Tuesday, July 29, 2014

61 đảng viên đòi đảng CSVN phải dân chủ hóa


To 
Today at 1:20 PM

chuyện cười Đỉnh Cao Trí Tuệ



61 đảng viên đòi đảng CSVN phải dân chủ hóa

Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN
Ngày 28 tháng 07 năm 2014 

THƯ NGỎ 
Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam 
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. 

Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.
Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị. 
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. 

Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.

Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…

Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.
Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.

Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước. 
Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!
- - -

DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 
1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.
10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.
13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
14. Tô Hòa, vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.
16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.
21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.
22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.
28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.
39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.
41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.
43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.
44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, TP. Huế.
45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.
52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.
53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1991, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.
 

Những vùng không gian

Nguyễn Thị Từ Huy

2014-07-22 - RFA
000_Hkg9599946-305.jpg
Ảnh minh họa chụp từ cửa sổ một máy bay cánh quạt đang bay trên vùng trời Việt Nam hôm 14/3/2014.
AFP

Hành trình ở đâu giữa đi và đến?

Vậy là lên máy bay.
Vậy là máy bay đã lao vào trong mây.
Một chuyến bay đêm như muôn vàn chuyến bay đêm khác.
Bỏ lại đằng sau cả một đất nước đang trong những ngày đau khổ.
Không. “Bỏ lại đằng sau” thì không đúng. Đất nước này vẫn luôn ở phía trước tôi. Vẫn luôn là tiếng gọi. Giờ đây nó là tiếng gọi nhuốm màu đau thương mà tôi có thể cảm thấy trong ánh mắt của rất nhiều người, trong câu chuyện của rất nhiều người.
Bỏ nó lại đằng sau, mà cũng có thể là đang bay về phía nó. Hành trình này ở đâu giữa đi và đến?
Ngày mai máy bay sẽ hạ cánh xuống một xứ sở tự do và độc lập.
Bao giờ những chữ này: “tự do” và “độc lập”, có được ý nghĩa đích thực, mang một nội dung đích thực, cho toàn bộ dân tộc chúng tôi?
Một vài người bạn nói rằng như vậy là tôi đã thoát. Thoát đi ư? Đúng không? Phải chăng cứ ra khỏi một vùng không gian là có thể thoát khỏi nó? Hãy hỏi những người Việt tha hương để biết cái khoảng không gian được gọi là Việt Nam đã và đang ám ảnh họ như thế nào?
Ra khỏi một không gian có khi lại là để bị buộc chặt hơn nữa vào đó, bởi một sợi dây vô hình mà chẳng có công cụ nào cắt đứt nổi.

"Viết" đồng nghĩa với sự thay đổi?

000_Hkg10078429-250.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Malaysia tháng 7 năm 2014. AFP PHOTO.
Sau một giấc ngủ dài trên mây (trong máy bay, mà máy bay thì ở trong mây, nếu muốn nói theo kiểu hiện thực chủ nghĩa), tôi tỉnh dậy, và đầu óc đột nhiên được khai quang. Tôi bắt đầu viết những dòng này.
Viết, đó là một việc mà từ mấy tháng nay tôi không làm. Không phải vì tôi không muốn làm mà vì tôi không làm nổi. Và lúc này đây, tỉnh dậy trong máy bay, giữa mây, tôi tìm giấy và bút và viết.
Viết có giống như những chuyến bay? Có lúc cất cánh, có lúc bay đều đều và có lúc hạ cánh? Di chuyển từ không gian này sang không gian khác, nghĩa là: viết đồng nghĩa với sự thay đổi?
Tỉnh giấc lần nữa, thấy mình vẫn còn ở trong máy bay, tôi tự hỏi: “Chúng ta có tỉnh dậy nổi không? Chúng ta có trỗi dậy nổi không? Chúng ta còn có khả năng quật khởi như cha ông mình không?”
Chữ “chúng ta” ở đây được dùng để chỉ phần lớn người Việt Nam đang ở trong tình trạng gần như bất động, thiếu những phản ứng cần thiết và hiệu quả trước thảm trạng của đất nước,và thảm trạng của chính mình. Trong chữ “chúng tôi” này có cả tôi, dĩ nhiên.
Một số người rất ít đã và đang trỗi dậy, và họ đã phải trả giá đắt cho sự quật cường của họ.
Bao giờ thì số ít đó nhận được sự hưởng ứng của số đông đang gần như bất động này? Bao giờ chúng ta tìm lại được sức mạnh quật khởi của cha ông?
Những câu hỏi vắt qua hai vùng không gian diệu vợi. Đôi khi những câu hỏi trở thành phương tiện để kết nối các khoảng cách. Và để cho những câu hỏi có thể gắn kết các khoảng cách thì cũng cần có một không gian cho chúng, phải không nhỉ? Tôi đã nghĩ tới không gian blog, là một dạng không gian xuyên không gian, nơi tồn tại lý tưởng cho các câu hỏi trên hành trình tìm kiếm câu trả lời của chúng.
Rất nhiều những câu hỏi có thể đặt ra:
“Làm thế nào để chúng ta bảo vệ được không gian của mình, với tất cả những gì làm nên giá trị đặc thù và riêng biệt của chúng ta, đồng thời vẫn là một phần hòa hợp với không gian chung là nơi tồn tại của mọi dân tộc trên trái đất này và mọi hành tinh trong vũ trụ này?”
“Làm thế nào để chúng ta lấy lại được sức mạnh đã mất?” Nhưng trước đó có lẽ phải hỏi: “Cái gì đã khiến chúng ta đánh mất sức mạnh của mình?” Và tiếp theo thì phải hỏi: “Làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra những sức mạnh mới?”…
Một blog liệu có đủ chỗ cho các câu hỏi giày vò ta, và liệu có đủ không gian cho những câu trả lời khả dĩ?
Nguyễn Thị Từ Huy
Tháng 7 năm 2014
Khoảng giữa Hà Nội và Paris.


Cầu nguyện cho Anh Ba Sàm

VRNs

 

Thánh Lễ Công lý – Hòa bình tại nhà thờ Thái Hà: Cầu nguyện cho Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
(28.07.2014) – Như thường lệ vào Chúa Nhật cuối tháng tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà diễn ra Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình vào lúc 20g.
Hôm nay, ngày 27/7 thánh lễ đặc biệt có sự góp mặt của những người rất quen thuộc như: vợ blogger Nguyễn Hữu Vinh, nhà giáo Phạm Toàn, TS. Chu Hảo, nghệ sĩ Kim Chi, nhà văn Thùy Linh, TS. Ngô Đức Thọ, luật sư Hà Huy Sơn… cùng với anh chị em tham gia phong trào đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người. Và hàng ngàn giáo dân đã tham dự Thánh Lễ này.
Ngay đầu vào thánh lễ cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong có đôi lời chia sẻ với cộng đoàn về buổi lễ cầu nguyện đặc biệt hôm nay. Sau lời giới thiệu về những người tham dự buổi lễ là các ý cầu nguyện: Cầu cho các quyền cơ bản của con người sớm được tôn trong, đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Cầu cho các tù nhân lương tâm sớm được trả tự do, và cũng nhân ngày hôm nay 27/7 là ngày tưởng nhớ đến các thương binh liệt sĩ dù họ thuộc phe phái nào họ cũng xứng đáng được ghi nhớ vì lý tưởng và ý chí thời đó.
   
Trong bài giảng sau đó, cha Gioan Nam Phong cũng chia sẻ:
Chủ đề của buổi cầu nguyện hôm nay là cầu nguyện cho nhà cầm quyền Hà Nội tôn trọng các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, đã ban cho con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận; cách riêng chúng ta cầu nguyện cho Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông, những nạn nhân mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội. Ông bị bắt một cách oan ức vì đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các quyền con người, cách riêng lên tiếng bảo vệ biển dảo quê hương trước nguy cơ bị xâm lược bởi người láng giềng xấu tính Bắc Kinh.

Thật là trùng hợp, khi ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho tự do ngôn luận đang tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam, chúng ta được phụng vụ kể lại cho nghe câu chuyện về Vua Salomon.

Chúng ta biết, trong Thánh Kinh, linh đạo lắng nghe là một linh đạo vừa cũ vừa luôn mới mẻ. Con người phải biết nghe theo Thượng đế, nghe tiếng nói của Người trong tạo thành, trong các trật tự của tự nhiên, đặc biệt là nghe theo tiếng lòng của dân chúng. Người lãnh đạo phải biết nghe dân và yêu dân, nhờ đó họ mới trở thành người lãnh đạo tốt.
Cha Gioan cũng nhấn mạnh rằng: Chúng ta biết, để có thể lắng nghe điều quan trọng phải biết tôn trọng người khác. Nói cách khác, việc lắng nghe đòi người lãnh đạo phải tôn trọng các quyền cơ bản của người dân trong đó có quyền tự do ngôn luận. Có thể nói, một quốc gia hùng mạnh, phát triển là một quốc gia trong đó các quyền của con người được bảo đảm và người dân được tự do bày tỏ những quyền cơ bản ấy trong trật tự công ích và trong những bó buộc của luật tự nhiên.

Đối với Giáo hội Công giáo chúng ta, bảo vệ các quyền con người là một bổn phận và trách nhiệm quan trọng, đến độ:
“Những hành động cố ý vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc phổ quát của nhân quyền, cũng như các lệnh truyền thi hành các hành động ấy, đều là tội ác. Chấp hành mệnh lệnh cách mù quáng không đủ để bào chữa cho những ai tuân hành các lệnh đó. Do đó, việc tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia hoặc một nhóm thiểu số phải bị kết án như một tội trọng. Luân lý đòi chúng ta phải chống lại các mệnh lệnh diệt chủng” (Số 2313, Sách Giáo lý Công giáo).

Trong Thông Điệp Hòa Bình trên Trái đất, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, kể ra tất cả những quyền cơ bản mà Thượng đế hay Tạo hóa ban cho con người, cũng là những quyền được nhắc tới trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc Ban hành năm 1948, trong đó, ngài viết: “Ai cũng có quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, thanh danh, quyền được tự do đi tìm chân lý, và trong phạm vi trật tự luân lý và công ích cho phép, được tự do phát biểu ý kiến, phổ biến tư tưởng, theo đuổi bất cứ nghệ thuật nào, và sau hết, được quyền theo dõi tin tức một cách khách quan” (số 3)
Đặc biệt trong bài giảng Cha chia sẻ: Trong một khoảng thời gian hết sức eo hẹp của ngày lễ hôm nay, chúng ta không thể nói hết được mọi khía cạnh phong phú, thiêng liêng của “các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa ban cho con người” Chúng tôi chỉ xin gợi lại ở đây một chút nào đó lời dạy của Giáo hội về trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta “phải dấn thân và lên tiếng bảo vệ các quyền của con người”, trong đó có các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận; đặc biệt, trách nhiệm của mỗi giáo dân chúng ta trong việc bảo vệ những người vì bảo vệ các quyền của con người mà bị bắt giam cách trái pháp luật như anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và rất nhiều các tù nhân lương tâm khác.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, như Salomon, biết lắng nghe dân để lãnh đạo dân và biết phân biệt phải trái, để cùng người dân phụng sự tổ quốc và dân tộc. Chúng ta cầu nguyện cho họ, hãy từ bỏ con đường sai lầm đầy sự hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản, để quay về với nhân dân với tổ quốc với đồng bào.
Ngày hôm nay chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các liệt sĩ, các thương binh, những người đã vì lý tưởng và tự do, dù họ thuộc phe phái nào, đã ngã xuống với ước vọng bảo vệ tổ quốc; đặc biệt các liệt sĩ đã hy sinh tại Hoàng sa và Trường sa, các người mẹ già mất con đang sống cô quạnh những năm tháng cuối đời, xin cho tất cả được an ủi.
Thiết nghĩ, muốn thoát Trung, thoát Cộng, thì căn bản và quan trọng nhất là “thoát Tôi” để đi tới cái “Chúng ta” trong Chân lý.
Thánh lễ kết thúc với phần thắp nến cầu nguyện dâng lên những lời nguyện cầu với Đức Mẹ Maria của tất cả mọi người.

  
Pv. VRNs tại Hà Nội


“Tự Do Tôn Giáo”: Nhà nước Việt Nam Vi Phạm Cả Chính Sách Lẫn Luật Pháp
Lực lượng CA đàn áp đánh đập, bắt tất cả thành viên Giáo
Hội Tin Lành Mennonite như tội phạm, Bình Dương
đêm 9-6-2014. Ảnh RFA

Nhà cầm quyền luôn luôn nói ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Họ nói với Liên hiệp quốc và các phái bộ ngoại giao của các nước rằng Nhà nước Việt Nam có chính sách và luật pháp nhất quán về tự do tôn giáo.

Một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã nói với tôi khi tiếp xúc tại Washington DC: Chính phủ Việt Nam nói những sự việc căng thẳng được cho là vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam thường là do tranh chấp đất đai hoặc cấp dưới đã tùy tiện làm sai pháp luật, không thực hiện đúng chính sách. Chuyện đất đai là chuyện phức tạp ở Việt Nam không thể giải quyết một sớm một chiều, còn chuyện cán bộ thì cũng có người này người kia.

Đó là quả quyết của nhà cầm quyền. Gần đây, các phái bộ ngoại giao đã tiếp cận được nhiều hơn với những nhân chứng về vi phạm tự do tôn giáo, nên họ đã không còn ghi nhận cách trả lời như trên là xác đáng.

Đọc luật pháp Việt Nam, người ta không tìm thấy quyền tự do tôn giáo của người dân được bảo vệ, mà chỉ thấy pháp luật là công cụ để nhà cầm quyền sử dụng để hạn chế tối đa quyền tự do tôn giáo của người dân đến mức đàn áp tôn giáo ở một số nơi.

“Tự do tôn giáo” bị luật pháp vi phạm như thế nào?

Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội (QH) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua sáng 28.11.2013. Tại điều 24:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật“.

Hiến pháp (HP) công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng pháp luật về tôn giáo [Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92] lại vi phạm quyền tự do hiến định này, và buộc mọi công dân, các tổ chức tôn giáo phải thực hiện theo các quy định pháp luật. Lưu ý, các văn bản pháp luật này cũng do chính Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ban hành, nên có ràng buộc thi hành.

Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, QH ban hành ngày 18.06.2004 (Pháp lệnh), có hiệu lực ngày 15.11.2014; Nghị định 92, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, ban hành ngày 08.11. 2012 (nghị định) là những công cụ hạn chế tự do tôn giáo. Pháp lệnh này, sau khi nhắc lại điều quyền tự do tôn giáo như HP thì hoàn toàn bàn về cách quản lý hoạt động tôn giáo của nhà cầm quyền, mà các chức sắc tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và các tín đồ đều phải tuân thủ. Pháp lệnh không bàn đến cách giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.

Pháp lệnh và Nghị định được ban hành nhằm quản lý tôn giáo, hạn chế quyền tự do tôn giáo và mở cửa cho việc đàn áp tôn giáo theo pháp luật.

Không thiếu bằng chứng

Điều 11 của Pháp lệnh quy định:

“1. Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

2. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) nơi thực hiện“.


Với điều luật này, các chức sắc tôn giáo có thể xem là vi phạm pháp luật khi hành lễ tại tư gia của mình, hay nơi cơ sở tôn giáo của đồng đạo, nhưng không do mình phụ trách. Trong các doanh trại quân đội, khu công nghiệp, nhà tù có hàng triệu tín đồ các tôn giáo không thể đến cơ sở thờ tự, vì trách nhiệm quốc gia, vì đời sống kinh tế và vì bị giam giữ. Nhưng với điều luật này, nhà cầm quyền đã đương nhiên cấm các chức sắc tôn giáo đến đây cửa hành lễ nghi tôn giáo cho các tín đồ này. Như vậy không chỉ các chức sắc tôn giáo bị bắt luật khi thi hành trách nhiệm tâm linh với đồng bào, mà cả các quân nhân sẵn sàng đổ xương máu để bảo vệ quốc giá vẫn bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo.

Một chức sắc khi ốm đau, không thể cửa hành nghi lễ tôn giáo cho tín đồ, muốn mời một chức sắc khác đến giúp làm thay, nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của công dân thì buộc phải xin phép và phải đợi sự chấp thuận của nhà cầm quyền, nếu nhà cầm quyền không đồng ý thì phải chịu.

Ngày 19.04 vừa qua là Thứ bảy Tuần Thánh. Đêm đó là lễ Phục Sinh, một lễ quan trọng nhất của người Công giáo. Cha Phêrô Đinh Quốc Thái Bình, phụ trách giáo điểm Plơi Athai, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai bị bệnh, khó có thể cử hành trọn vẹn một thánh lễ dài, trong đó có cử hành bí tích rửa tội cho hơn 100 anh chị em đã học đạo hơn hai năm, nên cha Bình đã mời tôi đến giúp. Trước giờ lễ, chính quyền, ban tôn giáo, công an và dân quân tự vệ đến không cho phép tôi được cử hành. Tôi chỉ có thể đứng bên cạnh để phụ cha Bình mà thôi.

Đây là quy định nhằm giới hạn hoạt động tôn giáo của nhà tu hành.

Mọi hoạt động tôn giáo đều phải đăng ký và phải được nhà cầm quyền chấp thuận

Điều 12 Pháp lệnh quy định:

“1. Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã); trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyềnchấp thuận.

2. Thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng do Chính phủ quy định“.

Phải liệt kê chi tiết: Hành lễ lúc mấy giờ? Ai chủ lễ? Ai tổ chức lễ? Có bao nhiêu người tham dự? Có người của địa phương khác đến tham dự lễ không?

Làm sao linh mục có thể biết trước thánh lễ đại chúng có bao nhiêu người tham dự để đăng ký? Làm sao linh mục có thể biết ai là người tỉnh khác, huyện khác hay phường xã khác đến tham dự thánh lễ, nếu người ấy không đến xin phép dự lễ? Nhà thờ là là nhà của Chúa và cũng là của Dân Chúa, giáo dân ở Mỹ, ở Tây Ban Nha hay ở Cà Mau, Bắc Cạn … đều có thể lên Tây Nguyên dự lễ, khi nơi đó có lễ, mà không cần xin phép cha xứ.

Nói chung, tất cả các hoạt động thuần túy nội bộ tôn giáo như hội nghị của nội bộ tôn giáo, phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển, thành lập tu viện, trường đào tạo giáo sĩ … đều phải đăng ký và phải được chấp thuận như quy định tại các điều 18, 20, 22, 23, 24 … thì mới được tổ chức, còn nếu không đồng ý thì bị ngưng trệ.

Nếu tiếp tục đọc các điều khoản còn lại, người đọc sẽ thấy chỉ toàn là công cụ quản lý chứ không có chút gì để giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo.

Chỉ có ở Việt Nam

Các tôn giáo hoàn toàn không có tư cách pháp nhân độc lập, nên việc mua, bán, nhận hiến tặng đất đai đều không được phép, do đó không thể chủ động mở rộng cơ sở hoạt động tô giáo hoặc xây dựng mới cơ sở tôn giáo.

Khi một linh mục được giáo phận giao xây dựng nhà thờ mới, theo hướng dẫn của nhà chức trách, vị linh mục ấy phải làm các việc sau đây:

1. Chọn đất, thỏa thuận với người đang có quyền sử dụng để mua lại quyền sử dụng (nôm na là trả tiền mua đất).

2. Người đang đứng tên có quyền sử dụng đất phải làm đơn gởi Ủy ban nhân dân huyện xin trao trả lại đất với lý do không còn nhu cầu sử dụng, đồng thời đề nghị nhà cầm quyền cấp mảnh đất đó để xây nhà thờ.

3. Linh mục phụ trách phải làm đơn xin cấp đất (cấp lại mảnh đất đã trả tiền mua)

4. Nhà cầm quyền xem xét, nếu hợp lý thì cấp theo đơn và theo đề nghị của công dân; còn nế không phù hợp thì không cấp. Trường hợp sau xem như vị linh mục và Giáo hội Công giao mất trắng tiền mua đất đã trả.

Những quy định được xem là phù hợp là phải có số giáo dân phù hợp với quỹ đất đề nghị cấp (đất đã mua), không nằm trong vùng quy hoạch. Lý do thứ nhất nhằm ngăn cấm việc truyền giáo. Linh mục không được truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo thì làm sao có số tín đồ đông ở vùng đất mới để xây nhà thờ? Còn nếu muốn có số tín đồ đông đủ để xin xây nhà thờ thì trước đó nhiều năm, các linh mục phải vi phạm pháp luật để đi truyền giáo. Lý do thứ hai thường là lý cớ để không chấp thuận cấp đất, và có thể sau đó là một âm mưu cướp đất mà Giáo hội đã mua.

Vì sao lấy lý do “trùng tên tôn giáo”?

Sau 1975, nhà cầm quyền Hà Nội đã lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để sau đó cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã có hoạt động từ trước đó. Khi các tổ chức quốc tế can thiệp, và chính tôn giáo này khiếu nại, thì nhà cầm quyền cho rằng các tôn giáo đó đã có, nên không thể công nhận các tôn giáo trùng tên nhau.

Họ giải tán toàn bộ đạo Cao Đài, rồi lập ra tổ chức đạo Cao Đài mới và cấm những ai theo Đạo Cao Đài chân truyền, giữ truyền thống cơ bút. Họ tịch thu toàn bộ tài sản và bắt tù các tu sĩ cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, rồi lập ra một Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo khác … Tất cả đều nhằm không công nhận các tôn giáo đã có lâu đời.

Thực tế chính sách và pháp luật nhất quán của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tôn giáo là như thế.

Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR

(Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam)













No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official19/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link