Chuyện mới Hà Nội
Mi Lâm
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp vốn là người An Giang, sau 20 năm sống ở Hà Nội ông đã tặng Hà Nội một bài hát để đời: Nhớ về Hà Nội, với giọng hát đầu tiên tuyệt đối hay là Hồng Nhung. Bài hát được sáng tác khi ông đã rời xa Hà Nội để trở về với mảnh đất phương Nam, với Sài Gòn hoa lệ u buồn sau chiến tranh.
Ở đó, trong bối cảnh sau giải phóng, con người bị phân hóa làm mấy lần, nhá nhem tranh tối tranh sáng không rõ mặt bạn hay thù, Hoàng Hiệp đã bật lên những lời mà chỉ có những người yêu Hà Nội khi lâm cảnh tha hương mới hiểu:
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình!
Điệp khúc “nhớ” được lặp lại như những thước phim âm bản đưa ta về với những hình ảnh của một Hà Nội xa xưa. Hà Nội ngày đó là những “phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè”, đó là Hà Nội đang thời kỳ phục hồi sau chiến tranh phá hoại với “những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối”.
Tình yêu được thăng hoa đơn giản như hoa nở dưới ánh mặt trời, những nơi hò hẹn đơn sơ chỉ là hàng cây bờ cội, ghế đá công viên, triền đê mượt cỏ mà chứa đựng trong đó là hồn cốt của kinh thành, của một Thăng Long nghìn năm văn hiến. Tháp Rùa nghiêng soi bóng trên một Hồ Gươm xanh thắm, đẹp vô cùng trong những chiều hoàng hôn ta được gặp “em đạp xe ra phố”, dáng em như dáng một Hà Nội thanh tân đang bay lên sau những nồng khét và mù mịt đạn bom.
Hà Nội về đêm, hè phố lặng im vang từng tiếng lá rơi, một khúc rao như lay động cả đám sương đang bảng lảng trên mặt hồ Halais, làm giật mình cả hàng cây hoa sữa đang dịu dàng tỏa hương thơm nồng. Phố rộng bên hồ cho hoa sữa tỏa hương, nồng nhưng không gắt. “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du”, những con phố mang tên những người anh hùng dân tộc, danh nhân dân tộc. “Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy”, những tên địa danh vang dội chiến thắng giặc ngoại xâm. Và trên tất cả, Hà Nội là nơi chứa đựng trong lòng kẻ xa xứ những “gương mặt mến thân”, những tri âm tri kỷ mặc khách tao nhân từ thủa lòng non và giấy mới. Có thể hiểu tâm thế của Hoàng Hiệp khi viết những lời ca về Hà Nội, đó cũng là tâm trạng của những sĩ phu Bắc Hà kiểu như Huỳnh Văn Nghệ đã từng thốt lên:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Bài hát “Nhớ về Hà Nội” được chọn làm nhạc hiệu của Đài PTTH Hà Nội, phổ biến ra cả nước. Hình ảnh của Hà Nội qua bài hát đã làm rung động biết bao trái tim người dân Việt Nam khi hướng về thủ đô. Được ra Hà Nội, được về Hà Nội dù chỉ một lần đã là mơ ước của bao nhiêu thế hệ.
Nhưng, lưu ý một điều, Hà Nội trong bài hát của Hoàng Hiệp là một Hà Nội của chính phủ Hồ Chí Minh, một Hà Nội có Bác Hồ, một Hà Nội được quản lý và điều hành bởi một vị thị trưởng đáng kính người Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng (1954-1977).
Từ sau đó, trừ một giai đoạn ngắn (3 năm) của Trần Tấn, các chủ tịch của Hà Nội đều không phải là người sinh ra ở Hà Nội. Từ Trần Vỹ (Hưng Yên), Lê Ất Hợi (Bắc Giang), Hoàng Văn Nghiên (Nam Định), Nguyễn Quốc Triệu và Nguyễn Thế Thảo (đều người Bắc Ninh). Mặc dù vậy, vẻ đẹp thanh bình của Hà Nội vẫn còn giữ được đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20.
Càng về sau này, diện mạo Hà Nội ngày một thay đổi theo chiều hướng đáng lo ngại dù những thay đổi dù chủ quan hay khách quan đều bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Hà Nội rộng lớn hơn, đông đúc hơn, nóng nực hơn, bụi bặm hơn, xấu xí hơn và bẩn thỉu hơn. Những không gian xanh bị mất đi nhiều do những diện tích ao hồ, công viên và đồng ruộng ngày một thu hẹp. Không những thế, hơn 20 năm sau, Hà Nội tiếp tục trải qua một trận bão lớn với sự ra tay của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội mà mục tiêu là 6.708 cái cây trồng trên hè phố.
Chiến dịch chặt hạ, thay mới cây thực sự là một thảm họa khi nhận được sự phản đối dữ dội của nhân dân Hà Nội, đặc biệt là những người đã sống lâu năm trên mảnh đất này. Với họ những cái cây không chỉ là những thực vật thuần túy mà đã trở thành những người bạn, thậm chí đã hóa thân thành thần linh thảo mộc nương náu chốn này.
Chiến dịch đã phải dừng lại sau khi mới đi được một phần ba chặng đường kèm theo những chuyện cười ra nước mắt khi có sự tranh luận gay gắt về “nhân thân” của một cái cây khiến mẩu chuyện “mỡ hay vàng tâm” đã trở thành tiếu lâm trên hè phố. Kết luận thanh tra đã cho một số kết luận sau:
Thứ nhất là chủ trương đúng đắn. Công tác tuyên truyền chưa đủ nên gây sự hiểu lầm trong nhân dân. Thứ hai, khẳng định cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây MỠ chứ không phải Vàng Tâm, phát hiện một số việc thực hiện không đúng quy trình và/hoặc thiếu hồ sơ, một số “thủ phạm” được nhắc đến trong kết luận là các công ty tư nhân Thịnh An, Vĩnh An và Bình Minh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm (đều thuộc Sở Xây dựng Hà Nội). Ngoài ra cũng đề cập đến trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở TT&TT, các cơ quan truyền thông của thành phố, lãnh đạo Thành phố.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Hà Nội kiến nghị (trích):
1. UBND TP Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của Lãnh đạo UBND do thiếu kiểm tra và sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai viêc thực hiện cải tạo thay thế cây xanh ở Thủ đô;
2. Sở Xây dựng Hà Nội kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở và những cá nhân trực tiếp liên quan, Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Từ kết luận của Thanh tra Hà Nội, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, ban cán sự Đảng UBND TP kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND, Sở Xây dựng, các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền, xong trước ngày 30/6/2015.
Hôm nay là 29/6/2015, các báo đài vẫn lặng ngắt trong khi nhân dân thì vẫn đang sốt ruột chờ xem hình thức kỷ luật nào sẽ được đưa ra đối với các tập thể và cá nhân sau khi kiểm điểm.
Không lẽ vụ việc lại “chìm xuồng”? Chắc là không chìm được vì cơn bão Hagibis ngày 13/6/2015 đã một lần nữa cho thấy chủ trương đúng đắn của chiến dịch đồng thời cũng giúp lãnh đạo Hà Nội nhìn thấy tận mắt việc thực hiện của bộ phận chức năng khi có những cây mới trồng bị gió giật bật tung gốc còn nguyên cả bọc nylon dùng cho vận chuyển.
Trước đó, ở một bài phỏng vấn, Tướng Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) cũng bày tỏ sự lo lắng, nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì sau này sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với các quyết định của thành phố.
“Việc chặt cây này, dân chưa thuận chứng tỏ việc lãnh đạo của cán bộ chúng ta chưa đúng. Một lần đưa ra mà dân nghi ngờ thì sau này, các chủ trương đưa ra dù đúng thì người ta cũng nghi ngờ.
Điều đó, gây ra một tác động không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của thành phố. Ở đây, cần phải có cách làm hợp lý, phù hợp, các địa điểm cây còn đẹp, chưa cần phải thay thế thì nên giữ cây cũ lại.
Việc thành phố 5 – 7 năm mới có lại bóng mát như xưa thì không ai chịu được. Măng có mọc thì mới chặt tre già đi còn măng chưa mọc đã chặt tre già rồi thì không thể được“, Tướng Thước nhấn mạnh.
Thật cay đắng khi ông tướng già nhìn thẳng vào sự thật, đã phát hiện ra một điều rất đau lòng của lãnh đạo Hà Nội thời nay, đó là “chặt tre khi măng còn chưa mọc”. Hành động này thể hiện sự ngu ngốc không thể biện minh, khiến nhiều con đường trở thành “sa mạc”. Không chỉ thế, nó còn cho thấy tầm nhìn rất giới hạn của lãnh đạo Hà Nội mặc dù có rất nhiều giáo sư tiến sỹ, thạc sỹ, thậm chí còn có hẳn một ông Thị trưởng xuất thân là dân Kiến trúc.
Đồng quan điểm đó, ông cựu dân biểu Lê Văn Cuông cũng bày tỏ, người dân được thụ hưởng và đã góp rất nhiều công để bảo vệ, chăm sóc cây xanh, tuy nhiên, thành phố chặt cây lại không hỏi ý kiến của họ, như vậy là không đảm bảo được quyền dân chủ
“Ngoài việc không hỏi ý kiến người dân thì việc chặt hạ cây xanh ào ào mà không có chọn lọc, xác định kỹ đã tạo nên sự nghi ngờ là có lợi ích nhóm hay vấn đề gì đó không trong sáng ở chủ trương này.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo của thành phố trả lời không thống nhất, mâu thuẫn nhau, điều đó, chứng tỏ có vấn đề không chặt chẽ ở đây“, ông Cuông chia sẻ.
Thêm nữa, vấn đề nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý cá nhân có liên quan như thế nào. Dư luận chờ đợi và lúc đó, mới có thể đánh giá xem Hà Nội có nghiêm túc, tôn trọng ý kiến của dân không.
Vị này nhấn mạnh: “Nếu như để giảm sức nóng của dư luận rồi tuyên bố hùng hồn, có vẻ là nghiêm túc nhưng cuối cùng lại “đầu voi, đuôi chuột” , hay 30 ngày sau mọi việc lại giải quyết không minh bạch, giơ cao đánh khẽ thì sẽ tiếp tục làm người dân mất niềm tin”.
Tướng Thước đã khẳng định: không có việc gì là không liên quan đến người dân, quyền lực thuộc về Nhà nước nhưng lợi ích thuộc về nhân dân và Đảng ta là Đảng của dân, vì dân. Một đảng viên sai phạm đương nhiên đảng viên đó phải kiểm điểm và chịu hình thức kỷ luật, một chi bộ đảng bộ có đảng viên sai phạm cũng phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan, đặc biệt là trách nhiệm và vai trò người đứng đầu. Các lãnh đạo Hà Nội đều là đảng viên. Công luận đang hết sức chờ đợi thông báo của Ban Cán sự Đảng thành phố cũng như từ các cơ quan hữu quan.
Nên nhớ, việc sử dụng tiền ủng hộ của cán bộ và chiến sỹ Công an Thành phố Hà Nội và tài trợ của ngân hàng VPBank sai mục đích (từ trồng cây vàng tâm như đã phê duyệt sang thành cây mỡ) có dấu hiệu hình sự hay không còn là một câu chuyện dài mà nếu lãnh đạo thành phố Hà Nội không quan tâm thì kết quả cuối cùng sẽ không lường trước được.
Một câu nói từ muôn đời đã có mà các vị lãnh đạo vẫn thường nói nhưng lại hay quên, xin được nhắc lại: Lấy Dân Làm Gốc!
Nhân dân sẽ ghi nhớ tất cả những gì các vị làm, kể cả những lời hứa suông!
Hà Nội ngày 29 tháng 6 năm 2015
M.L.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___