Xin đừng ngăn cách đau thương
Đức Thành
Cứ đến dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, mọi người
chúng ta lại trầm lắng, ưu tư và thành kính vì không biết bao nhiêu triệu đồng
bào cả nước đã ngã xuống vì các cuộc chiến tranh. Có những cuộc chiến tranh vì
độc lập tự do cho tổ quốc, cho nhân dân nhưng cũng có những cuộc chiến tranh do
ý thức hệ, khiến dân tộc ta vừa bị cảnh “nồi da xáo thịt”, vừa làm vật tế thần,
vùng đệm cho những nước lớn.
Những sử gia đương đại của Việt Nam chưa ai viết sử và
nghiên cứu sử theo hướng này. Để cho công bằng, chắc chắn rồi đây giới viết sử
cũng phải nghiên cứu thấu đáo, khách quan và toàn diện để cho ra được những
công trình nghiên cứu lịch sử để đời xứng tầm với trí tuệ Việt.
Nhưng thôi, đó là công việc của các nhà viết sử hôm nay
và mai sau!
Còn đã là chiến tranh, dù đó là cuộc chiến nào, mang cái
nghĩa nào và vì cái gì gì đi chăng nữa thì những mất mát cho dân tộc này là rất
lớn không có gì bù đắp nổi. Càng không thể bù đắp nổi khi nhân dân sau chiến
tranh đã mấy chục năm được sống trong hòa bình, có Đảng “vinh quang” lãnh đạo
mà đất nước chưa giàu có, dân chủ chưa thấy đâu, những tiếng nói muốn cho dân
chủ mạnh giàu vẫn bị chính đảng cầm quyền bêu riếu là phần tử xấu, là thế lực
thù địch… Những người con của dân tộc Việt đã ngã xuống cho quê hương đất nước
này, dẫu là bên nào thì vẫn phải được trân trọng, thành kính để mà phụng thờ đến
nơi đến chốn, ấy mới là đạo lý Việt ngàn đời nhân bản, tình người.
Khi giành chiến thắng, đáng lẽ Đảng phải xóa mọi hận thù
do các cuộc chiến ý thức hệ gây ra cho dân tộc này để khôi phục kinh tế, hàn gắn
vết thương chiến tranh. Nhưng Đảng lại tiếp tục gieo rắc tư tưởng hận thù với đồng
bào mình ở bên kia chiến tuyến khiến những người lính cộng hòa đã hy sinh với bọn
Trung Quốc xâm lược năm 1974 vì quần đảo Hoàng Sa – một bộ phận lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc – vẫn chưa được nhà nước vinh danh. Còn với những gia đình ở
bên này chiến tuyến nơi đã cung cấp vô điều kiện sức người sức của cho Đảng làm
nên chiến thắng thì có hơn gì những người ở phía bên kia?! Để được Đảng, Nhà nước
tuyên dương công trạng cho mình, thì trước hết những cá nhân và những gia đình
của “bên thắng cuộc” phải làm đơn xin… Những lá “đơn xin” nhà nước thưởng cho
công trạng của mình hoặc của thân nhân mình liệu có còn thực sự mang trọn ý
nghĩa tưởng thưởng của Nhà nước hay nó chỉ còn là ý nghĩa hàm ơn của người đi
xin nếu được người có thẩm quyền xét duyệt?
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một số gia đình được công nhận
là gia đình liệt sĩ đã được hưởng trợ cấp nhưng vì thù tức với đảng viên có quyền
mà gia đình ấy không còn “được” là gia đình liệt sĩ nữa. Tôi cũng đã gặp những
người vợ liệt sĩ đã tái giá, muốn được hưởng trợ cấp liệt sĩ tái giá thì phải
chung chi cho những công chức đảng viên có chức có quyền một khoản tiền từ 6 đến
10 triệu đồng (tương đương 6-10 tháng trợ cấp nếu được hưởng), nếu không có khoản
này thì hồ sơ của họ cứ bị rơi vào “im lặng đáng sợ”. Ngay người thân của tôi
theo qui định của pháp luật về người có công thuộc diện được hưởng trợ cấp thân
nhân liệt sĩ, tuy có đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định mà còn bị dìm giấu mất bốn
năm trời chỉ với lý do bâng quơ bằng mồm là “chưa xác định được quá trình nuôi
dưỡng liệt sĩ”. Và còn biết bao gia đình vẫn tiếp tục phải làm đơn và chờ đợi sự
tưởng thưởng công trạng cho mình khi cuộc chiến càng lùi vào dĩ vãng cũng đồng
ngĩa với quĩ thời gian sống của những người có công trạng càng ngắn đi.
Đừng ngăn cách sự đau thương của dân tộc Việt bởi quá khứ
của những cuộc chiến tranh ý thức hệ. Để hóa giải cho sự đau thương này, cần phải
tổ chức tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Làm được như thế, những thế lực
nhòm ngó Biển Đông sẽ phải run sợ trước một dân tộc Việt đoàn kết một lòng.
Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment