Saturday, October 12, 2013

Đọ sức Ấn – Trung về Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á


 

TRUNG QUỐC - ẤN Độ - 

Bài đăng : Thứ bảy 12 Tháng Mười 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 12 Tháng Mười 2013




Đọ sức Ấn – Trung về Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á


Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (G) chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN nhân Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, Brunei, 10/10/2013

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (G) chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN nhân Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, Brunei, 10/10/2013

REUTERS

Trọng Nghĩa  RFI


Quan điểm đàm phán song phương của Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông tiếp tục đẩy Trung Quốc vào tư thế đơn độc tại các diễn đàn khu vực. Đó cũng là điều xẩy ra nhân Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei hôm 10/10/2013 khi hầu hết các thành viên của diễn đàn gồm 18 nước đều tỏ thái độ ủng hộ một giải pháp đa phương cho Biển Đông – cụ thể là kêu gọi đẩy mạnh việc đúc kết một bộ Quy tắc Ứng xử cho vùng này. Giới quan sát đặc biệt ghi nhận thái độ của Ấn Độ, không ngần ngại công khai phản bác lập trường “song phương" của Trung Quốc, cho dù với những lời lẽ rất ngoại giao.


Điều có thể gọi là cuộc “đọ sức” Ấn-Trung khởi sự với bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc. từ trên diễn đàn của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, bên cạnh những lời lẽ hòa dịu đầy tính trấn an liên quan đến Biển Đông, ông Lý Khắc Cường đã mạnh mẽ bảo vệ chủ trương nhất quán của Trung Quốc là chỉ giải quyết tranh chấp một cách song phương với các nước có liên can.

Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc xác định : “Tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa các quốc gia trong khu vực này (Biển Đông) nên được các nước liên quan giải quyết thông qua tham vấn hữu nghị”. Tuyên bố trên đây mang đầy đủ ý nghĩa của nó trong bối cảnh trước lúc ông Lý Khắc Cường đến Brunei, báo chí Trung Quốc đã lại liên tục lên tiếng cho rằng các nước ngoài khu vực không nên can thiệp vào hồ sơ Biển Đông.

Trên cùng một diễn đàn ngay sau khi lãnh đạo Trung Quốc phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có một phản ứng, được giới quan sát cho là nhằm trực tiếp phản bác lập trường của Trung Quốc, mặc dù với những ngôn từ rất ngoại giao.

Thủ tướng Ấn thẩm định : “Một môi trường biển ổn định là điều thiết yếu để thực hiện nguyện vọng chung của chúng ta trong khu vực". Đối với ông, Ấn Độ “hoan nghênh các cam kết chung của các nước có liên quan về việc thực thi bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và hướng tới việc thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận”.

Thủ tướng Ấn Độ còn nhấn mạnh đến một số cơ chế đa phương đã được hình thành để góp phần cải thiện tình hình trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế liên quan đến an ninh hàng hải. Khi được một tờ báo Indonesia hỏi về cách thức xử lý tốt nhất các tranh chấp tại Châu Á, ông Singh tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò hữu ích của các tổ chức đa phương.

Theo ông : “Các diễn đàn khu vực có thể đóng một vai trò hữu ích… Do đó, chúng tôi nhìn thấy giá trị to lớn của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng ADMM + và nhiều cơ chế hợp tác khu vực khác ”.

Theo các nhà quan sát, Ấn Độ là quốc gia thường xuyên tự động can thiệp vào các tranh chấp Biển Đông bên cạnh các nước ASEAN, bất chấp thái độ bất bình của Trung Quốc. Phản ứng mạnh nhất là tuyên bố vào cuối năm ngoái của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ DK Joshi, khẳng định rằng New Delhi sẵn sàng gửi tàu hải quân qua Biển Đông bảo vệ quyền lợi Ấn Độ.

Tại khu vực này, Ấn Độ đang có hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí tại một lô đang bị Trung Quốc cho là thuộc vùng biển của họ. Các lời phản đối hay động thái đe dọa của Bắc Kinh đều đã bị New Delhi bác bỏ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vừa rồi, Ấn Độ không phải là nước duy nhất tỏ thái độ với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Từ các nước ASEAN cho đến Mỹ, Nhật, tất cả đều thúc giục Trung Quốc nhanh chóng đàm phán với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, tức là chấp nhận một giải pháp đa phương.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ngày 10/10 vừa qua, phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng John Kerry, trưởng phái đoàn Mỹ, đã giải thích : « Một bộ quy tắc ứng xử là điều cần thiết trong lâu dài, nhưng các nước đều có thể làm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm bằng cách thực hiện ngay một số bước ».

Ngoại trưởng Mỹ còn nhắc lại thông điệp được Washington nhấn mạnh trong thời gian gần đây, theo đó, tất cả các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải làm rõ các yêu sách chủ quyền của mình, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không nói gì hơn khi xác định là Tokyo mong muốn bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông có tính ràng buộc về mặt pháp lý sớm được hoàn tất.

Trong một lời đả kích gián tiếp thái độ hung hăng của Bắc Kinh nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong vùng, ông Abe khẳng định : « Các vùng biển cần phải được cai quản bằng pháp luật chứ không phải bằng vũ lực ».

__._,_.___

Những góc nhìn trái chiều về Đại tướng


 

Những góc nhìn trái chiều về Đại tướng


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-12

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


VHNT10122013.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

000_Hkg9079246-305.jpg

Người dân xếp hàng bên ngoài nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm 9 tháng 10 năm 2013.

AFP

 

Cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tuần lễ vừa qua đang khuấy động xã hội miền Bắc một cách tích cực hơn bao giờ hết. Từ Quảng Bình ra tới Hà Nội, người dân xôn xao với những cảm nghĩ vừa giống lại vừa khác nhau, nhưng nhìn chung là sự tiếc thương thành thật một danh tướng Việt Nam vừa vĩnh viễn ra đi, mặc dù ông đã sống vượt sự tưởng tượng của rất nhiều người: 103 tuổi.

Một danh tướng cô đơn


Ông mất vào buổi chiều ngày 4 tháng 10 nên suốt đêm đầu tiên không có một biểu hiện gì đáng kể. Thế mà sáng hôm sau, bắt đầu từ chiếc cổng màu vàng quen thuộc của căn nhà số 30 đường Hoàng Diệu Hà Nội, người dân bắt đầu tập trung ngày một đông dần. Ban đầu là len lén nhìn, sau đó là áp sát vào chiếc cổng cũ kỹ mà chừng như gần một thế kỷ trôi qua không được trùng tu. Cái cổng nhà ấy làm người biết ông càng chạnh lòng hơn khi so sánh nó với ông khác nào những hoang phế lịch sử. Chiếc cổng còn đó tiếp tục làm vật chứng khi chủ của nó đã ra đi mang những mẩu chuyện riêng tư của ông trở về cát bụi.

Những câu chuyện tư riêng buồn bã ấy đã theo ông hơn 50 năm. Ngắt nửa đời còn lại của ngôi sao Điện Biên Phủ và nhấn chìm nó vào sự lãng quên. Thế lực chính trị từ thời đại Lê Duẩn trở đi đã vùi dập một con người mà hàng trăm nhân chứng còn sống tới nay sẵn lòng lên tiếng khi được hỏi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm xuống cũng là dịp cho báo chí lấy công chuộc lại những sai lầm của họ từ nhiều chục năm qua. Sự im lặng do bị cấm đoán từ Ban Tuyên giáo của nhiều đời Tổng bí thư đã khiến báo chí trở thành giấy bản và trên ấy người ta không thể tìm ra ba chữ Võ Nguyên Giáp ngay cả những dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ quan trọng. Có lẽ do im lặng quá lâu nên khi được nói những điều cần nói, báo chí vận dụng hết tất cả ngôn ngữ hay ho, có cánh nhất để viết về một vị danh tướng cô đơn, đã làm nên lịch sử và cũng bị chính lịch sử ấy cùng với đồng lõa của nó bỏ quên.

Chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống.
-Nhà Văn Nguyễn Ngọc Tư

Điều làm người đọc báo ngạc nhiên trong mấy ngày qua khi hai từ đúng nhất dành cho ông là “danh tướng” lại không thấy báo chí sử dụng vào những cái tít, mà thay vào đó là những câu chữ hết sức lạc điệu nếu không muốn nói là quá đáng. Những cụm từ nâng cao ông lên nhưng không chứng minh hay thuyết phục được người đọc có nhãn quan trung tính khiến câu chữ mất hết tác dụng. Chỉ là một nhà giáo hiền lành sống cuộc đời đạm bạc sau khi bị cô lập, nay người ta nâng ông lên thành “nhà văn hóa” khiến nhiều người ngạc nhiên tự hỏi liệu sự vượt cấp này sẽ làm một người chứng ngộ như ông cảm thấy ra sao?

Như chưa đủ thỏa mãn, một tờ báo lớn phong thánh cho ông qua cái tựa “Nhân dân sẽ tôn thờ ông như một vị thánh” Giáo sư sử học Lê Văn Lan thì cho rằng “từ nhân tướng, ông sẽ trở thành thánh tướng sau này”.

Cũng phong thánh nhưng nhà thơ Ngô Minh phong trong một ý nghĩa khác, thánh đối trọng với quỷ, những con quỷ đã hãm hại người hiền:

“Mở mắt ra mà nhìn hỡi kẻ tị hiềm
Ngững ngày này cho đến muôn sau
Tướng Giáp đã thành Thánh
Thánh trên TRỜI
Thánh giữa LÒNG DÂN

Hãy nhìn những dòng người trẻ già trai gái Hà Nội, Mường Phăng,
Nước mắt mặn nối nhau về 30-Hoàng Diệu
Dòng người chợ Tréo, Đông Hà, Đồng Hới, Huế, Trường Sơn,
Nước mắt mặn dắt nhau về bờ Kiến Giang An Xá
Nấc nở khóc vị tướng của lòng mình
Khóc một MẶT TRỜI vừa tắt !

Hãy mở mắt to ra mà nhìn hõi kẻ tỵ hiềm
Các vị còn sống đấy chứ? Nếu chết rồi thì con cháu hãy ghi
Một thời tim khô mắt tròn mắt dẹt
Dở thói côn đồ vu vạ anh hùng
Bôi đen lịch sử, đổi tráo tuổi tên…
Toan đánh hạ tướng uy danh lừng lẫy”

Báo chí với những nhận định ưu ái nhưng khó tránh tranh cãi ấy ngày một nhiều hơn trên các trang mạng xã hội hay trang blog nổi tiếng. Ban đầu còn ít, càng gần ngày quốc táng sự tranh cãi gay gắt càng nhiều hơn nhất là hiện tượng được gọi là “nhẫn” nơi vị tướng lừng danh này.

Giữ gìn sự đoàn kết cho đại cuộc


000_Hkg9064931-250.jpg

Báo chí Việt Nam đăng tải hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh chụp ngày 05 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị cô lập và hãm hại qua hai vụ án được nhiều người biết đến rất mù mờ trước đây được nhà báo Huy Đức hé bức màn “Vụ án xét lại chống đảng” và “Năm Châu – Sáu Sứ” chi tiết hơn khiến nhiều người nổi giận. Vừa thương vừa trách. Người ta không thể hiểu được tại sao ông im lặng chịu đựng những năm tháng lao lý và cả những cái chết oan khuất của các đồng chí dưới quyền nhưng vẫn không lên tiếng minh oan cho họ.

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch, người ta không tin vào chữ “nhẫn” mà đại tướng từng xác định. Sự im lặng kéo dài được hiểu là “cam chịu”, một trạng thái rất gần với “hạ mình”, nhịn nhục. Vài người còn lớn tiếng gom vào một tính từ “nhục”.

Những hạt sạn ấy làm rất nhiều người cảm thấy bất an. Cả hai bên, viên sạn “vụ án xét lại chống đảng” và chức vụ “nhục là chính” làm người ta thương và trách ông. Lý tính và cảm tính không thể đồng hành, cả hai vẫn mạnh ai nấy giữ tình cảm ẩn chút xót xa đối với vị tướng đã một thời oanh liệt.

Một trong những comment rất kiềm chế xuất hiện trước tiên sau khi đại tướng mất là của nhà báo Đoan Trang. Trên trang blog cá nhân của mình cô viết:

“Ông đã chọn cách im lặng, không phải vì ông hèn, mà vì ông là trí thức, và vì ông thấy cần phải giữ gìn sự đoàn kết cho đại cuộc” – một người thân của ông có lần nói với tôi như thế.
-Nhà báo Đoan Trang

“Nhiều người thắc mắc về thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch. Người ta tự hỏi, vì sao một vị tướng lẫy lừng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại chấp nhận một cương vị công tác có vẻ “thấp” đến thế so với tài năng và danh tiếng của ông? Có lẽ đây sẽ là một vấn đề để mai sau này lịch sử xem xét lại, nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, cũng đã có những ý kiến cho rằng một người trí thức cộng sản là phải như thế: Luôn luôn vì cái chung, vì đại cục. Bởi, sẽ ra sao nếu vào những ngày tháng khó khăn sau chiến tranh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng ảnh hưởng của mình trong quân đội để đối đầu với những đồng chí của ông, nhằm giữ cho ông một cương vị, chức vụ cao hơn?

“Ông đã chọn cách im lặng, không phải vì ông hèn, mà vì ông là trí thức, và vì ông thấy cần phải giữ gìn sự đoàn kết cho đại cuộc” – một người thân của ông có lần nói với tôi như thế.

Tôi không có ý kiến. Vì tôi không ủng hộ lối tư duy “nhẫn nhịn, im lặng trước cái xấu, vì đại cuộc”. Nhưng tôi lại cũng nghĩ,nếu Võ Nguyên Giáp lên tiếng mạnh mẽ từ những năm ấy, ông chắc sẽ không tránh khỏi số phận của Trung tướng Trần Độ sau này.”

Không nhẹ nhàng như Đoan Trang, nhà báo Phạm Thành cũng là một chiến binh Điện Biên Phủ, có những giòng chữ cay đắng hơn, tuy nhiên trong cái cay đắng ấy người ta nghe được mùi mặn của máu và nước mắt:

Đại tướng ra đi, người lính năm xưa của Đại tướng thấy mừng hơn là buồn. Cứ tưởng tượng đến các tướng lĩnh dưới trướng Đại tướng, mấy triệu binh sĩ trong đội quân của Đại tướng, ở dưới âm phủ đợi Đại tướng đã lâu, nay quân, tướng được gặp mặt nhau, “tay bắt mặt mừng”, nói nói cười cười, tâm tâm tư tư… thì Đại tướng như trở về Đại gia đình binh sĩ, chỉ có vui chứ làm gì có buồn?

000_Hkg9079240(1)-250.jpg

Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo

Vui, nhưng Đại tướng đừng quên, có lúc Đại tướng làm Trưởng ban Dân số, lo sinh, lo đẻ đúng kế hoạch cho dân nước mình nữa đấy.

Chúc cho Đại tướng, dù ở đâu cũng là nhà quân sự tài ba, đánh nhau giỏi; nhà kiến trúc lỗi lạc, chăm lo cho dân nước mình sinh đẻ đúng kế hoạch.

Âm phủ như thế là vẹn cả đôi đường. Có tướng tài, có người làm lính cho Đại tướng cầm quân đi đánh nhau, lo gì cách mạng xã nghĩa của nước mình không tiến lên đến thế giới đại đồng, lo gì nhân dân không ngưỡng mộ, lo gì thế giới không ngợi khen?

Người lính năm xưa của Đại tướng chỉ lưu ý với Đại tướng một điều, Đại tưởng chớ đem chữ “Nhẫn” ra dạy cho sĩ quan và binh lính để hưởng sự yên ổn, thái bình. Đại tướng mà dạy như thế chẳng ai chịu đi lính, chẳng ai chịu hy sinh cho Đại tướng nữa đâu. Như thế Đại tướng lấy đâu quân lính, lấy đâu ra “nhất tướng công thành vạn cốt khô” để Đại tướng làm Đại tướng, làm Tổng Tư lệnh? Như thế sự nghiệp chấn hưng Chủ nghĩa xã hội dưới âm phủ của Đại tướng sẽ không thành.”

Cả triệu người chung một niềm mất mát


Trong khi Hà Nội tràn ngập những nhánh hoa thương tiếc, Quảng Bình cố giấu những tiếng nấc vào trong tim thì Sài Gòn tỏ ra không mấy sinh động trước biến cố này. Người Sài Gòn vẫn gạo chợ nước sông, trôi theo vòng quay miếng cơm manh áo. Hình như cái chết của danh tướng Võ Nguyên Giáp không đủ sức lay động trái tim của người Sài Gòn vì cái tên của ông không làm cho số lớn người dân miền Nam hãnh diện. Nhiều người biết đến Điện Biên Phủ như một chiến thắng chung của cả nước và Võ Nguyên Giáp nằm trong lòng họ chỉ là cái tên của một vị tướng tài không hơn không kém. Một phần do chính quyền miền Nam không khuếch tán chiến thắng của miền Bắc, một phần khác người dân chưa quen với cung cách tôn sùng lãnh tụ mà Hà Nội vẫn dùng ngay cả sau khi Sài Gòn giải phóng.

Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.
-Nhà Văn Nguyễn Ngọc Tư

Giòng chảy lịch sử bị chặn lại từ vĩ tuyến 17 khiến Sài Gòn hững hờ với Điện Biên, hay nói đúng hơn hờ hững với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông không chiếm lĩnh quả tim dân chúng miền Nam trọn vẹn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với bản tính cởi mở, người miền Nam có thể rơi nước mắt khi hay tin một người như ông vừa chết tại Hà Nội. Hai chữ đồng bào hình như gắn bó với phương Nam hơn hai vùng còn lại.

Nguyễn Ngọc Tư có cái nhìn theo góc của ngữ nghĩa này. Tác giả “Cánh đồng bất tận” quan sát những diễn biến của người Sài Gòn và trải lên giấy những hình ảnh xao động cảm xúc của người dân vốn ngoại cuộc với chính trị nhưng luôn mở lòng ra với những điều đơn sơ xảy ra chung quanh như chúng vẫn thế:

“Mà ông tướng đó cũng không phải ruột thịt, hay họ hàng xa, hay láng giềng ở cạnh nhà. Ông giỏi thì khỏi nói, cái đó cả thế giới chịu rồi, “nhưng tụi mình đâu phải thương chỉ mỗi chuyện đó”, bạn quệt cùi tay chùi nước mắt, nói “nghĩ tới ông như là nghĩ tới ông nội mình, không hề có cảm giác xa xôi vĩ đại”. Bàn bên mấy anh đòi nợ mướn cũng thôi chửi thề một con nợ khó nhằn, một anh buột miệng “nhìn ổng hiền như con cọp ăn chay”. Màn hình đông chừng mười lăm giây nụ cười hồn hậu của ông tướng. Tự biết trong lòng người dân, hình ảnh ấy còn đọng lại rất lâu.

Bạn tôi tin hồi tại thế ông sống như mình có, không cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất. Thấy ông tưới phong lan, cũng lui cui như ông già kế bên nhà. Thấy nụ cười, biết rằng những oan khuất nhục vinh đã bị ông phẩy tay bỏ lại. Chỉ dân là ông không quên, khi thỉnh thoảng gửi báo những bài viết tâm huyết đóng góp cho chính sách dân sinh.

Mấy hôm trước cà phê sáng với nhau bạn còn kêu xã hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Cảm giác loạn lạc từ chính trường cho tới từng mái ấm, từng cái tổ của mỗi người. Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương nối lại. Bạn rươm rướm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó, thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả năng khóc cho một người dưng.

Cách khóc mỗi người mỗi khác, có người tận nhà ông già cúi đầu đặt bó hoa, người ở xa ngồi trước tivi lén kéo chéo áo lau đuôi mắt, người nuốt trộng vào lòng, người lại thở hắt ngậm ngùi “rồi ai cũng về, người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc, lại có người ở mới sáu mươi mà dân ngán ngẩm thôi rồi”. Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.

Bạn nói có bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra, chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống.”

Đúng như Nguyễn Ngọc Tư nhận xét, một sự ra đi gây thương tiếc cho nhiều người như thế không dễ gì được lập lại trong vài mươi năm tới. Hiền tài không có, nước mắt người dân lại phải cứ đổ ra cho gia đình, con cháu và bản thân mình ngày một nhiều thì còn đâu dành dụm được cho các lãnh tụ về sau, kể cả khi minh quân xuất hiện?






Tướng Giáp - Trước và sau khi mất


 

Tướng Giáp - Trước và sau khi mất


Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-10-11

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


000_Hkg9084159-305.jpg

Các bạn trẻ trong đồng phục áo dài với khung ảnh tướng Giáp trên tay đến tư gia ông hôm 10/10/2013

AFP photo

Quốc tang trọng thể


Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra trọng thể trong 2 ngày 12 và 13 tháng 10, với mấy chục sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu, có xe kéo pháo hộ tống linh cữu, lễ Truy điệu diễn ra ở Nhà tang lễ Quốc gia, đoàn xe tang đi qua khu phố trung tâm Hà Nội, dừng lại tư gia Đại tướng ở đường Hoàng Diệu trước khi tiến ra sân bay Nội Bài để máy bay đưa linh cữu Đại tướng cùng người thân, Ban lễ tang…về Đồng Hới, Quảng Bình, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu tại Vũng Chùa, Đảo Yến.

Trong những ngày qua, báo chí nhà nước đồng loạt dồn dập ngợi ca một cách “ồ ạt đến nỗi không kịp đọc” – nói theo lời blogger Cánh Cò, cũng như hết lời tiếc thương cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó, theo GS Jonathan London thuộc Đại học TP Hong Kong, giới lãnh đạo Hà Nội xem chừng như muốn biến vị anh hùng Điện Biên thành một “biểu tượng mới của chế độ mang tính chính đáng không thể phủ nhận của đảng CSVN”.

Cảnh số lượng bài “báo lề đảng” dồn dập “đọc không kịp” cùng với việc tổ chức quốc tang vô cùng trọng thể dành cho cố Đại tướng như vậy thể hiện một sự tương phản với những đề nghị bị “chìm vào quên lãng”của ông lúc hãy còn tỉnh táo, kể cả đề nghị đình chỉ “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” liên quan vấn đề bauxite Tây Nguyên; cái cảnh dồn dập, rình rang đó cũng tương phản với một thời gian dài Đại tướng đành thúc thủ và phải sống trong lặng lẽ - nói theo blogger Cánh Cò - do “tính “gian hùng và quyết đoán” đã làm cho ông Lê Duẩn trở thành “gian thần” thao túng quyền lực, qua đó, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ đã thu tóm quyền lực từ cuối thập niên 60; tình cảnh đó, như đại tá nhà báo Nguyễn Như Phong mô tả, khiến “có một thời khu vườn (thuộc tư gia Đại tướng) số 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong”.

Theo blogger Nguyễn Tiến Dũng thì ngày xưa Đại Thần Nguyễn Trãi, sau khi giúp Vua Lê Lợi đuổi được giặc Minh, đã từ quan về ở ẩn mà vẫn không tránh khỏi bị các gian thần ám hại tru di tam tộc.

Ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng bị người ta tìm cách vu oan, các chiến hữu thân cận của ông thì bị vùi dập, nhưng blogger Nguyễn Tiến Dũng “không hiểu sao, khác với Nguyễn Trãi, đại tướng không từ quan mà nhẫn nhục chịu đựng trong mấy chục năm trời, nhận cả chức trông coi việc sinh đẻ có kế hoạch, để người ta lợi dụng”!

000_Hkg9079240(1)-250.jpg

Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo

Qua bài tựa đề “Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời”, GS Jonathan London, từng làm việc và nghiên cứu tại VN trong mấy thập niên, nhận xét rằng:

Được những người ngưỡng mộ khen ngợi như một chiến lược gia tài giỏi, chiến thuật quân sự của Tướng Giáp lại bị chất vấn thẳng thừng và thậm chí mạt sát bởi những ai lo rằng ông ta coi sự mất mát nhân mạng quá nhẹ nhàng.
- GS Jonathan London

Tướng Giáp, tất nhiên, là một nhân vật quan trọng trong lịch sử quân sự và chính trị Việt Nam và thực sự là một nhân vật lịch sử quan trọng của thế giới. Thông tin về cái chết của ông được lan truyền đầu tiên qua Facebook hơn là truyền thông nhà nước và được quốc tế đón nhận với kí ức ca ngợi từ mọi nơi, sự tôn trọng miễn cưỡng từ những người khác và sự khinh thường không khoan nhượng từ những người vẫn tranh cãi về cuộc chiến ở Việt Nam…..

Đến tận những giờ phút cuối cùng, Tướng Giáp và tinh hoa của ông vô cùng phức tạp. Được những người ngưỡng mộ khen ngợi như một chiến lược gia tài giỏi, chiến thuật quân sự của Tướng Giáp lại bị chất vấn thẳng thừng và thậm chí mạt sát bởi những ai lo rằng ông ta coi sự mất mát nhân mạng quá nhẹ nhàng.

Blogger Trọng Đạt, qua bài “Tuyên truyền nhồi sọ”, không quên nhắc tới bi cảnh lịch sử một cách chua chát rằng:

Thực tế cho thấy hàng triệu thanh niên đã phơi xác ngoài trận địa, trên dẫy Trường Sơn, để cho một mình ông tướng già hưởng thành quả, ông được vinh danh là anh hùng dân tộc, sống lâu trăm tuổi, vinh quang phú quí. Hàng triệu chiến sĩ yêu nước hy sinh cho cuộc chiến đánh đuổi ngoại xâm để bây giờ Đảng bắt tay Đế quốc, để các đảng viên  xây biệt thự, đi xe triệu đô, hưởng thú vui bên các em chân dài, để các bà mệnh phụ phu nhân, các bà đại gia hưởng lạc bên các chàng phi công trẻ. Người ta thường nói xã hội có những thằng ăn ốc và những thằng đổ vỏ.

Cam chịu trong thời bình


Khi lưu ý về tình trạng “Thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình”, blogger Nguyễn Tiến Dũng đề cập tới chuyện Hà Nội luôn tự hào là chiến thắng những kẻ thù “lớn hơn gấp bội trong chiến tranh”, nhưng, tác giả lấy làm tiếc một điều, là “cái giá phải trả cho chiến thắng đó quá đắt”, và “sau các chiến thắng lại là các thất bại, thất bại ngay trong hòa bình”. Blogger Nguyễn Tiến Dũng phân tích:

Chiến tranh làm cho Việt Nam trở nên kiệt quệ, không chỉ về mặt vật chất, mà nguy hiểm hơn nữa, đó là sự kiệt quệ về tinh thần. Chiến tranh làm huỷ hoại các sự tinh tuý của văn minh, tạo điều kiện cho bạo lực, giáo điều và cơ hội chủ nghĩa phát triển. Kết quả là, có độc lập chưa chắc đã có tự do, có “ổn định” chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhân dân không bị thế lực này thì bị thế lức khác đè đầu cưỡi cổ, và hơn nữa văn hoá bị suy đồi. Người đối với người, trong xã hội ngày nay, còn tồi tệ hơn so với thời Pháp thuộc 100 năm về trước.

Theo blogger Bùi Tín, người nhiều lần tiếp xúc với Tướng Võ Nguyên Giáp, cho rằng tướng Giáp là người có tài, có ý chí, là một ông tướng thông minh, có tư duy riêng, nhất là thể hiện tư duy độc lập trong trận Điện Biên Phủ. Nhưng, nhà báo Bùi Tín cho biết, “mọi cái cũng chỉ tương đối thôi”. Lên tiếng với Đài ACTD, nhà báo Bùi Tín không quên lưu ý một khía cạnh về tướng Võ Nguyên Giáp:

000_Hkg9069093-250.jpg

Bên ngoài tư gia tướng Giáp hôm 06/10/2013. AFP photo

Nhược điểm tôi thấy là phong thái còn quan liêu, xa dân, xa lính chỉ được cái sinh hoạt giản dị, không có tham ô nhưng ông cũng không đóng góp được gì vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản để khỏi rơi vào chủ quan, quan liêu, giáo điều mù quáng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sai lầm chung của ông Giáp góp chung vào cái sai lầm của đảng Cộng sản.


Ông là bậc tôi trung, ông luôn chấp hành nghị quyết và ý chí của đảng, dù nhiều lúc ý chí đó bị bọn tiểu nhân lợi dụng.
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Trong khi Tướng Võ Nguyên Giáp, theo nhận xét của blogger Huy Đức, rất “mưu lược và quyết liệt” trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, và theo GS Jonathan London, ông là một nhân vật lịch sử quan trọng không những tại VN mà còn trên thế  giới, thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy, ngoài tư cách là một “danh tướng, đại khai quốc công thần”,  tướng Giáp là một “Tôi trung” – tôi trung hiếm có. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh hình dung ra rằng nếu sống trong một chế độ thật sự dân chủ, tự do, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể như danh tướng lục quân Eisenhower của Mỹ, ra ứng cử tổng thống “chắc chắn sẽ dành tuyệt đại đa số phiếu” của cử tri, “bỏ xa vạn dặm” những đối thủ như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…nếu những ông ấy “dám ra tranh cử” với Đại tướng Giáp.

Nhưng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh kịp nhớ lại, tướng Giáp là “người của chế độ độc đảng tòan trị và là bậc tôi trung, mở lời không bao giờ nằm ngòai ý Bác, ý Đảng” nên danh tướng này đành “ thụ động ngồi chờ sự chọn lựa” từ Bác và Đảng. Và rủi thay, Bác và Đảng đã không chọn ông mà lại chọn ông Lê Duẩn nắm tòan quyền; và tướng Giáp “an phận chấp hành”!

Nhắc tới chuyện tướng Giáp “an phận chấp hành” theo phận “ tôi trung”,  blogger Huy Đức qua cuốn “Bên Thắng Cuộc” có đọan nhận xét rằng  “Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông”.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy danh tiếng của tướng Giáp “lẫy lừng vượt ra khỏi biên giới của VN Dân Chủ Cộng Hòa, đến khắp 5 Châu” nên có kẻ trong triều đình Hà Nội không muốn để ông “an phận”, mà họ tìm cách “vùi dập” ông – những kẻ không những cùng thời với ông mà cả “bọn tiểu nhân đắc chí về sau” thuộc “hàng nhãi nhép” cũng nhân danh triều đình mà vùi dập ông không thương xót. Nhưng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhắc lại:

Ông là bậc tôi trung, ông luôn chấp hành nghị quyết và ý chí của đảng, dù nhiều lúc ý chí đó bị bọn tiểu nhân lợi dụng. Nghị quyết đặt ông ở đâu và ông luôn chấp hành ngồi ở đó. Sự chấp hành tuyệt đối nguyên tắc đảng của ông làm người ta thấy ông là mẫu người của "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Ông là hình ảnh của Nhạc Phi, của Nguyễn Trãi thời phong kiến xa xưa, chiến thắng lẫy lừng mọi kẻ thù ngoài biên cương nhưng không thắng nổi bọn hổ cáo chốn triều đình vì lòng trung quân mê muội của mình.

Bậc “tôi trung hiếm có”


000_Hkg9065520-200.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia nhân sinh nhật thứ 95 hôm 01/8/2006. AFP photo

Ngòai chuyện tướng Võ Nguyên Giáp là bậc “tôi trung hiếm có”, vẫn theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, “những điều ông nói chẳng khác gì ông Lê Duẩn hoặc báo Nhân Dân”. Đó là lý do mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đọc về Điện Biên Phủ và về Tướng Võ Nguyên Giáp thì rất thích nhưng “ không có chút thú vị nào khi đọc những gì ông viết hoặc nghe ông phát biểu tại các lễ lạc quan trọng”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhớ lại là khoảng sau năm 1990 thì nhà báo gặp được “thần tượng của mình bằng xương bằng thịt” nhân dịp cuộc hội thảo rất lớn về cụ Phan Chu Trinh diễn ra tại Đà Nẵng, với thành phần tham dự tên tuổi như GS Trần Quốc Vượng, nhà văn Nguyên Ngọc, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, học giả Nguyễn Văn Xuân.v.v…và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rồi mọi người xem chừng như nôn nóng chờ tướng Giáp phát biểu. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh kể lại:

Thế nhưng đại tướng đã làm mọi người thất vọng. Không hề bị lung lạc bởi những học giả đổi mới, ông vẫn khuôn sáo và rất kiên định lập trường, phát biểu của ông không có một chút mới mẻ. Ông không đi ra khỏi tinh thần của nghị quyết đảng. Những điều ông nói về Phan Chu Trinh là những gì tôi đã nghe cả trăm lần qua những đợt học chính trị dành cho giáo viên. Ông vẫn nói y những gì mà Tố Hữu đã thay mặt đảng định hướng từ lâu: Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu, đường lối cải lương...Trong phát biểu của ông, ông thường xuyên nhắc đến Bác và Đảng, và nhắc đến với một thái độ hết sức tôn kính gây ra cho tôi một cảm giác là ông không thể nào có ý kiến gì khác những ý kiến của Bác và Đảng đã đề ra và đã thấm sâu vào trong ông tự bao giờ.


Ông là hình ảnh của Nhạc Phi, của Nguyễn Trãi thời phong kiến xa xưa, chiến thắng lẫy lừng mọi kẻ thù ngoài biên cương nhưng không thắng nổi bọn hổ cáo chốn triều đình vì lòng trung quân mê muội của mình.
-Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Trong khi blogger Huỳnh Ngọc Chênh bày tỏ rằng hôm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn ra đi, để lại đàng sau một hệ thống mà chính đại tướng là “bậc khai quốc công thần”, là “vị tôi trung hiếm có”, thì blogger Nguyễn Tiến Dũng lại liên tưởng đến Đại Thần Nguyễn Trãi, dù đã rũ áo từ quan, vẫn không tránh khỏi án “tru di tam tộc”.
 
 Nhưng, blogger Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, khác với Đại Thần Nguyễn Trãi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “không từ quan mà nhẫn nhục chịu đựng trong mấy chục năm trời, nhận cả chức trông coi việc sinh đẻ có kế họach, để người ta lợi dụng”.
 
Blogger Nguyễn Tiến Dũng nhận thấy có điều gì khuất tất:
Ắt hẳn đại tướng có nhiều điều bức xúc trong lòng mà không dám nói ra. Có thể do ý thức kỷ luật đảng của đại tướng quá cao, nên không dám nói gì trái quan điểm chính thống. Kể cả khi bàn đến Phan Chu Trinh ở một hội thảo, đại tướng cũng không dám khen ngợi sự sáng suốt của vị tiền bối của mình. Nay đại tướng đã sang thế giới bên kia, không còn kỷ luật gì để mà giữ, không còn gì để mà sợ. Cầu mong đại tướng sống khôn chết thiêng, hiện về nói cho con cháu biết, làm sao để khỏi bị tiếp tục thua trong hòa bình.


CSVN đang phải xử dụng tối đa dối trá và bạo lực để cứu chế độ” 11/10/2013


 

 

        


                                                                            


                                                                                       

 

CSVN: Loạn Cả Lên Rồi


 

 

CSVN: Loạn Cả Lên Rồi

    

 Vi Anh         

 

Guồng máy Đảng Nhà Nước CSVN loạn xà ngầu cả lên rồi. Điều này có thế thấy rõ qua việc báo Thanh Niên của Đảng Nhà Nước rút bỏ bài tường thuật lời tuyên bố của Chủ Tịch Nước CSVN Trương Tấn Sang trước nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, trong cuộc họp báo chung kết thúc chuyến viếng thăm chính thức ba ngày 19/09/2013 tại Copenhague, thủ đô của nước Đan Mạch.

Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc họp báo này nói “Ngoài việc phát triển kinh tế, chúng tôi còn cố gắng thiết lập một cương lĩnh tốt nhất cho đời sống chính trị. Tôi nghĩ rằng không có một hệ thống nào hoàn hảo. Mỗi hệ thống cần phải được cải cách để phát triển (…), chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện tình hình tại Việt Nam".

Ông Trương tấn Sang nói chung chung, nước nào cũng có khuyết điểm. Ông tuyên truyền tốt cho chế độ, rằng “tất cả mọi người kể cả các quan chức, nếu vi phạm luật pháp thì đều bình đẳng trước pháp luật”. Ông tỉnh bơ nói láo cho chế độ “có bốn triệu blogger tự do tại Việt Nam”, VN dù còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...Ông còn hành động thân thiện với nhà báo để gây cảm tình. Ông bắt tay một nhà báo Đan Mạch, ông Sang nói: “Rất hoan nghênh ông đến Việt Nam, và càng lâu càng tốt”.

Ông Trương Tấn Sang đến Đan Mạch nhằm mục đích chánh là vận động phát triển đối tác kinh tế, chánh trị, tìm viện trợ của Đan Mạch, mà thí thân nói tốt cho chế độ như vậy là quá tốt cho Đảng Nhà Nước CSVN. Lẽ ra Đảng Nhà Nước phải ghi công ơn Ông, nhưng đằng này lại hạ uy tín Ông một cách thê thảm.

Từ hình thức đến nội dung lời tuyên bố này không có hại gì mà rất có lợi cho Đảng Nhà Nước, nói cố gắng cải thiện, cải tiến của chế độ. Nó hoá giải, giải toả cho VNCS trước công luận Đan Mạch là một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam nhưng rất nhạy cảm với vụ vi phạm nhân quyền.

So với công luận thế giới và của Thuỵ Điễn, CSVN là chế độ cấm tư nhân ra báo, và tất cả báo chí, đài phát thanh, phát hình đều do Nhà nước quản lý. Những nhà bảo vệ nhân quyền, các luật sư, blogger và nhà hoạt động dân chủ, tất cả các nhà ly khai, bất đồng chánh kiến, bị bắt bớ và giam cầm hết sức nhiều và trái công ước quốc tế. Mới đây rành rành vào tháng Bảy Phóng viên Không biên giới ở Paris công bố coi VNCS “nhà tù thứ hai của thế giới đối với các blogger và nhà ly khai trên mạng, sau Trung Quốc”.

Nhưng trong nước, tờ Nhân Dân Nhựt Báo tiếng nói chánh thức của Đảng CSVN hoàn toàn không đăng một lời tuyên bố nào của Chủ Tich Nước Trương tấn Sang mà lại loan tải Việt Nam là một trong mười nền kinh tế tiềm năng được Đan Mạch lựa chọn để triển khai Chiến lược tăng trưởng thị trường. Còn nói thêm hồ sơ Biển Đông, Thủ tướng Đan Mạch ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chỉ có tờ báo Thanh Niên, một tờ báo lớn phát hành khắp nước, tiếng nói của Đoàn Thanh Niên CSVN, là tổ chức từ đó Ông Sang tiến thân trong sự nghiệp chánh trị trong Đảng, đăng lại các câu trả lời của ông Trương Tấn Sang với báo chí Đan Mạch về nhân quyền. Báo này tường thuật lời Ô. Sang rằng, "Nhân quyền là vấn đề mà cả dân tộc Việt Nam quan tâm." Bài tường thuật báo Thanh Niên cũng đưa lên mạng hôm Thứ Năm 19/9. Sau không bao lâu, vào cuối tuần Báo Thanh Niên lẳng lặng rút ra khỏi trang mạng của tờ báo.

Báo Thanh Niên không nói lý do, nhưng ai cũng biết là lịnh của Đảng CSVN vì 700 tờ báo và 200 đài phát thanh, phát hình trong nước chỉ có một chủ nhiệm là Đảng CS. ‘Báo đài” ở VNCS là của Đảng, vì Đảng và do Đảng. Không có báo tư nhân. Báo là phương tiện tuyên truyền của Đảng CSVN.

Việc Đảng CSVN ở trong đình làng rêu phong của mình, Bộ Chánh trị của Đảng ban hội tề đầu óc bình vôi không ra khỏi lũy tre xanh muốn ông lên bà xuống, nói càn nói bướng là chuyện của Đảng CS. Nhưng khi ra ngoại quốc, CS dù độc tài đảng trị toàn diện cũng không có quyền coi thường phương diện quốc gia. Danh dự quốc gia là của toàn dân gần 90 triệu, chớ không phải của riêng của Đảng CS chưa tới 4 triệu người. Đảng không có quyền làm xấu người đại diện ngoại giao cao nhứt, vị nguyên thủ quốc gia của đất nước VN khi công du.

Tập tục ngoại giao quốc tế đảng trưởng, chủ tịch đảng dù cầm quyền, dù đảng tri, dù quân phiệt, dù toàn trị cũng không được coi là nguyên thủ quốc gia như tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng, quốc vương.

Dù có tiền cừu hậu hận gì với nhau, có đấu đá ra sao đi nữa, ngay trong khi tranh cử ở quốc nội, người lãnh đạo quốc gia của nước văn minh cũng không bao giờ chỉ trích đối thủ ở ngoại quốc khi công du. Ở Mỹ ứng cử viên công du ngoại quốc mà vạch áo cho người ngoại quốc xem lưng là dân chúng bất bình liền.

Dù có ‘bức xúc’ thế mấy khi thấy hai người Nam ‘Kỳ cục’, Chủ Tich Trương tấn Sang công du Đan Mạch thành công và TT Nguyễn tấn Dũng đi Pháp cũng rất thành công, thì Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng cũng không nên dùng trò ba que xỏ lá, ném đá dấu tay, mật lịnh cho đồ đệ trong đảng bảo báo Thanh Niên gỡ bài xuống.

Tổng Trọng không thể làm xấu VN trước Thủ Tướng, chánh quyền, nhân dân và báo chì Đan Mạch. Nhứt là các tổ chức báo chí quốc tế họ quá rành thâm cung bí sử CSVN, họ theo dõi từng ngón nghề tranh giánh quyền lực phe đảng giữa CS Nam bộ và CS Bắc Việt, ngày càng tăng nồng độ, cường độ với chất men đổi mới, thân Mỹ và Tây Phương của phe Nam và thủ cựu bảo thủ, thân TC của phe Bắc./. (Vi Anh)

__._,_

 

 

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link