Chúc cho "Lời kêu gọi ký tên
phản đối bè lũ phản động" thành công rực rỡ!
Nguyễn
Ngọc Già gửi RFA từ Việt Nam
2013-09-12
Các bạn trẻ Việt Nam
biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 02/6/2013 tại Hà Nội.
AFP photo
Đài RFI đưa tin: Tòa án
La Haye xử Phó Tổng Thống Kenya "phạm tội ác chống nhân loại" [1]. Vụ
xử án đang diễn ra tại Hà Lan từ ngày 10/9/2013. Tin cũng cho hay, phiên tòa
xét xử Tổng thống Kenya sẽ tiếp nối vào 12/11/2013 cùng tội danh, bất chấp Quốc
hội Kenya có ý định "rút khỏi Quy chế Roma về Tòa hình sự Quốc tế".
Nhà báo Trọng Thành nhận định: "Đây là hai phiên tòa mang tính lịch sử, vì
lần đầu tiên Tòa án La Haye xử các giới chức đương nhiệm ở cấp cao nhất".
Căn cứ để Tòa án La Haye xử tội: Trong khoảng 3 tháng sau bầu cử năm 2007, hơn
1.300 người đã bị giết chết, 600.000 người phải đi sơ tán.
Song song đó, đài BBC
tường thuật trực tiếp [2] ý kiến Tổng thống Hoa Ký về khủng hoảng trong xử lý
vấn đề Syria trước việc nên tấn công hay không, sau vụ giết người bằng vũ khí
hoá học làm 1.429 thường dân thiệt mạng. Tổng thống Obama nói: "Chúng ta
không thể khắc phục được tất cả các sai trái trên đời, nhưng với nỗ lực khiêm
tốn và tối thiểu nguy cơ, chúng ta có thể ngăn chặn việc trẻ em bị chết vì hơi
độc... Tôi tin rằng chúng ta phải hành động".
Trong một diễn biến
khác, tại Việt Nam, vụ chôn chất hoá học đã làm cho (chỉ) một xã nghèo có tên
Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có số người mắc các bệnh: ung thư,
thần kinh, u bướu, mất khả năng sinh con, trẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh v.v..
lên đến 957 người [3]. Có vẻ châm ngôn "chết còn sướng hơn" (so
với dân Syria, Kenya nói trên) trở nên "thuyết phục"(!), bởi chúng ta
đang sống ngay xứ sở được mệnh danh "thiên đường XHCN".
Diễn biến của vụ việc
này vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam..."tà tà" điều tra,
kể từ vụ chôn hóa chất trở nên gay gắt vào 26/8/2013, khi người dân chặn một
chiếc xe tải của công ty Nicotex chở nhiều thùng phuy nghi là được đem đi phi
tang.
Người dân Yên Lâm không
còn cách nào khác - với tục ngữ "Tự cứu mình trước khi trời cứu" -
ngoài việc tập hợp trên 1.000 chữ ký gởi đến báo Vietnamnet [4], dù không chắc
tòan bộ ngàn người đứng đơn, ai cũng biết đến khái niệm "xã hội dân
sự".
Xã hội dân sự
"Xã hội dân
sự" cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự mà các tổ chức
này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực
của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và
các thể chế thương mại của thị trường (theo wikipedia).
Đó là tất yếu khách quan
của một xã hội phát triển theo chiều hướng ngày càng văn minh, nhấn mạnh tính
trách nhiệm, tính chủ động của người dân ngày được nâng cao và được khẳng định
đối với xã hội song song với bộ máy nhà nước.
Hình thái "xã hội
dân sự" lấy vai trò người dân làm nòng cốt để lập ra những tổ chức nhằm
bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi mà bộ máy công quyền có bổn phận đáp ứng và giải
quyết. Thông thường "xã hội dân sự" được biểu hiện qua các hội, đoàn
do người dân tự nguyện và tự giác lập ra. Ở Việt Nam, giới cầm quyền luôn lồng
ghép "xã hội dân sự" với "lật đổ nhà nước", "tranh
giành quyền lực", dù ngay cả người dân nghèo không hề manh nha chống đối
gì "đảng và nhà nước" cả!
Các nhà hoạt động trẻ
thảo luận về bản Tuyên ngôn Nhân quyền tại một công viên ở Sài Gòn. Photo: Dan
Lam Bao.
Dù bị bóp nghẹt và ngăn
trở bởi nhà cầm quyền, hình thái "xã hội dân sự" đang diễn ra ngày
càng lớn mạnh tại Việt Nam mà không thế lực nào cưỡng lại nổi trong một xã hội
ngày càng rơi rụng "vai trò" "đảng và nhà nước lo"...
"tuốt tuồn
tuột"(!) Nó - "đảng và nhà nước" - không tài nào kham nổi mọi
trách nhiệm và bảo vệ tối đa quyền lợi cho người dân, dù cứ tạm cho
rằng giới cầm quyền Việt Nam rất mực "thương dân" như... "cha
mẹ" thương con (!).
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã
từng tuyên bố trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ hồi
tháng 10/2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam:
"... Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, đứa cháu hỗn láo, bướng
bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị
theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện
riêng của gia đình chúng tôi".
Ông Lê Hồng Anh, lúc
đương chức Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời báo chí về vụ tham nhũng PCI do Huỳnh
Ngọc Sĩ chủ mưu, cho biết [5]: "...chất lượng cán bộ cấp càng cao, nói gì thì
nói, dù sao tư tưởng cũng đỡ hơn, đỡ lệch lạc hơn cấp dưới. Cũng như trong gia
đình, người cha người mẹ cũng chững chạc hơn con cái chút".
Tư duy "làm cha làm
mẹ" dân của những kẻ kém ý thức đến nỗi, ngoài việc bộc lộ thái độ hống
hách, trịch thượng, họ còn không hiểu rõ thân phận công bộc với chén cơm trên
tay mỗi ngày, nó có được là do dân nuôi nấng.
Dù rất xấc xược, khi
người cộng sản tự cho phép bản thân "đứng trên đầu thiên hạ", người
dân vẫn rộng lượng giáo dục lại bà Ninh, ông Anh cùng nhiều ông (bà) khác, để
họ được học mà biết tôn trọng Quyền Con Người và Quyền Công Dân trong xã hội
hiện đại ngày nay.
Người dân cũng sẵn sàng
tha thứ cho những bộ não quá phẳng, bởi khái niệm "xã hội dân sự" trở
nên thật khó khăn cho trình độ tiếp thu của những bộ óc chỉ duy chứa đựng
"mối tương quan mất dạy" [6]: "chủ - chó" như blogger Đinh
Tấn Lực đã chỉ trích kịch liệt.
Lẽ ra, những ông (bà)
cộng sản cần hiểu, thay vì đòi "trèo lên đầu dân chúng" để ra vẻ
"lo lắng", "dạy dỗ", họ chỉ cần làm mỗi việc "ký quyết
định" thành lập hội, đoàn bất kỳ nào đó khi một hay nhiều nhóm người dân
có nhu cầu. Suy cho cặn kẽ, để "xã hội dân sự" hình thành tự do, tự
nguyện, tự giác một cách nhanh chóng, "bộ máy nhà nước" càng
"nhẹ gánh" hơn nhiều lần; mặt khác chính những tổ chức "xã hội
dân sự" đi vào hoạt động công khai còn góp phần rất lớn làm cho xã hội trở
nên trật tự, an tòan, nó còn giúp luật pháp phát huy mạnh mẽ và hữu hiệu, ngoài
ra nó cũng là tác nhân chính để nâng cao dân trí lên cao rất nhiều trong một xã
hội ngày càng hỗn loạn.
Chẳng ai yêu mình bằng
bản thân mình, bởi có biết yêu mình, mới biết yêu những người xung quanh, kể cả
người thân ruột thịt. Cần phân biệt điều này với thói "ích kỷ". Chính
vì cùng có lợi ích chung, người dân tự nguyện và tự động liên kết lại trước một
vấn đề xã hội cần giải quyết, thông qua ví dụ sống động về "vụ chôn hóa
chất" cũng như hàng ngàn vụ việc khác liên quan đến an sinh xã hội. Từ
đấy, người dân càng thể hiện tính đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cùng
đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái sai và những việc vi phạm pháp luật, giúp
cho "nhà nước" xử lý nhanh và hợp lý, hợp pháp.
Chỉ tiếc, giới cầm quyền
không chịu nhìn nhận những lợi ích to lớn do các tổ chức "xã hội dân
sự" mang lại, nên họ cố tình dây dưa và tránh né với "Luật về
hội", nợ dân hơn 30 năm qua. Lý do chính xuất phát từ nỗi sợ mất quyền lợi
của cá nhân, dòng tộc và phe nhóm, nên họ để mặc người dân bơ vơ, lẻ mẻ tự xoay
xở trong tuyệt vọng mỏi mòn cho đến khi uất ức đến cùng tận, người dân manh
động thì họ phủ chụp tội "chống đối", "phản động",
"thế lực thù địch" v.v... là điều thật dễ hiểu với hàng ngàn ví dụ:
Văn Giang, Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Viết Trương (uất ức nổ mìn tự tạo tại nhà giám
đốc công an Khánh Hòa) và mới đây là Đặng Ngọc Viết bắn 5 người và tự sát [7]
cũng vì vấn đề đền bù đất đai! Thật ngao ngán!
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
được xem là một trong những người đấu tranh cho "xã hội dân sự" phát
triển lành mạnh thông qua những việc ông làm: đấu tranh cho giáo dân Cồn Dầu,
kiện Thủ tướng vụ boxite, kiện vụ xâm hại đồi Vọng Cảnh v.v...
Tác giả Lưu Mạnh Anh với
"Ai có thể giải cứu Cù Huy Hà Vũ?" [8] đã manh nha như lời kêu gọi
hình thành thế trận "xã hội dân sự", sau đó, một lá thư được đề nghị
soạn thảo để gởi đến nhiều tổ chức, hội đoàn trên thế giới nhằm đòi hỏi quốc tế
quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn để nhắc nhở, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam
thay đổi cách điều hành quốc gia trong tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc và tự
nguyện ký tham gia "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị" từ 1982, nhưng rất tiếc, lúc bấy giờ công việc này chưa được nhiều
người hưởng ứng.
Chỉ 3 năm qua, từ vụ án
Cù Huy Hà Vũ, nhiều người đã thay đổi cách nhìn về "nội lực, ngoại
lực", về "đối nội, đối ngoại", đến bây giờ người dân không còn
nghĩ nhiều đến việc "ban phát", "bố thí", "xin
cho" từ phía cơ quan công quyền trong việc giải quyết quyền lợi của mình,
thay vào đó, nhiều nhóm người đã biết liên kết lại đấu tranh vì lợi ích cộng đồng,
lợi ích quốc gia.
Một nhà hoạt động xã hội
trong một cuộc diễu hành về đồng tính tại Hà Nội ngày 04 tháng 8 năm 2013. AFP
photo
Giới cầm quyền Việt Nam
(và tất nhiên cả chính quyền độc đài, độc đảng tòan trị ở các nước khác) nên
hiểu rằng: "Nhà nước" không bao giờ và không tài nào có đủ khả năng
quán xuyến tòan bộ cuộc sống của người dân. Chỉ có người dân mới có thể lo liệu
mọi việc cho chính bản thân, cộng đồng, quốc gia thông qua những tổ chức
"xã hội dân sự" phát triển mạnh mẽ. Càng kìm hãm sự phát triển những
tổ chức này, càng trì hoãn trả nợ "luật về hội" cho dân thì chính
"nhà nước" càng làm cho xã hội hỗn loạn khủng khiếp hơn, thực tế đã
chứng minh quá rõ trong 10 năm qua.
"Xã hội dân
sự" Việt Nam từ nhen nhóm (ký kiến nghị dừng khai thác boxit, về trả tự do
Cù Huy Hà Vũ, phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận v.v...)
dần hình thành thông qua các biểu hiện sau này: "Kiến nghị 72" với
trên 10.000 người đồng tình ký tên, "Tuyên bố công dân tự do" với
trên 8.000 người v.v... và mới nhất là "Tuyên bố 258" bay đến thế
giới với tin mới nhận [9] : Mạng lưới Blogger Việt Nam trao "Tuyên bố
258" vào chiều 10/9/2013 cho bà Veronique Arnault, đại diện phái đoàn EU
sang dự phiên Đối thoại Nhân quyền 2013 với Việt Nam. Lần trao tuyên bố này
được đại diện người dân cả ba miền Bắc-Trung-Nam tham dự.
Ngoài việc thể hiện tinh
thần đoàn kết, tự nguyện; nó cho thấy bước đi hợp với quy luật của xã hội, khi
Việt Nam đã hòa nhập thực sự vào thế giới.
Cách đây chỉ vài năm,
những hình thái biểu hiện "xã hội dân sự" văn minh, ôn hòa như thế
này còn nhỏ bé và chưa gây tiếng vang, đi cùng với tâm trạng dè dặt, băn khoăn,
ví như: "cầu lụy ngoại bang", "cõng rắn cắn gà nhà" v.v...
khi "bên thắng cuộc" sử dụng "tấm gương" Trần Ích Tắc, Lê
Chiêu Thống đe dọa để làm chùng bước nhiều người, cùng với tư tưởng "bán
nước" dễ bị giới cầm quyền phủ chụp làm người dân e ngại theo phương châm
"không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác". Điều này đã trở nên
lạc hậu để chúng ta càng hiểu ra, cho đến nay, nhân loại chỉ mới tìm ra một nơi
cùng nhau chung sống - "Trái đất này là của chúng mình".
Xin nhớ cho, "đảng
và nhà nước" đã và đang cố tình phớt lờ không nói với dân điều cốt lõi:
các tổ chức "xã hội dân sự" dù có nhiều đến mấy, cũng không trực tiếp
điều hành quản lý quốc gia, không nắm quyền lực kinh tế, không nắm "thanh
gươm và lá chắn", cũng chẳng nắm quân đội trong tay.
Người Việt Nam đang
chuyển hướng đấu tranh để hình thành "xã hội dân sự" một cách mạnh mẽ
và sáng tạo. Thay vì loay hoay "trong nhà" như vài năm về trước, giờ
đây nhiều người đã nhận ra, cần kết hợp song song giữa "mặt trận đối
nội" với "mặt trận đối ngoại" mà ngay cả "Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam" do ông Nguyễn Thiện Nhân vừa đảm nhiệm cũng chưa chắc làm tốt
hơn, dù thừa hưởng tòan bộ nhân lực, vật lực, tài lực do "đảng và nhà
nước" ban tặng (!).
Đó phải chăng là kết quả
người Việt Nam nhanh chóng nhận ra: Thế giới ngày càng nhỏ bé và con người thật
gần gũi với nhau thông qua internet và hội nhập quốc tế? Loài người ngày nay
phải gắn kết, sống chan hòa, có trách nhiệm và biết chia sẻ với nhau, hơn là co
cụm riêng lẻ không xen vào việc "nhà người ta"? Hạnh phúc của tôi là
của bạn và ngược lại.
Một số người vẫn không
hiểu khái niệm "xã hội dân sự" tốt đẹp đến chừng nào, nên mới đây
trang Tin Tức Hàng Ngày cho biết xuất hiện: "Lời kêu gọi ký tên phản đối
bè lũ phản động" trong vụ việc phản đối "Tuyên bố 258".
Có vẻ những người phát
động "lời kêu gọi" này không biết cách nhìn nhận và phân tích về mối
tương quan chủ thể - khách thể của "Tuyên bố 258"! Đó là quan hệ dân
sự giữa Chủ thể (những người "Tuyên bố 258", nghĩa là người dân không
có quyền lực) với Khách thể (nhà nước Việt Nam, nắm quyền lực). Điều này mới có
ý nghĩa. Trong khi những ai phản đối "Tuyên bố 258", tức họ cũng là
Chủ thể (nghĩa là cũng không có quyền lực). "Chủ thể" phản đối
"Chủ thể" trong trường hợp này là một mệnh đề hoàn tòan vô nghĩa khi
gắn vấn đề trách nhiệm nhà nước với công dân.
Nói cách khác, chỉ khi
nào nhóm phản đối "Tuyên bố 258" tuyên bố rằng: họ đại diện cho
"nhà nước", lúc đó mới có ý nghĩa (!). Tuy vậy, nó trở nên ngây ngô
và nực cười, nếu không muốn nói là phản khoa học, phản động, bởi khi điều này
là thật, nghĩa là Nhà nước... chống lại nhân dân(?!).
Tuy vậy, cũng nên ghi
nhận công sức, tâm huyết của những người khởi xướng phát động "Lời kêu gọi
ký tên phản đối bè lũ phản động" bằng cách hướng dẫn và đề xuất với họ một
số việc cụ thể như sau:
- Chỉnh sửa lại câu từ
cho có văn hóa hơn. Điều này tốt cho chính bản thân họ, nếu họ có ý định không
gói gọn "lời kêu gọi" này trong quốc gia Việt Nam.
- Ngoài việc thu thập
chữ ký diễn ra từ 14 giờ ngày 10/9/2013 đến 24 giờ ngày 30/9/2013, những người
khởi xướng hãy nghĩ đến một cuộc biểu tình đại quy mô để quảng bá rộng rãi đến
tòan dân trong nước và thế giới trong việc lột mặt "bè lũ phản động".
Để đạt hiệu ứng hoành tráng, quý vị nên liện hệ với các trang báo Nhân Dân,
Tuổi Trẻ, Thanh Niên v.v... cùng các đài truyền hình: VTV, VTC, HTV, ANTV
v.v... các hội đoàn: ĐTNCSHCM, Hội Thanh niên Việt Nam, MTTQVN v.v... để
kết hợp hành động và đưa tin nóng kịp thời.
- Sau khi thu thập xong
chữ ký, ngoài các đại sứ quán: EU, Mỹ, Thụy Điển, Đức v.v... đề nghị nhóm khởi
xướng "Lời kêu gọi ký tên phản đối bè lũ phản động" hãy tổ chức một
đoàn người trực tiếp đến các đại sứ quán: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga,
Syria, Cuba v.v... để trao tận tay và đừng quên những tấm ảnh được chụp một
cách vui tươi, phấn khởi, thân mật để về "share" trên facebook, blog
cho mọi người thưởng lãm công tác cao cả của quý vị. Chỉ xin lưu ý, quý vị nên
mời ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông tham gia cùng,
mục đích là để "bảo kê" cho quý vị an tòan trước "nghị định
72".
Chúc nhóm khởi xướng
"Lời kêu gọi ký tên phản đối bè lũ phản động" đạt thành công rực rỡ
trong "công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam XHCN" của... quý
vị.
________________
Tin, bài liên quan
Chính
trị - kinh tế: chiếc cầu đã gẫy