Sunday, July 14, 2013

Tàu Hải giám Trung Quốc cướp phá tàu cá Việt Nam ngoài Hoàng Sa ?


 

VIỆT NAM - 

Bài đăng : Thứ ba 09 Tháng Bẩy 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 09 Tháng Bẩy 2013

 

Tàu Hải giám Trung Quốc cướp phá tàu cá Việt Nam ngoài Hoàng Sa ?


Bản đồ quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn: wikipedia

Trọng Nghĩa  RFI


Theo nguồn tin từ báo mạng Đất Việt, chính quyền Việt Nam đang xác minh vụ hai chiếc tàu đánh cá ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu lạ với thủy thủ đầy đủ súng ống chận cướp và phá hoại hôm 06/07/2013 khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Các thông tin chưa đầy đủ cho thấy rằng thủ phạm một vụ cướp phá rất có thể là lực lượng Trung Quốc trên chiếc Hải giám 306.


Theo nguồn tin trên, khi đến tận nơi xem xét tình trạng hai chiếc tàu QNg 96787 và QNg 90153 bị nạn vừa cặp bến Lý Sơn vào hôm nay, 09/07/2013, lực lượng biên phòng địa phương mới chỉ xác định được rằng việc « đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên 2 tàu cá này là thật ».

Ngư dân trên một chiếc tàu bị nạn cho biết : Trong lúc đang đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa, họ đã bị « một tàu lạ sơn màu trắng số hiệu 306 » truy đuổi, chặn lại, rồi để cho những người súng ông đầy đủ leo lên đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản. Thuyền trưởng chiếc tàu bị cướp thứ hai cũng nói đến thủ phạm đi trên một chiếc tàu sơn trắng.

Theo lời chứng của những ngư dân Việt Nam trên tàu bị cướp, thì ngoài việc tàu cướp phá, các thuyền viên trên tàu còn bị quân cướp dùng dùi cui liên tiếp đánh đập.

Trả lời đài BBC vào hôm nay, thuyền trưởng một trong hai chiếc tàu bị cướp phá cho biết thêm một số chi tiết là những kẻ tấn công « nói tiếng Trung Quốc », người thì mặc « đồ sĩ quan hải quân », người thì có « đồ lính rằn ri ».

Các chi tiết từ những lời chứng kể trên đã phần nào xác định rằng thủ phạm cướp phá tàu đánh cá Việt Nam là lực lượng tuần tra Trung Quốc, với những chiếc tàu hải giám sơn màu trắng được tăng cường xuống vùng Biển Đông để áp đặt lệnh cấm đánh cá đơn phương của Trung Quốc.

Riêng hành động cướp biển của chiếc Hải giám 306 của Trung Quốc từng bị ngư dân Việt Nam tố cáo hồi tháng Ba vừa qua, với một kịch bản tương tự. Trang mạng Biendong.net ngày 26/03/2013 đã ghi nhận :

« Ngày 16/3 tại khu vực đảo Xà Cừ, tàu QNG 50949 TS của ông Bùi Văn Lâm cùng 8 thuyền viên của xã Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bị tàu tuần tra sơn trắng (Hải giám) mã hiệu 306 đe dọa. Thấy tàu cá Việt Nam, tàu Hải giám Trung Quốc huy động ca nô truy đuổi. Khi bắt kịp, các quan chức Trung Quốc nhảy lên tàu, đập phá ngư cụ, cướp hải sản, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. »

Trả lời phỏng vấn của RFI gần đây, giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) từng cho rằng từ nay đến tháng 8, trong thời gian Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, các lực lượng Hải quân, Hải giám và Ngư chính của họ sẽ tăng cường hoạt động để áp đặt các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Hành vi cướp phá của chiếc Hải giám 306 chỉ là một ví dụ.

 

 

Tàu cá Việt Nam 'bị tấn công, chặt cờ'


Cập nhật: 11:40 GMT - thứ ba, 9 tháng 7, 2013



Cả hai tàu cá của ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn đều chịu thiệt hại nặng

Thuyền trưởng một trong hai tàu cá Việt Nam bị tấn công ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nói với BBC những người người tấn công tàu ông 'nói tiếng Trung Quốc' và 'mặc đồ sỹ quan hải quân'.

Truyền thông Việt Nam nói hai tàu cá Việt Nam đã bị truy đuổi, đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản trong khi Trung Quốc chưa có tin chính thức nào về cáo buộc này.

Nói chuyện với BBC qua điện thoại ngày 9/7, thuyền trưởng tàu QNg 96787 TS, ông Võ Minh Vương, nói tàu của ông bắt đầu ra khơi từ ngày 4/7 và đến ngày 9/7 thì dừng lại gần đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa.

Ông Vương cho biết khi tàu của ông đang ở vị trí 16 độ 47', kinh độ đông, 112 độ, 14' kinh độ bắc thì một chiếc tàu trắng xuất hiện và thả ca nô xuống bám theo tàu của ông.

Sau 15-20 phút truy đuổi, những người này đã "leo lên tàu và dùng dùi cui điện để đánh thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu, đồng thời đập phá tàu và tịch thu toàn bộ số cá mới đánh bắt được".

Khi được hỏi những người này nói tiếng gì, ông Vương cho biết là họ "nói tiếng Trung Quốc".

Ông Vương cũng cho biết thêm những người này mặc đồ "sỹ quan hải quân", và một số khác thì mặc "đồ lính rằn ri".

'Chặt cờ'


Ông cũng nói những người này đã bắt tàu của ông và tàu của ông Mai Văn Cường ở gần đó phải quay đầu về phía Việt Nam.

"Họ chỉ hướng Việt Nam nhưng không nói là Việt Nam," ông Vương nói.

"Tôi không chịu thì họ mới chặt hai cây cờ [treo trên tàu], vứt xuống nước."

Cướp tàu 'nói tiếng TQ, mặc đồ sỹ quan'

Thuyền trưởng tàu cá VN vừa bi tấn công ở Hoàng Sa nói những người tấn công ông 'nói tiếng TQ' và 'mặc đồ sỹ quan hải quân'.


Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.



"Tôi chạy tới lấy cờ lên thì họ đánh tôi ngất xỉu."

Những người này sau đó rời khỏi tàu, ông Vương dẫn lời những thủy thủ trên tàu nói.

Thiệt hại ban đầu, theo người thuyền trưởng, là khoảng 400 triệu đồng, số tiền mà ông phải làm trong nhiều phiên mới có được.

Báo trong nước trong ngày 9/7 cũng đưa tin tàu của ông Cường cũng bị tàu mang số hiệu 306 tấn công, thủy thủ bị đánh đập và chịu thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, đồn phó đồn biên phòng Lý Sơn, cũng được báo trong nước dẫn lời nói "việc đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên hai tàu cá này là thật, nhiều ngư dân còn những vết tích bị đánh đập".

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1956.

Đến năm 1974 Trung Quốc làm chủ hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa.

Đảo tiền tiêu


Hồi tháng Tư, cả chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều có chuyến thăm ra đảo Lý Sơn.

Chuyến thăm Lý Sơn của Chủ tịch Sang và Bộ trưởng Minh có thể được xem như phản ứng cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/4 tới đảo Hải Nam, nơi xuất phát của tàu bè Trung Quốc hướng xuống Biển Đông.

Với hiện diện của người đứng đầu Nhà nước ngày 15/4 này, dường như Việt Nam khẳng định một lần nữa thông điệp về chủ quyền với Trung Quốc.


Trung Quốc và Việt Nam đang có quan hệ 'đối tác chiến lược toàn diện'

Đảo Lý Sơn, nơi có cộng đồng ngư dân chuyên hành nghề ở khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa, được cho như "đảo tiền tiêu" trong các hoạt động đánh bắt, đồng thời cũng là khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này.

Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung là nơi có nhiều ngư dân bị Trung Quốc cản trở khi hành nghề ngoài biển.

Hồi cuối tháng Năm, một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi từ Hoàng Sa về cũng đã bị tàu Trung Quốc 'cản trở và tông vỡ một bên' thân tàu.

'Chống tội phạm'


Cùng ngày 9/7/2013 chưa có tin gì trên báo chí chính thống ở Trung Quốc về các vụ việc mà người Việt Nam nêu ra.

Tuy nhiên, trang web của Cục Hải giám Quốc gia Trung Quốc (SOA) có đăng tải thông tin rằng cảnh sát biển nước này "tăng cường năng lực" tuần tra cả ba vùng biển phía Bắc, Đông và Nam nước này.

Theo Tân Hoa Xã ngày 9/7, trang web của SOA nói theo quyết định của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc thì Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ có nhiệm vụ triển khai và chỉ huy 11 đơn vị nằm dọc các vùng bờ biển Trung Quốc.

Phía Trung Quốc nói nhiệm vụ của Cục Hải giám là "bảo vệ an toàn cho các vùng biển trọng yếu và chống tội phạm trên biển", theo Tân Hoa Xã.

Về quan hệ chiến lược Trung - Việt, mới hôm 19/6, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác tại Bắc Kinh.

Ngoài thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, Bộ Nông nghiệp hai nước lần đầu tiên sẽ lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan ngư dân trên biển.

 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130709_fishing_boat_vn_attacked.shtml

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link