Thursday, September 6, 2012

Mỹ trở lại châu Á khiến Bắc Kinh bực mình

 

 

 Thứ tư 05 Tháng Chín 2012

Mỹ trở lại châu Á khiến Bắc Kinh bực mình

Hillary Clinton vắng mặt Đại hội đảng Dân chủ để công du châu Á-Thái Bình Dương (Reuters)

Hillary Clinton vắng mặt Đại hội đảng Dân chủ để công du châu Á-Thái Bình Dương (Reuters)

Lê Phước

Chính sách châu Á của Mỹ khiến cho Trung Quốc phải bực mình. Bởi vì nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ, thì Trung Quốc tha hồ mà lấn lướt các nước láng giềng. Mùa hè vừa qua, tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực lại nổi lên dữ dội.

Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chấp nhận vắng mặt nhân kỳ Đại hội đảng Dân chủ tại bang North Carolina để công du Châu Á-Thái Bình Dương. Tờ báo Le Figaro chạy tựa : «Bà Hillary Clinton muốn làm giảm căng thẳng tại Châu Á ».

Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến an ninh vùng Châu Á Thái Bình Dương, biểu hiện là trong chuyến công du lần này, bà ngoại trưởng Mỹ đã tăng cường trong phái đoàn của mình đô đốc hải quân Samuel Locklear, tư lệnh quân đội Mỹ trong khu vực.

Theo tờ báo, sự quan tâm này tăng lên bởi trong mùa hè vừa qua, tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực lại nổi lên dữ dội. Một quan chức trong phái đoàn của bà Hillary Clinton khẳng định với tờ New York Times : mục đích chính của chuyến công du này là nhằm xoa dịu căng thẳng đó.

Trước khi phái đoàn bà Hillary Clinton đặt chân đến Bắc Kinh, hai bên đã có những tuyên bố theo kiểu chuẩn bị tâm lý cho nhau. Bà Hillary lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh hải trong vùng. Trong khi đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo Mỹ đừng can thiệp vào các tranh chấp này.

Báo chí chính thống của Trung Quốc cũng đã đăng nhiều bài với giọng điệu lạnh lùng để phản đối sự can thiệp của Mỹ. Tờ China Daily không ngại khẳng định rằng chính phủ Obama « đang tìm cách gây hấn », tờ Hoàn Cầu Thời Báo bản tiếng Anh tố cáo « Bà Hallary đang làm gia tăng sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc », và cảnh báo rằng : « Mỹ ngày càng thiếu phương tiện để có thể thống trị và cản trở Trung Quốc ».

Trong bối cảnh đó, vừa qua lại xảy đến một số việc khác, càng khiến cho cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay gắt hơn. Việc thứ nhất đó là hồi tuần rồi, trả lời cho một nhà báo Trung Quốc về câu hỏi : Liệu Mỹ có xem quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc chủ quyền Nhật Bản hay không, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ xem quần đảo này thuộc phạm vi của hiệp ước liên minh quân sự Nhật-Mỹ. Một câu trả lời gián tiếp nhưng với lập trường rất rõ ràng.

Cùng lúc ấy, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã tiết lộ thông tin về kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Châu Á theo đó, Washington đang đàm phán với Tokyo về việc thiết lập một trạm radar báo động hiện đại ở miền nam Nhật Bản để đề phòng mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, và cả đe dọa đến từ Trung Quốc. Mỹ đã lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của dự án, nhưng cho biết không nhắm vào Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Trung Quốc không tin và lấy làm khó chịu.

Trước khi đến Trung Quốc, bà Hillary Clinton đã đến Indonesia. Tại đây, bà ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định việc Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh hải trong vùng Châu Á Thái Bình Dương thông qua đàm phán đa phương. Bà ủng hộ việc các nước thành viên Asean nên đoàn kết lại thành một khối để đàm phán với Bắc Kinh về một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Quan điểm này của Mỹ đi ngược lại với chiến lược đàm phán song phương của Bắc Kinh, bởi vì đàm phán song phương với từng nước một trong khu vực sẽ giúp cho Trung Quốc ở thế thượng phong. Le Figaro nhắc lại, chiếc lược đánh lẻ của Trung Quốc đã có kết quả qua việc hồi tháng Bảy rồi đã khiến Cam Bốt làm thất bại hội nghị thượng đỉnh Asean ở Phnom Penh.

Chia sẻ quan điểm với Le Figaro, tờ báo L’Humanité chạy tựa : « Cuộc gặp đầy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ». Tờ báo đặc biệt chú ý đến những động thái biểu hiện lập trường của Mỹ và Trung Quốc trước lúc bà Hillary Clinton đến Bắc Kinh. Đối với phía Mỹ, trong cuộc hội kiến với tổng thư ký Asean, bà Hillary nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ làm hết sức mình giúp Asean tăng cường sự đoàn kết để có thể đương đầu với mọi thử thách trong khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc tỏ thái độ bực bội về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhất là việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Úc, tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, củng cố quan hệ với Philippines và Việt Nam. Tân Hoa Xã không ngần ngại nêu ra hàng loạt nghi vấn : Sự tăng cường hiện diện của Mỹ (trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương) có thật sự là chỉ để tăng cường đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực này? Mỹ có thực sự đóng một vai trò tích cực trong các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực? Mỹ thật tình không có ý bao vây Trung Quốc?

Như vậy, chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ lần này đã làm bùng lên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đến mức mà đến giờ chót, cuộc hội kiến của ông Tập Cận Bình với bà Hillary Cliton đã bị hũy bỏ.

Trung Quốc : số phận con em của người lao động ngoại tỉnh

Tại Trung Quốc, cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng là số phận bấp bênh của dân lao động ngoại tỉnh. Thành phần nông dân chính hiệu rời bỏ làng quê tìm đến các thành phố làm việc với những khó khăn chồng chất trong cuộc sống, mà một trong những khó khăn lớn nhất đó là việc học hành của con em họ. Trước thềm năm học mới, tờ báo Công Giáo La Croix chạy tựa : «Mùa tựu trường hẩm hiu của con em người lao động nhập cư Trung Quốc ».

Tờ báo cho biết, trong tiến trình phát triển phi mã của nền kinh tế Trung Quốc, người lao động nhập cư ở nước này thật sự đã bị bỏ rơi. Họ rời bỏ đồng quê bồng bế con lên thành phố lao động kiếm sống. Hiện tại, ước tính có khoảng 14 triệu lao động ngoại tỉnh ở các thành phố lớn của Trung Quốc không để con ở lại quê nhà với ông bà, mà dẫn con đến sống cùng ở các thành phố.

Để đảm bảo việc học hành cho con em mình, những người lao động này ở các khu ngoại ô tự đứng ra mở trường. Thế nhưng, các ngôi trường dành theo kiểu tự phát gặp rất nhiều khó khăn, phần vì họ không có hộ khẩu, phần vì chính quyền địa phương sách nhiễu, phần vì thiếu cơ sở pháp lý, nên các trường này có thể bị chính quyền cho đóng cửa bất cứ lúc nào.

Tờ báo cho biết, ở thủ đô Bắc Kinh, mấy năm nay việc mở rộng đô thị ngày càng nhanh chóng. Chính quyền địa phương thi nhau quy hoạch, bán đất cho các công ty. Thế là, nhiều ngôi trường dành cho con em lao động ngoại tỉnh đã phải đóng cửa. Một người dân ngoại tỉnh hiện sống ở Bắc Kinh, giấu tên cho biết, trước đây chính quyền địa phương còn nhắm mắt làm ngơ để cho các trường tự phát của người lao động nhập cư hoạt động, nhưng dần dần, quá trình đô thị hóa mở rộng, lợi ích kinh tế do các doanh nghiệp mang lại cho chính quyền địa phương quá lớn, bởi vậy mà nhiều ngôi trường dành cho dân nhập cư không còn được sự « khoan dung » của chính quyền nữa.

Hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng, và đã gây bức xúc trong dư luận. Đến mức mà vừa rồi đã nổ ra một phong trào phản đối việc đóng cửa một ngôi trường như vậy ở ngoại ô phía nam Bắc Kinh, đáng chú ý là phong trào này huy được nhiều giảng viên đại học và cả phóng viên truyền hình tham gia. Tờ báo nêu ra một chi tiết đáng suy ngẫm, theo đó chi tiêu cho giáo dục của nhà nước Trung Quốc chỉ chiếm có 4% GDP cả nước, trong khi tổng chi phí phục vụ quan chức (ăn uống, xe công vụ, phí đi công tác…) chiếm 4,15% GDP toàn quốc.

Phu nhân của hai ứng viên tổng thống Mỹ

«Đằng sau sự thành công của một người đàn ông, thường có bóng hình của người phụ nữ », câu nói này liệu có đúng với trường hợp của hai ứng viên tổng thống ở Hoa Kỳ hiện tại hay không ? Nhật báo Libération hôm nay có bài góp phần giải đáp câu hỏi này.

Đầu tiên đến với đương kim đệ nhất phu nhân Mỹ bà Michelle Obama. Bàn về phong cách, tờ báo nhấn mạnh bà Michelle đam mê thời trang. Thuở còn sinh viên, bà thường tham gia các buổi biểu diễn thời trang với bạn bè. Khi đã trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle cũng không từ bỏ đam mê thời trang của mình. Tờ báo nhận định, kể từ thời đệ nhất phu nhân của tổng thống Kennedy đến nay, Nhà Trắng chưa từng có một bà chủ chăm sóc bề ngoài và can đảm trong cách ăn mặc như phu nhân tổng thống Obama. Bà Michelle thích trang phục màu sáng và có hoa văn. Bà không ngần ngại mặc đồ để lộ hai cánh tay và các đường cong cơ thể trong những buổi tập thể hình.

Trong đợt tranh cử tổng thống của ông Obama hồi 2008, bà Michelle khi ấy được biết đến với hình ảnh của một « phụ nữ da đen phẫn nộ », bởi bà thường có những phát ngôn mạnh bạo. Chẳng hạn như sau khi ông Obama giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ hồi năm 2008, bà Michelle không ngại tuyên bố rằng, đó là lần đầu tiên bà biết tự hào về nước Mỹ. Ấy thế nhưng, kể từ khi ông Obama đắc cử tổng thống, bà Michelle đã biết thay đổi hình ảnh cho tương thích : bà đã dần dần khép mình trong tổ ấm để xây dựng cho mình hình ảnh « một người phụ nữ tận tụy vì chồng vì con ».

Đối với việc xã hội, nếu cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton chọn cho mình con đường dấn thân vào chính trị cùng chồng, thì đương kim đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle chọn con đường hoạt động thuần túy xã hội, như đấu tranh chống béo phì hay giúp đỡ gia đình các cựu chiến binh. Đặc biệt trong khuôn viên Nhà Trắng, bà Michelle còn tự trồng một khoảnh vườn rau để kêu gọi người Mỹ xem trọng hơn các giá trị sinh thái. Hiện tại, chỉ số tín nhiệm của người Mỹ dành cho bà lên đến 60%, cao hơn nhiều so với chồng bà là tổng thống Obama.

Đến với phu nhân của ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, bà Ann Davies Romney, tờ báo cho biết, về phong cách ăn mặc, bà cũng rất chú trọng đến thời trang và không ngại tốn tiền chưng diện. Như trong đại hội của Đảng Cộng Hòa ở Tampa vừa qua, bộ đầm đỏ của bà mặc khi ấy có giá trên 2000 đô la. Nói về màu sắc, tờ báo cho biết, sở thích màu sắc của bà có vẻ trái ngược với ông Romney, bởi bà thường mặc đồ sặc sỡ còn ông Romney thì gắn liền với những âu phục màu tối.

Tờ báo còn cho biết, bà Ann Romney có khi còn không ngại ăn mặc hơi gợi cảm, và đã có lúc làm dấy lên sự chỉ trích của chính những người trong Đảng Cộng Hòa. Bà Ann Romney không đi làm việc kiếm tiền, mà chọn cách ở nhà chăm sóc chồng con. Cái hình ảnh « người phụ nữ nội trợ » này đã khiến người của Đảng Dân Chủ cho rằng, bà không hề thấu hiểu được hoàn cảnh xã hội của người phụ nữ vừa đi làm, vừa lo cho gia đình. Ấy thế nhưng, bà Ann đã biết lật ngược tình thế và tuyên bố rằng bà là « người phát ngôn cho tất cả những người nội trợ » ở Mỹ.

Mặt khác, giới phân tích cho rằng, bà Ann có thể bù đắp cho hình ảnh thường được cho là « kênh kiệu và khó gần gũi» của ông Romney. Tờ báo nhắc lại, trong các cuộc phỏng vấn, bà Ann đã nhiều lần xây dựng cho chồng mình hình ảnh « một người chồng lý tưởng và một người cha hoàn hảo ». Thế mới biết, con đường vào Nhà Trắng của quý ông tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi hình ảnh của quý bà.

Thiếu niên Pháp ngày càng ít ngủ

Đến với nước Pháp, nhật báo L’Humanité có bài nói về một điều tra về học sinh cấp hai tại Pháp, tuổi từ 11 đến 15, vừa được công bố hôm qua. Bài viết chạy tựa : «Thanh thiếu niên vẫn khỏe mạnh, nhưng lại thiếu ngủ ».
Khỏe mạnh ở đây không chỉ nói về sức khỏe thể chất, mà còn liên quan đến lối sống của các thiếu niên Pháp. Điều tra cho thấy, dù ở thời đại facebook, twitter, dù thiếu niên Pháp bị cuốn vào các trang mạng xã hội, thế nhưng các mối quan hệ trực tiếp vẫn không hề sụt giảm. Đặc biệt, có đến 93% các em được hỏi cho biết mình có ít nhất ba người mạng chí cốt. Trong quan hệ gia đình, sự phát triển của công nghệ truyền thông chẳng những không làm các em xa cách hơn với người thân, mà trái lại còn được quan hệ gắn bó hơn. Chẳng hạn như, dù không ở gần nhau cũng được nói chuyện cùng nhau. Hoặc như việc nhờ các trang mạng xã hội mà các em có thể giao tiếp với bạn bè tại nhà, từ đó bố mẹ khỏi phải lo con em mình đi sớm về muộn.

Trong đời sống tình dục, phụ huynh ở Pháp thường lo rằng con em mình có quan hệ tình dục trước tuổi do được tiếp cận quá sớm và quá dễ dàng với hình ảnh và thông tin giới tính trên Internet. Thế nhưng, kết quả điều tra cho hay, độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của thiếu niên Pháp vẫn ổn định ở tuổi 17. Đi vào cụ thể một chút, ta thấy rằng, 18% các học sinh 13-14 tuổi cho biết đã có quan hệ tình dục. 75-80% học sinh cấp hai nói chung cho biết đã từng hôn môi người yêu.

Nói về tình cảm của học sinh cấp hai đối với trường lớp, điều tra cho biết, lòng yêu mến lớp học tỷ lệ nghịch với độ tuổi. Chẳng hạn như có đến 77% học sinh nam và 85% học sinh nữ ở lớp đầu tiên của cấp hai cho biết « yêu mến mái trường » của mình, trong khi đó ở lớp cuối cấp hai, thì con số nói trên giảm xuống còn 54% và 64%.

Một điều đáng lo nữa đó là việc thời gian các bé ngủ ban đêm ngày càng ít, vì xem tivi hoặc lao vào các cuộc chuyện trò trên mạng. Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên chấp nhận quan niệm cho rằng màn ảnh nhỏ hay Internet là một phần không thể tách rời trong đời sống của các em, nhưng phụ huynh phải có biện pháp kiểm soát thích hợp tránh các em bị quá đà.

Có cần thiết phải rửa trái cây trước khi ăn ?

Trên nhiều loại trái cây, ta thấy có một lớp phấn trắng mỏng bao bọc. Có cần thiết phải rửa sạch lớp phấn này không? Trả lời câu hỏi này, Le Figaro chạy tựa : « Mận, nho…và một lớp phấn trắng tự nhiên ».

Lớp mỏng màu trắng thường có trên nhiều loại trái cây, nhất là các loại mận, nho và táo. Lớp mỏng này gọi là « phấn » mà tiếng la tinh là Pruina, được tạo ra tự trong tự nhiên từ quả cây, còn gọi là « tiểu bì », có công dụng bảo vệ trái cây khỏi sự tấn công của các loài vật kí sinh, giúp trái cây không bị nước mưa hay ánh nắng mặt trời xâm hại. Ngoài ra, trong sản xuất rượu nho, lớp tiểu bì này có chứa nhiều vi sinh và các chất men rất có lợi cho quá trình lên men của rượu.

Nói như vậy thì lớp phấn trắng này là hoàn toàn tự nhiên và vô hại cho sức khỏe. Thế nhưng, các chuyên gia y tế cho rằng, cũng cần phải rửa trái cây trước khi ăn, bởi vì trước khi đến tay người tiêu dùng, trái cây đã trải qua biết bao khâu trung gian với vô số loại bụi bặm đeo bám, chưa kể là nguy cơ còn dính thuốc trừ sâu. Các chuyên gia y tế Pháp khuyến nghị : « Rửa rau quả bằng nước sạch giúp loại trừ một phần thuốc trừ sâu (nếu có) cũng như bụi bặm hay các vết bẩn có thể có chứa nhiều vi khuẩn ».

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

2 comments:

  1. Mỹ trở lại châu Á khiến Bắc Kinh bực mình?

    Chẳng những bực mà còn bị dồn về đơn vị cũ luôn. Chúng còn đang cố giãy giụa để làm mình làm mẩy với Mỹ. Nhưng e hiểu ra thì muộn mất rồi.

    ReplyDelete
  2. Thế giới hiện nay kẽ nào mạnh là làm chủ tình hình ..
    TC nếu muốn sống tồn thì ngoan ngoãn mà làm việc . không thì sẽ tan rã cả khối CS.

    Dĩ nhiên là MỸ cũng đâu để anh TC hạ gục dễ dàng ? . Anh Mỹ cũng hiểu rất rõ anh TC muốn gì .

    Còn anh VC chỉ là thằng con nít chết dói...chết giờ nào cũng được.

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official26/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link