Thursday, November 7, 2013

QUỐC GIA


 

 

    Fr:     NHDong

 

QUỐC   GIA

 

                                                                                                                                                                                       NGUYỄN HỌC TẬP

 

Qua loạt bài đã viết, chúng ta bàn với nhau về Nhân Bản,  Dân Chủ, Bình Đẳng, Quốc Hội, Dân Biểu, Tổng Thống, Chính Quyền, Tư Pháp, Hiến Pháp và Viện Bảo Hiến..

Đó là những tư tưởng nền tảng của một Quốc Gia.

Chúng ta muốn cho Việt Nam là một Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ,

   - trong đó mọi người đều có quyền Bình Đẳng;

   - một Quốc Gia Hiến Định, trong đó quyền và nhiệm vụ của mỗi thành phần Quốc Gia đều được Hiến Pháp xác định và bảo đảm.

   - Chính Quyền hành xử quyền bính trong giới mức do Hiến Pháp quy định rõ rệt, không được tác oai tác quái tuỳ hỷ đối với nhân phẩm , quyền và tự do của con người;

   - một Quốc Gia có được các dân biểu đại diện do kết quả của

   * " cuộc bầu cử  phổ quát, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" ( Điều 38, đoạn 1  Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức),

nói lên tiếng nói trung thực và nguyện vọng của từng lớp dân chúng trong Quốc Hội với nhiệm vụ " kiểm soát và hướng dẫn đường hướng chính trị Quốc Gia", qua các động tác chuẩn y hay bác bỏ các đạo luật và chương trình hành động " đối với Hành Pháp.

 

Qua những tư tưởng đã được bàn, giờ đây chúng ta có thể dùng những quan niệm đó để phát họa một vài nét chính cho ý nghĩ Quốc Gia mà chúng ta muốn đem lại cho đất nước chúng ta trong tương lai.

Dĩ nhiên đã gọi là phát họa, thì có nghĩa là chưa hoàn hảo, xác định vĩnh viễn. Nhưng ít nhứt cũng có một sơ đồ để từ đó dần dần chúng ta có thể thêm bớt, sửa đổi cho hoàn hảo hơn, bởi vì Quốc Gia là một thực thể sống động, tăng trưởng và thích nghi để đáp ứng với hoàn cảnh và nhu cầu dân tộc, qua các biến chuyển của lịch sử.

Đàng khác các ý tưởng về Quốc Gia cũng như Hiến Pháp có thể được sửa đổi, tu chính để kịp đà biến chuyển của cuộc sống,

   - nhưng một số tư tưởng nền tảng về địa vị bất khả xâm phạm của con người, về Nhân Bản và Dân Chủ,

   - tính cách đại diện và nhiệm vụ chuẩn y hay bác bỏ luật pháp của Quốc Hội,

   - cũng như tính cách bảo chứng ( garantisme) của Hiến Pháp sẽ là những ý tưởng nồng cốt bất di dịch, được chúng ta tồn giữ trong tổ chức Quốc Gia tương lai của chúng ta, nếu chúng ta còn muốn cho Việt Nam là một Quốc Gia Tự Do, Nhân Bản và Dân Chủ.

 

I - Vài hình thức Quốc Gia.

Không kể đến các tổ chức bộ lạc và xã hội " không đầu não" ( acéphale), những hình thức tổ chức xã hội mộc mạc còn sót lại mà các nhà khảo cứu xã hội học quan sát được ở một vài miền đất Phi Châu, tổ chức cộng đồng có ý nghĩa nhứt cho cuộc sống chung là tổ chức "Thị Xã" ( Polis) của người Hy Lạp thời cổ, mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến trong bài THAM VỌNG CHÍNH TRỊ.

 

   a) Tổ chức " Thị Xã" được chúng ta gọi là " tiền Quốc Gia"

   - không những là những tổ chức chỉ thực hiện được được trong lãnh vực nhỏ bé của Thị Xã, cũng như những bất lợi, mà chúng ta đã có dịp bàn đến như chọn người lãnh đạo bằng cách rút thăm thay gì bầu cử,

   - mà  còn là những tổ chức của thể chế dân chủ trực tiếp, không mảy may có kinh nghiệm nào về tổ chức Quốc Gia theo thể chế dân chủ đại diện của chúng ta, với các cơ cấu Quốc Gia được tổ chúc theo chiều cao, cách điều hành nhịp nhàn của nhiều đơn vị khác nhau và với nhau.

 

    b) Tổ chức " Nước Cộng Hoà Roma" Res Publica Romana).

Theo nguyên ngữ " Res Publica Romana": công việc, tổ chức, cơ chế cộng đồng của dân Roma.

Việc  lãnh đạo của tổ chức được nhiều Thẩm Phán Đoàn đảm nhận.

Các Thẩm Phán Đoàn có nhiệm vụ khác nhau , từ Hành Pháp đến Tư Pháp. Một trong những nhiệm vụ nổi bậc của Thẩm Phán Đoàn là biện hộ miển phí cho người dân, khi họ cần đến ( Provocationem ad Populorum).

Tổ chức " Nước Cộng Hoà Roma " đặt nền tảng trên dân chúng ( Populus) và trên thành phần quý tộc ( Aristocratia).

Dân chúng hợp lại, có quyền bầu ra Thẩm Phán Đoàn.

Thành phần qúy tộc, được coi là qúy tộc kể cả những vị giữ chức thẩm phán trong nhiệm kỳ trước, có nhiệm vụ chọn các Thượng Nghị Sĩ ( Senator) để hợp thành Thượng Viện ( Senatus) với nhiệm vụ đối ngoại.

Mặc dầu tổ chức " Nước Cộng Hoà Roma" không có những yếu tố tổ chức Quốc Gia của chúng ta, nhưng Bộ Luật Roma là di sản cho nhiều tổ chức Quân Chủ ở Âu Châu thời Trung Cổ, có ích nhiều ảnh hưởng đến quan niệm tổ chức Cộng Đồng Quốc Gia của chúng ta hiện tại:

   - " Bất cứ điều gì làm nhà vua hài lòng là có giá trị luật pháp " ( quod principi placet, habet vigorem).

   - " Nhà vua có quyền cai trị trên mọi người, còn thần dân có quyền tư hữu" ( ad reges potestas omnium pertinet, ad singolos proprietes).

Và không những thời Trung Cổ, mà cả hiện tại chúng ta cũng dùng nhiều tư tưởng của Bộ Luật Roma:

   - " Trao trả cho mỗi người, điều gì thuộc về anh ta" ( Suum cuique tribuere).

Nhiều Bộ  Dân Luật ( Droit Civile) của các nước Tây Âu đều dựa vào Bộ Luật Roma. Các nhà làm luật, mỗi khi đề cập đến bộ luật trên chỉ cần nhắc là:" theo điều đã được ghi trong Luật Roma" ( Ratio Scripta).

Và nếu ai có học về Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, cũng sẽ thấy Bộ Giáo Luật trích dẫn nhiều điều khoản của Bộ Luật Roma.

 

  c)  Tổ chức lãnh thổ phong kiến ( féodalisme).

Tổ chức Quốc Gia hiện nay của chúng ta khác với các tổ chức lãnh thổ phong kiến, trong đó

   - quyền của vua,

   - quyền của các lãnh chúa đối với vua

   - và các lãnh chúa đối với nhau là những mạn lưới chằng chịt đan kết, dụng chạm nhau.

Tình trạng đó đã khiến cho thời Trung Cổ được coi là thời kỳ tranh chấp, nội chiến, lãnh địa nầy chống lãnh địa kia, hoàng tộc nầy chống hoàng tộc nọ.

Trong tổ chức Quốc Gia chúng ta trái lại: quyền cai trị đất nước được quy về một mối, nơi các cơ quan công quyền.

Dù có những dị biệt đó, tổ chức lãnh thổ phong kiến, với các đại diện cho hệ phái, khu vực, lãnh thổ là tiền thân của hình ảnh những vị dân biểu, đại diện cho quận, tỉnh, vùng, đảng phái, nghiệp đoàn trong tổ chức Quốc Gia chúng ta.

 

II - Bối cảnh lịch sử.

Chúng ta đã duyệt qua những tổ chức " tiền Quốc Gia" của thời Thượng Cổ và Trung Cổ, cùng với những ưu khuyết điểm liên hệ.

Câu hỏi được đặt ra: có phải vì ý thức đến những bất toàn của các tổ chức trên , không đáp ứng được nguyện vọng tiện bộ xã hội đương thời mà các Quốc Gia, nhứt là các Quốc Gia Tây Âu đã nghĩ ra cách tổ chức Quốc Gia để thích ứng hay Quốc Gia được thành hình do những nguyên cớ nào khác?

Câu trả lời cho vấn nạn đó, chúng ta tìm  được qua những bối cảnh lịch sử dưới đây.

Tổ chức Quốc Gia hiện đại là một tổ chức chính trị, nhằm đáp ứng lại những đòi hỏi chính trị nào đó, nên nguyên nhân tổ chức đất nước thành Quốc Gia phải đặt nền tảng trên lãnh vực chính trị.

Giở lại lịch sử, chúng ta nhận thấy thế giới ngay từ cuối thế kỷ 15 đã sống trong tình trạng bất ổn, nhiều trận chiến liên miên với những đoàn quân hùng hậu, ồ ạt của nước nầy qua xâm chiếm nước khác. Và  chiến tranh vẫn còn kéo dài cho đến thế kỷ 20, qua hai cuộc đệ I và đệ II thế chiến đã làm cho bao nhiệu triệu người phải thiệt mạng , mà ai trong chúng ta cũng biết được.

Đàng khác, như đã đề cập ở trên, thế giới của các lãnh thổ phong  kiến là thế giới của nội chiến, của băng đảng, phe nhóm, trả thù phục hận.

Đứng trước hoàn cảnh đó, các Quốc Gia, nhứt là các Quốc Gia Tây Âu, nếu muốn sống còn, không có cách nào khác hơn là phải tổ chức lãnh thổ thành Quốc Gia,

   - để minh xác sự hiện hữu của mình trên chính trường quốc tế

   - cũng như để dẹp nội loạn, nguyên cớ làm giảm thiểu tiềm lực chống đỡ ngoại xâm của mình:

 

Nhiều vị lãnh đạo đất nước phải đáp ứng với tình thế, cần tổ chức đất nước, lãnh địa thành Quốc Gia, để bành trướng sức mạnh nội địa, cũng cố biên giới lãnh thổ, ngăn cản và chia tách chiến tranh ra khỏi hoà bình" ( Nicola Matteucci, Lo Stato Moderno, Bologna, Il Mulino, 1993, 2).

 

Và muốn bành trướng sức mạnh nội địa cũng như giữ vững biên giới khỏi ngoại xâm, Quốc Gia tân tiến không thể chỉ trao dồi thủ thuật chiến tranh hay "Bấp thịt trước đã", nói như tựa đề một quyển sách dạo nọ ở Sàigòn, mà lúc còn học sinh trung học, chúng tôi rất say mê.

Quốc Gia còn phải suy tư về nhiều chương trình khác, mà chúng ta sẽ đề cập đến khi chúng ta định nghĩa về Quốc Gia.

Nhưng bối cảnh lịch sử với những biến chuyển trên bình diện quốc tế như vừa kể không phải là những yếu tố duy nhứt để biến những tổ chức " tiền Quốc Gia" đến hình thức tổ chức Quốc Gia hiện nay.

Tâm thức của những nhà lãnh đạo không những muốn Quốc Gia

   - vững mạnh về quân sự, để phô trương " Bấp thịt trước đã " đối với quốc tế hầu bảo vệ biên cương,

   - mà còn nhằm thay đổi đường lối cai trị thành chương trình lãnh đạo, quản trị Quốc Gia một cách tự do và hợp lý, trong đó con người được bảo đảm phẩm giá của mình và có cơ hội phát triển hoàn hảo con người mình.

Đường hướng lãnh đạo Quốc Gia một cách tân tiến như vừa kể chịu ảnh hưởng sâu đặm hai cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ XVIII.

Đó là

   - Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ  1776

   - và Cuộc Cách Mạng Pháp 1789.

Tinh thần cải tổ của hai Cuộc Cách Mạng trên, chúng ta có thể nói là những Cuộc Cách Mạng Dân Chủ, là qui luật một cách xác thực và rõ ràng những điều khoản luật pháp, nền tảng cho đất nước, mà từ trước đến nay chỉ dựa vào những quy luật cố hữu, tập tục không biết từ bao đời.

Mục đích chính của tinh thần hai Cuộc Cách Mạng, nhứt là Cuộc Cách Mạng Pháp Quốc là quy định một Hiến Pháp, làm bảo chứng cho quyền và tự do của con người và người dân (Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân 1789 ).

Hiến Pháp nhằm bảo vệ quyền làm người và quyền tự do chính trị chống lại mọi lạm quyền của Hành Pháp.

Trong tinh thần đó, người công dân không phải là thần dân có nhiệm vụ phục dịch vua như tôi tớ, mà

   - Quốc Gia được tổ chức để phục vụ người dân nói riêng

   - và lợi ích chung của đất nước nói chung.

Tinh thần của luật pháp ( Rule of Law), tinh thần của Hiến Pháp (Constitutionalisme), tính cách bảo chứng của Hiến Pháp ( Garantisme) hay luật lệ Quốc Gia ( Rechstaat) đều nói lên tinh thần bênh vực và bảo vệ người dân chống lại mọi lạm quyền của Chính Phủ.

Nhìn qua Hiến Pháp các Quốc Gia Tây Âu, kể cả Hoa Kỳ, chúng ta thấy Hiến Pháp bảo vệ người dân bằng hai hình thức:

   - Hình thức thông thường mà ai trong chúng ta cũng biết, đó là Hiến Pháp phân chia quyền lực Quốc Gia thành ba cơ cấu độc lập: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, để tránh sự tập trung quyền lực vào tay một tổ chức hay một cá nhân, như trường hợp các thể chế Quân Chủ độc tôn (Monarchie absolue hay Absolutisme). Chúng ta vẫn thường nghe các thành ngữ như:

   - " Vua đại diện trời để trị dân" ( Dei Vicarius),

   - " Vua không bị luật lệ nào ràng buộc" ( Legibus solutus),

   - "  Vua có quyền toàn năng" ( Plenitudo potestatis),

   - " Vua không nhận biết quyền lực nào cao hơn" ( Superiorem non riconoscens),

   - " Điều gì vua khoái là luật" ( Quod principi placet, habet vigorem).

Hiến Pháp được lập ra trong thể chế dân chủ là vậy.

Biết đâu trong tương lai chúng ta cũng cần có một Hiến Pháp

   - để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng,

   - để họ đạp bỏ đi tư cách hách dịch tự phong cho mình là " Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam có công giải phóng đất nước, nên được quyền cai trị vĩnh viễn" ( Plenitudo potestatis sine fine dicentes).

 

Hình thức lằn mức hiến định.

Dĩ nhiên chúng ta có thể tìm thấy cả hai hình thức trong cùng một Hiến Pháp,

   * đó là Hiến Pháp giới hạn rõ rệt ranh giới mà Hành Pháp không thể vượt qua,

   * hoặc những cơ chế khác có thể hạn chế, điều tra, xét xử và truất phế Hành Pháp, trong trường hợp Chính Phủ không tuân hành các điều khoản của Hiến Pháp.

Như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy kết quả của hai Cuộc Cách Mạng Dân Chủ vừa kể là để thiết lập ra Hiến Pháp, quy định các điều khoản của Công Pháp ( Droit Public) thành văn bản rõ ràng, chính xác và hữu lý để bảo vệ dân chúng đối với các cơ chế Quốc Gia nói chung và đặc biệt đối với Hành Pháp.

Đó là tinh thần và nền tảng của một Quốc Gia Tự Do.

Nói cách khác, khi chúng ta nói: " Việt Nam là một Quốc Gia Tự Do ", điều đó không có gì khác hơn là

   - " Việt Nam là một Quốc Gia trong đó mọi quyền tự do của người dân Việt Nam được Hiến Pháp xác định và bảo vệ một cách rõ rệt hay Việt Nam là một Quốc Gia Pháp Trị ( État de droit).

Kế đến nếu hai Cuộc Cách Mạng dân chủ vừa kể đã viết thành văn bản các điều khoản của Công Pháp thành Hiến Pháp, thì công trạng không kém của những vị tiền phong dưới đây đã quy định lại hệ thống luật lệ thời Trung Cổ thành văn bản của Bộ Dân Luật:

   - Vua Friedrich II của Đức,

   - Hoàng hậu Marie Thérèse của Áo,

   - Thủ Tướng H.F. Daguesseau của Pháp.

Các vị trên đây bắt tay vào việc đúc kết hệ thống luật lệ của thời Trung Cổ thành Bộ Dân Luật, với ý hướng rằng nền hành chánh của vương quốc phải dựa trên hệ thống luật pháp thống nhất.

Hệ thống luật pháp của thời Trung Cổ vẫn có hiệu lực đến thế kỷ XIX, dựa vào các bản luật sau đây:

   - Bộ luật Napoléon của Pháp,

   - Bộ luật 1794 của Đức,

   - Bộ Luật (  ) của Áo.

   - Các luật lệ dựa vào tập tục cổ truyền,

   - Các luật lệ dựa theo luật tự nhiên,

  - Bộ luật Roma.

Một hệ thống luật dựa trên bao nhiêu yếu tố luật như vừa kể, không thể nào có tính cách thống nhất và mạch lạc được.

Do đó việc áp dụng luật pháp cũng trở thành mập mờ, không chắc chắn. Quy định luật lệ có nghĩa là sắp đặt lại hệ thống, mạch lạc, dựa vào những nguyên tắc tổng quát và căn cứ vào những quan niệm hữu lý có liên quan đến hành động con người. Từ đó rút ra những áp dụng vào các trường hợp cá biệt.

Kết quả của việc quy định lại Bô Dân Luật trên là hệ thống luật của Tây Âu trở thành hệ thống khuôn thước đóng kín, khách quan, hữu lý và vô tư, nhà làm luật hay nhà khoa học có thể dùng lý luận suy diễn từ nguyên tắc chung đến áp dụng thực tế được.

Qua những dòng tìm hiểu  trên, chúng ta thấy rằng hoàn cảnh thúc đẩy sự thành lập tổ chức Quốc Gia để đáp ứng lại nhu cầu mới của " diễn biến quốc tế " cũng như  đáp ứng lại tâm thức của những người lúc đó suy nghĩ về cách tổ chức Quốc Gia phải thể hiện tâm thức ước vọng tự do, dân chủ của người dân Tây Âu vào các thế kỷ XVII- XX.

Đó là những yếu tố giúp chúng ta dễ  tìm hiểu hơn tư tưởng về Quốc Gia mà qua những phần trình bày dưới đây chúng ta sẽ có dịp phân tích sâu xa hơn.

 

III - Quốc Gia, định nghĩa theo nguyên ngữ.

Từ ngữ Quốc Gia của chúng ta có cùng nghĩa với danh từ " State" ( Anh ngữ), " État" (Pháp ngữ), " Stato" ( Ý ngữ) và " Staat" ( Đức ngữ).

Các danh từ trên đều phát xuất từ " Status" ( La ngữ).

Các Quốc Gia trên dùng danh từ phát xuất từ " Status" của Latin để diễn tả  tư tưởng "Imperium" ( Vương Quốc) theo ý nghĩa của thời cổ hoặc         " Dominium" hay "Herrschaft" ( Lãnh điạ, đất đai của lãnh chúa, của hoàng đế).

Thật ra danh từ "Status" của La ngữ có nhiều ỳ nghĩa khác nhau.

Thoạt tiên " Status" trong các từ ngữ " Status publicus" ( hoàn cảnh hay tình trạng công việc chung) hoặc " Status Rei Publicae" ( hoàn cảnh của tổ chức chung, của công việc chung ) .

"Status" cũng có nghĩa là điều lệ, nội quy hay hiến pháp.

" Status" là thể chế tổ chức hành pháp: " Status regalus": đất nước theo thể chế quân chủ; "Status Optimatorum": quốc gia do thành phần trổi vượt,élites, cai trị,

" Status popularis": quốc gia của đại chúng.

Macchiavelli trong quyển «  Il Principe » ( 1513) diễn tả Quốc Gia như là «  diện tích » (estensione) của một lãnh thổ hay là " số lượng đông đảo quần chúng", hoặc cả hai ý nghĩa.

J. J. Rousseau trong quyển «  Du Contrat Social » cho rằng Quốc Gia là «  số lượng đông đảo quần chúng thụ động dưới quyền cai trị tối thượng ( souverain) của vua ".

- Nhiều triết gia gán cho Quốc Gia ý nghĩa lịch thiệp hơn. Người Hy Lạp cho rằng Quốc Gia là một « cộng đồng chung sống » ( koinomia politeia).

- Các triết gia La Tinh cho tư tưởng Quốc Gia là «  cộng đồng văn minh hay cộng đồng thành phố » ( comunitas civilis).

Và điều nổi bậc mà chúng tôi thán phục là Cicero, mặc dầu sống cách biệt với chúng ta từ thời đế quốc Roma cũng đã ý thức rằng Quốc Gia là một tổ chức, dù theo hình thức nào đi nữa, cũng phải dựa trên «  juris consensus » ( sự đồng thuận dựa trên căn bản pháp lý, hay nói theo ngôn từ của chúng ta là dựa trên căn bản Hiến Pháp) nếu muốn tồn tại lâu dài.

   - Hobbes không gọi Quốc Gia là State mà là «  Common Wealth » ( sự thịnh vường chung).

Vào thế kỷ XVI, Giovanni Botero cùng với các tư tưởng gia về lý thuyết «  Nguyên Lý Quốc Gia », trong quyển La Ragione di Stato cho rằng Quốc Gia là chủ quyền vững chắc trên dân chúng ( dominio fermo sopra i popoli).

   - Vào khoảng năm 1800, nền văn chương Đức cống hiến cho chúng ta tư tưởng Quốc Gia là «  trung tâm điểm của cuộc sống cộng đồng » ( Hegel, Grundlinien der Philosophie des Rechts, 1821).

   - L. von Ranke với quyển «  Grossen Maechte » ( 1883) và «  Weltgeschichte » ( 1881-1885) cùng với J. Burchkhard, trong quyển "Weltgeschichte Betrachtungen" ( 1905) và các luật gia như C.F. von Gerber, P. Laband, G. Jellinek đã thiết lập hệ thống luật học về chủ nghĩa quốc gia, trong đó «  Quốc Gia là một chủ thể pháp nhân ».

   - Ở Pháp J. Bordin với các quyển «  Six Livres de la République »( 1576) đề cập đến « quyền tối thượng » ( souverainneté) theo đó thì quyết định cao nhứt ( tối thượng) và sau cùng ( tối hậu) thuộc về Quốc Gia. Điều đó nói lên quyền lực của Quốc Gia là quyền lực ở «  đỉnh cao tột độ của mọi quyết định về chính trị » cho đất nước.

Quốc gia có quyền tối thượng đó do chính bản thể của mình là tổ chức có trách nhiệm cho sự sống còn của đất nước. Quyền tối thượng đó, Quốc Gia không cần phải nhận lãnh  nơi bất cứ tổ chức nào khác trong lãnh thổ của mình, cũng không từ quốc gia hay tổ chức nào khác trên chính trường quốc tế.

Đúc kết lại những tư tưởng duyệt qua trên đây, chúng ta rút ra được những yếu tố chính sau đây :

Quốc Gia là một tổ chức chính trị

   * có chủ quyền trên một lãnh thổ ( Status, Imperium, Dominium, Herrschaft),

   * có chủ quyền trên một dân tộc ( J. J. Rousseau ; Giovanni Botero),

   * chủ quyền của Quốc Gia dựa trên căn bản Hiến Định ( Cicero),

   * là chủ thể có tư cách pháp nhân  ( Hegel, L. von Ranke, J. Burckhard và các luật gia Đức),

   * có quyền tối thượng trong việc hành xử quyền bính của mình đối với đất nước ( J. Bordin),

Nói một cách ngắn gọn hơn : Quốc Gia là một Cộng Đồng Dân Chúng, cùng sống trên một Lãnh Thổ, được tổ chức theo một thể chế.

Những yếu tố tóm lược vừa kể sẽ giúp chúng ta hiểu biết cơ cấu và cách hành xử quyền bính của Quốc Gia.

 

IV - Quốc Gia hiện đại.

 Qua những phân tích kể trên, chúng ta nhận thấy rằng tư tưởng Quốc Gia không phải là ý thức bộc phát của một thức giả nào đó qua một đêm không ngủ, mà là tư tưởng tiềm tàng, qua bao nhiêu biến chuyển lịch sử cũng như do suy tư của bao nhiêu nhà tư tưởng , học giả, nguyên thủ quốc gia từ hậu bán thế kỷ XVI đến nay.

Chúng ta có thể nói rằng bao nhiêu khối óc của nhân loại, nhứt là những khối óc lỗi lạc của Tây Âu đã thao thức, suy tính làm sao để thiết lập nên một cộng đồng xã hội, trong đó con người được sống an toàn, bình đẳng và sung mãn, hạnh phúc và tiến bộ.

Cộng đồng mơ ước đó hiện đang là những khuôn mẫu cho cuộc sống tự do, dân chủ và đem lại tiến bộ cho các nước Tây Âu.

Đó là tổ chức Quốc Gia.

Và sau đây là những đặc tính :

Quốc Gia là một tổ chức chính trị, nắm quyền kiểm soát trên một đoàn thể dân chúng, cư ngụ trên một lãnh thổ xác định,

tổ chức đó khác biệt với những tổ chức khác, đang hoạt động trong cùng một lãnh thổ,là một tổ chức tự lập,có các tổ chức của mình, được phối hợp minh xác với nhau ( C. Tilly, The Formation of National States in Western Europe, Princeton University Press, 1975, 70).

Trong dịnh nghĩa vừa qua, chúng ta có được những yếu tố chính sau đây :

   - là một tổ chức,

   - có quyền năng trên một đoàn thể dân chúng,  cư ngụ trên một lãnh thổ xác định

   - và một vài đặc tính khác, chúng ta sẽ đề cập đến dưới đây.

 

1 - Quốc Gia là một tổ chức.

Quốc Gia khác với tổ chức quân chủ, trong đó tất cả quyền bính tập trung vào tay vua. Vua tượng trưng và nắm hết quyền thống trị của vương quốc. Hay nhà vua vừa là Vị Nguyên Thủ Quốc Gia, vừa là Vị Lãnh Đạo Hành Pháp, nói theo ngôn từ chính trị học.

Những trích dẫn ở phần trên của bài nầy, trong đoạn nói về lịch sử, cho chúng ta thấy rỏ ý hướng đó.

Quyền lực Quốc Gia cũng không tậ trung vào tay một vị nguyên thủ độc tài nào đó : « Quốc Gia, chính là tôi đây ! » ( L'Etat, c'est moi !)

Trái lại Quốc Gia là một tổ chức. Quyền lực Quốc Gia được phân chia và ủy thác cho các cơ quan có trách nhiệm theo thể thức hiến định. Mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng biệt, tự lập ( autonomie), nhưng cùng hoạt dộng nhịp nhàng với nhau, mang lại lợi ích chung cho đất nước.

 

2 - Quốc Gia có quyền năng trên đoàn thể dân chúng của mình.

Quyền lực trên dân chúng của Quốc Gia được thực thi dưới hình thức có tính cách cưỡng bách.

Quyền lực của Quốc Gia trên dân chúng là quyền lực tối thượng. Điều đó có nghĩa là Quốc Gia trong các nước dân chủ, một khi được dân giao phó cho quyền hành xử ( exécutif) theo các thể thức dân chủ, xử dụng quyền lực của mình không cần phải xin phép ai nữa.

Tính cách tối thượng quyền lực Quốc Gia không phải để cho Chính Quyền độc tài, mà là đặc tính thiết yếu để bảo vệ toàn vẹn tính mạng, thân thể và tài sản của người dân cùng với những quyền làm người khác được Hiến Pháp và luật pháp ấn định.

Quốc Gia có toàn quyền thi hành quyền lực một cách cưỡng bách trên người dân. Mặc dầu trong cuộc sống thường nhật, trừ những trường hợp đặc biệt, ở các nước dân chủ ít khi chúng ta thấy Chính Quyền dùng võ lực. Bởi lẽ trước khi dùng võ lực, các cơ quan công quyền thường dùng những hình thức yêu cầu hoặc khuyến cáo trước. Tính cách cưỡng bách

của quyền lực Quốc Gia trong cuộc sống thường nhật, nhiều khi chúng ta không để ý, nhưng không vì đó mà thiếu hiệu lực. Một mảnh giấy để trả thuế hay một tờ giấy phạt vì chúng ta vi phạm luật đi đường xem ra «  vô thưởng vô phạt ». Nhưng chúng ta thử làm ngơ vài ngày xem. Một ngày nào đó, «bạn sẽ thấy lù lù xuất  hiện trước cửa nhà bạn chiếc xe bít bùng và một vài ba nhân viên cảnh sát » ( P. Berger, Invitation to Sociology, Garden City, N.Y., Doubleday, 1963, 69). 

Trên dân chúng mình, Quốc Gia dành cho mình quyền hành xử quyền lực có tính cách cưỡng bách ( đôi khi cả bằng võ lực) là để bảo đảm an toàn cho mọi người.

Trong một Quốc Gia, ít nhứt là Quốc Gia Tây Âu, không ai được dùng quyền lực có tính các cưỡng bách trên, ngoại trừ những ai thừa hành quyền lực Quốc Gia.

Quốc Gia dành cho mình toàn quyền xử dụng quyền lực, nhứt là võ lực, để tránh xô xát, trả thù, nội chiến của cá nhân hay phe nhóm với mục đích bảo vệ an ninh cho từng cá nhân và an ninh công cộng.

Không ai có thể tự cho mình làm  « cân bằng cán cân công bằng cho chính mình », bằng cách trả thù, trả đủa, mà phải nhờ đến quyền lực Quốc Gia. Bởi lẽ chỉ có Quốc Gia mới là tổ chức chính danh ( légitime), hợp pháp ( légale) và có đủ mọi phương tiện xử dụng quyền hành một cách có hiệu quả.

Khi có cuộc tranh chấp giữa người dân với nhau, Quốc Gia có quyền giải quyết bằng cách áp đặt quyết định của mình cho cả đôi bên.

 

3 - Quốc Gia có thẩm quyền trên lãnh thổ mình.  

Chính trên lãnh thổ đất nước mình, mà Quốc Gia có toàn quyền tối thượng, độc hữu (exclusif) và bất khả xâm phạm.

Quốc Gia có quyền xử dụng quyền lực của mình trên lãnh thổ để thiết lập an ninh trật tự công cộng và bảo toàn biên giới, chống lại bất cứ quyền lực ngoại xâm nào khác.

Sau ba yếu tố trên, sau đây là những đặc tính của Quốc Gia :

- Quốc Gia là một tổ chức chính trị, khác với những tổ chức khác hoạt động trên lãnh thổ.

Quốc Gia là một tổ chức chính trị, nên trên nguyên tắc, hoạt động của Quốc Gia chỉ thuần nhứt nhằm vào các hoạt động chính trị. Chúng tôi vừa nói là «  trên nguyên tắc ». Ở những trang kế, chúng ta sẽ suy luận nhiều hơn cho tư tưởng vừa kể.

Hoạt động của Quốc Gia nhằm vào các hoạt động chính trị, khác với những tổ chức khác không có tính cách chính trị. Quốc Gia ý thức rằng con người có khả năng, khuynh hướng và quyền được có những ước vọng và lợi thú khác, ngoài lãnh vực chính trị. Bởi đó trong xã hội, có những tổ chức không có tính cách chính trị. Quốc Gia nhìn nhận tính cách chính danh và hợp pháp của các tổ chức đó.

Quốc Gia cũng xác nhận tính cách hoạt động chính tri của mình, độc lập nhưng hổ tương với các tổ chức trên.

 

   a) Quốc Gia và Tôn giáo.

Với tiến trình tách rời hoạt động chính trị ra khỏi tôn giáo, tiến trình thế tục hoá (sécularisation), đừng nên lầm lẫn với khuynh hướng " vô thần hóa, vô tôn giáo hóa hay vô đạo hóa, sécularisme", Quốc Gia chỉ cho mình có trách nhiệm những gì thuộc về đời sống chính trị, về những lãnh vực  trần thế của đất nước.

Mọi hoạt động tôn giáo của các tôn giáo,  cũng như những gì thuộc về đời sống tôn giáo, phượng tự của người dân, đều không thuộc về quyền hạn Quốc Gia, mà của từng cá nhân hay của tổ chức tôn giáo.

Quốc Gia có bổn phận tạo điều kiện để trợ giúp và bảo đảm các hoạt động tôn giáo được tự do theo tinh thần dân chủ và nhân bản hiến định.

Trên nguyên tắc thì như vậy, nhưng dần dần người ta ý thức rằng hoạt động chính trị không thể thiếu tôn giáo. Người hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội để phục vụ đất nước phải là con người có tài năng và đức độ.

Nền giáo dục tự mình có thể đào tạo được những người lãnh đạo tài ba, nhưng khó mà cống hiến cho Quốc Gia con người có đức độ nếu không dựa vào tôn giáo. Bởi lẽ luân lý phải được đặt nền tảng trên tôn giáo.

Đàng khác cùng đích của tổ chức Quốc Gia là con người toàn diện được phát triển hoàn hảo các chiều hường của mình chớ không phải hiệu năng tối đa của kinh tế, bấp thịt trước đã của quân sự phục vụ chính trị để thống trị hoàn cầu.

Tổ chức Quốc Gia thiếu tôn giáo sẽ khó mà định hướng, có một cái nhìn đứng đắn hoàn hảo về con người với tất cả các chiều hướng phải có và con người là yếu tố then chốt cho mọi tiến trình tổ chức đất nước.

Tổ chức Quốc Gia và các tổ chức xã hội trung gian không có tính cách chính trị, gia đình, học đường, hiệp hội, phong trào, nghiệp đoàn và cả các Giáo Hội của các tôn giáo, mỗi tổ chức vẫn giữ vai trò và quyền hạn biệt lập của mình, nhưng cùng cộng tác trong những lãnh vực mà mình cho là có ích cho đất nước.

Chính quyền của các nước Tây Âu nhìn nhận sự trợ giúp thiết yếu của tôn giáo, nên coi tôn giáo ít ra cũng  như là những tổ chức lợi ích cho xã hội.  Việc Chính Phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức trả lương cho các linh mục coi họ đạo  hay linh mục tuyên úy như công chức , cũng như Chính Phủ Ý dành cho tôn giáo 8 phần ngàn lợi tức dân chúng nói lên xác tín đó, vì ít ra việc làm của các ngài được coi là có lợi ích cho xã hội.

 

b - Quốc Gia và những tổ chức xã hội trung gian.

Đối với những tổ chức có tính cách xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật,Quốc Gia chỉ đứng ra kiểm soát trên phương diện tổng quát và trừu tượng, bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trên được hoạt động tự do và hiệu nghiệm.

Đối với các hoạt động kinh tế, mọi hoạt động sản xuất, phân phối đều thuộc về sáng kiến cá nhân. Quốc Gia chỉ xác định luật lệ, kiềm soát sao cho các hoạt động đó hợp pháp , không làm tổn thương đến an ninh và danh dự của con người, cũng như không phương hại đến lợi ích xã hội (  Điều 41, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Nói như vậy, không có nghĩa là Quốc Gia không thể can thiệp vào kinh tế bằng hệ thống tiền tệ, chính sách thuế vụ, đầu tư thiết lập hạ từng cấu trúc để tạo điều kiện và kích thích phát triển, kể cả trợ giúp thành phần yếu thế bằng thuế khóa và tính dụng dễ dãi tạo điều kiện cho kinh tế phát triển điều khắp. Nói cách khác, ở đâu và lúc nào " Bàn Tay Nhiệm Mầu với luật cung cầu" của Adam Smith trong kinh tế thị trường tự do không hoạt động trôi chảy, chúng ta cần có "Khối Óc Khôn Ngoan" của Quốc Gia can thiệp và trợ lực.

Nhưng Quốc Gia trợ lực và kích thích cho kinh tế thị trường của tự do sáng kiến cá nhân là một chuyện, chỉ huy và tiêu diệt mọi sáng kiến cá nhân trong kinh tế chỉ huy của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Anh Em Vĩ Đại là chuyện khác. 

 

c - Quốc Gia là tổ chức tự lập và tập trung quyền bính.

Tính cách tự lập nói lên quyền tối thượng của Quốc Gia.

Trong lãnh thổ mình, Quốc Gia có quyền tối thượng hành xử quyền lực mà dân chúng giao cho một cách chính danh. Quốc Gia thi hành quyền lực mình được dân chúng giao phó không cần phải được phép tắc của một nhân vật hay cơ chế nào khác trong lãnh thổ mình.

Quốc Gia cũng không cần phải có ai thoả thuận, chuẩn y, ngay cả ai đó là một nước khổng lồ nào đó ở sát biên giới cũng vậy. Nếu không thì Quốc Gia đã mất chủ quyền, như Việt Nam do Cộng Sản cai trị đã mất chủ quyền phần đất của Ải Nam Quan đối với Tàu.

 

d - Quốc Gia phối hợp các cơ cấu của mình một cách minh xác.

Mặc dầu Hiến Pháp các Quốc Gia tự do, dân chủ minh định việc phân chia quyền lực Quốc Gia thành các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp để bảo đảm cho người dân chống lại mọi lạm quyền của các cơ quan Quốc Gia, nhứt là cơ quan Hành Pháp, các cơ quan vừa kể hoạt động độc lập nhau nhưng liên hệ mật thiết với nhau để mưu cầu lợi ích chung cho đất nước. Ví dụ Quốc Hội có nhiệm vụ hướng dẫn đường lối chính trị Quốc Gia đối với cơ quan Hành Pháp.

Ngay cả trong cơ quan Hành Pháp cũng vậy. Mặc dầu mỗi cơ quan hành chánh hoạt động độc lập, nhưng cũng theo chỉ thị của Chính Phủ Trung Ương để hoạt dộng nhịp nhàng hầu đạt được mục đích chung.

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link