Saturday, December 1, 2012

Philippines và Đài Loan lên án kế hoạch chặn xét tàu trên Biển Đông của Trung Quốc


 

 
BIỂN ĐÔNG - Bài đăng : Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012

Philippines và Đài Loan lên án kế hoạch chặn xét tàu trên Biển Đông của Trung Quốc

Tàu tuần duyên của Đài Loan và tàu Trung Quốc trong vùng Biển Đông (REUTERS)
Tàu tuần duyên của Đài Loan và tàu Trung Quốc trong vùng Biển Đông (REUTERS)

Thụy My  RFI

Hãng tin AP hôm nay 01/12/2012 cho biết, Bộ Ngoại giao Philippines đã tố cáo kế hoạch kiểm soát tàu thuyền trên Biển Đông của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền lãnh thổ các nước láng giềng, và xâm phạm tự do hàng hải.
 
Ngoại trưởng Đài Loan tuyên bố hành động của Bắc Kinh không thể ngăn trở được Đài Loan tiếp tục các hoạt động trong khu vực.
 
Tờ Philippines Daily Inquirer dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay nói rằng, nếu như tin báo chí đưa là sự thật, thì quy định mới của Trung Quốc “xứng đáng bị lên án bởi các nước ASEAN, các đối tác trên thế giới và toàn bộ cộng đồng quốc tế”. 

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, việc lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài tại hải phận quốc tế hay tại các vùng biển tranh chấp là vi phạm trầm trọng luật lệ quốc tế - đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), và bộ quy tắc ứng xử giữa các quốc gia liên quan.


 Điều này đe dọa trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng thế giới, vì xâm phạm không chỉ hải phận và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển do UNCLOS quy định, mà còn cản trở quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp. 


Thông báo viết: “Nếu thông tin trên báo chí là chính xác, thì kế hoạch hành động này của Trung Quốc là bất hợp pháp. Đồng thời cũng chứng tỏ Philippines đã đúng đắn khi liên tục lặp đi lặp lại là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông không chỉ là một đòi hỏi quá đáng, mà còn là mối đe dọa cho tất cả các nước”. 


Về phía Đài Loan, tờ Taipei Times hôm nay cho biết, Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc (David Lin) hôm qua 30/11/2012 đã yêu cầu Trung Quốc kìm chế và tôn trọng các quy định hàng hải quốc tế. 


Ông Lâm Vĩnh Lạc tuyên bố, nguyên tắc đã được quốc tế chấp nhận là mọi quốc gia đều có quyền tự do lưu thông trên Biển Đông, vùng biển mà theo quan điểm của Đài Bắc thì Đài Loan cũng có một phần sở hữu.


Ông khẳng định, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc cũng không thể khiến Đài Loan dừng lại các hoạt động lâu nay trong khu vực và nói thêm: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ kìm chế được càng nhiều càng tốt trong vấn đề này”. 


Trong một thông cáo riêng, Đại lục Ủy viên Hội, cơ quan tư vấn về phát triển và quan hệ với Hoa lục cho chính quyền Đài Loan, xác định: “Trong nhiều năm qua, các tàu đánh cá Đài Loan vẫn hoạt động trong vùng biển của mình, và cơ quan tuần duyên sẽ bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp”. 


Xin nhắc lại, Tân Hoa Xã hôm 27/11 đã loan tin là tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển”. Theo đó các tàu nước ngoài “xâm nhập bất hợp pháp” vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý, thì công an biên phòng Trung Quốc có thể “lên tàu, kiểm tra, bắt giữ, trục xuất, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng và buộc trở về”.

 Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. 

Hành động trên đây của Trung Quốc tiếp theo việc cho in bản đồ có hình lưỡi bò chiếm gần hết Biển Đông lên hộ chiếu mới của công dân, đã gây nhiều phản ứng.    


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland hôm 29/12 cho biết sẽ chất vấn Bắc Kinh về vấn đề này, còn Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm 30/11 nhận định đây là một diễn biến “rất nghiêm trọng”.
 
 

Thượng viện Mỹ ủng hộ Nhật Bản trên vấn đề Senkaku/Điếu Ngư


 


HOA KỲ - NHẬT BẢN -Bài đăng : Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012 

Thượng viện Mỹ ủng hộ Nhật Bản trên vấn đề Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư do Nhật Bản cai quản (Reuters)
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư do Nhật Bản cai quản (Reuters)

Tú Anh  RFI

Một điều luật bổ sung vào ngân sách quốc phòng Mỹ 2013 vừa được Thượng viện Mỹ nhất loạt thông qua khẳng định lời cam kết sát cánh với Nhật Bản bảo vệ chủ quyền tại đảo Senkaku/Điếu Ngư. Washington sẽ chống lại mọi biện pháp uy hiếp của Trung Quốc đối với « đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ » từ áp lực đến vũ lực để lấn chiếm biển đảo.
Vào lúc hải quân Trung Quốc phô trương thanh thế tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Thượng viện Mỹ thêm vào dự luật ngân sách 2013 một điều khoản bổ sung ngăn chận Trung Quốc tranh giành quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hiện do Nhật Bản cai quản.
Sáng kiến này do bốn Thượng nghị sĩ gồm ông Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương sự vụ, James Inhof, Joe Liberman và John McCaine đồng bảo trợ và đã nhận được đồng thuận 100%. Dự luật tu chính ghi nhận là trong khi Hoa Kỳ « không lấy lập trường » về chủ quyền của quần đảo nhưng Hoa Kỳ « công nhận quyền cai quản của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku ».
Thượng viện Mỹ khẳng định là « những hành động đơn phương của một phe thứ ba không làm lay chuyển (lập trường) của Mỹ công nhận Nhật Bản cai quản quần đảo Senkaku ». Dự luật tu chính tái khẳng định hiệp ước « Hợp tác an ninh và quốc phòng Mỹ Nhật » và cảnh báo Trung Quốc và nếu họ tấn công Nhật Bản thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả theo các điều cam kết trong hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ Nhật.
Cuối cùng, Thượng viện Mỹ nhắc lại và nhấn mạnh « quyền lợi quốc gia của Mỹ gắn liền với quyền tự do giao thông, hòa bình ổn định, tôn trọng luật hàng hải quốc tế trong khu vực ». Thượng nghị sĩ John Webb tuyên bố rằng dự luật bổ sung này là « lời ủng hộ mạnh mẽ cho một đồng minh sinh tử của Mỹ tại Thái Bình Dương ».
Cũng trong bối cảnh Bắc Kinh từng bước làm mưa làm gió trong vùng biển châu Á, hôm qua phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ « chất vấn giới lãnh đạo Trung Quốc » về thông tin chính thức cho rằng kể từ tháng 01/2013, cảnh sát biển Trung Quốc sẽ khám xét tàu bè trên vùng biển Đông Nam Á.
Cho đến hôm nay 01/12/2012,  Đài Loan và Philippines phản ứng lên án Bắc Kinh. Còn Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN, qua tuyên bố của Tổng thư ký Surin Pitsuwan, tỏ ý quan ngại trước « diễn biến mới nghiêm trọng » này.

__._,_.___

Thủ tướng tương lai Trung Quốc bị tố cáo là thủ phạm gây dịch Sida tại Hà Nam


 

 
TRUNG QUỐC - Bài đăng : Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 01 Tháng Mười Hai 2012

Thủ tướng tương lai Trung Quốc bị tố cáo là thủ phạm gây dịch Sida tại Hà Nam

Ông Lý Khắc Cường, thủ tướng tương lai và nhân vật số 2 của đảng Cộng sản Trung Quốc (REUTERS)
Ông Lý Khắc Cường, thủ tướng tương lai và nhân vật số 2 của đảng Cộng sản Trung Quốc (REUTERS)

Tú Anh  RFI

Đạo đức giả, trách nhiệm gây dịch bệnh liệt kháng (AIDS) tại Hà Nam. Trên đây là những lời tố cáo của các nhà tranh đấu chống bệnh Sida tại Trung Quốc sau khi phó thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi « hợp tác » nhân ngày Thế giới chống bệnh Sida.
Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc lại bị thêm một đòn đau. Tiếp theo những vụ tai tiếng bê bối của Bạc Hy Lai, thông tin chủ tịch tương lai Tập Cận Bình có tài sản hơn 300 triệu đô la, thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo tích lũy tài sản 2,7 tỷ đôla, giờ đây đến lượt thủ tướng tương lai bị quá khứ phủ chụp.
Trong khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền nỗ lực của Nhà nước nhân ngày Thế giới chống bệnh Sida hay gọi tắt theo Anh ngữ là bệnh AIDS, phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã triệu tập một cuộc gặp gỡ với 12 hiệp hội phi chính phủ tại Bắc Kinh ngày 29/11/2012. Thủ tướng tương lai Trung Quốc hoan nghênh nỗ lực của các nhà tranh đấu và kêu gọi đoàn kết hợp tác với chính phủ.
Ông Lý Khắc Cường tuyên bố: « Xã hội dân sự đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến này. Chính phủ cần phải giúp đỡ họ về tài chính, kiểm tra và tăng cường khả năng hoạt động. Các hiệp hội chống Sida là những lực lượng không thể thay thế được, không gian hoạt động cần phải được mở rộng ».
Những lời tuyên bố mang lý tưởng cao đẹp này phát xuất từ cửa miệng của một đảng viên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc « nghe vậy mà không phải vậy ». Theo AFP, nhà ly khai Hồ Giai, giải thưởng Sakharov, phản ứng ngay : « Không thể tin được. Đây chỉ là một cuộc dàn cảnh sân khấu của chính phủ mỗi lần đến ngày Thế giới chống Sida ».
Nhà tranh đấu đang bị quản thúc giải thích : « Lần đầu tiên tôi bị cảnh sát bắt giam, đó là vào năm 2001, khi tôi mang quần áo, đồ chơi cho gia đình nạn nhân ». Năm 2001 là năm gì ? Bác sĩ Trần Bỉnh Trung, cựu công chức của bộ Y tế cho biết, đó là lúc ông Lý Khắc Cường lãnh đạo đảng Cộng sản tại Hà Nam và chính ông đã làm cho tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trong dân chúng. Giờ đây « thủ tướng tương lai không thể nào xóa bỏ quá khứ sai trái của mình ».
Vào thời gian năm 1999 đến 2004, Lý Khắc Cường làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam cũng là lúc xảy ra một vụ tai tiếng « bán máu nhiễm siêu vi HIV ». Hàng chục ngàn nông dân nghèo đã bị lây nhiễm trong khuôn khổ một chiến dịch « mua máu » do chính quyền tổ chức để cung cấp cho các công ty y dược.
Thay vì giúp đỡ thuốc men tài chính cho nạn nhân bị lây nhiễm và các bác sĩ từ Bắc Kinh đến trợ giúp thì chính quyền tỉnh Hà Nam do Lý Khắc Cường lãnh đạo đã ra tay đàn áp nông dân bị lây nhiễm đòi được bồi thường và được săn sóc thuốc men. Bí thư tỉnh ủy Hà Nam đã vô tình đưa đẩy nhiều thanh niên thiện nguyện và công chức Nhà nước thành nhà ly khai chống lại chế độ.
Một nạn nhân khác của ông Lý Khắc Cường là nữ bác sĩ Cao Diệu Khiết mà tên tuổi và đòn thù của chính quyền Trung Quốc đã chiếm trang nhất truyền thông quốc tế trong thập niên 2000. Chính vị nữ bác sĩ này đã tố giác tình trạng lây lan HIV tại Hà Nam trong lúc chính quyền Trung Quốc khẳng định đây là căn bệnh của « tư bản đồi trụy ». Cuối cùng ở tuổi gần 80, bác sĩ Cao Diệu Khiết buộc phải lưu vong sang Hoa Kỳ.
Những cố gắng bóp nghẹt thông tin của Trung Quốc đã thất bại khi nông dân địa phương đã nhân có ký giả quốc tế đến thăm, kéo nhau biểu tình tố cáo sự thật tại Hà Nam. Nhưng tại Trung Quốc , những thông tin « nhạy cảm này » tiếp tục bị kiểm duyệt và cho dù hàng chục ngàn nạn nhân đã chết hay tiếp tục lây HIV cho cộng đồng thì uy tín của bí thư tỉnh ủy Hà Nam vẫn được bảo vệ vì ông đã được « Đảng chọn » để lên kế vị ông Ôn Gia Bảo.
Tuy nhiên, như bác sĩ Cao Bỉnh Trung nhận định, ông Lý Khắc Cường không thể chạy tội, xóa bỏ trách nhiệm. Theo thẩm định của Trung tâm phòng chống Sida của Nhà nước thì cho đến cuối năm 2011, số nạn nhân nhiễm siêu vi HIV tại Trung Quốc lên đến 780.000 người. Trong vòng 11 tháng của năm nay, 17.740 bệnh nhân qua đời . Tỷ lệ tử vong tăng 8,6% mỗi năm và tỷ lệ nhiễm bệnh tăng 12,7%.
 
 
 

MỞ HỒ SƠ TỘI ÁC HỒ CHÍ MINH:


 

 

MỞ HỒ SƠ TỘI ÁC HỒ CHÍ MINH:

 

Xin Đừng Quên ! Nửa Thế Kỷ Trước : Vấy Máu Cải Cách Ruộng Đất

 

 Nguyễn Minh Cần

 

Nhắc lại chuyện đau lòng của thời Cải Cách Ruộng Ðất, có thể bạn đọc sẽ trách tôi : trong dịp đầu năm mà nhắc đến chuyện quá buồn. Xin các bạn lượng thứ cho ! Nhưng chuyện này không thể không nói đến ! Nó cũng khủng khiếp không kém gì chuyện Tết Mậu Thân (1968). Vậy mà chuyện Tết Mậu Thân chúng ta vẫn phải đành lòng nhắc đến trong dịp Tết cơ mà !

Cần phải nhắc đến các tấn bi kịch, các thảm họa dân tộc đã qua và hiện đang còn đang tiếp diễn dưới nền chuyên chính của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), để mọi người yêu nước thương dân thắp một nén hương cho vong linh biết bao người vô tội đã ngã xuống, để tưởng nhớ đến bao nhiêu người oan ức đã chịu những cực hình man rợ phải ngậm hờn mãi mãi, để nhớ lại biết bao bạo hành của một đảng độc tài đã gây ra trong quá khứ và trong hiện tại, để mọi người hun đúc ý chí đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa đất nước. Âu cũng là việc cần lắm thay ! Hơn nữa, ngày nay tập đoàn cầm quyền đang cố xuyên tạc lịch sử, cố làm mọi cách để dân tộc ta quên đi các tội ác tày trời của họ, nhất là để các thế hệ mới lớn lên không hề hay biết gì đến các tội ác đó và những kẻ tội phạm chính danh !

CHUYện tôi muốn nói đến hôm nay là cuộc CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (CCRĐ) đầy kinh hoàng ở miền Bắc Việt Nam, thảm họa khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Cuộc CCRĐ đã thực tế bắt đầu diễn ra từ năm 1953, đúng 50 năm trước đây, và kết thúc năm 1956. Nhưng dư âm và hậu họa của nó vẫn còn mãi cho đến tận ngày nay. Hồi đó, CCRĐ chẳng khác nào một trận bão táp ác liệt đổ ập xuống miền Bắc Việt Nam gây ra biết bao tàn phá khủng khiếp, biết bao đảo lộn kinh người, biết bao tang tóc, đau thương cho người dân lương thiện.
Xuất phát từ đâu mà trận bão táp ghê rợn đó đã tràn đến cái xứ sở đau thương này ? Số là trong chuyến đi bí mật của ông Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc (hồi cuối năm 1950) đến Moskva (đầu năm 1951), ông đã gặp Stalin và Mao Trạch Đông (lúc đó đang có mặt tại Moskva). Hai ông này đã nhận xét là Đảng Việt Nam coi nhẹ nhiệm vụ phản phong (ý nói hữu khuynh), và chỉ thị phải tiến hành cách mạng phản phong để "bồi dưỡng động lực cách mạng là nông dân lao động", nói cụ thể là phải làm CCRĐ ở các vùng gọi là "giải phóng". Sau khi về nước, ông Hồ đã cùng Thường vụ Trung ương (Bộ chính trị sau này) ĐCS trong hai năm trời bí mật và tích cực chuẩn bị tiến hành CCRĐ. Chuẩn bị cả về mặt tư tưởng, cả về mặt chính sách, đường lối, lẫn về mặt tổ chức. Theo sự phân công của Stalin, Trung Quốc sẽ giúp đỡ cho Việt Nam, nên ông Hồ đã mời các đoàn cố vấn Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam - tổng cố vấn là La Quý Ba đồng thời là đại sứ Bắc Kinh tại Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH). Vi Quốc Thanh đứng đầu đoàn cố vấn quân sự, còn đứng đầu đoàn cố vấn CCRĐ là Kiều Hiểu Quang, vốn là phó bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây. Đó là chưa kể đủ loại cố vấn khác, như cố vấn chỉnh huấn, cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền... Để chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quân đội, năm 1952, Bộ chính trị (BCT) Trung ương (TW) Đảng thực hiện "cuộc chỉnh huấn" trong Đảng và "cuộc chỉnh quân" trong quân đội, theo đúng mẫu mã "cuộc chỉnh phong" của ĐCS Trung Quốc, chỉ có cái tên hơi khác một chút mà thôi. Chuẩn bị về mặt tổ chức, BCT TW đã thành lập Ủy ban CCRĐ Trung ương (UBCCRĐTW), gồm có Trường Chinh, Tổng bí thư ĐLĐVN làm chủ nhiệm, hai phó chủ nhiệm là Hoàng Quốc Việt, ủy viên BCT và Lê Văn Lương, ủy viên BCT, còn ủy viên thường trực là Hồ Viết Thắng, ủy viên TW Đảng. Dưới UBCCRĐTW là các đoàn CCRĐ, dưới các đoàn là các đội CCRĐ. Cả một đạo quân hùng hậu để làm "chiến dịch" đánh phong kiến !

ĐCS coi CCRĐ là "một cuộc cách mạng long trời lở đất", cho nên cần phải "phóng tay phát động quần chúng" để thực hiện, có nghĩa là phải làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thương xót, cho dù có những hành động quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ. Nhiều lãnh tụ cộng sản thường nhấn mạnh ĐCS là đảng cách mạng thì nhất định phải làm CCRĐ theo tinh thần "cách mạng", "cách mạng long trời lở đất" ! Họ cao ngạo phê phán các cuộc CCRĐ hòa bình ở nhiều nước là cải lương chủ nghĩa, tư sản và phản cách mạng : vì tại các nước đó, chính quyền hạn định mức ruộng đất tối đa cho điền chủ được có, còn phần thừa thì nhà nước mua lại để chia cho người ít hay không có ruộng đất. Còn khi giải thích cho cán bộ mấy chữ "phóng tay phát động quần chúng" khó hiểu này, ông Hồ đã dùng hình ảnh dễ hiểu sau : khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được. Hình như ông cũng khoái cái lối giải thích hóm hỉnh ấy, không nghĩ rằng cái tinh thần "quá đi một tí" sau này chính là mối họa lớn cho dân ! Các đội, các đoàn CCRĐ được tung về nông thôn. Họ tung hoành gần như với quyền hạn không hạn chế, họ cảm thấy mình nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Cấp trên đã "phóng tay" cho họ và họ cũng tự "phóng tay"... Vì thế trong dân gian thường nói "nhất đội, nhì Trời", và các "anh đội" cũng khoái tai khi nghe như thế ! Tôi còn nhớ một lần, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Hà Nội, về quê thăm nhà ở làng Tó (Thanh Oai) thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông bị đội CCRĐ bắt giữ cùng với anh cần vụ (lính hầu) và xe ô tô, van xin gì cũng không được thả ra. Về sau do một sự tình cờ, chính quyền Hà Nội biết được mới cho người đến nhận ông về. Đại thần của chế độ mà còn bị như thế huống hồ dân đen ! Trong năm 1952, BCT TW Đảng Lao Động Việt Nam (ĐLĐVN), tức là ĐCS khoác tên mới từ năm 1951, cho làm thí điểm CCRĐ ở sáu xã thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Trong lần thí điểm này có một sự kiện "động trời" : tòa án CCRĐ xử tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức là Cát Thành Long, người mà thời trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản... Còn trong Tuần lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới. Bà đã hoạt động trong Hội Phụ Nữ, lại có con trai đi bộ đội, làm trung đoàn trưởng. Thế mà bà đã bị quy là địa chủ cường hào ác bá, bị đoàn CCRĐ xử án tử hình, UBCCRĐ TƯ duyệt y và BCT TƯ ĐLĐVN cũng chuẩn y ! Những người lãnh đạo cộng sản trong BCT và đứng đầu chính phủ đã từng được bà che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm Chủ tịch nước, Tổng bí thư, ủy viên BCT, Thủ tướng, phó thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một cái án tử hình như vậy ! Phát súng đầu tiên của CCRĐ nổ vào đầu một người phụ nữ yêu nước đã từng giúp đỡ cho những người cộng sản ! Phát súng đó tự nó đã nói lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản ! Nó báo hiệu trước những tai họa khôn lường cho toàn dân tộc !

Năm 1953, thực tế là năm bắt đầu tiến hành CCRĐ, năm ĐCS chuẩn bị toàn bộ đường lối, chính sách và "luật pháp hóa" các chính sách của Đảng bằng quyết nghị của Quốc hội, sắc lệnh và nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ. Dựa trên tài liệu chính thức của ĐCS, tôi xin ghi lại những cái mốc lịch sử đau thương của dân tộc ta trong cuộc CCRĐ đẵm máu và nước mắt này : cuối tháng 01.1953 - hội nghị lần thứ tư của TƯ ĐLĐVN để thông qua bản Dự thảo cương lĩnh Đảng về chính sách ruộng đất. Tại hội nghị, ông Hồ đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ triệt để giảm tô, tiến tới CCRĐ.

đầu tháng 03.1953 - Hội đồng Chính phủ họp thảo luận báo cáo của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng về mục đích, phương châm, kế hoạch phát động quần chúng. Hội đồng Chính phủ đã thông qua các văn bản về chính sách ruộng đất và phát động quần chúng, tức là đã "luật pháp hóa" nghị quyết của TƯ Đảng.

01 - 05.03.1953 - báo Nhân Dân đăng tải bài "Chỉnh đốn chi bộ" của ủy viên Bộ chính trị ĐLĐVN, trưởng ban tổ chức TƯ Lê Văn Lương, người trực tiếp phụ trách cuộc Chỉnh đốn tổ chức trong CCRĐ, và ngày 16.03.1953 - Chính phủ VNDCCH ra thông tư về việc chỉnh đốn chính quyền cấp xã qua việc phát động quần chúng. Đây là những hướng dẫn cho việc gắn liền cuộc Chỉnh đốn tổ chức với CCRĐ, với tinh thần "không dựa vào (thực tế là đánh vào - Người viết) tổ chức cũ mà lập nên tổ chức mới" ở nông thôn !

12.04.1953 - Chính phủ VNDCCH ra ba sắc lệnh : 1/ sắc lệnh quy định chính sách ruộng đất, trong đó có việc tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất chia cho nông dân ; 2/ sắc lệnh quy định việc thành lập Tòa án nhân dân ở những nơi phát động quần chúng ; 3/ sắc lệnh quy định việc trừng trị những địa chủ ở những nơi phát động quần chúng tiến hành CCRĐ.

01.06.1953 - báo Nhân Dân đăng bài về Chương trình CCRĐ.

tháng 06.1953 - ĐLĐVN tổ chức cái gọi là "đợt chỉnh huấn chính trị" để nâng cao lập trường giai cấp cho cán bộ đảng viên trong cuộc đấu tranh CCRĐ.

14.11.1953 - hội nghị lần thứ năm TƯ và Hội nghị toàn quốc của ĐLĐVN để quyết định tiến hành CCRĐ. Ông Hồ đã phát biểu ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh phải "phóng tay phát động quần chúng tiến hành CCRĐ".

01.04.12.1953 - kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ CCRĐ" và ngày 04.12.1953 - Quốc hội nhất trí thông qua Luật CCRĐ. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh ban hành Luật CCRĐ do Quốc hội thông qua.

Từ đó, bắt đầu các đợt CCRĐ, mà đợt đầu tiến hành ở 47 xã tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hóa, sau đó lan tràn trên khắp miền Bắc, trừ các vùng miền núi. Đợt năm là đợt cuối cùng, phần lớn diễn ra ở các xã đồng bằng Bắc bộ và các vùng bị Pháp chiếm trước đây. May mắn cho đồng bào miền núi, vì ĐLĐVN chủ trương sau khi hoàn thành CCRĐ ở vùng đồng bằng mới làm ở miền núi. Do sự phẫn nộ của quần chúng đã bùng lên dữ dội, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra ở Quỳnh Lưu, Phát Diệm, nên về sau, TƯ ĐLĐVN chỉ tiến hành cái gọi là "cải cách dân chủ" ở miền núi, nghĩa là dẹp bỏ phong kiến địa phương (tức là các phìa tạo) mà không dùng bạo lực quá mạnh vì sợ dân chúng chạy sang Trung Quốc, Lào.... Còn ở huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, vì nằm sát giới tuyến, tiếp giáp Việt Nam Cộng Hòa, nên cũng được chiếu cố, nghĩa là dùng bạo lực vừa phải "để không gây ảnh hưởng xấu đến miền Nam".

tháng 09.1956 - hội nghị lần thứ 10 của TƯ ĐLĐVN kiểm điểm tình hình CCRĐ. Do ảnh hưởng của đại hội lần thứ 20 ĐCS Liên Xô vạch trần những tội ác của Stalin, do sự bất mãn trong dân chúng, cộng thêm sự phản ứng khá mạnh của cán bộ, TƯ Đảng buộc phải thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ và chủ trương sửa sai. Tại hội nghị, TƯ đã thi hành kỷ luật như sau : Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, chỉ còn làm ủy viên BCT, còn Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương mất chức ủy viên BCT, Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TƯ ĐLĐVN. Ông Hồ Chí Minh kiêm nhiệm Tổng bí thư, còn Lê Duẩn làm bí thư TƯ, thường trực BCT.

29.10.1956 - mít tinh lớn tại Nhà Hát Nhân Dân Hà Nội, ủy viên BCT đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và TƯ ĐLĐVN chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Nhân đây, xin nói rõ : một vài người viết không đúng là cuộc mít tinh tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy và ông Hồ đã đến dự và khóc trước dân chúng. Hà Nội được giao cho việc tổ chức mít tinh nên tôi biết rõ. Hồi đó, chúng tôi được giải thích : "Bác đến không tiện", nhưng chúng tôi đều hiểu là ông Hồ muốn đưa ông Giáp ra "chịu trận" thay mình, nên không hề có việc ông Hồ khóc trước dân chúng.

Ở hải ngoại, cho đến nay cũng đăng một số tài liệu nói đến những bạo hành, những tội ác trong CCRĐ, cuốn sách nói về đề tài này khá kỹ ra mắt sớm nhất (1964, bằng tiếng Anh) là cuốn "Từ Thực Dân Đến Cộng Sản" của ông Hoàng Văn Chí. Còn ở trong nước thì đến nay, chưa có một công trình nghiêm túc nào nghiên cứu, chưa ra một tiểu thuyết nào viết riêng về đề tài CCRĐ. Tại sao ? Dễ hiểu là sau khi bị bắt buộc phải thừa nhận những sai lầm trong CCRĐ, BCT TƯ Đảng ra lệnh miệng tuyệt đối cấm không được nói đến đề tài này. Người đầu tiên "vi phạm" tabou thiêng liêng đó là nhà văn Hà Minh Tuân - anh đã viết lướt qua rất nhẹ nhàng đến đề tài cấm kỵ đó trong tác phẩm "Vào Đời". Tức thì Nguyễn Chí Thanh hô hoán lên là "tư tưởng địa chủ ngóc đầu dậy", và anh bị hành hạ hết nước. Từ đó mọi người ai cũng im re, "lo giữ cái đội nón của mình" (nhóm từ thông dụng hồi đó có nghĩa là giữ đầu mình)... Mãi sau này, chỉ có vài nhà văn rụt rè mon men đến đề tài đó mà thôi. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước vượt qua nỗi sợ "truyền kiếp", dám đề cập đến đề tài đau thương này một cách nghiêm túc và toàn diện..

Nếu nói về những tội ác trong CCRĐ, theo tôi, cần nêu bật mấy loại chính sau đây. Thứ nhất. Tội tàn sát thường dân vô tội - tội ác chống nhân loại.

Người nông dân Việt Nam hiền hòa, chất phác đang làm ăn sinh sống và hết lòng đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bỗng dưng ĐCS giáng cho họ một đòn chí mạng. ĐCS nói rằng CCRĐ là một cuộc cách mạng để thực hiện ước mơ muôn đời của nông dân : "người cày có ruộng" - nhưng thực tế thì không phải như vậy, thực tế là nông dân bị đánh đòn chí mạng ! Tầng lớp năng nổ, giỏi giang biết làm ăn nhất ở nông thôn thì bị quy là địa chủ, phú nông, thậm chí cường hào ác bá, bị triệt hạ hết đường sinh sống, còn một loạt cán bộ ở nông thôn đã từng chịu đựng gian khổ làm nhiệm vụ lãnh đạo kháng chiến, sản xuất thì bỗng nhiên bị quy là phản động, gián điệp, Việt gian, v.v... bị trừng trị, nhiều người bị bắn giết vô cùng man rợ. Ngay cả nhiều người trung nông, thậm chí một số bần nông cũng "bị kích lên" làm địa chủ cho đủ cái tỷ lệ quái gở 5% địa chủ (so với dân số thôn xã !) và họ phải cam chịu cái số phận mà ĐCS dành cho địa chủ. Cái tỷ lệ quái gở 5% đó lại kèm thêm những "kết luận" quái đản khác : đã có địa chủ, tất phải có cường hào ác bá ! Thế là người dân chịu chết ! Biết bao nỗi oan khuất không thể nào kể hết. Cái phương châm "thà sai hơn là bỏ sót", cộng thêm với việc "thi đua lập thành tích đánh phong kiến" đã gây ra tình trạng "kích thanh phần", "nống thành tích" cố tìm ra nhiều địa chủ, phản động, xử tử nhiều ác bá... để có được bằng khen, huân chương, để ngoi lên địa vị cao hơn... càng làm cho nỗi khổ đau của người dân tăng lên nhiều gấp bội ! Chỉ xin dẫn vài chuyện mà thôi.

Một anh bạn đi làm CCRĐ ở Khu Bốn kể lại. Ở Khu Bốn, hồi đó ai cũng biết danh Chu Văn Biên, bí thư Khu ủy, và Đặng Thí, phó bí thư khu ủy, khét tiếng hiếu sát trong CCRĐ, họ đều là trưởng và phó đoàn CCRĐ. Thậm chí trong dân gian lưu truyền bài vè có câu "Giết người nổi tiếng gã Chu Biên". Anh bạn tôi kể chuyện Đặng Thí ký hai án tử hình trên ghi đông (guidon) xe đạp ! Chuyện như sau : một đội tới làm CCRĐ ở một xã nghèo ở Nghệ An, quê hương của ông Hồ Chí Minh và Hồ Viết Thắng, tìm mãi mà không thể quy ai là địa chủ được (những ai đã từng đến tỉnh này đều biết cảnh nghèo chung của dân chúng ở đây). Đặng Thí "đả thông tư tưởng" là cố vấn Trung Quốc dạy rồi phải có 5% địa chủ. Đội sợ trên "đì", tính ra cả làng từng này hộ, từng ấy nhân khẩu, thôi thì cũng buộc phải kiếm ra năm địa chủ. Tưởng thế là xong, nào ngờ khi báo cáo lại cho Đặng Thí thì... Liếc mắt qua không thấy có danh sách "lên thớt", bực mình Thí mới xạc cho "anh đội" một trận : "Có địa chủ mà không bắn thằng nào cả à ?" và ném cả tập giấy vào mặt đội trưởng. Cuối cùng thì đội cũng lọc ra được "hai địa chủ để bắn" vội chạy lên đoàn báo cáo. Giữa đường gặp Đặng Thí đang đi xe đạp, tay đội trưởng đưa báo cáo và danh sách bắn hai người. Thí còn đang vội, vẫn ngồi trên yên xe, chẳng thèm xem hết nội dung, đặt "đơn đề nghị bắn hai người" lên ghi đông xe đạp, mở vội xà cột (sacoche), rút bút ký toẹt vào. Xong rồi Thí đạp xe đi thẳng.

Một ông bạn làm việc ở Viện Khoa Học Việt Nam đã đi làm CCRĐ kể lại chuyện thương tâm này. Đội mà ông bạn có chân về một làng nghèo ở Thái Bình, không thể nào tìm đâu ra đủ số địa chủ, và cũng không thể nào tìm ra địa chủ ác bá để bắn. Họ lo lắm. Thế là họ đưa một ông chăn vịt vào danh sách bị bắn ! Làng nào cũng thế thôi, mấy ông "gột vịt" (ấp trứng nuôi vịt con) chẳng bao giờ được dân làng ưa cả, vì lùa vịt con xơi thóc lúa của dân, thế mà lại hay to mồm cãi lại, gây gổ. Thế là "đủ yếu tố cấu thành tội", trong đó có tội "bị dân làng ghét cay ghét đắng". Địa chủ bóc lột thóc của nông dân, vịt cũng ăn cướp thóc của nông dân, vịt không thể bắn được thì chủ nó phải chịu thay ! Ai cũng vui vẻ cả. Ông bạn biết là sai nhưng không dám mở miệng khi "cổ máy nghiền thịt" của Đảng đã khởi động rồi !

Cho đến nay, không ai biết số người bị quy oan, bị tù oan và bị giết oan là bao nhiêu vì ĐCS giấu tịt. Những con số mà nhiều người đưa ra chỉ là ước đoán. Hồi cuối năm 1956, khi tôi được Thành ủy Hà Nội giao cho trách nhiệm sửa sai CCRĐ ở ngoại thành Hà Nội. Vì tính chất quan trọng của việc đó ở thủ đô, nên ông Võ Nguyên Giáp được BCT phân công giúp đỡ việc sửa sai ở Hà Nội. Vì thế, thỉnh thoảng tôi đến nhà ông Giáp làm việc. Đôi khi chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về những vấn đề chung. Một hôm tôi hỏi thẳng ông : trong CCRĐ có bao nhiêu người bị oan. Ông Giáp nói hai vạn. Lúc đó tôi không dám hỏi thêm cụ thể hơn - thế thì bao nhiêu người bị chết oan, vì tôi biết là mình đã đụng đến vấn đề cấm kỵ nhất của Đảng. Cho đến nay, tôi không biết con số mà ông Giáp nói với tôi có thật hay không, nhưng hôm đó ông trả lời tôi tức thì, không nghĩ ngợi gì, nên tôi cũng có phần tin. Còn số người bị hành quyết trong CCRĐ và Chỉnh đốn tổ chức thì tôi ước đoán là chừng năm-sáu nghìn người. Đó là chưa kể nhiều người bị chết vì các lý do khác, như tự tử trước khi xét xử, chết khi bị tra của hay bị giam cầm ở xã, chết trong tù, người nhà địa chủ chết đói do bị bao vây, v.v... Tại cuộc mít tinh tối 29.10.1956, ông Võ Nguyên Giáp chỉ cho biết con số 12 nghìn cán bộ và đảng viên đã được trả tự do mà thôi ! Con số đó đúng hay không, ai mà biết được ! Tóm lại, những con số về người bị thiệt mạng trong CCRĐ vẫn chưa xác định được. Dù thế chăng nữa, với những con số ước tính đã cho thấy đây là một tội ác tày trời. Tội ác này chính là tội ác chống nhân loại !

Còn chuyện "sửa sai" thì cũng chỉ là một lối "tung hỏa mù" chủ yếu để làm dịu đi phần nào nỗi công phẫn dữ dội của dân chúng, tránh những cuộc bùng nổ bất lợi cho Đảng mà thôi. Chúng tôi đã từng đi làm sửa sai nên biết khá rõ. Có nhiều cái sai không thể nào "sửa" được. Bắn giết người ta, làm què quặt thân thể, làm tổn hại tâm thần người ta (có không ít người bị điên, bị mất trí, bị lẩn thẩn), làm gia đình người ta tan vỡ... thì chỉ có Trời mới sửa được ! Ngay cả những việc tưởng chừng không khó sửa lắm, nhưng cũng không thể sửa nổi, chẳng hạn, gia đình bị quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho mấy hộ nông dân, khi được xét là quy oan phải trả lại nhà cho người chủ cũ. Nhưng, khi biết là phải trả lại nhà, các ông bà nông dân bèn cạy gạch, cạy cửa, dở ngói, rút rui mè, cất giấu hết, phá phách gần như tan nát cả ngôi nhà họ đang ở. Nên cái nhà được trả lại đâu còn nguyên vẹn như trước. Còn các "quả thực" khác khi đã chia rồi thì sửa sai làm sao được ! Thóc lúa, nông dân ăn hết, bán hết rồi (hoặc khai như thế), nông cụ bị tiêu tán hết (hoặc khai hư hỏng rồi), thì lấy gì mà trả lại cho người ta. Đó là không nói đến những quan hệ tình cảm đã bị tổn thương, giữa vợ chồng, giữa anh em, giữa họ hàng, giữa thầy trò, giữa hàng xóm, láng giềng thì chẳng làm gì được, ngoài việc khuyên nhủ chung chung. Trong sửa sai chỉ có việc này làm được là trả tự do cho những người bị tù oan. Còn việc khôi phục lại chức vụ cho một số cán bộ đã bị đấu tố cũng đã thực hiện, nhưng cũng không giản đơn vì quan hệ khá phức tạp giữa cán bộ mới với cán bộ cũ.

Nhân thể cũng xin nói thêm, khi hội nghị lần thứ 10 của TƯ ĐLĐVN hồi tháng 09.1956, TƯ buộc phải thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ, người ta cũng đổ lỗi một phần cho cấp dưới đã thi hành sai, chứ TƯ Đảng không nghiêm khắc tự phê phán mình, họ vẫn coi "đường lối của TƯ về cơ bản là đúng", chỉ có "việc tổ chức thực hiện không đúng" mà thôi. Họ vẫn khư khư khẳng định : CCRĐ dù có sai lầm "nhưng về cơ bản vẫn giành được thắng lợi lớn". Điều đó nói lên sự giả dối, ngụy biện, sự không thực lòng hối hận của họ. Thế thì làm sao mà Đảng sửa sai được ? ! Còn cái gọi là thi hành kỷ luật với các ông lãnh đạo CCRĐ cũng chỉ là trò hề "giơ cao đánh khẽ" để lừa dối dư luận mà thôi. Trường Chinh mất ghế Tổng bí thư, nhưng lại vẫn là ủy viên BCT, chuyển sang ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, lại phụ trách công tác tư tưởng, rồi chính ông ta đã cùng Tố Hữu bày ra vụ Nhân Văn - Giai Phẩm đàn áp quyết liệt anh chị em trí thức ưu tú, khao khát tự do, làm bao văn nghệ sĩ tài ba bị tù dày, bị đàn áp, bị treo bút trong hàng mấy chục năm trời, đánh một đòn nặng nề vào nền văn học miền Bắc, làm nó bị thui chột trong nhiều thập niên.

Hoàng Quốc Việt (một người nổi tiếng "ác liệt nhất" chẳng những trong CCRĐ mà trong nhiều vụ trước nữa, chẳng hạn, vụ H122 xảy ra trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách xét vụ này, đã bắt giam nhiều cán bộ, phần đông là cán bộ quân đội, và làm chết oan nhiều người), bị đưa ra khỏi BCT thì lại trao chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao là chức vụ nắm quyền sinh quyền sát con người.

Lê Văn Lương chịu trách nhiệm về Chỉnh đốn tổ chức đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên ở xã bị bắn giết, bị tù đày, phải ra khỏi BCT thì sau này lại được đưa về làm bí thư Thành ủy Hà Nội, còn Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TƯ Đảng thì lại cho làm ủy viên thường trực Ủy ban Kế hoạch nhà nước !

Trái lại, người ngoài Đảng mà dám thẳng thắn phát biểu ý kiến với ĐCS, cho dù nhẹ nhàng chăng nữa, như trường hợp luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài tham luận tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc phê phán cuộc CCRĐ và đưa ra những đề nghị hợp lý thì Đảng trù dập ông, dồn ông vào cảnh khốn cùng cho đến chết ! Và thử hỏi có bao giờ TƯ Đảng thành thực sám hối về những sai lầm, những tội ác của mình hay không ?

Chẳng những không sám hối mà cả cho đến ngày nay, ĐCS vẫn cứ nói lấy được là CCRĐ đã giành được thắng lợi lớn : "thực hiện ước mơ nghìn đời" của nông dân - đem lại ruộng đất cho người cày. Đây là một sự dối trá trắng trợn. Vì ruộng đất nông dân được chia thì một phần đáng kể là của những người bị quy oan, khi sửa sai cuối cùng phải trả lại. Phần ruộng đất chia còn trong tay nông dân, họ chưa kịp được hưởng gì trên mảnh đất được chia đó thì năm 1957-1958, ĐCS đã bắt đầu lùa họ vào hợp tác xã để tập thể hóa nông nghiệp, nghĩa là họ không còn làm chủ ruộng đất của họ ! Vả lại, xét cho cùng, "đem lại ruộng đất cho người cày" đâu có phải là mối quan tâm chính yếu hay là mục đích tối hậu của Đảng ?

Cho nên đến khi sửa đổi Hiến pháp sau ngày thống nhất đất nước, bằng một điều khoản mới trong Hiến pháp, Đảng đã nhẹ nhàng quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất trong cả nước ! Thế thì làm sao có thể nói là Đảng "đem lại ruộng đất cho người cày" được ? ! Quả thật là người nông dân chịu bao nhiêu đau thương tang tóc cuối cùng chẳng được gì cả !
Thứ hai. Tội phá hoại truyền thống tốt đẹp mấy nghìn năm của dân tộc.

Truyền thống hiếu hòa, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn Việt Nam được dân tộc ta xây dựng hàng nghìn năm đã bị ĐCS phá vỡ trong vòng ba-bốn năm CCRĐ. Nếu ai đã từng sống ở nông thôn Việt Nam trước "cách mạng", trước CCRĐ đều cảm nhận cái tinh thần "đùm bọc nhau", "lá lành đùm lá rách" còn khá đậm đà trong mối quan hệ giữa người với người. Cố nhiên, không ai nói là ở các làng quê không có những kẻ bóc lột, nhưng tinh thần chung ở nông thôn ta là như vậy. Với cái chính sách "phân định thành phần giai cấp", ĐCS chia cư dân nông thôn thành cố nông, bần nông, trung nông (có ba loại, trung nông yếu, trung nông vừa, trung nông cứng), phú nông (có hai loại, phú nông thường, phú nông ngấp nghé địa chủ - đây là "sáng kiến" của người chấp hành để khi cần thì dễ "kích" họ lên địa chủ, chứ trong chính sách thì không chia ra), địa chủ (có mấy loại, địa chủ yêu nước và kháng chiến, địa chủ thường, địa chủ cường hào ác bá, địa chủ phản động). Sự phân chia có vẻ "khoa học" lắm, nhưng khi thực hiện thì tất cả đều do cảm tính chủ quan, do nhu cầu của "đội" (khi trên bắt phải đủ 5% địa chủ, bắt phải có ác bá, phản động để bắn, thì cứ phải "kích" lên cho đủ số), do ý muốn chủ quan của "ông đội" (nhiều khi ý muốn đó rất quái đản, thấy thái độ của đương sự có vẻ ngang bướng thì cứ "kích" lên cho bỏ ghét). Về nguyên tắc, muốn phân định thành phần thì phải "tố khổ", phải "tố" nhau, vạch nhau ra để "xếp" thành phần. Với lối xúi giục, cưỡng ép người dân tố giác lẫn nhau rất phổ biến trong CCRĐ, nên từ đó họ chia rẽ nhau, thù ghét nhau.

Cũng có nhiều người lúc đầu không muốn "tố" ai hết vì không muốn làm trái lương tâm, nhưng ai không chịu "tố" thì bị đội CCRĐ coi là chưa "dứt khoát", "có liên quan", v.v.... cuối cùng thì ai cũng tham gia vào cuộc "tố" lẫn nhau để giữ mạng mình. Đây là số đông.

Nhưng cũng có không ít những kẻ hoặc vì tư thù, hoặc vì muốn trục lợi, "tố điêu", "tố láo" để ngoi lên làm "rễ", làm "cốt cán", làm cán bộ, để được chia "quả thực" nhiều hơn. Mà thường cái đám người này nghèo túng vì lười biếng, vì rượu chè, cờ bạc, có khi là những phần tử lưu manh, nhưng thường lại được đội coi như là bần cố nông để dựa, o bế, sử dụng nhằm... hòan thành nhiệm vụ của đội. Một điều kỳ quái cần nói nữa là : mọi lời "tố" của nông dân đều không cần bằng chứng, hơn nữa mọi lời "tố" của họ đều được coi là bằng chứng, đều được ghi vào hồ sơ tội trạng ! Không cần có bất cứ một sự kiểm chứng nào hết ! "Lý luận" chung hồi đó là "phải tin tưởng ở quần chúng", "nông dân lao động đã nói là đúng". Thế là không còn ai cãi được nữa !

Chính vì thế, khi đội cần "đánh vào" bí thư hay chủ tịch ủy ban kháng chiến trước ở vùng tạm bị chiếm, nay bị coi là tổ chức cũ, mà có một ai đó "tố" là "chúng nó họp Quốc Dân Đảng" thì bị "lên hồ sơ" ngay là "bí thư Quốc Dân Đảng", và anh ta khó tránh khỏi cái án tử hình ! Một nông dân "tố" một người bị "kích" lên địa chủ là "hồi kháng chiến, khi máy bay địch tới, tôi thấy hắn nhìn lên trời và chỉ chỏ cái gì đó", tức thì bị quy ngay là "gián điệp" và số phận anh ta coi như là "đi đứt" ! Có thể là thế hệ mới lớn lên, nhất là những người đang sống ở các nước dân chủ tiên tiến, thì khó mà tin là đã có những chuyện như thế. Khốn thay đó lại là sự thật đắng cay đã từng xảy ra trong lịch sử nước nhà !

Tóm lại, CCRĐ làm cho nội bộ nông dân chia rẽ trầm trọng, làng xóm đảo lộn lung tung ! Đến khi ĐCS tuyên bố sửa sai thì tình hình nông thôn lại cực kỳ hỗn loạn : những vụ ẩu đả, đâm chém, trả thù nhau giữa những người bị "tố oan" với những kẻ "tố điêu", giữa những người bị tước đoạt tài sản với những người được hưởng "quả thực", giữa cán bộ cũ bị quy kết phản động và bị tù tội với cán bộ mới "ngoi lên" trong CCRĐ... Di sản nghìn năm rất đáng quý mà cha ông ta đã để lại là tinh thần đùm bọc, hòa hiếu nhau của người dân nông thôn miền Bắc đã bị phá hủy từ ngày CCRĐ. Lẽ nào đó không phải là một tội ác ?

Thứ ba. Tội phá hoại đạo lý, luân thường của dân tộc.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ đạo lý làm người bị đảo điên một cách quái đản như trong CCRĐ. Các đội CCRĐ không từ một cách nào hết để "tìm ra địa chủ", "tìm ra phản động", "tìm ra của chìm", họ ép buộc con cái "đấu tố" cha mẹ, con dâu "đấu tố" bố mẹ chồng, con rể "đấu tố" bố mẹ vợ, vợ "đấu tố" chồng, anh em "đấu tố" lẫn nhau, trò "đấu tố" thầy, kẻ hàm ơn "đấu tố" người đã làm ơn, láng giềng hàng xóm "đấu tố" lẫn nhau ! (Cũng có trường hợp cha mẹ bấm bụng khuyên con cái "đấu tố" mình để mong cứu mạng cho con cái). Thật là một tấn bi kịch hãi hùng !

Những người bị quy là địa chủ ngay lập tức bị tước mọi quyền làm người, bị hạ nhục, bị chà đạp, ngay lập tức phải thay đổi cách xưng hô trước nông dân, phải cúi đầu lễ phép "thưa các ông, các bà nông dân", phải xưng "con" trước mặt nông dân, dù đó chỉ là một đứa trẻ con. Còn nông dân thì tha hồ gọi người kia là "thằng kia", "mụ kia", "con kia", là "mày", "chúng bây" và tự xưng là "tao", "chúng tao", thậm chí có thể chửi mắng, xỉ vả. Chẳng ai dám làm trái lại cái "lệ mới" đó - đội tuyên bố phải đối xử như thế mới "nâng cao uy thế nông dân", mới "đánh gục giai cấp địa chủ" được ! Không làm thế là "bênh địa chủ", "mất lập trường giai cấp", thậm chí "có liên quan với địa chủ" ! Ngay cả đứa bé con cũng có thể mắng mỏ, sỉ nhục người lớn đã bị quy là địa chủ. Những người này, dù là thứ bậc thế nào trong họ tộc cũng đều bị bà con họ tộc xa lánh, để không "bị liên quan". Còn khi hành quyết người bị án tử hình thì những người thân thích, ruột thịt của người ấy, từ già cả cho đến trẻ con, đều bắt buộc phải có mặt để chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó ! Đúng là sự khủng bố tinh thần cực kỳ vô nhân đạo !

Một tình trạng thương tâm nữa là nhiều gia đình ở nông thôn (và cả ở thành phố có liên hệ với nông thôn) đã tan vỡ, con cái bơ vơ, vì khi một trong hai người có gia đình bị quy (hoặc bị kích lên) thành phần địa chủ, bị gán tội phản động, thì bên kia, tức là vợ hay chồng, sợ liên lụy phải bỏ nhau. Nhiều người đi lập gia đình khác, có con hoặc chưa có con với chồng hay vợ mới. Đến sau này thấy sai, người bị bắt đi tù nay được trở về, thế là bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra đến nỗi Bộ tư pháp VNDCCH phải ra thông tư ngày 19.04.1956 để "giải quyết những vụ vợ chồng bỏ nhau". Thật là mỉa mai, người ta cho rằng có thể hàn gắn được tình cảm yêu thương trong gia đình đã bị thương tổn nặng nề bằng một tờ thông tư vô hồn của Bộ tư pháp ! Tình yêu của nam nữ cũng bị xâm phạm nghiêm trọng giống hệt như thế - để giữ lập trường giai cấp ai cũng phải cắt đứt với người yêu thuộc thành phần địa chủ, phản động ! Đây cũng là một nét về đạo đức nữa cần phải nói đến. Chưa bao giờ sự giả dối trắng trợn được đề cao như trong CCRĐ. Chẳng cần phải nói tới việc các "anh đội", "chị đội" báo cáo láo cho đoàn, vì nó quá thường, mà cái cần vạch ra ở đây chính là người ta ép buộc, khuyến khích người nông dân nói dối, làm láo. Dần dà rồi người nông dân cũng thấy cần phải nói dối, làm láo để "qua khỏi cái đận CCRĐ", họ cũng "tố bậy", "tố điêu" dù trong thâm tâm biết mình đang nói dối, vu khống. Cũng có người cố giữ lương tâm trong sạch, nhưng thường họ phải trả giá đắt cho điều đó. Cho nên cơn dịch dối trá cứ lan tràn.. Đội cũng dạy thêm cho nông dân quen làm những việc giả dối, chẳng hạn như dặn họ : khi thấy trên màn ảnh xuất hiện hình địa chủ thì phải hô "đả đảo", hay vừa hô vừa ném đá vào hình địa chủ để tỏ lòng uất hận của mình. Thế là nông dân cũng làm theo. Tất nhiên, cũng không loại trừ cái hiện tượng gọi là "tâm lý đám đông", khi người ta hành động như trong một cơn lên đồng tập thể. Chẳng hạn, mỗi lần chiếu phim "Bạch Mao Nữ" của Trung Quốc, thì có nhiều người khóc nức nở, và khi xuất hiện hình địa chủ là bên dưới ào ào ném đá vào màn ảnh. Chính vì thế, các diễn viên kịch thường từ chối lên sân khấu đóng vai địa chủ vì sợ vỡ đầu sứt trán.

Chủ trương của UBCCRĐTƯ là trong các cuộc đấu địa chủ, nhất là địa chủ cường hào ác bá đều phải chuẩn bị rất chu đáo để ra "đấu trường" không được vấp váp. Thế là trước ngày đấu, mọi "rễ", "chuỗi", dân quân, công an, tòa án, chủ tịch đoàn... đều phải "diễn tập" như thật, ai lên "đấu" trước, ai lên "đấu" sau, "tố" thế nào, xỉa xói ra sao, nói gì, khi nào người "tố" phải cảm động khóc lóc, khi nào người dân phải hô "đả đảo" (khi người bị "tố" không nhận tội...), lúc nào thì bắt địa chủ quỳ (quỳ là biểu hiện của sự "bị đánh gục" !), lúc nào thì "hoan hô" (khi tòa tuyên án tử hình, tịch thu tài sản...). Chủ tịch đoàn những cuộc đấu lớn đều là "rễ", "chuỗi", cốt cán mới đào tạo trong vài tháng, nói năng ngượng nghịu, lúng ta lúng túng, điều khiển thế nào nổi, nên khi ra "đấu trường", thường "anh đội", "chị đội" phải ngồi sau lưng nhắc, như người nhắc tuồng (souffleur) ở rạp hát ! Cũng có khi nhắc mãi không được, chủ tịch đoàn cuống lên, thì "anh đội" giật micro và điều khiển luôn. Tóm lại, một sự diễn kịch, một trò giả dối lố bịch, trắng trợn, mà không hề không biết ngượng ! Nhưng cái nguy hại chính là sự giả dối đó cứ thấm dần vào tiềm thức cán bộ và người dân, tạo nên một nếp sống giả dối vô đạo đức của nhiều người !

Thứ tư. Tội phá hủy truyền thống tâm linh và văn hóa của dân tộc.

Bằng cuộc CCRĐ, ĐCS cố tình triệt hạ các tôn giáo và truyền thống tâm linh của dân tộc. Trước CCRĐ, các nhà thờ Thiên chúa giáo, các tu viện, nhà cô nhi... đều có ruộng đất riêng, các chùa có ruộng hậu do tín chủ cúng cho chùa, các nhà thờ họ có ruộng họ, các đình có ruộng làng... để lo việc sửa sang, tu bổ nhà thờ, chùa, đình, cúng tế hàng năm, việc từ thiện, v.v... và để nuôi sống các linh mục, tu sĩ, tăng ni và những người chuyên lo việc trông nom, thờ phụng... Nhờ thế hoạt động tôn giáo, tâm linh, từ thiện được tiến hành bình thường không có trở ngại. Nhưng với chính sách CCRĐ của ĐCS, tất cả các ruộng đất đó đều nhất loạt bị coi là ruộng đất phong kiến và bị trưng thu để chia cho nông dân.

Với cái đòn độc địa đó, tất cả các nhà thờ, tu viện, nhà cô nhi, chùa chiền, điện thờ, miếu mạo, nhà thờ họ, đình... đều trở nên điêu đứng và dần dần tàn tạ. Riêng đối với nhà thờ Thiên chúa giáo, do phong trào giáo dân ồ ạt di cư vào Nam, nên về sau Đảng đã phải để lại cho các nhà thờ một ít ruộng đất. Người ta công nhiên dùng các cơ sở thờ cúng vào việc họp hành, đóng quân, làm hội trường, làm kho hợp tác xã mua bán, kho hợp tác xã sản xuất, v.v... Có nơi thậm chí người ta cho các tượng Phật trôi sông. Nhiều nơi bà con tín đồ bí mật cứu các tượng Phật, đem chôn, đem giấu hầm kín, sau này phần lớn các tượng gỗ đều mục nát, thế nhưng cũng có ít tượng còn giữ được, vào thập niên 80 bà con mới đưa lại vào chùa. Tóm lại, cuộc sống tâm linh hoàn toàn bị xóa bỏ. Chữ "thiện", chữ "nhân" một thời gian dài chẳng ai dám nói đến, vì giữa lúc cái ác tràn đầy mà nói đến chữ "thiện", chữ "nhân" thì có thể bị coi là biểu hiện sự phản đối !

Trong lúc đó, người ta lại đề cao bạo lực, cổ vũ đấu tranh giai cấp, khuyến khích điều ác, điều bất nhân, điều vô đạo. Một điều rất quái dị trong CCRĐ mà ĐCS lại coi là tự nhiên hoặc là cần thiết : người ta thường xuyên huy động các cháu thiếu niên từ 9-10 tuổi trở lên tham gia CCRĐ. Bắt chúng mang trống ếch đi cổ động, đi "đả đảo", "hoan hô", tham dự các cuộc đấu tố, các phiên tòa CCRĐ, các buổi hành quyết công khai. Nhiều cháu, nhất là các cháu gái, vốn có tâm lý hiền lành bị bắt buộc phải tham gia, đã không chịu nổi, run sợ, khiếp đảm, có cháu ngất xỉu trước cảnh hãi hùng, súng bắn, máu đổ... Còn các cháu vốn có tâm lý hung dữ thì lại thích thú hoan hô, thậm chí sau khi "được" tham dự những cảnh tượng đó, có nơi chúng lại bày trò chơi "đấu tố", bắt con cái địa chủ quỳ để con cái nông dân lên đấu, cũng xỉa xói vào mặt, cũng xỉ vả, vạch tội... Chẳng biết có ai xúi giục không, nhưng nhiều nơi đã xảy ra những "trò chơi" quái đản đó ! Khi cái thiện bị nén xuống mà cái ác được cổ vũ, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên là đạo đức bị suy đồi, băng hoại dưới chế độ của những người cộng sản. Tôi còn nhớ trong thời kỳ "cởi trói", đã được đọc truyện ngắn "Bước Qua Lời Nguyền" của Tạ Duyên Anh đăng trên tuần báo "Văn Nghệ" (1989) ở Hà Nội, truyện đó phản ánh phần nào tấn bi kịch của giới trẻ nông thôn đã lớn lên trong và sau cuộc CCRĐ đầy kinh hoàng.

Không những CCRĐ đánh một đòn rất mạnh vào nền đạo lý và truyền thống nhân bản, mà nền văn hóa dân tộc cũng vì nó mà bị tổn hại rất nặng nề. Nhin

 

 Nguyễn Minh Cần 

__._,_.___

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN “CHÍNH PHỦ VIỆT LÂM LÂM THỜI” Ở HẢI NGOẠI!


 

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN “CHÍNH PHỦ VIỆT LÂM LÂM THỜI” Ở HẢI NGOẠI!
 
          LÃO MÓC
 
          Mới đây, Lão Móc có nhận được cái email từ ông Đoàn Hữu Định, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch của cái gọi là “Ủy Ban Lâm Thời Chính Phủ VNCH” do cái gọi là “Hội Nghị Diên  Hồng” thành lập ngày 27-10-2012. Có nội dung như sau:
 
“Thưa anh Bích và anh Sinh,
 
Mặc dù hải ngoại cần có một tiếng nói thống nhất để chống ngoại xâm và diệt một chính thể bất lực với phương Bắc, ác ôn với đồng bào, một Hội Nghị Diên Hồng là một nhu cầu cần thiết cần phải có để toàn thể người Việt đóng góp.
 
Tôi tiếp tay với hai anh để vận động sự tham gia của thành phần cựu quân nhân VNCH.
Tôi được biết là anh Bích cũng sắp đi Ba Lan nay mai để vận động thêm cho 33 ngàn chữ ký đã nhận được từ khắp nơi ký chung vào bản Tuyên Cáo.
 
Có nhiều hội đoàn cựu quân nhân muốn đóng góp để thực hiện một cuộc ngồi lại lớn hơn với đầy đủ mọi giới có lòng thành cùng chung chí hướng và mục tiêu chống Tàu diệt VC.
 
Nhưng mới đây qua một cuộc biểu quyết trong giới cựu quân nhân mà tôi là một thành phần đã cho biết là việc tham gia không thuận lợi vào lúc này và không mấy thích hợp trong hoàn cảnh và giai đoạn này.
 
Do đó tôi phải theo ý muốn của đa số là rút tên ra khỏi Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH.
 
Con đường đấu tranh cho một VN vẹn toàn bờ cõi và không còn CS chế ngự còn dài.
 
Chắc chắn chúng ta sẽ có dịp đi song hành tiến chiếm mục tiêu.
Đoàn Hữu Định”.
 
          Lão Móc rất ngạc nhiên khi thấy ông Đoàn Hữu Định viết kèm theo cái email rút tên ra khỏi Ủy Ban Lâm Thời Chính Phủ VNCH hàng chữ: "… đã rút tên ra khỏi “cái sự cố” trong ngày 27 tháng 10 năm 2012 tại Westminster”. 
 
          Trời đất quỷ thần thiên địa ơi, cái chức Đệ Nhất Phó Chủ Tịch của “Ủy Ban Lâm Thời Chính Phủ VNCH” nếu suy theo chế độ VNCH thì cũng phải là Phó Tổng Thống, và nếu tính theo kiểu của Chính phủ Việt Cộng thì nếu ông Tổng Bí Thư Nguyễn Ngọc Bích là Chủ Tịch Nước thì ông Đoàn Hữu Định cũng phải là Phó Chủ Tịch Nước hay là Chủ Tịch Quốc Hội gì đó và ông Hồ Văn Sinh là Thủ Tướng chứ có phải chơi đâu. Vậy mà ông ĐHĐ từ chức một cái rụp - cứ như là móc cái napking trong túi quần ra chùi miệng rồi vứt đi! Ông ĐHĐ thật quả xứng đáng là “kẻ sĩ thức thời” không màng chức tước - dù ông được “có chức” ít ra là Phó Tổng Thống nếu ông chưởng môn nhân “Bể Dâu” Nguyễn Ngọc Bích nhận làm Tổng Thống, tức là chỉ dưới một người là ông Tổng Thống “Bể Dâu” NNB và đứng trên muôn vạn dân ở hải ngoại!
 
          Lý do mà ông ĐHĐ nêu ra để rút ra khỏi “Ủy Ban Lâm Thời Chính Phủ VNCH” là vì “việc tham gia không thuận lợi vào lúc này và không mấy thích hợp trong hoàn cảnh này”.
 
          Vậy thì ông ĐHĐ “rút ra” và không thèm có chức Phó Tổng Thống của UBLTCPVNCH là do quyết định của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ mà ông ĐHĐ là Chủ Tịch trong nhiều năm và mới giao lại cho ông TS Tạ Cự Hải.
 
          Dư luận thắc mắc vì sao trước một việc làm “kinh thiên, vĩ địa” là tham dự Hội Nghị Diên Hồng, tức là làm việc đại sự là “chống Tàu, diệt VC” mà ông ĐHĐ không tham khảo với tổ chức mình đang sinh hoạt là Liên Hội Cựu Chiến Sĩ. Khi được tới khoảng 300 quốc dân đồng bào ở Hội Nghị Diên Hồng do ông “Lã bất Vi tân thời” Hồ Văn Sinh triệu tập ở Westminster tin cậy, bầu vào thành phần Chính Phủ Lâm Thời để cứu dân, cứu nước, thì ông lại rút ra một cái rẹt. Báo hại ông Tổng Thống Bể Dâu NNB kêu trời không thấu!
 
          Rút ra để hại Chính Phủ của người ta lại còn thêm câu thòng móc họng: “Con đường tranh đấu cho một VN vẹn toàn bờ cõi và không còn CS chế ngự còn dài. Chắc chắn chúng ta sẽ còn có dịp đi song hành tiến chiếm mục tiêu”.
 
Chơi vậy thì chơi với ai?! Ai còn dám đi với ông nữa mà đòi song hành?!
 
          Kiểu này không chừng ông Lã bất Vi Hồ Văn Sinh lại chơi thêm một cái Hội Nghị Diên Hồng nữa thì chắc là ông “Tổng Thống Bể Dâu” Nguyễn Ngọc Bích mất chức!     
 
*
          Chuyện “Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà” (từ nay viết tắt là CP) là một chuyện dài như chuyện dài Nhân dân Tự Vệ thời Đệ Nhị Cộng Hoà.
 
          CP “sống dai” nhất là CP của “Thủ Tướng Chip” Đào Minh Quân. Còn nhớ đầu thập niên 90, Lão Móc mới chân ướt, chân ráo về San José tham dự lễ Dựng Kỳ Đài do ông nhà văn Giao Chỉ tức cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc tổ chức. 
 
          Kỳ đài vì xây trên cát nên đã dẹp từ lâu. Ba cái cột cờ chắc là được ông Vũ Văn Lộc cất đâu đó. Tấm bảng khắc tên các ân nhân đóng góp tiền bạc trong đó có tên cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu, kế là tên “Thủ Tướng” Đào Minh Quân, mỗi vị đóng 500 $US.
 
          Đã 20 năm mà Lão Móc vẫn nhớ hình ảnh “Thủ Tướng” ĐMQ áo dài, khăn đóng bằng lụa xanh.
 
          Đây là một CP sống dai như đĩa! Và chuyên làm những chuyện hổng giống ai!
 
          Mấy tháng trước, thấy CP có xin phép “quốc dân, đồng bào” cho CP phong cấp Tướng cho khoảng cở 2, 3 chục ông mà… phát mệt! Không biết mỗi lần lễ lạc CP lấy đâu đủ số xa cam-nhông mà chở mấy ông Tướng này?
 
          Cách đây mấy năm, có người bạn gọi chúc mừng Lão Móc đã tham gia CP của Thủ Tướng “Chip” và được CP “phong” cho chức Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, Tuyên Truyền do ông Đào Văn Bình làm Bộ Trưởng,  làm Lão Móc hoảng quá, phải lật đật từ chức vì chưa xin phép Bà Móc.
 
*
          Nói về CP phải nói nổi đình nổi đám nhất là Chính Phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh (Bịp).
 
          Có dư luận cho rằng nếu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam sau khi Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh qua đời, thay đổi lập trường “biến” thành đảng Việt Tân tìm mọi cách gây chia rẽ cộng đồng, tìm mọi cách “thay tên, đổi nghĩa” những ngày 30 tháng Tư, Ngày Quân Lực 19-6, ca tụng Hồ Chí Minh và đảng CSVN có công với dân tộc v.v… thì Chính Phủ VNTD của Nguyễn Hữu Chánh chính là một tổ chức nhằm làm nhục Chính Phủ VNCH và những sĩ quan cấp Tướng của QLVNCH khi CP này vận động và được sự tham gia của những kẻ Ngô Trọng Anh, Nguyễn  Khắc Chính… và một số Tướng lãnh như Nguyễn Khánh, Linh Quang Viên, Tôn Thất Đính, Nguyễn Duy Hinh v.v..
 
          Ít ai nghĩ những cựu Tướng lãnh QLVNCH có tên như trên lại có thể tin tên NHC loan tin là CP của hắn có 3 Sư Đoàn đóng ở biên giới Thái Lan (sic!).   
 
          Và cũng ít ai tin nhưng mà chuyện có thật là ông cựu “Đại Tướng phường chèo” Nguyễn Khánh lại vui vẻ nhận lời làm Quốc Trưởng cho cái gọi là Chính Phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh!
 
*
          Thấy trên các diễn đàn điện tử, các giáo sư Nguyễn Quốc Khải, Tiến sĩ Tạ Cự Hải có lên tiếng về Ủy Ban Lâm Thời Chính Phủ VNCH của ông “Tổng Thống Bể Dâu” Nguyễn Ngọc Bích.
 
          Ông thì trách là “lạm danh Hội Nghị Diên Hồng, đã có những hành động lén lút, không đại diện cho ai cả, gây phẫn nộ và làm trò cười cho đồng bào hải ngoại cũng như ở trong nước…”
 
          Ông thì lo ngại: “Không khéo chúng ta lại trở thành quân cờ cho các ông này vui chơi trong lúc về già”.
 
          Theo Lão Móc, chuyện chẳng có gì mà phải ầm ỉ.
 
          Chuyện Hội Nghị Diên Hồng thì ở California này được tổ chức hà rầm. Hết Nam tới Bắc Cali. Hết “chí sĩ” Chu Tấn tới “nhân sĩ” Phạm Trần Anh. Hết Hồ Văn Sinh tới… Hình Văn Sô.
          Lý do mấy ông này tổ chức là vì mấy ông này “muốn làm Vua”! Sẽ có người bảo là Lão Móc vu oan, giá họa cho ấy ông này. Không phải đâu là không phải đâu!   
 
          Ở bậc tiểu học, nếu có học lịch sử VN thì đứa học trò nào cũng biết “Diên Hồng là điện của triều đình nhà Trần, nơi vua Trần Nhân tông triệu tập các bô lão dân gian đến, vào cuối năm Giáp Thân (1284) để xem nên hòa hay nên chiến với quân nhà Nguyên do Thái Tử Thoát Hoan dẫn dầu sang xâm chiếm nước Nam, các bô lão đều đồng thanh xin đánh”. 
 
          Ở “Hội Nghị Diên Hồng” do ông Lã bất Vi tân thời Hồ Văn Sinh tổ chức có tới “300 bô lão dân gian” thì coi như 300 dân gian bô lão này đã coi Hồ Văn Sinh là Vua rồi!
 
          Và “Vua” Hồ Văn Sinh đã “phong” chưởng môn nhân trường phái “Dâu Bể” là ông Nguyễn Ngọc Bích làm Tổng Thống!
 
          Các giáo sư Nguyễn Quốc Khải, Tiến sĩ Tạ Cự Hải và quốc dân đồng bào không nên cãi lệnh Vua! 
 
          Hãy vui vẻ chấp nhận cho vui đời tỵ nạn! Và bài phiếm này cũng chỉ với mục đích giúp độc giả “mua vui cũng được một vài phút giây”.   
 
          Muốn nói chuyện đứng đắn, đàng hoàng các cái, xin mời đọc tiếp bài viết sau đây:
 
CHUYỆN NGƯỜI MỘ DUNG
 
          Nhà-văn-cao-lớn Kim Dung là người đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên tuyệt đỉnh vinh quang. Những truyện của tiên sinh viết thích hợp cho nhiều lứa tuổi, cho mọi trình độ. Những bộ truyện của ông đã “ngự trị” chẳng những ở Hồng Kông mà còn ngự trị ở cả Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hoà và ngay cả khi Việt Cộng tấn chiếm miền Nam. Và ngay cả bây giờ, sau ba mươi bốn năm mất nước, một số người Việt lưu vong vẫn còn tiếp tục say mê truyện của tiên sinh. Bằng chứng là những bộ truyện  của ông đã được in lại, bày bán và cho mướn khắp nơi. Và những “phim bộ” được thực hiện từ các truyện của ông đã ngự trị ở các gia đình người Việt lưu vong. Những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung còn có chỗ đứng trong cả những trại tù tập trung tù binh của Việt Cộng mà bọn chúng dùng mỹ từ là “trại cải tạo”. Trong các trại tù, những người kể chuyện rất được thính giả tù ái mộ và “phục vụ” chè lá tận tình.
 
          Với những Võ Lâm Tuyệt Địa, Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu đến Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký… với những nhân vật Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Trương Vô Kỵ, Triệu Minh… Riêng hai nhân vật này, nghe nói có thời cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ tự ví mình và vợ là bà Đặng Tuyết Mai bằng cách viết hai tên lên một chiếc phi cơ. Chắc hẳn ý ông Tướng muốn ngâm nga câu thơ:
 
          Cõi trời mơ ước là đây
          Anh xin được kẽ chơn mày cho em! (thơ NTN)
 
          Tội nghiệp! Vật đổi, sao dời, sau ba mươi bốn năm qua Mẽo, ông Tướng-Vô-Kỵ “tự nguyện” trở thành Sử Bang chúa cái bang… “dỏm” nên đã không còn kẽ chơn mày (đã bạc) cho Triệu Minh về già!
 
          Một điều lạ là những nhân vật truyện của Kim Dung lại được nhiều người viết phiếm chọn làm bút hiệu. Như nhà văn, nhà báo quá cố Chu Tử đã chọn cho mình bút hiệu Kha Trấn Ác, một nhân vật trong Giang Nam Thất Hiệp; nhà văn Lê Tất Điều chọn bút hiệu Kiều Phong; có người lại ký Đoàn Dự, Hư Trúc; người thì Hồng Thất Công; kẻ thì Hoàng Đông Tà v.v… Riêng Lệnh Hồ thì tên đầy đủ là Lệnh Hồ Xung là đại đệ tử của Nhạc Bất Quần phái Hoa Sơn, nhân vật chính của bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, khi bị đuồi ra khỏi môn phái đã bắt chước nhà thơ Nguyễn Bính mà than rằng:
 
          Hỡi ơi! Trời đất mênh mông quá
          Ta biết tìm đâu một mái nhà?!
 
          Nói về nhân vật truyện của Kim Dung thì anh hùng cũng lắm, liệt nữ cũng nhiều, đủ thứ lục cốc đào tiên, giang nam thất hiệp, tà phái, chính phái thôi thì tùm lum tà la, chẳng dễ dầu gì phân biệt khi không coi cho tới cuối truyện.
 
          Nhân vật chính mà người viết đề cập trong bài viết này là Mộ Dung Phục trong bộ Thiên Long Bát Bộ.
 
          Mở đầu phim bộ được sản xuất tại Hồng Kông, bán ở Mẽo cho Việt tỵ nạn coi, bắt đầu với cảnh nàng Vương Ngọc Yến, người đẹp tuyệt trần, tinh thông tất cả lý thuyết võ thuật của các môn phái và cách hóa giải, vừa xõa tóc dạo đàn vừa hát rằng:
 
          “Suốt đời vì anh
          Sống chết vì anh.”
 
          Tưởng rằng tình lang Mộ Dung Phục ngợi khen, chẳng ngờ người-khổng-tử họ Mộ Dung này bèn hỏi nàng rằng:
 
          “Sao nàng không sửa lời hát thành:
 
          Suốt đời vì quê hương
          Sống chết vì quê hương?”
 
          Chàng là một nhân vật sáng giá: “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”. Là con của Mộ Dung Bác, người rút vào bóng tối tạo ra biến cố ở Nhạn Môn Quan hại gia đình Kiều Phong, gây biến động chính trị để Mộ Dung Phục, chàng thanh niên văn võ toàn tài, sách lược mưu mô cùng mình nhận lãnh trách nhiệm ngoài ánh sáng, có thời cơ khôi phục nước Đại Yên.
 
          Như trên đã nói, người yêu Mộ Dung Phục là nàng Vương Ngọc Yến. Thái Sơn lục bát Nguyễn Du đã dùng thể tỉ giảo để so sánh sắc đẹp giữa Thúy Vân và Thúy Kiều. Kim Dung không làm vậy, ông đã dùng cái cách diễn tả sắc đẹp của người tài nữ bằng cách đề cao một tì nữ của Mộ Dung Phục là A Châu, người mà Kiều Phong, anh hùng phương Bắc yêu thương. Thế nhưng chàng trai Mộ Dung đã coi người yêu “hề như hơi rượu cay”.       
Chàng say mê phục quốc hơn say mê nhan sắc người tình. Chàng Mộ Dung Phục mưu lược hơn người đã nhờ nàng Vương Ngọc Yến chép lại các bí kíp thất truyền của các môn phái để trao lại cho các truyền nhân của các môn phái để tạo ơn với họ, với dụng ý sau này sẽ nhờ thế lực của các môn phái trong mưu đồ phục quốc. Được các môn phái cám ơn, chàng làm bộ nhún nhường: “You are welcome!” và khi đại diện các môn phái ngỏ lời xin phò tá nếu chàng có việc cần đến họ, chàng đã biết nói những điều đại nghĩa để lấy lòng tin yêu của họ. Chàng đã có mưu giải thoát những người đang bị kềm chế để tạo uy tín và để thu phục họ nhằm phát triển lực lượng phục quốc của chàng như việc tấn công Thiên Sơn Đồng Mỗ. Chàng đã tổ chức được lực lượng cảm tử quân phục quốc và yểm trợ đảo chánh nước Liêu, với ý đồ nếu phe đảo chánh thành công chàng sẽ dễ dàng mượn binh lực của họ để phục quốc vì đã có đại ân với họ; không may cho chàng, việc đảo chánh gần thành công thì Kiều Phong lại xuất hiện phá vỡ. Chàng không nản chí, tiếp tục tìm mưu lược khác, đã cầu hôn với công chúa Tây Hạ, sẵn sàng lấy một người cực xấu miễn sao chàng có vị trí để mượn binh lực Tây Hạ khôi phục lại Đại Yên. Nếu chẳng có anh chàng nhà sư Hư Trúc, người mê chuyện tu hành mà lại bị Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt phải ngã mặn và ân ái với nàng Mộng Cô trong hầm nước đá thì chắc chắn với tư phong và tài trí của chàng, Mộ Dung Phục đã trở thành phò mã. Và giấc mộng “phục quốc” đã trở thành sự thực là cái chắc. Nhưng mộng ước lại tan tành theo bọt nước vì “hay không bằng hên”. Sau cùng, chàng cũng vì “đại nghĩa phục quốc” muối mặt xin làm con một tên ác nhất đời là Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh với hy vọng tên này nếu làm vua nước Đại Lý thì chàng sẽ là thái tử có thể dùng binh lực Đại Lý khôi phục nước Đại Yên, tổ quốc dòng họ Tiên Ti. Bất đồng quan điểm “bất chấp thủ đoạn nhục nhã miễn sao phục quốc” của chàng, Bao Bất Đồng đã phản đối, chàng vì cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng để phục quốc, trước mặt Đoàn Diên Khánh, Bao Bất Đồng thiếu tế nhị có thể tiết lộ cơ mưu của mình nên đã đành lòng giết người thủ túc tài ba trung thành và thân tín nhất. Nhưng rốt cuộc, giấc mộng “quang phục quê hương” cũng không thành vì anh chàng mê gái Đoàn Dự. Được biết Đoàn Dự là con ruột của mình, Đoàn Diên Khánh bèn cóc có thèm làm vua nữa. Thế là giấc mộng quang phục quê hương của Mộ Dung Phục lại “nửa đường gãy gánh…”
 
*
          Ba mươi tám năm mất nước, biết bao Mộ Dung Phục đã lên đường. Thật cũng nhiều mà dỏm cũng lắm! Lửa tin yêu ở người Việt hải ngoại ngày một hao mòn như tuyết giá trước ngọn tây phong. Hao mòn vì áo cơm, tiền gạo xứ người. Hao mòn vì những Mộ Dung Phục… dỏm, những trí thức cục phân, những kẻ đón gió trở cờ, những kẻ bất tài vô tướng chẳng ra gì cứ đòi làm… lãnh tụ, những kẻ cứ hoài vọng một thời vàng son đã mất mà chẳng hề biết rằng mình đã lạc hậu lỗi thời, đã bị trào lưu tiến hóa sa thải như một thứ cặn bã không thương tiếc. Cộng với lớp chính trị gia già nua lỗi thời lại sản sinh một lớp mới ở cánh đồng lầy chính trị hải ngoại. Những con cá sấu lưu vong thỉnh thoảng lại nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi, lại giở những trò đón gió trở cờ, lại mưu đồ những trò ma-nớp. Những anh thư lại ngày cũ lại áo cồn, cà vạt lúp xúp chạy vào phủ Toàn Quyền ở DC, lại hô hoán lên là đã được Mẽo bật đèn xanh, đèn đỏ.
 
          Mặc những giọt nước mắt của những con cá sấu lưu vong rơi, mặc cho những kẻ đón gió trở cờ phất cờ, cuộc đời của người Việt tỵ nạn vẫn tiếp tục trôi theo dòng đời. Những xoay chiều 180 độ của một vài tổ chức chính trị có thực lực đã làm những kẻ có lòng phải suy nghĩ. Có câu hỏi được đặt ra: “Chúng ta phục quốc hay phục quyền?”
          Ai trong chúng ta là kẻ sĩ có tài năng mưu lược ngang với Mộ Dung Phục, người đã có đủ mưu mô, tài trí đã “nuôi dũng sĩ, dưỡng mưu thần”, và đã dám gạt bỏ nữ sắc để dốc lòng phục quốc?
          Bỏ ra ngoài những con cá sấu lưu vong già nua, lạc hậu lỗi thời nuối tiếc một thời vàng son cũ. Bỏ ra ngoài những chính trị gia sản xuất từ đồng lầy chính trị hải ngoại.
          Bỏ ra ngoài những kẻ đón gió trở cờ, khi quốc biến cong lưng hạy trước, mọp lưng, co giò phóng tới khi kẻ thù ngày cũ ném cho mấy cục xương.
          Xin hãy đề cập tới những Mộ Dung Phục thật có đầy đủ thực tài, mưu lược, dám gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão lấy lại quê hương đã mất, Xin quý vị hãy học bài học Mộ Dung công tử. Theo tôi, Mộ Dung Phục đã sai lầm từ căn bản khi nhận Đệ Nhất Ác Đoàn Diên Khánh làm cha để mong trở thành thái tử và đã giết chết người dũng sĩ thân tín của mình là Bao Bất Đồng để bịt miệng vì sợ âm mưu bị bại lộ. Khởi đi từ căn bản sai “bất chấp thủ đoạn” thì kết quả chắc chắn sẽ không ra gì.
 
          Hình ảnh cuối cùng của bộ phim Thiên Long Bát Bộ là hình ảnh của anh chàng Mộ Dung Phục thiểu não, mặc áo hoàng bào, ngồi ở nghĩa điạ Tàu phát kẹo để đám trẻ mục đồng tung hô: Hoàng Đế Đại Yên vạn tuế!”
 
          Buồn cười nhất là ở hải ngoại có những Mộ Dung Phục… dỏm, lại chẳng có kẹo để phát, nhưng lại được một số “mục đồng già” là những ông cựu Tướng ngày cũ sì sụp tung hô vạn tuế!
 
LÃO MÓC
tieng-dan-weekly.blogspot.com
 
 
 

Featured Post

Bản Tin buổi sáng 12/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link