Đất nước đang bước vào thời điểm lịch sử quan trọng
(Phần cuối)
Lê Quế Lâm
Việc kiểm điểm phê và tự phê của cơ quan đầu não Đảng CSVN kể như tạm
chấm dứt. Bộ Chính trị đã nhận khuyết điểm và xin Ban Chấp hành Trung ương kỷ
luật tập thể Bộ Chính trị và một thành viên, một Ủy viên của Bộ Chính trị. Tiếp
đó, Nguyễn Tấn Dũng -với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, đã
“nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu chính
phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất
cả những yếu kém, khuyết điểm của chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành».
Hiện nay, người dân chưa thể biết được tập thể giới lãnh đạo Đảng CSVN vi
phạm những khuyết điểm gì đến nổi phải xin chịu kỷ luật trước toàn Đảng, nhận
lỗi trước Quốc hội và toàn dân. Tuy nhiên, đồng bào có thể biết được phần nào
mức độ thành khẩn của họ về thực trạng đất nước qua bài viết của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang nhân ngày Quốc Khánh 2/9 năm 2012. Bài viết xuất hiện
đúng 1/2 tháng sau ngày ông Sang tham dự đợt kiểm điểm phê và tự phê kéo dài 16
ngày. Bài viết của chủ tịch nước được báo Tuổi Trẻ đặt tựa đề “Phải biết hổ
thẹn với tiền nhân” được đăng trong số báo ngày 23/8/2012, với lời mở đầu:
“Ngày quốc khánh bao giờ cũng đem lại cho mỗi người chúng ta những cảm
xúc thật đặc biệt. Tôi nhớ lại cảm xúc của mình vào những ngày kỷ niệm này
trong nhiều năm qua, cho dù lúc đó tôi đang ở thành phố hay nông thôn, vào buổi
trưa hay vào lúc nửa đêm khi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ. Tràn ngập trong tâm
khảm tôi lúc đó là cảm xúc thiêng liêng và lắng đọng về ý nghĩa vĩ đại của ngày
Độc lập với non sông và dân tộc Việt Nam ta. Một câu hỏi da diết xuất hiện
trong những khoảng khắc ấy: những gương mặt mà ta đã gặp, những ngôi nhà, góc
phố, hàng cây, mỗi ngôi làng hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm sẽ
như thế nào, sẽ ra sao, nếu không có ngày độc lập ấy?”
Nhà báo Nguyễn Thông nhận xét bài viết: “Nói chung không có gì mới.
Phần tình cảm nhiều hơn lý trí, suy nghĩ. Cái phần mở đầu, câu chữ loáng thoáng
chập chờn giọng văn kiểu trong bài tập đọc “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh.
Mở đầu một bài viết quan trọng tầm quốc gia, cho hàng triệu người đọc mà lại lả
lướt trữ tình như thế thì quả không nên. Không ai cấm chủ tịch nước được quyền
bày tỏ nổi lòng, tâm tư của mình nhưng phải trong hoàn cảnh, văn cảnh thích
hợp...” Còn nhà báo Trương Duy Nhất “Cứ ngỡ đó là bài làm văn. Một bài
quá ư lòng thòng của Chủ tịch nước. Một bản thông điệp nguyên thủ chung chung,
khẩu hiệu sáo rổng đến nhàm chán...Một bản thông điệp tập làm văn làm ông mất
điểm nhiều sau những ấn tượng tốt đẹp từ “một bầy sâu” đến “ăn hết phần của
dân...” (hết trích)
Theo nhận xét của người viết bài này, thì ông TTS đã mượn lời văn tả cảnh
để nói lên nổi lòng của mình: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm tư này
thể hiện rõ trên gương mặt của ông, lúc nào cũng trầm tư, u buồn. Đôi khi cũng
có nụ cười, nhưng là cái cười ngượng, chu chát. Cảm xúc về ngày Quốc Khánh đối
với một lãnh tụ như ông, từng là Bí thư một thành phố lớn nhất nước, nay là Chủ
tịch nước, tức nhiên lúc nào cũng sống động, tràn đầy niềm vui...Ông đi khắp mọi
nơi, nông thôn hay thành phố, vào buổi trưa hay lúc nửa đêm, để tìm hiểu cảm
tưởng của cán, bộ, đảng viên và nhân dân trong ngày thiêng liêng đó. Ông bắt
gặp những gương mặt, được mô tả trong phần sau bài viết của ông “ai cũng có
một điều gì đó, một bức xúc hoặc không đồng tình nào đó đụng chạm đến bản thân
hoặc do chính sách, do tổ chức thực hiện”.
Mang tâm trạng buồn, ông nhìn cảnh vật, những ngôi nhà, góc phố, hàng
cây, mỗi ngôi làng cũng đìu hiu, ủ rũ...Tiếng chuông chùa vang lên trong canh
khuya vắng lặng, càng tăng thêm nổi buồn man mác, làm thức động lương tri con
người. Trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ vào lúc nửa khuya, còn ông thao
thức, trăn trở với câu hỏi da diết: Những gương mặt đó sẽ như thế nào? Những
cảnh vật đó sẽ ra sao “nếu không có ngày độc lập ấy?”
Có lẽ không riêng gì ông TTS, mà còn rất nhiều người có cùng cảm xúc như
ông về ngày Quốc Khánh 2/9 năm 1945. Ngày đó tại quảng trường Ba Đình, nơi
tiếng nói sang sảng của ông Hồ Chí Minh khi đọc Tuyên ngôn Độc lập vẫn
còn vang vọng trong tâm khảm nhiều người. “Hởi đồng bào cả nước, tất cả mọi
người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có
thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của
nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều
sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự
do”. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng
nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được
tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Rồi hơn một năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, đồng
bào lũ lượt rời bỏ thủ đô, tham gia kháng chiến chống Pháp. Với chiến thắng
Điện Biên Phủ 1954, VN đã đánh bại thực dân Pháp giành được độc lập. Khi đó ông
HCM còn sống, nhưng những tinh hoa của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
Pháp năm 1791 được thay bằng tư tưởng Mao Trạch Đông: đấu tranh giai cấp, hận
thù dân tộc. Năm 1975, CSVN chiến thắng đế quốc Mỹ thống nhất đất nước. Thân
xác ông HCM vẫn còn quàng tại Hà Nội, lời nói của ông đã được ghi âm, hình ảnh
rừng người bao quanh ông ở Ba Đình đã được thu hình, tất cả đã trở thành lịch
sử…Nhưng nội dung Tuyên ngôn Độc lập hầu như không còn ai nhắc đến, kể như
không có. VN thực hiện đường lối độc tài độc đoán của tên trùm Đỏ khát máu
Stalin.
Phải chăng những vấn nạn trên khiến ông TTS có cảm xúc buồn “về ý
nghĩa vĩ đại của ngày Độc lập”? Vì thế một câu hỏi luôn da diết xuất hiện
trong tâm khảm: dân tộc “sẽ ra sao, nếu không có ngày độc lập ấy”. Xin
thưa: nếu không có ngày này thì dân tộc đã được hưởng độc lập, tự do,
hạnh phúc thực sự từ hơn nửa thế kỷ trước.
Ông TTS viết tiếp “Đã có nhiều cuốn sách, những bài diễn văn của các
học giả, các nhà lãnh đạo trong và ngoài nuớc trong suốt 67 năm qua đề cập từng
khía cạnh, thậm chí nhỏ nhất về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và Quốc
khánh 2/9. Với những giá trị lịch sử to lớn và những bài học thực tiễn phong
phú suốt 67 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Đảng CSVN đã đưa dân tộc đi
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những vật dụng xưa kia trong đời sống
lam lũ của người dân như cái khố rách, cái cối xay, đôi guốc mộc hay là chiếc
xe đạp Thống Nhất mới chỉ vài chục năm trước còn là một phương tiện “sang
trọng” thời bao cấp thì nay chỉ còn là ký ức hay vật trưng bày trong các bảo
tàng viện”. (hết trích)
Người đọc đừng ngạc nhiên khi thấy ông Chủ tịch nước lại cường điệu. Mục
đích của ông để chuyển ý vào phần chính của bài viết, vẽ ra bức tranh ảm đạm
của đất nước ngày nay. Thật ra ông thừa hiểu, kể từ ngày thành lập nước, Đảng
CSVN đã đưa dân tộc đi từ “thất bại” này đến “thất bại “ khác.
Kháng chiến chống Pháp thành công với chiến thắng ĐBP, nhưng CSVN chỉ giành
được một nửa nước. Sau đó, Bộ Chính trị Đảng Lao động VN (tiền thân Đảng CS)
khoá III đã ủy nhiệm TT Phạm Văn Đồng ký công hàm năm 1958, nhằm mua lòng TC,
để nhờ đàn anh chi viện, giúp CSBV thôn tính MN. Chiến tranh chống Mỹ vừa chấm
dứt, đất nước thống nhất, chiến tranh lại xảy ra với Khmer Đỏ, lại bị đàn anh
TC tấn công “dạy cho bài học”. Năm 1990, LX sụp đổ, CSVN lại quay về thần phục
và ký hiệp ước với TQ, hậu quả là một phần đất và biển ở Vịnh Bắc Việt rơi vào
tay đàn anh TC. Ngày nay, VN dù có chứng cớ chủ quyền hai đảo Trường và Hoàng
Sa, nhưng lại kẹt vì công hàm 1958 và sự hợp tác toàn diện giữa CSVN và TC.
Trên đây là thực trạng đất nước trong 67 năm qua. Xin bạn đọc theo dõi
tiếp bài viết của ông TTS nhân ngày Quốc Khánh 2/9, để thấy được những vấn nạn
lớn của đất nước ngày nay.
“Sau hàng ngàn năm lịch sử, đất nước chưa bao giờ đẹp như hôm nay. Nhưng
phải chăng không còn điều gì bất cập, không có vấn nạn gì mà mỗi khi nghĩ đến
ta thấy nhức nhối trong lòng? Hằng ngày lật giở các trang báo, gặp gỡ các cán
bộ, đảng viên và nhân dân, ai cũng có một điều gì đó, một bức xúc hoặc không
đồng tình nào đó đụng chạm đến bản thân hoặc do chính sách, do tổ chức thực
hiện. Thậm chí nhiều khi chúng ta bắt gặp sự phản ứng đến mức phẩn nộ. Đã có
những chính sách được về mặt chính trị, an ninh thì lại chưa ổn về mặt về mặt
xã hội, dẫn đến những tranh luận nhiều khi gay gắt, thậm chí xung đột. Giá cả
các mặt hàng leo thang kéo theo nhiều hệ lụy; chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và
xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng.
“Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mặt trái tiêu cực của nó
càng có môi trường nảy sinh. Ai cũng đồng tình từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp,
cào bằng, bình quân chủ nghĩa làm triệt tiêu mọi động lực phát triển, duy trì
nghèo đói,nhưng chuyển sang cơ chế thị trường thì những mặt trái của nó đã
giáng vào đòi sống xã hội những “đòn” không kém phần khốc liệt. Có những việc
tưởng như đơn giản, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không
phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với
những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này
níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia
bị “lạnh”...xuất hiện những con người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn rình rập mọi
sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”.
“Sau khi đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, hậu quả nặng nề của
chiến tranh chưa được khắc phục thì lại vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu mới
để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa phải chống lại sự cấm vận của các thế lực thù
địch, phải tìm tòi khảo nghiệm con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực
tế của Việt Nam.
“Cũng có không ít những sai lầm, khuyết điểm, phải sửa sai như trong cải
cách ruộng đất, sửa sai những khuyết điểm chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo,
quản lý và cơ chế chính sách khiến cho kinh tế -xã hội lâm vào khủng hoảng trầm
trọng thời điểm trước Đại hội VI (1986)
“Ngoài xã hội và trong bộ máy Nhà nước, cái tích cực với cái tiêu cực xen
lẫn, nhiều vấn đề giải quyết chậm, để lỡ mất cơ hội. Phải làm sao đây để phát
triển đất nước giữa một thế giới cạnh tranh không chấp nhận sự trì trệ? Nếu chỉ
cố gắng như những năm vừa qua không còn đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để
theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi
lĩnh vực. Trước những bất cập về quản trị kinh tế, chúng ta chủ trương đổi mới
mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng đó đâu phải việc ngày một
ngày hai. Thậm chí có những việc như chống lạm phát đã hé lộ khả năng giải
quyết được cơ bản, nhưng có nguy cơ chuyển sang căn bệnh mới tác hại không kém,
đó là giảm phát.
“Mới đây thôi, những vấn đề đặt ra từ Tiên Lãng-Hải Phòng, Văn Giang-Hưng
Yên, Vụ Bản-Nam Định... đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các cơ sở pháp lý
về đất đai. Hoặc những đỗ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; những suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên và cả trong nhân dân đòi hỏi phải chỉnh đốn, phải tăng cường thực
hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; những mục tiêu đòi
hỏi phải đạt được nếu không muốn dẫn đến tụt hậu và bất ổn; ngân sách nhà nước
thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa
tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập của phần đông người lao động...
Đó thực sự là những áp lực không nhỏ, không chỉ với bộ máy Đảng, Nhà nước mà
với toàn bộ xã hội. Khó có thể nói những khó khăn thời kháng chiến chống thực
dân, đế quốc xâm lược và những khó khăn hiện nay thì cái nào lớn hơn, khốc liệt
hơn?
“Dù còn nhiều khiếm khuyết, chưa hoàn thiện trên cơ thể đất nước, nhưng
phải khẳng định rằng: công cuộc đổi mới đã đạt được thành tựu vô cùng to lớn,
có ý nghĩa lịch sử. Tất cả những điều đó đã được chúng ta cùng nhau thực hiện
và là bằng chứng về khát khao vươn lên của chúng ta. Đất nước chưa bao giờ đẹp
như hôm nay”. (hết trích)
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận bài viết trên, đã nói lên “những cảm xúc đặc biệt”
của Chủ tịch nước và đặt tựa đề “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân”. Phải
chăng cái cảm xúc đặc biệt mà Tuổi trẻ đề cập là Chủ tịch nước TTS đã thức
tỉnh, biết xấu hổ với tiền nhân, chớ không còn tự phụ “đỉnh cao trí tuệ loài
người”? Ông TTS đã viết “Sau hàng ngàn năm lịch sử, đất nước chưa bao giờ
đẹp như hôm nay...” và kết thúc bài viết cũng bằng câu “đất nước chưa
bao giờ đẹp như hôm nay”. Nhưng suốt bài viết, ông vạch hết khuyết điểm này
đến tiêu cực khác, thì làm sao đẹp được! Sở dĩ đất nước chưa bao giờ đẹp như
hôm nay, là vì VN đã có một sự thay đổi lớn: giới lãnh đạo dám tự phê bình,
biết hổ thẹn, nhận kỷ luật trước Đảng, nhận khuyết điểm trước Quốc hội và nhân
dân. Bước kế tiếp sẽ là từ chức hoặc thay đổi thể chế đất nước.
Cuối năm 2005, trong loạt bài tựa đề “Đêm Trước Đổi Mới” báo Tuổi
Trẻ có nhắc Báo cáo Chính trị của Đại hội VI ngày 15/12/1986, Đảng CSVN thừa
nhận “đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu về xây dựng cơ sở vật
chất kỹ thuật cải tạo Xã hội chủ nghĩa (1975-1985). Cải tạo Xã hội chủ nghĩa
ồ ạt đã “lỡ” thực hiện một cách triệt để và toàn diện. Xoá tư hữu, biến mọi thứ
thành của chung, tưởng rằng công bằng nhưng không ngờ đã triệt tiêu mọi ham
muốn làm ăn, buôn bán. Sự phi lý này đã làm bánh xe lịch sử xì lốp. Phải
chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.
Trong giai đoạn 1980-1985, Đảng lại “sai lầm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo
và quản lý kinh tế. Cái giá phải trả là đất nước mất thêm hằng chục năm thử
thách, xã hội mất đi cơ hội phát triển, bánh xe lịch sử lỡ mất cuộc đua...một
cách xót xa”.
Ông Đặng Phong, Trưởng ban lịch sử kinh tế của Viện Kinh tế VN đã chua
chát nhận xét “Chúng ta đã lựa chọn một con đường vòng khá dài và tốn kém,
mà ban đầu chúng ta vững tin rằng đó là con đường thẳng, ngắn nhất, dễ đi nhất
và đi nhanh nhất. Còn cái xa lộ thông thường của qui luật lịch sử thì bị ngộ
nhận là con đường vòng nguy hiểm, đầy tai họa và khổ đau. Đổi mới là một cuộc
đại uốn nắn lộ trình, tìm lại được xa lộ của qui luật, từ đó cổ xe của chúng ta
đi thênh thang, nhanh hơn, đỡ vất vã hơn...Phải nhớ rằng từ sau năm 1975,
chúng ta đã có một nửa nước là xứ sở của nền kinh tế thị trường. Gần như
toàn bộ miền Nam không chỉ kế thừa nền kinh tế thị trường trước đó mà còn được
tiếp sức từ nguồn lực nước ngoài và Việt kiều với khoảng vài trăm triệu USD mỗi
năm”. Việt kiều gởi hang về cho than nhân trong nước. Tiền tạo thêm vốn cho
kinh doanh hoặc làm tăng sức mua của xã hội. Hàng hóa từ ngoài vào như một
nguồn tiếp xúc cho thị trường tự do. Tuy đóng góp một phần nhỏ, nhưng đã vực
dậy nền kinh tế trì trệ do các cơ sở quốc doanh tạo ra.
Đến Đại hội XI (2011) Đảng CSVN vẫn kiên trì đưa đất nước tiến lên xã hội
chủ nghĩa…Nhưng cho biết “đã có một sửa đổi quan trọng về đặc trưng cơ bản của
Chủ nghĩa xã hội. Dự thảo cương lĩnh Đại hội đề ra: CNXH “dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”, được sửa đổi “dựa
trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” được
Đại hội thông qua với sự đồng ý của 2/3 đại biểu. Phải chăng các tập đoàn và
tổng công ty như Vinashin, Vinalines, Vinacomin, PVN, EVN...tiêu biểu cho “lực
lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ” làm chủ đạo để xây dựng XHCN?
Các cơ sở quốc doanh này đều làm ăn lỗ lã nặng nề, và chỉ hơn một năm sau, toàn
thể Bộ Chính trị nhận khuyết điểm và xin Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật
tập thể Bộ Chính trị. Thủ tướng đã nhận lỗi về tất cả những yếu kém, khuyết
điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Cho thấy việc xây dựng những cơ sở vật
chất làm nền móng để tiến lên XHCN, dù đã có những thay đổi lớn trong cương
lĩnh song vẫn thất bại.
Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CS, cũng
không thể kỷ luật tập thể Bộ Chính trị, vì đó là những tinh hoa, ưu tú nhất của
Đảng. Vì thế việc điều hành đất nước vẫn nằm trong tay Bộ Chính trị, nhưng họ
phải từng bước tháo gỡ dần những bế tắc. Trước tiên, yêu cầu Trung ương Đảng
biểu quyết thông qua quyết nghị của BCT: từ bỏ việc đưa đất nước tiến lên XHCN.
Vì kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, mô hình XHCN hoàn toàn không phù hợp với
VN.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn duy trì Đảng CSVN hoặc đổi tên Đảng,
cần phải thuyết phục BCT nhìn nhận những sai lầm trầm trọng mà các lãnh tụ Đảng
đã theo đuổi trong quá khứ. Đảng sẽ chết nếu Đảng không trao quyền cho nhân
dân. Tập thể Bộ Chính trị đồng nghĩa với Đảng đã có khuyết điểm và yếu kém lớn,
thì Đảng CSVN không thể giành độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đề nghị quốc hội xóa bỏ gấp điều 4 trong Hiến
pháp.
Phần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đây là thời cơ thuận lợi giúp ông
thành lập một đảng mới để đổi mới đất nước. Đó là điều mà cựu lãnh tụ LX
Gorbachev hối tiếc, đã không thành lập đảng Dân chủ hồi tháng 4-1991, khi trả
lời phỏng vấn của báo The Guardian mới đây. Ông TTS sẽ giúp xây dựng một nước
VN tương lai tốt đẹp hơn nước Nga thời hậu CS dưới sự lãnh đạo của Putin hiện
nay. Trong giai đoạn chuyển tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục điều hành
đất nước. Đảng quyết định không thi hành kỷ luật đối với ông, thì chính phủ
cũng phải miễn tố và phóng thích tất cả những ai bị ghép tội vì vạch trần những
khuyết điểm của những người lãnh đạo nhà nước.
Lỗi lầm của một cá nhân hoặc tập thể không quan trọng bằng sự cường thịnh
của đất nước và hạnh phúc của đồng bào. Chúng tôi cầu mong Bộ Chính trị Đảng
CSVN sẽ có những quyết định lịch sử, dù phải hy sinh quyền lợi cá nhân. Ngày về
nước lãnh đạo Cách mạng, ông HCM đã hứa với nhân dân là “sẽ đặt lợi ích của
giai cấp dưới quyền lợi của dân tộc”.
Lê Quế Lâm (31-10-2012)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment