Công dân mạng thay đổi xã hội
Ngô Nhân Dụng
Trong lục địa Trung Hoa
hiện có 500 triệu người dùng Internet.
Tháng Tư năm ngoái, một
bản tin đưa lên mạng Vi Bác (Sina.Weibo) cho biết một xe vận tải chở đầy chó
đang đi trên đường cao tốc tới thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, chắc chỉ để
làm thịt.
Các “công dân mạng” xúc
động cùng hô hào đi cứu. Hàng trăm người đã ra xa lộ ngăn chiếc xe lại, họ mặc
cả với người tài xế mua 520 chú khuyển với giá 115,00 nguyên, bằng 17,606 đô
la, rồi trao cho các hội bảo vệ súc vật nuôi.
Tháng Tám năm nay, một
quan chức đứng đầu Sở An Toàn Lao Ðộng tỉnh Thiểm Tây bị mất chức chỉ vì một
tấm hình trên Internet. Bức hình cho thấy ông Dương Ðạt Tài (Yang Dacai) miệng
tươi cười đang đứng bên đường ngắm cảnh tai nạn xe hơi, trong khi có 36 người
chết. Ai coi cũng phẫn nộ. Các công dân mạng còn nêu ra chi tiết trên tay ông
ta đeo một chiếc đồng hồ rất đắt tiền so với lương bổng của ông. Dương Ðạt Tài
cũng lên mạng thanh minh, còn nói cái đồng hồ của ông chỉ đáng giá 55,000
nguyên, tương đương với 5,500 đô la. Ủy ban kỷ luật đảng ở tỉnh Thiểm Tây không
những cách chức mà con điều tra xem ông ta làm gì mà đeo đồng hồ quý như vậy!
Năm trăm triệu công dân
mạng là một “lực lượng xã hội” đáng kể. Họ có thể thay đổi nước Trung Hoa. Các
lãnh tụ cộng sản biết điều đó. Và họ cũng tìm cách sử dụng sức mạnh xã hội này
cho các mục tiêu của họ. Một cách lấy Internet làm vũ khí bài trừ tham nhũng.
Vũ khí này đã được đem thử trong tuần qua trong việc cách chức một bí thư quận,
thuộc thành phố Trùng Khánh. Nhưng theo diễn biến của câu chuyện thì động cơ
đích thực của chiến dịch trên mạng không chắc đã vì công ích, mà còn do tranh
chấp phe phái: Những người đang nắm quyền tấn công thêm những đòn mới trên phe
cánh của một lãnh tụ đã bị ngã ngựa! Hiện tượng này không khác gì việc đã diễn
ra ở Việt Nam, khi các lãnh tụ cao cấp dùng mạng Internet để phá lẫn nhau trước
ngày họp hội nghị trung ương đảng gần đây.
Câu chuyện bắt đầu vào
Thứ Ba tuần trước, khi một nhà báo đưa lên Vi Bác một đoạn phim dài 36 giây
đồng hồ, trong đó có hình đôi trai gái đang ân ái. Có công dân mạng nhìn ra
ngay người đàn ông đó là Lôi Chính Phú (Lei Zhengfu), 54 tuổi, đang giữ chức bí
thư đảng ủy trong quận Bắc Bội (Beibei), thành phố Trùng Khánh. Sau ba ngày,
Lôi Chính Phú bị cách chức và cuộc điều tra cho thấy cả một mạng lưới tham
nhũng trong việc đấu thầu xây cất trong quận.
Ðoạn video trên là do
một “ký giả công dân” Chu Thụy Phong (Zhu Ruifeng) ở Bắc Kinh gửi cho một mạng
Internet ở Hồng Kông, một mạng chuyên nhận và phát đi các tin tức, tài liệu về
tham nhũng ở Trung Quốc. Một ký giả khác, Kỷ Hứa Quang (Ji Xuguang) đã đưa phim
lên mạng Weibo với lời chú giải. Ba ngày sau, đảng bộ cộng sản ở Trùng Khánh
chính thức công nhận nhân vật nam trong phim là Lôi Chính Phú. Ban kỷ luật đảng
đã cách chức Phú, với tội danh là “có nhân tình.” Tuy nhiên, làn sóng dư luận
trên mạng đã khiến đảng cộng sản phải tuyên bố sẽ điều tra Lôi Chính Phú về các
tội tham nhũng!
Ðảng bộ Trùng Khánh phải
làm mạnh vì quá nhiều tin tức và ý kiến được loan truyền trên mạng. Nhà báo Chu
Thụy Phong kể rõ là ông đã nhận được cuộn băng có cuốn phim dài 80 phút, do một
người trong sở công an ở Trùng Khánh chuyển cho, cùng với những tài liệu khác
trong đó có biên bản hỏi cung một nhà thầu xây cất. Nhà thầu này đã bị bắt năm
2009, cung khai rằng ông ta đã thuê nhiều cô gái, huấn luyện họ “bẩy chữ tám
nghề” trước khi giới thiệu cho các quan chức trong đảng. Một cô gái họ Triệu
được biếu cho Lôi Chính Phú, vì nhà thầu này từng bị Phú gạt ra ngoài nhiều
lần. Một người anh hay em trai của Phú thường được trao cho các mối thầu lớn.
Quận Bắc Bội là một ngoại ô giầu có phát triển rất nhanh tại Trùng Khánh, một
thành phố 18 triệu dân. Phần lớn đất đai được đô thị hóa ở Bắc Bội vốn là đất
trồng trọt của nông dân, bị quốc hữu hóa.
Cô Triệu, 18 tuổi, đã
lén quay cuốn phim trên vào năm 2007, và sau đó ông nhà thầu được trúng nhiều
mối lớn. Năm 2009, Lôi Chính Phú đã tự ý báo cáo đầu đuôi với sở công an Trùng
Khánh do Vương Lập Quân cầm đầu, trong thời gian Bạc Lai Hy làm bí thư thành
ủy. Ngay năm đó nhà thầu bị công an bắt, bị giam một năm, còn cô gái họ Triệu
bị giữ một tháng.
Câu chuyện này được coi
như chìm xuồng từ đó đến nay, kể cả sau khi Bạc Lai Hy bị mất chức, đang bị
giam để truy tố, và bà vợ bị ra tòa kết án tử hình “treo” về tội giết người.
Vương Lập Quân từng trốn vào tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Ðô, sau đó đã bị
tuyên án tù 15 năm vào Tháng Chín vừa qua. Lôi Chính Phú, một cán bộ trực tiếp
dưới quyền Bạc Lai Hy, vẫn được ngồi yên hưởng lộc cho tới ngày Thứ Ba tuần
trước. Bây giờ Phú bị cách chức vì phạm lỗi “có nhân tình,” một tội danh mà Bạc
Lai Hy cũng bị truy tố! Các công dân mạng biết đây là thứ tội danh nhẹ nhất
trong những tội lỗi của các quan chức cộng sản! Nhà báo công dân Chu Thụy Phong
viết trên mạng là ông còn tài liệu và phim ảnh của năm quan chức khác ở Trùng
Khánh, trong đó bốn người vẫn còn tại chức!
Một tuần sau khi đưa
đoạn phim 36 giây lên mạng, Chu Thụy Phong vừa mới xin cảnh sát Bắc Kinh bảo vệ
vì nhận được những lời dọa giết. Ai dọa giết Chu Thụy Phong? Chắc không phải là
công an theo lệnh các lãnh tụ cộng sản. Họ đang muốn sử dụng những nhà báo công
dân mạng. Không những cất chức nhanh chóng một bí thư quận ủy, đảng còn cho
viết trên tờ Trung Quốc Nhật báo những lời kêu gọi “Nhà nước hãy coi Internet
là đồng minh chống tham nhũng.”
Nhưng đằng sau vụ tiết
lộ đoạn phim 36 giây này là một cuộc “đấu tranh nội bộ” giữa các phe cánh trong
đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sau khi Bạc Lai Hy bị hạ bệ, phe cánh của ông ta vẫn
còn khắp nơi. Hơn một trăm cán bộ cao cấp và nhiều người được coi thuộc giới
“trí thức” đã ký kiến nghị xin đảng giải oan cho Bạc Lai Hy. Tại Trùng Khánh,
tay chân của Bạc Lai Hy vẫn còn, với túi tiền rất đầy, đủ để mua chuộc và kéo
bè kéo cánh. Muốn đánh bật một bí thư quận, chính công an Trùng Khánh đã đưa hồ
sơ, tài liệu mật cho một nhà báo để đưa lên mạng! Hành động cách chức Lôi Chính
Phú nhanh chóng được báo chí của đảng cộng sản dùng để chứng tỏ là đảng tích
cực chống tham nhũng! Ðiều này phù hợp với những lời tuyên bố của Hồ Cẩm Ðào
trong đại hội đảng mới qua, mà Tập Cận Bình sau đó nhắc lại trong cuộc họp báo
đầu tiên: Phải chống tham nhũng!
Trong phiên họp đầu tiên
của Bộ Chính Trị mới, Tập Cận Bình cũng lập lại lời của Hồ Cẩm Ðào: Tham nhũng
sẽ hủy diệt cả đảng lẫn quốc gia. Ông ta còn nêu lên thí dụ ở nhiều nước chính
tham nhũng đã tạo ra bất ổn xã hội, đưa tới việc lật đổ hệ thống chính trị; mà
không nói đích danh tới Cuộc Cách mạng Mùa Xuân Á Rập.
Việc tố giác và điều
tra, truy tố bí thư quận ủy Lôi Chính Phú vừa tô hồng cho vai trò của Tập Cận
Bình, vừa là một đòn đánh lên Bạc Lai Hy, trước khi đưa lãnh tụ phái vương tôn
này ra tòa, cũng về các tội tham nhũng và có nhân tình! Những tội lỗi của Lôi
Chính Phú sẽ được trình bày nằm trong một mạng lưới tham nhũng, lạm quyền do vợ
chồng Bạc Lai Hy cầm đầu.
Màn hoạt cảnh đấu tranh
nội bộ này không khác gì tình cảnh đã được người Việt Nam chứng kiến vào đầu
mùa Hè năm nay. Những phe phái trong Bộ Chính Trị cộng sản Việt Nam cũng sử
dụng mạng Internet để đấu đá lẫn nhau, theo một cung cách cạn tầu ráo máng, một
mất một còn. Phe Nguyễn Tấn Dũng tố Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, phe
Trương Tấn Sang tố lại Nguyễn Tấn Dũng. Và tất cả những lời tố cáo đó đều nhắm
làm nổi bật những tội lỗi mà người dân bình thường ai cũng biết: Tham nhũng,
lạm quyền, lấy của công làm của tư, hèn yếu trước ngoại bang và tàn ác với
người dân bị cướp đoạt ruộng vườn, tài sản. Cuối cùng, hai phe vẫn phải bám lấy
nhau, vì không thể tiêu diệt nhau được. Bám lấy quyền hành là lẽ sống của các
lãnh tụ cộng sản trong những ngày cuối cùng còn chiếm độc quyền cai trị để làm
giầu cho bản thân, gia đình và bè phái.
Vì vậy người dân bình
thường ở Trung Quốc nghi ngờ những động cơ đằng sau việc đưa lên mạng đoạn phim
36 giây. Một người ở Bắc Kinh nói với nhà báo: Ngoài vụ tham nhũng như ông Lôi
Chính Phú này thì người dân thường chúng tôi đâu có ai đụng vô được? Chỉ có các
ổng mới có thể đập lẫn nhau thôi! Người ta cũng biết rằng Bạc Lai Hy không phải
là người duy nhất trong đám lãnh tụ cao cấp đã lạm quyền, tham nhũng. Lôi Chính
Phú cũng không phải là người duy nhất trong đám cán bộ cấp trung làm bậy. Các
công dân mạng ở Trung Quốc biết điều đó. Họ đang sử dụng phương tiện truyền
thông đại chúng Internet thay đổi xã hội Trung Hoa. Cuộc thay đổi diễn ra từ
từ, nhưng nhất định sẽ thay đổi, không thể nào cưỡng lại được.
Sau vụ “cứu 520 chú
khuyển” năm ngoái, các công dân mạng cũng tranh luận với nhau trên Internet.
Nhiều người tỏ ra bất mãn vì bao nhiêu tiền lạc quyên để cứu mấy con chó, để
được đưa lên ánh sáng, trong lúc hàng triệu người Trung Hoa đang đói khổ, thiếu
thốn; dùng tiền đó cứu trợ các nạn nhân thiên tai còn ích lợi hơn. Nhưng nhiều
người khác vẫn hoan nghênh nỗ lực của các công dân mạng cứu chó, và tình nguyện
đóng góp thêm vào công tác này. Một ý kiến dung hòa, nói rằng việc cứu chó tuy
nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Bởi vì đó là một hành động chứng tỏ xã hội Trung Hoa
đã thay đổi, văn minh hơn. Một microblogger lấy tên là Cầu Gẫy thuyết phục mọi
công dân mạng khác rằng hành động cứu 520 con chó là một biến cố cho thấy ý
thức của người Trung Hoa đang lên cao trước các vấn đề chung của xã hội. Ðó là
một dấu hiệu tiến bộ, văn minh. Khi ý thức bổn phận đối với xã hội được lên
cao, người ta sẽ lo lắng cho số phận con người nhiều hơn!
Các công dân mạng ở Việt
Nam cần hoạt động mạnh hơn để góp phần thay đổi xã hội nước ta. Ðầu thế kỷ
trước, Phan Châu Trinh đã nêu những khẩu hiệu Nâng cao dân trí, Hưng phấn dân
khí lên hàng đầu. Sau 100 năm các cầu đó vẫn còn nguyên! Internet là một phương
tiện hữu hiệu trong công tác này. Phải đòi trả tự do cho Ðiếu Cầy, Tạ Phong
Tần, Anh Ba Sài Gòn, và các blogger đang bị tù đầy vì sử dụng quyền thông tin
trên mạng nâng cao dân trí và dân khí đồng bào!
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment