Saturday, August 17, 2013

Lựa chọn sáng suốt trước “khúc quanh” lịch sử – Bản lĩnh Người lãnh đạo


 

 

Lựa chọn sáng suốt trước “khúc quanh” lịch sử – Bản lĩnh Người lãnh đạo

Thường Dân

Lịch sử bao giờ cũng vậy: vào những thời khắc đặc biệt cần có những quyết định đột phá đó là lúc “khúc quanh” hay bước ngoặt lịch sử xuất hiện: lúc đó mâu thuẫn đã đến mức đòi hỏi Người lãnh đạo đội ngũ các cá nhân, hay tổ chức) phải có những quyết định đúng đắn, dứt khoát để cùng với cả tập thể – toàn dân tộc – vượt lên phía trước.

Vậy: “khúc quanh” của lịch sử là gì? Đó là khi mà Diễn biến của tình hình trở nên Đặc biệt: xuất hiện những sự kiện có tính đột phá, đột biến có tính đảo ngược hay thay đổi hướng đi của một con người, một cộng đồng, một dân tộc.
Những biến đổi tiềm tàng của tình hình nước ta hiện nay đòi hỏi những người lãnh đạo phải có quyết định kịp thời, đúng đắn nếu không sẽ dẫn đến đổ vỡ, mất mát, tụt hậu, kéo lùi bước tiến của xã hội.

Cách mạng thật sự là gì? Đó phải chăng là một công cuộc Đổi mới làm chấn hưng đất nước để tiến bộ? (Còn làm ngược lại chính là “phản cách mạng”).
Bài này chỉ xin bàn đôi nét về vấn đề thời cơ, tức câu hỏi về “khúc quanh” hiện thời của Đất nước.

Nhận định về thời cơ tức là xác định tình hình đất nước đã thật sự “nước sôi lửa bỏng” hay chưa.
Căn cứ vào đâu? Có rất nhiều vấn đề cả về chiều rộng và bề sâu. Chỉ xin đi vào một vài điểm:

Trong nước thì:
-         Chỉ xét về Chính trị: nạn tham nhũng tràn lan (vô phương cứu chữa?): Hội nghị Trung ương 4 không đạt yêu cầu (nói cách khác: thất bại), Hội nghị Trung ương 6 không kỷ luật được ai (kể cả “đồng chí X”) – lòng tin của dân xuống rất thấp, nạn tham nhũng chưa có cách nào khả dĩ có thể “trị” hay chí ít giảm bớt được.

Ai tham nhũng? “Bầy sâu” phá hoại “cái đất nước này” là những ai? “Không ít” những kẻ kết thành bè cánh để hình thành các “nhóm lợi ích” làm thất thoát hàng nhiều nghìn tỉ đồng của đất nước là những ai?

Dân thường có làm được không? Đảng viên thường có thực hiện được không? Nếu không nắm giữ những chức vụ quan trọng (từ phường xã trở lên đến cấp tỉnh, các Bộ ngành trung ương và các cấp chóp bu của Đất nước) thì có làm được không? Hay chỉ có những “đồng chí” có quyền chức mới có thể “làm được” tất cả những điều kể trên?

Xin thưa:
-         Có đấy: cô y tá (có lẽ “chức” này gần thấp”sát đất” rồi) ở trạm xá hay bệnh viện sẽ tiêm thuốc cho bệnh nhân “mạnh hay nhẹ tay”, tùy thuộc vào việc trong hồ sơ y bạ có kẹp “màu” hay không? Chưa nói đến các khoa, các bác sĩ.

Rồi đến các thầy, cô giáo, v.v. Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng chắc chắn “không ít”, nghĩa là nhiều, rất nhiều… và nếu là phổ biến thì đó là gì, nếu không phải là sự băng hoại hay xuống cấp trầm trọng của Đạo đức xã hội? Các lớp học, các trường học “thi đua” dẫn đến cùng nhau đạt 90-98% học sinh khá giỏi trở lên.

Cơ quan, công sở, công ty thì “luôn hoàn thành kế hoạch năm sau cao hơn năm trước”. “Bệnh thành tích” là một cách nói, nói trắng ra: đó là tệ dối trá lan tràn trong phạm vi toàn xã hội (từ trẻ con đến người lớn, từ gia đình đến nhà trường, xã hội, từ địa phương đến trung ương, từ doanh nghiệp đến các Bộ ngành). Đến mức trong xã hội ai sống thật thà, ngay thẳng bị coi là “lập dị”.

Xin học? Tiền.
Xin việc? Tiền.
Lên chức, lên lương? Tiền.
Nhà và đất (phi pháp)? Tiền. “Chạy án” bằng gì? Tiền.

 Quyền cao, chức trọng muốn có? Tiền và “rất nhiều tiền”. Xu thế của sự ngự trị của “văn hóa tiền” (nếu có thể gọi như thế) vẫn đang mở rộng và phát triển và đi cùng với nó là sự xuống cấp trong hầu hết các lĩnh vực (văn hóa, giáo dục, y tế,…) của xã hội.

-         Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp lỗ lã phá sản hàng loạt, doanh nhân sa sút, thất nghiệp trầm trọng.
-         Văn hóa, nghệ thuật có nhiều biểu hiện trì trệ,…

Mới đây nhất: Hội nghị Trung ương 7 nêu 6 việc, nhưng thực chất cái việc (1 trong 6) được dư luận quan tâm nhất là bầu nhân sự cấp cao (Bộ Chính trị) thì chệch “quĩ đạo” (của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư?). Nội bộ chia rẽ, phe phái, xu thế “trên bảo dưới không nghe” trong nội tình Đảng lãnh đạo xem ra khó đảo ngược!

Trong nước tình hình như thế đã bi đát chưa? Nguyên nhân gốc rễ nằm ở chỗ nào? Nguyên nhân của các nguyên nhân là ở đâu? Nội hàm của “lỗi hệ thống” hay “lỗi cơ chế” là gì?

Ta đã và đang làm thế nào? “Thiên hạ” xưa và nay người ta làm thế nào?

Người ta đang sống “trong lầm than” ra sao?? Nếu xác định đúng là Lỗi hệ thống thì tất yếu phải thay đổi cái “Hệ thống” lạc hậu đó đi. (Làm thế nào? Dĩ nhiên việc này phải làm từng bước, một cách khôn ngoan…, nhưng đó không phải là trọng tâm của bài viết này).

Đó là tình hình bên trong.

Đối ngoại thì sao?Nóng nhất là quan hệ Việt-Trung. Biển Đông đang dậy sóng chắc không ai không biết.

Dã tâm của “các đồng chí” ở phía Bắc từ Mao – Đặng cho đến Giang-Hồ và nay là Tập chắc chắn không mấy thay đổi mà chỉ thấy ngày càng nham hiểm hơn, hung hãn hơn, trắng trợn hơn. Mao đe dọa xâm lược và can thiệp. Đặng Tiểu Bình thì xua quân đánh thật “trên toàn tuyến biên giới”. Giang – Hồ thì ngoài mặt hữu hảo sau lưng xâm lấn biên giới, chơi con bài kinh tế và “quyền lực mềm”.

Đến Tập Cận Bình thì ngoài công cuộc “xâm lăng” về kinh tế một cách bài bản mà chúng ta đều biết về rừng đầu nguồn, dự án bô-xít Tây Nguyên,… ta hãy nhìn ra Biển Đông xem. Nào bản đồ “lưỡi bò”, cắt cáp, thành lập huyện Tam Sa, tổ chức tua du lịch đảo đến chuyện ức hiếp, bắt bớ ngư dân Việt là “chuyện thường ngày ở Biển”.

Vậy là lịch sử từ hàng ngàn năm qua đến nay vẫn chưa có gì khác: mưu đồ thôn tính, nô dịch, chèn ép dân – nước Việt của “người bạn lớn” phương bắc không hề thay đổi!

Ngày nay không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới gồm cả Nga, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, EU, các nước ASEAN, các nước Châu Phi, v.v. đang dõi theo và cảnh giác trước “người khổng lồ trung tâm thế giới” – Trung Quốc: Các chuyển động địa-chính trị, kinh tế thế giới đang được “vẽ lại” và bổ sung bằng những sự thật mới nhất với các bước đi có tính toán “thâm hậu” và ngông nghênh của Trung Quốc!

Tóm lại, xét cả trong lẫn ngoài: Vận mệnh đất nước, cơ đồ dân tộc đang đứng trước những thử thách thật sự nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết những người đang lãnh đạo đất nước Việt Nam – Đảng, Nhà nước, Quốc hội – cần hết sức tỉnh táo, dám hy sinh quyền lợi cá nhân và “phe nhóm” để tìm ra con đường và những bước đi thích hợp nhất cho dân tộc. Con đường đó chắc chắn phải nhằm mục tiêu chấn hưng đất nước, giữ vững sự toàn vẹn giang sơn do cha ông ta để lại. Con đường ấy chắc chắn phải huy động được sức mạnh của ý chí, lòng yêu nước và trí tuệ của toàn dân tộc Việt Nam.      

Con đường đó phải đưa dân ta sải bước cùng thời đại – sánh vai với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Khúc quanh lịch sử đã và đang xuất hiện rồi… các nhân tài đất Việt sắp bước vào trung tâm vũ đài lịch sử chưa?

Bản lĩnh của người lãnh đạo lúc này là biết lắng nghe và dám “bất vị thân” mà lựa chọn những người có Tâm và Tầm đứng ra giúp nước! Bản lĩnh lãnh đạo trước hết thể hiện ở chỗ biết THẬT SỰ Vì Dân, Tin Dân và Dựa hẳn vào Dân.

Bởi không ai khác: chính Nhân dân Việt Nam sẽ là người quyết định vận mạng của mình. Lịch sử đã và sẽ luôn là vậy. Toàn Dân tộc đã sẵn sàng!
 
T. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
 
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link