Rắc rối biển Đông
Bonnie Glaser, Foreign Policy, ngày 17 tháng Chín 2012
Trần Ngọc Cưdịch
Trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng về những đảo tranh chấp ở phía Đông Trung Quốc, tiềm năng xung đột ở phíaNamcó vẻ lắng dịu. Nhưng sự yên ắng này sẽ không kéo dài lâu.
Như cuộc viếng thăm Nhật Bản, Trung Quốc, và New Zealand của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho thấy, chiến lưọc “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Obama đang được xúc tiến nhanh chóng.
Nhưng nếu muốn thành công đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược này, chính sách Mỹ phải xét đến nghịch lý sau đây: các nước láng giềng của Trung Quốc đang tìm kiếm một sự can thiệp kinh tế, ngoại giao, và quân sự to lớn hơn nữa của Mỹ ở trong khu vực nhằm quân bình sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc – nhưng đồng thời, mọi nước trong khu vực đều mong muốn một quan hệ hữu nghị gần gũi với Bắc Kinh.
Nỗi khó khăn của việc lách qua nghịch lý này hiện rõ trong việc xử lý các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong biển Nam Trung Hoa [từ đây xin đọc biển Đông].
Các quốc gia Đông Nam Á thỉnh thoảng thúc đẩy Washington giúp đỡ họ chống lại sức ép của Trung Quốc, những sức ép đòi họ phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh trong biển Đông – nhưng khi Washington có hành động ngăn cản không cho Trung Quốc lấn lướt trong khu vực, thì các quốc gia đối tác của Mỹ lại lo lắng về những mối căng thẳng Mỹ-Trung diễn ra đột xuất và họ lại năn nỉ Mỹ nên lùi bước. Chính cái nghịch lý này đã làm cho việc duy trì một chính sách Mỹ về biển Đông có tính nhất quán và có nguyên tắc trở nên vừa đầy thách thức vừa rất cần thiết.
Nhiều lợi ích của Mỹ có thể bị đe dọa trong biển Đông. Đây là một trong những huyết mạch thương mại quan trọng của thế giới, với hơn một nửa trọng tải của đội thương thuyền thế giới đi qua các tuyến đường biển này mỗi năm. Khu vực này còn chứa đựng một lượng cá phong phú – nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế của các nước tiếp giáp với biển – và có tiềm năng chứa đựng những lượng tài nguyên dầu lửa và khí đốt đáng kể nằm vào vị trí chiến lược gần với các nước tiêu thụ năng lượng lớn.
Nhưng biển Đông cũng là một mớ rối rắm gồm những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ kình chống nhau. Trung Quốc, ĐàiLoan,Indonesia,Philippines, ViệtNam,Malaysia, vàBruneiđều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên nhiều địa điểm và vùng biển tiếp giáp với nước mình, làm gia tăng căng thẳng ngoại giao và có tiềm năng đặt nền móng cho một cuộc xung đột quân sự tương lai.
Và mặc dù không có nước nào hoàn toàn vô tội trong cuộc căng thẳng này, Trung Quốc rõ ràng là nước xâm lược thô bạo nhất (the most egregious aggressor). Trung Quốc đang cố tình theo đuổi một chính sách hiếp đáp và hù dọa các láng giềng nhỏ bé của mình, buộc các nước này phải nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng biển rộng lớn – và Mỹ phải nói rõ rằng một hành vi như vậy là không thể chấp nhận.
Biển Đông từ lâu từng là nơi bộc phát xung đột quân sự. Các cuộc đụng độ thỉnh thoảng diễn ra trên biển từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990. Một thập kỷ tiếp theo là tương đối yên lặng, nhưng căng thẳng lại bắt đầu lóe lên kể từ 2007, với sự gia tăng rõ nét các vụ va chạm và khiêu khích.
Nguyên nhân chính đưa đến các căng thẳng ngày một gay gắt là sự quan tâm đang gia tăng của các nước trong việc thăm dò và khai thác các trữ lượng dầu khí của biển Đông, tăng cường cạnh tranh trong nghề đánh bắt cá khi các lượng thủy sản gần duyên hải đang bị cạn kiệt, và các áp lực dân tộc chủ nghĩa đòi hỏi các chính phủ phải bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải.
Cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đã diễn ra vào mùa Xuân năm nay liên quan đến một chuỗi đá ngầm và đá lộ thiên có hình tam giác gọi là Bãi cạn Scarborough, nằm cách Zambales, Philippines, 124 hải lý. Vào đầu tháng Tư, một tàu hải quân Philippines, vốn được triển khai để quan sát một cuộc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, được lệnh đổi hướng đến Bãi cạn Scarborough để điều tra sự xuất hiện của 8 tàu đánh cá Trung Quốc ở trong đầm.
Tức giận về điều được coi là một hành động khiêu khích và leo thang, Trung Quốc đã phái hai chiếc tàu hải giám cỡ lớn đến bãi cạn nói trên; hai chiếc tàu này liền chen vào giữa, một bên là các tàu đánh cá Trung Quốc và bên kia là chiến hạm củaPhilippines. Trong những tuần lễ tiếp theo, Manila đã cho rút về chiếc tàu hải quân và thay vào đó bằng chiếc tàu tuần duyên [của bộ Giao thông vận tải, DG], trong khi đó, phía Trung Quốc tiếp tục gia tăng sự hiện diện của mình, mà có lúc đã triển khai đến khoảng 80 tàu hải giám, nhiều thuyền đánh cá và một tàu chuyên chở thiết bị.vào trong đầm.
Việc Manila không chịu rút lui khỏi bãi cạn đã bị Trung Quốc trả đũa bằng các đòn hù dọa khác: Bắc Kinh bắt đầu cho kiểm dịch gắt gao các loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu từPhilippinesvà áp dụng các biện pháp gây sức ép kinh tế khác.
Một cuộc vận động ngoại giao âm thầm đã đưa đến một thỏa thuận miệng (verbal agreement) vào đầu tháng Sáu rằng cả hai bên sẽ rút thuyền bè của mình ra khỏi vùng tranh chấp và chấm dứt căng thẳng, nhưng trên thực tế chỉ có một mìnhManilatuân thủ. Sau khi Philippines rút lui, Trung Quốc đã dùng dây thừng giăng ngang cửa đầm, để ngăn chặn không cho ngư dân Philippines và các ngư dân khác vào bên trong, và đồng thời tăng cường các cuộc tuần tra quanh bãi cạn.
Rõ ràng là có một chu kỳ leo thang đang diễn ra tại biển Đông, đe dọa làm mất ổn định trong khu vực trọng yếu này.
Tuy nhiên, điều quan trọng là ta phải nhận ra rằng những đòi hỏi, những chính sách, những tham vọng, hành vi và khả năng của Trung Quốc là khác biệt đáng kể với các tác nhân khác [tức các quốc gia có tranh chấp chủ quyền khác].
Bắc Kinh không chịu tham gia các cuộc thảo luận đa phương nhằm tìm giải pháp cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trong khu vực; họ chỉ muốn những cơ chế song phương, theo đó họ có thể vận dụng những lợi thế của mình đối với các nước nhược tiểu.
Trung Quốc bác bỏ vai trò của Tòa án Quốc tế (ICJ) hay Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại biển Đông.
Mặc dù Bắc Kinh đã đồng ý cuối cùng sẽ tham gia các cuộc đàm phán nhằm đạt được một bộ qui tắc ứng xử (code of conduct) ở biển Đông, nhưng các quan chức Trung Quốc gần đây đã tuyên bố rằng những cuộc thảo luận này chỉ có thể diễn ra “khi điều kiện đã chín muồi” – điều này hiển nhiên là không phải bây giờ.
Mỹ coi bộ qui tắc ứng xử như một công cụ để ngăn ngừa xung đột và giải quyết xung đột, và thúc đẩy các cuộc đàm phán phải bắt đầu tức khắc. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc chỉ chuộng bản Tuyên bố 2002 về hành vi ứng xử của các bên trên biển Đông, một bản tuyên bố không có cơ chế giải quyết tranh chấp và không có tính ràng buộc pháp lý.
Hành vi của Trung Quốc trong biển Đông là có tính toán và mang tính hệ thống – chứ không phải là kết quả tình cờ do một chế độ chính trị quan liêu hay do khả năng phối hợp tồi dở.
Thật vậy, những hành động xâm lược của Trung quốc trong những tháng vừa qua cho thấy “một sự phối hợp rất chuẩn mực giữa các cơ quan, một sự kiểm soát trên cả hai lãnh vực dân sự lẫn quân sự, một kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự” – theo cách nói của Oriana Skylar Mastro, một nhà nghiên cứu tại Center for a New American Security (Trung tâm nghiên cứu một nền An ninh mới cho Mỹ).
Mô hình rõ rệt này, gồm hành động bắt nạt và hù dọa, là bằng chứng của một quyết định từ cấp lãnh đạo chóp bu nhằm đẩy mạnh chính sách ngoại giao o ép của Trung Quốc. Lối ứng xử này có nhiều ngụ ý không những đối với Philippines và Việt Nam, hai mục tiêu chính của những nỗ lực o ép từ Trung Quốc, mà còn đối với mọi phe có lợi ích trong khu vực, kể cả Mỹ.
Một là, khuynh hướng tự nhiên của Trung Quốc trong việc coi thường luật pháp và các qui phạm quốc tế đã đặt ra một tiêu chuẩn rất đáng lo ngại trong tương lai.
Bắc Kinh cố tình không chịu tuân theo một giao ước miệng (verbal agreement) với Manila để rút hết tàu bè ra khỏi đầm và vùng chung quanh Bãi cạnScarborough, như vậy đã tạo ra một nguyên trạng (the status quo) phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc đang duy trì các cuộc tuần tra thường xuyên và ngăn cản không cho ngư dânPhilippinesđánh bắt cá trong các lãnh hải nói trên. Nhưng cho đến nay, không một quốc gia nào – kể cả Mỹ – công khai lên án hành động này của Trung Quốc. Sự kiện này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc đàm phán tương lai.
Hai là, Trung Quốc ngày càng tỏ ra nghênh ngang trong việc dùng sức mạnh kinh tế để buộc các nước phải thay đổi chính sách. Việc Bắc Kinh có biện pháp kiểm dịch gắt gao đối với các loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu từPhilippinesđể gây sứ ép buộc nước này phải nhường quyền kiểm soát Bãi cạnScarboroughlà một vi phạm trắng trợn các quy phạm quốc tế.
Để che đậy hành vi o ép kinh tế mới nhất này, các viên chức hải quan Trung Quốc đã đưa ra những lý do thiếu cơ sở cho rằng các loại trái cây này bị nhiễm sâu. Kinh tếPhilippineschịu thiệt hại tức khắc vì nước này xuất khẩu gần 1/3 số chuối sang Trung Quốc, cũng như đu đủ, thơm, xoài và dừa. Ngoài ra, các đại lý du lịch tại Trung Quốc còn hủy bỏ các chuyến bay du lịch thuê bao đến Philippines với lý do sự an toàn của du khách Trung Quốc bị đe dọa bởi “các cuộc biểu tình bài Trung Quốc”.
Sự kiện này chỉ là một ví dụ về xu thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong việc dùng sức ép kinh tế. Vào tháng Chín 2010, Bắc Kinh đã chặn đứng việc chở khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản để trả đũa việc Tokyo giam giữ viên thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc trong một vụ việc xảy ra gần quần đảo Senkaku. Cuối năm đó, tiếp theo sau lời công bố Giải Nobel Hoà bình sẽ được trao cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, Trung Quốc đã sử dụng một loạt biện pháp để trừng phạt Na Uy – mặc dù quyết định trao giải thưởng cho ai là do Ủy ban Nobel, một cơ quan hoàn toàn độc lập với Chính phủ Na Uy.
Trung Quốc lập tức cho đóng băng các cuộc đàm phán về thương mại tự do vớiOslovà áp đặt các biện pháp thanh tra thú y mới lên cá hồi nhập khẩu từ Na Uy. Những điều lệ mới này đã đưa đến việc cắt giảm 60% lượng cá hồi nhập khẩu từ Na Uy trong năm 2011, ngay cả trong khi thị trường cá hồi tại Trung Quốc tăng lên 30%. Bắc Kinh cũng tạm ngưng các tương tác ngoại giao bình thường với Na Uy, cho đến nay vẫn chưa tiếp tục lại.
Bắc Kinh coi những trường hợp này là những thành công ngoại giao của mình. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng biện pháp o ép kinh tế mà không bị chống đối, những chiến thuật này chắc chắn sẽ được dùng đi dùng lại. Như vậy, Trung Quốc có khả năng khống chế một số quốc gia đông đảo có nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào mậu dịch với Trung Quốc.
Ba là, việc Trung Quốc bác bỏ một khung pháp lý dựa vào luật lệ (rules-based framework), dùng để hạn chế hành động của mọi quốc gia, phải được coi là một lý do để lo ngại. Bắc Kinh tính toán rằng thời cơ đang nằm về phía họ – tại sao họ phải ký kết các hiệp định có tính cách ràng buộc vào lúc này, trong khi lợi thế của họ chỉ ngày càng gia tăng?
Trong tương lai, Trung Quốc không những là một cường quốc kinh tế quan trọng, mà còn là một cường quốc chính trị và quân sự quan trọng. Các quốc gia khác, lớn cũng như nhỏ, sẽ buộc phải thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và phải tôn trọng “các lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính” của Trung Quốc, nói theo giọng của các nhà ngoại giao Bắc Kinh.
Căn cứ vào việc Trung Quốc không muốn tuân theo một bộ qui tắc ứng xử và việc Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa đến lợi ích của các quốc gia khác, người ta không thể loại trừ khả năng các quốc gia tranh chấp chủ quyền sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình.
Lề thói ứng xử quyết đoán của Trung Quốc trên các vấn đề liên quan đến chủ quyền rất có thể sẽ tiếp tục sau khi việc chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước diễn ra tại Đại hội Đảng vào mùa Thu này và tại Quốc hội Trung Quốc vào mùa Xuân tới.
Những cuộc chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc chỉ xảy ra cứ mười năm một lần và cuộc chuyển giao sắp tới là đặc biệt quan trọng – thế hệ lãnh đạo kế tiếp tại Bắc Kinh sẽ ngự trị một giai đoạn mà quyền lực của Trung Quốc có khả năng bành trướng đáng kể, và tập đoàn lãnh đạo này sẽ quyết định đây có phải là một sự trỗi dậy hòa bình hay không.
Vì Đảng đặt cơ sở cho tính chính đáng của mình phần lớn trên các thành tích yêu nước, không một lãnh đạo Trung Quốc nào có khả năng làm một điều gì khác hơn ngoài việc hung hăng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chính quyền đã nhen nhúm tình cảm của dân chúng trong việc ủng hộ lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với biển Đông.
Giới lãnh đạo kế tiếp chắc chắn sẽ ý thức về những rủi ro của việc nung nấu thêm những tình cảm dân tộc chủ nghĩa này – nhưng họ sẽ không cưỡng nỗi sự cám dỗ, khi những biện pháp này nâng cao tính chính đáng của giới lãnh đạo mới.
Tập Cận Bình, người kế vị của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, được nhiều người cho là có một mức độ tự tin cao – chắc chắn cao hơn xa so với họ Hồ 10 năm trước đây khi ông này mới nắm quyền.
Trong khi Hồ tập trung vào những nhược điểm của Trung Quốc, thì Tập lại thuộc về một thế hệ mới, lớn lên trong thời cải tổ và mở cửa đối với thế giới bên ngoài.Tập tin tưởng rằng Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng.
Vì tin tưởng rằng khoảng cách giữa quyền lực Mỹ và quyền lực Trung Quốc đang thu hẹp, rất có thể Tập sẽ đứng dậy để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên đấu trường quốc tế, nhất là những điều được coi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, trong đó có những vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông.
Ở một mức độ nào đó, các cuộc tranh luận của học giả Trung Quốc đã bị đè nén một cách giả tạo trong thời gian dẫn đến việc chuyển giao quyền lãnh đạo. Những bất đồng công khai, nhất là về các vấn đề nhạy cảm, có thể được coi là dấu hiệu của những rạn nứt trong tình đoàn kết của Đảng và vì thế phải được triệt để ngăn ngừa trong thời gian gần các đại hội đảng.
Tuy nhiên, những cuộc tranh luận này có thể nổ ra công khai vào năm tới: Những câu hỏi như, liệu Mỹ có thực sự suy yếu và cán cân quyền lực toàn cầu đang liên tục nghiêng về phía Trung Quốc hay không, và liệu thời kỳ 20 năm cơ hội chiến lược của Trung Quốc, một thời kỳ bắt đầu từ giao điểm của hai thế kỷ, có đang kết thúc quá sớm chăng. Những cuộc tranh luận này sẽ tạo thêm sức ép, buộc lãnh đạo Trung Quốc phải bảo vệ lợi ích Trung Quốc một cách quyết đoán.
Theo các nhà phân tích am tường thời sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đã rút ra kết luận rằng chính sách của cựu lãnh tụ Đảng Cộng sản Đặng Tiểu Bình đối với việc quản lý các tranh chấp trên biển Đông đã thất bại.
Chính sách đó nói rằng mặc dù chủ quyền trên phần lớn biển này thuộc về Trung Quốc, nhưng những cuộc tranh chấp ấy có thể được gác qua một bên và việc hợp tác phát triển có thể được xúc tiến. Phía Trung Quốc cho rằng trong khi Trung Quốc tránh khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp, thì các nước khác đã không biết tự chế một cách tương tự. Một chính sách mới sẽ xuất hiện và có thể đang được hoãn lại cho đến sau cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo tại Trung Quốc – nhưng gần như chắc chắn rằng chính sách mới sẽ là cứng rắn hơn.
Chính quyền Obama đã đưa ra một số nguyên tắc đúng đắn để hướng dẫn các hành vi trong biển Đông.
Tháng Bảy năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton kêu gọi một tiến trình ngoại giao hợp tác giữa tất cả các nước có đòi hỏi chủ quyền để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không có sự ép buộc”. Bà Clinton nói rằng Mỹ chống lại việc sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực bởi bất cứ nước có tranh chấp chủ quyền nào và Mỹ đòi hỏi thương mại không bị gián đoạn, tự do thông thương trên biển, và tiếp cận thông thoáng đối với các vùng biển chung của châu Á.
Bà Clinton còn cho rằng các nước tuyên bố chủ quyền phải theo đuổi đòi hỏi chủ quyền của mình sao cho phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển, và thúc đẩy tất cả các bên phải đạt thỏa thuận về một bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông
Nhưng điều quan trọng là, Mỹ phải theo đúng những nguyên tắc này và phải khiển trách bất cứ phe nào có hành vi đi ngược lại chúng.
Một thái độ khách quan và công bằng sẽ mang lại uy tín cho chính sách của Mỹ. Một tuyên bố mẫu mực và vô tư đã được [Bộ trưởng Quốc phòng] Panetta đưa ra vào tháng Sáu năm nay, khi ông ghi nhận rằng Mỹ “đã công bố và làm rõ quan điểm của mình với đồng minh thân cận có hiệp ước, Philippines, và chúng ta đã làm rõ những quan điểm ấy với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực”.
Rõ ràng là Trung Quốc có hành vi thô bạo nhất trong tất cả các tác nhân (actors) trên biển Đông, nhưng nếu chỉ khiển trách một mình Trung Quốc mà không nói đến các hành động khiêu khích của các nước tuyên bố chủ quyền khác, việc này sẽ làm mất uy tín của Mỹ.
Tuyên bố ngày 3 tháng Tám của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình biển Đông, một tuyên bố chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc và coi những hành động của nước này là “có nguy cơ gia tăng thêm nữa những căng thẳng trong khu vực”, là một trường hợp điển hình đáng tiếc về sự thiếu vô tư. Bằng cách từ bỏ đường lối công bằng và khách quan truyền thống của mình,Washingtonđã cung cấp vũ khí tranh luận để Bắc Kinh quả quyết rằng Hoa Kỳ đã đứng về phe chống lại Trung Quốc.
Việc Mỹ khiển trách một mình Trung Quốc có thể được một số quốc gia hoan nghênh trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ có hại cho thanh thế của Mỹ về lâu về dài. Bản tuyên bố ngày 3 tháng Tám, chẳng hạn, thoạt đầu được một số nước Đông Nam Á âm thầm hưởng ứng, vì nó được đưa ra tiếp theo sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Phnom Penh, nơi tổ chức này đã không đồng thuận lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm về một bản thông cáo chung, do những bất đồng về việc có nên hay không nhắc đến vụ việc ở Bãi cạn Scarborough.
Tuy vậy, sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung tiếp sau đó đã gây thêm lo lắng tại các thủ đô Đông Nam Á, khiến các nước này phải kêu gọi Mỹ nên chấm dứt đả kích Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao. Sơ hở này của Mỹ tạm thời làm suy giảm chứ không gia tăng sự hữu hiệu của mình trong vai trò đối trọng lực lượng với Trung Quốc.
Từ nay về sau, Mỹ phải đi theo một đường lối có nguyên tắc trong việc quản lý các tranh chấp lãnh thổ trong biển Đông và duy trì lập trường trung lập cố hữu của mình đối với các cuộc tranh chấp ấy. Đồng thời, Mỹ phải nhấn mạnh những lợi ích chung của Mỹ và các quốc gia khác trong các qui phạm quốc tế hiện đang bị đe đọa bởi những chính sách quyết đoán của Trung Quốc.
Mỹ còn phải đòi hỏi một khung pháp lý có tính ràng buộc để quản lý các yêu sách chủ quyền và các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong biển Đông.
Điều này có nghĩa là Mỹ phải thúc đẩy các nước tranh chấp đưa các đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của mình vào khuôn khổ được qui định trong Hiệp ước về Luật Biển – một hiệp ước mà chính bản thân Mỹ cũng cần phải phê chuẩn, để gia tăng hiệu năng trong các nỗ lực của mình.
Ngoài ra, Mỹ phải tiếp tục khuyến khích Trung Quốc và khối ASEAN bắt đầu đàm phán về một bộ qui tắc ứng xử có chứa đựng một cơ chế giải quyết tranh chấp. Một khi tiến trình đàm phán được khởi động, nó có thể tạo ra hiệu ứng làm lắng dịu tình hình để xả xìu các căng thẳng.
Những quốc gia nhỏ bé trong khu vực lo sợ rằng một loại quan hệ hữu nghị mới giữa các đại cường, đang được Washington và Bắc Kinh thảo luận, sẽ đưa đến sự gia tăng hợp tác Mỹ-Trung có hại cho nhiều nước khác, trong đó có các nước ASEAN.
Những lo ngại này cần phải được xua tan lập tức, và Mỹ phải tiếp tục cổ vũ tính trung tâm (centrality) của khối ASEAN như một chiếc neo cho sự ổn định trong khu vực.
Sau cùng, Mỹ cần phải tiếp tục tăng cường sự hợp tác kinh tế, ngoại giao và quân sự tại Đông Á. Việc tái quân bình các ưu tiên chiến lược đối với châu Á là rất thiết yếu để đảm bảo rằng nền hoà bình và ổn định đã tồn tại trong khu vực hai thập niên qua – và nhờ đó mà tất cả các quốc gia trong khu vực cùng hưởng lợi – vẫn còn tiếp tục lâu dài.
B.G.
Bonnie Glaser là nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Nguồn bản gốc:http://www.foreignpolicy.com/articles/2012/09/17/trouble_in_the_south_china_sea
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
|
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment