Saturday, August 17, 2013

Im lặng tức là chết!


 


Im lặng tức là chết!


Blogger Trịnh Kim Tiến

Gửi cho BBC Việt ngữ từ Sài Gòn

Cập nhật: 10:39 GMT - thứ năm, 30 tháng 5, 2013



Trịnh Kim Tiến đặt vấn đề "công an trị" ở Việt Nam

Nói, nói nữa và nói mãi, tất cả sự phản đối dường như vô tác dụng đối với ngành tư pháp và công an Việt Nam trong vấn nạn công an sử dụng bạo lực với người dân.

BấmTôi, một người con có bố bị công an đánh chết, mọi người, những người quan tâm đến tình hình chung trong xã hội, đất nước, hay thậm chí là những người dân thường ngày đêm lo lao động kiếm sống đều biết được rằng sức mạnh của ngành công an trong xã hội hiện nay lớn đến thế nào. Chế độ này đang dần trở thành chế độ công an trị, họ có thể làm những gì họ thích bởi quyền hạn của họ ngày một nhiều, dường như không có một sự chế tài thực sự nào dành cho họ.

Các bài liên quan



Chủ đề liên quan



Những bản án bất công liên tiếp, những cách xử lý có tính chất bao che đã chứng minh một điều rằng tội ác của lực lượng công an đã được cả ngành tư pháp, bộ máy pháp luật Việt Nam dung túng. Trong khi đó người dân chỉ cần cự cãi lại công an rất dễ bị ghép cho tội danh chống người thi hành công vụ và phải lĩnh án nhiều tháng, năm tù.

Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót khi biết được rằng những chuyện đó vẫn tiếp diễn hằng ngày và đang trở thành những câu chuyện hết sức bình thường trước phản ứng bất lực vì sợ hãi của người dân.

Tôi nên làm gì, chúng ta nên làm gì khi mà sự bất công đến hồi man rợ?

"Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót"

Blogger Trịnh Kim Tiến

Khi mà thượng sĩ công nổ súng giết người sau khi đã còng tay nạn nhân chỉ phải lĩnh án 2 năm tù giam. Sự phi nghĩa đang diễn ra một cách công khai và trắng trợn nhất mà chúng ta có thể thấy.

Sự việc xảy ra vào ngày 10/12/2012, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) đi xem đá gà trên sới gà tại Bắc Giang và sau đó kết quả là ông đã bị tên công an giết người Nguyễn Duy Tùng nổ súng bắn chết sau khi đã bị còng tay.

Sau hơn 6 tháng quên lãng, vụ án được đem ra xét xử và kết thúc là bản án 2 năm tù giam cho kẻ sát nhân. Một lần nữa, bộ mặt của Tòa án Bắc Giang, cũng như cả ngành tư pháp Việt Nam tiếp tục bị những kẻ nắm quyền lực, mang danh thi hành pháp luật phỉ nhổ vào.

'Làm gì ngăn chặn?'


Blogger Trịnh Kim Tiến

Bản thân blogger Trịnh Kim Tiến có bố đẻ là nạn nhân của bạo hành do công an Việt Nam

Tôi nói là một lần nữa bởi đây không phải lần đầu Tòa án Việt Nam kết luận ra được những bản án đáng kinh tởm đến như vậy về những sự vụ công an lạm quyền đánh chết dân. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?

Chúng ta không thể làm gì vì chúng ta là dân đen, sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như vậy. Và chúng ta sẽ thực sự không thể nào thay đổi được hiện trạng này nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như vậy. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của bản thân, cũng như những người xung quanh. Với diễn biến thực tế, tình trạng này sẽ còn diễn ra và diễn ra mạnh.

Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt. Đừng ngồi im và để sự mất mát đó tìm đến với gia đình mỗi chúng ta trong sự vô cảm của chính mình.

Có vô số những gia đình đã và đang trải qua đau đớn bởi vấn nạn này gây ra. Những vụ án công an giết người rõ ràng nhưng lại bị gắn mác tự tử, tự thương. Và sự im lặng, quên lãng đáng sợ của dư luận khiến nỗi đau chồng chất lên nỗi đau. Chúng ta phải lên tiếng và không chỉ là sự lên tiếng suông được nữa, thật khó để chúng ta còn tin vào những gì họ nói là “vì dân”.

"Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt"

Blogger Trịnh Kim Tiến

Chúng ta cần phải làm gì đó để phản đối những bản án bất công của ngành tư pháp Việt Nam đối với những nạn nhân bị công an lạm quyền đánh và đánh chết. Chúng ta cần phải nói tiếng nói của mình, chúng ta không cam chịu bất công, và yêu cầu đòi hỏi những quyền chính đáng là tính mạng và nhân phẩm của người dân cần phải được tôn trọng.

Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta không có quyền trong tay? Chúng ta có quyền biểu tình phản đối, đó là quyền quy định trong Hiến Pháp.

Khi tôi đề cập đến chuyện biểu tình ở đây không có nghĩa là tôi cổ súy cho việc thể hiện bức xúc bằng hành động gay gắt như la hét, ném đá, sử dụng vũ lực, bạo động...

Ý tưởng biểu tình ở đây là sự liên kết bằng những hành động cụ thể cùng những bước chân đồng hành với chúng tôi bằng sự cảm thông, chia sẻ và tâm tình mong muốn sự đổi thay.

Chúng ta phải có hành động phản đối cụ thể để yêu cầu luật pháp hiện hành trả lại công lý cho người dân.

Chúng tôi cần mọi người đi cùng chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trong lúc này.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, blogger Trịnh Kim Tiến, người đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Bài đã được đăng trên BấmFacebook của tác giả.

 

 

__._,_.___

Dấn thân tạo dựng đất nước pháp quyền


 

Dấn thân tạo dựng đất nước pháp quyền


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-06-03

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


Bích chương: Phát Huy Quyền Làm Chủ, được phổ biến khắp đường phố. AFP

Bích chương: Phát Huy Quyền Làm Chủ, được phổ biến khắp đường phố.

AFP

Trong bài phỏng vấn mới đây mà luật sư Bùi Quang Nghiêm dành cho đài chúng tôi, luật sư đã trình bày về sự phát triển của ngành luật trong thời gian qua tại Việt Nam. Sau đây chúng tôi xin tìm hiểu thêm những tiếng nói khác liên quan đến sự phát triển đó. Mời quý vị nghe Kính Hòa trình bài trong bài sau đây.

Hòan thiện luật pháp để thay đổi xã hội

Trong những biến động chính trị xã hội ở Việt Nam gần đây, có hai từ nổi lên đằng sau các diễn biến, đó là Luật pháp. Các vụ án mang tính chính trị bị chỉ trích là không công bằng, các bản án được cho là các bản án bỏ túi, các vấn đề về Luật lúc nào cũng được đưa ra bàn tán xôn xao ở Quốc Hội nhưng nhiều luật quan trọng vẫn không được ban hành như luật Biểu tình, luật lập Hội, và luật lớn nhất là Hiến Pháp vừa rồi được đem ra tranh cãi nhưng rồi cũng đâu hòan đấy. Cách đây vài năm một vị chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng ông phải vét hết người trong ngành pháp luật để đảm nhiệm những công việc ở các tòa án các cấp. Truyền thông Việt nam do đảng cộng sản kiểm sóat thường xuyên đưa ra lời hô hào là phải xây dựng một nhà nước Pháp quyền.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi cách đây vài ngày, Luật sư Bùi Quang Nghiêm tại TP HCM có cho rằng ngành Luật tại Việt Nam đã phát triển rất nhiều từ khi có qui chế luật sư, được ra đời hầu như đồng thời với việc đổi mới kinh tế. Luật sư Nghiêm cho rằng có sự gia tăng về cơ sở vật chất lẫn số sinh viên ghi tên vào ngành luật.

Đại học Luật TP.HCM

Đại học Luật TP.HCM. (hcmulaw.edu.vn)

Tôi thấy đất nước mình có rất nhiều vấn đề. Tôi muốn làm điều gì đó để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Có nhiều cách để làm, và đối với tôi thì tốt nhất là trở thành một người am hiểu luật pháp, từ đó hòan thiện luật pháp cho đất nước, mà như thế sẽ thay đổi xã hội

Nguyễn Trang Nhung

Bạn Nguyễn Trang Nhung, hịên là sinh viên trường đại học Luật TP HCM cho biết bạn đã ghi tên vào ngành luật sau khi đã tốt nghiệp một ngành khác. Lý do Nhung đưa ra là muốn tham gia vào việc hòan thiện luật pháp tại Việt Nam và từ đó là cải tạo xã hội.

Tôi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin và đã làm việc trong ngành này. Tôi quan tâm tới chính trị khá muộn, lúc tôi 24 tuổi, tôi tìm hiểu những vấn đề về chính trị và tôi thấy đất nước mình có rất nhiều vấn đề. Tôi muốn làm điều gì đó để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Có nhiều cách để làm, và đối với tôi thì tốt nhất là trở thành một người am hiểu luật pháp, từ đó hòan thiện luật pháp cho đất nước, mà như thế sẽ thay đổi xã hội.

Nguyễn Trang Nhung là một trong ba sinh viên Luật lập trang Web kêu gọi công lý cho anh Đòan Văn Vươn trứoc khi tòa án Hải Phòng xử vụ án này. Nhóm ba sinh viên này cũng vừa đưa đơn kiện đòan thanh niên cộng sản trường đại học Luật về việc tổ chức này làm mất danh dự của họ.

Tam quyền phân lập làm mạnh nền luật pháp?

Quả là một sự can đảm khi quan tâm đến chính trị và dấn thân vào ngành luật tại Việt Nam. Trong mấy năm vừa qua, các vụ án mang tính chính trị ngày càng nhiều và có không ít luật sư đã bị cầm tù, như các ông Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, bà Lê Thị Công Nhân. Khi được hỏi rằng liệu các sinh viên luật có bị tác động bởi những phiên tòa như vậy không, Nhung cho biết,

Các sinh viên luật nói chung không bị ảnh hưởng gì vì họ được dạy theo một tư tưởng định sẳn, rằng Đảng và nhà nước luôn đúng và những người nào chống lại đường hướng của đảng và nhà nước thì có tội. Chỉ có một số ít cảm thấy bất ổn và tìm cách chia sẻ với nhau

Nguyễn Trang Nhung

“Các sinh viên luật nói chung không bị ảnh hưởng gì vì họ được dạy theo một tư tưởng định sẳn, rằng Đảng và nhà nước luôn đúng và những người nào chống lại đường hướng của đảng và nhà nước thì có tội. Chỉ có một số ít cảm thấy bất ổn và tìm cách chia sẻ với nhau.”

Trong thể chế chính trị của Việt nam hiện hành, đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngành tư pháp không phải độc lập. Theo Trang Nhung các sinh viên luật cũng không thấy rằng mô hình tam quyền phân lập sẽ làm cho ngành pháp luật mạnh mẽ hơn.

Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992. Photo courtesy of chinhphu.vn

Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992. Photo courtesy of chinhphu.vn

“Trong môn Luật Hiến pháp chúng tôi cũng học về tổ chức nhà nước, về quyền con người, những vấn đề này cũng được đem ra mổ xẻ ở giảng đường, nhưng vấn đề là mổ xẻ tới đâu. Các giảng viên cũng giới thiệu cho biết có những mô hình khác với Việt Nam nhưng họ không đào sâu. Và sinh viên cũng không có suy nghĩ vượt ra ngòai khuông khổ những định chế chính trị ở Việt Nam. Ít người đặt câu hỏi là nếu áp dụng mô hình tam quyền phân lập thì hệ thống của nước mình có tốt hơn hay không!”

Vừa qua Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói với chúng tôi là trong việc hành nghề luật sư hiện nay thì ông hài lòng với sự phát triển của luật pháp trong thời gian vừa qua, Nhưng khi được hỏi về sự độc lập của tòa án thì ông cũng nói,

“Dĩ nhiên nếu mà độc lập thì sẽ tốt cho công việc của giới luật sư chúng tôi hơn.”

Như vậy có thể tóm lại, phía nhà nước Việt Nam do đảng cộng sản nắm giữ vẫn hô hào phải thực hiện một nhà nước pháp quyền, nhưng mặt khác thì tư tưởng chủ đạo của chính trị Việt nam là không chấp nhận tam quyền phân lập. Trong khi đó, các sinh viên luật, các luật sư và nhà lập pháp tương lai vẫn không hề thắc mắc về  cái luồng tư tưởng chính thống ấy, không hề thắc mắc là có một mô hình khác có thể làm cho đất nước trở thành một đất nước pháp quyền tốt đẹp hơn.

Có lẽ trong sự hy vọng về tương lai sáng sủa hơn, xin mượn lời luật sư Hà Huy Sơn, người biện hộ cho hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vừa qua,

“Thôi thì việc phát triển các khoa luật cũng thúc đẩy việc quản lý xã hội theo pháp luật hơn.”

 

KHÔNG THỂ ĐỂ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO ĐƯỢC


 


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgO-Wg7j4GPgRDkrnbVW8bjAteLYXiu6XsRoSpCR3BbROa5Xh6187LI4U8Kx5QApcR1sZRAGMe2aPCa3hW5bk1dTRpDn6d8QLS2wRGDz89yOrcfQCWvwnsxPlCxVwOAWnyghriOUMUaVkQ/s1600/Picture+509.jpg

Thứ ba, ngày 04 tháng sáu năm 2013

KHÔNG THỂ ĐỂ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO ĐƯỢC


Khi có kêu gọi biểu tình trên mạng, điều đầu tiên tôi nghĩ là bố lại phải ăn bánh bích quy trừ bữa. Nghĩ nát óc cách thu xếp thế nào để tôi có thể ra khỏi nhà trước buổi chiều thứ bảy, vì nếu họ chặn như lần trước, họ sẽ không chờ đến sáng chủ nhật. Rốt cục năm mươi mấy tuổi đầu vẫn đi “bụi”. Trong khi tôi ra khỏi nhà từ đời tám hoánh, ở nhà họ vẫn canh tôi từ tối thứ bảy.

Có ra ngoài mới biết, chả phường nào người ta làm như vậy. Thế nên tôi tức lắm. Bụng bảo dạ phen này về sẽ ra tận phường làm cho ra nhẽ.
 
Sáng chủ nhật, khi đang đi bộ trên Bờ Hồ, có một tay cứ đi theo chúng tôi. Tôi kiểm tra bằng cách dừng lại để cho cậu ta đi lên trước thì cậu ta cũng dừng lại theo. Đi ngược lại, cậu ta cũng đi ngược lại. Ừ! Thà cứ công khai thế cho đỡ nhầm nhọt. Đi được một quãng, cậu ta tranh thủ hỏi han chuyện bố tôi. Hóa ra là an ninh phường!
 
Buồn cười là cậu ta cứ dụ dỗ tôi đi về, để cậu ta “đèo”. Không được thì lại lẵng nhẵng đi theo. Thôi kệ!  Cứ để cho cậu có dịp chứng kiến chúng tôi “gây rối” như thế nào.

Khi những người biểu tình bị bắt, tôi và chị “Sông Quê” quay về lo bữa trưa cho gia đình để đầu giờ chiều sang Lộc Hà với anh em. Thế là cậu an ninh đèo hai chị em tôi về. Dọc đường điện thoại của cậu ta cứ réo suốt. Qua cách nói, có vẻ như thủ trưởng của cậu ấy rất quan tâm đến việc đưa được tôi về nhà. Họ mời tôi về phường uống cà phê. Nhưng tôi bảo chả mời tôi cũng sẽ ra, bây giờ thì chưa phải lúc. Tôi cũng nôn nóng chả kém gì họ.

Y hẹn, 4 giờ 4 phút chiều thứ hai (ngày 3/6), tôi có mặt ở phường. Anh trung tá công an khu vực đang đợi tôi ngay cổng. Anh ấy dẫn tôi lên phòng họp trên tầng 2. Trong sáu vị đang an tọa thì có một vị có tuổi, nghe nói là dân ở làng quốc tế Thăng Long. Nhưng qua cung cách nói (lo cho dân), tôi đoán bác ý là bí thư chi bộ.

Mào đầu câu chuyện, anh trưởng công an phường hỏi về chuyện hôm qua bên Lộc Hà.
 
Ối giời, chạm đúng mạch nhá. Tôi kể lại toàn bộ sự việc từ lúc Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Chí Đức bị đánh (chi tiết tôi sẽ kể trong bài về biểu tình).
 
Tôi kể về việc tôi đã chửi cái lũ hèn hạ đánh hội đồng thằng Phương, thằng Chí Đức là đồ chó.  Và chửi xong tôi lại thấy tội nghiệp giống chó như thế nào, bởi tôi yêu quý chó và mèo lắm. Tôi chửi đến nỗi khản cả giọng như thế nào, nỗi uất hận đã biến thành lòng căm thù có thể khiến tôi cũng như nhiều người, sẵn sàng đi tù hay là chết ra sao, miễn là có thể trừng trị được bọn côn đồ khốn nạn kia. Tôi kể sự hung hãn của những kẻ đội lốt dân sự đánh người một cách ngang nhiên đã xẹp xuống như thế nào, khi những người biểu tình nằm chặn dưới bánh xe chở tù nhốt thằng Phương. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như bánh xe hôm đó cán chết người biểu tình? Liệu đó có thể là mối lửa cho một cuộc nổi dậy của người dân như cái chết của Mohamed Bouazizi ở Tunisia không? Có thể chưa, nhưng chắc chắn là nó sẽ là một cơn chấn động mà không ai lường trước được hậu quả.

Nghe tôi phê phán cách ứng xử kém của chính quyền chừng như đã đủ, anh trưởng công an phường đề nghị đi vào việc chính. Anh ta nói trước.
 
Phải nói tôi phục sự kiên nhẫn của mình quá, khi phải nghe những lời sáo rỗng, máy móc mà tôi đã quá quen như việc biển đảo để nhà nước lo. Như là phải giải quyết bằng ngoại giao một cách khôn khéo. Như là yêu nước thì có nhiều cách….và biểu tình như thế là gây ách tắc giao thông, là mất trật tự công cộng, là làm xấu hình ảnh thủ đô trước con mắt của khách du lịch…

Tuy kiên nhẫn lắng nghe, nhưng tôi bắt đầu ngọ ngoạy. Phải nói rằng tôi rất ghét nghe điều gì lặp lại quá hai lần. Thời gian là vàng bạc mà.

Thấy tôi ngọ ngoạy liên tục, anh trưởng công an phường tìm cách kết thúc bài diễn văn, rằng đề nghị tôi không đi biểu tình nữa. Giờ thì đến lượt tôi. Tôi bắt đầu trả lời lần lượt từng vấn đề một.

Thứ nhất, không thể đảng và nhà nước lo được! Lo cái gì mà hết để mất ải Nam Quan đến Gạc Ma (chưa cần nói đến Hoàng Sa). Lo cái gì mà để kinh tế lụn bại, tham những tràn lan.

Thứ hai, không thể ỷ lại hoàn toàn vào nhà nước được. Như một cô nhà báo (Đoan Trang) nói, người dân biểu tình cũng là một hình thức ngoại giao, đó là ngoại giao nhân dân. (Cái này hẳn các ông cộng sản rành sử dụng thời trước năm 1975 lắm)

Thứ ba, các anh bảo biểu tình gây ách tắc giao thông. Trước tiên việc biểu tình chỉ diễn ra trong buổi sáng chủ nhật. Sau đó, việc người biểu tình đi xuống lòng đường là vì chả có vỉa hè cho người đi bộ, có thì hàng quán và xe cộ chiếm hết chỗ rồi. Nếu so với các nhóm cổ động viên bóng đá, hay fan âm nhạc thì việc gây ách tắc giao thông của biểu tình chống TQ (nếu có) còn thua xa. Hàng vạn thanh niên có thể đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của một đội bóng, khóc rưng rức khi đón một ngôi sao nhạc pop, nhưng hoàn toàn thản nhiên và thờ ơ khi đồng bào mình bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc và cấm ra biển mưu sinh. Đó là điều rất đáng lo ngại.

Thứ tư, các anh bảo làm xấu hình ảnh của thủ đô trong con mắt của khách du lịch. Chính hành động đàn áp người biểu tình ôn hòa của chính quyền mới làm xấu hình ảnh của thủ đô. Tôi kể về tâm sự của một cựu chiến binh, rằng tuổi ngoài sáu mươi cũng chả thiết tha gì chuyện biểu tình (trong khi tuổi trẻ thì chỉ lo ăn chơi nhảy múa). Cũng chỉ muốn nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng... nhưng trước sự ức hiếp đe dọa đến an nguy của đất nước mà chả nhẽ gần 90 triệu người không ai lên tiếng thì nhục quá, vậy thì đành phải xuống đường thôi, dù một lần cũng được. Thế nên tôi nghĩ rằng, hình ảnh người biểu tình là rất đẹp, nếu không có những hành động đàn áp của chính quyền.

Ngoài ra, chúng tôi đi biểu tình cũng là để nói rằng tư duy của chúng tôi không phải là tư duy của kẻ nô lệ, của một bầy cừu, chỉ biết nói sao nghe vậy. Các anh có nghĩ rằng chính quyền không bao giờ sai không?
 
Không! Đúng không?
 
Vậy thì khi chính quyền sai thì chúng tôi có quyền phản đối chứ? Tôi nói thẳng là tôi không yêu chế độ này. Nhân tiện tôi hỏi luôn, theo các anh, chế độ cộng sản này có tồn tại mãi mãi không?
 
(đến đây họ thoáng nhăn mặt, tôi lấy ví dụ mà báo chí nhà nước thường nói về ông Hồ là một người cộng sản , nhưng người khác dùng từ chế độ cộng sản thì lại thấy không ổn – cái tréo ngoe là ở chỗ đó)
 
Các anh đừng khó chịu vì cái từ cộng sản. Chả phải các anh là đảng viên đảng cộng sản hay sao?

Nhiều người có một qua niệm rất sai lầm là nếu cái chế độ này sụp đổ, sẽ không ai trả lương hưu cho họ. Họ nhầm hết cả. Những người làm công ăn lương là để đóng góp cho xã hội. Bản thân họ trong quá trình làm việc cũng phải đóng thuế và bảo hiểm hưu cho chính lương hưu của mình sau này. Bất cứ một xã hội nào cũng cần đến người lao động, và họ lao động cho xã hội đó chứ không phải cho bất cứ một nhà nước hay đảng phái nào cả. (đảng và nhà nước có đẻ ra tiền đâu mà trả cho người lao động – tiền của họ đấy chứ)

Cuối cùng, các anh là đại diện của pháp luật thì phải làm việc theo luật. Dân chúng tôi thì phải sống theo luật. Vì vậy các anh đừng có khuyên nhủ gì tôi cả. Mà tôi ngần này tuổi đầu, có còn là đối tượng để các anh phải khuyên nhủ tôi nữa đâu? Vậy các anh cứ cho tôi một cái lệnh, tôi sẽ chấp hành ngay. Nhưng tôi biết các anh không thể cấm được, vì các anh không được phép cấm. Còn nếu các anh dùng những biện pháp lấy người để cản trở thì tôi lại càng đi, vì thói đời càng cấm càng bị phản ứng mà.
 
Tiếp theo đó là đến bác ở làng quốc tế Thăng Long. Tuy bác ý nói ra phường để đề nghị giải quyết việc của làng bác ý, nhưng nhân có việc tôi ra phường nên cũng muốn chứng kiến...

Bác ấy tỏ ra khá rành về tôi, về những việc tôi đã làm và về cả … tuổi Canh Tý của tôi nữa. Bác ý bảo từ nãy giờ ngồi nghe, thấy không phải đàn ông ai cũng có tính cách mạnh mẽ như tôi (chết cười - cái này ông công an ghi biên bản cũng liệt kê vào đó). Sau đó bác ấy bảo, vừa nãy có nghe tôi nói, tôi không yêu chế độ này. Thế theo tôi thì phải làm thế nào? Rồi đảng và nhà nước bấy lâu nay vẫn lo giải quyết chuyện biển đảo, người dân vẫn biết mọi tin tức và đều rất quan tâm. Rồi chuyện biểu tình có hiệu quả gì không?

Tôi cũng hết sức kiên nhẫn nghe bác ý nói, rồi trả lời như ri:

Về câu thứ nhất, tôi lấy ví dụ: cả phố chỉ có một hàng phở. Đắt rẻ, ngon dở gì thì người ta vẫn bắt buộc phải chấp nhận nó. Nhưng nếu có hai ba hàng phở, thì ngay tức khắc sẽ có sự cạnh tranh, vì người dân sẽ lựa chọn hàng nào mình thích – nói đến đây bác ấy bảo: chị nó thế là tôi hiểu rồi. (tôi rất thích cách hiểu nhanh và ý nhị của bác ý)

Câu thứ hai, trước năm 2011, chỉ cần nói đến từ Hoàng Sa-Trường Sa là đi tù. Đảng và nhà nước không hề hó hé nói về chủ quyền biển đảo. Bố cháu không hề biết gì về Gạc Ma. Cháu thì đến khi đi biểu tình mới biết Gạc Ma đã mất và 64 chiến sĩ của ta đã bị lính Trung Quốc bắn chết ở Gạc Ma như thế nào. Vậy thì bao nhiêu người dân Việt Nam biết được những chuyện về biển đảo để quan tâm hay không? Cháu cho rằng đó là sự bưng bít thông tin. Báo chí nhà nước chỉ phản ảnh một chiều. Cháu vẫn nói với bố cháu, nếu bố chỉ đọc báo nhà nước thì không bao giờ biết được sự thật. Ví như khi ra tòa, tòa cũng phải nghe cả nguyên đơn và bị đơn, chứ cứ nghe một bên thì chết.

Câu cuối, sau 11 cuộc biểu tình năm 2011, lần đầu tiên đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền dám tuyên bố tại nghị trường: nhiệm kỳ này gắng lấy lại Hoàng Sa.
 
Mặc dù nghe hơi hài hước, nhưng đó là phát súng đầu tiên nhắc đến Hoàng Sa sau một thời kỳ dài tăm tối mà chỉ cần nhắc đến nó là bị bỏ tù. Tiếp đến mới là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy mà bảo là không có hiệu quả gì ư?

Bác ấy nghe chỉ gật gù cười, không nói gì. Tiếp đến, anh phó trưởng công an phường phát biểu. Nội dung thì chả khác gì trưởng công an phường, nhưng có thêm một câu là “phê phán” việc đi biểu tình của tôi. Vì thời gian còn quá ít nên tôi chưa “phản biện” lại việc phê phán đó. Nhưng nhất định tôi sẽ sớm trả bài cho anh phó TCAP non choẹt này.

Phần cuối là anh công an già đọc biên bản làm việc (he he, hóa ra đây là một buổi công an tiếp dân đấy).

Từ thuở đi làm nhà nước đến giờ, tôi chưa từng nghe một biên bản cuộc họp nào buồn cười đến vậy. Chỉ thiếu có ghi đoạn này chị ấy đừng lại ho thôi. Đến nỗi bác ở làng QTTL cũng phải cố dấu nụ cười, còn mấy anh công an kia thì chữa thẹn, bảo anh ấy ghi biên bản “trung thực” quá. Có đoạn lại tự diễn biến nữa chứ.

Tôi bảo tôi sẽ không ký vào một biên bản lủng củng như vậy, nhưng các anh ấy bảo tôi có quyền ghi ý kiến của tôi vào đó.

OK! Tôi cầm bút hý hoáy viết. Tay không quen cầm bút, chứ cứ bay loạn lên. Có lẽ không chính xác tuyệt đối, nhưng đại để tôi viết thế này:


Tôi đã đọc biên bản. Nhưng biên bản này khá dài và lan man. Vì vậy tôi có ý kiến như sau:

1/ Đề nghị công an Phường giải quyết vấn đề môi trường và an ninh quanh khu vực nhà N06.

2/ Công an Phường đã vận động, khuyên tôi không nên đi biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng việc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là cần thiết, và thể hiện quyền công dân. Nếu công an Phường có lệnh cấm tôi đi biểu tình bằng văn bản, tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm này.

Hà Nội ngày tháng năm

Ký tên


Tôi đọc ý kiến của tôi lên, bác ở làng QTTL lại tủm tỉm cười, bảo tôi nên làm thư ký cho lãnh đạo mới đúng. Tôi cũng cười bảo, trên đời, người ta sợ nhất là sự thật, nên chắc chắn chả ai cho cháu làm đâu ạ. Bữa nào bác rảnh, mời bác lên nhà cháu chơi, nói chuyện với bố cháu cho biết ạ .

Bắt tay vui vẻ, chào chiệc vui vẻ. Trước khi ra về , tôi lại bảo, giống như ông Galile ấy, tôi tuyên bố các anh càng cấm tôi càng đi đấy. Và tôi cũng không thể để đảng và nhà nước lo được, tôi cũng phải đòi quyền được lo của tôi chứ. Tất cả cười ồ. Tôi nói thêm, các anh phạt mũ bảo hiểm rởm, nhưng chính các anh lại đưa mũ bảo hiểm rởm cho tôi đội khi đưa tôi về đấy nhé.
 
Trưởng công an phường lại cười bảo, chị cứ phê phán công an suốt thôi, làm sao chị biết được đó là mũ bảo hiểm rởm? Tôi bảo tôi mua loại mũ đó có ba chục nghìn ở vỉa hè.

Còn nhiều chuyện râu ria mà kể hết ra thì dài dòng quá. Thí dụ như TCAP bảo chị nên ủng hộ chúng tôi, tôi bảo tôi không thể ủng hộ các anh mà lại trái với lương tâm của tôi được, như thế cũng là dối trá.
 
Khi về kể cho bố nghe, bố khoái chí lắm, bảo “lý trực khí hùng, lý cong khí đoản” là thế. He he, đúng là tôi chiếm diễn đàn hơi nhiều, vậy mà còn bao nhiêu điều chưa nói được với các anh ý.

http://chimkiwi.blogspot.fr/2013/06/khong-e-ang-va-nha-nuoc-lo-uoc.html#more

Lựa chọn sáng suốt trước “khúc quanh” lịch sử – Bản lĩnh Người lãnh đạo


 

 

Lựa chọn sáng suốt trước “khúc quanh” lịch sử – Bản lĩnh Người lãnh đạo

Thường Dân

Lịch sử bao giờ cũng vậy: vào những thời khắc đặc biệt cần có những quyết định đột phá đó là lúc “khúc quanh” hay bước ngoặt lịch sử xuất hiện: lúc đó mâu thuẫn đã đến mức đòi hỏi Người lãnh đạo đội ngũ các cá nhân, hay tổ chức) phải có những quyết định đúng đắn, dứt khoát để cùng với cả tập thể – toàn dân tộc – vượt lên phía trước.

Vậy: “khúc quanh” của lịch sử là gì? Đó là khi mà Diễn biến của tình hình trở nên Đặc biệt: xuất hiện những sự kiện có tính đột phá, đột biến có tính đảo ngược hay thay đổi hướng đi của một con người, một cộng đồng, một dân tộc.
Những biến đổi tiềm tàng của tình hình nước ta hiện nay đòi hỏi những người lãnh đạo phải có quyết định kịp thời, đúng đắn nếu không sẽ dẫn đến đổ vỡ, mất mát, tụt hậu, kéo lùi bước tiến của xã hội.

Cách mạng thật sự là gì? Đó phải chăng là một công cuộc Đổi mới làm chấn hưng đất nước để tiến bộ? (Còn làm ngược lại chính là “phản cách mạng”).
Bài này chỉ xin bàn đôi nét về vấn đề thời cơ, tức câu hỏi về “khúc quanh” hiện thời của Đất nước.

Nhận định về thời cơ tức là xác định tình hình đất nước đã thật sự “nước sôi lửa bỏng” hay chưa.
Căn cứ vào đâu? Có rất nhiều vấn đề cả về chiều rộng và bề sâu. Chỉ xin đi vào một vài điểm:

Trong nước thì:
-         Chỉ xét về Chính trị: nạn tham nhũng tràn lan (vô phương cứu chữa?): Hội nghị Trung ương 4 không đạt yêu cầu (nói cách khác: thất bại), Hội nghị Trung ương 6 không kỷ luật được ai (kể cả “đồng chí X”) – lòng tin của dân xuống rất thấp, nạn tham nhũng chưa có cách nào khả dĩ có thể “trị” hay chí ít giảm bớt được.

Ai tham nhũng? “Bầy sâu” phá hoại “cái đất nước này” là những ai? “Không ít” những kẻ kết thành bè cánh để hình thành các “nhóm lợi ích” làm thất thoát hàng nhiều nghìn tỉ đồng của đất nước là những ai?

Dân thường có làm được không? Đảng viên thường có thực hiện được không? Nếu không nắm giữ những chức vụ quan trọng (từ phường xã trở lên đến cấp tỉnh, các Bộ ngành trung ương và các cấp chóp bu của Đất nước) thì có làm được không? Hay chỉ có những “đồng chí” có quyền chức mới có thể “làm được” tất cả những điều kể trên?

Xin thưa:
-         Có đấy: cô y tá (có lẽ “chức” này gần thấp”sát đất” rồi) ở trạm xá hay bệnh viện sẽ tiêm thuốc cho bệnh nhân “mạnh hay nhẹ tay”, tùy thuộc vào việc trong hồ sơ y bạ có kẹp “màu” hay không? Chưa nói đến các khoa, các bác sĩ.

Rồi đến các thầy, cô giáo, v.v. Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng chắc chắn “không ít”, nghĩa là nhiều, rất nhiều… và nếu là phổ biến thì đó là gì, nếu không phải là sự băng hoại hay xuống cấp trầm trọng của Đạo đức xã hội? Các lớp học, các trường học “thi đua” dẫn đến cùng nhau đạt 90-98% học sinh khá giỏi trở lên.

Cơ quan, công sở, công ty thì “luôn hoàn thành kế hoạch năm sau cao hơn năm trước”. “Bệnh thành tích” là một cách nói, nói trắng ra: đó là tệ dối trá lan tràn trong phạm vi toàn xã hội (từ trẻ con đến người lớn, từ gia đình đến nhà trường, xã hội, từ địa phương đến trung ương, từ doanh nghiệp đến các Bộ ngành). Đến mức trong xã hội ai sống thật thà, ngay thẳng bị coi là “lập dị”.

Xin học? Tiền.
Xin việc? Tiền.
Lên chức, lên lương? Tiền.
Nhà và đất (phi pháp)? Tiền. “Chạy án” bằng gì? Tiền.

 Quyền cao, chức trọng muốn có? Tiền và “rất nhiều tiền”. Xu thế của sự ngự trị của “văn hóa tiền” (nếu có thể gọi như thế) vẫn đang mở rộng và phát triển và đi cùng với nó là sự xuống cấp trong hầu hết các lĩnh vực (văn hóa, giáo dục, y tế,…) của xã hội.

-         Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp lỗ lã phá sản hàng loạt, doanh nhân sa sút, thất nghiệp trầm trọng.
-         Văn hóa, nghệ thuật có nhiều biểu hiện trì trệ,…

Mới đây nhất: Hội nghị Trung ương 7 nêu 6 việc, nhưng thực chất cái việc (1 trong 6) được dư luận quan tâm nhất là bầu nhân sự cấp cao (Bộ Chính trị) thì chệch “quĩ đạo” (của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư?). Nội bộ chia rẽ, phe phái, xu thế “trên bảo dưới không nghe” trong nội tình Đảng lãnh đạo xem ra khó đảo ngược!

Trong nước tình hình như thế đã bi đát chưa? Nguyên nhân gốc rễ nằm ở chỗ nào? Nguyên nhân của các nguyên nhân là ở đâu? Nội hàm của “lỗi hệ thống” hay “lỗi cơ chế” là gì?

Ta đã và đang làm thế nào? “Thiên hạ” xưa và nay người ta làm thế nào?

Người ta đang sống “trong lầm than” ra sao?? Nếu xác định đúng là Lỗi hệ thống thì tất yếu phải thay đổi cái “Hệ thống” lạc hậu đó đi. (Làm thế nào? Dĩ nhiên việc này phải làm từng bước, một cách khôn ngoan…, nhưng đó không phải là trọng tâm của bài viết này).

Đó là tình hình bên trong.

Đối ngoại thì sao?Nóng nhất là quan hệ Việt-Trung. Biển Đông đang dậy sóng chắc không ai không biết.

Dã tâm của “các đồng chí” ở phía Bắc từ Mao – Đặng cho đến Giang-Hồ và nay là Tập chắc chắn không mấy thay đổi mà chỉ thấy ngày càng nham hiểm hơn, hung hãn hơn, trắng trợn hơn. Mao đe dọa xâm lược và can thiệp. Đặng Tiểu Bình thì xua quân đánh thật “trên toàn tuyến biên giới”. Giang – Hồ thì ngoài mặt hữu hảo sau lưng xâm lấn biên giới, chơi con bài kinh tế và “quyền lực mềm”.

Đến Tập Cận Bình thì ngoài công cuộc “xâm lăng” về kinh tế một cách bài bản mà chúng ta đều biết về rừng đầu nguồn, dự án bô-xít Tây Nguyên,… ta hãy nhìn ra Biển Đông xem. Nào bản đồ “lưỡi bò”, cắt cáp, thành lập huyện Tam Sa, tổ chức tua du lịch đảo đến chuyện ức hiếp, bắt bớ ngư dân Việt là “chuyện thường ngày ở Biển”.

Vậy là lịch sử từ hàng ngàn năm qua đến nay vẫn chưa có gì khác: mưu đồ thôn tính, nô dịch, chèn ép dân – nước Việt của “người bạn lớn” phương bắc không hề thay đổi!

Ngày nay không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới gồm cả Nga, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, EU, các nước ASEAN, các nước Châu Phi, v.v. đang dõi theo và cảnh giác trước “người khổng lồ trung tâm thế giới” – Trung Quốc: Các chuyển động địa-chính trị, kinh tế thế giới đang được “vẽ lại” và bổ sung bằng những sự thật mới nhất với các bước đi có tính toán “thâm hậu” và ngông nghênh của Trung Quốc!

Tóm lại, xét cả trong lẫn ngoài: Vận mệnh đất nước, cơ đồ dân tộc đang đứng trước những thử thách thật sự nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết những người đang lãnh đạo đất nước Việt Nam – Đảng, Nhà nước, Quốc hội – cần hết sức tỉnh táo, dám hy sinh quyền lợi cá nhân và “phe nhóm” để tìm ra con đường và những bước đi thích hợp nhất cho dân tộc. Con đường đó chắc chắn phải nhằm mục tiêu chấn hưng đất nước, giữ vững sự toàn vẹn giang sơn do cha ông ta để lại. Con đường ấy chắc chắn phải huy động được sức mạnh của ý chí, lòng yêu nước và trí tuệ của toàn dân tộc Việt Nam.      

Con đường đó phải đưa dân ta sải bước cùng thời đại – sánh vai với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Khúc quanh lịch sử đã và đang xuất hiện rồi… các nhân tài đất Việt sắp bước vào trung tâm vũ đài lịch sử chưa?

Bản lĩnh của người lãnh đạo lúc này là biết lắng nghe và dám “bất vị thân” mà lựa chọn những người có Tâm và Tầm đứng ra giúp nước! Bản lĩnh lãnh đạo trước hết thể hiện ở chỗ biết THẬT SỰ Vì Dân, Tin Dân và Dựa hẳn vào Dân.

Bởi không ai khác: chính Nhân dân Việt Nam sẽ là người quyết định vận mạng của mình. Lịch sử đã và sẽ luôn là vậy. Toàn Dân tộc đã sẵn sàng!
 
T. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
 
 
 

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link