Công an và
luật pháp
Wed, 09/02/2015 - 21:52 —
nguyenthituhuy
Cơ quan an ninh, theo định nghĩa, là lực lượng bảo vệ an toàn xã hội,
bảo vệ con người và quyền con người. Tuy nhiên, trong thực tế, công an Việt Nam liên tục thực hiện các hành vi
xâm phạm quyền con người, vi phạm luật pháp và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam.
I. An ninh Việt Nam thường xuyên hành hung những người vô tội, gần
đây nhất là các vụ hành hung những người tới thăm tù nhân lương tâm Trần Minh
Nhật tại Lâm Đồng, hành hung những người đi đón ông Nguyễn Quang A tại sân bay
Nội Bài. Việc lực lượng an ninh Việt Nam đánh đập, gây thương tích công dân
Việt Nam là vi phạm điều 20 của Hiến Pháp 2013.
Nội dung của Điều 20
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo
hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục
hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm.
II. An ninh Việt Nam xâm phạm một cách có hệ thống quyền tự do đi
lại của rất nhiều công dân. Nhiều người không được cấp hộ chiếu, không được phép
xuất cảnh. Và gần đây nhất, ngay đêm trước ngày Quốc Khánh, ông Nguyễn Quang A
bị giam giữ ở sân bay Nội Bài không có lý do trong vòng 15 tiếng đồng hồ, khi
ông từ nước ngoài trở về. Việc này vi phạm điều 23 của Hiến pháp 2013.
Nội dung của Điều 23
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra
nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật
quy định.
III. An ninh Việt Nam xâm phạm quyền bình đẳng và quyền học tập
của công dân.
Mới hôm qua, dưới sự điều khiển của an ninh, Trường Đại học Kinh
Doanh & Công Nghệ Hà Nội đã gây áp lực, muốn bắt sinh
viên Phạm Lê Vương Các phải nghỉ học ở trường này. Hành vi này vi phạm
quyền học tập và quyền bình đẳng của công dân, được quy định ở điều 16 và điều
39 của Hiến pháp 2013. Nếu ở một nước có pháp luật thực sự, chắc chắn ông Chủ
nhiệm khoa của Vương Các đã phải ra tòa.
Nội dung của Điều 39
Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Điều 16
1.
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2.
Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội.
Hành xử của an ninh Việt Nam chứng tỏ Việt Nam là một nhà nước
không có pháp luật, bởi vì chính cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp lại vi phạm
pháp luật một cách trắng trợn.
Dĩ nhiên, an ninh cũng chỉ thực hiện theo lệnh trên mà thôi.
Câu hỏi là : Vì sao nhà nước Việt Nam phải cố đặt ra luật
pháp để rồi chính các cơ quan nhà nước phải xâm phạm nó một cách thô bạo, và
thậm chí thô thiển ?
Câu trả lời của Havel, 50 năm trước, cho cùng một câu hỏi trên đây :
« các
bộ luật – ít nhất là trong một số lĩnh vực – chỉ là cái mặt nạ, chỉ là một khía
cạnh của thế giới giả tạo. Thế thì tại sao lại cần pháp luật? Cũng cùng lí do
như ý thức hệ: Nó cung cấp một cây cầu biện hộ giữa hệ thống và các cá nhân, nó
giúp họ tham gia vào cấu trúc quyền lực và phục vụ những đòi hỏi độc đoán của
bộ máy quyền lực một cách dễ dàng hơn.
Lời biện hộ này giúp các cá nhân tự lừa
mình khi nghĩ là họ chỉ giữ gìn luật pháp và bảo vệ xã hội khỏi bọn tội phạm.
(Không có lời biện hộ như thế thì việc tuyển lựa một thế hệ mới các quan toà,
công tố và điều tra viên sẽ khó hơn biết chừng nào!) Như là một khía cạnh của thế giới giả tạo,
những bộ luật đó đánh lừa không chỉ nhận thức của những người buộc tội, mà còn
lừa dối công chúng, lừa bịp các nhà quan sát quốc tế, và thậm chí đánh lừa cả
lịch sử nữa. » (« Quyền
lực của kẻ không quyền lực », bản dịch của Phạm Nguyên Trường).
Như vậy, câu trả lời của Havel cho thấy : cũng như cái ý thức
hệ cộng sản chủ nghĩa mà Tổng Bí thư đảng cộng sản và toàn bộ máy lãnh đạo đang
cố duy trì, các bộ luật chỉ là một sự lừa bịp mà thôi, lừa người và tự lừa dối
mình.
Tôi sử dụng câu trả lời của Havel, được nêu lên từ nửa thế kỷ
trước mà giờ đây vẫn còn rất đúng cho trường hợp Việt Nam, để nói rằng : mô hình chính trị Việt Nam là một mô hình
ngoại lai hoàn toàn, copy hoàn toàn từ nước ngoài, nhập khẩu hoàn toàn từ ngoại
quốc, nó là sản phẩm của thái độ sùng ngoại tuyệt đối của bộ máy lãnh đạo.
Các nguyên lý và các lo-gic của chế độ toàn trị Việt Nam chỉ là sự
tiếp tục kéo dài của các nguyên lý và các lo-gic chung của các chế độ toàn trị
cộng sản thế giới. Mọi thứ xảy ra ở Việt Nam đều đã xảy ra ở cái hệ thống đã
sụp đổ ở Đông Âu. Xin dẫn ra đây thêm một ví dụ, Havel viết : « Việc thao túng các toà án và các công tố viên thông qua
con đường chính trị, những giới hạn kiềm chế khả năng bào chữa của luật sư trong
quá trình bảo vệ thân chủ của mình, các phiên toà thực chất là xử kín và những
hành độc đoán của lực lượng an ninh, quyền lực của các lực lượng này còn cao
hơn pháp luật, và cách áp dụng rộng đến mức vô lí những điều luật cố tình soạn
thảo một cách mù mờ ».
Thực tế của Tiệp Khắc những năm 70, như thế, chẳng khác gì thực tế của Việt Nam
hiện tại.
Tuy thế Havel khuyên rằng những người đấu tranh cần dựa vào bộ
luật để đòi nhà nước toàn trị phải tuân thủ luật pháp, qua đó mà bảo vệ quyền công
dân và quyền con người. Việc những người đấu tranh liên tục viện dẫn luật pháp
không có nghĩa là họ có ảo tưởng về luật pháp trong chế độ cộng sản. Nhưng họ
biết rằng hệ thống toàn trị không thể vận hành mà không có cái mặt nạ dối trá
của luật pháp. Để tạo tính chính danh, nhà nước toàn trị dùng luật pháp như một
bộ y phục sang trọng, như một thứ nghi lễ.
Hành động đòi nhà nước toàn trị phải tuân thủ luật pháp « chính
là một hành động của sống trong sự thật, đấy là mối đe dọa toàn bộ cơ cấu dối
trá ở chính điểm dối trá nhất của nó ». Vì thế, việc sinh viên Phạm Lê Vương Các kiên quyết ở lại
trường đại học, để đòi quyền được học của mình, là một hành động sống trong sự
thật.
Hy vọng xã hội sẽ cùng hỗ trợ Phạm Lê Vương Các để bảo vệ các
quyền cơ bản mà bất kỳ người nào sinh ra đời cũng phải được thụ hưởng.
Và hy vọng những người đấu tranh cho quyền con người và cho một
Việt Nam dân chủ như Nguyễn Quang A, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Văn
Hải và những người khác... nhận được sự ủng hộ đông đảo và rộng lớn, để một
ngày Việt Nam có thể hòa vào dòng chảy chung của nhân loại tiến bộ.
Nice, ngày Quốc khánh 2/9/2015
Nguyễn
Thị Từ Huy