Saturday, September 22, 2012

Hệ Thống Hạ Tầng Cơ Sở Ở Mỹ Suy Yếu Trầm Trọng


 

 

Hệ Thống Hạ Tầng Cơ Sở Ở Mỹ Suy Yếu Trầm Trọng

 

ĐỌC NEWSWEEK

· David Cay Johnston, người ký giả từng được giải Pulitzer, hiện đang là giáo sư dạy tại trường Syracuse University, vừa cho xuất bản tác phẩm “The Fine Print” tiên đoán về sự sụp đổ của hệ thống hạ tầng cơ sở của Mỹ. Sự sụp đổ đó sẽ đưa đến nguy cơ có những cuộc khủng hoảng lớn như cúp điện, cầu gẫy, xa lộ sập lỗ, đập nước vỡ, và nhiều hậu quả dây chuyền khác. Chúng tôi xin tóm lược ý chính trong tác phẩm này.

Trận bão Isaac vừa tấn công vào vùng Vịnh Mễ Tây Cơ, đánh dấu kỷ niệm bảy năm ngày trận bão Katrina tàn phá thành phố New Orleans. Nó cũng nhắc nhở cho chúng ta thấy hệ thống hạ tầng cơ sở quan trọng đến mức nào, bất kể tình hình kinh tế đang thịnh vượng hay suy thoái.

Lần này, con đê ngăn nước không bị vỡ, nhờ chúng ta đầu tư $14.5 tỉ đô la bằng ngân sách chính phủ liên bang, xây con đê mới sau thảm hoạ năm 2005. Trong nhiều thập niên qua, người Mỹ đã quá bủn xỉn, không chịu bỏ tiền đầu tư vào những “vật dụng cần thiết” cho ích lợi chung, khiến cho dân chúng sống trong sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và làm suy yếu nền kinh tế. Hiện nay hạ tầng cơ sở của ta có những cây cầu rỉ sét, những đoạn đường bị gẫy sập bất ngờ, những con đập ngăn nước rất yếu, vì quá cũ, và hệ thống bồn chứa nước rò rỉ vì thiếu bảo trì. Năm 2007, một cây cầu của xa lộ liên tiểu bang ở Minneapolis bị sập, làm cho 13 người chết, vết nứt của đoạn đường này làm cho cây cầu Sherman Minton, nối liền Indiana và Kentucky phải đóng lại. (Cây cầu vừa được mở lại hồi tháng Hai năm nay). Nói chung, tình trạng nguy hiểm được ghi nhận ở khắp mọi nơi, ngay quanh chúng ta.

Ngay cả những cơ cấu hạ tầng cơ sở do công ty lớn làm chủ cũng ở tình trạng cũ kỹ, già yếu, cần phải thay thế, chẳng hạn như những ống dẫn dầu, ống dẫn hơi đốt thiên nhiên, cột điện. Tất cả đều đã quá thời hạn chịu đựng, cần phải được thay thế, hay bảo trì. Hệ thống viễn thông không còn bén nhậy, đáng tin cậy, như cách đây hai thập niên, mặc dù khách hàng phải trả hơn năm trăm tỉ đô la để hiện đại hoá hệ thống này.

Hiệp Hội Kỹ Sư Cầu Cống cho hệ thống hạ tầng cơ sở của Mỹ điểm “D”, tức là điểm kém, dưới mức trung bình. Hiệp hội đề nghị cần phải bỏ ra khoảng $2.2 trillìon đô la (hơn hai ngàn tỉ) để sửa chữa và tu bổ.

Biến cố hồi tháng Bảy vừa qua làm cho chúng ta phải lo ngại về sự thiếu sót đáng trách này. Nạn cúp điện toàn bộ vì quá tải – electric grid lock - xảy ra ở Ân Độ xảy ra hai lần cho thấy sự tai hại lớn như thế nào khi hệ thống cung cấp điện ngưng hoạt động. Hơn một nửa dân số Ấn Độ không có điện dùng. Hệ thống bơm nước cho dân thành phố Tân Dehli bị đóng. Hơn 300 chuyến xe lửa ngưng chạy, bỏ rơi hàng ngàn hành khách ngồi chờ trong cái nóng như thiêu đốt. Rất nhiều người kẹt cứng trong thang máy bị ngưng chạy nửa chừng, và hơn 200 thợ mỏ bị nằm kẹt sâu trong lòng đất. Những người giầu có, thường sử dụng máy điều hoà không khí nay phải tắm hơi vì cúp điện.

Vụ cúp điện ở Ấn độ ảnh hưởng đến 670 triệu dân Ấn, tức là cứ 10 người sống trên trái đất thì có một người bị ảnh hưởng. Nhưng tin tức về vụ cúp điện chỉ gợi trí tò mò một chút, rồi thôi, ít có ai để ý đến tin này. Những gì xảy ra ở Ấn độ cũng có thể xảy ra tại Hoa Kỳ. Bởi vì hệ thống cung cấp điện lực của Mỹ cũ kỹ đến mức nguy hiểm.

Chúng ta vẫn chưa quên vụ cúp điện cách đây chín năm, ảnh hưởng toàn vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, và một phần Canada. Kinh nghiệm vụ 9/11 vẫn còn rõ trong trí nhớ. Thử hỏi cư dân khu Manhattan sẽ xử trí ra sao nếu lỡ bị khủng bố tấn công một lần nữa. Họ sẽ phải mò mẫm trong bóng tối trong những toà nhà chọc trời. Nhưng kỳ này nếu xảy ra, mức thiệt hại có thể lên đến $6 tỉ đô la, làm chết sáu người, và do bọn khủng bố ở trong nước gây ra.

Nạn cúp điện qui mô có thể sẽ xảy ra nhiều lần, bởi vì hàng trăm hệ thống cung cấp điện đều trực thuộc ba mạng lưới phân phối điện lớn nhất: Đông, Tây và Texas. Hiện nay, ba mạng cung cấp điện lớn này đã cũ lắm rồi, dễ bị hư hỏng, ngưng họat động như vụ cúp điện qui mô hồi năm 2003.

Ngoài ra, chúng ta không nên quên rằng một số công ty độc quyền cung cấp điện cho hai phần ba nước Mỹ vừa sa thải hàng chục ngàn công nhân phụ trách bảo trì mạng lưới cung cấp điện.

Dưới danh nghĩa đề cao việc dẹp bỏ những luật lệ phức tạp cho doanh nghiệp, các công ty độc quyền cung cấp điện, nước sạch để dùng, xăng dầu, hơi đốt thiên nhiên, và internet hô hào nên giải tư hệ thống hạ tầng cơ sở. Hệ thống này là sự sống còn của đời sống hiện đại, và là huyết mạch của nền kinh tế. Thay vì phải bỏ thêm tiền đầu tư, những công ty độc quyền lại cắt giảm thật nhiều ngân khoản bảo trì. Trong lúc đó, họ kiếm lời khá bộn, tăng 55% so với tích sản công ty, và gấp tám lần các công ty trung bình khác.

Những công ty doanh nghiệp độc quyền, làm chủ hệ thống xe lửa, đập thủy điện, và ống dẫn hơi đốt thiên nhiên có áp suất cao, đã cắt giảm rất nhiều chi phí bảo trì hạ tầng cơ sở. Họ làm cho mạng sống và tài sản của dân chúng Mỹ ở nhiều nơi trong nước ở vào tình trạng rủi ro rất cao. Việc cúp điện, nổ ống dẫn gas,vỡ đập nước, có thể làm cả một thành phố bốc cháy, nổ tung, hay bị nước cuốn trôi đi.

Rủi ro lớn nhất phải nói là tình trạng của những ống dẫn hơi gas. Đó là những ống dẫn có lích thước khoảng 30 inches, được đặt ngầm dưới đất từ thời Tổng Thống Harry Truman. Trong một báo cáo hồi năm 2004, Học Viện Nghiên Cứu Về Công Trình Xây Dựng viết rằng: Một số lớn ống dẫn gas đươc Bộ Giao Thông thanh tra và báo cho biết ống dẫn gas bị rỉ sét, hao mòn đến 70%. Giấy cảnh báo nói rõ công ty chỉ được sử dụng tạm một thời gian, phải thay thế những ống dẫn gas này. Cách đây hai năm một đoạn ống dẫn hơi gas nổ tung ở tỉnh San Bruno, ngoại ô San Francisco, California, giết chết 8 người, và thiêu hủy 38 căn nhà. Ngọn lửa bắn tung lên không trung, cao đến 200 feet, trong lúc công nhân hãng Pacific Gas & Electricity phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới có thể đóng ống dẫn gas, vì kẹt xe. Trong số những người bị chết trong vụ nổ ở San Bruno, có bà Jacqueline Greig, một nhân viên thuộc Ủy Ban Tiện Ích Công Cộng. Bà có trách nhiệm thanh tra những ồng dẫn hơi gas. Bà không ngờ rằng ở ngay gần nhà bà có đường ống dẫn ga đặt dưới lòng đất cách đây hơn 50 năm, lại có mối hàn bị nứt.

Trước đó khoảng 10 năm, một vụ nổ ống dẫn gas khác xảy ra ở vùng sa mạc của tiểu bang New Mexico, khiến cư dân ở cách đó 20 dậm còn nghe thấy tiếng nổ. Lính cứu hoả đến nơi gặp phải ngọn đuốc khổng lồ đang rực cháy sáng. Ống dẫn hơi gas đưa hơi đốt từ nam California sang. Gần một tiếng đồng hồ sau, người ta mới khoá được ống dẫn gas ở El Paso. Khi đó chỉ còn nghe tiếng khóc than thảm thiết của nạn nhân. Chạy xuôi xuống dòng sông Pecos River, lính cứu hoả tìm được sáu người còn sống sót, trong một gia đình 12 người bị thiêu cháy. Một người bị phỏng nặng quá, xin được bắn cho chết để bớt đau. Sau đó, tất cả những nạn nhân đều chết vì phỏng nặng.

Vụ nổ ống dẫn gas ở New Mexico lẽ ra là một lời cảnh cáo gay gắt cho chúng ta thấy sự nguy hiểm của hạ tầng cơ sở cũ nát. Nhưng nó chỉ xuất hiện ngắn ngủi trên bản tin hàng ngày, với lời kết luận là gia đình bất hạnh đã có mặt vào giờ không may, đúng ngay lúc ống dẫn gas nổ. Chỉ vài ngày sau, người ta xoay qua chú ý đến tin tức vì sao giá điện ở California tăng lên rất cao. Lý do là vì thiếu loại xăng đặc biệt dùng cho máy chế tạo điện năng, thoả đáp nhu cầu dùng điện gia tăng trong mùa nóng.

Mới cách đó một năm, chúng ta suýt mất cả thành phố Bellingham, tiểu bang Washington. Một ống dẫn dầu của công ty Shell, chạy ngầm dưới vùng duyên hải Miền Tây. Một đoạn ống dẫn dầu này bị vỡ, làm cho xăng lan tràn ra ngoài, chảy vào con sông nhỏ Whatcom Falls Creek. Con sông đó lại chạy ngang qua khu chung cư của người cao niên cư ngụ, và gần đó có một nhà tù. Nếu không phát giác kịp vết dầu loang này, có lẽ hàng ngàn người đã phải bỏ mạng. Tình cờ có hai chú bé tinh nghịch, chơi với bật lửa dùng để hút thuốc, làm xảy ra một vụ nổ, vì xăng pha trong nước bắt lửa. May là vụ nổ này xảy ra cách xa trung tâm thành phố. Ông Thị trưởng Mark Asmundson gọi hai chú bé tinh nghịch Stepehn Tsiorvas và Wade King là “hai vị anh hùng bất đắc dĩ.”.

Cha mẹ của hai em bé này thưa công ty Shell ra toà, và với sự tiếp tay của biện lý toà án liên bang tại điạ phương, họ đã thắng kiện, và được bồi thường $4 triệu đô la để thành lập Qũi Dự Phòng Bảo Vệ An Ninh Ống Dẫn Gas - Pipeline Safety Trust. Qũi này tìm cách đòi hỏi phải cải tổ làm sao cho các ống dẫn gas được an toàn hơn. Năm 2002, Qũi này thuyết phục được Quốc Hội Hoa Kỳ làm ra đạo luật bắt buộc phải thanh tra định kỳ ống dẫn dầu lớn.

Luật này cũng buộc công ty đặt ống dẫn gas, hay xăng dầu dưới lòng đất phải thông báo cho cư dân ở khu vực xung quanh ống dẫn. Tiếc thay, thông báo đó thường gửi chung với giấy báo tính tiền điện nên ít có ai đọc. Một tờ truyền đơn nhiều mầu cũng được gửi đến các hiệu trưởng trường học, hay cơ sở công cộng, ở gần ống dẫn gas. Nhưng không ghi rõ điạ điểm đặt ống gas. Những tài liệu thông báo vô tích sự này do ngành kỹ nghệ dầu khí thảo ra, và họ thuyết phục được Văn Phòng Chính Phủ Liên Bang về An Toàn của Hệ Thống Ống Dẫn Gas chuẩn phê. Trong tài liệu, họ chỉ dùng những chữ cảnh cáo mơ hồ như “khu vực có hậu quả cao”. Tuyệt đối họ không dùng những chữ như “chết”, “nổ tung’, hay “phỏng nặng”.

Chính quyền liên bang chưa hề nghiên cứu xem những tài liệu truyền đơn này có hữu hiệu hay không. Nhớ lại trường hợp nổ ống gas ở San Bruno, ông Thị trưởng Jim Ruane nói với chúng tôi rằng mãi cho đến khi vụ nổ xảy ra hồi năm 2010, nhân viên Sở Chữa Lửa thành phố cũng không hề biết có ống dẫn gas chôn dưới đất. Về sau, thành phố San Bruno còn phát hiện thêm một ống dẫn gas lớn khác, nhân dịp họ báo cho công ty Pacific Gas & Electricity là họ sẽ xây một bin đinh trên khu vực ở gần ống dẫn hơi gas thứ hai này. Gửi đi những tờ truyền đơn chiếu lệ mới chỉ là một cách để ngành kỹ nghệ hơi đốt né tránh không đề cập đến rủi ro bị nổ ống gas.

Theo cuộc nghiên cứu của ngành kỹ nghệ hơi đốt thiên nhiên một ống dẫn hơi đốt có đường kính 30 inches, hoạt động với áp lực 1,500 pound khi bị nổ có thể làm chết người cách xa 660 feet. Vụ nổ ống dẫn gas của công ty El Paso Natural Gas ở tiểu bang New Mexico, hoạt động với áp suất chỉ bằng một nửa áp suất kể trên, vậy mà cũng giết chết 12 người cách xa 675 feet.

Một vấn đề đáng sợ có thể xảy ra trong khu thị tứ là các chất thải trên ống cống, xăng dầu do xe hơi thải ra, cộng lại có thể tạo thành những vụ nổ. Ông Vince Dunn, viên chức hàng đầu về an toàn của Sở Cứu Hoả New York lưu ý rằng khi mùa nóng, bất cứ một tai nạn nào gây ra do ống dẫn gas nứt hay vỡ, có thể làm nổ tung, bắn cao lên tới chung cư, hay văn phòng của nhiều bin đinh chọc trời.

Ông Glen Corbett, Chỉ huy trưởng trạm chửa lửa ở New Jersey, dạy lớp học về an toàn chống hỏa hoạn tại trường John Jay College ở khu Manhattan, kể lại rằng hồi xảy ra vụ nổ đường dẫn hơi gas của công ty Edison ở New Jersey, lính chửa lửa phải đóng ống van dẫn hơi gas bằng tay. Họ phải xoay đủ 600 vòng, mất 6 giờ đồng hồ mới khoá được ống dẫn gas, trong lúc đó ngọn lửa vẫn hừng hực cháy. Ông kết luận rằng việc nổ ống dẫn gas hiếm khi xảy ra, nhưng một khi để nó xảy ra, tổn thất về nhân mạng và cơ sở vật chất sẽ rất lớn.

Khó khăn ở chỗ là chiếu theo luật Pipeline Safety Improvement Act, ký năm 2002, Bộ Giao Thông phải thanh tra những ống dẫn gas nào được tạm miễn, phải tìm cách sửa chữa bảo trì. Nhưng chính phủ không có đủ thanh tra làm việc kiểm soát. Ngoài ra, điạ điểm chôn dấu những ống dẫn gas thường là những điạ điểm cần giữ bí mật để phòng ngừa bọn khủng bố phá hoại.

Thanh tra các ống dẫn gas là trách nhiệm của Bộ Giao Thông. Bà Maureen Knightly, phát ngôn viên của Bộ nói rằng: “An toàn là ưu tiên hàng đầu. Hàng năm Bộ Giao Thông thực hiện từ 800 đến 900 cuộc thanh tra, kiểm điểm lại tất cả hồ sơ về các ống dẫn gas.”. Nhưng ông Carl Weimer, Giám đốc Qũi Pippeline Safety Trust cho rằng việc làm của Bộ Giao Thông là chuyện đuà, đáng diễu cợt. Bởi vì phần lớn họ chỉ thanh tra trên giấy tờ. Bộ Giao Thông làm thủ tục này nặng về giao tế hơn là thực sự đi thanh tra. Người của kỹ nghệ hơi gas và thanh tra đều là bạn bè đồng liêu cũ với nhau. Thành thử việc thanh tra trở thành chuyện đuà, không có thực chất. Hồi năm 1978, cơ quan General Accountability Office –Văn Phòng Kiểm Tra Tính Chất Trung Thực, Minh Bạch - một công cụ của Quốc Hội, phải viết trong báo cáo rằng họ hoài nghi khả năng của các vị thanh tra thuộc Bộ Giao Thông. Những vị thanh tra này bất tài, yếu kém. Thậm chí Viện Nghiên Cứu Dầu Hoả Mỹ, đại diện cho các công ty dầu hoả lớn cũng phải chỉ trích văn phòng phụ trách về tính an toàn của hệ thống dẫn hơi gas trong việc họ viết báo cáo về tai nạn xảy ra.

Ông Jim Hall, khi còn làm Chủ tịch Hội Đồng An Toàn Giao Thông nói với Hiệp Hội Ống Dẫn Xăng Dầu từ 12 năm trước rằng: “Không có người Mỹ nào muốn sử dụng chiếc xe cũ đến 48 năm.”.

Toàn bộ hệ thống kiểm soát tính an toàn của ống dẫn gas hoàn toàn khác hẳn với phương pháp bảo vệ an toàn cho hành khách của kỹ nghệ hàng không. Các hãng máy bay tìm cách tránh những vụ rớt máy bay qua việc kiểm soát máy móc, phân tích và thu thập dữ kiện. Ngành kỹ nghệ ống dẫn dầu, hơi gas làm việc không bằng một phần nhỏ. Vì thế ông Rick Kessler, một tình nguyện viên trong Qũi Bảo Vệ An Toàn Ống Dẫn Dầu, hơi Gas nói rằng: “Nếu kỹ nghệ hàng không làm ăn giống như những qui tắc trong kỹ nghệ dẫn dầu, hơi gas, chắc chẳng bao giờ tôi dám đi máy bay.”.

Luật sư Paul Blackburn chuyên phụ trách những vụ bênh vực quyền lợi công chúng, sử dụng đạo luật Freedom of Information Act, để đòi xem kế hoạch, hoạ đồ, và số điện thoại khẩn cấp để gọi khi cần về những đuờng ống dẫn dầu, hơi gas. Ông buồn bã cho biết: “Họ không cung cấp cho chúng tôi một chút tin tức gì hữu ích cả. Hầu như không có một hồ sơ lưu trữ về các đường ống dẫn dầu, hơi gas.”

Công nhân ngành điện lực, tiện ích công cộng trên toàn quốc nói với chúng tôi rằng họ đang ở tình trạng lâm nguy, có thể mất việc bất cứ lúc nào. Ông Charles D. Rittenhouse, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân ngành tiện ích công cộng, chi bộ 98, tiểu bang West Virginia cho biết: “Tất cả các công ty cung cấp gas đều làm ăn dựa trên sự may rủi. Họ chỉ lo cắt giảm công nhân, cắt hoài, cắt mãi. Trong lúc đó lương của Tổng Giám Đốc thì tăng cao ngất trời. Điều lo ngại lớn nhân cho đám công nhân chúng tôi là không có đủ nhân sự để làm công việc bảo trì, tu bổ.”

Thiếu sót trong việc thay thế phụ tùng cần thiết của mấy công ty điện lực cũng khiến cho dân chúng bị vạ lây. Lấy trường hợp vợ chồng ông bà Rita và Ben Weishaar ở Reno, được hàng xóm báo cho biết hộp bảo quản điện thế ở cột điện sau nhà của hai ông bà nóng quá, xẹt lửa. Họ báo cho công ty Nevada Energy về sự việc này. Nhưng công ty bảo với họ đừng lo. Ngay tối khuya hôm đó xảy ra hoả hoạn. Người thợ điện nóí rằng gia đình Weishaar may mắn lắm. Nếu không gọn lửa sẽ lan sang các đám bụi cây khô gần nhà, và thiêu rụi cả căn nhà. Người thợ điện cũng mách cho vợ chồng Weisshaar biết công ty cắt giảm chi phí nhiều quá, nên không chịu chi tiền thay thế những hộp bảo quản điện thế quá cũ. Những cắt giảm này không phải vì công ty điện lực thiếu tiền. Họ kiếm tiền khá lắm, Ủy Ban Tiện Ích cho phép họ tăng tiền điện nhiều hơn, nhanh hơn tỉ lệ lạm phát.

Công ty Pacific Gas & Electricity, công ty chủ quản của ống dẫn gas phát nổ ở San Bruno, tăng giá điện nhiều lần trong mười năm qua. Trong đó có khoản dùng để thay thế 2.3 triệu cột điện, đúng theo chu kỳ 50 năm phải thay một lần. Nhưng thay vì phải thay thế 46,000 cột điện mỗi năm, họ chỉ thay thế có 3,000 cột thôi. Với nhịp độ thay thế quá ít như vậy, phải đợi đến năm 2778, họ mới làm xong việc thay cột điện.

Không chịu thay thế trang bị đúng thời hạn nghe ra có vẻ như là một chiến thuật ngu xuẩn. Không phải vậy đâu! Công ty điện lực đang chơi trò đểu đấy. Họ cứ để cho cột điện gẫy đổ, làm gián đoạn việc cung cấp điện một thời gian. Công chúng phát hoảng. Khi đó, họ mới xin Ủy Ban Tiện Ích Công Cộng cho tăng giá đặc biệt, và giới tiêu thụ sẵn sàng chấp thuận cho việc tăng giá này. Hơn thế nữa, họ còn gỉa vờ nói rằng mức tăng giá đó chỉ là tạm thời. Một hồi lâu, giá biểu tăng tạm đó trở thành vĩnh viễn.

Ủy ban Qui Định Luật Lệ về Năng Lượng Liên bang vừa mới cho phép các công ty đặt ống dẫn dầu được tự động tăng giá hàng năm, trong năm năm sắp tới. Giá hơi đốt có thể tăng hơn 35%. Nhưng Ủy Ban này cũng không đòi hỏi họ phải cải tiến về tính an toàn, và khả tín với số tiền lấy thêm.

Còn một điểm nghịch lý khó chịu khác nữa. Đó là việc tăng giá tiền gas điện do chính phủ qui định, thường đòi hỏi công ty điện lực tăng mức bảo hiểm thêm, để họ có thể bồi thường khi xảy ra vụ nổ. Trong tư cách công ty độc quyền, những công ty điện lực lập tức tăng giá tính tiền cho khách hàng, để trả thêm tiền bảo hiểm. Như thế tức là chúng ta phải trả thêm tiền, nhưng vẫn phải sống trong mối lo canh cánh bên lòng.

-NGUYỄN MINH TÂM tóm lược tác phẩm “The Fine Print” của David Cay Johnston / Newsweek ngày 10/9/2012

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link