Saturday, November 9, 2013

QUỐC GIA VIỆT NAM VÀ CỘNG SẢN


 

 

          QUỐC   GIA   VIỆT   NAM   VÀ   CỘNG   SẢN

 

                                                                                                                                                                                 NGUYỄN HỌC TẬP

  

Trong chính trị học, Quốc Gia được định nghĩa:

   - " Một cộng đồng dân chúng, cùng chung sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế ".    

Trong định nghĩa vừa kể, chúng ta có ba yếu tố cấu trúc của Quốc Gia:

   - dân chúng,

   - lãnh thổ,

   - thể chế.

Chúng ta thử xét ba yếu tố trên được quản trị thế nào trong tay đảng Cộng Sản Việt Nam trên hơn 30 năm nay để định giá chế độ của họ.

 

   1 - Lãnh thổ.

Chúng ta bàn đến yếu tố lãnh thổ trước, vì bài chúng tôi đang viết là đề tài thuyết trình cho ngày Đại Hội Diên Hồng, năm 2002 tại California,   bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của chúng ta, chống lại việc mua bán đất đai và hải phận Việt Nam giữa CSVN và Trung Cộng.

Chúng tôi đã tra cứu hầu hết các Hiến Pháp dân chủ và nhân bản Tây Âu, nhứt là Hiến Pháp của Đức, Pháp và Ý, không có điều khoản của bất cứ một Hiến Pháp nào cho phép những người đại diện Quốc Gia ( lập pháp cũng như hành pháp), có quyền trực tiếp buôn bán, cắt nhượng lãnh thổ và lãnh hải Quốc Gia.

Những người đại diện để điều hành Quốc Gia, chúng tôi muốn đề cập đến hành pháp, chúng ta thường gọi họ là Chính Quyền ( Goverment), nhưng chúng ta cũng dùng danh từGiới Quản Trị ( Administration) để chỉ họ: G. Bush Administration, J. Chirac Administration, S. Berlusconi Aministration. Giớí cầm quyền, ( Quốc Hội, Chính Quyền và Tư Pháp ) là những cơ chế " Quản Trị, Điều Hành " được dân chúng trao quyền cho để hành xử quyền lực Quốc Gia, chớ không phải là " Chủ Nhân Ông " ( Patron ) của lãnh thổ Quốc Gia, muốn cắt nhượng, buôn bán, bố thí, ban tặng cho ai tùy hỷ, không cần có ý kiến của dân chúng.

Điều đó nghĩa là Chính Quyền hay Giới Quản Trị được chúng ta giao cho một số quyền để quản trị Quốc Gia. Họ chỉ được xử dụng một số quyền mà chúng ta giao phó, chớ

   - không phải bất cứ quyền lực nào của Quốc Gia họ cũng nhúng tay vào được

   - và cũng không phải quản trị cách nào tùy hỷ.

Các Hiến Pháp dân chủ và nhân bản Tây Âu đầy dẫy những giới hạn, chống lại các khuynh hướng luôn luôn mon men lạm quyền của Hành Pháp. Và đây là tài liệu của những giới hạn vừa kể:

 

   a ) Tuyên bố quyền và tự do dưới hình thức tiêu cực.

Hình thức giới hạn lạm quyền đầu tiên mà ai cũng thấy được khi đọc Hiến Pháp, đó là cách tuyên bố quyền và tự  do của người dân dưới hình thức tiêu cực:

   - " Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" ( Điều 1, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức , CHLBĐ),

   - "Cộng Hoà Dân Chủ Ý nhìn nhận và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay như thành phần của cộng đồng xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình" ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

  - " Tự do cá nhân là quyền bất khả xâm phạm" ( Điều 13, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

  - " Gia cư bất khả xâm phạm" ( Điều 14, id.)…

Tuyên bố nhân phẩm, quyền và tự do con người dưới hình thức tiêu cực vừa kể hàm chứa việc phía bên kia, phía bên Chính Quyền có bổn phận phải tôn trọng.

Nói cách khác, tuyên bố " Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" đồng nghĩa với  "Cấm tuyệt đối Chính quyền không được xâm phạm nhân phẩm con người ".

Điều đó cho thấy ở các nước dân chủ và nhân bản Tây Âu, Chính Quyền không thể muốn xử dụng quyền hạn nào và thế nào tùy hỷ.

 

   b ) Hiến Pháp cứng rắn.

Một phương thức khác tránh lạm quyền tự tung tự tác của Chính Quyền là đặc tính cứng rắn của Hiến Pháp.

Hiến Pháp là văn bản nền tảng

   - hàm chứa lý tưởng, những bậc thang giá trị cần được tôn trọng trong cuộc sống chung của mọi người trong tổ chức Quốc Gia

   - và những phương thức tổ chức cơ chế Quốc Gia để thực hiện lý tưởng và những gía trị đó.

Hiểu được như vậy, chúng ta biết được tại sao các vị soạn thảo Hiến Pháp Tây Âu gán cho Hiến Pháp tính cách cứng rắn, tức là muốn tu chính và sửa đổi một hay nhiều điều khoản của Hiến Pháp, cần thoả đáng được các điều kiện gia trọng.

Hành động như vậy, các vị tạo khó khăn cho bất cứ ai muốn cắt xén sửa đổi Hiến Pháp, sửa đổi lý tưởng và giá trị mà các vị cho là lẽ sống của dân tộc.

Điều gia trọng vừa kể được Hiến Pháp 1949 CHLBĐ tuyên bố:

 

    - " Một đạo luật như vừa kể ( đạo luật về tu chính Hiến Pháp) phải được sự đồng thuận của 2/3 thành viên Hạ Viện ( Bundestag) và 2/3 thành viên Thượng Viện " ( Điều 79, đoạn 2 1949 Hiến Pháp CHLBĐ).

 

Tỷ lệ vừa kể không phải là con số dễ thực hiện. Chúng ta thử so sánh điều kiện chỉ cần đa số tuyệt đối ( 50%+1 phiếu) là Hạ Viện có đủ túc số chọn vị Thủ Tướng ( Kanzler) mới, để thành lập Tân Nội Các và điều khiển Hành Pháp:

   - " Được tuyển chọn ( Thủ Tướng) ai có khả năng quy tựu về phía mình số phiếu của đa số thành viên Hạ Viện" ( Điều 63, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Và trong trường hợp bất khả kháng, ngay cả ai chỉ thu thập được đa số tương đối của Hạ Viện, trong vòng 7 ngày sau cũng có thể được Tổng Thống Liên Bang bổ nhiệm Thủ Tướng:

   - " Nếu người được tuyển chọn không đạt được đa số vừa kể ( đa số tuyệt đối), trong vòng 7 ngày kế tiếp, Tổng Thống Liên Bang có thể bổ nhiệm ông hoặc giải tán Hạ Viện" ( Điều 63, đoạn 4, id.).

 

   c) Tính cách bất di dịch của một số nguyên tắc nền tảng thiết yếu.

Ngoài ra các vị cũng tiên liệu tính cách bất di dịch của một số nguyên tắc nền tảng thiết yếu cho cả toà nhà Quốc Gia.

Xoá bỏ đi những nguyên tắc căn bản cột trụ đó, toà nhà Quốc Gia sẽ không còn nữa:

   - " Không thể chấp nhận bất cứ một sự thay đồi nào đối với Hiến Pháp nầy, có liên quan đến sự tương quan giữa Cộng Hoà Liên Bang ( Bund) và các Tiểu Bang ( Laender), nhứt là liên quan đến việc tham gia của các Tiểu  Bang vào quyền lập pháp liên hoặc hệ đến các nguyên tắc đã được tuyên bố nơi các điều khoản 1 và 20" ( Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Và ai trong chúng ta cũng biết các điều khoản 1 và 20 là điều tuyên bố về tính cách bất khả xâm phạm của nhân phẩm con người ( Điều 1) và định nghĩa thể chế Cộng Hoà Liên Bang Dân Chủ và Xã  Hội của Đức Quốc ( Điều 20).

 

   d) quyền quyết định tăng cường đối với luật pháp. 

Hiến Pháp là văn bản tiên khởi nền tảng của Quốc Gia.

Và là vì văn bản tiên khởi nền tảng, nên không ai có thể tiên đoán được hết những điều khoản luật cần thiết cho cuộc sống trong thực tại. Bởi đó các vị soạn thảo Hiến Pháp dành những quyết định cho các trường hợp cá biệt cho luật pháp sẽ được soạn thảo sau.

Điều đó cắt nghĩa tại sao đó đây trong các điều khoản Hiến Pháp, chúng ta thường gặp các  thành ngữ như : " do luật lệ ấn định", " theo luật lệ hiện hành".

Các vị  giao lại cho các nhà soạn thảo luật pháp tiếp đến thiết định các điều khoản luật cho các trường hợp cá biệt.

Nhưng kinh nghiệm cho thấy nhiều nhà độc tài như Rudolf Hitler, Benito Mussolini đã " do luật lệ ấn định" và " theo luật lệ hiện hành" bằng cách hành xử quyền hành tự tung tự tác, đưa bao nhiêu triệu người DoThái và thành phần chống đối vào lò sát sinh, nên các vị soạn thảo Hiến Pháp đã đứng ra đặt các lằn mức, " ấn định" và " hiện hành" trước, để luật pháp không được  " ấn định và hiện hành" tùy hỷ.

Đó là hình thức " dành quyền cho luật pháp tăng cường" ( riserva rinforzata di legge).

Hiến Pháp của các Quốc Gia dân chủ và nhân bản Tây Âu nhan nhản những điều khoản " ấn định và hiện hành" trước, đối với pháp luật về sau:

   - " Tự do cá nhân bất khả xâm phạm.

    Không thể chấp nhận bất cứ việc bắt giữ, khám xét, lục soát nào đối với cá nhân , cũng như mọi giảm thiểu tự do cá nhân nào, nếu không do án trác có lý do của quyền tư pháp  và theo các trường hợp và thể thức đã được luật pháp tiên liệu trước" ( Điều 13, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

   - " ( Luật pháp) phải có giá trị phổ quát, chớ không riêng cho từng trường hợp cá biệt…

      Không thể có trường hợp giới hạn nào, trong đó một quyền căn bản bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của mình " ( Điều 19, đoạn 1.3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

   - " Trong trường hợp quyền tự do bị truất hữu không do tư pháp ra lệnh, cần phải cấp bách yêu cầu quyết định của tư pháp. Cảnh sát tự mình không có quyền cầm giữ ai quá ngày hôm sau khi bị bắt…

Bất cứ ai bị cầm giữ, vì nghi ngờ phạm pháp, có cùng lắm là ngày hôm sau khi bị bắt, phải được dẫn đến trước thẩm phán. Vị thẩm phán phải báo cho đương sự biết lý do bị buộc tội, nghe bị cáo trình bày các lý do của mình. Thẩm phán sau khi nghe tường trình, phải ra trác án tống giam hoặc trả tự do tức khắc"( Điều 104, đoạn 1.3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

   d ) Viện Bảo Hiến là pháo đài chống lạm quyền.

Ở một Quốc Gia Liên Bang như CHLBĐ, thành phần đa số đang chiếm lập pháp cũng như hành pháp ở cấp độ Liên Bang ( Bund). Nhưng thành phần thiểu số đối lập có thể đang điều hành một hay nhiều Chính Phủ và Quốc Hội ở cấp Tiểu Bang ( Laender).

Cũng vậy, đa số đương quyền có thể đang chiếm đa số tuyệt đối trong Ha Viện (Bundestag), nhưng việc thành phần thiểu số đối lập chiếm được 1/3 số ghế ở Hạ Viện là điều có thể xảy ra dễ dàng.

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng ở điều khoản dưới đây Hiến Pháp dành cho thành phần đối lập có thực quyền kiểm soát, cắt tỉa, chận đứng và phản kháng đường lối hành xử của giới đương quyền để tránh lạm dụng độc tài:

   - " Viện Bảo Hiến sẽ quyết định, trong trường hợp bất đồng ý kiến hay nghi vấn về vấn đề hợp hiến hay  bất hợp hiến đối với luật pháp Liên Bang hoặc luật pháp của Tiểu Bang đối với Hiến Pháp nầy…, nếu được Chính Quyền Liên Bang, Chính Quyền của một Tiểu Bang hay 1/ 3 nghị sĩ Hạ Viện Liên Bang yêu cầu" ( Điều 93, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Và một khi vấn đề được đệ trình Viện Bảo Hiến, thành phần đa số đương quyền ở trung ương (Liên Bang) sẽ không còn cơ hội xử dụng thái độ " cả vú lấp miệng em", ỷ số đông đàn áp thiểu số.

Bởi lẽ Viện Bảo Hiến được Hiến Pháp tiên liệu là một Viện hành xử quyền phán quyết của mình một cách hết sức vô tư. Thành viên của Viện gồm có các thẩm phán, 1/2 do Hạ Viện (Bundestag) tuyển chọn và 1/2  do Thượng Viện ( Bundesrat):

   - " Các thành viên của Viện Bảo Hiến được tuyển chọn, phân nửa do Hạ Viện và phân nửa do Thượng Viện…" ( Điều 94, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Và như chúng ta biết Hạ Viện gồm thành phần đa số của giới đương quyền ở cấp Liên Bang, nhưng Thượng Viện là Viện Quốc Hội gồm các thành viên đại diện của Chính Quyền các Tiểu Bang, nên có thể là nhiều thành viên của các chính đảng đối lập.

 

   e ) Tản quyền

Tản quyền cũng là một phương thức khác được Hiến Pháp tiên liện để để chống lạm quyền .

Hiến Pháp Ý Quốc dành nhiều quyền hành cho các Cộng Đồng Địa Phương ( vùng, tỉnh, quận, hiệp hội thương mãi, kỷ nghệ, công đoàn lao động, học đường, cộng đồng các sắc tộc, tôn giáo…).

Cộng Đồng Địa Phương không những có tiếng nói để nói lên những vấn đề liên quan đến địa phương, mà còn nói lên nhu cầu và ước vọng của cả đất nước:

   - quyền đề xướng dự án luật Quốc Gia( Điều 5, 71, 99 và 121 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)

   - quyền đề xướng trưng cầu dân ý bãi bỏ luật( Điều 75, id.),

   - quyền tham gia bầu cử Tổng Thống( Điều 83, id.),

   - quyền tham gia thay đổi và bổ túc Hiến Pháp( Điều 138, id.),

   - quyền Chủ Tịch Cộng Đồng Địa Phương tham dự các phiên họp Hội Đồng Nội Các Chính Phủ ( E. Spagna, Il Presidente della Regione, Napoli, 1966,18).

Tất cả những phương thức giới hạn vừa kể được Hiến Pháp tiên liệu nhằm loại trừ những lạm dụng của giới đương quyền, vượt quá lằn mức quyền lực được giao phó và phương cách hành xử tác oai tác quái quyền lực Quốc Gia.

Thể chế và Hiến Pháp CSVN có tiên liệu những thể thức và cơ chế như vừa kể để loại trừ lạm dụng của giới đương quyền, bảo vệ người dân chăng?

Hỏi để những ai có lòng thương dân tộc và yêu mến Đất Nước trả lời.

 

Liên quan đến lãnh thổ, trong các Hiến Pháp chúng tôi có dịp nghiên cứu, chúng tôi chỉ gặp được những điều khoản dưới đây:

   - " Lãnh thổ của Liên Bang có thể được phân chia thêm nữa để bảo đảm cho các Tiểu Bang- về diện tích rộng lớn cũng như về khả năng hoạt động- có thể thực thi môt cách hữu hiệu các nhiệm vụ được giao phó…

Tuy nhiên các phương thức được áp dụng để phân chia thêm đất đai của Liên Bang  bằng luật lệ, phải được trưng cầu dân ý xác nhận. Các phương thức trên phải được hỏi ý kiến của các Tiểu Bang liên hệ.

Trưng cầu dân ý phải được thực hiện nơi các Tiểu Bang mà lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của họ liên hệ đến việc chuyển hóa thành một Tiểu Bang mới , hoặc Tiểu Bang của họ được xác định  bằng những biên giới mới…" ( Điều 29, đoạn 1.2.3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

- " Với một đạo luật Hiến Pháp, sau khi được sự đồng thuận của các Hội Đồng Vùng, các Vùng hiện hữu có thể tập họp lại hoặc có thể tạo ra những Vùng mới có ít nhứt là một triệu dân, nếu có sự yêu cầu của các Hội Đồng Làng Xã (Consigli Comunali), đại diện cho ít nhứt là 1/3 dân chúng sống trong Vùng. Đề nghị trên phải được trưng cầu dân ý đồng thuận với đa số dân chúng liên hệ.

Bằng trưng cầu dân ý và luật pháp quốc Gia, sau khi có sự đồng thuận của Hội Đồng Vùng, các Tỉnh hay Làng Xã có thể tách rời khỏi Vùng hiện tại và sáp nhập vào một Vùng khác, nếu có sự yêu cầu  của họ" ( Điều 132, đoạn 1.2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

Qua hai điều khoản Hiến Pháp ( CHLBĐ và Ý) được trích dẫn, chúng ta thấy rằng Hiến Pháp các Quốc Gia dân chủ và nhân bản Tây Âu không bao giờ cho phép giới hành quyền ( lập pháp cũng như hành pháp) tự mình trực tiếp có quyền buôn bán, cắt nhượng lãnh thổ và lãnh hải Quốc Gia.

Hai điều khoản của Hiến Pháp cho thấy rằng ngay cả việc xếp đặt lại, mở rộng hay thu hẹp địa hạt đất đai trong lãnh thổ thuộc chủ quyền Quốc Gia, cũng phải có sự đồng thuận của dân chúng liên hệ sống trong vùng qua các cuộc trưng cầu dân ý .

Không có trường hợp nào Chính Quyền có thể quyết định, rồi Quốc Hội nhóm họp để biểu quyết đồng thuận là êm chuyện.

 

Còn nói gì đến việc buôn bán, cắt nhượng đất đai của tổ tiên cho ngoại bang, như việc làm của Cộng Sản Việt Nam buôn bán và cắt nhượng lãnh thổ và lãnh hải  cho Trung Cộng.

Không có một Chính Quyền nào, một Quốc  Hội nào có quyền hành xử một cách chính danh ( légitime) quyền lực Quốc Gia đối với đất đai, như lối hành xử vừa qua của Chính Quyền và Quốc Hội CSVN.

Chính Quyền và Quốc Hội CSVN đã có trưng cầu dân ý để hỏi ý kiến toàn dân Việt Nam, và nhứt là đồng bào liên hệ sinh sống trong Vùng chưa?

Hành động của Chính Quyền và Quốc Hội  CSVN là hành động tự tung tự tác rõ rệt, bất chấp phải chăng và bất chấp quyền lợi của dân tộc Việt Nam.

Là một hành động phản quốc!

 

Về phương diện pháp lý, như chúng ta đã thấy, không có bất cứ Hiến Pháp của một Quốc Gia văn minh  cho phép Chính Quyền và Quốc Hội trực tiếp mua bán, cắt nhượng đất đai cho ngoại bang. Chúng tôi không biết Hiến Pháp kém văn minh của nước CHXHCN có được điều khoản nào liên hệ, cho phép Đảng và Nhà Nước làm chúa tể trên lãnh thổ và dân chúng không.

Hành động vừa qua của Chính Quyền và Quốc Hội CSVN, thoả ước cắt đất nhượng biển cho Trung Cộng, là

   - một hành động vi hiến ( bởi lẽ không có một điều khoản nào của Hiến Pháp cho phép),

   - và không chính danh ( illégitime), vì không có ai giao quyền để hành xử.

Do đó khi ký thoả ước với Trung Cộng, Chính Quyền CSVN đặt bút ký thoả ước và cả sau đó Quốc Hội biểu quyết đồng thuận, Chính Quyền và Quốc Hội CSVN không đại diện cho dân chúng Việt Nam quyết định về đất đai của họ.

Nói cách khác hợp đồng buôn bán và cắt nhượng đất và biển cho TrungCộng là hợp đồng được ký kết giữa Trung Cộng và những người Cộng Sản không có thẩm quyền đại diện cho dân chúng  Việt Nam để ký kết.Hợp đồng trên sẽ không có một giá trị nào đối với dân chúng Việt Nam.

Và như vậy, ngay từ bây giờ, người dân Việt Nam có thể coi những ai dựa vào hợp đồng buôn bán và cắt nhượng trên để hành xử chủ quyền của mình trên lãnh thổ và lãnh hải được chỉ định là những người xâm lăng trên phần đất và biển của Việt Nam, với tất cả những hậu quả phải có.

 

2 - Thể chế.

Thể chế hiện tại của Việt Nam được mệnh danh là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa.

Bất cứ thể chế của một Quốc Gia dân chủ nhân bản nào trên thế giới cũng đều được chính danh hóa ( légitimé) bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

Thể chế của Quốc Gia được định nghĩa và viết thành văn bản trong Hiến Pháp và được dân chúng " chính danh hóa" cho, bằng việc bày tỏ ý muốn đồng thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý với ý muốn của số đông. Thể chế của CHLBĐ chẳng hạn:

   - " Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Liên Bang, dân chủ và xã hội" ( Điều 20, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Nói như vậy có nghĩa là cho đến bao giớ một thể chế không được dân chúng tỏ ý đồng thuận với đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý, thể chế đó chưa phải là thể chế được dân chúng tự do chấp nhận, mà là một thể chế được áp đặt lên đầu lên cổ họ.

 Thể chế của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa, là một thể chế đã được đa số dân chúng Việt Nam đồng thuận chấp nhận và chính danh hóa cho bằng cuộc trưng cầu dân ý hay chỉ là một thể chế do đảng CSVN áp đặt lên đầu lên cổ dân Việt ?

 

Để trả lời cho câu hỏi, người cộng sản không thể đơn sơ trả lời rằng " có, chúng tôi có tổ chức trưng cầu dân ý cho bản Hiến Pháp 1992 của nhân dân ta" chẳng hạn, hay cả từ bản Hiến Pháp 1946 và cả các bản Hiến Pháp biến thể sau đó,  mà phải trả lời rằng họ đã tổ chức trưng cầu dân ý như thế nào.

Chỉ nội điều 4 của Hiến Pháp 1992 CSVN thôi, chúng ta cũng thấy thái độ hách dịch, tự kiêu và áp đặt của họ lên dân chúng Việt Nam:

   - " Đảng  Cộng Sản Việt Nam là đội ngủ tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lực lượng lãnh đạo nhà nuớc và xã hội" ( Điều 4, Hiến Pháp 1992 CHXHCNVN).

 

Các đặc tính và tước hiệu ngoạn mục và quyền lực trên phải được đa số dân chúng đồng thuận phong tước cho bằng cuộc trưng cầu dân ý.

Bởi lẽ trong một Quốc Gia dân chủ không ai có thể tự gán cho mình là "  đội ngủ tiền phong của dân, đại diện của dân, hành xử quyền lực cho dân.

Và trong một Quốc Gia dân chủ, dân chúng phong tước cho bằng thể thức như:

   - " Các nghị sĩ Hạ Viện ( Bundestag) được tuyển chọn qua các cuộc đầu phiếu phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" ( Điều 38, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Năm đặc tính vừa kể: phổ thông, trục tiếp, tự do, bình đẳng và kín" là những đặc tính phải có trong bất cứ cuộc đầu phiếu hay trưng cầu dân ý nào ở các Quốc Gia dân chủ, tự do. Thiếu những đặc tính đó là những cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý thiếu dân chủ, tự do và có tính cách áp đặt.

 

 Những cuộc trưng cầu dân ý của CSVN, nếu có, có đủ các đặc tính vừa kể của Hiến Pháp CHLBĐ không?

Các tĩnh từ " phổ thông, trực tiếp, bình đẳng và kín" nêu lên những đặc tính khá minh bạch, có lẽ chúng ta không cần hay chưa cần đề cập đến, nếu chúng ta chưa xác định được thỏa đáng tĩnh từ tự do.

Từ ngữ " tự do " ở đây không những chỉ được dùng đề cập đến tác động bỏ phiếu không bị giới hạn, áp chế của người dân trong lúc bỏ phiếu cho cuộc phổ thông đầu phiếu hay trưng cầu dân ý, mà còn hàm chứa những điều kiện trước đó.

Bởi lẽ nếu không có những điều kiện thiết yếu ( sine qua non) trước đó, động tác được coi là " tự do" trong ngày bỏ phiếu sẽ không thể hiện được " tự do " chính đáng để được coi là cuộc dầu phiếu hay trưng cầu dân ý dân chủ và tự do.

Đó là chưa kể đến những hình thức " tự do giả tạo" và lường gạt mỵ dân của chính động tác bỏ phiếu.

Những điều kiện tiên quyết không thể thiếu, trước khi có cuộc đầu phiếu " tự do " là trong thời gian chuẩn bị, các

   - quyền tự do ngôn luận và truyền bá tư tưởng,

   - quyền tự do lập hội,

   - quyền tự do gia nhập hội

phải được bảo đảm.

 

Trong thời gian chuẩn bị, người dân phải được tự do gia nhập chính đảng.

Các chính đảng được tự do thành lập và hoạt động, được tự do phổ biến đến dân chúng lý tưởng dân chủ, các bậc thang giá trị cần phải được tôn trọng , chính sách lãnh đạo, mục đích và chương trình khả thi mà mình sẽ đem ra thực hiện cho Quốc Gia.

Do đó, muốn có cuộc đầu phiếu có ý nghĩa, các chính đảng phải có thời gian chuẩn bị để được thành lập, hoạt động và phổ biến thuyết phục dân chúng về những điều vừa được đề cập.

Các chính đảng phải được tự do xử dụng các phương tiện truyền thông để chuyển đạt đến dân chúng chủ trương và chương trình thực hiện của mình cho đất nước, mà không bị hăm doạ , áp chế, tố cáo là " tuyên truyền chống Đảng và Nhà Nước, chống XHCN…".

Không có chính đảng được tự do hoạt động, tự do ngôn luận và truyền bá tư tưởng để quảng bá đến dân chúng lý tưởng, các bậc thang giá trị, chính sách lãnh đạo Quốc Gia và chương trình thực hiện khả thi, dân chúng không  được thông tin để biết rỏ thực hư, sẽ không có cách gì bày tỏ ý kiến của mình một cách có ý nghĩa trong ngày đầu phiếu.

 

Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã tạo mọi hoàn cảnh thuận lợi để quyền tự do ngôn luận và truyền bá tư tưởng, quyền tự do lập hội và gia nhập hội, là những quyền căn bản của con người, được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trước khi có cuộc trưng cầu dân ý đích  thực ( nếu có ) cho thể chế XHCN mà bản Hiến Pháp 1992 là biểu tượng chưa?

 

Hỏi cách khác, hiện nay ở Việt Nam, ngoài đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh, có bao nhiêu chính đảng đang hoạt động và bao nhiêu tờ báo, truyền thanh và truyền hình không do Đảng và Nhà Nước Kiểm soát?

Nếu đảng Cộng Sản không trả lời được thoả đáng, thì thể chế XHCN hiện nay chỉ là thể chế do đảng Cộng Sản áp đặt lên đầu lên cổ dân Việt Nam, như việc họ đã áp đặt việc cắt đất nhượng biển cho Trung Cộng .

Cộng đồng dân chúng cùng sống trên một lãnh thổ, dưới một thể chế do một chính đảng áp đặt không thể được định nghĩa là một Quốc Gia dân chủ tự do.

Như vậy, thể chế  Xã Hội Chủ Nghĩa Hiện có ở Việt Nam là thể chế áp đặt lên đầu lên cổ dân Việt Nam, do đảng của Hồ Chí Minh cai trị độc tài tự tôn tự tác thi hành.

 

   3  -  Dân Chúng.

Để tránh cho bài viết quá dài, chúng tôi chỉ muốn quả quyết một điều: dân chúng Việt Nam dưới chế độ độc tài áp đặt  của đảng Hồ Chí Minh đang sống trong lầm thang, dốt nát và bị bốc lột.

Không có tài liệu nào gần đây của Ngân Hàng Thế Giới ( World Bank) cũng như của Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế ( IMF) cho thấy rằng lợi tức đầu người hàng năm của nguời dân Việt Nam vượt quá 400 đô la một năm, khi chúng tôi viết bài nầy,  một mức lợi tức quá nhỏ nhoi, thấp hơn cả mức lợi tức của dân du mục bán khai trên sa mạc Sahara.

Ai trong chúng ta có chút ít hiểu biết về kinh tế, điều biết rằng con số 400 đô la/năm cho mỗi người vừa kể là mức lợi tức mà người dân Việt Nam có được để có thể chi tiêu cho cuộc sống trong cả năm cho tất cả các chi phí để có thể sống còn, từ quốc phòng, nhà cửa, di chuyển, ăn uống, may mặc, y tế, học đường, hưu dưỡng…

Với con số nho nhoi vừa kể, mỗi người dân để ra được bao nhiêu cho vấn đề giáo dục chẳng hạn, 10% chăng?

Con số 10% của 400 đô la là 40 đô la/ năm để lo giáo dục cho người dân, một con số quá khiêm tốn để có thể lo xây cất và bảo trì phòng ốc, trả lương giáo chức, sắm sửa dụng cụ máy móc để giảng dạy, mua bút mực cho học sinh và sinh viên.

Con số 40 đô la tự nó nói lên trình dộ dân trí của dân tộc Việt Nam.

Điều đó không lạ gì hàng năm Đảng và Nhà Nước chỉ có khả năng " xuất khẩu lao động" hàng trăm ngàn công nhân đi làm tay chân và làm nô lệ cho các hảng ngoại quốc. Tin tức trên báo chí, Internet về điều kiện làm việc nhọc nhằn, nô lệ của người dân Việt cho các hãng Nam Hàn và Đài Loan mới đây, ai trong chúng ta cũng nghe nói đến.

Mức sống cùng cực của dân Việt Nam khiến cho hàng năm hàng mấy trăm ngàn phụ nữ và các em gái vị thành niên đã phải " bán trôn nuôi miệng", bị bán ra các nước láng giềng để làm nô bộc trong gia đình và nô lệ tình dục.

Hiện Việt Nam có trên 2 triệu người bị bệnh Aids và trong năm qua, theo tài liệu của Tổ Chúc Y Tế Quốc Tế ( OMS) con số chính thức phá thai là 1,7 triệu.

Chúng tôi không có sẳn những con số thống kê vừa kể, từ những tin tức mà chúng tôi có dịp đọc trên Net hoặc báo chí. Chúng tôi tin chắc rằng các cơ quan truyền thông, cũng như qúy vị có kinh nghiệm trong các lãnh vực kinh tế, xã hội và truyền thông có thể trưng ra những bằng chứng giúp chúng tôi.

Điều chúng tôi muốn nêu lên là đảng đương quyền của Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay không có khả năng phục vụ dân chúng. Và những điều chúng tôi vừa kể là kết quả  trên 30 năm cầm quyền của họ.

 

Nói tóm lại: Đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh

   - đã hành xử tác oai tác quái quyền bính Quốc Gia, vượt ra ngoài lằn mức quyền lực của những người đại diện Quốc Gia và phản quốc trong việc cắt đất nhượng biển của tổ tiên cho Trung Cộng,

   - cai trị độc tài bằng cách áp đặt thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa lên đầu dân chúng Việt Nam,

   - bất tài trong việc quản trị đất nước làm cho dân chúng lầm than, dốt nát, bệnh tật và bị bán làm nô lệ.

 

Đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh có xứng đáng để cai trị Quốc Gia Việt Nam không?

Hỏi để mọi người chúng ta trả lời !

 

 

 

Sài Gòn ngập lụt là tại thực dân Pháp!



Kuốc Kuốc (Danlambao)

 

 

Vaclav Havel - Chờ Tự Do


 

Vaclav Havel - Chờ Tự Do


 


Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Tên vở kịch nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Samuel Beckett là Chờ Godot. Godot là hiện thân của sự chờ đợi vô vọng dằng dặc, là biểu tượng của sự đau khổ về sự khắc khoải chờ đợi điều gì đấy tưởng chừng như không bao giờ đến. Cho nên khi cuộc cách mạng Tiệp Khắc bùng nổ trên đường phố, người ta không bất ngờ khi thấy những biểu ngữ ghi "Godot ở đây!" và nghe tiếng reo hò trên đường phố "Godot đã đến!" Tự do cuối cùng đã đến!

 

Đây là trích đoạn bài diễn văn của cựu tổng thống Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp bàn về hai cách chờ Tự Do.

 

*

 

Từ một quốc gia đã chờ đợi tự do suốt bao nhiêu năm dài tôi đến với các bạn hôm nay. Vì vậy tôi mong các bạn cho phép tôi trình bày những ý kiến vắn tắt về hiện tượng chờ.

 

"Chờ Godot" đến để giải phóng hay cứu thoát là cách chờ đầu tiên trong vô vàn những cách chờ khác nhau. Đa phần chúng tôi chịu đựng ách cai trị cộng sản thường gần như chờ đợi theo cách đầu tiên này. Bị vây hãm, bị đè nén, bị đô hộ trong lòng chế độ toàn trị, nhiều cá nhân đã mất hết tất cả hy vọng tìm ra lối thoát, mất tất cả ý chí hành động và mất cả ý thức rằng họ có thể hành động. Tóm lại, họ mất hy vọng.

 

Tuy nhiên họ đã không và không thể nào mất nhu cầu hy vọng, vì không có hy vọng cuộc đời mất hết ý nghĩa. Vì vậy họ chờ Godot. Không thể nào ấp ủ hy vọng trong lòng, họ chờ đợi điều gì đấy tựa như sự giải thoát mơ hồ từ bên ngoài. Nhưng Godot không bao giờ đến, chỉ vì Godot không tồn tại. Godot chỉ thể hiện niềm hy vọng. Godot không phải là chính hy vọng, chỉ là ảo vọng. Godot sinh ra từ chính sự tuyệt vọng của chúng ta-miếng vải rách ấy để vá lại tâm hồn tả tơi. Miếng vải vá ấy lại chi chít những lỗ thủng. Đấy là niềm hy vọng của những người không có hy vọng.

 

Cách chờ cuối cùng trong vô vàn những cách chờ là cách chờ khác. Cách chờ ấy là sự kiên nhẫn và được khích lệ bởi hy vọng rằng phản kháng bằng cách nói lên sự thật là vấn đề nguyên tắc, là điều phải ta nên làm mà không cần đoán liệu phản kháng ấy sẽ đi đến đâu vào ngày mai, ngày mốt hay bao giờ. Cách chờ như thế xuất phát từ niềm tin rằng lập lại sự thật thách thức này tự riêng nó có ý nghĩa, cho dù người ta có nhận thức được sự thật hay không, hay sự thật chiến thắng, hay bị đàn áp đến trăm lần, chỉ mong sao đâm thủng được bức màn dối trá liên tục.

 

Cách chờ ấy cũng được khích lệ bởi niềm tin rằng hạt giống, một khi đã gieo xuống, sẽ bén rễ và nâỷ mầm vào một ngày nào đó, dù không ai biết khi nào. Cách chờ ấy dạy chúng ta kiên nhẫn chờ, chờ trong tâm trạng hy vọng, không phải là sự thể hiện tuyệt vọng. Khác với chờ Godot là cách chờ vô nghĩa tự dối mình và vì thế phí thời gian, cách chờ thứ hai thật sự có ý nghĩa; chờ không phải là sự dối lòng ngọt ngào mà là sự thật cay đắng, và thời gian chờ đợi không hoài phí. Chờ cho đến lúc hạt giống tốt nẩy mầm không giống như chờ Godot. Chờ Godot nghĩa là chờ hoa huệ chúng ta không bao giờ trồng nở hoa.

 

Ta không thể chờ Godot.

 

Godot sẽ không đến, vì Godot không tồn tại.

 

Thật ra, ta càng không thể tạo ra Godot. Ví dụ điển hình về Godot được tạo ra-tức một Godot thật sự xuất hiện và vì thế là Godot giả- là cộng sản. Cộng sản thường tuyên bố cứu chúng ta, nhưng cứu cùng chỉ tiêu diệt chúng ta.

 

Tôi đã từng muốn lịch sử tiến lên như cách trẻ em kéo cây để cho cây mau lớn.

 

Tôi tin chúng ta phải học chờ như chúng ta học sáng tạo. Chúng ta phải kiên nhẫn gieo hạt giống, chăm chỉ tưới nước và dành cho cây thời gian cần thiết để lớn lên.

 

Tựa như ta không thể nào lừa cây, ta không thể nào lừa lịch sử. Nhưng ta có thể tưới nước lịch sử. Tưới kiên nhẫn mỗi ngày. Tưới với tất cả sự thấu hiểu, với sự khiêm nhường, và với tất cả yêu thương.

 




Nguồn: Trích từ diễn văn của cựu Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp tại Paris vào ngày 27 tháng Mười, 1992. Bản tiếng Anh của Paul Wislon. Tựa đề của người dịch.

 

 

 

Từ tác phẩm "The Art of the Impossible" của Vaclav Havel, nhà xuất bản Mỹ Alfred A. Knoff, 1997, trang 103-108. Người dịch có tham khảo bản lược dịch của báo New York Times, số ra ngày 13 tháng Mười Một, 1992 với tựa đề "Planting, Watering and Waiting"

 

 

 



 

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link