Con
Đường Dài Thăm Nuôi (Cam Thảo)
Posted on 10/09/2012 by Lê Thy
“Thuở trời đất
nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên” (Chinh Phụ Ngâm)
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên” (Chinh Phụ Ngâm)
Chuông đồng hồ trên tường gõ bốn tiếng, tôi cựa mình thức
giấc. Từ lúc nửa đêm về sáng tôi đã trằn trọc mãi không dỗ được giấc ngủ. Tôi
mãi bận tâm cho chuyến đi thăm nuôi lần này. Tôi không biết mọi sự có được
suông sẻ hay không trên quãng đường từ Nam ra Bắc xa vời vợi. Các con còn bé ở
nhà ăn chơi có được khoẻ mạnh không? Sức khoẻ của chồng tôi hiện đang ở Vĩnh
Phú thế nào? Trong lá thư mới nhất anh gởi về nhà, viết: “Anh vẫn
khoẻ, học tập tốt, lao động tốt để sớm về với em và các con, ngày về không còn
bao lâu nữa”. Trời ơi, bao năm rồi những lá thư gởi về nhà vẫn là
những dòng viết theo quy định của trại, cũng ngần ấy ý, không hơn không kém. Mới
tuần trước, tôi đến thăm một chị bạn có chồng học tập ở Vĩnh Quang. Anh gửi về
cho chị thư bảo: “Sức khoẻ anh rất tốt, người anh mập ra” Chị
ấy ôm tôi khóc ngất:
“Vừa có tin về, anh mất rồi bồ ơi! Anh bị phù thủng mà
không có thuốc, lại hằng ngày ăn bắp hột và nước muối, anh đã vội ra đi mà
không chờ mình ra thăm!”
Quay nhìn thấy các con còn ngủ say, tôi nhẹ nhàng xuống
giường vào bếp nhen lửa nấu cơm. Sau khi chuẩn bị xong cơm nước mang theo ăn đường
tôi mới gọi các con dậy. Hai cháu lớn lần này được đi thăm bố mừng lắm. Đứa lớn
Yên Hà 12 tuổi, cháu trai Thành Long 10 tuổi. Chiều hôm qua tôi dắt Trúc Như 7
tuổi gửi nhà dì, Giang Nam 5 tuổi ở nhà mợ và bé út Hồng Ngọc 3 tuổi cho chú
thím chồng tôi. Sửa soạn đâu vào đấy, dựa theo ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu
trong đêm, mẹ con tôi khẽ khàng di chuyển đồ thăm nuôi. Nghe tiếng động, chú
thím chồng tôi thức giấc giúp mẹ con tôi chuyển đồ ra xe. Người xích lô cùng
xóm mà thím tôi dặn trước đã đến nhà chờ từ bao giờ. Nghe thím tôi bảo: “Chở giùm
cháu tôi đi thăm nuôi chồng”, ông tỏ ra rất nhiệt tình vui vẻ. Ông
cột từng bao giỏ đệm, từng túi đồ lỉnh kỉnh phía sau xe, phía trước, lấy dây
ràng chặt cẩn thận kỹ lưỡng. Tôi bảo các con tôi chào ông bà, rồi vội vàng chạy
vào giường chổ bé Ti còn đang ngủ ôm hôn con mà nước mắt chảy dài. Tôi nghẹn
ngào nói lời gửi gấm với bà thím rồi vội lên xe cho kịp giờ lên ga Bình Triệu.
Từ ngày chồng tôi đi cải tạo, gia đình chú thím chồng tôi tuy không khá giả mấy
nhưng đã dành cho mẹ con tôi rất nhiều an ủi về tinh thần và vật chất. Ông bà
giúp đỡ san xẻ cho tôi từng chút gạo, chút nước mắm trong những lúc mẹ con tôi
gặp khó khăn. Trong cảnh “sa cơ lỡ vận”, “thân cô thế cô”, tôi rất hay tủi
thân, chỉ cần một cử chỉ lạnh nhạt của người thân trong gia đình hay của bạn bè
cũng đủ làm cho lòng tôi tê tái. “Miếng khi đói bằng gói khi no” tôi rất biết
ơn chú thím tôi. Tôi nhớ một lần, có một người nằm vùng mà trước kia rất nghèo
khổ thường ngày làm công, đã chịu ơn vợ chồng tôi, tình cờ gặp lại sau 30/04 tỏ
ra khinh bỉ tôi, nói lời hống hách. Tôi đau lòng quá thăm hỏi sơ qua rồi bỏ đi.
Tôi cúi đầu che nón chảy nước mắt và không bao giờ quay lại gặp chào hỏi nữa.
“Giấy rách phải giữ lấy lề” hàng ngày tôi đã tự dặn lòng mình và dạy dỗ cho các
con tôi như thế, dù các con tôi còn bé và chưa hiểu được hết những gì trong tôi
đang suy nghĩ. Giữa cảnh chợ đời đen bạc tình người, đổi trắng thay đen, tình cảnh
người cô phụ đơn thân độc mã thật lắm đắng cay. Là một Phật Tử, tôi hiểu được
chữ “nghiệp” trong giáo lý nhà Phật, nên tôi can đảm gánh chịu những đắng cay
mà định mệnh ác nghiệt đã đặt dành. Tôi tự dặn mình “khóc nhục, rên hèn, van yếu
đuối”. Chung quanh tôi, kế cận tôi, đều là những người cùng cảnh ngộ chẳng ai
giúp đỡ được ai. Chị dâu tôi, chị chồng tôi, cô tôi, bạn bè tôi đều có chồng đi
cải tạo “cùng một lứa, bên trời lận đận” những chuyến thăm nuôi đường xa, những
người vợ tù cải tạo gặp nhau, thương nhau như ruột thịt, người lớn tuổi đối với
người trẻ hơn coi như cô, như dì, như chị, dù mới gặp nhau lần đầu ở trên tàu,
trên xe, hoặc ngồi chung chuyến đò sang sông, hay đò dọc theo sông Hồng nước đục
đỏ lờ, hoặc đi bộ trên những con đường viền trắng mép đồi xanh của vùng trung
du Phú Thọ. Chúng tôi thật tình yêu thương nhau, nấu cho nhau từng chén cháo
hành nếu chẳng may bị sốt rét dọc đường chưa tới trại thăm chồng.
Mẹ con tôi đến bến Bình Triệu thật đúng giờ, chỉ còn 20
phút nữa tàu khởi hành. Tôi nhìn quanh và chợt lo lắng không biết làm thế nào
chuyển hết đồ lên tàu cùng hai con nhỏ. Quang cảnh sân ga trước giờ tàu chạy thật
náo nhiệt, người mua kẻ bán dành giật nhau lên tàu. Kẻ trộm, kẻ cướp mình chẳng
biết như thế nào. Dù đã có kinh nghiệm đi tàu xe bao lâu nay từ ngày chồng tôi
đi xa, nhưng tôi cũng không khỏi lo âu trong lòng. Như hiểu được ý tôi, bác
xích lô bảo để ông giữ đồ giùm, tôi cứ việc yên tâm đưa các con lên toa tìm chỗ
ngồi, xong mẹ con tôi ra cửa sổ để bác chuyển đồ lên. Nghe bác nói tôi mừng quá
dắt các con lên. Lúc đó, có một tốp người gánh thuê chen nhau giành giật mối, một
người đã ngã vào tôi và giẫm lên chân tôi đau điếng. Tôi sợ trễ giờ tàu, gắng đứng
dậy lò cò dắt con tôi lên tàu. Hai con tôi cứ luôn miệng hỏi :“Mẹ có
đau không? Mẹ có đau không?” Tôi ứa nước mắt nhìn con tôi trả
lời : “Không, không sao, nhanh lên đi các con”.
Tàu xình xịch rời sân ga Bình Triệu, lặng lẽ nhìn quanh
các khách đồng hành, tôi mừng quá vì không hẹn mà gặp, chúng tôi đều là những
người đi thăm nuôi ở miền Bắc. Tên và địa chỉ người nhận quà đều viết bằng sơn
đen, chữ châm phương, nét rõ ràng. Có ba người ở trại Tân Lập K1 cùng với chồng
tôi, hai người ở K5 Tân Lập và hai người ở Vĩnh Quang. Chúng tôi tay bắt mặt mừng
vui vẻ chia nhau chỗ để, sắp xếp các giỏ xách bao bị cho gọn gàng, xách nặng để
dưới, xách nhẹ để trên. Tôi lấy trong giỏ đệm cuộn dây nilon cột các quai xách
lại, tuần tự của tất cả các xách đi đường cho yên tâm, khỏi sợ bị mất dọc đường.
Kinh nghiệm những chuyến đi mấy lần trước ba đêm trên tàu thường có những em bé
lam lũ mò đến, khi chúng tôi đang ngái ngủ mệt vì đường xa đã lén lôi một vài
chiếc giỏ xách đi qua toa khác. Hoặc khi đến các ga những người bán hàng rong
chờ khi tàu gần chạy, chụp vội chiếc giỏ đệm của chúng tôi chạy xuống ga! Tất cả
chúng tôi trân trọng giữ gìn từng giỏ đệm. Mớ tài sản nghèo nàn này, đối với mọi
người chị em chúng tôi đều hết sức trân quý. Có phải chăng chúng đã gói ghém tất
cả lòng yêu thương, mồ hôi và nước mắt thương nhớ từng ngày của người ở nhà
dành cho người tù đang sống đời khổ hạnh ở xa. Tôi nhớ mãi kỳ đi thăm nuôi lần
trước, một chị bạn đồng hành khi tới ga Nha Trang đã bị một em bé bán nước,
xách một giỏ đệm chạy xuống sân ga vừa lúc tàu chuyển bánh. Chúng tôi la hét gọi
công an can thiệp nhưng tàu đã chạy đi, đành mất luôn. Chị chủ chiếc giỏ bị mất
cắp tên Thiên Hương, người Huế. Tôi thật ái ngại khi thấy chị gục đầu vào thành
cửa sổ tàu nhìn ngược về hướng ga Nha Trang khóc nức nở, chị quá tiếc chiếc giỏ
đầy ấp thức ăn và thuốc men. Từ đó chị cứ khóc rấm rức mãi, tôi phải dỗ chị như
dỗ người em gái nhỏ của tôi. Vóc dáng thảnh mảnh, mái tóc dài của nàng tôn nữ
đã gợi nhớ một thời Đồng Khánh của tôi, với những người bạn mà mấy năm nay tôi
chưa từng được gặp lại.
Quà thăm nuôi chúng tôi phải chắt chiu từng chút, từng
chút không phải chỉ từng ngày mà hàng tháng. Bắt đầu từ khi viết đơn xin thăm
nuôi, xin chữ ký ở địa phương. Lần này cầm tờ đơn và nửa gói thuốc lá 555, tôi
đội nón, đi lếch thếch từ phường lên thị trấn rồi công an huyện. Mỗi nơi tôi đều
không quên đem theo mấy điếu thuốc thơm và lòng kiên nhẫn ngồi đợi chờ, đón nhận
những tia nhìn hằn học thiếu thiện cảm. Sau khi nhận đủ các chữ ký của chính
quyền, của công an, tôi trở về trường nhờ xác nhận “là giáo viên lao động tiên
tiến ” “có chuyển biến tốt” “hoàn thành tốt công tác giáo dục tại địa phương”
không hiểu sao tôi lại thấy vui mừng vì được ban lãnh đạo nhà trường đối xử
công bằng không phân biệt thành phần nguỵ quân, ngụy quyền. Không làm khó dễ chắc
là nhờ nửa ký đậu xanh tôi để lại trên bàn Hiệu Trưởng. Rồi trưởng phòng giáo dục
nhất trí với ban lãnh đạo nhà trường. Trong lòng tràn ngập niềm vui, tôi thấy yêu
đời hơn bao giờ hết khi trở về nhà nhìn các con đang quây quần trong bếp chờ mẹ
về ăn cơm. Thấy mẹ vui, các con tôi cũng tíu tít vui theo. Cháu Yên Hà từ bếp
bưng ra nồi cơm độn mì sợi. (“Từ giải phóng đến nay ta ăn độn dài dài” “ Từ
bộ đội vô đây ta ăn độn nhiều hơn“. Đó là bài đồng dao mà tôi vẫn
nghe các trẻ con hát lén trong xóm). Tôi phụ cháu bưng ra nồi canh rau muống
“toàn quốc” nấu với chút bột ngọt và tôm khô. Trên mâm đã có sẵn hũ chao và
chén nước mắm. Mẹ con tôi quây quần ăn uống ngon lành, “Cơm dưa muối khó khăn mới
có, của không ngon nhà khó cũng ngon”.
Mẹ con tôi mấy tháng nay rất tằn tiện trong sinh hoạt hàng
ngày ở nhà để đủ tiền sắm sửa quà đi thăm nuôi. Tôi cũng phải tuyển chọn từng
món đồ dần dần bán đi. Từ tủ chén, bộ xa lông, bộ nệm, bộ bàn ghế, cái máy chụp
hình, quạt máy. Lần này là chiếc máy may (vật dụng tương đối cần thiết cho sinh
hoạt gia đình chúng tôi hiện nay, sau giờ dạy học ở trường về nhà tôi nhận đồ
may thêm). Khi người hàng xóm qua trả tiền và khiêng chiếc máy may thân quen gần
gũi với tôi hàng đêm từ ba năm nay, tôi đã không cầm được nước mắt. Một số
trong chúng tôi những người vợ tù, sau cuộc đổi dời, bây giờ phần lớn chỉ còn một
hầu bao cạn kiệt. Nhưng với thành tâm thành ý và lòng yêu thương chồng tha thiết,
chúng tôi luôn tìm mọi cách để sửa soạn cho phần quà gửi đi được tươm tất một
chút. Suy nghĩ thế nào để chọn các thức ăn rẻ tiền nhưng được bổ dưỡng và nhất
là để được lâu. Các loại đậu xanh đậu đỏ, đậu đen ngâm nước rửa sạch để nguyên
vỏ hong lên phơi khô đem rang xay mịn, đường cát sên lên đánh ra thành cát, trộn
đều bột dâu, dầu ăn, vitamin B1, tán mịn trộn chung in thành bánh sấy lửa dòn
gói nilon từng cái. Một đôi lần, tôi cắt vài miếng giấy nhỏ viết bằng bút chì mấy
chữ “ rất thương” hoặc “luôn chờ” “nhớ giữ
gìn sức khoẻ” những tờ giấy nhỏ bé giữa bánh in để động viên
tinh thần anh, để anh vững tâm vượt qua được mọi khổ ải, bệnh hoạn mà sống.
Tôi còn làm tóp mỡ ngào đường nữa. Tóp mỡ được thắng hết mỡ,
chắc nước để riêng chỉ lấy tóp cùng dừa, đậu phộng rang, chuối khô, gừng già, tất
cả đem ngào đường(món này vừa béo,vừa bùi, các anh rất thích giữa mùa đông xứ Bắc).
Đường cát vàng nặn chanh lấy nước trộn đều phơi khô để được lâu. Tôi dặn chồng
tôi mỗi khi trời nắng nghỉ mệt bỏ vào hộp ghi gô nước mấy muỗng đường chanh này
là có thể giải khát được. Muối sả rang cùng tôm khô đã giã nhuyễn cho chút
tiêu, vị tinh, là có thể chấm ăn với khoai mì, hay ngọn rau tàu bay hái vội được
chút đỉnh, khi đi đốn củi trên rừng, cũng nấu được chút canh. Mắm ruốc xào sả ớt
thật cay với thịt băm nhỏ cùng mấy thẻ đường tán kho kẹo. Cá sặt khô, nước mắm
kho đóng bánh, gia vị nấu canh từng gói nhỏ, tương hột sả ớt gừng kho kẹo với
đường, cơm gạo sấy. Giá tôi có thêm được ít tiền lần này tôi sẽ mua thêm một kí
lạp xưởng ít tôm khô hoặc thịt nạc để làm chà bông thì tốt biết mấy. Ôi những
món ăn bình dân rẻ tiền nhất lại quí giá đến thế đối với chúng tôi bây giờ. Tôi
còn nhớ hôm mẹ con tôi nấu xôi nếp đậu đen ngào đường, gừng, đóng bánh rắc mè
chuẩn bị cho quà thăm nuôi mà các con tôi cứ ngồi nhìn thèm, nhưng biết thức ăn
đem cho cha nên không đứa nào dám xin. Thỉnh thoảng Trúc Như hay hỏi mẹ: ” Bao giờ
đến Tết hả mẹ?” vì tôi thường nói đến Tết ba về có cơm trắng,
có bánh in, có xôi đậu đen ăn!
Người vợ tù thương chồng mà vì tình mẹ bao la, thương con
cũng không kém. Có một mẩu chuyện đau lòng mà trên một chuyến thăm nuôi tôi đã
được nghe mấy chị gọi là chuyện tếu thời đại cười ra nước mắt. “Chị vợ tù cùng
mẹ chồng nấu nướng thức ăn chuẩn bị đi thăm nuôi. Thức ăn ngon bay mùi thơm phức,
làm mấy đứa nhỏ bỏ chơi ngoài sân chạy vào bếp quanh quẩn bên mẹ. Mẹ thấy
thương quá đút vào trong miệng mỗi đứa một cục thịt kho, còn đưa thêm một miếng
xôi bự, hai trái chuối khô. Thình lình bà nội vào bếp thấy các cháu ôm quà chạy
ra, bà đứng nhìn theo giận lắm, bà nói bâng quơ “Trẻ con chúng nó ở nhà ăn gì
mà chả được, chỉ tội cho ba chúng nó đói khổ thèm khát”. Người con dâu cúi đầu
xuống giữa hai đầu gối, rớt nước mắt, cô nói nhỏ: ” Mẹ thương con của mẹ, con
cũng thương con của con chứ!” Dĩ nhiên khi ra thăm nuôi, mẹ chồng nàng dâu ai
cũng thi nhau kể chuyện để làm quà cho người tù khuây khoả, nhưng chẳng ai kể
chuyện này vì cả hai đều sợ buồn lòng người ở xa .
Sau khi chuẩn bị đầy đủ quà cáp, tôi mừng quá vì còn đủ tiền
tàu xe, ăn đường, mua được thuốc men cho chồng và cho mẹ con tôi phòng thân dọc
đường. Với những người vợ tù cải tạo cái bánh vẽ: “Sắp được về rồi, ngày về của
anh không còn xa nữa” là niềm vui để chúng tôi tự an ủi mỗi lần gặp trắc trở,
gian nan là tia sáng ở cuối đường hầm, là nghị lực, là mong ước hàng đêm.
Tàu rời sân ga, hai con tôi ngồi vào ghế vui thích nhìn
vào cảnh phố xá nhà cửa của ngoại ô Sai Gòn lui dần phía sau. Tôi áy náy nói
chuyện với các con về việc bác xích lô lấy tiền xe rẻ quá, chỉ tượng trưng, so
với công ông đã cho chúng tôi đi cả đoạn đường xa, và chuyển giùm hàng lên tàu
giúp mẹ con tôi. Nhưng một chị cũng cùng đi thăm nuôi ngồi gần liền bảo:
“Chị áy náy làm gì, thời buổi này những người thuộc phe ta
thiếu gì, họ coi việc giúp đỡ gia đình nguỵ quân, nguỵ quyền một cách kín đáo
là như làm được một việc thiện. Má tôi bảo mỗi lần đi thăm bố tôi ở Hàm Tân, thấy
má tôi già mà còn cực khổ lễ mễ xách đồ thăm nuôi, ông tài xế thương nhảy xuống
đỡ hộ, đôi khi còn mua nước đem đến mời má tôi uống, hoặc bao tiền xe chút đỉnh
cho bà già.”
Lời nói vô tình của chị bạn làm tôi chạnh lòng. Tôi nghĩ đến
cô Linh, cô Hiệu Trưởng của trường trong thời gian đầu tôi được nhận cho đi dạy
lại. Có những đêm vừa ngồi soạn bài, vừa nghĩ đến đời sống gia đình. Các con
tôi còn quá nhỏ, lương tiền giáo viên ít ỏi, con nay đau mai ốm. Chồng tôi tù tội
ở xa đói khác, khổ ải, đầy đoạ. Nhất là bản thân tôi hàng ngày phải đối phó với
xã hội qua thân phận một người vợ tù cải tạo đầy tự ti mặc cảm trong một xã hội
đầy nhiễu nhương bất trắc. Tôi lại còn quá trẻ, mới 33 tuổi đời, liệu tôi có đủ
can đảm, nghị lực để vượt qua? Bao nhiêu tủi thân, hận đời, lo sợ, hoang mang
tràn ra theo nước mắt. Những trang giáo án ướt nhoè nhoẹt, sáng hôm sau nộp lên
để ban giám hiệu duyệt, đã làm cô hiệu trưởng nhìn tôi ái ngại. Cô nói nhỏ
riêng với tôi:
“Chị về chép lại mấy trang này đi nhé”
Tôi nói “Vâng” và trong lòng thật cám ơn cô. Dưới chế độ cộng
sản khóc cũng là có tội, vì tỏ ra oán trách chế độ!
Tàu qua ga Sóng Thần, rồi đến ga Biên Hòa ồn ào, tàu đậu lại
rồi đi ngay vì ga nhỏ. Con tàu lại xình xịch nối tiếp đoạn đường thiên lý còn
xa vời vợi. Một chị bạn ngồi cạnh ngâm nga:
“Tôi thấy tôi thương
những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”
Những câu thơ thời tiền chiến sao thật phù hợp với hôm
nay. Tôi chợt thấy nhớ quá tuổi học trò cả ngày Chủ Nhật ngồi nắn nót chép thơ
của Tế Hanh, Huy Cận.
Tàu qua khỏi ga Dầu Giấy, bắt đầu dần vào ga Long Khánh. Mấy
mẹ con tôi vui thích đứng lên bên cửa sổ, nhìn những dãy nhà hai bên đường, tìm
người quen. Tàu chậm dần khi qua con lộ chính. Nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe
gắn máy dừng lại đứng bên ngoài cây chắn ngang. Một vài người quen nhận ra
chúng tôi, vẫy tay chào hỏi: “Đi đâu vậy?”
Các con tôi vui thích reo lớn: “Đi thăm
ba cháu!”
Tàu vào ga đậu lại, bà cụ bán chôm chôm chạy theo vào sân
ga từ bao giờ, bà vẫy tay cho chúng tôi và hét lớn “Gửi lời
thăm chú” và thảy lên cửa sổ chỗ chúng tôi đứng một giỏ đệm nhỏ
có mấy ký chôm chôm và bảo cháu: ” Bà gửi cho ba”.
Tôi thật xúc động vì quá bất ngờ, chưa kịp nói lời cảm ơn
thì tàu đã chuyển bánh. Tôi thò đầu ra cửa sổ vẫy tay chào cám ơn. Tàu chạy khuất,
tôi còn kịp nhìn thấy bà đứng trên sân ga nhìn theo với gánh hàng nghèo nàn của
bà.
Long Khánh đã là nơi ghi dấu bao kỷ niệm của vợ chồng tôi.
Từ một cô giáo đang dạy học ở Đà Lạt, sau ngày cưới tôi phải theo chồng, một sĩ
quan của trung đoàn 43 sư đoàn 18 bộ binh, sư đoàn đã anh dũng cố thủ ở Long
Khánh, đơn vị đã chiến đấu anh hùng gây tổn hại rất lớn cho địch quân tại mặt
trận Xuân Lộc ở những ngày sau cùng của tháng 4 năm 1975. Có lẽ vì vậy khi tôi
muốn trở lại Long Khánh để sống, mọi người trong gia đình đều can gián, tôi
cũng thấy e ngại lo sợ rất nhiều.
Sau ngày chồng tôi đi trình diện học tập ở đồn Bosco, tôi
thấy không thể ở nấn ná ở nhờ nhà chú thím chồng tôi ở đường Nguyễn Thông. Nhà
chật chội với cái gác nhỏ nóng cả buổi trưa và buổi tối. Những lúc ru con ngủ,
tôi phải luôn tay quạt mồ hôi mẹ và mồ hôi con tuôn lã chã. Tôi gắng chờ chồng
về nhưng chờ một tháng trôi qua chồng tôi vẫn biệt vô âm tín. Ngày ngày lúc các
con ngủ trưa, tôi đội nón lội bộ đi tìm người quen hỏi thăm tin tức những sĩ
quan đi cải tạo hiện đang ở đâu. Tôi vô cùng sốt ruột, hỏi ai cũng chẳng biết,
chỉ một hôm có người báo có người quen thấy sĩ quan nguỵ ngày ngày ở Long Giao
đi vác củi trong rừng cao su. Tôi hỏi quanh co, tìm cách buôn bán để kiếm sống,
hỏi người ta cách thức để tìm xin một chỗ bán xôi chè trong chợ. Nhưng tôi cũng
chợt khựng lại vì sợ không biết có kham nổi không vì từ bé tới bây giờ, tôi
không hề có kinh nghiệm về buôn bán và cũng không biết nấu nhiều loại xôi chè một
lúc cho ngon. Vả lại các con tôi còn bé quá đang cần tôi săn sóc hàng ngày và lo
cơm nước cho cả nhà. Tuy chú thím chồng tôi rất thông cảm nhưng cảnh ăn cơm nhờ
ở đậu thật quá khó khăn. Căn gác lại chật chội quá nóng bức. Các con tôi bị rôm
sảy, rồi mụn nhọt đầy đầu. Tôi phải đưa các cháu vào bệnh viện nhi đồng chữa trị
và đi vào các vườn xin lá ổi, lá sả về nấu phèn chua tắm gội. Tối nóng, các
cháu khóc, tôi phải bồng ru từng đứa. Ngồi quạt cho các con tôi ngủ mà nước mắt
đầm đìa.
Ba tháng sau ngày chồng tôi vào tù, sắp tới mùa tựu trường,
nghĩ đến chuyện học hành của các con, nghĩ đến tương lai các con, sau khi đi hỏi
xin dạy ở Sài Gòn không được, tôi quyết định bồng bế cháu về Long Khánh. Xuống
đến bến xe Long Khánh, tôi nhìn quanh quất để tìm một chiếc xích lô để về nhà một
người quen xin ở nhờ vì biết nhà của vợ chồng tôi đã bị bộ đội ở. Hôm tôi gặp một
người quen ở chợ Long Khánh đi chợ Sài Gòn, họ đã báo với tôi tin này. “Nhà của
Trung Tá là chiến lợi phẩm, dù chủ nhà không đi nước ngoài cũng không được trả
lại cho gia đình”. Với biết bao chán nản não nề, thấy trời đã
dần tắt nắng chỉ còn những tia nắng còn sót lại trên những cây cao su già. Mới
đó thế mà đã ba năm trôi qua rồi, bao nhiêu hồi hợp lo sợ mỗi khi nghĩ đến
tương lai, rồi cũng dần qua hàng đêm, tôi hết lời cầu xin bình an cho chồng tôi
ở xa và mẹ con tôi ở nhà.
Tàu đến ga Bảo Chánh thì các con tôi kêu đói bụng. Tôi lấy
cơm mang theo cho các con và mời mấy chị ngồi gần cùng ăn. Có một chị hồn nhiên
nói:
“Trong lúc bà và các cháu lơ mơ ngủ bọn này đã ăn quà ăn
bánh rồi.”
Nhìn các chị vẫn vui vẻ chuyện trò, tôi nghĩ: “Đúng là nắng
mấy hoa cũng không héo”. Nhìn qua cửa sổ tàu thấy một tốp người mặc áo tù đội
nón đang làm cỏ bắp, tôi chắc họ là những người tù ở K4 Xuân Lộc. Một chị ngồi
gần tôi ngâm thơ giọng bùi ngùi:
“Sáng sớm tinh mơ dậy tưới rau, áo quần không đủ ấm nên
đau.”
Một giọng oanh vàng thỏ thẻ:
“Đây là cảnh các ông bây giờ đấy!”
Một người khác đọc tiếp:
“Chiều chiều buôn bán ở bên sông, đoàn người vác củi về
qua đó, lệ ướt rèm mi ai biết không?”
Tàu qua ga Cà Ná, Phan Thiết lúc nào tôi cũng không hay vì
đã ngủ thiếp đi. Khi vào ga Nha Trang thì trời đã tối, tàu đậu lại ga này hơi
lâu. Quang cảnh mua bán dưới sân ga nhộn nhịp quá. Đèn đường sáng hẳn, những
chiến đèn xách tay treo đầy trên các gánh cháo gánh cơm. Các đèn con di động
đây đó theo chân các cháu bán nước trà, bán thuốc lá lẻ, bán kẹo bánh, cá khô,
mực khô. Các con tôi đang ngủ, thức giấc mở to mắt kinh ngạc. Tôi mua cho các
con hai tô cháo nóng hổi, rồi lục xách lấy phần cơm còn lại buổi trưa ăn nốt.
Con gái lớn tôi bảo:
“Mẹ ăn cháo chung với con nhé?”
“Không, mẹ không thích ăn cháo cá.”
Tàu lại xình xịch rời sân ga. Sau một giấc ngủ mệt nhọc
chúng tôi đều thức dậy với tiếng loa phóng thanh có giọng nói chanh chua của
người đàn bà miền ngoài: “Đây là ga Diêu Trì”
Tôi chợt reo lên mừng rỡ:
“Đã đến Quy Nhơn rất gần”.
Quy Nhơn của hai năm sư phạm thật dễ thương. Cái tuổi thiếu
nữ nhí nhảnh tập làm cô giáo mẫu mực, nghiêm túc. Dáng dấp của những bà cụ non
trông thật buồn cười. Nhớ nhất là con đường lầy lội trước trường vào những ngày
mưa, áo dài phải vén lên vừa ôm cặp vừa ôm tranh ảnh đi dạy mẫu ở trường sư phạm
thực hành vẫn làm le không quá giang mấy chiếc xe Jeep nhà binh từ quân y viện
xuống, vì mình đã có vị hôn phu là Trung Uý tác chiến xuất thân từ trường Võ Bị
Quốc Gia Đà Lạt. Những buổi tối nội trú đứng trên balcon nhìn ra biển đen phía
trước. Tàu lớn với đèn sáng choang như một thành phố nổi và tàu đánh cá câu
tôm, câu mực nhấp nháy đèn như các vì sao.
Đang thả hồn về quá khứ, tôi chợt giật mình với những tiếng
rao hàng và quang cảnh buôn bán la hét om sòm dưới sân ga. Có nhiều khách đi
tàu cứ ngồi nguyên trên tàu, nhoài người ra cửa sổ mua hàng, mua quà. Người bán
hàng đứng dưới đưa hàng lên kỳ kèo giá cả cho đến lúc tàu chạy đòi khách vứt tiền
xuống, dưới đưa giỏ xoài lên.
Mấy chị đi thăm nuôi vui mừng hí hửng vì mua được giỏ xoài
rẻ đem ra cho chồng nhưng khi tàu chạy đem giỏ xoài ra sắp xếp lại mới thấy chỉ
có mấy quả xoài trên mặt tròn trịa tươi ngon, còn bên dưới toàn là xoài sắp úng
hay đã hư. Tôi thật chán với cảnh đời lừa gạt, đói khổ quá rồi làm bậy hay sao?
Tàu chạy, mẹ con tôi mở mấy gói xôi ra chấm muối mè ăn. Ăn xong, ngồi nhìn
quang cảnh hai bên đường rầy xe lửa. Những hàng dừa xanh trĩu quả, những mái
nhà tranh làng quê Việt Nam thật êm đềm với bóng cây xanh bên những dòng sông uốn
khúc dưới chân cầu. Tôi dựa vào ghế lim dim ngủ. Chợt tôi nghe chị Lan ngồi cạnh
đọc nho nhỏ:
“Đôi dép râu giết
chết đời tuổi trẻ,
nón tai bèo che kín mộng tương lai.”
nón tai bèo che kín mộng tương lai.”
Tôi mở mắt khi nghe tiếng suỵt và chị Nga ngồi đối diện đá
lia lịa vào chị ngồi bên rồi cả bàn chân rớt trên chân tôi đau điếng. Tôi muốn
khóc thét lên vì ngón chân cái tôi sưng vù và đỏ mọng vì bị giẫm lên ở ga Bình
Triệu. Mấy người đi soát tàu đang tiến về phía chúng tôi. Sau khi họ đi khỏi,
chị Nga nhìn ngón chân cái của tôi . Thấy tôi còn nhăn nhó vì đau, chị nói lời
xin lỗi và quay lại chị Lan sừng sộ:
“Ăn nói phải giữ mồm giữ miệng chứ, chết cả đám bây giờ!”
Xong chị rút trong xách tay lấy ra bình thuốc dán con rắn
tiện tay xé vội một góc của quyển sách đang đọc, lấy que tăm quẹt thuốc lên mảnh
giấy, quẹo cây diêm hơ nóng cho thuốc chảy và nhẹ nhàng dán vào ngón chân tôi.
Tôi nhìn chị cám ơn. Đến chiều thì tôi thấy đầu tôi như muốn hầm hập sốt, ngón
chân đau buốt, thuốc dán làm cho mủ bắt đầu gom lại. Tôi bảo các con ăn cơm, mấy
chị đưa cái bánh chưng nhưng tôi sợ chân sẽ đau thêm vì ăn nếp nên từ chối
không nhận. Chị Lan mở ví cho hai viên xuyên tâm liên và bảo tôi:
“Chị uống sẽ thấy bớt nhiều”.
Tôi uống thuốc nhưng cả đêm vẫn sốt, chân đau không ngủ được
nhưng tôi không dám rên vì sợ các con thêm lo. Buổi chiều chị bạn lấy thuốc dán
thay tiếp cho tôi. Tàu đến ga Quãng Ngãi ai cũng gọi là ga Gà vì gà ở đây rất rẻ.
Cháu Yên Hà mua cho mẹ tô cháo gà, hai chị em một dĩa cơm mắm và trứng chiên.
Thấy gà rẻ, tôi gọi mua cho con hai cái đùi gà và bảo chặt cho các con ăn cơm.
Nhìn thấy các con đã lâu nay chưa được ăn thịt gà, tôi ứa nước mắt vì thấy các
con ăn ngon lành quá. Hai đứa cứ ngậm hoài mấy cục xương không chịu nhả.
Mấy chị mua đường cát ga Quảng Ngãi để đem ra Vinh bán lấy
lời. Thấy mấy chị quen việc mua bán, giá cả và có mấy người quen ở Quảng Ngãi,
mua được đường tốt nên tôi cũng chung tiền. Năm chị em mua năm chục ký đường.
Người ta gói sẵn 5 bịch trong giấy xi măng cẩn thận. Mấy chị xếp chỗ để sắp mấy
bịch đường. Tôi vì bị đau chân nên được ngồi một chỗ chẳng làm gì. Tôi lấy sách
ra đọc cho quên đường xa, quyển truyện dịch ra từ tiếng Nga:“Thép đã
tôi thế đấy”. Tàu qua ga Tam Kỳ, rồi đến ga Kỳ Lam, những ga nhỏ
không đậu lại, chỉ có khi đến ga Thanh Khê, chúng tôi mới bảo nhau là tàu sắp đến
Đà Nẵng. Đà Nẵng làm một ga rất lớn và khang trang của miền Trung. Lượng khách
lên tàu đi Huế, đi các tỉnh miền Bắc rất đông. Cảnh mua bán thật tấp nập ồn ào.
Hàng chuyển lên tàu, từ Sài Gòn đưa xuống cũng nhiều không kém. Ôi quê hương miền
Trung của tôi! Tôi bảo các con:
“Nhà ngoại ở Hội An cách đây 10 cây số, nhưng mẹ con mình
không ghé thăm được, phải để chuyến về.”
Chợt tôi thấy một dáng người ốm yếu nhỏ con giống anh Tư
tôi quá. Anh đang đi vội vàng dọc theo các toa tàu như đang tìm người quen. Tôi
mừng quá quên cả chân đau vội nhảy đến bên cửa sổ lớn tiếng gọi anh. Các con
tôi cũng gọi cậu. Anh tôi mừng quá, chạy luôn lên tàu ôm các cháu rồi ôm chặt lấy
tay tôi. Tôi rối rít hỏi:
“Mẹ có khoẻ không? Mẹ khoẻ không khi về em sẽ ghé”.
Anh tôi cười thật gật đầu nói:
“Anh có nhận được thư em, biết chuyến tàu này nên má hối
anh từ Hội An ra đây rất sớm.”
Anh chìa cho tôi chiếc giỏ đệm, tôi cầm lấy mà nước mắt cứ
đầm đìa. Bao nhiêu năm nay tôi mới gặp anh tôi, anh ốm và gầy quá. Bỗng tàu hú
còi, tôi đẩy anh tôi xuống tàu cho kịp. Sau khi đậu nửa giờ, tàu bắt đầu chuyển
bánh. Dưới sân ga đã nắng, anh tôi vẫn còn đứng nhìn theo. Mẹ con tôi mở chiếc
giỏ đệm anh vừa đưa cho, thấy có khoai lang khô, mấy cặp đường tán thứ bự đổ
khuôn như cái bọc lớn, màu vàng gói trong rơm là loại đường mà chồng tôi rất
thích, một lọ thuốc viên trụ sinh con nhộng, tôi mừng quá. Món này rất quý cho
chồng tôi. Tôi cũng có mua theo cho chồng để phòng thân. Mấy hôm nay chân tôi
đang mưng mủ nhưng không dám uống, muốn để dàng thuốc tốt cho chồng. Trong giỏ
còn có gói cơm trong lá chuối lăn tròn như bánh tét để đi ăn đường rất ngon. Có
cả một lọ tôm rim thịt và cá chuồn chiên. Tôi mừng quá nghĩ đến tình ruột thịt,
đến mẹ, đến anh chị tôi đang ở quê nhà. Đến trưa, tôi xắt cơm trắng thành từng
lát, lấy muối xả mắm ruốc xào mời mọi người. Ai ai cũng khen ngon vì cơm nén xắt
lát ở trong Nam ít ai làm.
Tàu qua hầm của đèo Hải Vân, hai con tôi thấy hầm tối rất
sợ. Tôi phải giải thích cho các cháu hiểu. Tàu đi ngang đèo Hải Vân, phong cảnh
sơn thủy dưới nắng mai, các cháu vui thích thấy tàu chạy ven núi và biển xanh
thật đẹp dưới chân đèo. Qua các ga nhỏ, tàu dần vào ga Huế. Ga Huế cũng thuộc
vào loại ga lớn của một thành phố tiếng tăm của miền Trung nên tàu đậu lại lâu
như Đà Nẵng, cảnh mua bán dưới ga thật tấp nập. Tiếng rao hàng giọng Huế thật dễ
thương, bánh bột lọc, mè xửng Huế, bánh bèo, bánh lá chả tôm, mùi bún bò bốc
khói thơm lừng từ một nồi bún của bà hàng đặt bán dưới sân ga. Bà đang luôn tay
múc bún và hai cô bé bưng bún cho khách không kịp sợ trễ giờ tàu chạy. Mấy chị
rủ tôi xuống ăn bún, tôi chỉ chân đau, đưa cái ca nhỏ đưa chị mua giùm nước
nóng. Mẹ con tôi lại đổ cơm lát ra ăn với cá chuồn chiên. Ôi chưa có bữa cơm
nào mà tôi ăn ngon như thế từ bao lâu nay vì cơm trắng và cá chuồn chiên đậm đà
quê hương tôi vẫn nhớ.
Tàu rời Huế rồi qua Đông Hà, Đồng Hới, Quảng Bình. Chân
tôi vẫn đau, mặc dù tôi đã gỡ thuốc dán ra rửa nước nóng ở ga Huế. Tôi xé một
đoạn tay áo bà ba cũ đem theo mặc dọc đường để bó lấy ngón chân vì sợ bụi đường
xa. Sau đó vì có thuốc tôi mạnh dạn lấy viên trụ sinh uống. Khi đến ga Vinh,
chúng tôi bán được đường có lời càng làm cho mẹ con tôi rất vui. Mấy chị lại rủ
mua bơ hộp lớn đem về Hà Nội bán. Ở đây cũng có bột mì rất rẻ vì hàng từ biên
giới Lào đưa về. Nhưng bột mì thì chuyến đem về Đà Nẵng mới có giá trị. Trong
lòng vui nên tôi quyết định uống thêm vài viên trụ sinh nữa. Chân tôi đã bớt
đau rất nhiều, tôi mừng quá vì đoạn đường trước mặt còn xa. Đường từ Hà Nội về
Phú Thọ qua ga Ấm Thượng, chúng tôi phải đi đò dọc rồi đi bộ rất xa trên đường
đất, bắt buộc chân tôi phải lành lặn mới đi theo kịp bạn đồng hành lại còn phải
dắt theo hai cháu bé nên tôi mạnh dạn uống thêm trụ sinh
Càng đi sâu vào miền Bắc, tôi càng cảm nhận được cảnh xác
xơ nghèo khổ của người miền này. Đất đai khô cằn, những củ khoai củ sắn không mập
tròn múp míp như khoai sắn ở trong nam. Trâu bò già yếu làm rượng một các uể oải.
Nhà hai bên đường có chỗ là nhà tranh vách đất (đất sét nhồi rơm). Người miền Bắc
thường thấp, chân to bè chứng tỏ họ đã lao động từ nhỏ. Trẻ em toàn đi chân đất.
Những bé trai đã lên 9,10 tuổi vẫn còn cởi trần mặc quần đùi. Làng quê vẫn còn
lại những hố bom lớn dọc theo đường rầy xe lửa. Tôi nghĩ ở thành phố dân chúng
chắc khá hơn.
Tàu tới ga Bỉnh Sơn, bọn tôi mua khoai lang luộc sẳn đem
theo ăn đường, và trứng vịt. Trứng vịt ở đây nhiều và bán rất rẻ. Cảm động nhất
là khi qua ga Phủ Lý. Cái tên tôi thấy rất quen thuộc vì tôi đã đọc thấy rất
nhiều lần trong Tự Lực Văn Đoàn. Tàu dần vào Hà Nội, đến ga Hàng Cỏ tàu dừng hẳn.
Mây chị em chúng tôi đón khách lên mua hàng: dừa chúng tôi mua ở Tam Quan, xoài
Nha Trang, bơ hộp lớn ở Vinh, trứng vịt ở Bỉm Sơn. Tất cả đều bán được giá.
Chúng tôi thật vui vì bán hàng có lời và không cần bưng xách nặng nhọc. Chúng
tôi bắt đầu lo đến hàng thăm nuôi. Tôi và một chị dắt hai cháu xuống trước đứng
dước cửa sổ, ba chị ở trên chuyển hàng xuống. Tôi bảo các con ngồi lên những giỏ
đệm để giữ hàng vì nghe nói ga Hàng Cỏ mất cắp nhiều. Chúng tôi thuê xích lô chở
hàng về nhà trọ. Những chiếc xích lô cũ kỷ to bè, thấp tà tà, vừa chạy vừa hỏi
thăm chúng tôi. Mới nhìn qua họ đã biết chúng tôi ở trong Nam ra thăm tù.
Về đến nhà trọ hàng hóa an toàn, các con đều khoẻ, chân
tôi cũng đã hết đau nhức, chúng tôi bắt đầu tắm gội, ăn bữa cơm nóng tại nhà trọ,
bà chủ cho chúng tôi ăn cơm độn mì sợi, rau muống luộc, nước rau ngâm trái sấu
chua, trứng vịt chiên sao mà ngon quá. Các con tôi cũng ăn được nhiều cơm, ngồi
nhà nhìn ra phố một lúc, thấy người qua lại nhộn nhịp, phần lớn là xe đạp. Mấy
cô gái phần lớn là mặc quần tây áo sơ mi trắng, tóc để dài kẹp duỗi phía sau
hay thắt bím, tôi nghĩ đây là các cô công nhân đi làm về chứ các thiếu nữ Hà Nội
phải ăn diện lắm. Các con tôi rất thích nghe mấy đứa bé trong nhà ríu rít giọng
Hà Nội, lạ tai rất hay. Trời vừa tối là tôi giăng mùng cho các con ngủ. Mấy chị
em chúng tôi lo sắp xếp lại mấy giỏ quà vì mấy ngày đi đường bèo nhèo lắm rồi.
Ngày hôm sau, tất cả chúng tôi đã ra ga Hàng Cỏ rất sớm để
lấy vé đi Ấm Thượng, Phú Thọ. Tàu đi giữa đường thì trời tối. Tàu rộng nên
chúng tôi ngồi thoải mái, ba mẹ con tôi ngồi một ghế. Tôi ngồi sát cửa sổ, hai
chị bạn tôi ngồi ghế đối diện, chúng tôi dựa vào nhau ngủ. Mấy chị ngồi dãy ghế
bên kia đường đi, ai cũng mệt nên đều ngủ lấy sức. Trước khi chợp mắt, tôi còn
nhận biết có một người hành khách mặc áo sơ mi trắng ngắn tay đến ngồi ghé tạm.
Mọi người đang ngủ say đều choàng thức giấc vì chị bạn đã lớn tiếng mắng ai:
“Đồ khốn nạn, mất dạy.”
Tôi thức dậy vừa kịp nhận ra người đàn ông lúc nãy đã đi
khuất qua tàu khác. Mấy chị ngồi bên kia cũng chạy qua bấm đèn pin lên hỏi
nhanh việc gì xẩy ra? Chị bạn mặt đỏ phừng tức giận:
“Đang ngủ thiu thiu thấy có người đến ngồi kế bên, ban đầu
em còn tưởng là các chị, sau thấy họ ngồi sát vào có bao súng cồm cộm bên hông,
em biết ngay là công an kiểm soát trên tàu. Nó xoay lưng lại, em xoay mặt ra đường
đi, thấy em vẫn ngủ, nó ngồi nghiêm lại để tay lên đùi em xoa nhẹ kéo lên từ từ,
em vụt chụp tay nó nhưng hụt, thấy em lớn tiếng nó lẻn đi ngay như mấy chị thấy
đó”.
Lúc đó chị Lan ngồi bịch xuống ghế ôm mặt khóc. Một chị sừng
sộ:
“Đi tìm đánh chết mẹ nó đi”.
Quay nhìn thấy các con vẫn say ngủ không biết gì, tôi rất
yên tâm. Tôi đứng lên vỗ vai chị bạn an ủi và bảo phải trái cho bạn nghe:
“Thôi bỏ qua đi, coi như là một bụi gai, một đống
phân trâu trên đường đi, chẳng lẽ mình dừng chân truy cứu, rồi hàng họ hư hao hết,
chồng con mình không được ăn thì chớ, bọn mình lại còn bị làm khó dễ và cả bọn
cũng không yên trên đường về, con cái còn quá nhỏ ở nhà “.
Mấy chị em nghe lời tôi, ngồi lại với nhau tay trong tay ứa
nước mắt căm hờn.
Tàu đến ga Ấm Thượng đúng nửa đêm, bọn chúng tôi vào ở lại
quán qua đêm trong một căn nhà dành cho người đi thăm nuôi tại đây, chúng tôi
có thể mượn chăn mùng và chiếu trải lên một cái sập đóng bằng tre, tôi giăng
mùng và lấy các giỏ đem thức ăn để chung quanh chỗ mẹ con tôi nằm ở trong mùng.
Mấy chị em cùng đi đường từ Sài Gòn ra nằm xúm xít bên nhau người thức người ngủ
ngó chừng cho nhau cảnh giác chuyện đêm qua. Thật ra, chúng tôi cũng chẳng ngủ
được gì vì mùi hôi từ mùng chăn phả ra và rệp cắn ngứa suốt đêm.
Sáng sớm, chúng tôi cắt người coi đồ, còn số khác dắt nhau
ra chợ gần bến đò mua thêm ít rau cải tươi, cá sông, trái thơm và con gà để đem
vào trại. Nấu nướng ăn uống xong, chúng tôi thuê thêm người gánh dùm bao gạo và
mấy bao giỏ xách đem xuống ghe. Nước đục lờ đờ trôi. Chiếc ghe lướt nhẹ nhàng.
Ai cũng ngồi im nhưng tôi chắc trong lòng ai cũng mang nhiều tâm sự. Ngày mai
tôi sẽ gặp được anh, các cháu sẽ gặp cha. Cả chuyến đi mệt nhọc chỉ chờ mong
giây phút ấy. Cảnh rừng cọ đồi chè vùng trung du Phú Thọ lui dần theo hai bên bờ.
Đến chiều thì chúng tôi tới bến đò, đã thấy xe trâu của trại đậu chờ ở đây. Một
người tù tự giác và một công an đứng bên xe cho phép chúng tôi dở hàng lên xe.
Tôi tới bên chú công an xin phép cho con tôi ngồi lên phía trước xe trên mấy giỏ
đệm vì các cháu sợ đi bộ đêm hôm. Ai cũng bảo nửa đêm mới đến K1, giữa đường
còn phải lội qua một con suối cạn.
Nửa đêm thì chúng tôi đến trại, sau khi trình giấy tờ
chúng tôi được cho mượn mùng mền chén tô niêu để ngày hôm sau chuẩn bị cơm nước,
chị em chúng tôi xúm xít nằm ngủ gần nhau. Khi các cháu ngủ say chúng tôi lục đục
ngồi dậy ra cửa ngồi chơi hóng mát, nấu nước sôi pha trà uống. Được một lúc,
phía trước đường có chiếc xe cút kít được hai người tù đẩy đi trong đêm, có một
chú công an mang súng theo, cái đèn gió chập chờn trong đêm yên tĩnh. Một chị bấm
tay tôi:
“Đi chôn người chết”
Một chị quỳ xuống làm thánh giá, còn mấy người khác chắp
tay lên ngực niệm Phật. Tay tôi bỗng lạnh ngắt, mấy chị dìu tôi vào chỗ nằm.
Tôi ôm hai con vào lòng và lâm râm niệm Phật.
Mới 4 giờ sáng, chúng tôi lục đục dậy, bắt đầu nhóm bếp
làm gà, nấu cơm vắt thành nắm, chiên lại con cá, nấu miếng thơm. Trời sáng thì
tôi đã sẵn sàng thức ăn vì tôi nấu ít món giản dị. Canh nấu ruột gà và thêm ít
thịt. Tôi nấu cho chồng tôi tô mì có rau cải và cà rốt. Phần thịt còn lại, tôi
rô ti để chồng tôi ăn buổi tối. Tôi gọi các con tôi dậy cho ăn cơm sáng, xong
tôi phụ mấy chị nấu ché nước.
Mười giờ sáng, chúng tôi tất cả đều sẳn sàng. Ngồi đợi được
một lát thấy các anh sắp hàng một lặng lẽ đi ra. Người công an vác súng ra
theo. Nhìn từ xa, mấy chị em chúng tôi mắt đỏ hoe nhưng ai cũng cố kềm lòng nuốt
lặng lẽ vào trong. Tôi đã dặn các con từ trước phải đứng im không được gọi ba lớn
tiếng sợ bị đuổi về. Chồng tôi đi thứ ba. Tôi thật mừng thấy dáng anh đi đứng
còn vững vàng, có phần ốm và xanh nhiều nhưng không bị phù thủng. Mắt anh bị đỏ,
tôi nhớ tôi có mang thuốc nhỏ mắt theo. Tôi muốn chạy đến bên anh nhưng hai
chân tôi như bị dính chặt mặt đất .
Công an ra lệnh cho các anh ngồi vào bên ghế đối diện với
chúng tôi. Hai con đứng bên kêu Ba Ba, anh mỉm cười như mếu. Lúc mọi người im lặng
vào chỗ ngồi, hai người công an đứng hai đầu dãy bàn dài, vẫn chằm chằm nhìn
chúng tôi. Tất cả chúng tôi để tay lên bàn nhưng khoảng cách còn xa đâu thể nắm
được bàn tay xương xẩu đang cố vươn ra một cách tuyệt vọng từ phía bên kia. Tôi
đưa mắt nhìn người công an ngập ngừng xin phép cho hai con tôi được chạy qua với
cha. Nhưng với vẻ mặt lạnh nhạt, họ tròn mắt nhìn tôi hằn học và quay đi. Mặc,
tôi đẩy các con tôi vòng qua ghế nhưng người công an đưa tay ngăn lại. Tất cả mọi
người đều tỏ vẻ bất mãn và nhìn các con tôi như muốn nói: “Tội nghiệp
mấy đứa nhỏ”.
Cháu Yên Hà nước mắt tràn mi kêu nhỏ: “Ba ơi,
ba!”
Anh nhìn lên không biết vì mắt bị bệnh đỏ hay vì nước mắt
nhưng mãi từ đấy, tôi không thể nào quên được ánh mắt đầy tuyệt vọng của chồng
tôi lúc ấy. Tiếng thì thầm thăm hỏi thật sự không phải là tiếng lòng của chúng
tôi lúc ấy:
“Khoẻ không? Vẫn khoẻ….Có bệnh gì không?…Có….Cần gì
không?…Ở nhà sống thế nào?….. Mẹ thế nào?…..Các con có học giỏi không?….Các em
có khoẻ không?….”
15 phút trôi qua, tên công an bảo chúng tôi biết đã hết giờ
thăm nuôi. Đến lúc trao quà, nhân lúc đưa quà lộn xộn, tù nhân xách hàng ra xe
cút kít, các con tôi chạy đến ôm chầm cha. Anh nghẹn ngào cúi xuống hôn con làm
tụt bao hàng rơi vương vãi xuống nền đất bột. Ba mẹ con tôi cùng anh vội vàng hốt
bỏ vào giỏ. Người công an gầm gừ hối thúc chồng tôi nhanh chân ra sắp hàng vào
trại. Đứng trước nhà thăm nuôi, chúng tôi nhìn theo bóng dáng gầy còm ốm yếu của
những người tù đang lặng lẽ đi không muốn nổi trên con đường đất nhỏ dẫn vào trại.
Họ lặng lẽ cúi mặt không dám nhìn lại vợ con. Không hẹn, chị em chúng tôi cùng
nấc lên uất nghẹn. Những tiếng nấc bi thương đã cố kìm giữ nay bỗng vã ra và nước
mắt ràn rụa trên mặt thấm mặn môi. Không biết nước mắt này đang khóc cho người ở
lại trong ngục tù hay khóc cho thân phận mình trong quãng ngày “nắng mưa dãi dầu,
trăm đắng ngàn cay của những tháng đợi chờ sắp tới?”
Cam Thảo
Trích
sách viết “Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo” tập III/2007
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment