Những Người Có Gắn Cục Pin

Huỳnh Văn Phú





Tôi còn nhớ khi học môn Vật Lý ở lớp đệ Tứ có dạy cách chế tạo và công dụng của các cục pin. Pin phát sinh ra giòng điện mà công dụng của điện thì ai cũng biết là muôn hình vạn trạng, không kể xiết. Giòng điện phát ra từ Pin có cường độ khá nhỏ, chỉ chừng vài Ăm Pe là nhiều cho nên hầu như nó không gây cho ta cái cảm giác bị điện giật như điện từ bình ắc quy xe hơi.

Phải nói là công dụng của pin thật đa dạng. Thử tưởng tượng đời sống hiện tại của chúng ta mà không có pin thì buồn chán biết bao. Không có pin, các loại máy móc cần phải chạy bằng pin như máy giúp người điếc (hearing-aid) nghe cho rõ hơn, máy trợ tim giúp cho người tim yếu đập mạnh thêm chút nữa để tim có thể bơm máu đến khắp nơi nuôi sống cơ thể (những người tim yếu này đa phần lúc còn trẻ đã bị ái tình hành hạ khá kỹ, tim thủng vài chục lỗ nên khi về già nó đập không nổi nữa, cần phải có máy trợ tim !), radio, cassette, đồng hồ, camera, máy chụp ảnh, đèn pin vv… đều trở thành vô dụng. Tuy vậy, theo tôi công dụng đáng kể nhất của pin là làm cho các radio, cassette... phát ra được âm thanh, tiếng nói… Có âm thanh, có tiếng nói như âm nhạc hay ca hát thì cõi đời này mới thêm vui tươi, khỏa lấp được phần nào những phiền muộn, oái ăm hàng ngày.

Như đã nói, pin gắn vào các máy trợ tim, hearing-aid đặt vào cơ thể con người với công dụng đã kể trên, ngoài ra còn có một loại pin rất “hiện đại và siêu việt” không gắn vào máy móc nào hết lại gắn trực tiếp vào một nơi nào đó trong con người mà khó ai có thể nhận thấy được. Tôi tạm cho là nó được gắn ở hậu môn y hệt như loại thuốc viên suppositoire vậy. Có giây nối từ pin đến một công tắc “On, Off” bỏ vào túi quần rất gọn nhẹ. Loại pin này có một tác dụng đặc biệt là khiến cho người “nhận” nó nói nhiều hơn gấp trăm lần so với lúc bình thường.

Trong đời, bạn đã gặp người nào có gắn “cục pin” như thế chưa ? Riêng tôi, tôi đã gặp loại người ấy lần đầu tiên vào năm 1973 tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị lúc phe ta và phe Cộng trao trả tù binh theo quy định của hiệp định ngừng bắn ký kết ở Paris hồi tháng 1/1973.

Đó là một anh cán ngố Việt Cộng, mang quân hàm Đại Úy, mặc quân phục may bằng loại vải ka ki Nam Định, chân đi dép râu (loại dép làm bằng lốp cao su xe hơi phế thải), đầu đội nón cối, vai mang xà cọt (tức là cái túi da nhỏ đựng giấy tờ). Tôi nghĩ không cần thiết phải kể lại chuyện hai bên ta và địch trao trả tù binh, chuyện đáng bàn ở đây là anh chàng cán ngố ấy dưới tác dụng của “cục pin” gắn ở hậu môn, anh ta đã phát ngôn ra sao.

Anh cán ngố ra đứng đó, rất tự nhiên và trơ trẽn đúng như sách vở Mác Lê đã dạy, bắt đầu nói. Anh nói nhiều lắm, nói thao thao bất tuyệt, nói không ngừng nghỉ. Tôi tiếc tôi không thể nhớ nổi anh nói những gì vì những ngôn từ anh nói lúc ấy tôi nghe rất lạ tai. Trước mặt, bên phải, bên trái, đàng sau không có ai đứng gần anh. Vậy mà anh vẫn cứ nói. Anh nói như thể là nói với hư không. Sau này tôi mới hiểu Đảng và Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa gắn cho anh “cục pin” là để vào thời điểm ấy anh phải nói, nói và nói. Còn có đối tượng hoặc đối tượng có nghe anh nói hay không, không thành vấn đề.

Một người bạn cùng đơn vị tôi có tham dự buổi trao trả tù binh hôm ấy, thấy chàng cán ngố nói như máy mà không cần để ý đến có ai nghe không, bèn hỏi tôi :

- Ủa, cái thằng Việt Cộng này điên rồi sao mà nó cứ nói khơi khơi vậy mày ?

Tôi không trả lời bạn tôi mà tiếp tục quan sát anh cán ngố. Lúc ấy, tôi nghĩ anh ta không phải là một con két Nam Mỹ, trông hình dáng thì rõ ràng anh không thuộc hạng người “trí tuệ” đã từng theo học một lớp về khoa hùng biện. Thế thì có cái gì khiến anh ta có thể nói dài, nói dai, nói bất tận như vậy ?

Tự nhiên tôi nhớ đến bài học chế tạo và công dụng của cục pin mà tôi đã học hồi còn ở Trung Học. Và tôi nghĩ rằng chắc anh cán ngố này thế nào cũng có gắn cục pin ở đâu đó trong con người anh ta. Tôi nói với bạn tôi:

- Tao tin chắc thằng Việt Cộng này có gắn “cục pin” ở dưới hậu môn của nó mày ạ. Mày có thấy lúc nãy trước khi nó nói, nó thọc tay vào túi quần ngọ nguậy cái gì đó. Có thể là nó vặn công tắc cho pin về vị trí “On” lắm ?

Anh bạn tôi cười và khuyến khích tôi :

- Gán cho một con người cái tật nói dài, nói dai, nói không ngừng nghỉ dưới hình thức cho anh ta có “cục pin” gắn ở hậu môn với công tắc On, Off nghĩa là hễ vặn về On là nói, vặn về Off là ngưng theo kiểu của mày nói đó là một ý tưởng khôi hài hết cỡ, có thể diễn tả gần hết ý điều muốn mô tả. Cái ý tưởng đó rất đáng đồng tiền bát gạo, mày nên ghi nó vào trong các phóng sự “chuyên đề” của mày.

Hai năm sau, đến ngày “tan hàng” 30/4/75, tôi không có may mắn và nhanh chân để thoát khỏi những ngày tháng tù đày khổ sai trong các lao tù Cộng Sản nên nhờ đó tôi lại càng thấy rõ ràng hơn là ở mỗi chàng cán ngố, tên nào cũng đều có gắn “cục pin” ở hậu môn. Vào thời điểm này, các “cục pin” ấy chạy hết công xuất các cụ ạ. Chuyện các cán ngố nói nhiều và dai ra sao kể cả việc đoạt giải nhất cuộc thi nói phét trên toàn thế giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm nào thì sách vở đã tốn khá nhiều giấy mực đề cập đến rồi, tôi không cần phải bàn thêm nữa. Theo tôi, thành công hữu hiệu nhất của triết lý Mác Lê đấu tranh giai cấp là gắn cho các cán ngố Cộng Sản mỗi người một “cục pin” ở hậu môn để họ có thể nói bất cứ lúc nào. Ở trong tù, đói khát, cực khổ, tuyệt vọng thì đã đành rồi nhưng điều đau khổ nhất phải chịu đựng là lúc nghe các cán ngố “lên lớp”. Biện pháp chịu đựng của tôi ở những lúc ấy là tập trung nhìn vào một điểm nào đó ở trước mặt và coi cái “động vật” đang phát ra tiếng nói ấy là một cục đá hay một bức tường !
Tôi tin rằng các bạn chung tù cũng có cùng tâm trạng như tôi.

Còn dân chúng sống bên ngoài thì cũng vậy, e rằng sự chịu đựng của họ đối với các “cục pin” này to lớn hơn chúng tôi nhiều lắm. Sau khi tập trung được hết thành phần Quân, Cán, Chính của chế độ cũ vào các trại giam, Việt Cộng bèn cho các cán ngố có gắn pin ở hậu môn đến từng nhà có các thân nhân đi “cải tạo” vừa thuyết phục, vừa dụ dỗ vừa đe dọa với vợ con những người đang ở tù rằng họ không nên sống bám vào thành phố mà hãy đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới. Các “cục pin” Việt Cộng ấy nói với bà con ta những lời lẽ sau:

- Bây giờ ta đã bước vào một kỷ nguyên độc lập, tự do huy hoàng nhất trong lịch sử nước ta kể từ ngày lập nước và dựng nước. Kẻ thù chính của chúng ta là đế quốc Mỹ đã cao bay xa chạy. Cùng với cả nước, nhân dân làm chủ, chúng ta quyết tâm xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt nhất của nhân loại. Vì vậy, bà con phải phát huy sức lao động của mình tạo ra của cải vật chất làm giàu mạnh cho tổ quốc. Trước mắt, bà con nên đi vùng kinh tế mới để tạo lập đời sống mới, không nên sống bám vào thành phố. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Đối với các gia đình chỉ có người đàn bà và các con còn nhỏ thì các “cục pin” ấy hứa hẹn như sau:

- Theo chương trình và kế hoạch “giản dân” của Đảng thì khi chị và các cháu đi kinh tế mới, chính sách của Đảng là sẽ cứu xét cho chồng chị được trả tự do về xum họp gia đình sớm để cùng nhau lao động sản xuất. Hãy tin tưởng chính sách của Đảng luôn luôn trước sau như một. Chị yên tâm, nhà nước sẽ cấp cho gia đình chị một căn nhà, coi như một đổi một. Ở kinh tế mới chị lại có thêm đất đai vườn tược nữa.

Với luận điệu hứa hẹn một cách bịp bợm như thế, ngày nào cũng vậy, sáng trưa chiều tối, các cán ngố đến từng nhà phe ta kiên trì thúc giục họ nên đi kinh tế mới. Rất nhiều gia đình hy vọng chồng con được về đoàn tụ sớm nên đã bằng lòng ra đi. Thế là các cán ngố huy động lực lượng thanh niên xung phong của chúng đến phụ dọn đồ đạc của họ chất lên xe, cấp cho họ một số gạo tạm đủ ăn khoảng 4, 5 tháng. Trong thời gian 4, 5 tháng ấy, những gia đình này phải trồng khoai, sắn, bắp…để sau khi hết số gạo đã cấp, họ có thể tự túc được với số lương thực họ thu hoạch qua vụ mùa. Vùng kinh tế mới là một vùng đất hoang vắng, xa thành phố như ở Đồng Xoài, Sông Bé, Gia Rai, Long Khánh chẳng hạn. Tại đây, mỗi gia đình đi “tạo-cuộc-sống-mới” được cấp một căn nhà (một cái chòi lá thì đúng hơn) chỉ mới dựng sườn xong, bốn bên chưa có vách ván gì hết.

Đặt chân đến vùng kinh tế mới rồi, các gia đình này mới bổ ngửa ra, biết là mình bị lừa. Nhưng đã lỡ, không thể về lại thành phố được nữa vì nhà cửa của họ khi ra đi đã bị bọn cán ngố tịch thu cho người của chúng vào ở rồi.

Thử tưởng tượng một gia đình đi kinh tế mới mà nhân số gồm một người đàn bà và các con nhỏ dại, họ biết gì về trồng trọt, canh tác làm sao họ có thể đứng vững nổi ? Còn chờ mong chồng về trong thời gian dăm bảy tháng, một năm…là điều không bao giờ xảy ra. Họ đành kéo dài cuộc sống bơ vơ, khắc khoải, đau ốm bệnh tật không có thuốc men và một số đông đã ngã xuống. Tôi còn nhớ khi chúng tôi được chuyển trại từ Bắc về Gia Rai, Xuân Lộc, lúc đi ra lao động ở khu vực chung quanh đó, tôi có thấy những ngôi mộ con em của những người đi cải tạo. Bia mộ ghi tên họ các em đã chết là những thiếu nữ tuổi 17, 18!

Bên cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng đã già. Hai ông bà không con cái. Bà cụ hàng ngày nấu khoai lang bán trước cửa nhà kiếm sống qua ngày. Ông bà cũng được các cán ngố đến dụ dỗ bảo phải đi vùng kinh tế mới. Các cục pin nói với hai ông bà :

- Hai bác đã già rồi, cần có một đời sống êm đềm thanh lịch. Nhà nước sẽ cấp cho hai bác một khu đất, hai bác sẽ có vườn tược trồng cây trái hưởng già. Bác gái đừng có bán khoai nữa. Những người buôn bán là những người ăn bám xã hội, không tạo ra của cải vật chất.

Hai ông bà phần thì bị thúc giục mỗi ngày, phần khác nghe các cục pin nói cũng có vẻ bùi tai nên đã đồng ý từ bỏ căn nhà mà ông bà đã sống hơn mấy chục năm qua để đi kinh tế mới. Thân già sức yếu, cầm cái cuốc không nổi thì làm sao cuốc đất trồng khoai, trồng bắp đây ? Thế là sau một thời gian ăn hết số gạo Đảng và nhà nước cấp cho, ông bà đành phải quay về thành phố, che một túp lều nhỏ bên mái hiên nhà một người cháu họ xa ở tạm cho đến khi nhắm mắt buông xuôi, mang theo về bên kia thế giới những hứa hẹn hảo huyền của các “cục pin”.

Chính sách của Việt Cộng lúc ấy là ấn định chỉ tiêu cho mỗi Phường, Khóm phải có số lượng gia đình đi vùng kinh tế mới, do đó muốn đạt được kế hoạch, các cán ngố đã phải thay “pin” liên tục, làm việc tối đa, nói luôn mồm, vẽ ra trước mắt các gia đình này một chân trời rộng mở, một đời sống thanh bình sung túc.

Ngày tôi ra khỏi nhà tù Cộng Sản về sống với gia đình ở Sàigòn, tôi thật sự ngạc nhiên thấy sao có quá nhiều người che lều ở ngay trong các nghĩa trang. Hỏi ra thì được biết họ là những người không sống nổi ở vùng kinh tế mới, phải về lại thành phố. Nhà cửa của họ đã mất, họ đành phải chung sống với những người chết. Và đã có biết bao chuyện thê thảm, đớn đau, cười ra nước mắt xảy ra trong cảnh ngộ “sống chung” giữa người ở cõi “âm” và cõi “dương” đó.

Có thể nói chính sách đưa dân đi vùng kinh tế mới của Việt Cộng dạo ấy là một chính sách vô cùng thâm độc. Cái thâm độc ở chỗ đẩy người dân miền Nam vào chỗ chết dần chết mòn đồng thời chiếm đoạt tài sản, nhà cửa của họ một cách ngon ơ !
Vấn đề là họ phải ra đi để nhà nước lấy nhà dành cho các cán bộ của chúng từ Bắc vào ở. Thế thôi. Còn người dân đến vùng kinh tế mới sống chết ra sao, Đảng và nhà nước không cần biết đến.

Cho đến bây giờ, bao nhiêu nước đã trôi qua cầu nhưng dấu ấn của những ngày tháng đau thương đó vẫn còn khắc ghi sâu đậm trong tâm trí mỗi người. Không có gì khiến họ có thể lãng quên được.

Trên đây tôi vừa kể lại chuyện các cán ngố Việt Cộng nhờ có gắn cục pin ở hậu môn nên đã nói nhiều và nói lâu, nói không cần có đối tượng nghe… Bạn có thể thắc mắc hỏi rằng thế thì phe ta ở trên xứ Mỹ xô bồ, kỳ cục và lạ lùng này, có ai được gắn cục pin như thế để nói dài, nói dai và nói dở không ? Tôi xin trả lời mau rằng quả là có đấy. Nhưng cách nói của phe ta và các cán ngố khác nhau một trời một vực. Phải hiểu rằng các cán ngố được gắn pin là để lừa bịp dân chúng, thi hành chính sách, đường lối, chủ trương của Bắc Bộ Phủ và nhất là theo đúng lý luận của hệ thống triết học Mác Lê. Còn phe ta nếu có gắn “pin” vào là chỉ để nói cho “đời thêm vui” mà thôi. Họ nói về những ngày tháng huy hoàng cũ của họ để chứng tỏ ta đây cũng có một quá khứ vàng son, hết xẩy con cào cào. Từ trong căn bản, “pin” của ta khác với “pin” của Việt Cộng như nước với lửa. Nhiều lúc phe ta nói dài, nói lâu hình như là chỉ để chứng tỏ cho mọi người nhận biết sự có mặt của phe ta trên cõi đời ô trược này và phe ta là một “cây đinh” chứ không phải chuyện đùa. Mục đích chỉ có thế !

Tôi có một anh bạn cùng đơn vị, hiện sống ở quận Cam, California. Anh có biệt danh là Tư Nổ. Không biết anh gắn loại “pin” nào mà anh nói ghê quá. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể nói được, nghĩa là hễ chỗ nào có đông người là anh tự tạo ra điều kiện để được nói. Nhiều lúc nhiệm vụ không phải của anh, anh cũng tự động “nhảy” ra đưa ý kiến, sắp xếp điều khiển chương trình. Mà anh nói rất hay, có lang có lớp chứ không phải nói dở đâu. Mấy lần tôi sang Cali đều ghé thăm anh, tôi thấy anh chẳng thay đổi “cái tật” đó tí nào hết. Bà vợ anh rầu rĩ lắm. Bả tâm sự với tôi :” Anh biết không, đi dự tiệc tùng ở đâu cũng thế, hầu như anh ấy chả có ăn uống gì, chỉ có nói và nói thôi.” Còn riêng anh, thì anh bày tỏ ý kiến: ”Mình may mắn còn sống sót sau cuộc chiến và những ngày tháng đói khổ trong tù, sang đây thiên hạ một tấc nói tới trời, mình cũng phãi nói cho vui chứ không nói thì có ai biết mình là ai. Tuy nhiên điều quan trọng là mình đừng có nói bậy”. Tôi nghĩ, đó cũng là một triết lý sống !

Riêng tôi, tôi thật sự không thích bất cứ loại “pin” nào gắn vào con người gây cho họ cái sự phát ngôn liên tu bất tận. Tôi ao ước khoa học phát minh ra một loại “pin” mà khi gắn vào bất cứ nơi đâu trên cơ thể người nào đó, thì người ấy sẽ có một lý trí sáng suốt, trung thực, có tình người, biết lẽ phải, biết phân biệt rõ bạn, thù và nhất là biết tôn trọng sự thật. Liệu đến bao giờ mới có một loại “pin” như thế nhỉ ?

Huỳnh Văn Phú