang khóc người con đầu lòng ở trái đất của mình”. Và Ông nói tiếp Neil Armstrong «ngày nay có chỗ trong đền thờ anh hùng. Với lòng dũng cảm không thể đo lường hết được và tình yêu không biên giới của Ông đối với đất nước, Ông đã đi đến đó nơi mà không người nào trước đó đến được”. May mắn trước khi Armstrong qua đời vài tuần, Ô Romney có ghé thăm gặp, và nói chuyện với Armstrong. Ô Romney kể lại. “Lòng đam mê [của Armstrong] đối với không gian, vũ trụ và sự dâng hiến của Ông đối với nước Mỹ đầy cảm hứng cho tôi suốt đời.”
Thủ Tướng Pháp Jean-Marc Ayrault nói, “Neil Armstrong đã mở đường cho một giai đoạn mới chinh phục không gian bởi con người”. Bộ Trưởng ngành cao học và nghiên cứu của Pháp là Geneviève Fioraso, vinh danh Neil Armstrong “Vào thời điểm tiến trình không gian Pháp cộng tác với NASA, đưa chuyên môn phục vụ một cuộc phiêu lưu mới cho khoa học với phi thuyền tự hành Curiosity trên Sao Hoả, tôi xin vinh danh và tưởng niệm con người vĩ đại đó.”
Để kết thúc bài này, liên quan đến số kiếp con người ngắn ngủi trong bối cảnh liên đới của các thế hệ và trên đà tiến hoá lâu dài của Nhân Loại, xin trích dẫn câu sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo khuyên người đời: “Kẻ chết đã yên rồi một kiếp. Người sồng còn tái tiếp noi gương.”
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment