Monday, November 4, 2013

Bàn Chuyện Thời Sự giữa BS Trần Xuân Ninh và Tuệ Vân


 

Bàn Chuyện Thời Sự giữa BS Trần Xuân Ninh và Tuệ Vân - Ngày 01 tháng 11 năm 2013 (có âm thanh)
Bs Trần Xuân Ninh, Tuệ Vân, Khánh Vân
tamthucviet.com
November 3, 2013
 
Đề tài thời sự:
- Bàn luận quanh ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 và tổng thống Ngô Đình Diệm.
- Bàn về yếu tố tinh thần tự hào dân tộc trong cái chết của Võ Nguyên Giáp.
- Thái độ vô cảm tàn nhẫn của những con người xã hội chủ nghĩa quanh tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ở Bệnh viện Bạch Mai mổ chết bệnh nhân tại phòng thẩm mỹ Cát Tường, tức là viện thẩm mỹ tư của ông ấy, rồi sau đấy vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng cho phi tang.
- Lãnh đạo VC đang học lối đối phó cửa miệng cho qua, nhưng mà sẽ giữ lập trường tới cùng.
- Một Hà Tĩnh đầy ắp người Trung quốc và những hậu quả.
-----------------
 
1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV. Chào KV. Hôm nay là ngày 1 tháng 11. Cách đây đúng 50 năm, với sự hỗ trợ khuyến khích của Mỹ, các tướng lãnh Việt Nam Cộng hoà đã làm cuộc đảo chánh lật đổ tổng thống Ngô đình Diệm, chấm dứt đệ nhất Việt Nam Cộng hoà. Tiếp theo là đệ nhị Việt Nam Cộng hoà do các tướng lãnh chủ chốt nắm quyền. Miền Nam đi vào lộn xộn. Và sau cùng mất vào tay Việt cộng ngày 30 tháng 4/1975. Đây là một biến cố chính trị phức tạp, mà nửa thế kỷ sau vẫn có nhiều dữ kiện đơn giản nhiều người biết mà né tránh không nói. Cho nên tôi nghĩ minh có thể khách quan nhìn lại một chút để rút ra bài học kinh nghiệm. Chuyện thứ hai sẽ đề cập hôm nay, là chuyện bộ trưởng y tế  VC “lên tiếng xin lỗi nhân dân” nhân chuyện một bác sĩ VC mổ chết bệnh nhân rồi vất xác xuống sông cho phi tang đã là một đề  tài thảo luận trong giới giang hồ mạng điện tử. Chuyện thứ ba là chuyện dân chúng Quảng Ngãi bất chấp các giải thích của chính quyền, biểu tình ngồi lì trên quốc lộ 1A làm lưu thông bị tắc nhiều giờ,  là tin thời sự có nhiều ý nghĩa. Về tin thế giới thì chuyện Snowden tố giác sở An ninh quốc gia (NSA) Mỹ thu thập dò thám điện thư điện thoại dân chúng Mỹ ngoài lãnh vực trách nhiệm của sở, đã bị quên lãng ở Mỹ, nhưng đang trở thành sôi nổi ở Âu châu, vì mức độ rộng lớn của các theo rõi điện thoại điện thư không những của dân chúng mà còn của những nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Tây ban Nha vân vân… tổng số lên tới 35 người. Tuệ Vân và Khánh Vân có điều gì thảo luận thì xin cho ý kiến.
 
2/KV. Dạ thưa trước hết thì KV xin được gởi lời kính chào đến quý thính giả, xin kính chào BS Ninh và thân mến chào chị TV. Dạ thưa khi nghe BS Ninh nói là sau khi các tướng lãnh nắm quyền, thì “miền Nam đi vào lộn xộn”, phải chăng BS Ninh có ý nói rằng: nếu ông Diệm không bị đảo chính, thì miền Nam không bị rơi vào tình trạng lộn xộn, và miền Nam VN cũng sẽ không bị mất về tay VC vào năm 1975 không cơ ạ.?
 
3/TXN: Các tướng lãnh nắm quyền là một sự kiện. Miền Nam lộn xộn là sự kiện thứ hai. Lộn xộn, bởi vì sau đảo chính các tướng lãnh tranh nhau cầm quyền, và các chính trị gia thì đòi này đòi nọ.  Nhưng khó có thể khẳng định rằng nếu ông Diệm không bị đảo chính thi miền Nam không bị mất vào tay CS. Bởi vì sang đến 1964, VC gia tăng tấn công bằng đơn vị lớn từ miền Bắc đưa vào. Và không ai nói được rằng nếu ông Diệm còn thì VC không mang được đơn vị lớn vào miền Nam. Ngoài ra thì phải nói rằng lộn xộn, về mặt biểu kiến, bắt đầu với vụ cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản ở Huế năm 1963 khiến Phật tử biểu tình chống đối và có hai người bị bắn chết, rồi tiếp theo là những biểu tình dài dài ở các thành phố khác, ồn ào nhất là ở Sàigòn. Nhưng tình hình thực ra đã lộn xộn, ít nhất là về mặt tâm lý, vì trước khi có vụ Phật giáo ở Huế thì đã có vụ ném bom dinh Độc lập bởi hai phi công Phạm phú Quốc, Nguyễn Văn Cử, vụ đảo chính hụt với Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn triệu Hồng vân vân, bên cạnh những bàn tán về chính sách gọi là “gia đình trị” của ông Ngô đình Diệm từ những nhà chính trị tung ra vân vân…
 
3/TV. TV kính chào BS N, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Đề cập đến gia đình ông Ngô Đình Diệm, nếu nói vì ông Diệm tin cẩn dùng bà con anh em thân tín mà bị phê bình là “gia đình trị” thì TV thấy là vô lý và không đúng. Chẳng lẽ một vị quốc trưởng có người tài giỏi trong gia đình mà không được dùng hay sao? Vấn đề nếu cần và nếu có, là chỉ xem xét những người đó có làm được công việc giao phó hay không mà thôi. Đó là suy nghĩ của TV.  
 
Ngoài ra thì câu chuyện về Võ Nguyên Giáp vẫn chưa chấm dứt, ít nhất là đối với một nữ thính giả theo rõi chương trình bàn về Võ Nguyên Giáp, và là người đã có ý kiến trong kỳ trước. Bà đã không hài lòng với đoạn trả lời của BS N cho nên yêu cầu kỳ này làm rõ thêm, như thư viết gửi đến TTVN như sau:  
 
 “Có lẽ bác sĩ N đã quá chú trọng đến chuyện để ý đến tài năng của Võ Nguyên Giáp, cũng như vai trò của các cố vấn TC trong cuộc chiến Điện biên phủ, cho nên trong kỳ bàn chuyện thời sự ngày 15 tháng 10 đã không nhận định về ý kiến của tôi là “đông đảo quần chúng đến thăm viếng Võ Nguyên Giáp là vì lòng yêu nước, vì sự hãnh diện đối với thành tích thắng Pháp, thắng Mỹ của ông Giáp”. Theo tôi, sự hãnh diện này có thể nói là biểu hiện của tinh thần tự hào dân tộc, bác sĩ N nghĩ sao?”
 
Bà viết thêm:
“Để cho bác sĩ N đừng hiểu lầm tôi là người thân cộng thì tôi xin nói rằng tôi vẫn thường hay tham dự những sinh hoạt chống cộng trong cộng đồng. Và tôi đã kiên nhẫn theo rõi truyền hình đám tang Võ Nguyên Giáp là để biết, mặc dầu là nhà tôi ở phòng bên đã cằn nhằn nhiều lần rằng “tắt nó đi, coi làm gì”.
 
Nhờ theo rõi trực tiếp truyền hình mà tôi thấy được hai chuyện bất thường.  Một là quan tài Võ nguyên Giáp đã không hạ xuống huyệt được mà bị trục trặc lơ lửng giữa chừng đến khoảng 20 phút. Tôi cho rằng đó cũng là dấu hiệu trời hành, chết mà cũng không chôn được bình thường nhẹ nhàng, sau khi sống lay lắt trên 4 năm không biết gì. Hai là trong thời gian trục trặc quan tài lơ lửng không xuống huyệt được này thì quân nhạc chát chúa cử đi cử lại 3 hay 4 lần. Thêm một điều đáng nói là ngoài quân nhạc thì còn có bài nhạc chiêu hồn tử sĩ êm dịu mà Việt Nam Cộng hoà vẫn dùng. Bác sĩ N có nhận định gì về sự xử dụng bản nhạc này không?  Cũng như nghĩ sao về sự trục trặc lúc hạ quan tài xuống huyệt?”
 
4/TXN. Tôi đồng ý với TV về ba chữ “gia đình trị”. Ngay ở Mỹ này, nhà Kennedy anh em con cháu làm từ tổng thống tới bộ trưởng tới dân cử có ai nói gì đâu, và có sao đâu. Nhiều gia đình khác nhỏ hơn như John McCain bố chỉ huy hạm đội đệ thất, con làm phi công trong hạm đội, rồi làm thượng nghị sĩ có ai nói gì? Bây giờ xin nói đến lá thư của vị nữ thính giả.  Đúng là tôi đã quá chú trọng nêu rõ cái bản chất một đảng viên CS cuồng tín trung kiên bảo vệ đảng của Võ Nguyên Giáp, vì thế cho nên đã chỉ giải thích thái độ ca tụng, hay là dự đám tang đông đảo là do sự thiếu hiểu biết cái bản chất này của Võ Nguyên Giáp, hay là do muốn khai thác tên tuổi Võ Nguyên Giáp, mà tôi đã bỏ qua không nói thẳng đến cái yếu tố tinh thần tự hào dân tộc vì VN đã thắng Pháp thắng Mỹ mà vị nữ thính giả đã nêu ra. Cái tinh thần tự hào này là có. Tuy nhiên, ở điểm này thì tôi muốn thêm rằng sự tự hào dân tộc quá đáng ở những người thiếu hiểu biết cũng như ở những người có suy nghĩ, đôi khi cũng còn là biểu hiện của mặc cảm thua kém tột độ vì sự nghèo đói và lạc hậu, và bế tắc của đất nước. Đó là cái huênh hoang kiểu thơ Hồ chí Minh “nước ta rừng vàng bể bạc đất phì nhiêu” hay là cái lối nói “Việt Nam ra ngõ là gặp anh hùng” trên truyền thông VC. Còn về bản nhạc chiêu hồn tử sĩ mà VNCH dùng trong lễ nghi mặc niệm mà VC dùng trong tang lễ Võ Nguyên Giáp thì tôi không giải thích được tại sao. Nhưng có điều tôi biết là bản nhạc này tác giả là nhạc sĩ Thẩm Oánh mà hình như ông này không di cư vào Nam năm 1954.
 
Sau chót,  cho rằng VNG bị trời hành, bắt sống như một cái xác không hồn dơ dáy bẩn thỉu trong hơn 4 năm cho tới lúc chôn vẫn không xuống lỗ êm xuôi một mạch  thì theo tôi đó cũng là suy nghĩ của nhiều người Việt nam có tinh thần duy tâm, tin tưởng ở trời.
 
5/KV. Dạ thưa KV xin phép muốn trở lại chuyện thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm thêm một chút nữa BS Ninh nhé. Đi ngược lại dòng lịch sử này thì KV có một điều thắc mắc, đó là chính sách đàn áp Phật giáo của ông Diệm, nếu có, thì tại sao lại bắt đầu vào năm 1963, mà không bắt đầu sớm hơn, từ đầu, sau khi nắm trọn quyền hành? BS Ninh có thể giải thích thêm cho KV, cũng như một số thính giả nghe không cơ ạ.?
 
6/TXN. Theo tôi thì không có đàn áp Phật giáo mà chỉ là kỳ thị đối xử, bởi vì ông Diệm là người Công giáo thuần thành, và tin rằng chỉ Công giáo là có tổ chức chặt chẽ chống lại được Cộng sản, chưa kể rằng thời đó đa số người đi đạo cho tất cả các đạo khác là tà mị.  Cho nên ông đã đặc biệt nâng đỡ Công giáo, vì thế thời đó, tôi còn nhớ rằng có nhiều người gọi là “đạo theo” tức là đi theo đạo để được tín nhiệm và lên chức lên quyền. Mấy cha xứ ở các xứ đạo hồi đó rất được nhiều giới chức chính quyền e nể, xin xỏ dễ dàng. Nhưng thực tế là không ai bị cấm cản theo Phật giáo, và đi chùa cúng lễ tha hồ, tự do. Nhưng phải nói rằng người VN đa số là đi lương, nghĩa là thờ ông bà tổ tiên. Chứ những thành phần đều đặn đi chùa lễ Phật rất ít, có thể là ít hơn những người đi nhà thờ nữa, cũng như không mấy người theo đạo Chúa. Cho nên không thể gọi là đàn áp Phật giáo được. Tại sao lại xuất hiện mấy chữ đàn áp Phật giáo, thì theo tôi là khởi đầu từ vụ cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật đản 1963 ở Huế, do các tay chân ông Diệm có tinh thần “bảo hoàng hơn vua”, muốn lập công, khoe khoang tích cực lấy điểm. Những biện pháp bắt sư sãi hay là vây chùa, tiếp theo là những phản ứng ngày càng gia tăng đối phó với nhau ở cả hai phiá, Phật giáo cũng như chính phủ.  Bên cạnh đó là những khai thác của các chân tay Cộng sản nằm vùng trong Phật giáo quậy chỗ này, chọc chỗ kia. Cũng như của các chính trị gia sa lông, và không biết bao nhiêu là chuyện truyền miệng nói xấu về chính phủ ông Diệm, về bà Nhu, ông Nhu.  Tất cả những điều này dần dà có phần nào ảnh hưởng lên suy nghĩ của người dân thường, làm giảm  sự tích cực hăng say ủng hộ ông Diệm buổi ban đầu, mới  dẹp xong các sứ quân giáo phái, cũng như tay chân của Pháp, mà ổn định miền Nam. Trong tình trạng này, thì người dân Việt bình thường thờ đạo ông bà khi thấy treo cờ Vatican ở nhà thờ và trong các buổi lễ đạo  không sao, mà cấm treo cờ Phật giáo ngày Phật đản thì dù chỉ là người đi lương tức là không phải Phật tử thật sự cũng không thể không bất bình. Cho nên mới có những cuộc biểu tình không phải chỉ hoàn toàn là Phật tử. Và phản ứng lại là những biện pháp giải tán, mà có thể gọi là đàn áp, nếu muốn. Lúc đó, tôi là một sinh viên  khi đọc tin báo Mỹ tường thuật bà Nhu trả lời phỏng vấn  một cách coi thường và dùng chữ “nướng sư” (barbecue) để tả các tự thiêu phản đối của các sư sãi thì tôi đã rất bất bình, và mong thay đổi chính phủ, cho bà Nhu đi chỗ khác chơi. Đó là tâm trạng chung của thanh niên sinh viên lúc đó không đồng ý với sự thiên lệch bất công.  
 
7/TV. Bây giờ thì ai cũng biết cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11/1963 là do Mỹ khuyến khích, hỗ trợ. Nhưng tại sao Mỹ lại đảo chính ông Diệm? Điều này thật khó hiểu đối với TV, bởi vì không lẽ Mỹ bỏ đi một chính phủ mà Mỹ đã giúp xây dựng nên, với một miền Nam hơn xa miền Bắc về nhiều mặt kinh tế xã hội, để ngăn chống bành trướng CS?
 
8/TXN. Lúc đó, như đã nói, vi tôi cho rằng phải chấm dứt những phản ứng mà tôi cho là quá đáng của chính phủ đối với các tăng ni làm cho tình hinh bất ổn, và VC sẽ lấn chiếm miền Nam, sau cuộc tấn công to lớn đầu tiên ở Tây Ninh năm 1960. Nhưng những biện pháp này cứ tiếp tục thì tôi mong ông Diệm ra đi. Và ngây thơ mong Mỹ giúp cho các tướng lãnh đảo chính, ngây thơ tin rằng các tướng lãnh cầm quyền là dư sức đánh VC. Và khi đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge mặc y phục cổ truyền VN tuyên bố ủng hộ giúp đỡ gì đó cho VN thì tôi thích lắm. Tôi cho rằng ông Cabot Lodge ủng hộ đảo chính nhằm thực hiện một ý định tốt, không phải riêng cho VN mà còn cho quyền lợi Mỹ, nghĩa là cần có một chính phủ chắc chắn bảo vệ một miền Nam đủ sức chống bành trướng CS, làm đồng minh với Mỹ. Nhưng mà rút cuộc thì các tướng tá đa số chỉ là bất tài và tham vọng. Và hậu quả thì mình thấy rồi. Bây giờ có một số người thổi phồng, cho rằng là Mỹ giúp đảo chính vì ông Diệm không nghe Mỹ, muốn tự chủ và sẽ giữ được miền Nam không rơi vào tay CS. Luận cứ này theo tôi không có chứng cứ thực tế. Sự thực đơn giản chỉ  là ông Diệm không đủ tài đối phó với một việc nhỏ là chuyện treo cờ Phật giáo ở Huế để sinh ra chuyện lớn. Tôi là một người sống trong giai đoạn đó, chứng kiến và suy nghĩ, cho nên có thể nói rằng ông Diệm chết vì những tay chân của ông “bất tài và bảo hoàng hơn vua” mà gây ra vụ cấm treo cờ, vì ông tin rằng chỉ có người Công giáo có thể chống cộng hiệu quả để mà thiên lệch nâng đỡ người có đạo. Điều này nay được thấy rõ là đã sai rồi.  Bởi vì có nhiều người công giáo theo CS hay chủ trương hoà hợp hoà giải với VC to tiếng ồn ào.  Rồi bây giờ lại có những hồì ký kể những chuyện gay cấn ly kỳ, ở miền Trung quanh vụ Phật giáo, không có chứng cớ gì cụ thể, cho thấy mình là nhân vật “gì cũng biết, cũng nhớ chi tiết”, dù đã là sau nửa thế kỷ, và chỉ là một thành phần cắc ké trong bộ máy chính quyền lúc đó. Cũng có người viết hổi ký tuy có nắm giữ những chức vụ quan trọng nhưng là người viết ra để tự cho mình không có tội gì trong những lộn xộn dẫn đến sự sụp đổ của đệ nhất Cộng hoà.
 
9/KV. Dạ chúng ta bàn về chuyện quá khứ như chuyện đảo chính năm 1963, nghe thì cũng cho KV ít nhiều hiểu biết thêm về lịch sử thời bấy giờ, Tuy nhiên bây giờ thì KV đề nghị mình sang chuyện thời sự của hiện tại đi nhé. Tin bác sĩ Nguyễn MạnhTường ở Bệnh viện Bạch Mai mổ chết bệnh nhân tại phòng thẩm mỹ Cát Tường, tức là viện thẩm mỹ tư của ông ấy, rồi sau đấy vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng cho phi tang, đã làm dư luận trên mạng diện tử sôi nổi vì thái độ khó thể tưởng tượng này.  Nhưng mà dù sao thì cũng chỉ là hành động kể là bất thường của một cá nhân, ở xã hội nào cũng có.  Riêng ở VN thì người ta có thể kết tội thêm rằng cái thái độ này là biểu hiện của thái độ vô cảm tàn nhẫn của những con người xã hội chủ nghĩa, bởi vì nó là rất phổ thông, “sống hay chết mặc bay”. Thí dụ như trường hợp 5 trẻ sơ sinh cách đây không lâu ở Quảng Trị, Bình Thuận, bị chết ngay sau khi tiêm ngừa tại bệnh viện, mà các giới chức y tế trách nhiệm không có phản ứng gì. Hay là nói cho đúng hơn, chỉ đã có những hành động nhanh chóng vắn tắt chối tội, chối trách nhiệm, chờ điều tra mà thôi. Hoặc nữa, là nhiều trường hợp sản phụ bị bỏ chết, mà mới đây nhất là ở Thanh hoá, mà bộ y tế đã im lặng. Qua những câu chuyện mà KV vừa đề cập ở trên, thì một thắc mắc là tại sao trong trường hợp của ông Tường này, thì thứ trưởng y tế lại đã khẩn cấp triệu tập một buổi họp, và ra thông cáo: “Bộ Y tế hết sức bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường.” Và cam kết phối hợp với công an điều tra và ‘xử lý nghiêm theo pháp luật’. Ngoài ra nữa, lại còn chỉ đạo các đơn vị có liên quan như Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội, và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm hỏi và chia buồn với gia đình nạn nhân. Bộ này cũng cho biết thêm là sẽ có công văn đề nghị chính quyền các địa phương trên toàn quốc tăng cường thanh tra các thẩm mỹ viện.
Và qua ngày hôm sau, bộ trưởng y tế Nguyễn thị Kim Tiến nhận ra: "lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt". Bà Tiến lên tiếng là:
 
"Cá nhân tôi, khi được báo cáo vụ việc này cũng vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Để xảy ra thương vong cũng là đau xót của ngành, và đặc biệt là mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân."
Bà Tiến cũng nói: đã chỉ đạo cho Cục Quản lý khám chữa bệnh, phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội, và chính quyền địa phương, hợp tác với cơ quan điều tra, "đồng thời lập đoàn công tác đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân và thành thật nhận lỗi với nhân dân".
Dạ thưa tại sao có hiện tượng này vậy cơ. ? Phải chăng là vì người chết là thuộc một gia đinh có gốc gác lớn, giầu có?
 
10/TV. Theo rõi vụ này, TV thấy rằng tin tức loan đi gần đây cho biết là bộ y tế cho lệnh điều ra xem lại các quy tắc và tiêu chuẩn hành nghề của các cửa hàng giải phẫu thảm mỹ, cũng như bộ trưởng y tế xác nhận "lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt".
 
Ngoài ra thì trong phỏng vấn cựu thứ trưởng y tế Trần Chí Liêm về vấn đề tiêu cực trong việc  “tuyển dụng các bác sỹ vào các bệnh viện công có tiêu cực không thì ông nói, ‘về nguyên tắc tốt lắm’. Nói “nguyên tắc tốt lắm” mà không nói “thực tế tốt lắm” khiến cho TV nghĩ rằng vấn đề này đã đụng vào một cái tệ trạng điều hành rộng lớn của bộ Y tế VC. Cho nên bộ trưởng y tế phải ồn ào lấp liếm bằng thái độ quan tâm đặc biệt.
 
Cũng nói về sự lấp liếm của giới chức chính quyền VC thì TV lại nghĩ đến một chuyện khác mới đây, ở một địa bàn lớn hơn. Đó là chuyện dân chúng quận Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi đã đổ ra biểu tình ở quốc lộ 1A, ngồi lì trên đường nhiều giờ làm tắc nghẽn giao thông. Dân chúng phản đối chuyện tận thu hút cát để xuất cảng gây sạt lở nhà cửa và làm tắc Cửa Đại, trở ngại cho thuyền bè ngư dân ra vào làm ăn. Phản ứng giận dữ này của dân đã khiến Bí thư tỉnh uỷ Võ Văn Thưởng đã phải họp khẩn và tuyên bố:
 
"Là người đứng đầu tỉnh, để bà con bức xúc như vậy tôi cảm thấy xót xa, có lỗi với mọi người," "Tôi cùng chủ tịch tỉnh cam kết sớm thông luồng cửa biển bị bồi lấp, đóng cọc cừ làm đê, kè chống sạt lở nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân Nghĩa An."
 
Ông Thưởng hứa trong vòng bốn ngày, tỉnh sẽ hoàn tất nạo vét, thông luồng khu vực cửa Đại và cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp, tắc luồng 'để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ra khơi' và 'đóng cọc cừ làm đê, kè kiên cố' chống sạt lở.
 
Ngoài ra, lãnh đạo đảng của Quảng Ngãi cũng hứa "bồi thường công bằng" cho các trường hợp hồ tôm bị sạt lở do ảnh hưởng của việc tận thu khai thác cát của các doanh nghiệp cũng như.xem xét bồi thường cho cho các tàu cá của ngư dân không thể ra khơi do Cửa Đại bị bồi lấp. Chủ tịch Tỉnh Quảng Ngãi, Cao Khoa đã cam kết với người dân tại cuộc đối thoại rằng ông ta sẽ "từ chức" nếu không giữ lời hứa và kêu gọi người dân hợp tác giải quyết.
 
Theo BS N thì có phải chăng đây là chiến thuật đối phó với những phản ứng quần chúng của lãnh đạo VC, để cho mọi sự qua đi, tương tự như trường hợp bộ y tế và chuyện bác sĩ mổ chết người rồi đem vất xác cho phi tang?
 
11/TXN. Rất có thể lắm. Thay vì dùng những biện pháp trấn áp cứng rắn ngay lập tức như thời toàn trị mà họ bây giờ không thể làm, lãnh đạo VC đang học lối đối phó cửa miệng cho qua, nhưng mà sẽ giữ lập trường tới cùng. Bởi vì như trong vụ hút cát, thì lập trường nhà nước cho hút cát đã được công bố là đúng (vì cụ thể là đem lại tiền cho lãnh đạo), mà chỉ có thi hành tận thu hút cát là sai. Đồng thời thì họ cũng nói thái độ quần chúng chặn đường quốc lộ làm tắc nghẽn giao thông là sai. Nhưng vấn đề ở đây là nếu còn hút cát rộng lớn thì còn sạt lở, làm sao mà làm một vài cái kè ở một khoảng giới hạn mà có thể ngăn được? Quần chúng có hiểu được như thế hay không thì là chuyện khác. Trong vụ này thì chúng ta có thể thấy một điều là khi có một đám đông quần chúng phản đối thì VC phải nhượng bộ.Sự nhượng bộ này nhiều hay ít là tuỳ theo sự kiên trì đòi hỏi cũng như hiểu biết của quần chúng. Ngoài ra thì còn tuỳ gốc gác quần chúng. Dân Tư Nghĩa Quảng Ngãi là dân gốc gác theo Cộng sản từ thời chiến. Cho nên phản ứng của họ quyết liệt và chính phủ quan tâm lo ngại hơn.
 
12/KV. Dạ, cứ theo như bác sĩ N nói thì KV có cảm tưởng rằng những người dân nghèo, vô sản, là những người quyết chí đấu tranh. Và như thế thì có vẻ như đúng như lởi trong kinh sách Cộng sản, là giai cấp công nông là đội tiên phong cách mạng. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với một phóng sự với tựa đề là “ một Hà tĩnh đầy ắp người Trung quốc” của một nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam cho đài Á châu tự do RFA mới đây, nói về người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Dân ở đây là thuộc vùng nghèo khổ bậc nhất Việt Nam, từ năm 1945 tới giờ, hoàn toàn do VC kiềm soát, nghĩa là chưa từng dính líu gì tới đời sống trong khung cảnh xã hội chịu ảnh hưởng Tây hay Mỹ. Nói khác đi, họ là những thành phần được giáo dục thành con người xã hội chủ nghĩa của Hồ chí Minh, và đảng CSVN. Trong phóng sự này, mà KV xin trích ra vài đoạn, cho thấy ngày nay, Kỳ Anh trở thành một vùng đất chiếm lĩnh bởi các đại gia Trung cộng, và 70% thanh thiếu niên là nghiện ngập si ke ma túy.
 
Clip audio:
“Một người lái taxi tại thành phố Hà Tĩnh, quê gốc Kỳ Anh, cho chúng tôi biết: “Đó, quá nguy hiểm, sợ nó, (tức ám chỉ người Trung Quốc) cài kiết cái gì vào (các công trình của Trung Quốc tại Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Hôm nọ tôi chở ba bốn chục người đi hát karaoke. Thấy người Việt Nam mình nói nó khắt khe lắm, hở động một tý là nó đuổi việc ngay, họ bảo thằng này khó tính lắm, động một tý….
 
Tất cả cũng do hám tiền, đói tiền, cái đất Hà Tĩnh này, toàn thanh niên hư hỏng hết, cha mẹ chiều, bán đất cho con cái ăn chơi, đua đòi. Vay tiền ngân hàng mua xe này xe nọ cho con cái.Thanh niên ở đây có làm gì đâu, có buôn bán gì đâu, toàn thanh niên nơi khác tới làm. Tụi nó đập đá loạn xạ, nó tự chế bài hát của nó, nó bảo trai Hà Tĩnh không biết đập đá, không biết ăn chơi  không phải là trai Hà Tĩnh.”
 
Và clip:
“Ông này nói thêm rằng hiện tại, huyện Kỳ Anh trong mắt ông cũng giống như một tiểu khu đặc biệt của người Trung Quốc, ở đó, mọi thứ quyền lợi và quyền lực dồn về tay họ, thậm chí có nhiều cán bộ, công chức ở Kỳ Anh tỏ ra lép vế và xu phụ, xun xoe người Trung Quốc. Với đà này, chẳng bao lâu nữa, người Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành ông chủ đích thực của người Kỳ Anh mặc dù chẳng ai muốn thế nhưng đành phải thế vì họ đã có mọi thứ cần có của một ông chủ trên đất Việt Nam.”
 
Qua những clip audio này, thì như vậy, đâu có phải những người nghèo khổ cùng kiệt là những người đấu tranh đâu cơ.?
 
13/TV. Ngẫm cho cùng thì những thanh niên Hà Tĩnh được mô tả ở trên đã theo đúng theo tiêu chuẩn con người xã hội chủ nghĩa của Hồ chí Minh như trong câu thơ “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Cho nên họ chấp nhận dễ dàng người Tầu vào làm chủ. Cũng như Phạm Văn Đồng đã nhanh chóng viết công hàm cho Chu Ân Lai công nhận lập trường của Tầu về biển Đông, và lãnh đạo CS VN đã nhượng đất nhượng biển cho Tầu sau những cuộc thảo luận ở Thành Đô.
 
14/TXN. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng vì đã hết giờ. Chuyện sở An ninh quốc gia Mỹ NSA do thám 35 nhà lãnh đạo Tây phương và châu Mỹ la tinh, đang làm cho tổng thống Obama bối rối đối mặt các nhà lãnh đạo Âu châu như Đức, Pháp, Tây ban nha, và Brazil vân vân. Nhưng rồi cũng sẽ qua đi. Bàn vào chi tiết thì cũng hay hay. Mà rồi thì chuyện đâu cũng vào đó. Vì thực tế thì nước nào cũng dò la theo rõi nước khác, dù là đồng minh hay không. Khác nhau là ở chỗ nước nào có phương tiện nhiều và tối tân thì dò la được nhiều. Chuyện sở NSA này thu thập đủ loại tin tức liên lạc cá nhân Mỹ cũng như ngoại quốc từ các hãng điện tử Google và Yahoo, cũng đang trở thành đề tài đề cập lại trên truyền thông Mỹ,  nhưng mà rồi thì cũng chẳng thay đổi gì, ngay cả tại Mỹ với nguyên tắc quan trọng là tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Ngoài ra thì dân Mỹ ồn ào bàn tán về quyền riêng tư, nhưng thật sự người Mỹ lại là người ít riêng tư nhất khi mà mọi sự trong đời sống cá nhân của mình đều đưa lên face book hay nhật ký điên tử kê khai hàng ngày hàng giờ.
 
Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV. Chào KV và xin cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
 
15/KV. 15/KV: Dạ KV cũng xin được kính chào tạm biệt quý thính giả, xin chào BS Ninh và chị TV. KV xin được hẹn trở lại vào kỳ tới ạ.
 
16/TV. TV kính chào BS N, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link