Việt Nam Cần Có Hiến Pháp Mới; Hội Nghị “Đánh Bùn Sang Ao” –Dũng Mất chức chống Tham nhũng
(05/18/2012)
Tác giả : Phạm Trần
Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chấm dứt tại Hà Nội ngày 15-05 (2012) sau 9 ngày họp bàn chính về sửa đổi Hiến pháp 1992, chuyện đất đai của nước thuộc về ai và hỏi nhau tại sao tham nhũng vẫn tràn lan để cuối cùng xác nhận lại quyền tòan trị của đảng theo kế họach “đánh bùn sang ao”.
Đây là cách làm vá víu cố đám ăn xôi lạc hậu truyền thống của những người cộng sản Việt Nam ở thế kỷ 21 phản bội lại tinh thần và chủ trương dân là chủ đất nước của các Tác gỉa của Hiến pháp đầu tiên năm 1946, trong đó có người lập ra đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh.
Không những thế, cứ mỗi lần đảng sửa Hiến pháp thì quyền của dân ghi trong Hiến pháp lại bị nhà nước lấy mất bởi những cán bộ, đảng viên lạm quyền hay bị nhà nước vô hiệu hoá bằng các luật lệ phản Hiến pháp.
Hãy xem :
Trong Điều thứ 1, Hiến pháp 1946 tuyên xưng: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Đến Điều thứ 21, tính dân chủ và ý thức tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân cũng đã được xác định không quanh co, e dè : “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70.”
Điều thứ 32 viết : “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.
Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.”
Điều thứ 70 còn quy định thêm quyền quyết định tối hậu phải thuộc về tòan dân: “ Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Rất tiếc Hiến pháp 1946 chưa có thời gian thi hành thì bị chiến tranh làm gián đọan.
Sau khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định Geneve 1954, hai miềh Nam-Bắc có hai thể chế chính trị khác nhau.
Miền Bắc theo chế độ Cộng sản độc tài và miền Nam theo chế độ dân chủ, tự do.
Từ lần sửa Hiến pháp năm 1959 ở miền bắc khi Hồ Chí Minh, người có trách nhiệm với Hiến pháp 1946 còn sống, quyền cao cả của dân ghi trong các Điều 21,32 và 70 bị đảng hủy bỏ mà dân không được hỏi ý.
Dù khi ấy, một nửa nước Việt Nam ở miền bắc do đảng Lao động Việt Nam cai trị với tên gọi của nước là “Việt Nam dân chủ cộng hoà” với Điều 4 của Hiến pháp 1959 viết nguyên văn rằng: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân”, nhưng trong thực tế người dân sống từ bắc vỹ tuyến 17 đến biên giới Việt-Tầu không được tự do sử dụng quyền lực của mình mà phải hành sử quyền này “thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra”.
Vì vậy người dân miền bắc đã bị đảng khóa tay khi Điều 112 của Hiến pháp 1959 trao độc quyền sửa Hiến pháp cho Quốc hội, như đã viết : “Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Sau khi chiếm được miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) tháng 04/1975, đảng Lao động Việt Nam được đổi tên là đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội đảng kỳ IV năm 1976, và nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đã được đổi thành “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Lãnh đạo đảng CSVN lúc đó là Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng, một người Cộng sản cực kỳ bảo thủ và cuồng tín đã cùng với Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội, chủ trương sửa Hiến pháp năm 1980 theo quan niệm “thừa thắng xông lên” nhuộm đỏ cả nước.
Do đó Điều 2 của Hiến pháp 1980, thay cho Hiến pháp 1959, mới cực đoan và tham vọng viết rằng : “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; xoá bỏ chế độ người bóc lột người; đập tan mọi sự chống đối của bọn phản cách mạng trong nước, mọi hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù bên ngoài; xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; góp phần củng cố hoà bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.”
Từ chủ trương độc tài độc trị này mà, lần đầu tiên trong Hiến pháp, những người CSVN mới công khai vạch áo cho thế giới xem lưng, khi họ viết trong Điều 4: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp.”
Cũng giống như Hiến pháp 1959, nhóm Lê Duẩn tái khẳng định việc cướp mất quyền làm chủ của dân khi viết trong Điều 147 của Hiến pháp 1980 rằng : “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Sau khi Lê Duẩn (1986) và Trường Chinh (1988) lần lượt qua đời, thành phần có đầu óc thực tiễn hơn, sau khi đã thực hiện công cuộc được gọi là “Đổi mới” để cứu đảng khỏi tan và dân khỏi đói dưới thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh, và tiếp theo sau sự tan rã gây chấn động tòan cầu của thế giới Cộng sản do Nga Sô lãnh đạo năm 1991, bản Hiến pháp 1992 của Việt Nam ra đời đã bỏ đi nhiều ngôn ngữ cuồng tín của thời Lê Duẩn.
Tuy nhiên đảng này, vì nhu cầu tồn tại để tham quyền cố vị, vẫn ù lì viết ra Hiến pháp mới dựa theo nội dung của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", được Đại hội đảng kỳ VII chấp thuận ngày 27-6-1991. Đỗ Mười, một đảng viên bảo thủ giáo điều khác, thay Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư.
Cương lĩnh lạc hậu này đã phản ảnh chủ trương “cố đấm ăn xôi” của thành phần lãnh đạo lạc hậu, không có lương tâm từ bỏ địa vị và quyền lợi phe nhóm để phá tan yêu cầu dân chủ hóa đất nước cho dân thoát khỏi đói nghèo và chậm tiến .
Bằng chứng này đã thể hiện trong 3 đọan quan trọng nhưng giáo điều,hão huyền và lạc hậu của phe bảo thủ trong đảng CSVN khi họ ngô nghê nhận định rằng :
(1) “Mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Chính sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản.”
(2) “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử.”
Từ tư duy lạc lõng này, dù nhân dân Nga sau 70 năm bị xỏ mũi đã vứt chủ nghĩa Cộng sản vào sọt rác, Cương lĩnh vẫn khẳng định tiếp tục bám lấy chủ nghĩa Cộng sản:
(3) “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”
Đó là lý do tại sao Điều 4 của Hiến pháp 1992 đã được viết rằng: “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Và mặc dù Điều 2 của Hiến pháp 1992 đã minh thị “
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”, nhưng trong thực tế người dân không có quyền làm chủ đất nước.
Các thành phân tạo thành lực lượng nồng cốt cho đảng gồm công nhân, nông dân và trí thức đã bị đảng vắt chanh bỏ vỏ, gạt ra ngòai mọi quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc.
Tất cả mọi việc của dân đều do một thiều số lãnh đạo đảng có chân trong Bộ Chính trị, từ 14 đến vài chục người tùy theo thời kỳ, quyết định và tự làm lấy. Quyền “phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” của dân quy định trong Hiến pháp tiên khởi 1946 đã bị đảng tịch thu không cần có giấy biên nợ !
Do đó mà Điều 147 của Hiến pháp 1980 đã được lập lại nguyên con trong Hiến pháp 1992 rằng: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Như vậy, nếu so với nội dung Hiến pháp 1946 thì tinh thần dân chủ và quyền làm chủ đất nước của người dân đã được bảo vệ hơn 3 Hiến pháp sau này từ 1959,1980 đến 1992.
Nói cách khác, càng sửa, Hiến pháp Việt Nam càng tụt hậu và phản dân chủ. Vậy mà Nguyễn Phú Trong vẫn huyênh hoang nói ngày 15-05 (2012) rằng: “Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) là thành quả rất to lớn của cách mạng, là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng ta, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới ở nước ta.”
Nếu đảng đã đổi mới tư duy thì phải đổi mới cả về chính trị song song với đổi mới kinh tế thì đất nước và con người Việt Nam mới có thể “vươn lên ngang tầm thời đại” với thế giới.
Đàng này đảng vẫn độc quyền chính trị, độc đảng cai trị và nắm tòan bộ hệ thống thông tin, báo chí để tuyên truyền cho chủ trương và chính sách của đảng, dù dân không muốn.
Người dân, trong mọi giai đọan có Hiến pháp mới, đã bị đảng gạt ra ngòai lề xã hội và đã bị dùng làm quân tốt cho các trò chơi dân chủ gỉa tạo như trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội dồng nhân dân “đảng chọn dân bầu”.
Nhưng Trọng vẫn cứ nói bừa rằng: “ Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.”
Phải chăng Trọng muốn cho mọi người biết rằng mọi sửa đổi Hiến pháp vẫn phải làm theo những gì đã có sẵn, nhất là nội dung của Cương lĩnh 1991 đã được bổ xung và phá triển thêm năm 2011 ?
Do đó, không ngạc nhiên khi nghe Trọng nhắc lại rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc - là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Như vậy là Điều 4 của Hiến pháp 1992 dành độc quyền cai trị đất nước cho đảng vẫn được giữ nguyên và quyền “phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” như nói trong Hiến pháp 1946 sẽ tiếp tục bị loại bỏ.
Trọng cũng nói hôm 15-5 (2012) rằng: “Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khoá XI) ngày 10-07-2011”, theo đó Ban chấp hành Trung ương đảng đã khẳng định rằng : “Bản chất Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo…khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và của dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”
Trọng còn bảo sửa đổi cũng phải làm theo “Điều 147 của Hiến pháp hiện hành”, có nghĩa “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
Như thế thì sửa cũng như không dù mọi việc, theo trọng phải “tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng”, và cũng có “sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định”.
Nhưng liệu Quốc hội của đảng có can đảm loại trừ quyền lãnh đạo tòan diện của đảng ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992 như Trọng đã lập đi lập lại nhiều lần không ?
Không ai nghĩ “phép lạ” này sẽ xẩy ra cho người dân Việt Nam.
Vì vậy, Việt Nam cần phải có một Hiến pháp mới, trong đó quyền làm chủ đất nước, quyền quyết định tương lai chính trị của đất nước phải do dân tự quyết.
Có như thế Việt Nam mới có thể vượt qua khỏi ngưỡng cửa của đói nghèo và chậm tiến trong thế kỷ 21. Mọi nỗ lực làm ngược lại, kể cả việc sửa đổi vá vìu Hiến pháp 1992 chỉ làm cho đất nước tiếp tục nghèo nàn và nhân dân lạc hậu thêm mà thôi.
Đó cũng chính là câu trả lời cho đảng tại sao đại đa số cán bộ đảng và viên chức nhà nước, nhất là những thành phần có chức có quyền chưa bao giờ nghiêm chỉnh tuân thủ Điều 8 của Hiến pháp 1992 viết rằng: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.”
Ngược lại rất nhiều cán bộ, đảng viên không còn là “đây tớ” của nhân dân nữa mà là những “ông chủ giầu có” hách dịch, quan liêu, nhũng nhiễu, mất phẩm chất, thoái hoá, phản dân, coi dân như tôm tép để hành hạ, bòn rút của cải tệ hại hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử.
Đó là lý do tại sao dân bây giờ không còn muốn dây dưa, liên hệ máu thịt gì với đảng nữa.
ĐẤT CỦA DÂN NHƯNG NHÀ NƯỜC LÀM CHỦ
Bằng chứng đã thấy ở vụ đàn áp, cưỡng chế đất đai của gia đình nông dân-trí thức Đòan Văn Vương ở Tiên Lãng ngày 05/01 (2012); vụ đánh người lấy đất ở Văn Giang, Hưng Yên ngày 24/04 (2012) và đánh dân thu đất ở Vụ Bản, Nam Định ngày 09/05 (2012).
Nguyên do tại sao các vụ khiếu kiện đất đai hiện nay đã tăng lên từ 70 đến 80% đã được giải thích trong diễn văn bế mạc Hội nghị 5 ngày 15-05 (2012) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành chưa đồng bộ, chất lượng thấp; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất và tuân thủ pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm; thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư mỗi khi phải thu hồi đất rất khó khăn. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến nhiều vụ việc phải qua nhiều cấp kéo dài, rất phức tạp. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, thất thoát lớn. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" khá phổ biến. Tình trạng đầu cơ đất đai, phát triển quá nóng thị trường bất động sản xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số thành phố lớn, tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô.”
Nhưng có ai khác, ngoài cán bộ, đảng viên và những kẻ có chức, có quyền mới có thể lộng hành như thế và Trọng đã nhìn nhận: “ Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở, đất ở của các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp. Chính sách đất đai đối với một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những vướng mắc chậm được giải quyết. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm trong quản lý đất đai còn chưa nghiêm.”
Nhưng Trọng lại tiếp tục khẳng định rằng : “ Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý...” thì rõ ràng Trọng đã lấy đất của dân, kể cả đất hương hỏa cha truyền con nối để giao cho Nhà nước quản lý.
Như vậy thì dân chỉ còn “sở hữu miếng giấy, hay cái khố”?
Đó là lý do tại sao Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, do Đức cha Nguyễn Thái Hợp (Giáo phận Vinh) làm Chủ tịch đã phê bình trong lời tuyên bố “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, phổ biến ngày 15-05 (2012) như thế này: “ Luật đất đai hiện hành, vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Đó là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước. Các vụ khiếu kiện này đã đi từ khiếu nại cá nhân đến khiếu kiện tập thể; từ khiếu kiện bằng đơn từ đến tập họp phản đối và nay là dùng vũ khí chống lại việc thu hồi đất.
Luật đất đai qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý đã làm cho hàng triệu người cảm thấy mất đất và chẳng có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà tổ tiên”. Trên thực tế, sở hữu toàn dân không phải là phương thức quản lý đất đai tốt nhất, còn việc Nhà nước làm chủ sở hữu đã phát sinh đặc quyền, đặc lợi của chính quyền các cấp trong việc quy hoạch và thu hồi đất cho các dự án, tước mất quyền căn bản của người dân.”
Căn bệnh trầm kha này, nếu không giải quyết tận gốc rễ thì muôn đời tham nhũng sẽ không bao giờ gỉam bớt, chưa vội nói đến chấm dứt trong hệ thống cai trị hiện nay của nhà nước Việt Nam.
DŨNG MẤT CHỨC CHỐNG THAM NHŨNG
Đó cũng là lý do tại sao Trọng cho biết: “Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.”
Tại sao có sự chuyển hướng này? Bởi vì, sau 5 năm giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã tỏ ra bất lực và còn bị mang nhiều tai tiếng liên quan đến các dịch vụ thương mại của con cái và gia đình.
Trọng nói rằng: “ Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; quan hệ giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp...”
Tất cả những tệ nạn này đều có trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có vụ con tầu chìm Vinashin gây thiệt hại cho ngân qũy quốc gia gần 1,000 tỷ đồng mà Dũng vẫn không bị khiến trách hay kỷ luật.
Trọng không chỉ đích danh mà chỉ nói bâng quơ rằng: “Một số cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng "xin - cho". Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.”
Trước đó tại Sài Gòn, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng nói với Báo Tuổi Trẻ ngày 02-05 (2012) rằng: “Chống tham nhũng, lãng phí... thực chất cũng là xây dựng Đảng. Hai vấn đề này đều có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chẳng hạn như nếu cuối nhiệm kỳ này, trung ương công bố rằng việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 thật tốt, nhưng tham nhũng, lãng phí không giảm là không thành công. Chắc chắn là như thế. Hay nói rõ hơn, nếu như trung ương lãnh đạo chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ không làm giảm đi, không đẩy lùi được thì cũng có nghĩa nghị quyết trung ương 4 (“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”) không thành công. Nếu không muốn nói là thất bại.
Như vậy, tương lai chính trị của Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao sau bài diễn văn “xẻ da lấy thịt” của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị 5 là điều chưa ai biết, nhưng có một điều chắc chắn là từ nay Nguyễn Phú Trọng sẽ là người giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. -/-
Phạm Trần
(05/012)