Monday, October 27, 2014

Thái Hà cầu nguyện cho TNLT Đặng Xuân Diệu và Giáo xứ đang gặp nạn



Thái Hà cầu nguyện cho TNLT Đặng Xuân Diệu và Giáo xứ đang gặp nạn
VRNs

        Cùng tác giả:
Giáo xứ Thái Hà: “Một tấc đất là một giọt máu của tổ tiên để lại”
Giáo dân Thái Hà: 'Ra HS-TS mà giữ đất, giữ đảo, đừng có cướp đất của người dân.'
Giáo dân Thái Hà biểu tình trước UBND quận Đống Đa và đất Hồ Ba Giang
         xem tiếp
Thánh Lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Thái Hà: Người Công giáo được mời gọi tham gia chính trị để cải tạo xã hội
(27.10.2014) – Hà Nội – Hàng ngàn ngọn nến được thắp lên để cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho các tù nhân lương tâm – cách riêng cho tù nhân Phanxicô.X Đặng Xuân Diệu, cũng như cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà đang gặp nạn mấy ngày vừa qua.
Thánh Lễ được diễn ra lúc 20h, 26.10 tại nhà thờ Thái Hà, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ chủ sự thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có 8 linh mục khác và khoảng hai ngàn giáo dân cùng tham dự.

Đặc biệt có mặt trong thánh lễ này còn có sự hiện diện của một số bậc nhân sĩ trí thức như TS. Nguyễn Xuân Diện, Nghệ sĩ Kim Chi, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và anh chị em trong nhóm No-U cùng một số anh chị em không phải là người Công giáo nhưng thường xuyên tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình vào chúa nhật cuối mỗi tháng tại đây.

Trước thánh lễ, cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT Hà Nội chia sẻ với bà con giáo dân về nội dung cầu nguyện trong trong thánh lễ hôm nay. Ngài mời mọi người tham dự cầu nguyện để nhà cầm quyền Hà Nội dừng ngay hành động xâm phạm trái phép đất Hồ Ba Giang mà lịch sử đã ghi nhận trong suốt những năm vừa qua đã thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thái Hà và DCCT Hà Nội. Cùng cầu nguyện cho anh Phanxicô.X Đặng Xuân Diệu đang có đơn kêu cứu khẩn cấp từ phía gia đình về trường hợp của anh bị ngược đãi trong nhà tù suốt thời gian qua.

Trong bài giảng của mình, cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa về sứ mạng của người Công giáo đối với vấn đề xã hội: Người Công giáo được mời gọi tham gia chính trị để cải tạo xã hội. Họ cần phải sống đức tin giữa xã hội trần thế chứ không chỉ là sống đức tin bằng đọc kinh xem lễ trong nhà thờ.

Dựa vào các bài đọc Kinh Thánh, cha Nam Phong nói: “Lời Chúa mà chúng ta được mời gọi suy ngẫm trong ngày cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt cho anh Phanxicô.X Đặng Xuân Diệu, cũng như cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà. Người Kitô hữu đích thực không được tách biệt hai giới răn “mến Chúa và yêu người”, trái lại, họ phải phụng sự Chúa hết lòng mà là phụng sự Chúa trong anh em, chị em mình, trong những con người mà Chúa đã trao phó cho họ.”

Trước khi kết thúc bài giảng, dựa vào lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngỏ với mọi người tại quảng trường thánh Phêrô khi ngài vừa đắc cử: “Đừng sợ!”; cha Gioan Nam Phong mời gọi mọi người xin Chúa cho mình “không sợ hãi trước bạo quyền, trước những hành động phi pháp của nhà cầm quyền Hà Nội, khi ngang nhiên cưỡng chiếm những tài sản hợp pháp của Nhà Dòng, của Giáo hội. Chúng ta xin cho mỗi chúng ta được can đảm, cùng nhau dấn thân, đưa đạo vào đời, để xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh thịnh vượng hơn.”

Sau thánh lễ, những ngọn nến dần được thắp sáng lên lan tỏa khắp khuôn viên nhà thờ với những lời cầu nguyện cho Công Lý – Hòa Bình. Cha Gioan Nam Phong dâng lên Mẹ Maria tình cảnh của Giáo xứ Thái Hà để xin Mẹ nâng đỡ. Ngài cũng dâng lên Mẹ Maria lời cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu – anh đã trung kiên làm chứng cho sự thật, xin Mẹ Maria gìn giữ và nâng đỡ anh.

Có mặt trong thánh lễ cầu nguyện hôm nay, nhiều người đã bày tỏ sự liên đới với Giáo xứ và Nhà Dòng. Cô Maria Đặng Thị Tốt cộng đoàn Vinh Sơn An Phú thuộc nhóm Xa Quê cho biết: Các cô sẵn sàng vì những việc đòi đất cho nhà thờ Thái Hà cô sẽ tham gia. Từ ngày mai, sáng – tối các cô sẽ có mặt ở nhà thờ cầu nguyện để chia sẻ với các Cha những lúc vui, lúc buồn, cầu nguyện cho các đấng, các bậc được Chúa và Mẹ gìn giữ và coi sóc để các cha yên tâm chăm sóc phần linh hồn cho các cô. Mong cho nhà cầm quyền Hà Nội hãy biết lẽ phải rút khỏi mảnh đất của giáo xứ Thái Hà.

Một bạn trẻ trong nhóm No-U FC chia sẻ suy nghĩ của mình: “Chính quyền Hà Nội đang có hành động phi pháp đối với tu viện DCCT nay là bệnh viện Đống Đa và đất hồ Ba Giang của Giáo xứ Thái Hà. Hành động đó bất chấp pháp luật, không chỉ cướp đất của nhà thờ mà còn xúc phạm đến bà con giáo dân. Đó là một việc làm không thể chấp nhận được.”

Được biết trong những ngày sắp tới bà con giáo dân đến từ các hội đoàn sinh hoạt tại nhà thờ Thái Hà sẽ cắt phiên thường xuyên có mặt ở nhà thờ để cầu nguyện và hiệp thông với các cha trong nhà Dòng cùng với các cha chia sẻ trong những ngày tháng khó khăn tới.

Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Chánh xứ chủ tế thánh lễ và quý cha đồng tế Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Chánh xứ chủ tế thánh lễ và quý cha đồng tế

Hàng ngàn người tham dự thánh lễ. Ảnh chụp trong lòng nhà thờ.

Người tham dự ngồi ngoài sân tham dự thánh lễ

Tham dự thánh lễ hôm nay có TS. Nguyễn Xuân Diện, Nghệ sĩ Kim Chi, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và anh chị em trong nhóm No-U.

Sau thánh lễ, đoàn đồng tế và mọi người tiến ra trước hang đá Đức Mẹ để dâng lên Mẹ, cầu nguyện với Mẹ cho quê hương Việt Nam và cho những ý nguyện trong thánh lễ.

Một số anh chị em cầm bảng với nội dung yêu cầu nhà cầm quyền trả lại đất cho Giáo xứ và Tu viện và ủng hộ tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu.

Giáo xứ Bình Thuận cầu nguyện cho TNLT Đặng Xuân
Diệu
Nghệ An, hôm 25/10/2014 giáo xứ Bình Thuận, giáo phận Vinh thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình, đặc biệt cho tù nhân lương tâm Fx. Đặng Xuân Diệu đang bị bách hại trong chốn lao tù, do cha Anton Đặng Hữu Nam chủ tế.

https://www.youtube.com/watch?v=a_HypyUWRhI

Tất cả hơn 20 hội đoàn trong giáo xứ Bình Thuận tụ về đây cầu nguyện cho anh Fx. Đặng Xuân Diệu, mỗi hội đoàn mội lời cầu nguyện. Nếu nhìn thấy được những cảnh này chắc anh Diệu sẽ rất ấm lòng.






Nguồn: FB Friends of Đặng Xuân Diệu


 
Ngô Minh Tâm: Kể chuyện đi thăm ba trong tù


Tù nhân lương tâm Ngô Hào
Ngô Minh Tâm

Mấy ngày qua, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ đã hân hoan chào đón chú Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, bước ra khỏi nhà tù nhỏ, chấm dứt những năm tháng tù đày, khổ ải. Đây là một tin rất vui cho phong trào đấu tranh trong và ngoài nước. Nhưng xen lẫn niềm vui đó là nỗi buồn của thân nhân các nhà đấu tranh hiện đang bị giam cầm, đang phải chịu đựng sự đối xử bất công, sự trả thù tàn bạo trong các trại giam, như trường hợp anh Đặng Xuân Diệu, chị Tạ Phong Tần, cả ba tôi: ông Ngô Hào, cùng nhiều người tù chính trị khác.

Nghe tin chú Hải được thả, tôi và nhiều anh em rất vui mừng cho gia đình cô Tân. Cô và những người thân trong gia đình cô đã không còn được tự do trong nhiều năm qua vì có người chồng, người cha là tù chính trị.

Trong niềm vui đó, tôi lại bồi hồi nhớ đến ba tôi. Năm nay ba tôi đã 65 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã có cháu chắt và vui vầy với con cháu; thế nhưng ông đã phải “hưởng tuổi già” trong nhà tù khắt nghiệt, thiếu ăn, thiếu mặc, không được chăm sóc y tế, chỉ vì ông đã dám lên tiếng phản đối những bất công trong xã hội, kêu gọi trả tự do cho các nhà tranh đấu, các tù nhân lương tâm.

Nhớ lại hôm đi thăm ba ngày chủ nhật 19/10/2014, hôm đó trời Phú Yên mưa rất to, sấm chớp đùng đùng. Tôi cùng mẹ và em trai sửa soạn các thứ để mang cho ba tôi. Hôm nay khác với những lần đi thăm nuôi trước đây, mẹ tôi đã chuẩn bị nhiều thức ăn hơn, những món ăn mặn và lương khô để dành cho ba dùng trong các ngày mưa lụt. Mẹ nghĩ, hiện Phú Yên đang vào mùa bão, mà nhà tù ba đang ở thì xa, đường đi khó khăn, ngập lụt, không biết tháng sau có đi thăm nuôi ba được hay không, nên mẹ đã chuẩn bị nhiều đồ thăm nuôi cho ba hơn mọi khi.

Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, gia đình lên đường đi thăm ba. Trời mưa xối xả, những hạt mưa nặng trĩu bắn vào mặt rất đau. Em tôi chở mẹ đi trước, tôi đi sau. Nhìn mẹ ngồi trên xe như “một đứa trẻ với thân hình nhỏ nhắn”. Có lẽ do tuổi tác, bệnh tật, cuộc sống thiếu thốn và luôn phải đương đầu với bão táp cuộc đời, nhất là trong thời gian sau khi ba đi tù, đã làm cho mẹ tôi có dáng người khắc khổ như thế.

Bước vào trại giam, mẹ và anh em tôi có cảm giác nôn nao khi sắp được gặp ba. Tới nơi, mẹ tất bật xuống xe kiểm tra đồ dùng mang theo, xem có bị ướt không. Sau khi chờ đợi hơn một giờ đồng hồ, hình ảnh người cha thân yêu thấp thoáng đằng xa. Ba vẫn bước đi chân thấp chân cao, do di chứng của một lần gãy chân và mảnh đạn còn sót lại từ thời chiến tranh. Không rõ do sức khỏe yếu, hay vì vui khi gặp lại ba mẹ con, nên ba luống cuống, đi muốn té.

Ngồi đối diện ba, được tận mắt nhìn thấy người cha thân yêu của mình đang chịu sự dày vò, khổ cực trong chốn lao tù, tôi vô cùng đau xót. Mở đầu câu chuyện, ba hỏi thăm sức khỏe của mẹ, vì sao mẹ ốm yếu và xanh xao như vậy. Ba còn dặn dò: “Bà phải cố ăn đi, uống thuốc vô để có sức đi thăm tui, có sức mà lo cho con nữa chứ”. Tuy lần nào đi thăm ba, tôi cũng đều nghe ông dặn dò mẹ, nhưng mỗi khi nghe lời ba nói, tôi đều cảm thấy buồn và xót xa cho tình cảnh của cha mẹ tôi: Liệu có còn cơ hội nào để họ được sống bên nhau trong quảng đời còn lại?

Ở nhà, mẹ trông ngóng từng ngày để được đi thăm ba, mua đồ ăn cho ba, ba thích ăn thứ gì, lần trước đã mang cho ba những gì, rồi mẹ lại lo lắng, không biết trong tù ăn uống ra sao, có thuốc men khi ba bị ốm đau hay không? Trong tù, ba lại lo cho mẹ, lo mẹ ở nhà bệnh, ăn uống không đầy đủ, sẽ không có đủ sức khỏe đi thăm ba trong những lần tới. Đó là những tình cảm yêu thương mà ba mẹ tôi, người ở trong nhà tù nhỏ, kẻ ở ngoài nhà tù lớn, đã dành cho nhau.

Tôi hỏi trong tù ba ăn uống thế nào? Ba trả lời: vẫn là món rau muống như thường lệ mà mọi người thường gọi đùa đó là món “rồng xanh”. Không rõ đây có phải là tiêu chuẩn chung cho mọi người, hay đây là “ân huệ”, mà trại giam “chiếu cố” cho những người tù chính trị không chịu sự khuất phục như ba tôi, như anh Đặng Xuân Diệu hay chị Tạ Phong Tần và nhiều tù nhân “cứng đầu” khác?

Kế đến, tôi hỏi ba về thuốc men trong trại thế nào, bởi ba tôi hiện đang mắc nhiều chứng bệnh như thiếu máu não, cao huyết áp, loét bao tử, cao mỡ trong máu... Thật bất ngờ khi nghe ba nói rằng ba được đi ký tên khám bệnh và nhận thuốc rồi. Tôi nghe ba nói vậy nên mừng quá, nhưng rồi tôi vô cùng thất vọng khi nghe ba kể tiếp rằng, ngày nào ba cũng phải đến trạm xá để ký tên nhận thuốc. Có những ngày được nhận thuốc nhưng có những ngày chỉ lên để ký xác nhận vào một cuốn vở học sinh là nhận thuốc, nhưng không hề được nhận một viên thuốc nào!

Tôi không hiểu vì sao những người trong trạm y tế của trại giam phải làm như vậy? Có phải họ muốn dùng chữ ký của các tù nhân để chứng minh với các tổ chức nhân quyền, với chính phủ Mỹ và các nước phương Tây, rằng họ đã đối xử với tù chính trị ở Việt Nam “tử tế”, rằng tù nhân được chăm sóc y tế, được nhận thuốc men đầy đủ, để chứng minh Việt Nam “có tiến bộ về nhân quyền”? Và nhờ sự “tiến bộ” đó nên Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam?! Cũng chính nhờ sự “tiến bộ” đó nên các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ cũng dễ dàng hơn?!

Sau đó ba có kể, cách đây khoảng 1 tháng, có một vị an ninh trên tổng cục VIII xuống gặp ba. Tôi không hiểu họ xuống gặp ba tôi để làm gì. Họ xuống hỏi thăm vì quan tâm tới ông, hay là xuống kiểm tra xem ba tôi đã chịu khuất phục hay vẫn còn ngoan cố? Tôi hỏi ba: khi gặp họ ba nói gì? Ba trả lời rằng, ba không ngần ngại tuyên bố: Ba là lính Việt Nam Cộng hòa, đã chiến đấu bảo vệ đất nước và bảo vệ sự tự do, dân chủ của người dân. Ba vào tù hôm nay cũng chỉ vì lên tiếng cho sự tự do của người dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Và ba đã bị bắt vào tù, bị đày ải thế này, vậy mà họ tuyên truyền “Mỹ ngụy” xấu lắm, ác độc lắm, thế sao người tù nào thời đó cũng được ăn uống đầy đủ, được vui chơi thoải mái?! Ba trải qua bao nhiêu chiến trận, bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu đày ải, ba không sợ, bởi việc làm của ba là quang minh chính đại, nên dù có bị bắt, dù có bị tù tội, tra tấn, ba cũng cam chịu vì ba hiểu việc làm của mình là chính nghĩa. Một chế độ không phải lúc nào thắng là đúng đâu, muốn biết chế độ đó đúng hay sai thì 50 năm, hay thậm chí 100 năm nữa, khi con cháu thấy được tự do, lúc đó mới biết ai đúng ai sai. Dù bây giờ những người tranh đấu đang bị tù đày, không có nghĩa là những điều họ làm là sai.

Nghe những điều ba nói, tôi biết ba không sợ. Và tôi hiểu, một người lính Việt Nam Cộng Hòa như ba tôi, dù sống trong cảnh lao tù khổ ải, vẫn giữ nguyên khí chất của người lính ấy. Ba kể, kết thúc buổi gặp gỡ, vị an ninh đó nói với ba: Cố gắng giữ sức khỏe để ở tù nhé. À, thì ra họ đến để kiểm tra tinh thần của ba tôi ra sao, đã khuất phục chế độ này chưa?!

Và cuối cùng thì giờ thăm nuôi cũng đã hết. Dắt xe ra về mà lòng tôi nặng trĩu, khi nghĩ tới thân thể già yếu, bệnh tật của người cha mình ngày đêm tranh đấu trong chốn lao tù. Liệu ông có còn đủ sức để sống thêm 14 năm nữa, bước ra khỏi tù khi mãn án, hay ông phải bỏ xác trong tù như những người tù chính trị đã từng gửi nắm xương tàn trong các trại tù nơi xa xăm nào đó?

Tôi mong tất cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước đang tranh đấu cho lẽ phải, các tổ chức nhân quyền, các cơ quan truyền thông quốc tế, và chính phủ của những nước ủng hộ cho tự do dân chủ, hãy giúp lên tiếng, can thiệp cho tất cả các tù nhân lương tâm, những người đang bị bức hại trong chốn lao tù, như trường hợp anh Đặng Xuân Diệu, chị Tạ Phong Tần, bố tôi, cùng tất cả những người tù chính trị khác, được ăn uống đầy đủ, được chữa trị khi đau ốm và nhất là được tự do, sớm bước ra khỏi nhà tù nhỏ, về đoàn tụ với gia đình.

Xin ghi nhận nơi gia đình tôi tấm lòng tri ân gửi đến tất cả mọi người!

Ngô Minh Tâm
25-10-2014

Thông Tin Đức Quốc - http://www.ttdq.de/node/1852


 Ban lãnh đạo phong trào dân chủ Hồng Hông. Ảnh ngày 26/10/2014.Reuters
Ngày 26/10/2014, ban tổ chức phong trào Chiếm lĩnh Trung tâm Hồng Kông vừa quyết định hủy cuộc bỏ phiếu dự kiến để trưng cầu ý kiến của những người biểu tình Hồng Kông về phương án hành động sắp tới. Những người lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi thực thi bầu cử dân chủ lo ngại phong trào có thể đi vào ngõ cụt, nếu chính quyền bác bỏ đề nghị của sinh viên.
Thông báo của ban tổ chức Occupy Central giải thích việc tham khảo ý kiến người biểu tình qua điện thoại bị hoãn lại là với lý do « có những quan điểm rất khác biệt về các phương án hành động ».
Trong cuộc gặp thứ ba tuần trước giữa sinh viên với chính quyền địa phương, có hai đề nghị mới được đưa ra. Thứ nhất là chính quyền Hồng Kông gửi một bản báo cáo đến Bắc Kinh và thứ hai là tổ chức một cuộc thảo luận rộng rãi về các vấn đề bất đồng. Chính quyền Hồng Kông dự kiến sẽ đưa ra một dự án « dân chủ hóa » ủy ban bầu cử. Đề xuất này có thể thu hút được những người tranh đấu muốn tìm kiếm một giải pháp mang tính thỏa hiệp với chính quyền.

Về phần mình, ban tổ chức Occupy Central cũng đặt ra hai câu hỏi về khả năng theo đuổi một yêu sách triệt để hơn. Cụ thể là liệu có nên tiếp tục yêu cầu Quốc hội Trung Quốc xét lại quyết định kiểm duyệt các ứng cử viên và đòi hỏi chính quyền địa phương chấp nhận nguyên tắc ứng cử tự do trong cuộc bầu cử 2017 như điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán ? Thỏa hiệp hay đối đầu : ban lãnh đạo Occupy Central hiện chưa đưa ra quyết định.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy cho biết thêm một số thách thức mà phong trào chiếm lĩnh trung tâm phải đối mặt, khi đưa ra đề nghị bỏ phiếu lựa chọn phương án hành động.
« Một số phương án khác nhau dự kiến sẽ được đưa ra để người biểu tình bỏ phiếu theo hai vòng, vào hôm nay và ngày mai, tại ba địa điểm người biểu tình hiện chiếm giữ (Causeway Bay et Mongkok, et à Admiralty).

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu để quyết định chiến lược hành động là một bước đi mạo hiểm. Nếu như phần lớn người biểu tình đồng ý trên nguyên tắc về một nền dân chủ thực thụ, thì nhiều người mong muốn có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng lại cho rằng : các đề nghị của phong trào dân chủ chắc chắn sẽ bị chính quyền từ chối và như vậy sẽ đặt toàn bộ tiến trình này vào ngõ cụt.
Về phần mình, phe đối lập với phong trào công dân đòi bầu cử dân chủ đã huy động một chiến dịch lấy chữ ký để yêu cầu chấm dứt việc chiếm lĩnh các vị trí trong thành phố. Họ cho biết đã thu thập được tới hơn 300.000 chữ ký. Nhưng ngược lại với cuộc bỏ phiếu của phong trào ‘‘những chiếc ô’’, không có bất cứ tổ chức độc lập nào giám sát quá trình này ».

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh một lần nữa bác bỏ yêu cầu từ chức. Theo một số nhà quan sát, phong trào biểu tình đòi dân chủ hóa thể thức bầu cử khởi sự từ 28/09 có chiều hướng xẹp xuống sau nhiều đụng độ với cảnh sát và phe phản biểu tình. Hôm qua, một cuộc phản biểu tình đòi chấm dứt phong trào Chiếm Trung tâm đã diễn ra tại Hồng Kông với sự tham gia của hàng ngàn người. Trong thời gian chờ đợi phản ứng của chính quyền, Ban tổ chức Phong trào Chiếm Trung tâm nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình vẫn cần phải được tiếp tục để « duy trì áp lực ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20141026-hong-kong-occupy-central-huy-du-kien-bo-phieu-ve-chien-luoc-sap-toi/

Phía sau họ là những bậc cha mẹ can đảm!
Nguyệt Quỳnh

Cùng tác giả:
Nghĩ về Joshua Wong và tuổi trẻ Việt Nam
'là mây cao là tiếng hát'
Mảnh Bằng Khen cho Cột Mốc Sống
xem tiếp
Cuộc Cách Mạng đang diễn ra ở Hồng Kông là cuộc cách mạng mang đến cho thế giới nhiều nỗi xúc động nhất. Hình ảnh các sinh viên quỳ dọc theo đường ga xe lửa trên tay cầm tấm bảng với nội dung xin lỗi người dân vì những bất tiện gây ra bởi cuộc biểu tình, hình ảnh các sinh viên đồng loạt đứng dơ hai tay lên trời khi bị nhóm côn đồ theo lịnh Bắc Kinh trà trộn vào hành hung, và hình ảnh 5 sinh viên cúi đầu cám ơn những hỗ trợ dành cho phong trào sau buổi đàm phán với chính phủ, là những hình ảnh cảm động, đẹp nhất, và khó quên nhất. Nhìn các em, người ta thấy ngay một thế hệ người Hồng Kông đáng kính, những bậc cha mẹ phía sau họ. Đằng sau các sinh viên này, có lẽ không có những cấm đoán dữ dội, không có những lời khuyên răn kiểu như: “hãy mau trở về nhà, hãy im lặng để được sống an thân, hãy sống bàng quan, chuyện đất nước không phải là trách nhiệm của mình”.
Phía sau họ là những bậc cha mẹ can đảm!

Trả lời với đại diện chính quyền Hồng Kông về yêu cầu phải giải tán đám đông biểu tình, Alex Chow, lãnh tụ sinh viên đã xác định điều này, anh nói với họ: “nếu đi ra các khu biểu tình, quý vị sẽ thấy nhiều thế hệ dân HK ở đó. Chỉ chính phủ mới có thể làm cho họ đi về nhà, bằng cách trả lời các yêu cầu của dân chúng, cho họ thấy một lộ trình và một thời biểu để đạt đến các mục tiêu dân chủ”.
Sinh viên Hồng Kông học bài, làm bài tập, ngủ trên đường phố từ ngày này sang ngày khác, sẵn sàng chịu bị còng tay, sẵn sàng hứng hơi cay… Và cha mẹ họ cũng sẵn sàng chịu hứng hơi cay với họ.

Cách đây nửa thế kỷ, tại Hungary đã có một cuộc cách mạng của những người trẻ dũng cảm, và những bậc cha mẹ dũng cảm. Nhắc về những người trẻ này là nhắc về huyền thoại của “những chàng trai Pest” trên các đường phố của Hungary năm 1956. Những ai đã từng sống với chủ nghĩa cộng sản đều biết rằng phía sau những “những chàng trai Pest” này là những bậc cha mẹ can đảm! Đây là biến cố chấn động đầu tiên trong khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa ở Ðông Âu; vì đây là một cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản, chống quân xâm lược Liên Xô, đòi dân chủ và độc lập dân tộc.
Nhưng trước khi nói đến cuộc cách mạng năm 1956, tưởng cũng nên nhắc lại linh hồn của những cuộc cách mạng Hungary – Thi Sĩ Petőfi Sándor.

Ngày 15 tháng 3 năm 1848 trước Bảo tàng Quốc Gia Hungary, người thanh niên trẻ, lúc đó chỉ mới 24 tuổi, thi sĩ Petőfi Sándor đã dõng dạc đọc bài thơ “Bài Ca Dân Tộc” do chính ông sáng tác. Bài thơ có những câu: “Hỡi thánh thần của người Hung /Chúng con xin thề /Sẽ không bao giờ chịu kiếp nô lệ!…” Đây là một khúc tráng ca, hào hùng như tiếng kèn xung trận. Thi phẩm này được coi như linh hồn của cuộc cách mạng dân chủ Hung năm 1848, và Petőfi trở thành một thủ lĩnh tinh thần, một thi hào vĩ đại nhất của Hungary ở thế kỷ 19. Khi liên minh Áo-Sa hoàng ào ạt đổ quân vào Hungary, mặc dù bạn hữu can ngăn, nhưng Petőfi vẫn nhất quyết đầu quân ra chiến trường. Rồi như một định mệnh, với cái ước mơ được hiến dâng đời mình nơi chiến địa, ông gục ngã như hai câu thơ ông viết: “Ðể lũ ngựa ầm ầm phóng qua xác tôi/Mau kịp đến với lẫy lừng chiến thắng...”

Cái chết của người con ái quốc Hungary, thi sĩ Petőfi Sándor, đã không bao giờ được chấp nhận. Nhiều năm sau này, dân tộc Hung vẫn đi tìm tung tích của ông. Nhiều huyền thoại đã được truyền tụng, rằng Petőfi chưa chết, ông chỉ bị thương nặng, bị bắt rồi bị đày đi ở chốn Siberia xa xăm. Petőfi Sándor của Hungary hay Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính của Việt Nam; cái họ để lại là phong cách của một con dân ái quốc trước quân xâm lược, trước cái chết tất yếu phải đối mặt. Họ đã truyền lại cho đời sau một sức mạnh có tác động mãnh liệt, mà chính họ cũng không thể ngờ tới; sức mạnh có thể làm xoay chuyển vận mệnh của cả một dân tộc.

Tuy cuộc cách mạng năm 1848 sụp đổ, nhưng thừa hưởng một tình yêu thắm thiết và lãng mạn dành cho tổ quốc của thi sĩ Petőfi để lại, những thanh thiếu niên Hungary đã lao vào cuộc cách mạng chống lại quân xâm lược Nga giành độc lập năm 1956. Cuộc cách mạng này đã hội tụ được đông đảo thanh thiếu niên Hung quả cảm và can trường. Theo tường thuật lại, ở tại Corvin nơi xảy ra chiến sự ác liệt nhất, hơn 80% chiến binh chỉ ở độ tuổi 20, nhiều thiếu niên chỉ ở ngưỡng cửa tuổi 16 hoặc trẻ hơn. Họ là học sinh, sinh viên và những công nhân ở độ tuổi dưới 25. Những thiếu niên này đã đi vào lịch sử Hung với cái tên gọi đầy thương mến “những chàng trai Pest”. Nhiều thập niên sau này, người dân Hungary vẫn lưu truyền một câu nói cảm động, mang đầy tính tự hào: “Tại sao quân Liên Xô chỉ toàn tấn công vào sáng sớm? Là vì khi đó bọn trẻ vẫn đang ngủ!”.

Đọc về cuộc cách mạng Hung 1956, chúng ta biết tuổi trẻ Hungary đã được các thế hệ cha anh dẫn dắt, trân trọng và nuôi lớn bằng lịch sử, bằng ý thức quốc gia, và bằng niềm tự hào dân tộc. Tuổi trẻ VN cũng đã từng được nuôi lớn bằng những chất liệu như thế. Gần đây nhất là thế hệ của Nguyễn Thái Học và đồng đội của anh. Tác giả Louis Roubaud đã từng viết về nỗi xúc động của ông khi chứng kiến 13 lời hô “Việt Nam muôn năm!” trước máy chém tại pháp trường Yên Bái. Hàng ngàn thanh niên trẻ của VNQDĐ đã đem sinh mạng mình hiến dâng cho tổ quốc. Có người không muốn bị giặc làm nhục phải tự sát đến ba lần như Nguyễn Khắc Nhu, hàng trăm người khác bị thực dân xử tử và hàng trăm người khác nữa bị lưu đày biệt xứ.

Cả một thế hệ thanh niên sát vai nhau, cùng dấn thân để đánh đuổi ngoại xâm, cùng đồng tâm với cái quan niệm “không thành công cũng thành nhân”, cùng thản nhiên bước lên đoạn đầu đài với lời từ biệt gởi lại như một lời nhắn: “Việt Nam muôn năm”. Điều gì đã tạo nên thế hệ thanh niên đó? Nếu không phải là cách nhìn của họ về giá trị của một con người và về ý nghĩa của sự sống.

Họ là hiện thân của những thế hệ Việt Nam đã đứng vững chân trên mảnh đất nhiều sóng gió này. Hiện thân của trách nhiệm, của lòng ái quốc, của lý tưởng trong sáng, của sự quyết tâm chấp nhận hy sinh. Họ còn thể hiện một ý chí bất khuất lưu truyền tự ngàn đời: KHÔNG CHẤP NHẬN SỐNG KIẾP NÔ LỆ. Chính vì những điều cốt lõi đó mà pháp trường hay máy chém của thực dân bỗng trở thành bùn đất.

Nhưng ngày nay, trước hiểm hoạ diệt vong, trước viễn ảnh mất nước, đâu rồi nội lực của dân tộc? Đâu rồi cả một thế hệ trách nhiệm và dấn thân? Phải chăng họ đã mất dấu sau gần 70 mươi năm dưới chủ nghĩa CS? Đâu rồi những con người đã sống cùng chiến tranh, sống qua chiến tranh? Chỉ những người nào đã đi qua chiến tranh mới biết được cái giá của độc lập quý báu đến dường nào. Và cũng chính chúng ta, có người mà máu đồng đội có lúc đã từng khô trên vai áo của mình; mới thực sự hiểu được giá trị của hy sinh cùng niềm hãnh diện khi được sống hiên ngang làm người Việt Nam.

Hỡi các bậc cha mẹ! xin chia niềm hãnh diện đó với tuổi trẻ Việt Nam. Tôi tin chúng ta đang có thật nhiều những bậc cha mẹ như chị Kim Liên - mẹ của Đinh Nguyên Kha, chị Nhung - mẹ của Phương Uyên, bác Trần Văn Huỳnh - cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức, … Xin hãy cùng góp mặt trong cuộc tử sinh của dân tộc. Đừng để tuổi trẻ Việt bơ vơ, mất phương hướng. Xin nắm tay họ bước theo điểm sáng của lịch sử như quý vị đã từng được dẫn dắt.

Vụ án Chu Vĩnh Khang ‘lan’ sang Hà nội?


Vợ chồng ông Nguyễn Sinh Hùng
Bùi Tín:
           
Hội nghị trung ương 4 khóa XVIII đảng CS Trung Quốc vừa bế mạc. Hội nghị bàn về một vấn đề trung tâm : «Y pháp trị quốc », theo luật pháp để cai trị đất nước.
Ông Tập Cận Bình rất tự tin, cưỡi lên con ngựa ‘ Luật pháp‘ để bình trị quốc gia đang rung động, với nhiều cuộc bạo lọan ở lục địa cùng cuộc xuống đường lớn ở Hông Kông.
Chuyên chính vô sản là độc tài đảng trị sao lại có thể đi với việc trị nước bằng pháp luật nghiêm minh. Đảng CS Trung quốc đang trổ tài làm xiếc : trộn nước với lửa ; mà nước với lửa sẽ xoắn xúyt gắn bó với  nhau. Tài thật.

Đến lúc gần bế mạc chiều 24/10/2014 tại hội nghị mới hiện ra màn trình diễn giật gân, với thông báo của Ủy ban Kỷ luật và Thanh tra trung ương đảng về khai trừ đảng và truy tố 6 cán bộ cấp cao của đảng. Chu Vĩnh Khang ‘ Ông Hòang Công an ‘ có chân trong số 9 chín ông Vua tập thể - Ban thường vụ của bộ chính trị gồm 25 người, có quyền uy cao hơn quốc hội, vốn xưa nay được coi như 9 nhân vật bất khả xâm phạm, nằm ngoài pháp luật, đã bị khai trừ khỏi đảng, bị truy tố và 6 kẻ tội phạm này có thể đối diện với tội tử hình hay ít ra là chung thân.

Đây là vụ án lớn chưa từng có, một đợt xử án rộng cũng chưa từng có, riêng vụ Chu Vĩnh Khang, theo Weibo và Buổi sáng Hoa Nam (tháng 8 và tháng 9-2014)  đã có 200 cán bộ, nhà kinh doanh, thân nhân  bị bắt giam, tài sản bị phong tỏa thu giữ đã lên đến vài chục tỷ đôla. Quá trình xét xử vài tháng có thể lan rộng xuống dưới, động chạm lên trên, thậm chí tung tóe lên cao, đụng đến nguyên Thái thượng hòang Giang Trạch Dân, được coi là đệ tam  Hòang Đế của Đế chế Cộng sản Trung Hoa. Đệ nhất Hòang đế là Mao Trạch Đông, đệ nhị là Đặng Tiểu Bình, đệ tam là Giang Trạch Dân, đệ tứ đang là Tập Cận Bình.

Cũng theo tin trên, trong 1 năm nay trong chiến dịch truy lùng tham nhũng ‘ Đả hổ diệt ruồi’ số đảng viên CS bị khai trừ, mất chức, bỏ tù đã lên đến 182.000 người, đồng thời chiến dịch ‘săn cáo trốn chạy’ truy lùng đảng viên trốn sang Hoa Kỳ, Canada, Úc, châu Âu, Nga cũng đang mở rộng.

Nghị quyết ‘Y pháp trị quốc’  -  cai trị đất nước chiếu theo pháp luật - của cuộc họp mới
sẽ tác động về mọi mặt đến đời sống của Trung quốc, với kết quả rất bấp bênh, hoặc là đi đến tận cùng làm trong sạch bộ máy cai trị, phục hồi tín nhiệm trong nhân dân, hoặc là sẽ bỏ dở dang vì theo bản chất, chế độ toàn trị độc đảng là không thể hoần lương, cải cách.
Vậy ta sẽ theo dõi ‘gánh xiếc CS Bắc Kinh’ làm trò ảo thuật. Dân Trung quốc không thể chấp nhận một cuộc đánh lừa phũ phàng nữa, sau Bước nhảy vọt, sau cuộc Cách mạng văn hóa vô sản, sau vụ Thiên An Môn đẫm máu.

Đảng CS Việt nam sẽ ăn nói, hành động ra sao trước sự kiện to lớn trên đây của Trung quốc. Lãnh đạo VN coi TQ là ông anh cả, kiểu mẫu để học tập kịp thời về mọi mặt, ắt phải coi đây là một nguồn cảm hứng chính trị mới. Không phải ngẫu nhiên, vấn đề xây dựng chế độ pháp trị, cải tổ ngành tư pháp, tòa án  công minh tự chủ cũng được đặt ra ở Hội trường Ba Đình. Thủ tướng đã nói đến ‘xu thế dân chủ là không thể đảo ngược’, rằng ‘ dân chủ và nền pháp trị là 2 thành quả song sinh của nền chính trị hiện đại’.

Tại quốc hội một số đại biểu đã nói thẳng ra rằng biên chế quá nặng, hơn 30% viên chức sáng vác ô đi tối vác về không làm việc, rằng mấy chục năm trước đã có đại biểu báo động là số viên chức riêng một tỉnh Thanh Hóa đã lớn hơn tòan bộ nhân viên của phủ Tòan quyền Đông Dương năm 1944, để nay không có tiền trả lương, việc tăng lương phải hõan. Một số blogger tự do đòi rà sóat lại số lượng công an sao mà đông, ngân sách chi cho bộ máy Công an được biết là cao hơn bộ quốc phòng, số tướng theo tỷ lệ cao gấp 3 lần quân đội, trong khi ở TQ người ta dám truy tố người cầm đầu Chu Vĩnh Khang và người số 2 bộ công an là thứ trưởng Lý Đông Sanh đầy thế lực. Chu Vĩnh Khang được loan truyền rộng rãi là phá nát, ‘hung thủ hóa cả bộ máy công an trong 8 năm làm bộ trưởng, không khác gì ngành Công an VN dưới trướng 2 đại tướng Lê Hồng Anh  và Trần Đại Quang đã giết chết và làm bị thương hàng trăm công dân trong hơn 1 năm qua.

Trong lúc đó, có một sự ngẫu nhiên thú vị. Trên Dân Làm Báo (21/10) có bài viết về mâu thuẫn công khai giữa thủ tướng và chủ tịch quốc hội về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua, về cuộc đấu quyết liệt giành ghế giữa 2 ông khi Đại hội đảng khóa XII tới gần. Cái ghế đó là vị trị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mẫu của Trung Nam Hải.

Giữa lúc quốc hội đang họp, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Đại Dương Hà Văn Thắm vốn thân cận với chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bị miễn chức và giam giữ.

Trên mang Thông Tấn Xã Vàng Anh (TTXVA) xuất hiện một lọat tài liệu, băng vidéo nói về mối quan hệ giữa Hà Văn Thắm nắm công ty Đại Dương có vốn hơn 1400 tỷ đồng với bà Nguyễn Hồng Phương Chủ tịch tập đòan SSG, người phụ nữ kinh doanh lọai lớn nhất, có cổ phần trong hơn 20 công ty đa ngành : bất động sản, ngân hàng, khách sạn, khai khóang, dầu mỏ, du lịch, năng lượng, trường đại học ngọai ngữ…


Bà Phương, chị ông Nguyễn Sinh Hùng

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương được biết là chị ruột của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Rất đáng chú ý là trang mạng TTXVA  được sự cộng tác của một số nhà báo tự do có quan hệ rất gần với bộ Công an và bộ Tài chính, có cả một bài điều tra nói về sự hình thành của ‘Đế chế Tư bản Nguyễn Sinh Hùng’, từ khi ông là Cục trưởng cục Kho bạc bộ tài chính năm 1990, rồi thứ trưởng, rồi bộ trưởng Tài chính, rồi phó thủ tướng thường trực phụ trách tài chính – ngân hàng, tham gia dẫn đầu việc lũng đọan nền tài chính quốc gia trong hơn 25 năm ròng, thành tích nổi nhất là mở vòi tiền bạc của dân tha hồ chảy vào quỹ riêng của đảng CS đồng thời vào hàng lọat quỹ riêng của các Tổng công ty và công ty quốc doanh cũng đều do các đảng ủy CS nắm giữ, các chức vụ đều phân cho cánh hẩu, bạn thân, tay chân và họ hàng. Tài liệu trên đây cho biết sau khi học ở Bungari về ông bỏ vợ để lấy một cô ‘gái bán bia hơi’20 tuổi, được cơ cấu ngay vào làm cán bộ ở bộ 4T – thông tin truyền thông, nay được bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn ưu ái, hiện bà Lê Thị Mai Hương, phu nhân chủ tịch quốc hội, đã được đề nghị làm Vụ phó vụ tổ chức cán bộ (!) của bộ 4T. Một cặp vợ chồng hòan hảo.

Một băng Vidéo đang còn lưu trên mạng TTXVA lời nói của ông chủ tịch quốc hội trên điện thọai với Tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình : « Mày mà không đuổi thằng Hưng (Lê Trung Hưng, ông trùm của Bảo Việt) ra khỏi ngân hàng tao sẽ tìm cách đuổi mày ra khỏi ngân hàng Nhà nước ». Đúng là khẩu khí ông trùm Maphia tài chính – ngân hàng với tay sai bộ hạ. Không một chủ tịch quốc hội nào trên thế giới có được lời nói ấy.

Tài liệu trên còn ghi rõ mối quan hệ khăng khít giữa tài chính- ngân hàng với ngành công an, cặp đôi Nguyễn Sinh Hùng – Lê Hồng Anh, giữa tiền bạc bất chính và cái dùi cui chuyên phục vụ tư bản đỏ trong một chế độ CS thời suy tàn.

Phái viên thiên triều Dương Khiết Trì sắp sang Hà Nội. Chắc chắn đàn anh sẽ phổ biến kinh nghiệm ‘đả hổ diệt ruồi, săn cáo trốn chạy’, về vụ án Chu Vĩnh Khang nghĩa là đánh từ cao nhất trở xuống, không lọai trừ một ai, về nghị quyết ‘ Y pháp trị quốc’ – trị nước theo luật.
Để xem báo chí lề phải nói gì khi TTXVA đưa ra nhiều bài và ảnh đến thế về chủ tịch quốc hội cùng gia đình, bộ hạ xa gần. Và hãy ngắm xem thần sắc của ông trùm tài chính- ngân sách- ngân hàng đang đứng đầu ngành lập pháp có còn tự tin, huênh hoang như trước hay không. Ông chủ tịch quốc hội nổi tiếng là nói rất có … ấn tượng, nghĩa là ẩu.

Có tiền mua tiên cũng được, nhưng mọi sự đều có mức độ. Chu Vĩnh Khang cùng tay chân có tài sản vài chục tỷ đôla đã ngã ngựa lăn kềnh, túi tiền càng lớn tội càng nặng.
Theo gương ông anh, đảng CS VN cũng phải ra tay, mạnh tay, không thể cứ chống tham nhũng lừng khừng, như phủi bụi, quyết tê liệt chứ chẳng quyết liệt tý nào.


1. Nội dung đoạn ghi âm Số 1:
Trong đoạn ghi âm, Thắm nói chuyện với Trần Thanh Quang (Phó Tổng tập đoàn) việc “đồng chí” Nguyễn Sinh Hùng đang quyết tâm triệt Lê Trung Hưng và thâu tóm Bảo Việt, các nội dung đáng chú ý:
•                     Nguyên văn phát ngôn của Nguyễn Sinh Hùng “tát” vào mặt Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Mày (Bình Thống đốc) mà không đuổi được thằng Hưng ra khỏi ngân hàng tao sẽ tìm cách đuổi mày ra khỏi Ngân hàng Nhà nước”.
•                     “Bác Hùng” đang quyết tâm triệt Lê Trung Hưng và Bảo Việt Bank nên Thắm vào cuộc “giúp 1 tay 1 chân để xử lý nó” (Bảo Việt).
•                     Chức danh “thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra” của ông  Phan Văn Vĩnh là người được Lê Trung Hưng “xin” Lê Hồng Anh cho và phen này nếu ông Vĩnh “loạng quạng” (không theo ý Nguyễn Sinh Hùng) thì ông Vĩnh sẽ mất chức.
•                     Vì vụ việc Nguyễn Sinh Hùng nôn nóng đánh cướp Bảo Việt nên việc công khai thôn tính Bảo Việt theo kế hoạch của Thắm phải lùi lại. Hiện Thắm đang nắm 20% BVB và quyền quyết 50% Bảo Việt Group nên việc sát nhập BVB về Ocean Bank chỉ còn là vấn đề thời gian.
•                     Vụ đánh Ngân hàng Bảo Việt do đích thân Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son chỉ đạo Vietnamnet.
•                     Hà Văn Thắm chơi bẩn bằng cách lệnh cho Quang IT bí mật lên mạng “tát nước theo mưa” các bài viết của Vietnamnet để hạ nhục Lê Trung Hưng và các ông Lê Hồng Anh, Phan Văn Vĩnh… (nhưng Quang phải dùng nickname và che dấu vết).

Bùi Tín

Sân Khấu Nhá Đèn – Diễn Viên Lấn Đạp
Đinh Tấn Lực

Cả nước chớm thu. Sài Gòn lênh đênh vào mùa lũ triều cường. Hà Nội nhốn nháo tứ bề xập xình chiêng trống thúc quân. Sòng bạc đang xào bài chia tụ lại. Cửa sĩ tượng trống hoác mà con tướng lú cứ lăm le đòi xuất. Một đống tốt kiễng chân với tay đòi vịn mấy cái ngai. Nhộn nhạo. Lau nhau.

Chỉ dân lành là lao đao trả thuế cho bọn quan quyền đây đó thư thả ngao du.
*
Nguyễn Tấn Dũng đi Bỉ, Đức, Ý, Vatican, rồi nhân tiện tham dự ASEM 10. Cần phải nhắc rõ các nước này đều ở Âu châu, không thôi không ai biết. Trước đây chỉ mình Giăng Mắc Êrô của Pháp là may mắn biết tường rõ tận phong thái ngây ngô ngờ nghệch của hàng nguyên thủ xuất thân từ rừng U Minh Việt. Giờ thì tất cả đều rõ.

Há hốc mồm và trợn tròn mắt nghe những lời thánh phán bằng Việt ngữ là những Charles Michel, Manuel Barroso, Martin Schulz, Herman Van Rompuy, Angela Merkel, Matteo Renzi, và cả Đức Giáo Hoàng Francis cùng Thủ tướng Toà thánh Pietro Parolin. Có lý nào họ kỵ đọc tên Dung? Vậy chứ bộ tên tây dễ đọc lắm sao? Toàn là những danh tính …khó đánh vần, nói gì tới phát âm. Đành phải Sir tuốt tuột hết cả, cho lành.

Này, ODA thì quen lắm rồi, cả tai nghe lẫn tay đếm. Nhưng còn các thứ PCA và EVFTA là gì nhỉ? Có phần trăm huê hồng không vậy? Rõ là một cuộc viễn du “đem phèn đi lóng châu Âu” đầy công phu và thắng lợi…

Thiệt ra, bọn nó có hể hả cười vui đến mấy cũng chẳng là cái đinh gì. Cốt lõi không nằm ở mấy tay có tên khó đọc đó. Cốt lõi và đại cục nhiệm kỳ đại hội XII tới đây chính là nằm trong túi quần của Ngài Lý Khắc Cường kính mến. Chẳng phải ánh đèn lồng màu đỏ của sân khấu chính trị VN đang nhấp nháy chiếu rọi tận Milan, Ý quốc, đó sao?
*
Trước đó là chuyến tham quan Mỹ quốc của Phạm Quang Nghị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi thư mời người đồng cấp là Phạm Bình Minh, nhưng chen ra ánh đèn sân khấu chập choạng này lại là bí thư thành uỷ Tháp Rùa. Báo chí Hà Nội rạo rực đưa tin, nhưng phải đến hai ngày sau khi Nghị đến Mỹ, tuyên giáo trung ương mới bật đèn xanh. Chỉ kẹt một nỗi là khó lòng lý giải ra sao cho lọt tai độc giả, đối với nội dung lá thư mời của Mỹ.

Riêng phần tường thuật còn khó hơn gấp bội, khi bí thư thành uỷ hồ Gươm ưu ái trao cho Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh chụp tấm bia cạnh hồ Trúc Bạch, kỷ niệm chiến thắng bắn rơi máy bay của “tên John Sney Ma Can thiếu tá Không quân Mỹ”. Bất ngờ dường nào khi John cười hề hề và đính chính rằng ông tên là John Sidney McCain, phục vụ quân chủng Hải quân Hoa Kỳ, chứ không phải không quân.

Không sao, đã có cách giải thích: Ở Ba Đình chúng tôi, xưa giờ, cứ không biết là không có lỗi. Nếu lỡ có, thì đó chỉ là lỗi sơ suất của thằng thợ khắc bia. Mà có lỡ thế thì mới giúp chúng tôi dễ đọc chứ có sao đâu nào?

Vấn đề không thuộc phạm trù chữ nghĩa và kiến thức. Cũng chẳng là cái đinh gì mọi thắc mắc của dân, hay của ngay đứa bị gạt bên lề là Phạm Bình Minh. Nó nằm ở chỗ nội dung trao đổi với bên mời là bộ Ngoại giao Mỹ. Làm gì có chuyện bộ trưởng quan trọng (hay giá mua mắc hơn) hơn uỷ viên chính trị bộ (dù chỉ năm chức thị trưởng)? Thế là chuyện vai vế coi như xong, ta vẫn là bậc trưởng thượng của nó.

Còn lại khúc xương gà là làm sao bảo cho nó biết rằng Mỹ muốn đi lại thoải mái trong phần nào Biển Đông của VN là phải thân thiện với Ba Đình. Phải nuông chìu BĐ mới có BĐ! Các điều kiện không nhiêu khê nhiều nhặng gì đâu. Và ngược lại, Ba Đình có dư con tin làm vốn đối tác. À, cái này thì dễ nói, chỉ cần thằng thông dịch khá khá chút là bọn Mỹ sẽ ôm lấy cái thông điệp chiến lược của ta.

Tuy nhiên, phần cuối này mới là quan trọng nhất: Cái giá để dìm thằng nhóc phó thủ tướng kia tuy cao ngất, nhưng rất xứng đáng với ánh đèn sân khấu chiếu rọi từ ngọn đuốc ngoài đảo Eo-Lítsơ của Niu-Óoc.

Còn trong nước? Thế chưa đọc bản tin về Bảo tàng Hà Nội vừa mới trưng bày các tặng vật của Nghị à? Cả tranh Lào, cả vật dụng hàng ngày của tay trùm Hà Nội, nào đồng hồ, nào phôn di động, nào ấm chén, và chiếc cặp da thân thương nữa cơ. Tất cả đều được chiếu rọi sáng trưng bởi ánh đèn trên nóc tủ. Nhớ ghé vào thưởng lãm nhé!
*
Không thể không nhắc đến một chuyến công du rềnh rang “lịch sử” của hơn chục tướng lãnh ưu tú của quân đội CHXHCNVN anh hùng mới đây. Dẫn đầu là bộ trưởng bộ Quốc Phò …ng Phùng Quang Thanh.

Cái giá để đẩy thằng con cưng của thiên triều là Nguyễn Chí Vịnh ra ngoài vòng tứ kết này có thể còn cao hơn cái giá của Nghị loại Minh nói trên. Mới thấy Năm Cam là thánh: Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn.

Thành quả tương xứng có thể kể cả ngày không hết. Chỉ sơ lược vài điểm, là: 1) Từ “Bạn” đã được quần chúng hoá khi nói về thiên triều, ngoại trừ khi nói về tàu biển của Bạn thì phải khẳng định là tàu lạ; 2) Ta đã được Bạn ghi nhận ý kiến về đề nghị gìn giữ nguyên trạng trên Biển Đông của ta, tức là cái gì đã chiếm rồi thì thôi, không cắm thêm cái mới; 3) Dù Bạn không hứa, nhưng ta cũng đã khơi gợi để Bạn suy nghĩ về lời khẩn cầu không dùng vũ lực.

Nói chung là hoàn toàn thắng lợi trong suốt cuộc công du, cả ngày lẫn đêm. Bất kỳ ai bảo cầu hoà, hay dâng biểu xin hàng, cũng mặc. Bất kỳ ai đi đâu vận động cũng mặc. Chỉ có ánh sáng Bắc Kinh mới là ngọn hải đăng soi rọi cho cơ cấu nhân sự đảng của ta. Kim chỉ Nam cho ta mà không ở Bắc Kinh thì ở đâu? Bộ cứ muốn quỳ là được à?

*

Tất cả những chuyến đi giành đèn sân khấu nói trên đều không có gì khó hiểu. Có chăng là ở tay Tổng Lú, đã quá tuổi về vườn, may mà không bị đứt gánh nửa đường, lại không thể trông mong gì một nhiệm kỳ gia hạn, mà vẫn đi mây về gió, là sao?

Chuyến đi Cuba để giảng bài Mác-Lê đã xưa rồi diễm. Cái nhục không ghé Brề-Diu cũng nhạt rồi tám. Cái đáng nói là lấn sân thằng khốn kia để thân hành đi ký kết một số thương ước với Nam Hàn mà lẽ ra đó là công việc chính phủ của nó. Không hạ nó được ở chính trị bộ, không hạ nó được những hai lần ở trung ương, và không hạ nó được ở cơ quan ngoại vi có tên là quốc hội… thì cũng phải có cách làm bẽ mặt nó chứ!

Một tay Nam bộ nào đó từng bảo “cái đít có gắn bộ nhớ”, đúng thật. Có khi bộ nhớ đó còn tốt hơn cả bộ não nữa kia. Thế thì, cái bàn toạ này, nếu không thể tranh được với đám chưa già kia để lau mặt ghế hàng Tổng, thì chí ít cũng phải gài một thằng đệ tử vào đó, còn dùng tiếp sau này. Nhất định là không thể để cho thằng khốn kia nó giành mất. Xưa giờ ít khi ứng viên của tổng bí thư đương nhiệm giới thiệu bị rớt, tuy nhiên, cứ được như truyền thống của các đại hội V trở về trước là …tuyệt!

Dù gì, từ giờ tới đại hội còn những mười mấy tháng nữa. Có ai có thể cản được Lú này sang Mỹ một chuyến để đời? Cái khó là phải lốp-bi sao cho có một cái giấy mời trang trọng và một cái bắt tay chào đón trọng thị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm hữu nghị Mỹ-Việt. John Kerry thì không xứng. John McCain, dù là ứng viên tổng thống vừa rồi, nhưng lại thuộc phe Cộng Hoà, và chưa dứt trận cười về món quà Trúc Bạch, chắc không xong. Hillary Clinton không có chức vụ chính thức nào. Nancy Pelosy e rằng kho vận động. Có ai thân quen với Harold Ford Jr. không nhỉ?

Chắc là hắn chưa thông nổi chủ nghĩa Mác-Lê đâu nhỉ? Cũng khó lòng mà hắn biết nỗi khổ của ngứa ghẻ ra sao. Đòi hắn biết được thành ngữ ném chuột vỡ bình còn khó hơn lên trời. Lại chắc gì hắn biết ta đã đạt thắng lợi trên Biển Đông ra sao? Đấy, tất cả những cái biện chứng đấy, cộng thêm kinh nghiệm đối thoại mềm dẻo/khôn ngoan/kiên trì với TQ, đều có thể trang bị tận tình cho hắn quán triệt mà không cần mất nhiều công sức.

Bọn ngoại giao có thành tâm mấy để tiếp tục đòi “kiếm cái lỗ mà chui” mỗi lần nguyên thủ VN sang Mỹ cũng mặc. Gì thì gì, ánh đèn sân khấu của Mỹ bao giờ cũng rạng ngời cả thế giới. Không đi Mỹ được phen này thì nói như bố thằng Minh, ngủ nhắm một mắt đấy!
*
Kẻ kẹt lại trong hốc Ba Đình, gần đây không có cơ hội sang Tàu lẫn sang Mỹ trong mười mấy thước chót của cuộc đua hào hứng này, chính là tay chủ tịch QH. Phải chăng đó cũng là động cơ thúc đẩy Sinh Hùng bày trò sinh sự đồng loạt với cả Phú Trọng lẫn Tấn Dũng?

Một mặt, đưa tướng Đỗ Bá Tỵ ra chào đón tướng Martin Dempsey của Mỹ, rồi lại ra trước ánh đèn rực sáng của phòng họp Diên Hồng mới cáu, mà khẳng định rằng “Trung Quốc vẫn giữ thái độc độc chiến biển Đông”. Ngay sau khi đặc sứ/đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng là Lê Hồng Anh vừa mới khấu tấu Bắc Kinh, và ngay tiếp theo đó là chuyến đi triều cống của Phùng Quang Thanh, như vừa kể trên.

Mặt khác, đích thân Nguyễn Sinh Hùng vạch trần mọi thành quả bước đầu trong bản báo cáo của Chính Phủ trước QH lần 8 khoá 13 đều là thất bại nặng nề, bằng những luận cứ đanh thép:

“Hiện nay nhiều lãnh đạo bộ ngành ngồi thụ động, chờ có bao nhiêu tiền để chi. Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết… chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy thì làm sao phát triển được đất nước, rồi trả nợ không được thì sụp đổ”.

“Phải cân bằng thu – chi. Thu lấy mà chi, chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”.

“Trước đây chúng ta vay hạn 10, 15, 20 năm. Bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu chỉ có 2, 3 năm và thậm chí chỉ 1 năm. Vậy cái việc trả nợ đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được?”.

“Cứ ăn hết lấy gì mà tiêu, ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi không hiểu thế nào”…

“Bội chi người ta để một đường, mình để một đường. Nợ công người ta tính một đường, mình tính một đường. GDP người ta tính một đường, mình tính một đường”…

Hệ thống ánh sáng trần của toà nhà mới xây theo kiến trúc lư hương của QH, phải nói là vượt ra ngoài mọi điều mường tượng có thể có của dàn kiến trúc sư quốc tế, đã chiếu rọi một ứng viên sáng giá và dũng cảm dám đương đầu cùng lúc với hai đối thủ đáng gờm của đảng và chính phủ.

Nhưng lại có vẻ như không đủ soi ánh an toàn vào một số góc khuất, ở đó, bộ hạ của chủ tịch QH bị đốn ngã rạp như chuối gặp bão trên vùng kinh tế mới. Nghị định 96/2014/NĐ-CP ra đời vừa kịp để biến tay chủ tịch Ocean Bank thành một loại chuối tiêu. Và chưa dừng ở đó.
*
Thế thì, liệu là những ánh đèn sân khấu nhá nhem nhấp nháy của mỗi giai đoạn cơ cấu nhân sự này giúp cho người ta thấy gì?

Cử tri ngoại quốc có tầm ảnh hưởng quyết định lên sinh mệnh chính trị của dàn lãnh đạo tham ngu và đầy óc tự nguyện nô lệ ở đây chăng?

Thân xác ngã rạp của những bộ hạ (tay mặt/tay trái/sân sau/cửa hậu gì gì đó) của những lãnh đạo đấu đá tưng bừng trong trận chiến đầy máu lửa này chăng?

Mỗi nhiệm kỳ có một nửa là thời trăng mật tươi cười vơ vét, còn nửa kia là của những độc chiêu không còn thấy (hay thiết) cái lưng quần ở chỗ nào chăng?

Mức độ quyết liệt và vượt ngưỡng ôn hoà, một sống một chết, cho nó không chột cũng què… có thể tính từ 15 tháng chót của mỗi trận lên đài chăng?

Các ứng viên chưa rời bệ phóng lúc này, như Nguyễn Bá Thanh (và một vài đối tượng vừa tròn vừa trẻ) chẳng hạn, liệu có còn chút hy vọng gì chăng?

Khó ai có những câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi khó đó. Người ta chỉ chờ đợi mỗi điều là kéo cầu dao tắt luôn cái dàn đèn sân khấu nhơ nhớp thổ tả này chăng?

25/10/2014 – Kỷ niệm 69 năm ngày lễ Đài Loan Quang Phục.
Blogger Đinh Tấn Lực

nguồn: http://dinhtanluc.wordpress.com/san-khau-nha-den-dien-vien-lan-dap/





__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link