Lạc quan tếu!
Đoàn Thi
Sáng thứ Năm 21 tháng 6 vừa qua, sau một phiên họp “thâu đêm suốt sáng”, Quốc hội liên bang Úc đại lợi vẫn không đạt được một giải pháp nào cho vấn đề thuyền nhân. Dự luật do dân biểu độc lập Rob Oakeshott đệ trình và được Hạ viện thông qua đã bị các nghị sĩ Liên Đảng và Đảng Xanh chận lại, ngay cả bằng nước mắt của thượng nghị sĩ Đảng Xanh Sarah Hanson Young.
Chính phủ vẫn khăng khăng với giải pháp Mã Lai, vốn đã bị Tối Cao Pháp Viện ngăn chặn. Đối lập thì vẫn một mực bám vào giải pháp Nauru, tức giải pháp “Thái bình dương” được đề ra dưới thời thủ tướng John Howard. Vào giữa lúc vấn đề thuyền nhân đang phải “lênh đênh” như chính số phận của các thuyền nhân giữa biển khơi thì các ông bà dân biểu và nghị sĩ bận...đi nghỉ mùa Đông.
Chuyến viếng thăm Úc đại lợi của ông Susilo Yudhoyono, tổng thống Nam Dương, xem ra cũng chẳng mang lại chút hy vọng nào cho chính phủ trong việc tìm kiếm một giải pháp thuyền nhân. Trong một tuyên ngôn chung sau cuộc gặp gỡ tại Darwin, thủ tướng Julia Gillard và tổng thống Nam Dương cam kết đẩy mạnh những nỗ lực nhằm chận đứng nạn đưa lậu người từ Nam dương vào Úc đại lợi. Nhưng những hứa hẹn của tổng thống Yudhoyono xem ra cũng chẳng bảo đảm chận đứng được hiện tượng chuyển lậu người vào Úc bằng đường biển.
Chuyện thuyền nhân có làm “mủi lòng người dân Úc và gây sóng gió tại nghị trường Quốc hội” đấy, nhưng đối với các chính trị gia cũng như đại đa số người dân Úc hiện nay, vấn đề trước mắt vẫn là thuế Khí thải, vừa bắt đầu có hiệu lực kể từ kể từ ngày 1 tháng 7 vừa qua. Lợi dụng kỳ nghỉ mùa Đông này, chính phủ cũng như đối lập tung người đi khắp nơi để tìm cách thuyết phục dân chúng về “lợi ích” hay “tác hại” của thuế này.
Dĩ nhiên, Đối lập thì vẫn một mực rêu rao rằng thuế Khí thải làm cho giá sinh hoạt gia tăng, trong khi chính phủ thì lại khẳng định rằng “trời vẫn chưa sập” như Đối lập luôn đoán mò; mọi sự vẫn tốt đẹp; rồi đây dân chúng Úc sẽ thấy được “lợi ích” của thuế này và nhận ra thiện ý của chính phủ.
Mà thật vậy, trái với tiên đoán của Đối Lập, một cuộc khảo sát do Đài ABC thực hiện cho thấy thuế Khí thải không làm cho giá hàng tạp hóa thay đổi. Mới đây, chính thủ tướng Gillard cũng đã đích thân viếng thăm 3 cửa hàng tạp hóa tại Sydney và đưa ra nhận xét rằng giá cả không thay đổi sau khi thuế Khí thải có hiệu lực. Giá cả trong các siêu thị lớn cũng chẳng thay đổi.
Quả thật, mọi sự xem ra vẫn như cũ. Có khác chăng là mới đây, các ông bà dân biểu và nghị sĩ liên bang lại được tăng lương thêm 3 phần trăm nữa. Chẳng hạn như lương hiện nay của thủ tướng lên đến 495.430 Úc kim, nghĩa là mỗi tuần được tăng thêm 2500 đô.
Nhưng chắc chắn đây không phải là lý do khiến cho thủ tướng Gillard và chính phủ Lao động “lạc quan”.
Nếu bà và những người ủng hộ bà có lạc quan là vì vẫn tin tưởng rằng rồi đây thuế Khí thải sẽ được dân chúng Úc “đón nhận” như đã từng đón nhận thuế GST cách đây 12 năm và sẽ trả lại uy tín cho chính phủ Lao động.
Đây quả là một thái độ “lạc quan tếu” bởi vì, bất kể giá sinh hoạt có lên xuống hay không, bất kể Đối Lập có hù dọa hay không, lòng dân đối với bà Gillard và chính phủ Lao động xem vẫn không thay đổi. Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có đến 62 phần trăm dân chúng Úc không chấp nhận thuế Khí thải. Và dĩ nhiên, sự ủng hộ dành cho Lao động vẫn không vượt khỏi làn ranh 30 phần trăm.
Tự lừa dối mình
Thủ tướng Gillard vẫn không ngừng kêu gọi dân chúng hãy tự mình xem xét và phán quyết về thuế Khí thải chứ đừng “nhẹ dạ” nghe theo lời phỉnh gạt của các “chính trị gia”, dĩ nhiên ý bà muốn ám chỉ các chính trị gia đối lập. Vậy mà khi trên 60 phần trăm cử tri Úc cho biết không ủng hộ thuế này, thì bà và chính phủ của bà lại xem thường phản ứng này.
Chính phủ Lao động vẫn tiếp tục tự an ủi mình bằng cách so sánh thuế Khí thải với thuế GST dưới thời thủ tướng John Howard. Thủ tướng Gillard có lẽ quên mất kinh nghiệm cay đắng mà Liên Đảng đã từng trải qua, bởi vì chính thuế GST đã làm cho Liên Đảng thất cử trong cuộc bầu cử Liên bang năm 1993.
Ông Peter Reith, phát ngôn viên về kinh tế của Liên đảng đối lập lúc bấy giờ cho biết trong 3 năm từ 1990 đến 1993, ông là người đại diện chính của Liên đảng để quảng bá thuế GST. Mặc dù vào thời đó, tại Âu châu và nhiều nơi khác trên thế giới, thuế GST đang rất thịnh hành, Liên đảng vẫn không thể thuyết phục được cử tri Úc ủng hộ thuế này.
Năm năm sau, một lần nữa vì tìm cách đưa thuế GST trở lại mà chính phủ Howard đành phải mất hai ghế. Nói cách khác, cứ mỗi lần bầu cử mà đưa thuế GST ra là mất phiếu. Nếu phải so sánh thuế Khí thải với thuế GST, thì chính phủ Lao động nên nhớ đến bài học trên đây của Liên Đảng. Số phận của chính phủ thiểu số Lao động lại đang như sợi chỉ mành treo trên một...chiếc ghế: chỉ cần mất chiếc ghế này là chính phủ đi đoong! Theo ông Reith, nếu cần so sánh, thì có lẽ chính phủ Lao động nên so sánh thuế Khí thải với thuế thân (poll tax) do thủ tướng Anh Margareth Thatcher đề ra: sự nghiệp chính trị của nữ thủ tướng được mệnh danh là “Bà Sắt Thép” (The Iron Lady) này đã tiêu tùng vì thuế này!
Dù chính phủ Lao động có biện minh thế nào đi nữa, trong cái nhìn chung của dân chúng, thuế Khí thải vẫn là thứ thuế gây tổn thất cho doanh nghiệp và như vậy hạ giảm khả năng cạnh tranh của Úc đại lợi. Mà hiện nay, trong thời buổi kinh tế toàn cầu này, cạnh tranh vẫn là mục tiêu của kinh tế. Do đó, tại Úc đại lợi, không thể so sánh thuế Khí thải với bất cứ thứ thuế nào khác. Thuế này lại gây tranh cãi đến độ ngay cả chính phủ cũng không tìm được một lý do khả dĩ đủ thuyết phục để biện minh cho lý do hiện hữu của nó.
Đó là dân chúng cũng không cần phải chạy theo thủ lãnh đối lập Tony Abbott để lập lại rằng thuế này được khai sinh từ một hành động dối trá của bà Gillard. Đây mới thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến thái độ thiếu tin tưởng của dân chúng đối với thủ tướng Gillard và thuế Khí thải.
Thật ra, không cần phải có thuế khí thải, ngay từ đầu chính phủ Lao động đã không được lòng dân. Theo ông Reith, kết luận duy nhất mà người ta có thể rút ra trong lúc này là Lao động cần phải thay đổi lãnh đạo và đồng thời cũng thay đổi chính sách.
Đáng tiếc thay, các thành viên nội các lão thành xung quanh bà Gillard lại xem ra không có đủ uy tín, sự sáng suốt hay sự tinh nhạy để nhận ra hay đúng hơn chấp nhận cái thực tế phũ phàng trước mắt là “cửa tử” của Lao động. Họ biết quá rõ rằng với thuế Khí thải, Lao động cầm chắc trong tay là sẽ bị đánh bại trong cuộc bầu cử Liên bang vào năm tới. Nhưng như bày thiêu thân, họ vẫn lao đầu vào chỗ chết.
Ông Reith viết: “Một trong nhiều vấn đề của bà Gillard chính là phe nhóm của bà, nhưng lại không thay đổi được”.
Một chút hy vọng trong con đường cùng
Biết mình sẽ chắc chắn thất bại trong cuộc bầu cử Liên bang vào năm tới, tại sao Lao động vẫn cố bám chặt vào thuế Khí thải? Theo ký giả Christopher Pearson của báo The Australian, chính phủ Lao động đang làm hết sức có thể để ngăn cản không cho Liên Đảng thực hiện các chương trình của mình. Một trong những chương trình mà thủ lãnh đối lập Tony Abbott luôn đề ra như ưu tiên hàng đầu của ông là ngay trong ngày đầu tiên lên làm thủ tướng, ông sẽ đẩy lui thuế Khí thải và thuế Hầm mỏ.
Liệu ông Abbott có thể thực hiện được cam kết của mình không? Ký giả Pearson đưa ra một giả thuyết gần như chắc chắn rằng những dân biểu Lao động nào cương quyết bảo vệ thuế Khí thải cho đến cùng sẽ không có hy vọng được tái cử trong cuộc bầu cử Liên bang vào năm tới.
Cứ như đà chống đối của dân chúng đối với thuế Khí thải vẫn tiếp tục gia tăng như hiện nay và nhất là tỷ lệ ủng hộ dành cho Lao động lại không thể vượt qua được ngưỡng cửa 30 phần trăm như hiện nay, thì nếu có diễn ra một cuộc bầu cử bán phần Thượng viện Liên bang, may mắn lắm Lao động chỉ chiếm được hai ghế tại mỗi tiểu bang.
Theo giả thuyết này thì ông Abbott đương nhiên sẽ nắm được phe đa số tại Thượng Viện. Với sự giúp đỡ của thuợng nghị sĩ độc lập Nick Xenophon và thượng nghĩ sĩ John Madigan, thuộc tiểu bang Victoria, ông Abbott sẽ đẩy lui thuế Khí thải và thuế Hầm mỏ một cách dễ dàng như trở bàn tay. Đó là chưa nói đến lá phiếu của một thượng nghĩ sĩ Liên Đảng cầm chắc sẽ được bầu lên tại tiểu bang Queensland.
Cũng theo suy đoán của ông Pearson, vì tổng trưởng kinh tế Wayne Swan không đạt được thặng dư ngân sách như đã hứa, thủ tướng Gillard có thể bị buộc phải cho tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào mùa Xuân tới đây. Dựa trên Hiến Pháp, Tổng toàn quyền Quentin Bryce sẽ không có lý do gì để không cho phép thủ tướng Gillard được tổ chức một cuộc bầu cử sớm như thế. Trong trường hợp này, một cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện cũng sẽ được tổ chức cho phù hợp với cuộc bầu cử Hạ Viện.
Trong lịch sử Liên Bang, ít nhất là trong một phần tư thế kỷ vừa qua, Tổng toàn quyền thường không để cho hai cuộc bầu cử hai viện Quốc hội diễn ra vào hai thời điểm khác nhau, vì những cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện rất tốn kém.
Vì khôn ngoan, các chính phủ cũng thường làm hết sức có thể để tránh những cuộc bầu cử riêng rẽ như thế ngay cả khi được phép cho tổ chức bầu cử sớm, bởi vì theo tâm lý thông thường dân chúng không thích đi bầu cử nhiều lần trong cùng một năm. Hơn nữa, các cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện cũng dễ biến thành một thứ trưng cầu dân ý qua đó người dân bày tỏ sự bất tín nhiệm với chính phủ và tạo áp lực để thủ tướng phải ra đi.
Trong bất cứ trường hợp nào, với Lao động, bầu cử sớm chỉ có nghĩa là chấp nhận thua cuộc và nhường quyền lại cho Liên Đảng.
Điều này xem ra không phải là điều mà thủ tướng Gillard chờ đợi hay mong muốn. Dẫu biết chắc sẽ thất bại trong cuộc bầu cử Liên bang vào năm tới, bà Gillard hay người kế vị của bà vẫn cố gắng lê lết cho đến cùng.
Hồi tuần trước, bà Gillard và ông Greg Combet, đương kim tổng trưởng về Thời tiết thay đổi, Năng lượng và Kỹ nghệ, đã đả kích thậm tệ chiến dịch “hù dọa” của ông Tony Abbott. Theo bà và ông Combet, không chóng thì chày, bộ mặt thật của ông Abbott sẽ được lộ ra chẳng khác nào một anh “sơn đông mãi võ”. Thật ra, nói như thế cũng oan và thiếu công bình đối với lãnh tụ của một Đảng Đối Lập, bởi vì Đối lập cũng là những vị dân cử được dân chúng tín nhiệm bầu lên và họ được bầu lên với nhiệm vụ trở thành một thứ rào cản cần thiết đối với những chính sách sai lầm của chính phủ. Thuế Khí thải đã có hiệu lực, nhưng cuộc tranh luận, nhất là trong nghị trường, vẫn tiếp diễn.
Chính phủ vẫn cho rằng kể từ ngày 1 tháng 7 vừa qua, Úc đại lợi bước vào một khúc quanh mới với một cuộc cải tổ quan trọng về kinh tế và môi sinh. Với 5 tỷ Úc kim được bỏ ra để bù lỗ cho những thiệt hại do thuế Khí thải có thể tạo ra, chính phủ Lao động cũng tự nhận mình là chính phủ của giới trung lưu và giai cấp lao động có thu nhập thấp.
Về phía Đối lập, lãnh tụ Abbott cũng không ngừng nói rằng với thuế Khí thải, Úc đại lợi đang bước một bước thụt lùi gây thiệt hại cho kinh tế và dĩ nhiên đời sống của dân chúng. Thực tế cho thấy bên nào cũng phóng đại về những “lợi ích” hay “thiệt hại” của thuế Khí thải.
Thủ tướng Gillard vẫn một mực cho rằng chính vì chiến dịch hù dọa của Đối Lập mà dân chúng Úc đã không chịu đón nhận thuế Khí thải.
Kỳ thực, không đợi cho đến khi thuế Khí thải có hiệu lực, chính thái độ “không thành thật”, tiền hậu bất nhất, hứa một đàng làm một nẻo của bà Gillard mới khiến cho chính phủ Lao động lâm vào “cửa tử” như hiện nay.
Điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc bầu cử sớm? Nếu Liên Đảng chiến thắng một cách áp đảo tại cả hai viện Quốc hội, thì luật thuế Khí thải sẽ bị đẩy lui và chắc chắn tên tuổi của bà Gillard sẽ đương nhiên được ghi đậm trong lịch sử Úc đại lợi.
Nhưng liệu bà Gillard có chịu bó tay đầu hàng một cách nhục nhã như thế không? Có thể làm thày mò để đoán rằng ông Abbott sẽ chỉ chiếm được đa số ghế tại Hạ viện, còn Thượng Viện thì vẫn còn do Lao động và Đảng Xanh kiểm soát.
Trong vai trò đối lập, chắc chắn Lao động sẽ chiến đấu cho tới cùng để thuế Khí thải và thuế Hầm mỏ không bị chính phủ Liên Đảng đẩy lui.
Đây có thể là chút hy vọng còn sót lại của Lao động trong con đường cùng hiện nay.
Là một người đầy mưu tính, bản lĩnh và giỏi thương lượng, thủ tướng Gillard chắc chắn sẽ còn rất nhiều trò ngoạn mục để “cứu” cái ghế thủ tướng của mình.
Giá mà bà dùng mưu trí và thì giờ đó vào những chuyện quốc gia đại sự khác hay ít nhất chuyện “cứu” người tầm trú khỏi số phận “lênh đênh” vì chưa có “chính sách” như hiện nay thì tốt biết bao nhiêu.
Đoàn Thi