Saturday, July 7, 2012

Tương lai nào cho Syria

Tương lai nào cho Syria

Trúc Giang MN

Syria đang ở bờ vực một cuộc nội chiến

 

 

 

 

 

 

1* Mở bài

Chịu ảnh hưởng của cuộc “cách mạng hoa lài” ở Tunisia, cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu từ ngày 15-3-2011, đến nay hơn 15 tháng với tổng số người chết lên tới 14,400 trong đó đa số là thường dân, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em.

Thời gian gần đây, quân chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đã dùng đại bác, xe tăng, hoả tiễn tấn công vào các thành phố có quân nổi dậy như Homs, Hama, Houla…Diễn biến mới nhất là ngày 22-6-2012, Syria đã bắn hạ chiếc phản lực cơ F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ, đưa xung đột ra ngoài biên giới, khiến cho thế giới lo ngại chiến tranh có thể sẽ xảy ra trong khu vực.

2* Syria bắn rơi phi cơ của Thổ Nhĩ Kỳ

2.1. Chiếc phản lực cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn rơi

Ngày 22-6-2012, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ mất liên lạc vô tuyến với chiến đấu cơ F-4 Phantom vào lúc 11:58 giờ địa phương khi chiếc phi cơ nầy đang bay trên bầu trời tỉnh Hatay, sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Erhac thuộc tỉnh Malatya.

Một trong 2 F-4 bị bắn hạ

Phi cơ  F4 của Thổ Nhĩ Kỳ

Phi cơ  F4 của Thổ Nhĩ Kỳ

Một tuyên bố của quân đội Syria nói rằng: “Một vật bay không được xác định” đã xâm nhập không phận Syria lúc 11:40, bay thấp với tốc độ rất cao, phòng không Syria đã nhắm và bắn hạ phi cơ nầy vào khoảng 1 km tính từ bờ biển của Syria, đó là phù hợp với pháp luật hiện hành”. Bản tuyên bố cho biết tiếp “chiếc F-4 đã bốc cháy và rơi xuống biển tại một điểm cách làng Om al-Tuyor, ngoài khơi bờ biển Latakia, trong vùng biển thuộc lãnh thổ Syria.

Đài truyền hình Syria phát đi bản tin, “Sau khi mục tiêu trở nên rõ rệt là một chiếc phi cơ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, tiến vào không phận của chúng tôi nên bị bắn hạ”.

2.2. Một biến cố nghiêm trọng

Phát ngôn viên LHQ, trích lời của Tổng Thư Ký Ban Ki-moon: “Ông hy vọng sự cố nghiêm trọng nầy có thể được xử lý với sự kềm chế của hai bên thông qua các kênh ngoại giao”.

Ngay buổi tối hôm đó, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) Recept Tayyip Erdogan đã họp khẩn cấp với các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và tổng tham mưu trưởng Necdet Ozel. Văn phòng tham mưu trưởng Ozel phát ra bản tuyên bố: “Theo kết quả thu được, chúng tôi hiểu rằng máy bay của chúng tôi bị bắn hạ ở Syria”.

Phóng viên BBC ở Istanbul đưa tin: “Sự cố nầy có tiềm năng nảy sinh ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, sự việc còn tùy thuộc vào sự sống chết của hai phi công, nếu như phi công chết, có thể đẩy TNK vào sự trừng phạt, đưa tới trầm trọng hơn”.

Một số người dân TNK ở tỉnh Hatay kể lại, họ thấy 2 chiếc phi cơ bay rất thấp về phía biển nhưng chỉ có một chiếc trở về.

Phát biểu trên đài truyền hình, thủ tướng TNK Recept Tayyip Erdogan xác nhận, phản lực cơ

F-4 đã rơi xuống Địa Trung Hải cách thành phố Latakia của Syria 13km. Các tàu Syria và TNK đang tìm kiếm hai phi công. “Tôi không có thể nói là phi cơ đã bị bắn hạ, khi chính phủ chưa nhận được tin tức đầy đủ và chính xác”.

Ngày 23-6-2012, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho biết, phản lực cơ F-4 Phantom của nước ông đã bị phòng không Syria bắn rơi, có thể đã vi phạm không phận Syria. Ông nói: “Các chiến đấu cơ với tốc độ cao vượt qua biên giới một khoảng cách ngắn là chuyện vẫn thường xảy ra. Cuộc điều tra sẽ xác định có phải chiếc F-4 bị bắn rơi ở không phận TNK hay không?”

Lời tuyên bố nầy xác nhận là phi cơ TNK đã vi phạm không phận Syria một khoảng cách ngắn.

Đương nhiên là TNK biết rõ vụ việc hơn ai hết, vì nhân chứng cho biết 2 chiếc phi cơ bay ra biển nhưng chỉ có một chiếc trở về, thì phi công trở về đó có thể báo cáo mọi việc một cách chính xác về chi tiết của chiếc kia. Ngoài ra, phòng không Syria cũng biết vụ bắn hạ xảy ra như thế nào. Cả hai bên đều biết rõ sự việc đó.

2.3. Có phải Syria thấu cấy?

Sau nội vụ, Syria cho 3 tàu tuần tháp tùng 4 tàu của TNK ra biển tìm kiếm 2 phi công mất tích của chiếc F-4 bị bắn rơi. Một nhân chứng địa phương cho phóng viên RT Arabic biết là, chiếc phi cơ rơi trên lãnh thổ Syria, hai phi công nhảy dù ra và bị bắt. (Local witness has told RT Arabic that the plane crashed on Syrian territory and that the two pilots were captured)

Nếu thật Syria bắt 2 phi công mà giả bộ đưa tàu ra biển tìm người, như giăng cái bẫy để sau cùng đưa hai “giặc lái” lên tivi nhận tội, thì đúng là một đòn thấu cấy.

Bản tin ngày 5-7-2012 của trang Việt Báo cho biết, tàu ngầm thám hiểm biển sâu E/V Nautilus của Hoa Kỳ đã tìm thấy thi hài của 2 phi công Thổ Nhĩ Kỳ là đại úy Gokham Ertan và trung úy Hasan Huseyin Aksoi dưới đáy Địa Trung Hải ở độ sâu trên 2,000m ngoài khơi Syria.

2.4. Phản ứng của NATO

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO (North Atlantic Treaty Organization), theo điều 4 của NATO, khi một thành viên bị tấn công và đe dọa thì có quyền tham vấn.

Ngày 26-6-2012, 28 thành viên NATO họp khẩn cấp tại tổng hành dinh Brussels để nghe Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật về chiếc F-4 bị Syria bắn rơi và Syria lại bắn lần thứ hai vào một chiếc phi cơ tham gia tìm kiếm 2 phi công mất tích.

Sau buổi họp, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen tuyên bố với báo chí: “Tất cả các thành viên cùng đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và lên án mạnh mẽ nhất, hành động không thể chấp nhận được của Syria”.

Chỉ tuyên bố thôi.

Phản ứng của Liên Âu. Đại diện Liên Âu về an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton đã “kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kềm chế trong phản ứng”.

Phản ứng của Nga. “Chiếc F-4 bị bắn rơi chứng tỏ hệ thống phòng không của Syria có hiệu quả. Việc bắn chiếc F-4 là để trắc nghiệm hệ thống radar và hỏa tiễn mà Nga đã bán cho Syria”.

3* Nga cung cấp vũ khí cho Syria

3.1. Tàu chở trực thăng của Nga bị Anh Quốc chận lại

Ngày 19-6-2012, chiếc tàu vận tải Nga MV Alead của công ty Femco, khởi hành từ cảng Kilinigrad, đã phải dừng lại ngoài khơi Scotland, Anh Quốc, lý do là công ty bảo hiểm Anh đã quyết định xé hợp đồng sau khi Hoa Kỳ báo tin chiếc tàu nầy chở trực thăng chiến đấu Mi-25 đến Syria.

Trực thăng chiến đấu  Nga Mi-25

Chiếc tàu phải tắt máy nằm chờ vì không có bảo hiểm lưu hành, mà theo luật quốc tế, không có bảo hiểm thì không được cặp bến nào cả. Công ty bảo hiểm Anh Standard Club cho biết, đã thông báo với chủ nhân tàu Nga, là bảo hiểm không còn hiệu lực vì bản chất của chuyến du hành. Tàu Nga cho biết là chở đạn dược đến Syria, do đó hợp đồng bảo hiểm bị rút lại do lịnh cấm vận của Liên Âu đối với Syria.

Trước đó một tuần, ngoại trưởng Hillary Clinton đã báo động, là nhiều trực thăng chiến đấu Nga đang trên đường đến Syria, tăng cường cho quân đội để tàn sát thường dân.

Nga công nhận chiếc tàu chở trực thăng cho Syria, nhưng đó là chuyến giao hàng mà Syria đã đặt mua từ lâu trước kia. Tàu MV Alead sợ bị khám xét nên trở về Nga.

3.2. Những vũ khí Nga mà Syria đang xử dụng

Toà đại sứ Mỹ ở Damascus đã công bố những bức ảnh cho thấy các đơn vị xe tăng và pháo binh của Syria đang bao vây và tấn công vào các thành phố có quân nổi dậy, đó là những đại bác nòng 240mm của Nga với đầu đạn nặng 126kg, có chất nổ cực mạnh.

Những vũ khí Nga mà Syria đang xử dụng được liệt kê như sau:

3.2.1. Xe tăng

Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS (Center for Strategic and International Studies) thì xe tăng Syria đang sở hữu, gồm có:

-         4,900 xe tăng chủ lực trong đó có 1,700 T-72, 1,000 T-62 và 2,200 T-55

-         4,000 xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép

3.2.2. Pháo binh

- 1,500 khẩu pháo kéo – 450 pháo tự hành – 283 bố trí trên xe tăng – 4,000 hệ thống hoả tiễn chống xe tăng.

3.2.3. Phòng không

- 30 hỏa tiễn Buk và Osa – 26 hệ thống Pantsir-S1 – 50 hệ thống hỏa tiễn S-200. Một số lớn hệ thống phóng hỏa tiễn liên tục 40 quả rocket 122mm tầm xa 32km. Một số lớn hoả tiễn tầm xa ngoài biên giới.

- Hoả tiễn Scud, đất đối đất gồm Scud A (130km), B và Scud D (700km). Hoả tiễn Scud mang đầu nổ 675kg.

Syria cũng đang đặt mua hệ thống chống chiến hạm hiện đại nhất là Bastion-P, tầm xa 300km.

Hoả tiễn Scud

Tổ hợp tên lửa phòng không cơ động tiên tiến Buk-M2

3.2.4. Vũ khí hoá học của Syria

Theo báo cáo của CIA trình lên Thương viện Hoa Kỳ, thì Syria có nhiều vũ khí hoá học và sinh học. Do Thái rất quan ngại loại vũ khí nầy khi lọt vào tay khủng bố, cho nên đã tiến hành một kế hoạch bảo vệ các kho vũ khí sau khi Al Assad bị lật đổ.

3.2.5. Phi cơ chiến đấu của Syria

48 MiG-29, 50 MiG-25, 100 MiG-23, 20 Su-21, 20 Su-27

4* Tin đồn: Nga, Trung Cộng, Iran và Syria tập trận chung

Ngày 18-6-2012, hảng tin Fars của Iran loan tin, một cuộc tập trận chung được mô tả là khổng lồ nhất từ trước tới nay tại Trung Đông, với sự tham gia của 90,000 binh sĩ, 400 phi cơ và 900 xe tăng.

Hiện nay chưa có xác nhận nào của các nước liên hệ, nhưng một sĩ quan Syria giấu tên cho hay là cuộc tập trận sẽ xảy ra ở Syria.

Trang tin tức DEBKAfile dẫn lời tường thuật của hảng Fars cho biết, nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc tập trận, Bắc Kinh đã đề nghị nhà chức trách Ai Cập cho phép một đội tàu chiến gồm 12 chiếc được đi qua kinh đào Suez vào cuối tháng 6 năm 2012 để hướng về cảng Tartus của Syria mà Nga đang duy trì căn cứ hải quân.

Ngày 18-6-2012, hảng tin Interfax của Nga đưa tin là Moscow sắp sửa đưa 2 tàu tấn công đổ bộ cùng với TQLC đến Syria, mục đích phòng ngừa trường hợp phải di tản công dân Nga và tài sản hậu cần của cảng hải quân Tartus.

Theo DEBKAfile, thì đây là lần đầu tiên Nga và Trung Cộng triển khai sức mạnh đáng kể của họ ở Syria hay bất cứ nơi nào ở Trung Đông. Hai cường quốc nầy sẵn sàng hợp tác với Iran và Syria mục đích ngăn cản sự can thiệp của Mỹ, Liên Âu và Liên Đoàn Á Rập vào Syria.

5* CIA cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Syria

5.1. Cung cấp vũ khí nhẹ và giúp xây dựng mạng lưới tình báo

Ngày 21-6-2012, tờ New York Times đưa tin, CIA bí mật cung cấp súng trường, bệ phóng hỏa tiễn  chống xe tăng và đạn dược cho phe đối lập ở Syria.

Theo báo cáo trong tuần, một số lớn vũ khí “bất hợp pháp” được cung cấp cho nhiều phe phái đối lập nhằm chống lại chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Vì nhiều nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda, nên CIA rất thận trọng trong việc điều phối vũ khí cho phe đối lập.

Vũ khí được chuyển vào Syria qua đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, với sự phụ trách của các nhóm Hồi Giáo ở Syria và một số nhóm khác. Chi phí do TNK, Saudi Arabia và Qatar chi trả.

Tờ New York Times trích lời của một nhân vật tình báo giấu tên, cho biết Hoa Kỳ đang xem xét việc cung cấp cho phe đối lập những dữ liệu tình báo do vệ tinh chụp được về những căn cứ quân sự cũng như hoạt động của các đơn vị quân đội chính phủ Syria. CIA cũng có thể giúp xây dựng một mạng lưới tình báo cơ bản, nhưng nhân viên CIA không hề có mặt ở Syria.

Trước đó, ngoại trưởng Hillary Clinton tố cáo Nga gởi trực thăng chiến đấu Mi-25 cho chế độ Assad để đàn áp nhân dân, cáo buộc trên xem như lời biện minh cho việc CIA gởi vũ khí cho phe đối lập.

5.2. Mỹ cung cấp vũ khí nặng cho phe đối lập ở Syria

Ngày 16-6-2012, các nguồn tin Trung Đông cho biết, một phái đoàn của quân nổi dậy thuộc lực lượng “Quân Đội Syria Tự Do FSA (Free Syrian Army) đã đến Washington bàn về việc nhờ chính quyền tổng thống Obama cung cấp vũ khí nặng để đương đầu với al-Assad.

Nhóm nầy gặp đại sứ Mỹ ở Syria là ông Robert Ford và chuyên viên về Syria của bộ Ngoại Giao Mỹ, Fred Hof. Họ đưa ra 2 danh sách, là các loại vũ khí cần thiết và những mục tiêu cần tấn công. Hai danh sách bổ sung cho nhau, là mục tiêu và vũ khí cần tấn công mục tiêu.

Các nhà phân tích cho rằng có thể thành lập một vùng cấm bay mini, cấm việc tiếp cận bằng xe tăng của chính phủ để bảo toàn lực lượng, xem như đặt nền tảng để thành lập một một căn cứ, rồi từ đó mở rộng ra, tiến về giải phóng Damascus, cũng giống như vùng Benghazi của Libya trước kia.

Các nguồn tin Washington tiết lộ là chính quyền Mỹ đang nghiên cứu về loại vũ khí nào và thời điểm nào để giao cho quân nổi dậy. Nguồn tin xác định chiến dịch quân sự nầy theo kiểu của Libya là phiên bản của một vùng cấm bay, nhưng quy mô nhỏ hơn.

6* Vùng cấm bay vô dụng

Chính quyền của tổng thống Obama đang cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng và mức độ can thiệp quân sự vào Syria, trong khi phe đối lập yêu cầu sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tác giả Marc Lynch, là người đã từng ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào Libya trước kia, nhưng đối với Syria, ông đưa ra những quan điểm rất thận trọng, nói chung là việc thiết lập vùng cấm bay ở Syria là vô dụng, cụ thể là thắng lợi rất ít mà nguy cơ thảm bại rất cao.

Sự việc được phân tích như sau:

6.1. Trở ngại về địa lý

Địa thế của Libya trước kia rất thích hợp cho việc can thiệp của quốc tế, trái lại Syria hiện nay thì không.

Phe đối lập Syria rất yếu, chia rẻ, không hề chiếm được một khu vực nào làm ranh giới giữa hai bên, mà các vụ đánh nhau thì xảy ra ở những thành phố đông đúc.

Không có được một Nghị Quyết của Hội Đồng BA/LHQ cho phép xử dụng sức mạnh. Syria nằm giữa Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Li Băng nên  đường bay đến Syria không thuận lợi, trơn tru, nhất là không thể bay qua vùng trời Iran và cả của Iraq nữa.

6.2. Vùng cấm bay vô dụng

Chế độ Assad không xử dụng trực thăng hoặc phi cơ để thực hiện những cuộc đàn áp, vì vậy việc kiểm soát không phận Syria không gây ảnh hưởng đến những hoạt động quân sự của quân chính phủ.

Việc thực hiện vùng cấm bay trước hết phải có một cuộc ném bom sơ bộ, phá hủy hệ thống phòng không và đồng thời đánh giá khả năng phòng thủ của chính phủ Syria. Việc nầy rất khó thực hiện vì sự phức tạp của vị trí nước Syria ở trong khu vực đầy nhạy cảm.

Thành phố Homs chìm trong đạn pháo

Việc xử dụng vũ lực đối với Syria xem như một hành động trừng phạt vì cảm tính, ban đầu thì thấy có vẻ hợp lý, nhưng sau đó, nhận ra là một hành động bất hợp pháp vì không có căn bản pháp lý là sự đồng ý và ủy nhiệm của Hội Đồng BA/LHQ. Việc nầy tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, là một loạt những vấn đề mới sẽ xảy ra, đưa đến hỗn loạn mà trong đó những kẻ mạnh bất chấp luật pháp quốc tế tung hoành ăn hiếp các nước nhỏ.

Mặt trận Libya kéo dài nhiều thời gian, Syria cũng sẽ như thế, nên quá sức chịu đựng của Hoa Kỳ sau hai cuộc chiến kéo dài rất nhiều năm ở Afghanistan và Iraq, khi ngân sách quốc phòng  HK cũng bị cắt giảm kéo dài trong nhiều năm.

Khó thành lập được một khu an toàn.

Ở Libya, phe nổi dậy đã thành lập được một khu an toàn là Benghazi, ở đó, một chính phủ lâm thời được thành lập để thay thế chính phủ Gaddafi, nhưng địa thế chật hẹp của Syria nằm trong vùng xôi đậu, lại không đủ quân số và vũ khí để thực hiện và bảo vệ, nhất là không có sự đoàn kết thành một khối duy nhất để chống lại Assad.

6.3. Các đề nghị được xem là khả thi

Sau khi phân tích, cân nhắc, tác giả Marc Lynch kết luận:

-         Can thiệp quân sự vào Syria trong thời điểm nầy là vô nghĩa.

-         Mỹ và các đồng minh cần phải có nhiều nổ lực hơn nữa để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Syria, nhưng bất cứ hành động nào cũng phải được Hội Đồng BA/LHQ thông qua, nhất là những trừng phạt có tính cách toàn diện đối với Damascus.

-         Mỹ và đồng minh cần thúc đẩy Toà Án Hình Sự Quốc Tế thi hành việc buộc tội Bashar al-Assad.

Tóm lại, hành động tàn bạo của Assad đang tự phá hủy nó vì mất sự ủng hộ chính trị của quần chúng, HK có thể đẩy nhanh tiến trình đó mà không cần phải can thiệp quân sự. Quân nhân đào ngũ hoặc chống đối làm cho chế độ suy yếu và tan rả nhanh hơn, nhưng đó là chuyện lâu dài, cần phải kiên nhẫn.

7* Binh sĩ chính phủ đào ngũ

7.1. Pháp kêu gọi quân nhân Syria đào ngũ

Đã hơn 15 tháng xảy ra cuộc nổi dậy, đã có trên 10,000 binh sĩ chính phủ đào ngũ thành lập Quân đội Syria Tự do, và mới đây, ngày 22-6-2012, một bản tin Anh ngữ cho biết đã có 5 sĩ quan cao cấp đào ngũ, trong đó có 1 thiếu tướng và 2 đại tá, 2 trung tá và 30 binh sĩ. Trong đó có đại tá Hassan Hamadeh, nhân một cuộc tập luyện đã lái chiếc MiG-21 sang Jordan xin tỵ nạn chính trị.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp , Bernard Valero tuyên bố: “Nước Pháp khen ngợi hành động can đảm của đại tá Hassan Hamadeh, và kêu gọi binh sĩ hãy đào ngũ, không nên tuân lịnh chế độ Assad để giết hại đồng bào của mình”.

7.2. Saudi Arabia định trả lương cho quân đội đối lập Syria

Ngày 24-6-2012, tờ The Guardian đưa tin, các viên chức Saudi Arabia đang dự định trả lương cho chiến binh của Quân Đội Syria Tự Do FSA (Free Syrian Army), đa số là những binh sĩ đã đào ngũ khỏi quân đội chính phủ.

Hành động nầy nhằm khuyến khích binh lính chính phủ đào ngũ sang quân đối lập. Cùng lúc với Saudi Arabia, các nước trong vùng như Qatar đã phối hợp với Hoa Kỳ, gia tăng tiếp tế và vũ khí cho quân đối lập.

8* Tổng thống Bashar al-Assad có thể bị ám sát

8.1. Rạn nút nội bộ

Ngày 20-6-2012, các nguồn tin cao cấp từ đảng Dawa của thủ tướng Iraq là Nuri al-Maliki cho biết, chính quyền Assad đã bắt đầu thực hiện những “biện pháp an ninh đặc biệt” chung quanh gia đình Assad và những trung tâm an ninh chủ yếu của nước nầy. Theo bản tin của tờ Al Bawaba ở Jordan thì những biện pháp an ninh đặc biệt đã diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ quân đội khiến cho tổng thống Assad lo ngại về an toàn của bản thân, gia đình và sự nghiệp chính trị của ông ta.

Cũng theo Al Bawaba thì nguy cơ tới với Assad phát xuất từ hệ phái Hồi Giáo Alawite, một chi nhánh của hệ phái Shiite, là một thiểu số cầm quyền so với hệ phái Sunni do tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood-MB) đang là lực lượng chính của phe đối lập. Nói về Hồi Giáo thì hệ phái Shiite và Sunni là 2 kẻ thù không đội trời chung, thể hiện rõ ở Iraq.

Alawite sợ bị Sunni tiêu diệt nên phương cách giữ quyền lực để được tồn tại, là phải loại gia đình Assad ra khỏi chính quyền. Những thành viên của Alawite nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội và trong đảng Baath đang cầm quyền.

Một số sĩ quan cao cấp Alawite cho rằng sự sống còn của Alawite quan trọng hơn số phận của gia đình Assad. Họ muốn Assad rời khỏi đất nước sống lưu vong, và trong trường hợp xấu nhất là họ sẽ ra tay ám sát al-Assad.

Cũng từ Al Bawaba, những sĩ quan cao cấp nầy sẵn sàng bắt tay với phe đối lập, và họ cũng đã có những bước đầu tiếp xúc với các quốc gia Á Rập trong vùng và cả Anh, Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan cũng như phương Tây, để yêu cầu bảo đảm sự ổn định cho Syria trong thời hậu Assad.

Đối phó với âm mưu nổi loạn của Alawite, Assad đã tiến hành thay đổi những chức vụ chỉ huy trong Vệ Binh Cộng Hoà và trong sư đoàn 4 do người em là Maher al-Assad chỉ huy.

Ngày 22-6-2012, khi một đại tá lái MiG-21 sang Jordan xin tỵ nạn, thì một thiếu tướng đưa gia đình vượt qua biên giới đến Thổ Nhĩ Kỳ.

8.2. Mỹ, Anh sẽ ân xá cho tổng thống Bashar al-Assad

Ngày 21-6-2012, tờ The Guardian loan tin gây chấn động, ám chỉ số phận của tổng thống al-Assad sắp chấm dứt, đó là: “Anh, Mỹ sẵn sàng ân xá , bảo đảm quyền bất khả xâm phạm cho tổng thống Bashar al-Assad nếu ông từ bỏ chức vụ và rời khỏi nước”. Cũng theo tờ báo nầy, thì sáng kiến ân xá xuất phát từ tổng thống Barack Obama và thủ tướng Anh David Cameron. Theo ông Cameron thì sáng kiến nầy đã được sự ủng hộ của tổng thống Vladimir Putin trong cuộc hội đàm giữa hai tổng thống Nga và Mỹ bên lề Hội Nghị thượng đỉnh G-20 ở Mexico.

Người dân Syria biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad

Tổng thống Nga Putin (phải) quyết bảo vệ Assad

Cùng ngày, hảng thông tấn Reuters trích lời ông Cameron cho biết, ông rất vui mừng vì ông Putin đã thay đổi lập trường, không còn ủng hộ cho Assad nữa.

Tuy nhiên, cũng ngày 21-6-2012, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Cameron, cho rằng “không thích hợp.” Nhiều nhà phân tích nhận xét, “không thích hợp” là chưa phải lúc để công khai, vì còn một số điều kiện và hệ lụy chưa được giải quyết giữa Nga và Mỹ.

8.3. Hoa Kỳ không chấp nhận giải pháp của Nga

Theo các nhà phân tích thì những “lời qua tiếng lại” cấp cao bùng lên những ngày qua, chỉ là một phần trong “cuộc chơi lớn” giữa các siêu cường. Điều nầy cho thấy một cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc hàng đầu thế giới mà nơi tập trung mâu thuẩn ở thời điểm hiện tại là Syria.

Theo ông Putin thì vấn đề quan trọng không phải là ai sẽ nắm quyền, mà là làm thế nào để có hoà bình và chấm dứt đổ máu, muốn vậy, tất cả các bên trong xung đột phải ngồi vào bàn thương lượng và phải thỏa thuận với nhau về một tương lai của đất nước. Ông Putin nhấn mạnh “Không thể có chuyện nước ngoài can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria, và nói rõ “Không có một người nào quyết định thay cho các dân tộc khác, là sẽ đưa ai lên nắm quyền và gạt bỏ một ai ra khỏi chính quyền”.

Lời tuyên bố mới nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng nói và làm khác nhau.

-         Hoa Kỳ bác bỏ việc các bên ngồi lại với nhau thương lượng. Cụ thể là phe đối lập không thể thương lương công bằng và bình đẳng với Assad được. Khi thế lực hai bên ngang nhau thì mới có giải pháp công bằng, vì thế mà ở Hội Nghị Paris về VN năm 1973 có chiến thuật “vừa đánh vừa đàm”, ai thắng ngoài mặt trận thì có thế mạnh trên bàn hội nghị. Hoa Kỳ, phương Tây và cả phe nổi dậy người Syria cũng không chấp nhận thương thuyết ở thế yếu như thế.

-         Putin đã tự mâu thuẩn với chính mình khi tuyên bố không để cho nước ngoài nào can thiệp vào xung đột ở Syria, nhưng chính Nga đã đưa vũ khí và chuyên viên đến Syria trước hơn ai hết.

-         Nếu như Assad là người biết lý lẻ, tôn trọng công bằng và có tình người, thì đâu có ra tay tàn bạo giết đồng bào mình trước yêu cầu chính đáng là tự do, dân chủ của người dân. Bạo chúa lần lượt rồi cũng phải ra đi thôi, tấm gương trước mắt là Muammar Gaddafi (Libya), Hosni Mubarak của Ai Cập, Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia.

9* Kết

Tình trạng của Syria rất phức tạp. Sự chia rẻ không thể hàn gắn được giữa các hệ phái tôn giáo và sắc tộc là nguyên nhân của sự bất ổn lâu dài.

Nga và Trung Cộng can thiệp mạnh mẽ vào Syria, nhất là ngăn cản những biện pháp trừng phạt Syria ở Hội Đồng BA/LHQ.

Ngày 28-6-2012, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc lại, giải pháp về Syria phải do người Syria đưa ra và Nga sẽ không ủng hộ sự can thiệp nào của nước ngoài, ông tuyên bố trước khi đi tham dự Hội Nghị ở Geneva vào ngày 30-6-2012 do đặc sứ LHQ Kofi Annan tổ chức. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Ông không bảo đảm để hội nghị Geneva về Syria đưa tới kết quả”.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và NATO chưa có hành động quân sự vào Syria như đã làm ở Libya để hỗ trợ phe nổi dậy.

Thế lực mạnh nhất của phe nổi dậy là thuộc tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, cho thấy viễn ảnh của Syria thời hậu Assad có thể giống như ở Ai Cập hiện nay, tức là một nhà nước Hồi Giáo không thân thiện với Hoa Kỳ và Tây phương. Tổng thống mới của Ai Cập Mohamed Morsi thủ lãnh Huynh Đệ Hồi Giáo trả lời phỏng vấn của thông tấn xã Fars của Iran, là ông có ý định xé hoà ước với Do Thái năm 1979 và lập lại quan hệ với Iran, như vậy là đứng về phe chống Mỹ.

Nếu như Hoa Kỳ và Tây phương không có những hành động quyết liệt thì con đường tương lai mà Syria sẽ đến là một Ai Cập hiện tại.

Trúc Giang

Minnesota ngày 6-7-2012

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link