Sunday, August 11, 2013

Trung Quốc : Chiến dịch chống tham nhũng sẽ đi đến đâu ?


 

TRUNG QUỐC -  Bài đăng : Thứ bảy 10 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 10 Tháng Tám 2013

Trung Quốc : Chiến dịch chống tham nhũng sẽ đi đến đâu ?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lê Phước  RFI
Khi nhậm chức, Tổng bí thư-chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ đánh tham nhũng « từ hổ đến ruồi ». Không biết chiến dịch này sẽ mang hiệu quả tới đâu, nhưng trên thực tế đã có một số hổ lẫn ruồi bị xét xử. Bàn về chủ đề này, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro đăng bài : «Tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đang lúc cao trào ».

Tờ báo ví von : « Những chiếc đầu đã rơi trên chóp bu lãnh đạo Trung Quốc ». Tờ báo nêu ra trường hợp điển hình là hôm qua, ông Lưu Thiết Nam, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồi tháng 5, ông đã bị cách hết mọi chức vụ.

Lưu Thiết Nam bị tố cáo lạm dụng chức vụ làm lợi cho người thân và suy thoái đạo đức. Ông bị ngã ngựa là do người tình cũ đã tố cáo hành vi tham nhũng của ông với phó tổng biên tập tạp chí Tài Kinh La Xương Bình. Ông La đã bỏ thời gian 1 năm để xác minh, và rốt cuộc hồi cuối năm 2012 đã cho đăng tải trên trang blog cá nhân những hành vi tham nhũng của họ Lưu. Đến hiện tại, Lưu Thiết Nam là quan chức cấp cao nhất bị ngã ngựa vì những lời tố cáo trên Internet.

Le Figaro cũng nhắc lại, hồi tháng 7 rồi, cựu bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đã bị kết án tử hình treo về hành vi tham nhũng.

Một trường hợp ngã ngựa của quan chức cao cấp nữa đã diễn ra ở Thượng Hải. Tờ báo nhắc lại vụ xì căn đan liên quan đến 4 quan chức tòa án tối cao của thành phố Thượng Hải. Bốn quan chức này đã bị một công dân quay lén cảnh đang thác loạn với gái bán dâm tại khu nghỉ dưỡng Hành Sơn ở Thượng Hải. Hôm thứ Tư này, bốn người cũng đã bị khai trừ khỏi đảng.

Tham nhũng ở mọi cấp

Các vụ việc trên cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang được thúc đẩy. Thế nhưng, Le Figaro cũng nêu ra một số khó khăn đối với chiến dịch này nói riêng và hồ sơ chống tham nhũng tại Trung Quốc nói chung.

Đối với vụ bốn quan chức Thượng Hải nói trên, tờ báo cho hay, khu nghỉ dưỡng Hành Sơn là nơi được chọn để tổ chức hội nghị của các quan chức địa phương. Trang web của khu nghỉ dưỡng Hành Sơn viết đây là nơi được chỉ định tổ chức các cuộc họp mặt và hội nghị của các cơ quan nhà nước.

Đối với chiến dịch chống tham nhũng hiện tại, tờ báo cho hay, có những tiếng nói đã vang lên bày tỏ sự nghi ngờ. Tờ báo dẫn lời một cựu thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương cho rằng, chiến dịch này chỉ là hình thức và nhằm tạo hình ảnh đẹp cho ban lãnh đạo mới. Ông này cũng nhắc lại là căn cứ cho sự nghi ngờ đó là hồi tháng Tư, nhà cầm quyền đã bắt nhiều nhà đấu tranh đòi công khai tài sản lãnh đạo Trung Quốc.

Ngay cả tờ báo chính thức là Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh cũng đã thừa nhận : « Thật lòng mà nói thì trong ngắn hạn khó lòng mà cải thiện được đạo đức của cán bộ Trung Quốc ». Le Figaro cũng cảm thấy sự khó khăn trong công cuộc phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc khi mà tham nhũng dường như hiện diện ở mọi cấp mọi nơi.

Ấn Độ và nguy cơ thiếu nước

Nhìn sang nước đông dân số hai thế giới là Ấn Độ, nhật báo Le Monde đăng bài cảnh báo : « Ấn Độ có nguy cơ thiếu nước do khai thác quá mức mạch nước ngầm ».

Tại Ấn Độ, mạch nước ngầm đang bị khai thác quá mức, thiếu sự kiểm soát. Theo giới chuyên gia, nếu tình hình không được cải thiện, thì chỉ trong 20 năm nữa, 50% nhu cầu sử dụng nước ở Ấn Độ sẽ không được đáp ứng.

Hiện tượng khai thác quá mức mạch nước ngầm đang tràn lan ở Ấn Độ. Số liệu chính thức cho thấy, nước ngầm cung cấp đến 85% nước sinh hoạt cho người nông thôn.

Một trong những nguyên nhân chính mà tờ báo đưa ra, đó là việc ngành sản xuất nông nghiệp tiêu tốn quá nhiều nước. Ước tính, 90% lượng nước ngầm được khai thác là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ cuộc cách mạng xanh hồi những năm 1970, ngành nông nghiệp Ấn Độ phát triển vượt bậc. Các loại cây trồng ngốn nhiều nước như lúa hay mía đường được phát triển rầm rộ.

Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên mạch nước ngầm là nguồn đảm bảo tưới tiêu lý tưởng nhất. Chính quyền một số bang còn hỗ trợ giá máy bơm cho nông dân. Chính quyền chỉ tập trung khai thác nước ngầm, vì thế hệ thống kênh rạch và hồ chứa bị bỏ hoang và rơi vào cảnh suy tàn.

Syria : Mùa Ramadan đầy chết chóc

Liên quan đến điểm nóng Syria, nhật báo Le Monde cho hay, trong tháng Ramadan, chiến sự vẫn tiếp diễn, và có hàng ngàn người người đã thiệt mạng.

Theo số liệu của Cơ quan theo dõi nhân quyền Syria, có trụ sở tại Luân Đôn, trong tháng Ramadan vừa qua, tại Syria đã có 4.420 người thiệt mạng. Điều đáng chú ý là trong số những người thiệt mạng này, có 1.386 người là thường dân. Tức hơn 2/3 là các quân nhân của quân đội chính phủ và của phe nỗi dậy.

Mùa Ramadan năm ngoái, số người thiệt mạng là 5.440 người, trong đó thường dân chiếm đa số. Qua đó, tờ báo cho rằng, cuộc chiến tại Syria đã dần quân sự hóa, tức đã dần thu hẹp lại giữa quân đội hai phía, chứ không còn giữa người dân và quân đội nữa.

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong tháng Ramadan, chiến sự vẫn nóng bỏng, hai đội quân vẫn liên tiếp tấn công nhau. Tình hình an ninh ngày càng phức tạp. Ngay cả ở thủ đô Damas, đoàn xe của tổng thống Assad cũng đã bị tấn công bằng roquette và lựu đạn khi ông này đang trên đường đến một đền thờ Hồi giáo để dự lễ Aid el-Fitr.

Mỹ-Nga : Cơm chưa lành, canh chưa ngọt

Chiến tranh lạnh có vẻ đang trở lại giữa Nga với Mỹ sau khi phía Nga cho phép cựu nhân viên CIA và NSA của Mỹ tị nạn tạm thời, và sau khi phía Mỹ tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp giữa tổng thổng hai nước trong cuộc họp thượng đỉnh G20 sắp tới tại Saint-Petersbourg. Đó cũng chính là nhận định của tờ nhật báo cánh tả Pháp Libération.

Tờ báo nhắc lại, từ khi bước chân vào Nhà Trắng hồi năm 2009, tổng thống Obama đã bắt đầu chính sách « tái khởi động » (reset) quan hệ với Nga. Nhìn lại giai đoạn 2009-2011, chính sách này đã mang lại một số hiệu quả. Như việc Mỹ nhượng bộ Nga trên hồ sơ hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, đổi lại Nga đã đồng ý hợp tác với Mỹ trong hồ sơ giải trừ hạt nhân, hồ sơ Iran, Afghanistan, Libya hay Bắc Triều Tiên. Đây được xem là một trong những trụ cột thành công của chính sách ngoại giao của tổng thống Obama.

Thế nhưng, mối quan hệ này không chỉ có mật ngọt, mà cay đắng cũng có nhiều. Nga đã cáo buộc Mỹ đứng đằng sau các vụ biểu tình phản đối Putin ở Nga. Tổng thống Putin còn thể hiện thái độ bằng việc không đích thân đến tham dự thượng đỉnh G8 tại Camp David hồi tháng năm 2012, mà đã cử thủ tướng Medvedev thay thế. Về phía Mỹ, thì hồi tháng 12/2012, thượng viện nước này đã thông qua luật về “danh sách Magnitski” quy định cấm thị thực nhập cảnh đối với các quan chức Nga bị cho là liên quan đến cái chết của luật sư Sergey Magnitski trong nhà tù của Nga năm 2009. Thượng viện Nga lập tức trả tố cáo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nga.

Trên nền căng thẳng đó, thì quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Matxcơva của tổng thống Obama được đưa ra. Libération nhận định : « Tổng thống Obama tiếp tục làm ông Putin khó chịu trong khi mà ông Putin vốn có ý gặp tổng thống Obama tại Matxcơva càng sớm càng tốt, sau khi ông Obama tái đắc cử ». Tờ báo dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu về nước Nga của Mỹ : Ông Obama đã sai trong quyết định này, một quyết định mà trong ngắn hạn chẳng mang lại lợi lộc gì cả.

Libération tóm lược : Từ hai năm qua, quan hệ Nga-Mỹ được đánh dấu bằng những cuộc gặp bị hủy bỏ và những hành động khiêu khích nhau, và hiện không ai biết được chính xác điều gì sẽ cải thiện được mối quan hệ đó.

Anh-Tây Ban Nha : nóng bỏng hồ sơ Gibraltar

Cũng trên hồ sơ quan hệ quốc tế, nhật báo Le Monde có bài : «Cơn nóng sốt giữa Luân Đôn và Madrid về vấn đề Gibraltar ».

Tờ báo nhắc lại việc từ thế kỷ 18 đến nay, Gibraltar là nơi tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Anh quốc. Khu vực này đang nằm dưới sự kiểm soát của Anh, còn Tây Ban Nha thì không ngừng tuyên bố chủ quyền.

Rắc rối mới nổi lên khi hồi cuối tháng 7, chính quyền Gibraltar cho xây dựng một số bãi đá ngầm nhân tạo để ngăn chặn ngư dân Tây Ban Nha xâm nhập. Đáp lại, Madrid lập tức cho tăng cường kiểm soát tại ranh giới với Gibraltar, và dọa thu phí các trường hợp xuất nhập cảnh từ Gibraltar. Anh quốc đã dọa kiện ra tòa án Châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã điện thoại khẩn cấp cho thủ tướng Tây Ban Nga Mariano Rajoy.

Trong khi hai bên chưa tìm được giải pháp xuống thang, thì phía Anh dự định ngày 12 tới đây, một số tàu chiến của Anh sẽ cặp bến Gibraltar trong khuôn khổ một cuộc diễn tập.

Pháp : Phong trào chống đồng tính không nghỉ hè

Mùa hè là mùa đi tham quan, nghỉ dưỡng của người Pháp. Thế nhưng, phong trào chống hôn nhân đồng tính tại Pháp dường như không nghỉ dưỡng. Nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất chạy tựa lớn : « Cứu mạng ! Những người chống hôn nhân đồng tính đang trở lại ».

Tờ báo cho biết, trong những tháng hè, người chống hôn nhân đồng tính tại Pháp vẫn đấu tranh bằng mọi hình thức. Trang facebook của họ thường xuyên được cập nhật. Họ tổ chức các buổi hội thảo để bàn bạc tìm giải pháp hành động.

Họ dùng mọi cách để tuyên truyền. Trong cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp vừa qua (Tour de France), những người chống hôn nhân đồng tính tranh thủ khi ra đứng bên đường cổ vũ các vận động viên, họ đã mang theo băng rôn và hô hào tuyên truyền. Họ dự định mở một hội nghị mùa hè vào tháng 9 tới, với hàng ngàn người tham dự.

Hôm nay, họ bắt đầu cuộc đi bộ chống hôn nhân đồng tính mấy trăm cây số, và dự đính sẽ tới Paris vào cuối tháng này. Libération nhận định, họ tranh thủ mùa hè để huy động lực lượng, nhằm gây sức ép lên các cuộc thảo luận về chính sách xã hội của chính phủ sau khi mùa hè kết thúc.

Trung Quốc : Béo phì tăng trưởng cùng kinh tế !

Trong hồ sơ y tế, Le Monde đăng bài cho biết : « Tại Trung Quốc, béo phì không ngừng phát triển ». Theo một thăm dò vừa được chính quyền Trung Quốc công bố, có 11% người trong độ tuổi 20-39 bị béo phì. Con số này tăng lên 2% so với năm 2010. Còn nếu tính độ tuổi từ 20-69, thì có 34,4% bị dư cân. Có người béo phì nặng đến 130 kg.

Các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó họ nhấn mạnh đến hiện tượng người dân « được cơ giới hóa » quá mức. Tức mọi người đều chuộng việc di chuyển bằng xe gắn máy, và ngại đi bộ hoặc chạy xe đạp.

Bên cạnh đó, việc các thành phố lớn thiếu không gian xanh cho hoạt động thể dục thể thao cũng là một nguyên nhân. Đặc biệt, các chuyên gia còn chỉ trích sự thiếu quyết tâm của chính quyền trong việc chống béo phì.

Mùa hè Paris, đi xem gốm mỹ nghệ Nhật Bản

Trong mùa hè này, bảo tàng Guimet tại Paris dành trọng tâm cho cuộc triển lãm đồ gốm mỹ nghệ Nhật Bản. Đây là một bảo tàng quốc gia của Pháp, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Châu Á.

Đồ gốm mỹ nghệ của Nhật Bản có lịch sử lâu đời và có nhiều nét độc đáo riêng. Bảo tàng Guimet sẽ trưng bày đồ gốm mỹ nghệ của nghệ nhân lừng danh thế kỷ 20 của Nhật Bản, nghệ nhân Rosanjin. Ông vừa là thợ làm gốm, vừa là nhà thư pháp, vừa là họa sĩ. Các sản phẩm đồ gốm của ông được ông thiết kế từ đầu đến cuối. Ông được cho là đã sản xuất hơn 20.000 mặt hàng gốm sứ, chủ yếu tại sáu lò nung của ông ở Kita-Kamakura. Rosanjin sử dụng đất sét và kỹ thuật tráng men của nghệ thuật làm gốm truyền thống. Tại bảo tàng Guimet, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những đồ gốm và hoa văn tinh xảo được cho là do chính tay Rosanjin làm.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link