Saturday, March 23, 2013

Trung Quốc Trục Lợi Tại Venezuela


 

 

 

Trung Quốc Trục Lợi Tại Venezuela

 

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Quang RFA

 

Cần xét lại những món nợ đáng tởm tại Venezuela và Việt Nam

Sau khi Tổng thống Hugo Chávez tạ thế hôm mùng năm vừa qua, ngày 14 tháng tới, Venezuela sẽ bầu Tổng thống và lãnh đạo mới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn kinh tế. Nhân dịp này người ta mới chú ý đến vai trò của Trung Quốc với khoảng 40 tỷ đô la tín dụng và rất nhiều dự án cho một quốc gia nổi tiếng về các vụ vỡ nợ lịch sử. Qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Thanh Quang thực hiện, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những động lực và rủi ro đằng sau sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc vào xứ Venezuela.

Thanh Quang: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau 14 năm cầm quyền của Tổng thống Hugo Chávez, xứ Venezuela có thể sẽ qua một bước ngoặt sau khi ông Chávez tạ thế. Sở dĩ quốc tế nói đến bước ngoặt vì xứ này đang gặp nhiều bài toán kinh tế xuất phát từ chính sách lãnh đạo của ông Chávez, như lạm phát, khan hiếm thực phẩm và tình trạng suy sụp của hạ tầng vận chuyển và tiện ích công cộng trong khi tham nhũng, buôn lậu và tội ác của xã hội đen vẫn lan rộng.

- Tuy nhiên, người ta còn để ý đến một khía cạnh khác là Venezuela được Trung Quốc cho vay nhiều nhất trong các nước đang phát triển. Tại sao như vậy và tương lai các khoản nợ này ra sao là đề tài mà nhiều người muốn biết. Vì vậy, xin đề nghị ông tóm tắt bối cảnh vấn đề và phân tích các động lực của Trung Quốc khi tung tiền vào một quốc gia bất ổn như vậy.

Venezuela bất ổn

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ nói về chuyện bất ổn trước. Sau khi giành được nền độc lập từ Đế quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19, Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ nợ. Trong phạm vi của chương trình kinh tế, ta hãy nói đến nạn vỡ nợ. Tính bình quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần. Trong ba chục gần đây thi đã bốn lần vỡ nợ, bình quân là bảy năm một lần, mới nhất là vào năm 2004. Tìm hiểu kỹ thì ta thấy ra một yếu tố là nạn hồ hởi sảng vì tài nguyên phong phú khiến giới đầu tư vay tiền và thổi lên bong bóng chẳng khác gì hiện tượng bể bọt trên ngọn sóng tại vùng biển Nam Mỹ nổi tiếng của Đế quốc Anh vào thế kỷ 18 mà người ta gọi là "South Sea Bubble".

- Qua thế kỷ 20, người ta lại hồ hởi nữa khi tìm ra dầu mỏ tại Venezuela từ năm 1922. Xứ này có trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, đứng hàng thứ nhì thế giới, và trở thành cột trụ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC mà cũng hoạn nạn vì nguồn tài nguyên đó.

- Nói vắn tắt thì vì ỷ vào dầu khí là nguồn thu chính, chế độ Chávez quốc hữu hóa khu vực năng lượng mà không phát triển các khu vực sản xuất khác nên kinh tế bị mất cân đối, phải nhập khẩu lương thực, bị lạm phát cao nhất thế giới mà công nghiệp dầu khí lại tụt hậu, mắc nợ vì chế độ bao cấp và lệ thuộc hơn vào Trung Quốc. Nói chung, Venezuela khó duy trì tình trạng này vì đã cạn tiền và thành phần nghèo khổ bắt đầu thất vọng. Đấy là một vấn đề rất đáng chú ý.

Ba mũi bành trướng của Trung Quốc

Thanh Quang: Chúng ta đi vào đề mục chính là sự lệ thuộc của Venezuela vào Trung Quốc. Thưa ông, diễn tiến của chuyện này là thế nào? Chẳng lẽ lãnh đạo Trung Quốc không học được bài học về nạn bể bọt đầu tư đã từng xảy ra tại Venezuela và nhiều xứ Nam Mỹ khác hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra họ đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có bản lĩnh chứ không mơ hồ đâu. Chuyện này có đầy khúc mắc nên tôi xin từng bước giải thích.

- Về đại thể, Trung Quốc là một xứ đói ăn và khát dầu nên phải bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và lương thực cho lâu dài, nếu không thì gặp loạn. Ưu tiên thứ hai là khi tiến hành việc đó, lãnh đạo xứ này quan tâm đến yêu cầu phát triển thế lực ngoại giao với các nước trên toàn cầu, bất kể tới bản chất của chế độ sở tại. Sở dĩ họ thi hành được là nhờ hệ thống tư bản nhà nước với sức huy động và phối hợp phương tiện mà các nền kinh tế tự do khó cạnh tranh nổi. Ta đã thấy khả năng huy động ấy qua bài Cộng Hoà "Dân Công" Trung Quốc cách nay hai tuần.

- Từ đó, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng đến Á châu, Phi châu và Nam Mỹ qua hai mũi công là Ngân hàng Phát triển Quốc gia, được gọi tắt theo Anh ngữ là CDB, và doanh nghiệp nhà nước. Ngắn gọn thì ngân hàng CDB cho các nước có tài nguyên vay tiền để thực hiện các dự án do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tiến hành hầu bảo đảm nguồn tiếp vận tài nguyên và qua đó củng cố thế lực ngoại giao của Bắc Kinh với các nước đang phát triển, kể cả các nước độc tài, nhất là độc tài. Vài con số sau đây có thể cho thấy thế lực đó.

- Tính đến năm 2011, Ngân hàng Phát triển CDB có tài sản trị giá gần ngàn tỷ đô la, hơn gấp tám lần Ngân hàng Phát triển Á châu và gần gấp đôi Ngân hàng Thế giới. Nhờ đó, CDB cho vay ra gần chín ngàn tỷ đô la, gấp ba số tài trợ của hệ thống Ngân hàng Thế giới. Mà các tổ chức quốc tế còn quan tâm đến việc bảo vệ môi sinh và tình trạng lao động hay nhân quyền của các nước, chứ ngân hàng CDB của Trung Quốc thì không. Họ có đồng chí là các chế độ độc tài ở tại chỗ.

Trung Quốc là chủ nợ của Venezuela

Thanh Quang: Mấy con số này phải làm thính giả giật mình. Bây giờ ta mới nói đến cách tiếp cận của Bắc Kinh vào Venezuela. Thưa ông, các mũi nhọn của Trung Quốc đã vào đây như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ với chế độ Chávez tại Caracas từ lâu nhưng xâm nhập mạnh là từ năm 2008. Một phần ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay lên tới hơn 40 tỷ đô la. Song song, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng được ngân hàng này cho vay để thực hiện các dự án gọi là "thuộc diện chính sách" của Bắc Kinh, trong đó nhiều dự án được hoàn thành tại xứ Venezuela. Nhờ tín dụng của ngân hàng CDB, Venezuela lại còn đầu tư ngược vào Trung Quốc làm người dân càng tin vào uy thế của ông Chávez trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa của ông ta.

- Năm 2007, sau khi quốc hữu hóa khu vực năng lượng và đuổi doanh nghiệp Âu Mỹ ra ngoài, ông Chavez tuyên bố rằng tài nguyên của Venezuela là tài sản của toàn dân. Nhưng thực chất thì tài nguyên này vẫn do nhà nước Trung Quốc thống nhất quản lý nhờ vai trò của ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là một điều mỉa mai mà truyền thông Venezuela hay quốc tế khó phanh phui vì ngần ấy nghiệp vụ là bí mật về an ninh của nhà nước Trung Quốc!

Thanh Quang: Ông nói đến chi tiết ly kỳ vì dường như ta đang thấy tái diễn chủ nghĩa thực dân kiểu mới, qua khẩu hiệu xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc. Nhưng trong nỗ lực này thì doanh nghiệp Trung Quốc có kiếm ra lời không và liệu có thể lại bị hiện tượng bể bọt đầu tư mà ông nhắc tới hồi nãy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, Trung Quốc nhấn mạnh đến khẩu hiệu "song doanh" theo lối nói "win-win" của giới kinh tế, nghĩa là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm lấy nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình.

- Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày phải có 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Một chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở ra khỏi Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.

- Do đặc tính địa chất, dầu thô Venezuela thuộc loại "nặng" và "chua" chứ không "nhẹ" và "ngọt" như dầu của Á Rập Saudi, nên khó lọc thành xăng vì cần kỹ thuật khác mà Trung Quốc chưa có. Thứ hai, dù mua với giá rẻ thì việc chuyển vận từ Venezuela về Trung Quốc cũng thành tốn kém. Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc lặng lẽ đem dầu Venezuela bán cho các xưởng lọc dầu châu Mỹ để kiếm lời ở giữa. Điều ấy mới giải thích vì sao thống kê của Hải quan về số dầu nhập vào Trung Quốc lại thấp hơn số dầu xuất khẩu từ Venezuela. Tức là nhờ Chávez, Trung Quốc trở thành một tay buôn dầu đáng kể trên các thị trường Bắc Mỹ!

Những Món Nợ Đáng Tởm

Thang Quang: Nếu như vậy thì liệu Trung Quốc có thắng lớn với chiến lược này hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ lại bị rủi ro loại khác. Các dự án vĩ đại mà vô dụng như những thành phố ma đã được thực hiện tại Trung Quốc cho thấy nạn bong bóng địa ốc và núi nợ chất đống vì sự hoang tưởng, đấy là một rủi ro từ cái gốc, ở bên trong. Thứ hai, Venezuela đã có truyền thống bốc đồng vì dầu và nhờ dầu mà xây dựng chế độ chia chác quyền lợi nên mới gặp bất ổn chính trị. Đấy là một rủi ro thứ hai cho Trung Quốc, ở bên ngoài. Trường hợp ấy từng xảy ra tại các nước được Bắc Kinh viện trợ mà bị động loạn và nội chiến nên càng dễ xảy ra tại Venezuela. Thứ ba, người dân bản xứ chưa hẳn là đã tin vào thiện chí của Bắc Kinh và lề lối giao tế của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu Venezuela thay đổi thì sẽ có ngày dân chúng xứ này nêu vấn đề về các "món nợ đáng tởm", là một điều mà chúng ta nên biết.

Thanh Quang: Chuyện các món nợ đáng tởm ấy là gì, ông có thể giải thích cho thính giả của chúng ta được không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên thế giới đã có nhiều trường hợp mà quần chúng, phe đối lập hay chế độ mới đòi điều tra và hủy bỏ các món nợ do chế độ cũ đã cam kết với xứ khác. Người ta gọi đó là "món nợ đáng tởm" hay "odious debts"vì chế độ cũ nhân danh quốc gia đi vay nước khác để trục lợi riêng cho tay chân hay thân tộc rồi bắt người dân phải trả. Việc kiện tụng và hủy bỏ như vậy đã trở thành án lệ quốc tế hay tiền lệ về pháp lý. Gần đây là việc chính quyền Iraq đòi hủy các khoản nợ lên đến cả trăm tỷ đô la của chế độ Saddam Hussein ngày xưa khiến nhiều quốc gia đành phải xóa nợ, nghĩa là mất tiền.

- Tại Venezuela, chế độ do Hugo Chávez dựng lên đang phải thay đổi và dù có đắc cử tháng tới, Tổng thống xử lý hiện nay là ông Nicolás Maduro cũng không có thế mạnh như Chávez mà các nhóm bên trong chẳng còn nhất trí như trước. Trong khi ấy, phe đối lập cũng cố gắng xây dựng thành giải pháp thay thế và sẽ khai thác mọi kẽ hở trong các cam kết của Chávez với Trung Quốc để quần chúng thấy ra tính chất ghê tởm vì bất công của các món nợ cũ.

- Trường hợp ấy mà bùng nổ, ta sẽ thấy nhiều dự án với Trung Quốc được công khai hóa rồi người dân hiểu ra tính chất gọi là "song doanh", đôi bên cùng có lợi, là điều không hề có. Từ đó, nội tình bí mật bên trong càng bị phanh phui và Trung Quốc không chỉ mất tiền mà còn mất uy tín với thế giới và nhất là các nước đang phát triển đã từng được Bắc Kinh chiêu dụ.

- Về phần Việt Nam, hiển nhiên là người dân đã hoài nghi những cam kết của lãnh đạo ở Hà Nội với Bắc Kinh và đòi chính quyền giải trình các dự án với Trung Quốc. Nếu tìm cho kỹ thì người ta cũng có thể thấy ra nhiều "món nợ đáng tởm" đã được các luật gia quốc tế nói đến ở xứ khác.

Thanh Quang: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này và chắc rằng quý thính giả cũng nên suy ngẫm về ý kiến vừa được nêu ra.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official26/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link