Kyvancuc
Đảng Cộng sản Việt
Nam nguy cơ tan rã
PV Quốc Doanh
Không phải tiên tri,
càng không ác cảm, đố kỵ, bài viết này xin trình bày sự quan sát cá nhân
với nỗi đau xót xa. Chẳng gì, PV Quốc Doanh tôi đã ba chục năm là đảng viên
của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN).
Dịp kỷ niệm Quốc
khánh 2/9/2012 vừa qua, đọc một vài bài báo, tâm trí tôi day dứt suy nghĩ,
Đảng CSVN đang đứng trước nguy cơ tan rã. TS Nguyễn Sỹ Dũng viết trên SGTT
bài “Bốn ước vọng của tháng Tám”, nhắc lại độc lập là “một trong những
quyền thiêng liêng nhất” và cho rằng “độc lập chỉ thực sự được bảo đảm khi
chúng ta không bị phụ thuộc về tinh thần và tư tưởng”.
Đường lối của Đảng
CSVN thì vẫn như trước đây, không hề ngượng khi cứ khẳng định kiên định
theo chủ nghĩa nọ, tư tưởng kia. Cũng trên báo lề phải, nhà sử học Dương Trung
Quốc nói, sức mạnh vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945 là sự đồng thuận dân
tộc trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thì bây giờ giá trị ấy “trớ
trêu thay lại còn đang… ở phía trước”.
Từ lâu rồi, dân tộc
ta không còn sự đồng thuận – từ khi Đảng CSVN không còn tin nhân dân, không
tin đảng viên của mình.
An ninh văn hóa, một tổ chức trong
ngành Công an của Đảng CSVN, được giao nhiệm vụ chuyên đi dò la, đánh hơi
tư tưởng của đảng viên, của người dân.
An ninh văn hóa,
ngay tên gọi đã thấy sự bỉ ổi. Bởi bản chất văn hóa vốn rất xa lạ với cấm
đoán, áp đặt, rình mò, lén lút. Sinh ra an ninh văn hóa và làm việc đó chỉ có tác dụng duy nhất là đào hố chia rẽ
Đảng CSVN, chia rẽ dân tộc Việt Nam, gây bất bình trong dân chúng đối với
Đảng CSVN mà thôi.
Thành tích nổi bật
của an ninh văn hóa là gì? Tạo ra tầng lớp văn nghệ sỹ hầu hết hèn mọn,
nhục nhã, đầy ấm ức. Dưới sự rình mò của an ninh văn hóa (và một số cơ quan
khác của Đảng CSVN nữa), văn nghệ sỹ mấy chục năm qua chỉ có được một cái
quyền tự do là ca ngợi Đảng CSVN. Đua nhau ca ngợi, vắt hết tâm sức ra để
ca ngợi, bắt chước nhau ca ngợi, quanh năm suốt tháng bám vào các ngày lễ
kỷ niệm lấy cớ tập trung ca ngợi.
Ca ngợi nhục nhã đến mức, văn nghệ sỹ sinh
ra ghét nhau, coi nhau không ra gì, ca ngợi êm tai hay không êm tai cũng bị
chê bôi, viết nhiều hay viết ít cũng bị khinh rẻ. Văn nghệ không có tự do
sáng tác thì không còn văn nghệ, văn nghệ sỹ chửi nhau mà thực ra trong bụng chửi Đảng CSVN đấy. Gần đây, nhiều ý kiến phê phán văn nghệ sỹ
kém văn hóa, thiếu đạo đức, thì cũng là phê phán Đảng CSVN kém văn hóa,
thiếu đạo đức vì “dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN”, thậm chí là
“thấm nhuần tư tưởng của Đảng CSVN”.
Nên một đảng viên đi
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, lại bị một nhóm đảng viên khác đánh
đập và đạp vào mặt, thì biết Đảng CSVN đã chia rẽ đến mức nào. Một đảng bị
chia rẽ nhường ấy là đã đứng trước nguy cơ tan rã.
Đội ngũ đảng viên
của Đảng CSVN hiện nay, không còn đồng nhất, xét trên mọi phương diện.
Chao
ôi! Người nào có thể chỉ ra điểm đồng nhất giữa đảng viên là cán bộ Văn phòng Quốc hội mua con chó giá
1 tỷ đồng, mua con chim sáo giá 200 triệu đồng về nuôi chơi, với người đảng viên ôm con khóc khi con
đậu đại học mà không có tiền đưa con đến giảng đường? Ai có thể chỉ ra điểm
đồng nhất giữa những đảng viên đi cưỡng chế lấy đất ở Tiên Lãng, Văn Giang
với những đảng viên có đất bị cưỡng chế?
Hay giữa những đảng viên là công
an vung gậy lên với những đảng viên bị gậy phang xuống là phóng viên Đài
Tiếng nói Việt Nam? Người lãng mạn nhất cũng khó tìm ra điểm đồng nhất giữa
những đảng viên nhiều quyền lực có đủ thứ “sân sau” vơ vét ngân khố quốc
gia, với những đảng viên phải bán sức lao động như nô lệ trong các nhà máy,
hầm mỏ, trên những cánh đồng, đường phố hay ngoài biển khơi đầy bão tố. Có vô
số ví dụ về sự không đồng nhất trong Đảng CSVN hiện nay, dễ tìm bao nhiêu
thì lại khó tìm bấy nhiêu về sự đồng nhất.
Đảng CSVN đang bị
chia rẽ sâu sắc hơn lúc nào hết, hơn bất cứ thời kỳ hiểm nghèo nào trước
kia. Những thời kỳ hiểm nghèo trước kia, trong Đảng CSVN vẫn ấm áp tình
đồng chí, đồng đội, tình người. “Chết còn trút áo cho nhau, miếng cơm
dành để người sau ấm lòng”, thơ Tố Hữu viết về những đảng viên bị giam
cầm trong ngục tù Côn Đảo. Bây giờ, khó tìm thấy tình đồng chí trong sáng
và đẹp đẽ tương tự, từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Ngược lại, thấy rất nhiều sự
lợi dụng nhau, hại nhau, ở cả lãnh đạo Đảng CSVN đương chức và đã nghỉ hưu,
chẳng có được mấy tấm gương cho đảng viên trẻ noi theo. Một đảng lãnh đạo có
quá ít tấm gương thì nguy cơ tan rã đã cận kề, với Đảng CSVN càng cực kỳ nghiêm
trọng vì sinh ra và tồn tại nhờ chính sự làm gương của đảng viên, thực hiện
vai trò lãnh đạo trước hết bằng sự làm gương của đảng viên.
Một câu cửa miệng
nhiều thế hệ khi nói về những thắng lợi “nhờ sự lãnh đạo của Đảng”, trước
đây gợi lên bao cảm xúc tôn kính thì bây giờ chỉ như câu nói hài hước. Có
người a dua không suy nghĩ, rằng Đảng CSVN được nhân dân tin yêu, đã khiến
một số người nóng nảy bộc phát chửi thề. Đảng viên ít tin yêu nhau mà còn được dân tin yêu? Dân không còn tin yêu đảng viên mà lại tin
yêu cái Đảng của các đảng viên ấy?
Đảng CSVN không hề tin dân, thiết lập
mạng lưới an ninh dày đặc rình mò, kiểm soát mọi mặt người dân, mà vẫn được
người dân tin yêu?
Xa rời dân, nghi kỵ
dân, kìm kẹp dân, lừa dối dân, trộm cướp của dân, đó là nguyên nhân dẫn đến
nguy cơ tan rã Đảng CSVN. Không phải “thế lực thù địch” nào cả, đẩy Đảng CSVN đến nguy
cơ tan rã. Còn nói nguy cơ của “diễn biến hòa bình” thì lại là một cách nói
tự làm hại Đảng CSVN mà thôi, vì dân tộc Việt Nam xưa nay ghét chiến tranh,
yêu hòa bình. Cuộc sống luôn luôn vận động, luôn luôn tự diễn biến, diễn
biến bằng bạo lực mới đáng ghét.
Có những việc Đảng
CSVN hăm hở làm mấy chục năm nay, cứ như nhắm mắt mà làm. Đó là xây dựng
tràn lan những công trình gọi là “di tích lịch sử”, “quãng trường lịch sử”,
“khu lưu niệm” xoay quanh các vị lãnh đạo Đảng CSVN hoặc liên quan đến Đảng
CSVN. Mỗi công trình tốn hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ
đồng.
Trong lúc, đất nước thiếu trường học, thiếu bệnh viện vì không có
tiền xây dựng. Lăng mộ, nơi thờ tự của các vị lãnh đạo Đảng CSVN cũng được
xây dựng nguy nga nhiều nơi, tốn tiền không kể xiết, trong khi di tích lịch
sử kiến trúc quý giá như chùa Trăm gian lại không có tiền trùng tu.
Việc
xây dựng đã đến mức chướng tai gai mắt, gây bất bình trong dân chúng nhưng Đảng
CSVN vẫn chưa nhận ra. Dân tộc có lịch sử gần 4.000 năm mà Đảng CSVN làm như
lịch sử chỉ có từ khi có Đảng CSVN. Thật là ngạo mạn, lố bịch. Dân tộc còn có
thể tin yêu một Đảng CSVN như thế?
Nói thẳng ra sự thật cũng rất đau đớn, nhưng còn đau đớn hơn khi
nhìn về tương lai thiếu ánh sáng hy vọng. Bao giờ Đảng CSVN lại được dân
tin yêu như từng có? Tin yêu thật lòng, không phải ở lời nói hay sách vở,
hay trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Bao giờ từng vị lãnh đạo Đảng CSVN
biết lắng nghe dân để mọi đảng viên biết lắng nghe dân, để được dân lắng
nghe trở lại?
Bao giờ, mọi nghị quyết của Đảng CSVN, mọi quyết định của
Chính phủ do Đảng CSVN dựng lên, đáp ứng được mong mỏi của dân, còn nếu
không đáp ứng thì phải thay đổi hay hủy bỏ nhanh chóng?
Đơn giản như một
quyết định phê duyệt quy hoạch, dự án, đụng chạm đến quyền lợi của dân, dù
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng nếu không được dân ủng hộ thì cũng phải
hủy bỏ.
Bao giờ Đảng CSVN không còn bịt miệng dân, không còn ngồi trên lịch
sử dân tộc? Chỉ khi đó, Đảng CSVN mới hết nguy cơ tan rã.
Ngày 7/9/2012
Q.D.
Tác giả gửi trực
tiếp cho BVN
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment