Hợp xướng Truyện Kiều (Toàn Tập) Trích Hợp xướng Truyện Kiều, Thơ: Đại Thi hào NGUYỄN DU, Âm Nhạc: VŨ ĐÌNH ÂN, Cố vấn nghệ thuật Giáo sư Nhạc sĩ CA LÊ THUẦN, Biểu diễn Ban hợp xướng Thạch Đà và Suối Việt, Nghệ sĩ ưu tú Nhất Sinh, Ca sĩ Hoài Phương, Nhóm Mặt trời mới, Vũ Đoàn Phương Việt, Điều khiển chương I & III: Nhạc sĩ Nguyễn Bách, Điều khiển chương II: Tác giả, Nhạc sĩ Vũ Đình Ân; PHƯƠNG NAM PHIM phát hành. | Công trình tuyệt vời...cám ơn tác giả phỗ nhạc ! Người kỹ sư phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều |
|
Dành 5 năm và số tiền trị giá chiếc Mercedes đời mới để góp phần bảo tồn văn hóa Việt Ngọc Lan/Người Việt |
WESTMINSTER (NV) - Cho đến thời điểm này, có lẽ bài hát được xem là dài nhất thế giới, chứa trong 7 đĩa CD, có độ dài tổng cộng hơn 8 giờ, chính là “ca khúc” Kim Vân Kiều, thơ của đại thi hào Nguyễn Du, do kỹ sư-nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.
|
Kỹ sư-nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, viện sĩ hàn lâm viện Âu Châu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Công trình phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều được Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương Châu Âu ghi nhận, và công nhận người nhạc sĩ đã dành ra thời gian 5 năm để phổ nhạc tác phẩm vĩ đại này làm viện sĩ vào năm 2009.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện bắt đầu phổ nhạc Kim Vân Kiều của Nguyễn Du từ năm 2005, và kết thúc “công trình vĩ đại” đó vào năm 2009. Ngay sau đó, ông lại bắt tay vào phổ nhạc một tác phẩm thơ nổi tiếng khác trong văn học Việt Nam, đó là Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, hiện đang sống tại Pháp, sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Từ năm 1964, ông đã sang Pháp du học và tốt nghiệp ngành kỹ sư tin học.
Nhân dịp nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đến Hoa Kỳ và Orange County để giới thiệu ra mắt CD Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm, Người Việt đã có cuộc trò chuyện cùng ông xoay quanh vấn đề này.
-Ngọc Lan (N.V): Xin nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết con đường ông trở thành một nhạc sĩ đã diễn ra như thế nào?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi chơi nhạc từ năm 6 tuổi. Ngoài đàn guitar, tôi còn có thể chơi được đàn accordéon, piano, mandoline, đàn bầu. Có thời gian, tôi chơi chung trong ban Kích Ðộng nhạc của ca sĩ Công Thành, Elvis Phương... Nhạc với tôi không phải là nghề nghiệp chính, mà chỉ là một loại hobby. Năm 20 tuổi được đi du học ở Pháp. Cuối thập niên 60, tôi có học nhạc tại Hàn Lâm Viện Pháp về tây ban cầm.
-NV: Duyên cớ gì đưa một người kỹ sư như ông đến chỗ quyết định phổ nhạc Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Phổ nhạc Truyện Kiều cũng là một 'hobby' của tôi. Tình cờ một lần tôi đọc lại truyện Kim Vân Kiều. Tới câu 890, “Sống nhờ đất khách, thác cho quê người,” thì tự dưng tôi thấy cảm động đến chảy nước mắt.
Tôi tự hỏi: “Tại sao mình không gìn giữ nền văn hóa Việt Nam qua tiếng hát, qua Truyện Kiều?” Truyện Kiều khi đọc có thể khó hiểu, hoặc người ta chỉ đọc một lần. Nhưng qua tiếng hát thì ai cũng có thể thấu hiểu dễ dàng hơn, tạo nên sự rung động và có thể nghe nhiều lần.
Từ đó bắt đầu bước vào cuộc phổ nhạc Truyện Kiều.
-NV: Nhạc sĩ có thể nói rõ hơn về quá trình ông phổ nhạc Truyện Kiều có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Hết sức khó khăn. Trong 5 năm tôi mới phổ nhạc hết được Truyện Kiều.
Suốt thời gian đó, mỗi ngày tôi thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, phổ nhạc đến 7 giờ 30 đi làm việc kỹ sư. Về đến nhà cũng 8, 9 giờ tối, rồi lại phổ nhạc tiếp. Mỗi đêm ngủ có 5 tiếng thôi.
Cuối tuần cũng dành thời gian để hòa âm và làm nhạc. Trong 5 năm đó quả thực rất vất vả. Cuối cùng tác phẩm cũng hoàn tất bao gồm 77 bài, chứa trong 7 đĩa CD, tổng cộng độ dài hơn 8 tiếng để nghe.
Trước khi bắt tay vào phổ nhạc, tôi mất 6 tháng để nghiền ngẫm những điều được gửi gắm trong Truyện Kiều. Phải hiểu thấu đáo những từ ngữ, điển tích trong đó thì mới phổ nhạc được chứ không hiểu lời thơ thì nhạc mình không có giá trị gì hết.
Thêm vào đó, Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, nhiều bản dịch không giống nhau thành ra làm cho mình cảm thấy khó khăn, không thể dựa trên bản này, bỏ bản kia được. Tôi đọc khoảng 30 bản dịch của nhiều người để tìm kiếm chữ phù hợp với bài mình. Chính vì điều này mà hiện nay có nhiều người cho rằng bản phổ nhạc của tôi có thể xem như bản thống nhất tạm thời.
-NV: Khi phổ nhạc, ông giữ nguyên toàn bộ lời thơ hay viết lại cho phù hợp với khuôn nhạc như những nhạc sĩ khác hay?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi giữ lại tất cả lời thơ, bởi Nguyễn Du đã đắn đo trong từng chữ một, nên nếu mình đổi chữ, có thể đi sai ý của nhà thơ. Với Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm, tôi vẫn làm như thế.
-NV: Nhạc sĩ đã dùng những thể loại nhạc nào cho tác phẩm Kim Vân Kiều?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Lúc đầu tôi tính nếu chỉ làm nhạc ngũ cung thì không thể nào làm hết 77 bài hát được vì cứ lẩn quẩn trong lục bát thì rất khó, rất chán.
Do Truyện Kiều được UNESCO công nhận là di sản thế giới nên tôi nghĩ đến việc tại sao không sử dụng tất cả những điệu nhạc trên thế giới để phổ nhạc?
Thế là tôi làm nên 7 đĩa nhạc, mỗi đĩa là một khuynh hướng nhạc khác nhau.
Ðĩa 1, từ câu thơ 1 đến câu 422, mang tên “Trăm năm trong cõi người ta,” tôi sử dụng loại nhạc cổ truyền Việt Nam.
Ðĩa 2, từ câu 423 đến câu 890, mang tên “Bên tình bên hiếu,” tôi sử dụng các thể nhạc ở Âu Châu
Ðĩa số 3, từ câu 891 đến 1312, tên “Quyến gió rủ mây” và đĩa 4, từ câu 1313 đến 1780, tên “Tài tử giai nhân,” tôi sử dụng các loại nhạc Salsa, Lambada,...
Ðĩa số 5, từ câu 1781 đến 2264, tên “Cá chậu chim lồng,” và đĩa số 6, từ câu 2265 đến 2778, tên “Hại nhân nhân hại,” tôi làm theo thể loại Rock&Roll cho sống động.
Ðĩa cuối cùng tên “Chữ tài chữ mệnh” tôi lại dùng nhạc cổ truyền, nhưng có nét tân thời hơn so với đĩa 1.
Tóm lại, mỗi đĩa đều có sắc thái nhạc khác nhau.
-NV: Khi chuẩn bị phổ nhạc Truyện Kiều, nhạc sĩ có chia sẻ những cảm xúc của mình với bất kỳ người nào không? Và ý kiến từ những người đó là gì?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi chỉ âm thầm làm một mình. Riêng một số người bạn chí thân thì cho rằng tôi sẽ chết trước khi tôi làm xong truyện Kiều, bởi họ thấy khó quá!
|
7 CD Kim Vân Kiều, gồm 77 bài, và 2 CD Chinh Phụ Ngâm được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc với mục đích góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Mục đích duy nhất của tôi chỉ là muốn đóng góp sức mình vào sự bảo tồn văn hóa Việt Nam mà thôi, nhất là ở hải ngoại. Số tiền mà tôi đã bỏ ra để hoàn thành bộ CD Kim Vân Kiều này bằng với giá tiền một chiếc xe Mercedes đời mới hiện nay.
Nhưng tôi không hề có ý định kiếm lời trong chuyện làm những CD này. Tôi là một kỹ sư, tôi có đủ tiền để sống mà, những tiền còn dư lại thì dốc hết vào đây.
Khi nghe những email, những lời phản hồi từ nhiều người như có người nói hồi nhỏ má tôi ru tôi bằng Truyện Kiều, giờ nghe lại cảm thấy rất xúc động nên muốn nghe mỗi ngày, hay những người trẻ nghe những CD này lại hiểu thêm về văn hóa dân tộc, hay những thầy cô giáo ở Việt Nam đã hướng dẫn học trò mình nghe những CD đó cho những trích đoạn trong sách giáo khoa,...
Những câu chuyên như vậy cũng khiến tôi vui vui.
-NV: CD Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm đã được giới thiệu ở đâu?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Ðã có ra mắt ở Paris 2 lần, rồi sang Bỉ, sang Ðức. Ở đâu tôi cũng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt. Riêng ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều CD Kim Vân Kiều, nhưng không phải do tôi phát hành mà do họ sao chép ra.
Như đã nói từ đầu, tôi làm việc này chỉ vì muốn bảo tồn văn hóa Việt Nam nên chuyện copy, sao chép đó không ảnh hưởng gì đến tôi, phổ biến ra cho nhiều người bài hát này cũng là tốt thôi.
Ngay trên website: thienmusic.com của tôi cũng để sẵn những bản mp3 trên đó, ai muốn download xuống cũng được.
Ở Mỹ, theo lời mời của Văn đàn Ðồng Tâm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, tôi sẽ có những buổi giới thiệu những CD này ở San Diego, Orange County, San Jose và ở Houston Tesax từ nay đến cuối tháng 11 này.
-NV: Trong thời gian 5 năm phổ nhạc Truyện Kiều, có lúc nào ông cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc không?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Nếu nản chí thì tôi đã không làm thêm Chinh Phụ Ngâm, điều này chứng tỏ mình còn hăng say, còn muốn tiếp tục, đúng không?
Phổ nhạc Chinh Phụ Ngâm khó hơn Kim Vân Kiều, bởi Chinh Phụ Ngâm ra đời trước Truyện Kiều 71 năm. Chinh Phụ Ngâm làm theo thể song thất lục bát, để giữ nguyên lời đó phổ nhạc rất khó.
Sau khi hoàn tất Kim Vân Kiều mới chuyện sang làm Chinh Phụ Ngâm, gồm 2 CD, làm trong 1 năm.
Nhờ bộ truyện phổ nhạc này mà tôi được công nhận vào Hàn Lâm Viện Âu Châu. Hàn Lâm Viện này có 600 người, và 72 người trong số đó được giải Nobel. Khi biết điều đó, tôi mới nhận ra rằng việc mình được ngồi chung với họ quả là một danh dự.
-NV: Sau Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm, nhạc sĩ còn dự định phổ nhạc tác phẩm nào nữa không?
-NS Quách Vĩnh Thiện: Chắc chắn là tôi không dừng tại đây rồi. Nhưng cũng chưa thể tuyên bố điều gì bây giờ.
Tôi muốn giữ sự im lặng cho đến khi một tác phẩm mới chính thức công bố.