Monday, August 13, 2012

Bút ký của Biểu tình viên Nguyễn Tường Thụy: CHÚNG ĐÃ BẮT VÀ THẢ NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (3)





CHỦ NHẬT, NGÀY 12 THÁNG TÁM NĂM 2012


Bút ký của Biểu tình viên Nguyễn Tường Thụy: CHÚNG ĐÃ BẮT VÀ THẢ NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (3)





NGUYỄN TƯỜNG THỤY

.

Trước khi kể chuyện tiếp, xin dừng lại để điểm danh số người bị bắt hôm đó. Như vậy, số bị bắt lên trại Lộc Hà, xe thứ nhất có 3, xe thứ hai có 12, xe thứ ba có 15, tổng số là 30 người. 30 người cho vào một xe còn rộng chán, sao họ không tính đến bài toán kinh tế nhỉ?

Bây giờ, tôi mới hiểu ra, cứ bắt xong 1 đợt chúng phải cho xe chạy ngay giống như là cướp được đến đâu mang giấu ngay đến đó. Chúng không dám lưu người bị bắt ở Bờ Hồ lâu. Họ không thể ngồi yên như hành khách chờ tàu chuyển bánh. Họ sẽ la hét phản đối, hô khẩu hiệu. Dân đi đường, dân phố, dân ngoại quốc sẽ xúm lại quay phim, chụp ảnh. Hành động của họ sẽ bị nhiều người biết, nhất là sự cướp (cướp người, cướp biểu ngữ chống Tàu Cộng) xảy ra ngay ngay giữa trung tâm Thủ đô. Thì ra, chúng cũng biết hành động của chúng cũng làm xấu bộ mặt của chế độ.



Về những người bị bắt sớm và bắt lẻ có Lã Việt Dũng. Anh bị 8 đứa đến cung thiếu nhi xông lên tận tầng 2  bắt đi. Bác Lê Gia Khánh và bác gái Phùng Thị Châm bị bắt khi vừa khóa xe, qua đường sang phía Bờ Hồ. Hai bác bị đưa về phường Cầu Dền. Nguyễn Lân Thắng bị bắt khi đang hộ tống cụ Lê Hiền Đức, chúng đưa về công an phường Tràng Tiền, đến 4 giờ thì chúng di lý về công an phường Thịnh Quang. Nghe nói anh bị lột quần áo ra khám xét. (xem thêm Tường trình việc bị tụt quần tại đồn công an Tràng Tiền). Còn cụ Lê Hiền Đức bị đưa về phường Láng Thượng, đến đầu giờ chiều thì chúng thả ra, cụ liền bắt tắc xi lên tiếp ứng cho mọi người ở trại Lộc Hà.

Như vậy tổng số người bị bắt trong ngày 5/8/2012 là 35 người.

Trở lại chuyện công an thẩm vấn. Lối làm việc của cậu công an này khá nhã nhặn. Theo tôi, đây là một cách làm việc tốt. Dù không đạt được mục đích thì vẫn gieo lại cho người đối thoại một sự cảm tình nào đó, dẫu cho có thể chỉ là bề ngoài Tôi biết cũng có người dùng cách trấn áp, phủ đầu, như thái độ hùng hổ, rao giảng, hỏi vặn vẹo hoặc dí máy quay vào mặt người ta như quay tội phạm. Thực ra đấy chỉ là cách làm của bọn non kém, ấu trĩ. Lối làm việc này dễ bị phản bác dẫn đến trơ trẽn. Nếu bằng cách đó mà hy vọng để cho đối tượng sợ hãi là họ nhầm. Nếu sợ, họ đã không làm những việc mà họ biết chắc chắn là chính nghĩa.

Tôi nhìn vào biển tên của cậu công an, vừa đọc vừa ghi lại: Lê Tiến Đạt, số hiệu 115-054

Vào việc, tôi nói trước, bác sẽ không ký bất cứ thứ giấy tờ nào đâu đấy. Đầu tiên, hỏi tên, tôi bảo:

-     Lẽ ra bác không có gì phải trả lời. Vì bác đang tản bộ ở Bờ Hồ như bao người dân Hà Nội khác, tự nhiên bắt bác về đây hỏi tên là không được. Bây giờ cháu ra Bờ Hồ, gặp bất ưng người nào đang dạo, hỏi tên họ rồi ghi chép lại thì họ sẽ phản ứng ra sao. Nhưng thôi, bác là ai thì cũng chẳng có gì phải giấu giếm, các cháu biết thêm bác cũng là tốt..

Tôi cung cấp cho cậu ấy tên, địa chỉ, nghề nghiệp.

Tiếp theo, cậu ta hỏi bác bị bắt về đây trong trường hợp nào? Tôi bảo bác đang đi tản bộ ven Bờ Hồ như hàng ngàn người Hà Nội mỗi ngày thì bị bắt.

Cậu ta lại hỏi về mục đích bác ra Bờ Hồ, bác đi biểu tình thì đọc lời kêu gọi ở đâu. Để tránh lằng nhằng, mất thời gian, tôi bảo: Bác ra Bờ Hồ chơi. Thấy tình hình có vẻ như có biểu tình, bác cũng định tham gia nhưng chưa biểu tình được thì bị bắt. Cháu nên nhớ, ý định biểu tình với hành vi biểu tình là khác nhau đấy nhé. Việc bác đi bộ trên vỉa hè không phải là hành vi biểu tình. Không ai kết tội người có ý nghĩ trong đầu cả. Tất nhiên, với bác, biểu tình chống Trung Quốc không phải là tội.

Lại hỏi: Bác từ nhà đến hay từ đâu đến? Cũng là để tránh các câu hỏi lan man, tôi bảo bác đi từ nhà đến đây.

Thực ra là tôi “dạt vòm” ngay từ chiều hôm trước. Nghe nói sáng ra, quanh nhà tôi lố nhố 6,7 đứa canh cho đến khi nghe tin tôi có mặt ở Lộc Hà rồi chúng mới gỡ bỏ trạm gác.

Hỏi đến bố mẹ tôi, tôi bảo muốn biết thì về các cơ quan quản lý hồ sơ hay về địa phương bác mà hỏi. Không phải ai cũng có quyền hỏi tên bố mẹ bác được. Bố mẹ bác không liên quan đến việc bác làm.

Kể ra, tôi nói bố mẹ tôi không liên quan, xét ở góc độ khác là không đúng. Không ai khác, chính bố mẹ tôi đã dạy tôi sống ngay thẳng, không sợ bạo quyền. Chính bố mẹ tôi đã dạy cho tôi lòng yêu nước. Bố tôi còn trực tiếp dạy tôi trong 2 năm đầu phổ thông vì cụ là giáo viên. Bài giảng đầu tiên về Tổ quốc Việt Nam tôi học được là do bố tôi dạy.

Song thân tôi đã khuất núi từ lâu. Tôi không được phép nhắc đến tên bố mẹ tôi một cách tùy tiện, nhất là trong trường hợp gọi là “khai báo” với lực lượng mà tôi cho là chúng đang làm những điều không minh bạch, không chính nghĩa.

Cậu công an bảo nhưng biên bản có sẵn những mục như thế. Tôi nói: “Bác không cần biết đến cái mẫu biên bản ấy”.

Đôi khi cậu ta có những câu hỏi lặp lại. Điều này tôi đã biết kiểu làm việc của họ qua mấy lần bị thẩm vấn. Tôi chỉ nói gon: “Bác trả lời rồi”. Tôi mỉa mai: “Bác tuy già nhưng trí nhớ còn minh mẫn lắm đấy nhé”.

Lại có lúc người khác đến hỏi tôi, tôi bảo tôi trả lời cháu kia rồi.

Kể ra, nếu là biên bản làm việc thì hẹp hòi gì mà tôi không ký để các cậu ấy hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nó lại là biên bản lấy lời khai. Tôi có làm gì sai phạm mà phải khai.

Ở bàn bên đối diện, Trương Văn Dũng đang rà soát lại biên bản. Không như tôi, anh nói sẽ ký nhưng đặt ra điều kiện hơi khó. Anh bắt sửa từng chữ không đúng với lời khai của mình. Buồn cười nhất là khi ghi chữ “đả đảo Trung Quốc”, cậu công an không dám ghi nguyên văn nên ghi chệch đi là phản đối. Anh bảo chú nói “đả đảo” chứ có nói “phản đối” đâu. Chú nói sao cứ ghi vậy, chú chịu trách nhiệm. Cứ thế lằng nhằng mãi.

Đến khi hai chú cháu thống nhất cách sửa xong, anh đòi chép thêm một bản để anh giữ với lý do “sợ công an sau này thêm cái gì vào rồi bắt tội chú thì sao. chú không tin công an được”. Cuối cũng thì cũng thôi, cậu kia không chép thêm bản khác và Trương Dũng tất nhiên là không ký.

Sau khi ghi xong biên bản, cậu công an chuyển sang làm biên bản xử phạt vi phạm hành chính, cũng là mẫu in sẵn. Tôi bảo, phạt về tội gì, cậu ta bảo gây rối trật tự công cộng. Tôi bảo vớ vẩn, bác đang đi dạo ở Bờ Hồ thì bắt về đây rồi bảo gây rối trật tự công cộng. Sao không làm biên bản ngay lúc ấy.

Cậu ta bảo khi đi biểu tình, bác đi xuống lòng đường thì là vi phạm. Tôi bảo:

-    Bác nói lại, bác đi bộ trên vỉa hè, không băng rôn, không biểu ngữ, không hô khẩu hiệu. Thế thì vi phạm cái gì? Kể cả những người đã biểu tình thực sự họ cũng chẳng vi phạm cái gì cả.

-    Vậy thì bác ghi vào đây là bác không vi phạm.

-    Không, bác không phải thanh minh cho bác. Chứng minh được bác gây rối trật tự công cộng thì bác có chối cũng không được.

Cuối cùng cậu ta hỏi bác có ý kiến gì không? Tôi nói bác phản đối bắt người vô pháp luật.  Đàn áp, bắt người biểu tình, nhất là bắt người đang đi tản bộ là việc làm chà đạp lên pháp luật. Chính công an Hoàn Kiếm mới là kẻ gây rối trật tự công cộng.

Làm việc xong, cậu ta bảo tôi ngồi chờ. Một lúc, cậu ta đưa tôi xuống tầng 1, vào mấy phòng, tôi chẳng hiểu để làm gì sau đó lại quay trở ra về chỗ cũ. Tôi càu nhàu: Các cháu làm ăn vớ vẩn thật.

Một lúc sau, có hai đứa vào, ngồi xuống hai bên tôi đòi khám máy điện thoại.

(còn tiếp)

9/8/2012

NTT

Phụ lục:

DANH DÁCH BỊ BẮT KHI ĐI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC NGÀY 5/8/2012


Bị bắt lẻ có: 5 người

- Bác Lê Gia Khánh và bác gái Phùng Thị Châm
- Cụ Lê Hiền Đức
- Nguyễn Lân Thắng
- Lã Việt Dũng

Bắt người dùng xe bus đưa lên trại Lộc Hà gồm 30 người

Xe thứ nhất:
1. Trương Văn Dũng
2. Lê Dũng
3. Lê Hồng Phong

Xe thứ hai:
1. Đoan Trang
2. Nguyễn Tường Thụy, cựu chiến binh.
3. Nguyễn Chí Đức
4. Đặng Bích Phượng
5. Cháu Đức (chưa rõ họ tên đầy đủ)
6. Dương Thị Xuân
7. Nhà báo, cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng
8. Lê Xuân Hòa
9. Đào Lê Tiến Sĩ sinh viên ĐHSP
10. Tuấn Anh sinh viên năm 4 ĐHTN
11. Nguyễn Trung Kiên Đống Đa
12: Bác Lê Hùng, cán bộ NXB Thanh niên đã về hưu.
Xe thứ ba:
1. Nguyễn Văn Ngoan, Việt kiều ở Thụy Sĩ
2. Trần Thị Nga, Phủ Lý
3. Phạm Mạnh Tùng, Gia Lâm – Long Biên
4. Phạm Quang Hưng, Gia Lâm – Long Biên
5. Phạm Thị Giang (Giang Veri) sinh viên Học viện Ngân hàng
6. Nguyễn Hồ Thu Hà, học sinh THPT Việt Đức
7. Vũ Văn Bách, sinh viên
8. Nguyễn Văn Dũng, Việt Trì – Phú Thọ
9. Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang), Đắc Lắc
10. Nguyễn Thanh Tiến, sinh viên, ĐHKHTN
11. Đào Trang Loan (Hư vô)
12. Nguyễn Thị Hợi
13. Lê Anh Hùng
14. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên
15. Bùi Phương Nam, Hải Phòng.

TỐNG SỐ 35 NGƯỜI.




CHỦ NHẬT, NGÀY 12 THÁNG TÁM NĂM 2012


Bút ký của Biểu tình viên Nguyễn Tường Thụy: CHÚNG ĐÃ BẮT VÀ THẢ NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (4)






Đứa ngồi bên trái bảo tôi: Bây giờ chúng tôi sẽ kiểm tra điện thoại của bác, gồm danh bạ và những thông tin lưu trong máy để lập biên bản. Anh kia (chỉ sang đứa ngồi bên phải tôi) sẽ thực hiện.



Tôi phẫn nộ:

-    Các anh có quyền gì mà kiểm tra điện thoại của tôi. Đây là tài sản cá nhân tôi. Tôi có quyền công dân. Nên nhớ tôi bị các anh bắt khi đi dạo ở Bờ Hồ. Các anh không thể xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Tôi kịch liệt phản đối. Còn nếu các anh dùng sức mạnh cưỡng chế thì đó là việc của các anh nhưng coi chừng các anh phạm tội hình sự đó.

Hai đứa ngồi cùng phía nên tôi cũng không để ý trang phục của chúng như thế nào. Nhưng Trương Dũng đang làm việc ở bàn đối diện đã phát hiện ra, lên tiếng kịp thời:

-    Các anh là ai? Trang phục ngành đâu? Biển tên đâu? Ăn mặc thế lại đòi kiểm tra người khác là sao.

Thấy chúng tôi quyết liệt và dứt khoát quá, một đứa nói:

-    Nếu bác không đồng ý thì chúng tôi báo cáo lên cấp trên.

Thế rồi chúng nó đứng dậy đi ra. Tôi nghĩ: Với cấp trên chúng mày thì chúng tao cũng vẫn thế thôi.

Thực ra điện thoại tôi có chứa thông tin gì đáng giá đối với công an đâu. Ngoài danh bạ của người thân, bạn bè thì có vài tin nhắn kiểu như “Cẩn thận, chó cắn” hoặc “Bác có nuôi chó giữ nhà không”.

Cuối cùng thì cậu Đạt lại đưa tôi xuống tầng 1. Cứ tưởng cậu ấy đưa tôi làm việc với sếp của cậu nhưng lại đưa tôi vào một phòng lố nhố đến chục cô cậu công an. Tôi bước vào hỏi: “Làm gì ở đây?” Đạt bảo bác chờ lăn tay. Tôi nói: “Này, bác nói trước, không có chuyện lăn tay lăn chân gì đâu nhá” Nói rồi, tôi mở cửa bước ra. Cậu ta chạy theo: “Bác chờ một lát đã”. Tôi không nói gì cứ thế bước thẳng. Cậu ta lại đi theo khi tôi quay về nơi tạm giữ. Một đứa hỏi Đạt: “Xong rồi à, nhanh thế”. Đạt bảo: “Bác ấy không đồng ý lăn tay”.

Về đến cửa khu lưu giữ, thấy Trần Thị Nga đang lớn tiếng tố cáo việc bắt riêng cô lên xe chở đi, cô đang rất bức xúc. Thấy tôi, Nga cho biết, một số người đàn ông mặc thường phục cưỡng bức cô lên một chiếc xe mang biển số 90T -6969 định đưa cô đi đâu không rõ. Cô kháng cự quyết liệt. Những người bị bắt nhìn qua song cửa sắt thấy thế lên tiếng phản đối không được bạo hành đối với phụ nữ đang mang bầu. Chúng đành buông tay ra. Chúng bảo đưa cô đi gặp con, cháu nó đang ngoài cổng. Nga nói, nếu con tôi đang ngoài cổng thì sao không đưa con tôi vào đây với tôi. Cô chỉ vào mấy phụ nữ tuổi trung niên đang đứng thuỗn mặt ở đấy nói, mấy người này cũng xúm vào định cưỡng bức cô lên xe. Không biết mấy người này, công an Hoàn Kiếm bới ở đâu ra. Cuối cùng thì họ không làm gì được cô.

Hết buổi sáng, họ mới thẩm vấn được một nửa.

Buổi trưa, họ mang mấy chục suất cơm hộp đến bỏ lên hai chiếc bàn. Chúng tôi không ai định ăn, bảo có ai mời đâu mà ăn. Cuối cùng thì họ cũng mời. Có 30 người mà họ mang đến chừng khoảng 40 suất.

Nói thêm về văn hóa mời chào. Buổi sáng, lúc bước chân vào phòng tạm giữ, thấy mọi người cứ đứng lố nhố nói chuyện, tôi bảo mấy cậu công an: “Các cháu mang ghế ra mời mọi người ngồi và uống nước, họ đang rất mệt và khát. Như bác thì không sao nhưng nhiều người còn lạ. Ở đây có nhiều người bậc cha chú các cháu đấy”. Mấy cậu nghe theo, đến rải ghế ra cho mọi người ngồi

Còn ai lạ gì cái sự khó nuốt và mất vệ sinh thực phẩm của cơm hộp. Tôi động viên mọi người cố ăn đi còn giữ sức. Tôi lấy một suất, trệu trạo nhai được chừng 1/3 rồi bỏ đi. Như vậy cũng có thể giữ sức được đến tối.

2 giờ, tiếp tục phiên làm việc buổi chiều. Số còn lại buổi chiều phần đông là các cháu thanh niên. Mỗi khi một cháu đi thẩm vấn về, mọi người xúm lại hỏi chuyện. Thú vị nhất là nghe các đoạn đối thoại thông minh của các cháu đối với công an. Cháu Loan còn phát hiện ra mỗi công an viên hôm nay được “bồi dưỡng” 500 nghìn đồng. Cháu kể, lúc ở phòng lăn tay ra, cháu nghe thấy công an Hoàng Xuân Hiếu ghi tên làm danh sách và bảo mỗi người được “năm trăm”.

Nhớ lại đầu giờ chiều, một người nói cho tôi biết, trong bản tin trưa nay, đài Truyền hình Hà Nội nói đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng phát trả tiền công cho người biểu tình và hẹn sẽ phản ánh trong bản tin tối. Tôi nghĩ ắt là chúng nó dựng lên để vu khống. Chứ nếu có cảnh quay thì người phát, người nhận phải rõ mặt chứ. Hiển nhiên những cái mặt ấy không phải là những người biểu tình yêu nước. Sự hèn hạ, đê tiện của bọn bồi bút ở Đài THHN chúng tôi không ai lạ. Thế nhưng cho đến hôm nay, 6 ngày đã qua, tôi chờ mãi vẫn không thấy THHN công khai lên đoạn băng tưởng tượng ấy.

Trong khi đó thì cháu Loan đã phát hiện ra công an dẹp biểu tình ăn tiền khá đậm, gần bằng nửa tháng lương của những người lao động khốn khổ.

Như vậy, nội dung làm việc với chúng tôi bao gồm mấy việc: Làm biên bản lấy lời khai, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, chụp ảnh, lăn tay, khám điện thoại. Tôi không biết có ai ký vào hai thứ biên bản kia không, ai chấp nhận lăn tay, chụp ảnh? Chuyện ký vào 2 biên bản, tôi chưa thấy có trường hợp nào. Có mấy người đồng ý chụp ảnh. Riêng chuyện chấp nhận lăn tay, theo Phương Bích thì có 7 người. Có cháu kể lúc chụp, cháu thè lưỡi ra, thế là đành chịu. Có cháu nắm chặt tay không chịu lăn. Còn việc yêu cầu khám điện thoại hình như họ chỉ đặt ra với tôi và Phương Bích nhưng cả hai chúng tôi đều phản đối.

Dương Thị Xuân là người duy nhất không chấp nhận làm việc với họ. Lý do cô đưa ra là cô đang ở Bờ Hồ thì bị bắt đưa lên đây nên chẳng có gì phải làm việc cả.

Khi đã làm việc xong với 28 người (không tính Dương Thị Xuân), chỉ còn lại trường hợp anh Nguyễn Văn Ngoan, quốc tịch Thụy Sĩ, họ tập trung chúng tôi lại. Một tay mang hàm đại úy mà tôi không rõ tên, nói đại ý rằng, các bác các anh chị đã gây rối trật tự công cộng, căn cứ vào nghị định 73, chúng tôi sẽ (hay đã, tôi không rõ chỗ này) làm quyết định cảnh cáo. Yêu cầu mọi người từ sau chấp hành …. Còn bây giờ, mọi người … giải tán.

Chúng tôi ngớ người ra bởi cách ăn nói của một viên công an gọi là đại diện cho Công an Hoàn Kiếm. “Bây giờ mọi người giải tán”? Bắt chúng tôi lên đây, hành chúng tôi suốt một ngày mà nói năng đơn giản, tầm phào thế ư? Cứ như là họp thiếu nhi vậy.

Đây là lối cư xử vô cùng thiếu nhân bản. Bắt người vô cớ, khi thả ra thì không quan tâm đến chuyện họ về như thế nào, có ai không có tiền đi xe không? Không chỉ lần này mà tất cả những lần bắt người vô cớ trước đây, chúng đều hành xử như vậy. Tôi nghe nói người tù mãn hạn còn được cấp tiền về nhà. Còn chúng tôi, chẳng lẽ không bằng một người tù thường phạm? Hay tội chúng tôi to hơn vì chúng tôi dám chống Trung Cộng?

Bác Nguyễn Anh Dũng là một nhà giáo, cựu chiến binh lập tức đứng lên:

Từ nãy, chúng tôi đã lịch sự nghe các anh nói rồi, bây giờ yêu cầu các anh cũng nên lịch sự nghe chúng tôi nói. Chúng tôi xin hỏi, còn một người các anh đang giam giữ ở đâu? Bao giờ thì thả? Hai là các anh đã vô cớ bắt chúng tôi lên đây thì phải trả chúng tôi về chỗ cũ …

Tay đại diện cho Công an Hoàn Kiếm ngắc ngứ mất mấy giây, không biết nói sao liền giở chước ba sáu. Gã nhanh nhảu lủi mất, đi như chạy. Chúng tôi ào theo truy kích nhưng bị đám lính cản lại cho gã thoát thân.

Thế đấy các bạn ạ. Khi bắt chúng tôi thì hùng hổ như thế. Còn khi đối thoại với chúng tôi lại không dám, đành đánh bài chuồn. Phải chăng đây là sức mạnh, bản lĩnh của thanh kiếm và lá chắn cho Đảng?

Lúc ấy là 4 giờ 30.

Không biết chúng làm quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tất cả hay đối với một số người. Chỉ biết là chúng bắt bừa chúng tôi lên đây, tự làm biên bản với nhau, tự ra quyết định xử phạt rồi đút vào trong cặp. Chưa có ai nhận được quyết định xử phạt do chúng đưa ra. Còn tôi, nếu chúng công khai đưa ra quyết định xử phạt tôi, tất nhiên, tôi không thể im miệng mặc dù tôi biết, chắc chắn chúng nó sẽ bao che cho nhau.

Chúng có thể xử phạt hàng ngàn lượt người dạo quanh Bờ Hồ mỗi ngày không? Có ai dám ra lệnh cấm công dân đi bộ quanh Bờ Hồ không?

Thưa các bạn;

Sau đó, chúng tôi kiên quyết không chịu về, chỉ cử Lê Dũng ra báo tình hình với bà con lên đón ngoài cổng. Từ trong trại, tôi được biết rất đông bạn bè, đồng đội lên đón. Số người đi đón còn đông hơn số bị bắt. Chúng tôi còn lưu lại trong trại thêm mấy giờ nữa để chờ anh Ngoan. Sau khi ra khỏi trại, chúng tổ tổ chức một cuộc biểu tình tại chỗ, ngay cổng trại Lộc Hà.

Chuyện về anh Nguyễn Văn Ngoan bị giữ tài sản như thế nào, chúng tôi biểu tình trước cổng trại ra sao nhiều bài viết đã đề cập đến nên tôi không nhắc lại nữa.

Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi ghi chép này của tôi.

11/8/2012









__._,_.___






__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link