Tuesday, April 14, 2015

NÊN VUI HAY NÊN BUỒN?



Date: Fri, 10 Apr 2015 06:36:33 -0500
Subject: NEN VUI HAY NEN BUON.
From: lehuutu060

NÊN VUI HAY NÊN BUỒN?

Sáng ngày 06.04.2015, tại thôn Hòa lộc xã Kỳ trinh huyện Kỳ anh tỉnh Hà tĩnh đã xảy ra xô xát giữa người dân và các lực lượng chức năng của tỉnh. 15 công an phải vào bệnh viện sơ cứu. Báo Thanh niên cho biết một số người dân cũng bị thương tích.

Nhiều FBker coi đây là tín hiệu đáng mừng, là sự phản kháng cần có của những người nông dân bị áp bức. Thậm chí là bước khởi đầu một cuộc cách mạng. Ôi !



Hà tĩnh quê tôi là một tỉnh nghèo, nghèo nhất nhì Việt nam. Cùng với Nghệ an, đây là nơi xuất phát của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Những người nông dân hiền lành, chất phác, lam lũ một thời đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, đứng lên giành lấy chính quyền từ tay thực dân phong kiến. 

Cũng những người nông dân ấy lại trung thành với chủ trương đường lối của Đảng. Thời chiến tranh thì góp sức người, của cải vật chất để đánh Pháp đuổi Nhật, rồi giải phóng miền Nam. Dù đói nghèo nhưng vẫn luôn ưu tiên cho chiến trường, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". 

Những bà mẹ nghèo khó đã dỡ cả nhà mình để lót đường cho xe ra tiền tuyến. Đây là quê hương của 10 cô gái Ngã ba Đồng lộc, của anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ...Thời bình lại cuốc cào, quang gánh đi đắp đập, đào kênh, nghe theo Đảng quyết tâm "vắt đất ra nước thay trời làm mưa". Có thể nói không ngoa rằng, đây là cái nôi của cách mạng vô sản, là nơi sinh ra và lớn lên của nhiều nhà cách mạng cộng sản nòi. Đại đa số nhân dân vẫn luôn trung thành với Đảng.

Nhưng 40 năm hòa bình rồi, Đảng thực hiện đổi mới cũng 30 năm rồi mà vùng quê tôi vẫn chưa thoát nghèo. Mùa hè thì hâm hấp gió Lào, mùa mưa lũ thì nước ngập trắng đồng. Dù không còn đói ăn rách mặc như thời bao cấp xa xưa, nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng quê hương tôi. Vẫn có học sinh nghèo, chết vì đói trên đường đến trường. Nam thanh nữ tú quê tôi vẫn phiêu bạt làm 
thuê làm mướn làm dâu ở khắp xứ người. Vùng quê yên tĩnh chỉ còn lại chủ yếu là người già và trẻ con.

Tại sao những người nông dân hiền lành chất phác, lam lũ với ruộng đồng ấy, nhất mực trung thành với Đảng ấy lại có thể vùng lên phản kháng với cơ quan chức năng của Đảng như thế? Tất cả là do chính cán bộ đảng viên của Đảng đã quen lối hành xử xưa nay, luôn coi thường người dân thấp cổ bé miệng. 

Từ việc cán bộ xã đòi phải có hối lộ mới chịu dẫn đoàn cứu trợ lũ lụt đi cứu dân nghèo. Và khi đoàn cứu trợ vừa quay gót thì những ông cán bộ đáng kính ấy liền tước đoạt luôn tiền cứu trợ của những người dân khốn khổ. Tất cả những hành vi đê hèn ấy đã khiến người dân uất ức, sự phẫn nộ đã được tích tụ để có sự phản kháng như vừa qua.

Và điều gì đang chờ đợi họ trong ngày mai? Những người nông dân khốn khổ ấy sẽ đối diện với án tù, sẽ bị khởi tố vì tội chống người thi hành công vụ. Họ sẽ lâm vòng lao lý mà chưa biết có ai lên tiếng bênh vực bảo vệ họ hay không? Thấp thoáng trước mắt tôi bóng dáng của những anh Pha (Nhân vật chính trong tác phẩm Bước đường cùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) thời hiện đại. Sự phản kháng tuyệt vọng ấy không thể nào cứu được họ, không thể nào cứu được ruộng đồng của họ.

Nhưng chắc chắn nó là tiếng chuông báo động cho chính quyền, cho những cán bộ đảng viên của Đảng. Nếu không kịp thời sửa đổi thái độ làm việc, nếu vẫn luôn coi thường nhân dân thì những sự phản kháng ấy sẽ không còn chỉ ở một làng, một thôn, một xã mà nó sẽ lan tỏa rộng khắp. Xin nhắc lại lời của cụ Nguyễn Trãi :

Lớp lớp rào lim ngăn sóng dữ.
Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi.
Lật thuyền mới hiểu Dân như nước !

Chỉ có yên lòng dân mới giữ vững được chế độ chứ không phải lực lượng hùng hậu của những Cảnh sát cơ động súng đạn đầy mình !


Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link