Friday, September 13, 2013

EU quan tâm đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam


 

EU quan tâm đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam




Tường thuật chi tiết về cuộc gặp của Mạng lưới Blogger Việt Nam với đại diện Phái đoàn EU, chiều tối 10/9 tại Hà Nội. Cuộc gặp này diễn ra trước thềm phiên đối thoại nhân quyền 2013 giữa EU và Việt Nam.

 

Tham dự là các quan chức cấp cao của Phái đoàn EU tại Việt Nam và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS, tương đương với một Bộ Ngoại giao chung của EU): Bà Véronique Arnault, Giám đốc phụ trách nhân quyền của EEAS; bà Delphine Malard, Cố vấn thứ nhất, phụ trách Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; bà Rose Ieremia, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam. (Hy Lạp cùng với Ireland và Litva giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2013-2014)… Phía Việt Nam có bốn blogger: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí), Nguyễn Tường Thụy, Châu Văn Thi (Yêu Nước Việt).

 

Các blogger đại diện Mạng lưới tham dự cuộc gặp với phái đoàn EU đặc trách nhân quyền :blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh [Mẹ Nấm], nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Chí Tuyến [facebooker Anh Chí], Châu Văn Thi [facebooker Yêu Nước Việt] (từ trái qua)






Bắt giữ tùy tiện – vấn đề lớn đối với nhân quyền ở Việt Nam

Các blogger nêu rõ mục đích của cuộc gặp là để trao Tuyên bố 258, trong đó “điều đầu tiên đưa blogger lại với nhau là việc chính quyền bắt giữ tùy tiện người viết blog”. Ba trường hợp mới đây nhất bị bắt giữ là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào Đinh Nhật Uy, trong đó công an vừa có kết luận điều tra về vụ án Đinh Nhật Uy. Bản kết luận này cho thấy bất kỳ ai dùng blog hay mạng xã hội để nói lên chính kiến của mình đều có thể bị bắt.

 

Blogger Mẹ Nấm cũng bày tỏ mối lo ngại chung của các blogger, rằng trong lộ trình Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hành động đàn áp sẽ ngày càng gia tăng với những điều luật như 258. Blogger Nguyễn Tường Thụy nêu rõ, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, có ba điều luật rất mơ hồ mà chính quyền có thể “lợi dụng” để trấn áp công dân: Điều 79, 88 và 258. Xu hướng chung là Điều 258 sẽ được sử dụng nhiều hơn, và đó là lý do các blogger ra Tuyên bố 258 kêu gọi Chính phủ xóa bỏ điều luật này.

 

“Họ muốn những người viết blog chỉ giữ suy nghĩ của mình trong đầu thôi, chứ đừng chia sẻ ra cộng đồng” – blogger Mẹ Nấm nói. Cô từng nhiều lần “được” nhắc nhở hoặc mời làm việc vì các bài viết trên blog của mình, nhất là về những vấn đề như biểu tình, tranh chấp biển đảo, v.v.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến (tên Facebook: Anh Chí) phản ánh, công an có rất nhiều hình thức hạch sách, quấy nhiễu khác nhau, bao gồm cả sử dụng bạo lực lẫn các biện pháp “nhẹ nhàng” như hỏi thăm, gây sức ép lên hoạt động kinh doanh và tác động vào gia đình, họ hàng.'

Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam trình bày tình hinh nhân quyền Việt Nam với phái đoàn EU

EU quan tâm đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam

 

Thay mặt cho các quan chức của Phái đoàn EU và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, bà Véronique Arnault phát biểu: “Trước hết, cá nhân tôi rất mong các bạn không gặp vấn đề gì sau cuộc gặp này (cười). Tôi muốn khẳng định với các bạn rằng EU luôn tôn trọng tự do ngôn luận và đang tích cực thúc đẩy quyền này, đặc biệt là tự do Internet. Đó là lý do tại sao chúng tôi nêu trường hợp Việt Nam tại khóa họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Chúng tôi muốn tập trung vào giới blogger, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác nữa”.

 

Bà nói rõ: “Tại các cuộc tiếp xúc, chúng tôi đều đưa vấn đề này ra với Chính phủ Việt Nam, và đây cũng sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự ngày mai (Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, ngày 11/9) của chúng tôi với phía Việt Nam. Năm ngoái, Chính phủ của các bạn nói rằng họ không chống lại các blogger, và nếu có thì đó là các trường hợp vi phạm Bộ luật Hình sự. Họ không cho biết thêm chi tiết”.

 

Tuy nhiên, theo bà Véronique Arnault, EU đã có những quy định mang tính hướng dẫn về tự do ngôn luận, tự do Internet, thống nhất chung cho các nước thành viên cũng như cho phái đoàn EU tại tất cả nước quốc gia ngoài EU. Ngoài ra, khi đưa vấn đề tự do ngôn luận ra với Chính phủ Việt Nam, EU cũng căn cứ vào Điều 19 và một số điều khác của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết.

 

“Song, cam kết của Việt Nam trong Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ (UPR) năm 2009 về tự do ngôn luận là rất hạn chế, và ngay cả Tuyên ngôn Nhân quyền của ASEAN gần như không nhắc đến quyền tự do ngôn luận” – Giám đốc Nhân quyền của “Bộ Ngoại giao chung” của châu Âu cho biết. “Do đó chúng tôi đang gắng hết sức thúc đẩy quyền này, vì chúng tôi nghĩ sẽ là không tốt cho xã hội nếu những người muốn phát biểu ý kiến một cách ôn hòa lại không được phép phát biểu, nhất là khi Việt Nam muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”.

 

Cụ thể hơn, bà Véronique Arnault cho biết, trong cuộc đối thoại nhân quyền ngày 11/9, một trong những điều EU sẽ yêu cầu phía Việt Nam thực hiện là trình bày các cam kết của mình trong hồ sơ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.

 

“Thay đổi phải đến từ bên trong”

 

Vị giám đốc phụ trách nhân quyền của EEAS cũng có một ý kiến làm “nhẹ lòng” các blogger: “Bạn có nói là nếu Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thì tình hình sẽ ngày càng xấu đi, đàn áp sẽ gia tăng, nhưng tôi không chắc chắn là sẽ như vậy. Chúng tôi rất tin rằng thay đổi đến từ bên trong. Chúng ta phải ghi nhận một từ tại Việt Nam mà người ta ngại nói đến là xã hội dân sự”.

 

Ngoài Tuyên bố 258, nhóm blogger cũng trao cho Phái đoàn EU bản báo cáo kết luận điều tra của công an Long An về Đinh Nhật Uy. Phía EU khẳng định “đã lắng nghe rất kỹ các thông tin từ blogger và sẽ đưa ra trong cuộc đối thoại nhân quyền với Chính phủ Việt Nam”.

 

Cuối buổi gặp, bà Véronique Arnault không quên dặn các blogger: “Hãy báo cho chúng tôi biết, nếu như các bạn gặp bất kỳ vấn đề gì vì cuộc gặp này”.

 



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link