Saturday, August 17, 2013

Ông Hồ Ngọc Nhuận cần đổi cách suy nghĩ


 

Ông Hồ Ngọc Nhuận cần đổi cách suy nghĩ 





Ngô Nhân Dụng

Người Việt ở khắp thế giới chào mừng cháu Nguyễn Phương Uyên đã được về nhà. Khi ra khỏi nhà tù, cháu đã nghĩ ngay tới những bạn bè cùng lứa tuổi: “Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi... tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa.”

Cháu có thể yên lòng, rất nhiều người không còn vô cảm nữa; chính cháu góp phần vào hiện tượng chuyển hóa đó. Riêng thái độ bình tĩnh, tự chủ của cháu đã thay đổi nhiều người. Huỳnh Ngọc Chênh thăm cháu trong tù về, đã viết: “...Dường như Phương Uyên đã truyền niềm tin đến cho mọi người. Nên sau đó, Lê Quốc Quyết đã ghi trên facebook: Ði thăm Phương Uyên để động viên tinh thần em và gia đình, không ngờ khi gặp em thì mình được động viên tinh thần nhiều hơn.” Ði thăm cháu ở nhà tù và đi biểu tình trong thị xã Tân An có nhà thơ Hoàng Hưng, có cả những đảng viên cộng sản lâu năm như Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi. Họ không vô cảm được. Và chắc cháu đã được đọc bài của Lê Hiếu Ðằng “tính sổ” với đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Lê Hiếu Ðằng kêu gọi các đảng viên Cộng Sản khác: “Tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội?”

Ý kiến của Lê Hiếu Ðằng đã gây tiếng vang rất xa và rộng. Có bài phản ứng của Hà Sĩ Phu về “Con đường Xã hội Dân chủ” và một bài của ông Hồ Ngọc Nhuận hô hào ủng hộ đảng mới. Ðọc bài “Phá Xiềng” của ông Hồ Ngọc Nhuận, tôi muốn cần nêu lên vài ý kiến; khi nghĩ đến các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, vân vân, đang dấn thân tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ. Muốn xây dựng một xã hội tự do dân chủ chúng ta cần suy nghĩ theo lối tự do dân chủ, mà sau khi đọc bài của ông Hồ Ngọc Nhuận tôi cảm thấy mọi người chưa chắc đã thấm phong cách sống dân chủ. Ðiều này cũng dễ hiểu. Những người chưa bao giờ xuống nước thì khó hình dung bơi lội nó thế nào. Nhưng có nhiều điều chúng ta cần xác định rõ ràng về cách sống dân chủ trong khi còn đang tranh đấu thiết lập chế độ dân chủ.

Ông Hồ Ngọc Nhuận hoan nghênh việc vận động thành lập “đảng mới” này với lời lẽ nồng nhiệt biểu lộ tấm lòng thành; như một người đang đi trong sa mạc trông thấy mặt nước long lanh ở phía xa. Và ông kêu gọi mọi người, không riêng gì các đảng viên Cộng Sản, hãy tiến tới đó uống cho hết khát. Ông viết: “Tổ tiên nòi giống đang ủng hộ, cổ võ sự ra đời của đảng Dân Chủ Xã Hội mới. Các đảng chánh trị yêu nước, với các chiến sĩ đã hy sinh hay còn sống, bị bức tử gần đây... đang ủng hộ các bạn. Các tiền bối yêu nước thương dân của mọi thời kỳ, cả các đảng viên Cộng Sản lão thành đã hy sinh hay đang uất nghẹn trước sự phản bội của một phường tham nhũng trục lợi, đang ủng hộ các bạn.” Vân vân. Sau khi nói đến “tổ tiên nòi giống,” những “chiến sĩ đã hy sinh,” “Vong linh hằng vạn thanh niên nam nữ” đang cổ võ, ủng hộ đảng mới, ông Hồ Ngọc Nhuận còn kể thêm: “Hằng vạn gia đình nạn nhân các đợt cải cách, cải tạo... Hằng vạn gia đình nạn nhân chết tức chết tưởi, trên biển trên bờ... Toàn thể nông dân... Lực lương các anh chị em công nhân... Các ngư dân và gia đình các ngư dân... Hàng hàng lớp lớp học sinh sinh viên... Các nhà kinh doanh, những người dân làm ăn lương thiện... hàng ngũ trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, báo chí trên cả nước... Các chức sắc và nam nữ tín đồ các tôn giáo đang khao khát tự do hành đạo...” Tất cả những lớp người đó, ông Hồ Ngọc Nhuận viết, “đang ủng hộ các bạn, đang thúc giục các bạn, đang hối thúc các bạn, đang khẩn thiết kêu gọi các bạn, đang mong chờ các bạn, đang thúc bách các bạn,” vân vân.

Những lời kêu gọi nhiệt thành đó rất đáng ngợi khen. Chỉ thiếu một điều ông Hồ Ngọc Nhuận chưa cho biết, là “Ðảng Dân Chủ Xã Hội mới” mà ông cổ võ nó sẽ làm cái gì? Tất nhiên, chuyện đáng khen là có người đề nghị thành lập đảng trong khi chính quyền Cộng Sản hiện không chấp nhận cho một đảng thứ hai nào xuất hiện. Riêng việc đưa ra cái tên Dân Chủ Xã Hội, khác với chủ trương chuyên chế của đảng Cộng Sản, đã đáng hoan nghênh rồi. Nhưng người dân cần biết cái đảng này sẽ làm gì. Nhất là, cần biết nó sẽ làm gì nếu lên nắm quyền thay thế đảng Cộng Sản.
Làm sao có thể hô hào tất cả các tầng lớp dân chúng như trên có thể ào ào ủng hộ một đảng mới, chỉ vì thấy cái tên mới?


Thiếu sót đó, chắc vì tác giả bài “Phá Xiềng” chưa có kinh nghiệm sống trong một thể chế tự do dân chủ, chưa có thói quen suy nghĩ theo lối sống tự do dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, mỗi đảng phái chinh phục cử tri bằng những chương trình hành động nếu họ được nắm quyền, chứ không chỉ dựa trên một cái tên hay một khẩu hiệu. Hiện giờ chỉ mới thấy ông Lê Hiếu Ðằng mới chỉ nói muốn “thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội”. Nói “chẳng hạn” nghĩa là chưa chắc chắn. Mới có thế mà đã kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ, cả người còn đang sống lẫn người đã khuất, thì hơi vội vàng.

Ông Hồ Ngọc Nhuận còn viết một câu nghe đáng lo ngại; ông tuyên bố: “Ðứng vào hàng ngũ đảng Dân Chủ Xã Hội là yêu nước.” Những người phải nghe đài và đọc báo Nhân Dân qua nhiều năm hay bắt chước cái lối nói “ăn trùm” như vậy. Một thủ đoạn của các đảng cộng sản là thấy những gì tốt đẹp của nhân loại thì dùng vơ vào tất cả làm của mình, hô khẩu hiệu rồi dần dần biến thành thói quen khi nói năng. Anh có yêu nước không? Có? Vậy chính anh ủng hộ đảng tôi rồi? Anh có muốn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng hay không? Nói có tức là anh đã học tập nghị quyết đại hội đảng tôi rồi!

Trong một xã hội tự do dân chủ người ta không sống, không suy nghĩ theo lối trùm lấp đó. Một đảng chính trị không có tham vọng bao gồm tất cả mọi người, những người yêu nước, người đạo đức, người chồng chung thủy, người vợ đảm đang, những người lái xe cẩn thận, đánh răng mỗi ngày, biết ăn uống điều độ không mập phì, vân vân. Phải nghĩ rằng trong tất cả các đảng chính trị khác cũng có những người tôn trọng các giá trị chung của nhân loại. Mỗi đảng phân biệt với đảng khác bằng chương trình lập pháp, chứ không phải là vì đảng này yêu nước, đảng kia không. Các chương trình hành động này phản ảnh khát vọng hay quyền lợi của các nhóm dân chúng, mỗi đảng thu hút các “nhóm lợi ích” khác nhau. Mà trong mỗi đảng, chính các nhóm này cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau tất cả mọi chuyện. Chính họ cũng phải thỏa hiệp với nhau khi ủng hộ cùng một đảng. Thí dụ, một đảng chính trị có thể thu hút những người chống phá thai, cùng những người đòi giảm thuế. Hai nhóm theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, họ nương vào nhau để chiếm đa số phiếu cho đảng, nhưng trên các vấn đề khác họ có thể trái nghịch nhau. Mỗi nhóm lợi ích có thể thay đổi từ đảng này sang đảng khác, tùy thời gian và chương trình tranh cử của các đảng. Không một đảng chính trị đứng đắn nào dám nói: Những người tốt nhất thì vào đảng tôi. Nói như vậy người ta sẽ cười cho. Nói như vậy là không hiểu tinh thần dân chủ.

Trên đây là mấy điều mà các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha nên biết. Còn rất nhiều khác cần biết nữa. Trong lúc tranh đấu thiết lập một xã hội dân chủ tự do chúng ta cần sống và suy nghĩ theo lối tự do dân chủ.

Nước Việt Nam chúng ta cần nhiều đảng chính trị, họ cần cạnh tranh với nhau, giống như trong thị trường. Mỗi đảng phải trình bày chương trình mình sẽ làm gì, khi cầm quyền. Một khẩu hiệu như Dân Chủ Xã Hội chưa đủ. Ở Việt Nam ông Mai Thái Lĩnh là người đã nghiên cứu và trình bày rất nhiều về các chế độ Dân Chủ Xã Hội trên thế giới. Nhưng một đảng Dân Chủ Xã Hội ở Việt Nam phải cho biết sẽ có các chính sách cụ thể như thế nào, phù hợp với nhu cầu của đất nước.

Chúng ta hiểu hoàn cảnh khó khăn của những người như các ông Lê Hiếu Ðằng, Hồ Ngọc Nhuận. Ðối tượng của họ hiện giờ không phải là tất cả dân chúng Việt Nam. Họ nhắm trước hết vào các đảng viên cộng sản, chỉ cho những người này thấy nếu bỏ đảng vẫn có thể hành động cách khác. Lê Hiếu Ðằng còn đoán “trong một thời gian dài đảng Cộng Sản vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được”. Lời tiên đoán đó cốt để làm cho các lãnh tụ đảng bớt sợ, nhưng không biết họ có tin không?

Nhưng việc kêu gọi các đảng viên cộng sản bỏ đảng, lập đảng mới không phải là phương cách tranh đấu duy nhất. Các bạn trẻ có thể vận động cho một xã hội dân chủ tự do bằng nhiều lối hoạt động khác.
Nước ta đang cần những phong trào, mọi phong trào nhằm vào một vài mục tiêu cụ thể. Các blogger đang đòi xóa bỏ các điều luật “bịt mồm bịt miệng”. Các nông dân đang đòi thay đổi luật ruộng đất. Bao nhiêu người đang đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Các công nhân đảng muốn tự do lập công đoàn. Còn phải gây một phong trào bãi bỏ chế độ hộ khẩu để dân được tự do cư trú và di chuyển. Cần nhiều phong trào bảo vệ môi trường; vân vân.

Các phong trào đó có những mục tiêu cụ thể, sẽ thu hút được nhiều người. Chính các đảng viên cộng sản cũng có thể tham gia vào các phong trào này. Khi người dân tự do và tự nguyện tham gia, họ sẽ tập sống theo lề thói dân chủ. Tất cả các hoạt động đó sẽ xây dựng nên một xã hội công dân, nền tảng của chế độ dân chủ. Tới một lúc, các phong trào nhỏ tập hợp lại, nếu cần sẽ thành lập một đảng chính trị. Khi nào cụ bà Lê Hiền Ðức, ông Ðoàn Văn Vươn, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A họp nhau lại lập một đảng, chắc họ cũng đại diện cho nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân. Nhưng không phải cứ ai yêu nước thì phải vào đảng “HÐVA” này! Ngay từ bây giờ, chúng ta đã nhất thiết phải sống theo tinh thần dân chủ. Trong việc xây dựng chế độ dân chủ, những bước đầu mà đi trệch đường sẽ gây hại rất lâu trong tương lai. Vì vậy, tôi mới xin phép khuyên ông Hồ Ngọc Nhuận thay đổi cách suy nghĩ.

 




 

 

 

Đã đến lúc “phá xiềng”!


Mặc Lâm- RFA
2013-08-17

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


VML081713.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

ho-ngoc-nhuan

Cựu DB/VNCH đối lập Hồ Ngọc Nhuận

photo hoangquang1.worlpress.com

Sau khi ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam Tp.HCM tung ra liên tiếp ba bài viết tuyên bố cần phải thành lập một đảng đối lập tại Việt Nam mà ông là người sáng lập, để làm đối trọng với chế độ độc đảng hiện nay, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trí thức nổi tiếng từng hoạt động công khai trong chính phủ Sài Gòn với vai trò của một dân biểu đối lập và sau năm 1975 ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới, đã tung bài viết mang tên Phá Xiềng đang tạo sôi nổi trong dư luận. Mặc Lâm phỏng vấn đặc biệt với ông để tìm hiểu thêm vấn đề quan trọng này.

Mặc Lâm:

"Thưa ông sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết liên tiếp ba bài nói về sự bức thiết phải thành lập một đảng đối lập với cái tên gợi ý là Đảng Dân chủ Xã hội. Ngày hôm nay ông cũng có bài viết với tên gọi “Phá Xiềng” chẳng những ủng hộ quyết định của ông Lê Hiếu Đằng mà còn bổ túc thêm nhiều ý tuởng cho sự hình thành đảng này. Xin ông cho biết lý do chính của việc cần thiết phải thành lập đảng đối lập này là gì?"

"Chế độ này không dân chủ"


Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu mà dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ. Khi mà dân chủ được thì mọi người đều có dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà  nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì  kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài."

Mặc Lâm:

"Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện nay ông nhận thấy nền dân chủ của nuớc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có gì đáng để phân tích hay không và đặc biệt vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền dân chủ pháp trị mà chính phủ luôn hô hào vận động có điều gì cần phải bàn luận hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Họ cứ nói là còn đảng còn mình nên quyết bảo vệ đảng. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, có thể họ ở lâu lắm, nhưng một ngày nào đó họ cũng ra đi nhưng là một sự tan nát ê chề bởi vì dân đâu có chịu! Nhiều đời lắm rồi, từ thời còn vua chúa kìa, dân mình không phải là dân không có tiếng nói. Luôn luôn có tiếng nói. Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý và xây dựng đất nước được? Cho nên điều tâm đắc nhất của tôi từ xưa đến giờ là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền."

So sánh hai chế độ


Mặc Lâm:

"Trong chế độ cũ ông từng là một dân biểu chọn vai trò đối lập, đồng thời cũng là giám đốc chính trị của nhật báo Tin Sáng có từ trước năm 1975. Giữa hai chế độ thì trong thâm tâm ông, ông có nhận xét như thế nào về nền dân chủ pháp trị trước đây và nền pháp trị của chế độ mới, nếu so sánh một cách công bằng, thưa ông?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được. Cái ông đảng này ổng thâu tóm hết rồi ổng “úm ba la” nay ổng làm cái luật này, mai ổng làm luật kia. Còn những cái mà ổng cho là quyền của dân thì ổng ghi trong hiến pháp thì ổng để đó. Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh. Còn cái này cũng không phải pháp trị mà cũng không pháp quyền nữa mà nó là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền. Vậy thôi.

Còn chế độ cũ, tôi là một dân biểu đối lập trong chế độ đó. Tại sao ở chế độ cũ người ta cho đối lập? Từ hồi mới 75, mấy ổng nói với tôi là đây là kiểu thực dân mới nên nó mới áp dụng như vậy để nó coi là có dân chủ".

Đã có dân chủ thì phải có đa nguyên, có người này người khác chẳng hạn, không phải là tốt tuyệt đối đâu. Nó cũng có mặt này, mặt khác nhưng dưới chế độ cũ, tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác. Nói với anh Mặc Lâm, ngay cả bậc thầy của chúng ta trong làng báo là ông thầy Nguyễn An Ninh chẳng hạn, ổng từ Pháp về và viết những bài bằng tiếng Pháp. Hồi xưa dưới cái thời cai trị của thực dân nó cũng để cho người mình nói chuyện. Mặc dầu nó cũng bắt nhốt ổng và sau cùng ổng phải chết ở Côn đảo.

Thú thật ra bây giờ chế độ dân chủ ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp hay ở Âu châu chẳng hạn, nó cũng có những đàn áp...bởi vì đây thật sự là đấu tranh mà! nhưng đấu tranh dân chủ ít ra phải có tiếng nói của dân, ít ra phải có tiếng nói của báo chí. Còn đằng này ổng tóm thâu hết. Cả cái suy nghĩ, cái tình cảm ổng cũng muốn làm chủ.

Anh Đằng ảnh nói đúng đó. Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những  sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ... tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời còn bây giờ thú thật mấy ổng tặng thưởng này, tặng thưởng kia mà dân có ai đọc đâu?

Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân. Cho nên nói thì nhiều lắm, anh Mặc Lâm ơi nhưng mà nói thì đâu có phải đả phá hay tranh đấu với mấy ổng đâu. Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng ở trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ."

Sẽ đàn áp đảng viên Cộng Sản?


Mặc Lâm:

" Như ông vừa nói, đảng Cộng sản còn đang rất mạnh, có biết bao nhiêu lực lượng trong tay, như vậy khi một đảng đối lập mới được hình thành với cái tên Đảng Dân chủ Xã hội chắc chắn sẽ bị chính quyền chống phá mãnh liệt và sự mãnh liệt ấy có thể dẫn đến đổ máu. Ông có dự báo câu chuyện có thể dẫn đến mức độ tồi tệ như vậy hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Thât sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khỏe. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên là bịt miệng thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các  đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm màu được?

Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị nhưng tôi hy vọng ở tuổi trẻ. Thời nào cũng vậy hết, không có tuổi trẻ thì không làm ăn gì được hết. Và tôi hy vọng cả những ông đảng viên, thật sự như ông Đằng ổng nói đó, có nhiều người  chuyển sinh hoạt đảng đâu đó thì cũng không thèm. Con số âm thầm đó là bao nhiêu? Số đó đông lắm vì họ uất ức, họ nghẹn ngào, buồn tủi vì bị cấy lý tưởng thời còn trai trẻ. Họ vì dân vì nước mà bị người ta phản bội. Con số nguời đó thật tình đấu tranh, dấn thân, vào tù ra khám. Đó là thật sự những người đảng viên Cộng sản yêu nước và họ cũng là những người đấu tranh kiên cường".

Mặc Lâm:

"Ông có cho rằng vì không thể im lặng nhìn một lực lượng nổi lên chống lại sự độc đảng của mình nên đảng cộng sản sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ những người tham gia vào đảng Dân Chủ Xã Hội hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Có thể là bắt bớ người nhưng có ai làm gì đâu mà bắt bớ. Thật sự ra là họ bắt những người trong nội bộ đảng vì họ đã đứng ra không chấp nhận đảng nữa và lập cái đảng mới. Điều này tôi rất mong từ lâu rồi. Nói cách này thì họ ngại nhưng không có gì đáng ngại đâu, không phải là diễn tiến tự sụp đổ đâu mặc dù đúng là một hình thức đó, tự sụp từ bên trong.

Nếu họ bắt một người đảng viên cộng sản ly khai thì họ tự đục một cái lỗ hổng. Bắt nhiều người cộng sản ly khai thì họ đục thêm nhiều cái lỗ như vậy. Bắt nhiều người như vậy trong cùng một cái đảng của họ mà không còn chấp nhận họ nữa thì cứ cho họ tự phá con thuyền của họ".

Mặc Lâm:

"Để bắt đầu xây dựng một đảng đối lập trong bối cảnh hiện nay ông nghĩ bộ phận nào trong xã hội sẽ được kêu gọi và gây dựng làm thành phần nòng cốt?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Tôi tin rằng với nòng cốt của đảng mới này như ông Đằng hô hào và kêu gọi. Ông ấy hỏi tại sao chúng ta là những người đảng viên cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân, với con cháu vì bị phản bội; Nếu mình cứ tiếp tục làm thêm như vậy thì chính mình cũng là người phản bội. Ổng có kêu gọi những người bạn đó và tôi cũng kêu gọi những người đó. Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cộng sản muốn công khai đấu tranh ôn hòa, đấu tranh dân chủ để mà xây dựng đất nước, thế thôi."

Mặc Lâm:

"Nếu vượt qua được bước đầu thành lập đảng mà không bị bắt bớ hay đàn áp vì theo như ông nói Đảng Cộng sản sẽ không dại gì mà tự đục thuyền của mình bằng cách bắt bớ đảng viên ly khai, như vậy buớc kế tiếp Đảng Dân Chủ Xã hội mà cốt cán là thành phần đảng viên ấy sẽ làm điều gì với đảng Cộng sản hiện nay?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

"Nếu họ không làm chuyện đó vì họ nghĩ như vậy là tự đục thuyền thì chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện. Ông Đằng có nói rất rõ là ổng thách mấy ổng nói chuyện thẳng với ổng. Ổng thách cả ông đầu sỏ của tuyên huấn của đảng Cộng sản về lý luận nói chuyện với ổng. Chứ đâu có nói đấu võ đâu! Nói ra điều này ai cũng ngại nhưng mà đối với đảng Cộng sản thật sự mà thấy tình hình thực tế dân tình không cho phép mấy ổng làm chuyện cũ nữa. Không chuyên quyền nữa thì mấy ổng phải nghe."

Mặc Lâm:

"Xin cám ơn ông Hồ Ngọc Nhuận đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này."

 



 
 

 

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2012/12/Nhi%E1%BB%87m-v%E1%BB%A5-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-%C4%90%E1%BA%A1i-t%C3%A1-Tr%E1%BA%A7n-%C4%90%C4%83ng-Thanh.jpg

..lý luận của một nhóm nào đó nói đa thành phần kinh tế ở hạ tầng cơ sở thì cũng có thể mở đường

cho nhu cầu đa nguyên, đa đảng xuất hiện tương ứng ở thượng tầng kiến trúc'chỉ là suy luận lôgic hình thức...

Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

'Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?'


Cập nhật: 12:25 GMT - thứ bảy, 17 tháng 8, 2013


Media Player



Giáo sư Vũ Minh Giang

Giáo sư Giang chưa thấy cơ sở pháp lý nào ở VN hiện nay cho phép thành lập chính đảng mới

Hiện chưa thấy có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam, bên cạnh Đảng Cộng sản, tuy việc tư duy về các dự án chính trị, xã hội, kể cả mong muốn, nhu cầu lập đảng mới thuộc phạm trù tự do tư tưởng và là quyền tự do của mỗi người, theo Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 17/8/2013, bình luận về lời kêu gọi thành lập đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng, quan chức thuộc Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, đảng viên cộng sản lâu năm, đưa ra, Giáo sư Giang cho rằng nếu có vấn đề nào mà dự án chính trị này có thể gặp thách thức thì đó chính là các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

Giáo sư Giang, nguyên thành viên Hội đồng lý luận trung ương, cơ quan cố vấn của BCH Trung ương Đảng, cho rằng trong quá khứ chưa xa, Đảng cộng sản Việt Nam từng có giai đoạn cầm quyền bên cạnh hai đảng phái khác.

"Trong lịch sử Việt Nam kể từ khi sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945, trong hệ thống chính trị từng có tồn tại một cơ cấu có những đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam, thí dụ như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội v.v...

"Cho nên tôi cho rằng việc ở đâu đó có những người hoặc có những nhóm người xuất phát từ những quan niệm, những mong muốn mà họ có những đề xuất này khác, tôi cho cũng là hiện tượng bình thường thôi."

Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng chưa thể dự đoán được khi nào Việt Nam xuất hiện thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng cho rằng lý luận của một nhóm nào đó nói 'đa thành phần kinh tế ở hạ tầng cơ sở thì cũng có thể mở đường cho nhu cầu đa nguyên, đa đảng xuất hiện tương ứng ở thượng tầng kiến trúc' có thể chỉ là suy luận lôgic hình thức.

Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi phẩn cuối của cuộc trao đổi giữa Giáo sư Vũ Minh Giang với Quốc Phương của BBC Bấm tại đây.





 

 

 

Đảng Cộng sản Hà Nội đã chỉ thị cho
Lê Hiếu Đằng-Hồ Ngọc Nhuận thành lập đảng đối lập cò mồi !
 

                                                                                 Hàn Giang Trần Lệ Tuyền  


Một chính Đảng mới đang hình thành, với tên gọi tạm là Đảng Dân Chủ Xã Hội, do ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng, khởi xướng. Với hằng trăm, và rồi đây với  hằng ngàn đảng viên cộng sản đồng loạt khước từ  độc tài toàn trị thành lập để đấu tranh công khai với Đảng  cộng sản cầm quyền”.
 
Đó là những lời mở đầu trong bài viết: “Phá xiềng” của Hồ Ngọc Nhuận. Nghĩa là, Hồ Ngọc Nhuận đã thi hành theo “ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng, khởi xướng”.
 
Ở đây, người viết tự thấy không cần phải nói đến những hành vi hoạt động Cộng sản của Lê Hiếu Đằng, vì mọi người tất phải biết những “thành tích” sắt máu của “một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng” rồi. Riêng Hồ Ngọc Nhuận, một kẻ cũng do chỉ thị của đảng cộng sản Hà Nội, phải núp dưới ngôi nhà của Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa, để hoạt động Cộng sản một cách hợp pháp. Vì thế, sau ngày 30/4/1975, là một “dân biểu” nhưng Hồ Ngọc Nhuận không hề có nửa giờ ở tù “cải tạo” như các vị dân biểu khác. Chẳng những thế, mà Hồ Ngọc Nhuận còn được đảng Cộng sản Hà Nội trọng dụng, với nhiều chức tước nằm trong cái “Trung ương Mặt trận Tổ Quốc - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM” cho đến ngày hôm nay.
 
Và bây giờ, người viết phải trích đoạn những dòng của Lê Hiếu Đằng trong bài: “Viết trong những ngày nằm bịnh” như sau: 

“Bài viết nầy cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn TNSVHS mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người VN khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và CNXH. Vấn đề là trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động. Điều này tôi nói một lần rồi thôi…”

 
Người viết nghĩ rằng, các vị có một kiến thức khả dĩ, mỗi khi đọc những bài viết, những “lời kêu gọi”, thì không thể hời hợt mà bỏ qua những điều chính yếu mà các tác giả đó cần phải nhắm tới, chứ không phải là những lời nói, những từ ngữ văn hoa, rào trước đón sau, hầu che đậy những mưu đồ đen tối !

Và đây là điều chính yếu mà Lê Hiếu Đằng cần phải nhắm tới:
 
Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia.”
 
Nghĩa là, Lê Hiếu Đằng muốn nói: Những nạn nhân của các cuộc thảm sát từ “Cải cách ruộng đất – Nhân Văn giai Phẩm – Thảm sát Tết Mậu Thân, 1968 – Những nạn nhân của các trại tù “cải tạo” sau ngày 30/4/1975- “Vùng kinh tế mới” và những gia đình có cha mẹ, chồng con, anh em… đã bị chết thảm, chết đau đớn dưới những bàn tay của hải tặc Thái Lan, hoặc đã vĩnh viễn vùi thây dưới biển khơi, kể cả việc đảng Cộng sản Hà Nội đã dâng-bán Ải Nam Quan-Thác bản Giốc và cả hai quần đảo Hoàng  Sa-Trường Sa nữa. Tất cả hãy quên hết quá khứ, xóa bỏ hận thù: “Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi lựa chọn lựa đứng bên này hay bên kia”.
 
Thực ra, chẳng phải bây giờ, mà trước đây, đảng Cộng sản Hà Nội cũng đã từng chỉ thị cho Nguyễn Đắc Kiên viết ra những lời tương tự như sau:
 
Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ”.
 
Và mới đây, Huỳnh Ngọc Chênh cũng đã “chào hàng” qua bài viết: “Tôi khát khao vào đảng”, mà tác giả Phan Nhân đã viết Huỳnh Ngọc Chênh “khát khao vào đảng CSVN”. Điều này, tác giả Phan Nhân đã viết đúng một phần, vì dù là cái đảng gì chăng nữa, thì cũng do đảng Cộng sản Hà Nội đẻ ra.
 
Tuy nhiên, phải nói cho thật chính xác: Huỳnh Ngọc Chênh đã đánh tiếng, chào hàng cho cái đảng Dân chủ xã Hội mới” qua bài viết: “Tôi khát khao vào đảng” và “đảng hợp pháp”. Nghĩa là cái đảng mà vừa do Lê Hiếu Đằng “khởi xướng” và Hồ Ngọc Nhuận đang đem ra làm cò mồi, để bẫy những “con chim” háo ăn, tham mồi !  
 
Đã như vậy, mà vẫn có những kẻ cố tình tung hô Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận… Nhưng có phải họ đều ngu đần hay không. Xin thưa là KHÔNG. Họ không ngu, mà vì họ muốn làm tay sai, muốn đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng, muốn ngồi chung với đảng Cộng sản dưới nhiều hình thức như tham gia ửng cử vào “Quốc hội - Mặt trận Tổ quốc” và các “chức” khác trong bộ máy cai trị của đảng Cộng sản Hà Nội.
 
Xin mọi người đừng quên, đã một thời, có nhiều người đã tung hô Nguyễn Hộ lên làm “minh chủ”. Nên nhớ, Nguyễn Hộ một đảng viên Cộng sản kỳ cựu, đã có một câu nói để đờiSau chiến thắng, nhà ngụy ta ở, vợ ngụy ta lấy, con ngụy ta bắt làm nô lệ”.
 
Ngoài ra, Hồ Ngọc Nhuận trong bài: “Phá xiềng”, Nhuận còn nhắc đến những người tù “cải tạo”, những nạn nhân đã chết trên đường vượt biên, vượt biển, “vùng kinh tế mới”, những người đã bị mất nhà, mất hết tài sản, nhưng không nhắc đến gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn, không nhắc đến cái bản văn của Phạm Văn Đồng “thủ tướng” của Đằng-Nhuận. Tất cả chỉ là một trò gian trá, lừa gạt; bởi vì tại sao suốt trong những thời gian ấy, trong lúc những nạn nhân đã chết dần mòn vì đói khát, bệnh tật trong các nhà tù “cải tạo” hoặc đã bị vùi thân trên ngàn, dưới bể, hay ở những nơi rừng thiêng, nước độc, nhưng Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận không hề lên tiếng.  
 
“Xiềng” không phải bây giờ mới có, mà Xiềng Xích đã có từ lâu, từ ngày có đảng cộng sản trên đất nước Việt Nam, mà đặc biệt nhất, là kể từ sau ngày 30/4/1975, đối với Dân-Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa. Và trong những kẻ đã mang những chiếc Xiềng sắt vô cùng tàn độc, kinh hoàng  đến cho các nạn nhân khốn khổ ấy, lại chính là những tên như Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận… đã từng được bình an ngồi dưới những mái học đường của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, để có được những học vị khác nhau.
 
 Nên nhớ, giữa lúc những tên như Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận được sống bình yên ở chốn hậu phương, thì ở những nơi chiến trường lửa khói, bất kể ngày đêm, cận kề với cái chết và những gian nguy, bất trắc, nhưng các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn không rời tay súng, đối đầu với địch quân. Vì thế, đã có vô số những Chiến Sĩ đã phải đổ máu, đã phơi xương trên khắp những vùng chiến địa, để Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận và những tên “phản chiến - đối lập” khác, được tự do học hành, để rồi sau đó, chính Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận… đã đem những chiếc XIỀNG oan khiên, nghiệt ngã tròng lên đầu, lên cổ, xích vào tay của các anh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong suốt những thời gian sa cơ thất thế, và có những vị đã chết một cách đớn đau, chết tức tưởi trong các nhà tù “cải tạo”, bởi những cái Xiềng của Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận…!!!
 
Vậy giờ đây, Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận… đừng hòng đem những thứ Xiềng khác như cái Xiềng Dân Chủ xã Hội mới, để Xích Xiềng vào những con người có lương tri và lý trí. Tuy nhiên, chúng có thể Xiềng được những hạng vô tri, bất trí, tham danh, mê lợi mà thôi !
 
Những chỉ thị của đảng cộng sản Hà Nội:
 
Kể từ khi có mặt đảng Cộng sản tại Việt Nam, qua những cuộc thảm sát, rồi “nhận sai lầm”, sửa sai. Tất cả, đều có sự chỉ thị của đảng Cộng sản, như mọi người đã biết: Trường Chinh phải đứng ra nhận lỗi về cuộc “cải cách ruộng đất”.  Thế nhưng, Trường Chinh vẫn bình an vô sự cho đến khi chết vẫn có con đường mang tên Trường Chinh.
 

“Thủ tướng” Việt cộng Phạm văn Đồng, đã ký một văn bản và đã gửi cho Chu Ân Lai, để xin dâng-bán cả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Tầu cộng. Nhưng Phạm Văn Đồng cũng vẫn được bình chân tại chức, cho tới lúc chết vẫn có con đường mang tên Phạm Văn Đồng.
 
Nhưng riêng những đảng viên Cộng sản khác, vì đã làm không đúng với những chỉ thị của đảng Cộng sản, nên đã phải bị sự trừng phạt theo đảng kỷ” của đảng Cộng sản Hà Nội bằng những cái chết như: Nguyễn Hà Phan, Đào Duy Tùng, Trần Văn Trà…
 
Phải nhắc lại những sự kiện đã xảy ra như thế, để cho mọi người đều thấy, đều biết rằng: Tất cả những đảng viên của đảng Cộng sản, nếu không có sự “chỉ đạo” của đảng Cộng sản Hà Nội, thì không bao giờ dám làm bất cứ một điều gì hết. Bởi vì, không làm theo những chỉ thị của “đảng” thì đảng Cộng sản Hà Hội sẽ dùng “đảng kỷ” tức “kỷ luật đảng” để trừng phạt cho tới chết.
 
Và cũng nên biết, từ quốc nội cho đến hải ngoại, đã và đang có rất nhiều Lê Hiếu Đằng, và những “dân biểu” như Hồ Ngọc Nhuận, cựu “dân biểu” Nguyễn Công Hoan…cựu “Thị trưởng Đà Nẵng – cựu dân biểu” Trần Ngọc Châu; đặc biệt, là con trai của Trần Ngọc Châu là Trần Ngọc Giang đang giấu mặt qua nhiều phương diện… hiện có mặt tại Hoa Kỳ. Tất cả đều hoạt động theo những chỉ thị của đảng Cộng sản…
 
Chính vì thế, những kẻ hiện ở trong nước, mà đã và đang lớn tiếng kêu gọi thành lập và ủng hộ “đảng Dân Chủ Xã Hội mới - đối lập” như hai tên Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận… mà không sợ bị đảng Cộng sản Hà Nội dùng “đảng kỷ” để trừng phạt. Bởi vì, trong tương lai, chính những thứ đảng cò mồi theo khuôn mẫu của“đảng Dân Chủ Xã Hội mới” này, do chính đảng Cộng sản Hà Nội đẻ ra, sẽ là những “chất liệu” để sơn son, thếp vàng cho cái đảng cộng sản Việt Nam !
 
Không có bài học nào giống bài học nào. Không có cái dại nào giống cái dại nào. Nhưng bài học nào, cái dại nào cũng đáng để cho mọi người phải học thuộc lòng, phải suy nghiệm, để không bao giờ phải bị rơi vào những cái dại, những bài học đầy những nước mắt và xương máu cũ, cho dù có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế hệ đã trôi qua !
Paris, ngày 17 tháng 8 năm 2013
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền 

~~~~~~~~~~~~







No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link