Đạo nào cũng là đạo...
Chu Thập
Thập niên 1960, khi người Mỹ bắt đầu đến Việt nam thì người Việt cũng tập làm quen với văn minh và văn hóa Mỹ.
Tôi còn nhớ lúc đó, trước khi vào phim chính, ngoài việc đứng lên chào quốc kỳ, người đi xem “xi nê” cũng được “giáo đầu” bằng một đoạn phim tài liệu giới thiệu về Hiệp chủng quốc Hoa kỳ.
Mở đầu đoạn phim nào, người hướng dẫn chương trình cũng luôn giới thiệu: “Nước Mỹ có nhiều chuyện...sau đây là một số chuyện”....Tôi “mê” nước Mỹ từ lúc đó.
Sao bên Mỹ cái gì cũng vĩ đại và đẹp quá! Thật ra, có ai mà không “mơ” được đến và sống ở Mỹ. Có căm thù đếquốc Mỹ đến đâu người ta cũng tìm cách gởi tiền, mua nhà và nhứt là gởi con sang học bên đó. Có “chống Mỹ cứu nước” cỡ nào, khi “cùng sào” thì cũng “đào tỵ” sang Mỹ mà thôi. “Giấc mơ Mỹ quốc” vẫn cứ đeo đuổi nhiều người trên thế giới này. Nước Mỹ vẫn có nhiều chuyện để đáng được đề cao.
Với tôi, trong những ngày này, một trong những chuyện đáng được nói đến để ca ngợi nước Mỹ là chuyện bầu cử. Ở cái quốc gia “kém dân chủ” gấp cả triệu lần so với “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” này, hệ thống bầu cử vẫn minh bạch và công bằng hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Cứ 4 năm một lần, lần nào tôi cũng theo dõi chuyện bầu cử tổng thống Mỹ chẳng khác nào các cuộc tranh tài trong Giải Túc Cầu Thế Giới. Hồi hộp và gây cấn quá đi, bởi vì một ông tổng thống mới của Hoa kỳ lúc nào cũng ảnh hưởng đến cục diện cả thếgiới.
Suốt cuộc vận động bầu cử, từ sơ bộ trong mỗi Đảng đến cuộc chạy đua chỉcòn 2 ứng cử viên, các bài diễn văn của các ứng cử viên và một số nhân vật thân cận với họ nghe đã làm sao!
Nhưng có một yếu tố mà tôi tin là luôn góp phần làm nên sức mạnh của đệ nhứt siêu cường này. Yếu tố đó chính là niềm tin tôn giáo. Hãy thử nghe lại các bài diễn văn trong các cuộc vận động bầu cử.
Dù có hung hăng tấn côngđối phương đến đâu, ứng cử viên hay người ủng hộ gà nhà nào cũng đều kết thúc bài nói chuyện của mình bằng công thức: “God bless you. God bless America”(Xin Thượng Đế chúc lành cho quý vị. Xin Thượng Đế chúc lành cho Mỹ quốc).
Có phải vì được Thượng Đế chúc phúc mà Hiệp chủng quốc Hoa kỳ mới cường thịnh như ngày nay không? Tôi không tin như thế. Trong cuốn hồi ký Ngàn giọt lệ rơi, bà Đặng Mỹ Dung thường nhắc lại câu nói của ông ngoại bà: “Ông Trời không có can thiệp vào chuyện của con người” đâu.
Mỗi khi nhìn vào lịch sử nhân loại, tôi cũng thường nghĩ như thế. Kinh Thánh của Do thái giáo có thuật lại câu chuyện lừa đảo để chiếm đoạt phúc lành của tổ phụ Giacob. Giacob có một người anh tên là Esau. Thân phụ của hai ông là ông Isaac, thương ông Esau nhiều hơn và theo truyền thống, chỉ muốn “chúc lành” cho người con trưởng.
Nhưng vì ông Isaac mù lòa và bà mẹ lại thương cậu con út Giacob hơn, cho nên bà mới lập mưu chiếm đoạt phúc lành cho cậu. Bị lừa gạt cho nên cụ ông Isaac đã tuôn đổ mọi phúc lành của Thượng Đế xuống trên cậu em Giacob. Nhờ những phúc lành đó mà về sau Giacob trở thành tổ phụ của 12 chi tộc Israel.
Còn ông anh Esau, có lẽ vì không được chúc lành, cho nên trở thành cha già của dân tộc luôn bị đọa đày là Palestine.
Đọc lại câu chuyện này, tôi cho rằng Thượng Đế có lẽ cũng đành phải chào thua trước mưu mẹo và sự độc ác của con người.
Nhưng Thượng Đế mà Chúa Giêsu bảo là “cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ” (Mt 5, 45), chắc chắn không phải là Đấng chúc lành cho người này mà loại trừ người khác hay thương yêu người này mà ghét bỏ người khác.
Nhìn về vị thế đệ nhứt siêu cường của Hoa kỳ ngày nay, tôi không tin rằng quốc gia này được Thượng Đế chúc lành hơn những nước khác. Sở dĩ quốc gia này được như thế là vì luôn xem trọng niềm tin tôn giáo. Khó chối cãi được rằng những nhà lập quốc Hoa kỳ đã đặt nền tảng quốc gia trên niềm tin tôn giáo.
Người ta có thể thấy rõ điều đó trong những dòng mở đầu của bản tuyên ngôn độc lập ngày 4 tháng 7 năm 1776: “Tất cả mọi người đều được tạo dựng bình đẳng, họ được Đấng Tạo Hóa phú bẩm cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền đeo đuổi Hạnh phúc”.
Có lẽ không nhận ra hành động tuyên xưng niềm tin tôn giáo của các nhà lập quốc Hoa kỳ cho nên người cộng sản vô thần Hồ chí Minh đã “đạo” nguyên si đoạn mở đầu trên đây vàđưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.
Người ta chỉ có thể hiểu được chỗ đứng ấy của niềm tin tôn giáo của người Mỹ khi nhớ lại rằng hầu hết các nhà lập quốc Hoa kỳ đều là những người đã trốn chạy khỏi Âu châu vì bị bách hại tôn giáo. Với họ, tự do tôn giáo vẫn là quyền cao cả nhứt trong cuộc sống con người.
Ngày nay, sống trong những chế độ có sự tách biệt rõ ràng giữa tôn giáo và nhà nước, nghe những khẩu hiệu như “God bless” hoặc nhìn thấy câu “In God we trust” (chúng tôi tin tưởng nơi Thượng Đế) vẫn còn in trên đồng Mỹ kim hoặc chứng kiến cảnh một tân tổng thống Mỹ đặt tay trên Kinh Thánh để tuyên thệ...nhiều người hẳn sẽ cho là chướng tai gai mắt lắm. Nhưng có lẽ Hoa kỳ sẽchẳng còn là Hoa kỳ khi những khẩu hiệu và hình ảnh ấy bị xóa bỏ ra khỏi nơi công cộng và cuộc sống của người dân. Hoa kỳ vẫn là một quốc gia luôn tôn trọng nguyên tắc về sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước.
Quốc gia này vẫn còn được xem là văn minh tiến bộ và giàu có nhứt thế giới. Nhưng đại đa số người dân nước này vẫn còn nhìn nhận chỗ đứng quan trọng của niềm tin tôn giáo trong cuộc sống của họ.
Nhưng dĩ nhiên, vốn có tinh thần thực dụng, khi đề cao niềm tin trong tôn giáo, người Mỹ luôn chứng tỏ mối liên kết giữa cuộc sống thực tiễn và niềm tin tôn giáo. Niềm tin đó hẳn phải là động lực thúc đẩy họ nỗ lực để làm cho đất nước phồn vinh và cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Nhứt là niềm tin đó kêu gọi họ quảng đại chia sẻ với người khác nhiều hơn.
Có lẽ chưa có dân tộc nào trên thế giới này có truyền thống làm “từ thiện” cao cho bằng người dân Mỹ.
Nói đến Mỹ quốc là phải nói đến những nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng như vợchồng Bill Gates, như Warren Buffet...Khó có thể giải thích được một tấm lòng vị tha như thế mà không nhìn nhận cái truyền thống san sẻ trao ban đã được niềm tin tôn giáo nhào nặn.
Mới đây, khi ông Mitt Romney, nguyên thống đốc tiểu bang Massachusetts ra tranh cử tổng thống, người ta chú ý đến giáo phái Mormon mà ông là thành viên.
Muốn tìm một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo đối với cuộc sống xã hội như thế nào tại Hoa kỳ, có lẽ người ta chỉ cầnđến tiểu bang Utah.
Từ một tiểu bang nắng cháy khô cằn, các tín đồ của giáo phái này đã biến Utah, đặc biệt là thành phố Salt Lake City thành một nơi trù phú, một địa điểm du lịch nổi tiếng và nhứt là một nơi thanh bình có ít tệ nạn xã hội nhứt tại Hoa kỳ. Lịch sử của Thành phố Salt Lake City là câu chuyện vềmột niềm tin tôn giáo đã thúc đẩy con người hăng say làm việc và hiến thân phục vụ.
Mới đây, tôi có xem trên Đài truyền hình SBS một cuốn phim tài liệu về một giáo phái khác có tên là Amish. Tài liệu này gợi lại cho tôi cuốn phim “The Silent Witness” (người chứng âm thầm) do tài tử gạo cội Harrison Ford thủ diễn mà tôi đã được xem hồi năm 1985.
Cuốn phim kể lại cuộc điều tra của một viên cảnh sát về một vụ giết người mà nhân chứng là một cậu bé thuộc giáo phái Amish. Xem sinh hoạt của người Amish trong cuốn phim (vốn được quay trong một ngôi làng của người Amish thuộc tiểu bang Pennsylvania), tôi cứ tưởng đây là chuyện xa xưa vào thời Trung cổ bên Âu châu.
Phim tài liệu có tựa đề “Meet the Amish” (gặp gỡ người Amish) được chiếu trên đài SBS cho thấy cuộc sống thực tế của các tín đồ thuộc giáo phái này. Là những người đã trốn chạy cuộc bách hại tôn giáo tại Thụy sĩhồi thế kỷ 17, những người này đã tìm đến Hoa kỳ và tiếp tục giữ nguyên phong tục tập quán của cha ông họ. Họ sống quây quần với nhau thành những ngôi làng nhỏ.
Họ khước từ mọi văn minh tiến bộ của kỹ thuật. Giữa một xã hội văn minh tiến bộ nhứt thế giới, họ vẫn còn di chuyển bằng những chiếc xe ngựa, kín nước bằng quạt gió, thắp những ngọn đèn dầu... Nhưng điều gây xúc động nhiều nhứt cho tôi chính là chủ trương sống hiếu hòa, bất bạo động, khiêm tốn, tránh đươngđầu và nhứt là tương trợ nhau.
Với tôi, những ngôi làng Amish hiện hữu ngay giữa một xã hội phồn vinh nhưng đày bất ổn này là mẫu mực của một xã hội hòa bình. Tôi không cần biết giáo lý của tôn giáo này. Tôi cho rằng những người thuộc giáo phái Amish này mới thực sự là những người có đạo và biết sống đạo, bởi vì cốt lõi của đạo là gì nếu không phải là sống tử tế, công bằng, hiếu hòa, nhẫn nhục, phục vụ, hy sinh, tha thứ, cảm thông, quên mình...
Amish
Lúc nhỏ, tôi được dạy dỗ phải phân biệt người “có đạo” với người“không có đạo”. Dĩ nhiên, con nhà “có đạo” là các tín hữu Kitô như tôi. Còn“không có đạo” là tín đồ của những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Khái niệm “tôn giáo” do người Tây phương nhồi nhét vào đầu tôi khiến tôi có cái nhìn tách biệtấy. Về phương diện này, nếu bảo tôn giáo gây chia rẽ và ngay cả hận thù thì cũng chẳng có gì quá đáng. Lịch sử thế giới và ngay trong từng dân tộc vốn đầy dẫy những cuộc chiến tranh vì tôn giáo.
Ngày nay, tôi thích khái niệm “Đạo” hơn. Có người có tôn giáo nhưng lại chẳng thể hiện sự “có đạo” chút nào trong cuộc sống. Ngược lại không thiếu những người chẳng thuộc tôn giáo nào hay tự xưng vô thần nhưng lại “có đạo” hơn ai hết. Tôi nghĩ đến trước tiên hai nhà hiền triết vĩ đại nhứt của Á đông làĐức Phật Thích Ca và Đức Khổng Tử. Xét theo phạm trù “tôn giáo” của Tây phương thì hai vị là những nhà “vô thần” chính hiệu.
Cả hai vị đều không màng đến cuộc sống mai hậu hay thế giới thần linh. Về điểm này, Đức Khổng Tử đã tỏ ra rất minh bạch. Một hôm, Tử Cống hỏi ngài: “Trên trời có thật là có thần linh tồn tại không ạ?” Đức Khổng Tử ngước mặt nhìn trời rồi trả lời: “Trên không trung, theo ý ta, ngoài tinh tú và mặt trăng mặt trời, chẳng còn gì nữa.” Giải thích về sự kiện người ta thường tế trời, ngài nói: “Đó chẳng qua là một sựgởi gắm về tinh thần của mọi người.
Thí dụ gặp năm hạn hán, mọi người đều cho rằng đây là trừng phạt của Ông Trời. Cho nên mới tế trời để cầu mưa. Kỳ thực, tế trời cũng chưa nhất định đã mưa. Trong trí nhớ của ta, đã nhiều lần có tình trạng thế này: càng tế trời càng hạn hán, cuối cùng lúa mạ chết hết, mùa màng mất trắng”.
Tử Cống hỏi tiếp: “Vậy thì người chết đi rồi, liệu có linh hồn tồn tại thật không?” Đức Khổng Tử khẳng định: “Người chết như đèn tắt, chỉ còn cái xác, còn lại chẳng có gì tồn tại cả” (x. Khúc Xuân Lễ, Khổng Tửtruyện, bản dịch của Ông văn Tùng, NXB Văn học, trg 319).
Nhìn về cuộc sống mai hậu như thế, Đức Khổng Tử đâu có xa lạ với chủ trương của người vô thần. Nhưng không gì xúc phạm bằng nếu bảo rằng nhà hiền triết đã từng đề ra Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín làm nền tảng cho cuộc sống cá nhân và xã hội là một người “không có đạo”. Còn ai “có đạo” cho bằng ngài! Còn ai đáng được “phong thánh” cho bằng ngài! Đức Khổng Tử vẫn còn được tôn thờchẳng có gì là lạ.
Có nhiều tôn giáo và mỗi tôn giáo đều có tín điều, luật lệ, phẩm trật, quyền bính, có “con chiên”, có “chủ chăn”, có tăng lữ, có tín đồ...Nhưng với tôi chỉ có một “Đạo”. Đó là đạo làm người, đạo sống tử tế, đạo sống yêu thương, đạo cảm thông và tha thứ...Con người có thể chia rẽ vì tôn giáo, nhưng chẳng ai nhân danh “Đạo làm người” ấy để mà đấu đá, loại trừ, tiêu diệt nhau cả.
Tôi có thể bị “dứt phép thông công”, bị “vạ tuyệt thông” hay trục xuất ra khỏi cộng đồng Giáo hội của tôi vì có thể bị cho là “lạc giáo”.
Nhưng tôi tin chắc rằng chẳng ai có thể loại trừ tôi ra khỏi “Đạo làm người” cả.
Chu Thập
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment