Saturday, August 11, 2012

Ðịnh Nghĩa Ăn Nghĩa Là Gì ?


Ðịnh Nghĩa        


           

       Ăn Nghĩa Là Gì ?



         * G.S. Bút Xuân   TRẦN ÐÌNH NGỌC







Ăn  là động tác của người hay động vật đưa  một số thức ăn thích hợp  vào cơ thể  để nuôi các tế bào, duy trì sự sống. Ăn thường đi đôi với uống, danh từ kép: ăn uống, vì uống cũng là hình thức đưa chất lỏng vào để nuôi cơ thể. Y khoa khuyên ta nên ăn uống điều độ, chừng mực để giữ gìn sức khoẻ. Ăn uống vệ sinh, bớt được bệnh tật.

        Thường người ta chia ra ba bữa trong ngày: ăn sáng hay còn gọi là ăn điểm tâm, ăn trưa và ăn tối; cũng gọi bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch (Nguyễn công Trứ).

Ta nói: bữa cơm, bữa tiệc, bữa tiệc cưới, bữa ăn chay, bữa ăn đoàn kết, bữa ăn sinh nhật cu Tèo… (có dính líu đến ăn) trong khi buổi chỉ dùng cho buổi ra mắt, buổi đàm luận, buổi hội thoại, buổi họp bạn, buổi thuyết giảng, buổi trình diễn, buổi trình chiếu phim, buổi mai (mơi), buổi chiều, buổi tối, buổi hoàng hôn, buổi bình minh…

“Ăn bữa giỗ, lỗ buổi cày. Ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”: ngoài nghĩa đen, cả hai câu ý nói kết quả công việc không xứng với sự vất vả.   

Câu tập nói đầu tiên từ một đứa trẻ ngoài hai từ: mẹ, bố, má, ba, thầy, u (bu)…thuờng là cơm, ăn cơm. Khi trẻ lớn lên, thường cha mẹ có: ăn đầy tháng, ăn đầy năm, ăn thôi nôi, ăn sinh nhật. Ăn đây là ăn mừng đứa trẻ đã lớn, tổ chức bữa ăn cho gia đình và bạn bè.

Đứa trẻ phải tập ăn, tập nói cho thành người.

        Từ ăn ít đứng một mình mà thường đi kèm với một từ hoặc danh từ kép khác làm thành một câu có ý nghĩa:

        Thí dụ: ăn ở là cách cư xử  đối với chính bản thân mình hoặc với kẻ khác. “Ông ấy là người ăn ở có đạo đức, có luân lý, có tình người”. Ăn ở cũng có nghĩa là sống chung với nhau: “Hai vợ chồng nhà này ăn ở với nhau cũng dăm năm rồi. Ăn ở của một học sinh nơi thành phố rất tốn”: tiền trả cho những bữa ăn và chỗ ở. Ăn làm: công ăn việc (chuyện) làm. “Anh ấy là người ăn làm”: anh ấy siêng năng, không chơi bời lêu lổng. Làm ăn cũng có nghĩa tương tự. “Anh chị ấy bây giờ làm ăn ở bên Ðức”. Ăn nhậu: uống rượu hay bia và ăn. “Người thành phố bây giờ ăn nhậu (nhậu nhẹt) dữ lắm”. Ăn học: kẻ có công học hành. “Anh ấy là dân ăn học đàng hoàng” tức anh ấy có học thức. Ăn diện: cách phục sức của một người “Cô ấy không giầu nhưng ăn diện sang lắm.”

Ăn vận, ăn bận  cũng giống như ăn mặc. “Y ăn vận không giống ai.” có nghĩa y ăn mặc khác ngườì.

 Ăn xài đồng nghĩa với tiêu xài. “Hắn ăn xài huy hoắc”; với người miền Nam: “Hắn ăn xài lớn”.

Ta cũng có: ăn nhỏ nhẻ như mèo, (nam thực như hổ, nữ thực như miêu); ăn tham hay tham ăn, ăn như hùm đổ đó, ăn sống nuốt tươi, ăn sống uống sít, ăn luôn miệng, ăn vặt, ăn không ra bữa, ăn không biết no, ăn không biết ngon, ăn đúng bữa, ăn quà vặt, ăn hàng ăn chợ, ăn tạp, ăn quá nhiều, ăn không nghĩ đến ngày mai, ăn báo thù, ăn cho cố, ăn cho bõ, ăn cho đã, ăn rán, ăn cố, ăn cho đáng đồng tiền bát gạo. Nhiều người vào nhà hàng “buffet” (bao ăn) là để ăn cho đáng đồng tiền bát gạo. Ăn quá ít, ăn khôn hay khôn ăn, ăn dại, ăn phí hay ăn hoang phí, ăn dè sẻn, ăn hà tiện, ăn hổ lốn, ăn như heo, ăn như voi, ăn như cọp, ăn tượng trưng, ăn lấy lệ, ăn lấy có.

Ðể khuyên người ta không quá trọng miếng ăn, ta có câu: “Ăn để sống, không phải sống để ăn.” Nhưng một số khác lại cho ăn uống là một trong bốn cái khoái (tứ khoái), của con người mà ăn, ngủ đứng đầu. ”Sống để ăn (hay hưởng thụ), không phải ăn để sống”.

Cha mẹ thường khuyên con ăn hiền ở lành nhưng hầu như mọi người đều muốn ăn sung mặc sướng.

        Thai phụ thèm ăn của chua chẳng hạn, gọi là ăn rở. Không ăn nhưng lấy thịt đè người gọi là ăn hiếp. Vết thương sắp lành gọi là ăn da non.

        Mua ít bảo nhiều là ăn bớt, ăn  xén. “Tiền viện trợ năm nay bị ăn bớt ăn xén hết rồi” người ta gọi là ăn bẩn. Chi phí dọc đường hay thức ăn để ăn lúc đi xa gọi là tiền ăn đường, thức ăn đi đường.

        Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. (Dịch từ câu Hán văn: quân tử thực vô cầu bão).

        Ðêm năm canh an giấc ngáy pho pho, thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

        Trên đây là một cặp câu trong bài “Hàn nho phong vị phú” của Nguyễn công Trứ.

        Đến cửa nhà người ta chìa tay để được bố thí hay giúp đỡ gọi là ăn xin hay ăn mày. Giả vờ túng thiếu đi ăn xin chứ thực sự khá giả: “Anh ta đóng cửa đi ăn mày”.

Có những động tác không liên quan đến việc bỏ thức ăn vào miệng nhưng cũng gọi là ăn:

“Cái nhà này mối mọt ăn ruỗng ra rồi!”

“Vi trùng lao đã ăn vào đến phổi hắn!”

“Ham hố chơi bời nên vi trùng Aids (Siđà) ăn vào đến tủy rồi!”

“Bọn cướp “Ba Dao” ăn hàng tối qua ở Long Biên.”

Ăn hàng đây là đánh cướp.

“Tao bắt được mày thì cứ gọi là ăn đòn (bị đánh).”

“Thằng chôm đồ trên xe buýt bị cụ già cho ăn mấy cái tát.”

“Ừ, anh ăn thịt được tôi không?”

“Quả báo đấy! Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.”

“Bọn ba thằng này ăn chịu với nhau”: ba thằng đồng cam cộng khổ, được cùng chia, tù cùng chịu.

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng: cách xử thế.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: lòng nhớ ơn.

Ăn trên ngồi trốc: thứ bậc cao  trong gia đình, xã hội.

Ăn trên đầu trên cổ: bóc lột nhờ quyền hành.

Ăn gian ăn lận: sổ sách chi tiêu không phân minh.

Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói: Lời khuyên giữ sự thành thật và ăn lời ít trong việc làm ăn, buôn bán.

Ăn đi trả lại: sự giao thiệp, đối xử trong xã hội, cũng tương tự: bánh ít đi, bánh qui lại.

        Chụp ảnh, lên hình đẹp gọi là ăn ảnh “Cô ấy vừa đẹp vừa ăn ảnh”. Ăn cá có nghĩa dùng thức ăn bằng cá mà ở trường hợp khác có nghĩa cá độ một cuộc thi đấu gì đó. “Ông ta chuyên ăn cá, mới thắng cá độ lớn lắm vì đội tuyển B thắng đội tuyển A.” 

 Rình mò lúc người ta không để ý, hay đang ngủ, vào nhà lấy đồ vật hay tiền bạc  đem đi, gọi là ăn trộm. Cũng hành động trên với những đồ lặt vặt gọi là ăn cắp ăn nảy hay ăn cắp vặt. Không rình mó mà ra mặt đàn áp người ta, có khi với vũ khí  để lấy đồ là ăn cướp. Có chức có quyền hạch xách người ta phải đưa tiền cho mình, mình mới thỏa mãn điều người ta muốn, gọi là ăn hối lộ, ăn của đút, thường đi đôi với tham nhũng. Hành động này lộ liễu ra, người dân gọi là ăn bẩn. Ăn bẩn cũng để chỉ hành động ăn chận của người khác. “Ông này đã ăn bẩn hai trăm ngàn tiền yểm trợ nạn nhân bão lụt.” Dùng từ mạnh hơn gọi là ăn cướp cơm chim. Sổ sách chi tiêu không minh bạch bị nghi ngờ là ăn gian, ăn lận.



Con ơi nhớ lấy lời này

Cướp đêm ăn trộm, cướp ngày là quan.

(Ca dao)



Ăn thực nhưng ăn bừa cả những thứ không nên ăn là ăn bậy, ăn bạ. “Con heo này ăn tạp, ăn bậy ăn bạ hết mọi thứ.”  trong khi ăn chạy không phải là vừa chạy vừa ăn nhưng là vào tiệm ăn rồi đứng lên đi không trả tiền, cũng có nghĩa là dân chơi  cờ bạc, hụi hè được tiền rồi lủi mất. “Ðừng chơi hụi với chị ta, chị ta là dân chuyên ăn chạy.” Ăn chạy cũng có nghĩa như ăn quịt, thường đi đôi với chơi lường, chơi mà không trả tiền. Thành ngữ: ăn quịt, chơi lường. (Cao lâu thường ăn quịt, Thổ đĩ lại chơi lường - Tú Xương)

        Ðã được tiền rồi hay đặc ân rồi lại tiếp tục được, gọi là ăn theo. “Chị ấy là nhà cái, mỗi kì được ăn theo mười lăm đồng” Chồng có tiền hưu trí, vợ không đi làm nhưng được ăn với chồng, cũng gọi là ăn theo. “Bà đó được ăn theo lương hưu trí với chồng.” Làm được việc gì thành công được người khác khen ngợi là ăn tiền. “Cứ cái xe cà rịch cà tàng đó đi bỏ báo mà ăn tiền.” “Anh ta ăn tiền nhờ viết thời sự thể thao.” Từ kép ăn tiền cũng dùng để bảo đảm tính chất tuyệt vời của một sự việc mặc dù không có tiền bạc dính trong đó: “Ảo thuật bảo đảm tuyệt, coi đi, không hay không ăn tiền!”

 Khách hàng hỏi người thợ làm đồ trang sức: “Chị ăn bao nhiêu?” có nghĩa chị đòi trả công bao nhiêu. Không làm gì để sống nhưng lại nhờ vào người khác gọi là ăn bám. “Anh ta phải ăn bám gia đình nhà vợ.” “Những tên đó ăn bám chính phủ” Riết rồi chị ta, anh ta thành một thứ ăn báo cô: ăn trường kỳ. Một chữ khác có nghĩa như ăn bám: ăn nhờ, ăn chực, ăn nhờ ở vả: Trẻ con nhà quê mẹ đi vắng đói quá phải đi bú rình, bú chực hoặc ăn chực cơm mớm..

Có đồ vật không biết ăn vẫn gọi là ăn, ăn ở đây có nghĩa là tốn. “Xe này ăn xăng quá” “Cái máy ấy ăn dầu rồi.””Bàn ủi này ăn điện””Bánh xe này ăn sang phải, bánh xe kia ăn sang trái”.”Cưa thứ song sắt đó ăn lưỡi cưa lắm.”

Ăn thật làm dối để chỉ người lười biếng.

        Ăn thì mắt sáng như sao

        Làm thì con mắt trông vào tối lu (TÐN)

Ăn chực nằm chờ: Thời gian chờ đợi cho một công việc khá lâu: Vé đi ngoại quốc quá đông, phải ăn chực nằm chờ mới mua được!

        Tết nhất là những ngày ăn uống, thù tiếp, đãi đằng:

        Làm như  ngày dưng ăn sao cho hết

        Ăn như ngày Tết lấy gì mà ăn.

        Ca dao mô tả những chuyện không bao giờ xẩy ra hay lời từ chối khéo:

        Bao giờ rau diếp làm đình

        Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta

        Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

        Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.

        Vợ chồng khi không còn thương nhau thì có nhiều cặp ông ăn chả, bà ăn nem. (Con ở có thèm mua thịt mà ăn) tức là đi vụng trộm ái tình.

        Thường bao giờ cũng có ăn uống đi kèm trong các vụ: ăn mừng, ăn hỏi, ăn cưới, ăn khao ăn vọng, ăn tết, ăn sinh nhật, ăn thôi nôi, ăn đầy năm, ăn mừng thượng thọ, ăn mừng lễ tôn giáo, ăn mừng kỉ niệm hôn nhân, ăn mừng đoàn tụ v.v…

        Ăn sung mặc sướng để chỉ những người may mắn, giầu có, tiền nhiều, gần đồng nghĩa với ăn trắng mặc trơn. “Cô ấy trước kia chỉ là người giúp việc nay một bước lên bà lớn ăn trắng mặc trơn.”

        Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau để chỉ những kẻ khôn vặt, làm cái gì cũng muốn hơn người.

        “Phen này nhất định ta phải ăn mi” không phải là ta giết mi ăn thịt nhưng là ta sẽ thắng mi, được mi.

        Người to béo dềnh dàng làm người ta cho là ăn nhiều như mụ tú bà trong truyện Kiều:

        Thoắt trông lờn lợt mầu da

        Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!


        Ăn chay là chỉ ăn thức ăn được phép của những nhà tu bên Phật giáo như tương, chao, đậu hũ, rau, quả,  trái với ăn mặn là ăn đủ thứ thịt thà cá mú.

        Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối.

Đi tu, với đạo nào cũng rất khó. Với đạo Phật thì kẻ tu phải nằm lòng:

Đi tu Phật đã dạy rằng:

Chớ ăn thịt chó, chớ năng liếc đào (TĐN)

Con chó ăn phải bả là con chó ăn phải độc dược người ta muốn giết nó. Chó, heo khi ăn người ta không gọi là ăn mà gọi là xốc. “Chậu cám này, nó chỉ xốc mấy cái!”

        Những người sống bằng tiền của chính phủ gọi là ăn trợ cấp, ăn tiền thất nghiệp, ăn tiền bệnh, ăn tiền già, ăn tiền hưu (dưỡng), ăn tiền phế binh, cô nhi tử sĩ, ăn tiền tàn tật. Ði làm lãnh lương chính phủ hay của công ti gọi là ăn lương. “Chị ấy ăn lương bậc hai.”

        Chó không ăn thịt chó nhưng người ăn thịt người

để chỉ  hạng người độc ác tàn nhẫn với đồng loại.

        “Ði nước Lào phải ăn mắm ngoé” tương tự: Ðáo giang tùy khúc, Nhập gia tùy tục” và “Ăn tùy chủ, ngủ tùy con.”

        Từ ăn khi nói về những bệnh nan y như ung thư, lao phổi có nghĩa là lan ra:

        “Vết đen trong phổi ông ấy đã  ăn lên tới khí quản. Bệnh ung thư gan của anh ấy đã ăn lan sang bao tử.”

        Nơi heo hút khỉ ho cò gáy cũng có khi gọi là nơi chó ăn đá, gà ăn muối. Không ăn gì cả mà vẫn gọi là ăn: ăn năn sám hối, ăn năn hối hận những lỗi lầm. “Nó làm điều sai, bây giờ ăn năn lắm.”

 “Anh đó một cây ăn tục nói phét”, anh đó không biết giữ gìn lúc ăn và lời nói, ăn bừa bãi, nói khoe khoang khoác lác gần giống như “Ăn càn nói bậy” “Ăn phàm nói tục”.



        Ăn nằm không phải là vừa ăn vừa nằm mà là trai gái đi lại, ân ái với nhau. “Trước khi cưới, hai cô cậu đã ăn  nằm với nhau mãi rồi.”

       

Những thành ngữ có tiếng ăn:

Ăn khách: Món hàng được nhiều người chiếu cố. (Phim đó ăn khách lắm).

        Ăn chầy, uống bửa: Ăn không chịu trả tiền.

        Ăn như tằm ăn dâu: có nghĩa ăn từ từ nhưng không mấy chốc hết một số lượng lớn (tàm thực).

        Ăn to nói lớn.

Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối.

        Ăn nói nhỏ nhè

        Ăn gian, nói dối.

        Ăn nói điêu ngoa.

        Ăn nói trắng trợn.

        Ăn không, ngồi rồi.

        Ăn dơ ở bẩn.

        Ăn như hạm.

        Ăn khoẻ như voi.

Ăn như cọp đói.

Ăn như mèo: ăn nhò nhẻ, ăn ít.

Tập ăn tập nói, tập gói tập mở.

        Ăn đong: ăn bữa nào đi mua gạo bữa ấy, nghèo nàn.. “Gạo cứ lệ ăn đong bữa một Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi - Tú Xương”. Anh ấy tiếng Anh ăn đong (tiếng Anh nghèo nàn).

        Ăn không, ăn hỏng (lừa lấy của người ta).

        Ăn thừa, làm thiếu.

        Ăn nên làm ra.

        Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, có nghĩa phải có ý tứ trong cách giao tiếp.

        Ăn trên ngồi trốc.

        Ăn vóc học hay:

        Ăn để có thể lực tốt và học để có kiến thức rộng.

        Ăn chẳng nên đọi, nói chẳng nên lời chỉ người vụng về.

       Ăn ốc nói mò: Nói không chứng cớ.

        Ăn cây nào, rào cây ấy.

        Ăn phải nhai, nói phải nghĩ.

       

        Ăn cây táo, rào cây táo.

        Ăn ruỗng ra: Ăn lỗ chỗ rỗng hết bên trong. Cây cột này bị mối mọt ăn ruỗng ra rồi. Vi trùng lao ăn ruỗng phổi anh ta ra.

        Con đường này ăn ra ngã tư Bà Quẹo.

        Khúc sông này ăn vào một nhánh của sông Ðuống. Ăn đây có nghĩa là nối tiếp.

        Ăn có mời, làm có khiến.


        Ăn đi trả lại cũng tương tự Bánh ít đi, bánh qui lại.

        Ăn trước trả sau.

        Ăn một đồng, trả một nén: Ăn ít trả nhiều.

       

Tương tự: Ăn khế trả vàng. (chuyện cổ nước Nam)

Ăn một nén trả một đồng: Ăn nhiều trả ít.

        Có ăn, có trả (Có vay, có trả)

       Ăn giắt để dành: tiết kiệm.

        Ăn chịu:Ăn chưa có tiền trả, phải kí nợ.

        Có ăn, có chịu:Làm rồi phải lãnh hậu quả.

        Cũng tương tự: Có gan ăn cướp, có gan chịu đòn.

        Ăn lắm, uống nhiều.

        Ăn không biết no.

        Khôn ăn người. Dại người ăn.

        Kẻ ăn, người ở trong nhà (tương tự quân hầu, đầy tớ)

        Ăn tiêu như phá. Ăn hại, đái nát.

        Ăn cháo đá bát (nói kẻ phụ ơn)

        Ăn mắm mút dòi (quá hà tiện)

        Ăn xài huy hoắc (hoang phí).

        Ăn miếng, trả miếng. (Như câu: Oeil pour oeil, dent pour dent, tục ngữ Pháp. Mắt trả mắt, răng đền răng ).

Ăn gì bổ nấy. Ăn tim bổ tim. (tim loài vật).

        Ăn không nói có (chỉ người dối trá)

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: lòng biết ơn đối với kẻ thi ân.

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ. Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.

(Người ta làm thì thành công đến lượt mình thì thất bại).

        Ăn ốc nói mò: nói thiếu dẫn chứng, thiếu cơ sở luận lí.

Ăn gỏi có nghĩa là ăn thức ăn còn sống: ăn gỏi cá, ăn gỏi tôm …Ở câu khác lại có nghĩa dễ thắng: “Mi vật với ta, mi đánh cờ với ta thì ta ăn gỏi mi đi.”

        Sau đây là một số động tự ăn có thêm trạng tự đi kèm cho những nghĩa khác nhau:

        Ăn cánh (đồng lõa với nhau. Chúng ăn cánh với nhau, chúng ăn jơ (jeu) với nhau để làm một việc gì) Ăn banh (en panne) xe bị hư, nay ít còn dùng. Ăn chắc (thế nào cũng thành công) Ăn cho đã, ăn thỏa mãn. Ăn chơi (món ăn chơi, ăn dạo đầu bữa tiệc, appetizer), ăn chung đổ lộn, ăn dè ăn sẻn (hà tiện), ăn đất (từ trần), ăn đám (dự đám), ăn đêm (chim ăn đêm), ăn đứt (thắng hoàn toàn), ăn được (tốt để làm thực phẩm.) Thứ rau rừng đó ăn được. Ăn được còn có nghĩa là trung bình, không tốt cũng không xấu: “Phở đó khá không? Ăn được!” Ăn đòn: Bị đòn.

Ăn ghém hay ăn xổi (ăn lúc còn xanh, chưa chín), ăn ý (hợp ý), ăn xổi ở thì: tạm bợ. Ăn vạ (cào đầu ăn vạ), ăn vặt, ăn tạp: ăn đủ thứ, ăn vay (sống bằng vay mượn), ăn vã (ăn thức ăn không có cơm), ăn trớt (thua, thất bại), ăn thừa (ăn đồ dư người ta để lại), ăn thua (thắng, bại. Hắn quyết ăn thua đủ). Ăn đói: ăn thiếu, không đủ no. “Từ hồi mẹ mất, hắn phải ăn đói.” Người ăn ốc, người đổ vỏ: người thành công: người thất bại.



Ăn thề (thề thốt) thời xưa có cắt máu ăn thề. Ăn riêng: đi ở một nơi khác. (Hai vợ chồng anh ta đã ra ăn riêng không ở chung với cha mẹ nữa), ăn rẽ (cấy ăn rẽ, làm ăn rẽ: chủ một phần, người lao động một phần), ăn rễ: ăn sâu vào việc gì, Hắn đến vùng này ăn rễ ở đây, nghĩa khác: cây trồng đã bén rễ. Ăn ngốn hay ngốn (ăn nhanh, miếng lớn, nuốt vội) Bà bảo cháu: thong thả nhai, đừng ngốn! Ăn nhín, ăn nhắt: (dè sẻn) cũng giống ăn tằn ăn tiện. Ăn nhịp: đúng nhịp điệu. Ban song ca này hát rất ăn nhịp. Ăn non (bỏ giữa chừng, không tiếp tục mặc dù đang thắng như buôn bán, đánh bài), ăn nóng (ăn ngay sau khi nấu), ăn lạnh: thức ăn để lạnh mà ăn. Ăn mồi (đớp mồi như cá), ăn mòn (bánh xe này đã bị ăn mòn), ăn liền: ăn được ngay: (mì ăn liền).  Ăn lãi: ăn lời. Ở một câu khác có nghĩa không vâng lời: “Thằng bé này nói không ăn lời.”

 Ăn lạt, ăn nhạt (ăn chay, không thịt cá) trái với ăn mặn, ăn không kiêng cữ thịt cá. Ăn lạt cũng có nghĩa là ăn ít muối. Ăn khớp (bánh xe ăn khớp, mộng ăn khớp). Ăn trùm ăn lớp: tài ba hơn những người khác. “Ðua xe đạp đường trường thì anh ta ăn trùm rồi.” Ăn thừa làm thiếu: buôn bán không thật thà. Ăn no rửng mỡ hay no ăn rửng mỡ: bụng no lo ăn chơi. Ăn của đút cũng như ăn hối lộ, tham nhũng. “Lụng bụng như chó ăn vụng bột”: Nói không ra lời. Ăn hổ lốn: ăn nhiều thứ thức ăn chung vào một tô. Loài ăn thịt như cọp, beo, cá mập, cá sấu. Loài ăn cỏ như trâu bò, dê ngựa, thỏ cừu. Loài ăn ngũ cốc như bồ câu, gà, vịt, ngỗng v.v...

Trong lúc chơi cờ bạc, ăn  có nghĩa là thắng. “Ðánh bốn ván bài, hắn ăn ba”. Ăn vụng, ăn cợi: ăn sau lưng chủ, giống như loài mèo (Vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm). Ăn lắm, thải... nhiều. Ăn quen: trong câu vẫn mửng cũ ăn quen. “Y ăn quen lại đến làm chuyến nữa”, cũng tương tự: “Quen mui thấy mùi làm mãi”: Làm điều sai trái, ngựa quen đường cũ.

       

Nhà nông bảo nhau:

        Ðói thì ăn ráy, ăn khoai

        Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.

        Lúa trổ sớm chưa phải là điềm được mùa.

Gấu ăn trăng (nguyệt thực).

Gấu ăn mặt trời (nhật thực).

       

Cha mẹ khuyên con:

Con hãy ráng  làm điều nhân nghĩa


Ăn không ăn phàm, nói  không nói  tục.



Những động tự có nghĩa như ăn:

xơi, dùng, mời, thưởng thức, cắn (Cho cắn thử này: cho ăn thử này.) nếm, cạp, đớp (vật), ngốn, ngoạm, ngậm, nút, liếm láp, hút, mút, nuốt, ực, tợp, thời (Ở Đà lạt: mời ông thời tức mời ông xơi), nhấm nháp, đưa cay, phá mồi, nhâm nhi, nhai (nhơi), nhồi, nghiến, nghiền, hốc (tiếng cổ không còn dùng), xực, (Hoa ngữ) do tiếng Hán- Việt: thực( Có thực mới vực được đạo).

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.



Từ ăn có thêm một động tự nữa phía trước, cho nghĩa phản lại: bỏ ăn: con lợn này muốn bệnh, nó bỏ ăn hai hôm nay. Siêng ăn, lười ăn, mê ăn, mất ăn, hụt ăn, để cho ăn, không cho ăn, phàm ăn: con lợn này phàm ăn. Con lợn kia kén ăn. Bao ăn (bao bụng): tha hồ ăn. Các lực sĩ về đến mức ăn thua: điểm chót (final). Ăn tay: xà-bông quá mạnh ăn tay. Nước ăn chân: nước lụt. Ăn nắng: da đen ra. Đi tu là ép xác, phải chịu ăn khổ, không được ăn sướng: “Ăn như thầy tu”. Trái lại: “Ăn sướng như bà hoàng”.

 


Một bài ca dao ru em:

Em tôi buồn ngủ buồn nghê


Buồn ăn cơm tấm, cháo kê, thịt gà 


Buồn ăn đỗ phụ, tương tầu

Mài dao đánh kéo gọt đầu đi tu

Có tu thì tu chùa này

Ðừng tu chùa khác kẻo anh tôi buồn

Anh buồn cất gánh đi buôn

Anh buôn được lãi anh buồn làm chi

Tôi là phận gái nữ nhi

Cha mẹ thách cưới làm chi vội vàng?



Cháo kê: không phải là cháo gà. Kê là một thứ hạt nhỏ như hạt vừng (mè), mầu vàng, nấu cháo thật đặc, cho thêm đường, quệt vào bánh đa nướng cùng với bột đậu xanh, một món quà nhà quê  rất ngon. Tương tầu là tương bần, xuất xứ từ làng Bần yên Nhân gần Hà Nội, thứ tương thường để chấm bê thui (tương gừng), chấm rau muống sống hoặc chín.

Gọt đầu: dùng dao thật sắc cạo đầu nhẵn thín.

Có những anh chồng vì ham mê ăn uống quên cả những gì vợ dặn trước khi đi làm ăn xa:

 


Ðồng đăng có phố Kỳ lừa


Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu, nắm nem

Mảng vui quên hết lời em dặn dò.

                               (Ca dao)



Hình ảnh sảng khoái, vui tươi sau khi đã thỏa mãn cái bao tử:

        Một đàn cò trắng phau phau


        Ăn no, tắm mát rủ nhau đi nằm



        Muốn tắm mát lên ngọn con sông Ðào

        Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh (Ca dao)



        Con cò cũng có tiết tháo, một thứ tiết trực tâm hư, triết lí sống trong sạch, dù thất thế không chịu uốn mình trong đống bùn nhơ như trong bài Con cò:      

        Con cò mà đi ăn đêm

        Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

        Ông ơi ông rước tôi vào

        Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

        Có xáo thì xáo nước trong

        Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con!

                                      (Ca dao)

       

G.S Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link