Take It Easy
Nguyễn Thơ Sinh
Người yêu âm nhạc Mỹ (gần như) ai
cũng biết, cũng từng nghe qua ca khúc lừng danh California Hotel đi
vào huyền thoại của ban nhạc The Eagles. Mỗi lần được nghe lại bản nhạc ấy,
nhiều người khó tránh cảnh vấn vương hoài cổ: Nhạc như thế mới là nhạc chứ.
Tuy nhiên ban nhạc The Eagles còn
có nhiều ca khúc bất hủ khác chứ không riêng bài California Hotel, chẳng
hạn như các ca khúc Lyin’ eyes hay New Kid
in Town từng để lại trong lòng người nghe đương thời những ấn tượng
khó quên.
Nếu có dịp lái xe xuyên bang, mở radio phát sóng nhạc
rock-and-roll, bạn sẽ có dịp thưởng thức lại những ca khúc này của ban nhạc The
Eagles, trong đó có ca khúc Take It Easy. Dịch thoát nghĩa: Hãy
thả lỏng – Một ca khúc với lời nhạc (lyrics) rất gần gũi với kỳ bầu cử tổng
thống năm nay.
Nhất là các đoạn lời Anh như: Take it easy, take it easy, Don’t let the sound
of your own wheels drive you crazy, Lighten up while you still can, Don’t even
try to understand, We may lose and we may win, though we will never be here
again, Come on baby, don’t say maybe. I gotta know if your sweet love is gonna
save me. Just find a place to make your stand, and take it easy.
Để tiện bề so sánh, xin giới thiệu
đến độc giả lời nhạc (nguyên văn ca khúc Take It Easy) hầu bạn đọc có thể
liên hệ với mùa phiếu năm nay được dân Mỹ và cả thế giới cho là rất đỗi điên rồ
(crazy):
Well I’m a-runnin’ down the road,
tryin’ to loosen my load
I’ve got seven women on my mind
Four that want to own me, two that
want to stone me
One says she’s a friend of mine
Take it easy, take it easy
Don’t let the sound of your own
wheels drive you crazy
Lighten up while you still can
Don’t even try to understand
Just find a place to make your
stand, and take it easy
Well, I’m a-standin’ on a corner in
Winslow, Arizona
Such a fine sight to see
It’s a girl, my Lord, in a flat-bed
Ford
Slowin’ down to take a look at me
Come on, baby, don’t say maybe
I gotta know if your sweet love is
gonna save me
We may lose and we may win, though
we will never be here again
So open up I’m climbin’ in, so take
it easy
Well, I’m a-runnin’ down the road
tryin’ to loosen my load
Got a world of trouble on my mind
Lookin’ for a lover who won’t blow
my cover, she’s so hard to find
Take it easy, take it easy
Don’t let the sound of your own
wheels make you crazy
Come on baby, don’t say maybe
I gotta know if your sweet love is
gonna save me
Take It Easy là một ca khúc
có tiết tấu nhanh, vui nhộn. Bài hát này một dạo khiến cho các sàn nhảy khắp
nơi trở nên sôi động cuồng nhiệt. Một tình khúc mang đậm dấu ấn thời cuộc. Thời
gian ấy, phong trào nhạc rock-and-roll đang ngự trị tại đỉnh cao hoàng kim của
mình.
Chào đời năm 1972, Take It
Easy nhanh chóng trở thành “đứa con cưng” của giới trẻ lúc ấy. Nghe
lại lời nhạc, bạn thấy rõ điều đó. Một cuộc cách mạng tình cảm không thể nhầm
lẫn. Bắt đầu là những bứt phá của thế hệ baby boomer (bao gồm những người
sinh trong khoảng 1946 – 1964). Nói khác đi, Take It Easy ra đời vào lúc dân baby
boomer đang trong độ từ 8 tuổi đến 22.
Nay thế hệ baby
boomer đã già, họ nằm trong độ tuổi 52 đến 70. Ngày đó Radio là
phương tiện giải trí có số lượng thính giả lớn (chỉ thua TV). Nhưng TV lúc đó
không phát sóng cả ngày (24/24) như hiện nay. Lại không có Internet – Radio
nghiễm nhiên oai hùng ngồi trên ghế ngự trị, Take It Easy vì thế đã có nhiều cơ
hội để lại dấu ấn của mình rất dễ dàng.
Fast forward – Vượt qua khoảng thời
gian dài 44 năm (11 lần bầu cử), năm đó cũng là mùa phiếu. Ứng cử viên Đảng
Cộng hòa Richard Nixon đã đánh bại ứng cử viên George McGovern của Đảng Dân chủ
một cách thảm hại. Rất ê chề, ứng cử viên George McGovern chỉ thắng duy nhất
một tiểu bang – đó là Massachusetts với 14 phiếu cử tri đoàn.
Xin nhắc thêm năm
đó tại California chỉ có 45 cử tri đoàn (và hiện nay là 55), còn Texas lúc đó
có 24 cử tri đoàn (hiện nay là 38). Còn Massachusetts ngày nay, bạn đoán xem có
bao nhiêu cử tri đoàn? Thật buồn thay, Massachusetts chỉ còn 11 cử tri đoàn (so
với cách đây 44 năm là 14 cử tri đoàn). Đúng là chó đá sang sông, biển hóa
nương dâu…
Trở lại với ca khúc Take It
Easy; nếu cắt một vài đoạn rồi ráp nối lại lời nhạc, bạn sẽ có một
phiên bản khác đầy màu sắc chính trị liên hệ đến mỗi mùa phiếu của Mỹ, trở
thành một nhắc nhở mang đầy tính “tiên tri”.
Tên của bài hát: Take It
Easy – Hãy thả lỏng thôi, đừng quá bức xúc. Nghe có vẻ rất có lý.
Sân khấu chính trị với những màn đấu đá và những lời hứa hẹn đội đá vá trời
(còn ai lạ). Cần thiết sẽ tung ra những chiêu trò hạ đẳng để thắng cử. Chẳng ai
ngán ngẩm gì dư luận. Cứ thắng cử trước cái đã, mọi cái sau đó hậu xét. Cười
người không ai cười mãi. Nếu đã thế, không Take It Easy mà cứ khẩn trương lo
lắng (có phải) đó là chuyện nực cười không.
Nhớ mùa phiếu năm đó (1972), dân Mỹ
đã ngán tận cổ cuộc chiến tại Việt Nam. Thương vong và chiến phí, cộng với
những đợt xuống đường biểu tình rầm rộ khắp nơi, người ta bất lực trong việc
tìm ra một lý do chính đáng biện bạch cho những khoản tiền khổng lồ đổ vào một
cuộc chiến (bị dư luận hóa) trở thành biểu tượng một “cỗ máy giết người” rất vô
lý. Vì thế họ không thể thả lỏng được.
Làm sao họ có thể Take It
Easy được. Và họ đã đi bầu. Tổng thống Richard Nixon chiến thắng
một cách vẻ vang oanh liệt. Trở về mùa phiếu năm 2016, liệu bạn có thể bình
chân như vại, Take It Easy? Hay bạn sẽ đi bầu, chọn bên “tám lạng” để
bên “nửa cân” bắt buộc phải thất cử.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa; ba
yếu tố ấy đã giúp Richard Nixon đạt được chìa khóa Bạch ốc một cách dễ dàng.
Rồi 44 năm sau, Hillary Clinton và Donald Trump tranh thủ mọi cơ hội được “để
lại dấu ấn của mình” trong tư cách người chiến thắng. Thực ra nếu họ thua cuộc
(thì họ) sẽ vẫn là một phần của lịch sử. Hậu thế sẽ quyết định rõ hơn (sau khi
gạn đục khơi trong, sàng lọc những chi tiết ồn ào vốn khiến cho bức tranh cận
cảnh nhiễm tạp khó nhận ra chân tướng).
Dân Mỹ năm nay có thể Take It
Easy được không? Theo nhiều người, mùa phiếu 2016 chẳng có gì đặc
sắc cả. Nếu mượn bối cảnh phiên chợ quê cuối buổi của miền bắc ngày xưa: Chẳng
có bà nội trợ nào hứng thú với chuyện mua về một con cá ươn hay một vốc tép
nát. Nhưng chẳng lẽ cắp rổ về không? Nếu con cá đã ươn mua (rẻ) về kho dưa chua
hay kho khế để át bớt mùi tanh ăn đỡ. Mớ tép nát thì có thể nấu vấy vá bát canh
mướp cho trẻ húp.
Của không ngon nhà đông con cũng hết. Đã thế thím hàng cá và
chị hàng tép luôn miệng ra rả mời chào: Mua hộ cháu, đi. Nom thế thôi chứ không
việc gì đâu. Vạch mang con cá thấy nó trắng bợt. Gạt mấy con tép trên bề mặt
chỉ thấy những con tép nát nằm ở dưới. Mua phải thứ nào cũng thiệt cả.
Một lựa chọn khác là chẳng mua gì
cả. Về nhà vặt quả đu đủ xanh rồi luộc, nhổ lấy nắm ngó súng ăn sống, hay cạo
mớ ngó khoai (bồng khoai dọc mùng) nấu bát canh suông. Vại mắm thì nhà nào cũng
có. Nếu mượn bối cảnh chợ quê xứ Việt ngày xưa thì mùa phiếu năm nay ở Mỹ có
khác nhau là mấy.
Với ca khúc Take It
Easy – Có vẻ như cử tri Mỹ hiện nay đã chán ngấy những
bổn-cũ-xáo-lại. Họ đợi chờ một vị cứu tinh. Lookin’ for a lover who won’t blow my cover. Họ
mong đợi nhiều lắm. Nhưng họ băn khoăn, không dám kỳ vọng nhiều với nỗi lo
lắng: She’s so hard to find. Lo lắng của họ quả nhiên là có
lý. Bởi lẽ người lãnh đạo tài giỏi của Mỹ đang rơi vào cảnh “tuấn kiệt như sao
buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, y như buổi chợ tàn. Mà chợ đã tàn thì làm
gì còn có thứ ngon, thứ tươi để mua nữa.
Vâng. Hai ứng cử viên kỳ này đều có
một lý lịch hết sức chông chênh. Hillary Clinton thì đủ trò bê bối, từ Benghazi
cho đến Email-gate, rồi Clinton Foundation, rồi basket of deplorables, sức khỏe
kém, nhiều tham vọng, bàn tay sắt bọc nhung, lấm la lấm lét không thể tin cậy
được. Còn Donald Trump thì sao? Lôi thôi bởi những vạ miệng, ăn nói văng mạng,
bị qui kết là thân Nga, ghét Đạo hồi, đuổi hết dân Hispanics đi, lách thuế quá
dã man, thất bại trong làm ăn, đối xử thô bạo với phụ nữ, coi trời bằng vung…
Thế thì phải làm gì bây giờ? Giữa
một mớ rau muống héo và một bó cải già, mâm cơm nhà nghèo hay nồi cám lợn là
nơi thích hợp nhất. (Nếu thế thì thật đáng buồn cho tình hình xứ Mỹ mùa phiếu
năm nay).
Lighten up while you still
can. Đó là lời an ủi của ca khúc Take It Easy. Lạc quan lên khi bạn
vẫn còn có thể. Biết đâu sẽ có kỳ tích. Ứng cử viên bê bối không nên coi đã
hết-thuốc-chữa. Cứ tạm quên chuyện Donald Trump bị Bob Gates đã tặng cho hai
chữ: Beyond repair. Còn Hillary Clinton thì bị coi là không
thể tin cậy được; nhất là mỗi khi fans của Donald Trump nghe thấy tên bà vội
hét ầm lên: Lock her up!
Nhiều cử tri Mỹ đã nói: Who
gives a damn! Ai đắc cử không còn quan trọng nữa. Dân Mỹ sẽ cười
khẩy: Canh bạc này thua cũng được, thắng cũng được. Thật đáng buồn nếu như cử
tri Mỹ dửng dưng với Tu Chính Án 15 (quyền đi bầu) như thế. Trong lúc đó chính
quyền càng ngày càng bất lực trước những vấn đề xã hội đầy gai góc.
Nhưng. Wait a minute.
Biết đâu tình hình sắp tới sẽ năm-ăn-năm-thua thì sao. (Như lời ca khúc Take It
Easy): We may lose and we may win. Vả lại
chắc chắn mùa phiếu năm nay rất khó quên với không ít người trong chúng ta bởi
những khoảnh khắc lịch sử bất ngờ không lặp lại (though we will never be
here again).
Những câu hỏi như: Tân tổng thống
Mỹ là ai? Cử tri Mỹ sẽ theo phe nào? Chiến thắng của Hillary Clinton có là mối
họa cho nước Mỹ? Hay thất bại của Donald Trump sẽ là điều may cho Chú Sam? Phải
chăng đây là mùa phiếu chẳng-ra-gì cuối cùng? Hay đây sẽ là mở màn cho những
đợt bầu cử “còn hỡi ôi hơn nữa” trong tương lai?
Cầm chắc trong tay, tổng thống đắc
cử lần này sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn đối với tương lai Mỹ. Với nhiều vị thẩm
phán của Tòa tối cao đã già, khả năng tân tổng thống bổ nhiệm 4 thẩm phán mới
là điều rất thực (đặt giả thiết tân tổng thống mùa phiếu năm 2016 thắng cử luôn
mùa phiếu năm 2020). Lúc đó (như lời bài hát Take It Easy): We
gotta know if your sweet love is gonna save us; mới thấm thía làm
sao. Liệu mùa phiếu năm nay có thể cứu được tương lai nước Mỹ hay không?
Hay là cứ Take It
Easy. Cứ thong thả. Chuyện gì đến sẽ đến. What
will come will come. Đi bầu cho có lệ, đi cho vui; bởi lẽ toàn cảnh
nước Mỹ đã khác trước. Kết quả bầu bán chẳng thay đổi được điều gì. Giới đầu
nậu càng lúc càng lộng hành. Trong khi đó tinh thần ái quốc “thuần túy Mỹ” đã
không còn. Tổng thống Mỹ giỏi (hay dở) vẫn không thoát khoải vòng cương tỏa của
thế lực đồng tiền…
Nước Mỹ – con tàu hợp chủng quốc
càng ngày càng gần hơn với thảm cảnh cha-chung-không-ai-khóc. Tự hào dân tộc
(dù là tự hào hợp chủng) càng lúc càng bị xói mòn. Tinh thần quốc gia
(nationalism) của dân Mỹ suy thoái nặng khiến trục bánh lái của con tàu gãy
ngang, trong khi đó hệ thống cánh quạt dưới đáy tàu vẫn hùng hục đẩy. Kết quả
là con tàu đang rơi vào cảnh mất hết khả năng định hướng…
Hy vọng những gì chúng ta đang nhìn
thấy sẽ không quá tệ hại như thế. Chứ không thì, thật đáng ngại, cử tri Mỹ càng
ngày càng hờ hững bàng quan, chỉ biết Take It Easy thì con tàu nước Mỹ
rồi đây biết sẽ trôi nổi về đâu.
Nguyễn Thơ Sinh
__._,_.___
Posted
by: <tntimnguyen04@yahoo.com>