Tuesday, August 13, 2013

Nhìn lại niềm tin và đạo đức


 

 

 


 Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 16.6.2013  

  ~~~~~~~~~~~~~


         

 

                                      Nhìn lại niềm tin và đạo đức

Có hai sự kiện người dân VN chú ý nhất vào những ngày giữa tháng 6 này là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của các ông bà “nghị” tại Quốc Hội, ông nào được tín nhiệm nhiều, ông nào “bị” tín nhiệm thấp đã được công bố vào sáng 11-6 vừa qua.

                                             

                                                  Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có phiếu tín nhiệm cao nhất (74.7%)


Trong số 47 chức danh, người đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch QH, với 372/492 phiếu (74.7%). Người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất là ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 209/492 phiếu (41.97%) .

 

                                                               

                                                   Ông Nguyễn Văn Bình có phiều tín nhiệm thấp nhất (41.97%)

 

Người dân chất phác không có nhiều thì giờ suy nghĩ về tất cả hoặc một phần trong số 47 vị được đánh giá cao hay thấp. Đây là hai con số “cao nhất” và “thấp nhất” có vẻ thú vị nên được người dân bán tán rôm rả hơn.

Thật thà là cha quỷ quái

Thí dụ như có người bàn cụ thể rằng “Bà Ngân nhiều lần đã dám nói lên nỗi khổ của người dân và những điều nhà nước cần làm. Còn ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình đã từng làm người dân điêu đứng vì lãi suất, vì thị trường vàng nhảy múa lung tung làm dân hoang mang, nên tín nhiệm thấp”.

Người dân chất phác chỉ nghĩ giản dị thế thôi. Giản dị chất phác nhưng rất thực tế, chứng tỏ người dân bây giờ khôn lắm. Quý vị được cầm lá phiếu bỏ vào thùng đúng hay sai; quý vị được bỏ phiếu cao hay thấp vì lý do gì, dân biết cả đấy. Họ không đủ “tầm” hay không có thì giờ để nhận định sâu sắc hơn nhưng tất cả mọi việc của các vị “chức sắc” đã làm từ giáo dục, đến y tế, giao thông, xây dựng, ngân hàng… nhưng họ đều ghi nhận trong lòng, không cần nói ra.

 

Đó chính là niềm tin. Niềm tin thì không ai bắt buộc được. Anh có quyền bắt tôi làm cái này cái kia, kể cả bắt tù, nhưng bắt tôi tin thì không, không bao giờ. Niềm tin hình thành bởi suốt cuộc hành trình dài trong đời sống của chính gia đình bà con anh em mình đã từng trải qua với ngọt bùi cay đắng như tiếng cười và nước mắt. Rất thật thà chất phác nhưng “thật thà là cha quỷ quái” nên bao giờ nó cũng là sự thật. Dù anh có lừa được tôi một lần, nhưng không lừa được mãi, mọi sự thật rồi cũng được phơi bày dưới ánh mặt trời.

Thiên hạ vẫn huề bình

Tất nhiên nó còn gây ra nhiều dư luận khác từ trong các cơ quan, các công ty xí nghiệp, các xưởng lao động, cho đến quán cà phê “có hạng”, quán cóc đầu đường. Ông được coi là trí thức hay trí ngủ cũng nhỏm dậy “ý kiến”, anh thợ nề thợ mộc, chị thư ký diện “duýp” ngắn hay quần đen cũng tham gia. Đó là cái “đặc quyền” riêng tư của mọi người phát biểu kiểu “vui chơi một mùa hè” về một sự kiện lần đầu tiên xảy ra.

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả cuộc bỏ phiếu, dù bị tín nhiệm thấp nhưng chưa có ông bà nào bị rơi vào diện “nguy hiểm”, tức là có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% hay 2/3 tính trên tổng số đại biểu Quốc hội, nói rõ hơn chưa có ông nào “dính” vào cái sự “văn hóa từ chức”. Cho nên “thiên hạ vẫn huề bình.”

Và nói như ông chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sau cuộc bỏ phiếu là “Việc QH bỏ phiếu đánh giá cũng chính là sự động viên, đặt niềm tin để các chức danh phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới”. Đó là mục đích chính. Tuy vậy, cái giá phải trả để lấy được lòng tin của dân không phải rẻ.

Ba tai nạn kinh hoàng giữa kỳ họp QH

Giữa lúc các ông bà nghị còn đang sôi nổi, hào hứng, băn khoăn về lá phiếu của mình thì liên tiếp 3 tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra khiến dư luận bàng hoàng kinh ngạc. Ba tai nạn ấy như một thông báo khẩn cấp cho một tình trạng đã “rầm rộ” xảy ra từ lâu, vạch trần sự bất lực của các cơ quan có trách nhiệm và ẩn giấu phía sau là những vấn đề khác trầm trọng hơn. Đó là đạo lý làm người.
Trong bài này, xin bàn đến vài nguyên nhân thực nhất dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng. Những tai nạn đó có liên quan mật thiết đến vấn đề đạo đức xã hội. Đạo lý ấy gồm có đạo đức và luân lý, thật ra hai phạm vi đó có thể hiểu là một. Nhưng ở đây, tôi thu hẹp lại trong quan niệm sống hàng ngày. Đạo đức thuộc phạm vi cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Luân lý thuộc phạm vi từng cá nhân theo khuynh hướng của xã hội VN từ ngàn xưa tới nay. Nó không thuộc hẳn về một cơ quan nào, một cá nhân hay một doanh nghiệp nào. Nó liên quan đến tất cả những thứ đó gộp lại.


Nhìn lại 3 ngày 3 tai nạn kinh hoàng

Chỉ trong 3 ngày, 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 16 người, hơn 50 người khác bị thương. Chưa bao giờ người dân sống trong hoang mang vì nhiều tai nạn kinh hoàng như lúc này. Hãy nhìn vào nguyên nhân xảy ra ba vụ TNGT này:

- Thông tin chính thức mới nhất về kết quả điều tra tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường đi Vũng Tàu, đối với xe vận tải 72L-2354 là do tài xế xe này và một xe vận tải khác chạy cùng chiều đã có hành vi “đua xe” trên đường, chạy song song nhau, khi thấy xe máy chạy ngược chiều, tài xế này quay tay lái, thắng rất gấp làm xe quay ngược lại và lao vào hai xe máy chạy ngược chiều khiến sáu người chết.

 

 

                                              

                                                           Xe chở khách Mai Linh nằm lăn quay dưới ruộng

 

- Còn vụ TNGT đối với xe chở hành khách Mai Linh vào ngày 9-6 bị lật tại đường tránh Vĩnh Điện (xã Điện Bàn, Quảng Nam) làm 3 người chết, 23 người bị thương, được xác định do tài xế chạy quá tốc độ (90km/giờ) cộng với thời gian lái xe dài (xuất bến lúc 17 giờ ngày 8-6, lúc gặp nạn là 7 giờ 15 phút ngày 9-6), tức là lái liên tiếp 12 tiếng, có thể lái xe buồn ngủ, lạc tay lái dẫn đến xe bị lật nhiều vòng trước khi lăn xuống ruộng.

 

                                              

                                                                    Xe khách đâm vào vách núi tại Khánh Hòa

 

- Còn đối với xe khách 43S-6420 đâm vào vách núi trên đèo Khánh Lê (Khánh Hoà) thì xe mới xuất phát được 22 km, đoạn đường này cho phép chạy 30km/giờ nhưng tài xế đã rà thắng (phanh) liên tục dẫn đến cháy má phanh, có lẽ tài xế đã chuyển về mo (số 0) nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Đến khi má thắng bị cháy và lúc đó không thể dùng số để thắng được, cũng như không sử dụng thắng tay nên mới phải đâm vào vách đá. Thiết bị giám sát hành trình của xe không hoạt động, ngày xảy ra tai nạn cũng là thời hạn xe đến kỳ đăng kiểm. Trước đó, Trung tâm Đăng kiểm Đà Nẵng đã gửi thông báo cho chủ xe đến đăng kiểm lại trước 15 ngày. Theo hồ sơ lưu tại trung tâm này, tại lần đăng kiểm trước, xe khách 43S-6420 đã phải kiểm định đến lần thứ hai mới đạt yêu cầu vì lỗi “dây kéo thắng tay bị chùng”.
Báo cáo của Ủy an ATGT Quốc gia cho thấy, trung bình mỗi năm ở VN có khoảng 12.000 người chết vì TNGT, tương đương quân số mỗi ngày có một trung đội tử trận.

 

 

                                             

                                                               Tai nạn giao thông gây chết người hàng loạt


Và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi số vụ TNGT thảm khốc ngày càng gia tăng. Có lẽ chưa bao giờ người dân hoang mang mỗi khi ra đường đến thế.

TNGT bao năm nay là nỗi ám ảnh thường trực, khiến bao gia đình phải gánh chịu mất mát đau thương đến tột cùng, bao đứa trẻ mất cha, mẹ, bao người mất con, cháu và khiến hàng ngàn gia đình khuynh gia bại sản... Mỗi năm nhà nước phải bỏ ra trên 40.000 tỷ đồng để mong “khắc phục” tình trạng này.
Trong nhiều năm, nhiều hội nghị với hàng loạt giải pháp hạn chế TNGT đã được đưa ra, song chẳng mang lại được kết quả nào đáng kể. Hội nghị cứ bàn, cứ đưa ra “giải pháp”, tai nạn cứ gia tăng!

Ba giải pháp chẳng chữa được bệnh nào

Giới chức trách nhấn mạnh cần phải có giải pháp đồng bộ, tập trung vào 3 yếu tố chính là con người, cơ sở hạ tầng và việc quản lý.
Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận được sự tiến bộ nào. Bằng chứng đường sá vẫn xuống cấp, kém chất lượng, nhà thầu vẫn ăn gian vật liệu, CSGT vẫn cắm chốt đều đều, nhưng tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) quá dễ dàng, kiểm định làm qua loa cho xong kiếm phong bì…
Trước thực tế đau lòng về TNGT và những vấn đề còn gây tranh cãi về hiệu quả của luật pháp với những tài xế coi thường tính mạng người khác, hãy nhìn thẳng vào sự thật vào những góc cạnh khác.


Đằng sau lỗi của tài xế là những ông chủ xe và…

Nhìn vào nguyên nhân dẫn đến những tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều người vội kết tội ngay cho anh tài xế, lái xe trong khi say, vừa lái xe vừa ngủ gật, chạy hết tốc lực, vượt ẩu, đi liều trong mọi điều kiện mưa gió, đường núi dốc nguy hiểm…

Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng đằng sau lý do phóng nhanh vượt ẩu đó là gì?

Là những ông chủ hãng xe hay chủ doanh nghiệp khoán trắng cho tài xế phải “bắt khách” nhiều nhất, phải chạy nhanh hơn xe hãng khác, phải nhồi nhét thêm khách, thêm hàng hóa kiếm thêm tiền và hàng chục thứ “phải” nữa buộc anh tài làm hết sức mình. Quy định chỉ được lái xe không quá 10 tiếng một ngày, nhưng anh tài còn mở mắt được là còn lái, đôi khi cho mấy tay lơ xe học lái cho quen nghề bất chấp đường sá ra sao. Ngay cả khi xe hư cũng không có thì giờ sửa chữa hoàn chỉnh, hoặc chỉ sửa chữa qua loa rồi cứ lái, bao giờ không chạy được hoặc gặp tai nạn rồi tính sau.

Thế tại sao những ông Cảnh sát giao thông với những “nút chặn” bất ngờ giữa đường, những trạm “thu phí”, kèm thêm những đoàn thanh tra giao thông, sao không thể ngăn chặn được những vi phạm trắng trợn đó? Trường hợp này xin để nói sau. Cả hai nguyên nhân phía sau anh tài xế này chính là do phẩm chất đạo đức xuống cấp chứ chẳng phải chỉ tại bác tài.

Ngồi trong nhà cũng bị xe tông chết

Ngày nay ra khỏi nhà là có thể gp tai nạn bất cứ lúc nào. Hình như có nhiều người lái xe đang tách biệt với mọi thông tin, nhận thức về văn hóa giao thông, trơ lì với nỗi đau của cộng đồng; lo tất bật mưu sinh, hoặc sống buông thả, bởi thế nên bừa bãi trong đi lại?

Ngồi trong nhà trong quán nước quán cà phê còn bị xe tông chết, nói gì đến đi đường.
Cụ thể như ngày 21/7, xe hơi số 92H-0613, do tài xế Trần Xuân Đông (SN 1977, ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) lái theo hướng Nam - Bắc. Khi đến km 1019+600 QL1A (thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam) xe lao vào lề tông vào một chiếc xe đạp rồi tiếp tục đâm vào cột điện sau đó tiếp tục tông thẳng vào quán mì của bà Trần Thị Nga (50 tuổi),làm 7 người chết, 3 người bị thương. Trong số 7 người thiệt mạng, có 6 em nhỏ từ 9 đến 12 tuổi.

Đứng trên lề đường cũng dễ chết

Còn đường phố thì thôi, các cụ ở nước ngoài về chỉ có nước chóng mặt, chẳng hiểu luật lệ giao thông ở cái xứ này ra sao nữa. Thật ra các cụ có tìm hiểu cũng vô ích bởi có luật đâu mà tìm. Chỉ có sách luật chứ không ai “ngu gì” thực hiện nó cả. Thực hiện đúng bảng cấm, đèn đỏ hoặc chạy chậm ở ngã ba, ngã tư, có khi còn bị chửi te tua. Lái xe chạy vô đường hẻm hay đường một chiều nhanh gấp hai lần đi đúng đường thì ai dại gì đi đúng. Có bị tóm thì lại giở cái chiêu bài “làm luật” ra là xong. Mấy anh xe ôm là dân rách nhiều khi cũng bị “làm luật” trắng máu. Thế rồi ta lại thênh thang đường cấm ta cứ đi. Đường đông quá thì leo lên lề chạy cái vèo là qua mặt hết. Cho nên đứng trên lề đường cũng dễ chết lắm, các cụ đừng tưởng là bình an. Cho nên tôi vẫn khuyên mấy người bạn và bà con có việc phải về Sài Gòn hay Hà Nội thì nên đi taxi. Và đôi khi đi taxi có bị tính gian, bị chặt chém thì… ráng chịu chứ đừng dại đôi co với mấy ông “thần sầu” đó, chỉ một lát sau là có mấy ông tài khác quây lại “hỏi thăm sức khỏe” ngay. Làm ăn kiểu gì ở VN cũng phải có cánh, có phe, làm ăn lớn hơn thì nó chính là “lợi ích nhóm” chứ có gì lạ đâu.

Lòng đường không còn chỗ trống

Hiện nay, phần lớn ở các đô thị mật độ xe hơi, xe máy ngày càng tăng, lại có xu hướng sử dụng xe phân khới lớn cho nhanh và… cho oai. Tài xế (nhiều người không có bằng lái, hoặc có bằng theo kiểu nhờ thi hộ, mua hộ, nên mù tịt về luật lệ giao thông) coi đường đi như của riêng mình.

Ra đường ta gặp không ít trường hợp người lái xe thiếu kiềm chế, du chỉ là va chạm nhỏ đã lập tức giở thói con đồ, gây gỗ đánh nhau giữa đường, chưa kể có kẻ còn chủ tâm “đánh hôi” hoặc cài bẫy “ăn vạ.”
Nhiều người đi lại thiếu trật tự, chen lấn, lạng lách, đánh võng giành đường, đèo nhau, đèo nhau “kẹp 2 kẹp 3”... vừa đi vừa làm xiếc, hầu hết ở lứa tuổi thanh niên.
Có người vừa lái xe (nhất là xe máy) vừa nghe điện thoại, thậm chí nói năng ồn ào, thô lỗ. Đặc biệt có khá nhiều xe hơi, xe máy giành đường nhau, sử dụng còi kêu lớn bất chấp cả trong nội đô, giờ nghỉ. Còi cứ bóp còi hết cỡ bất kể lúc nào ở đâu. Kể cả đi “tán gái” cũng bóp còi cho “nàng” chú ý.

Ở các con đường gần cổng trường học, vào giờ cao điểm thường có nhiềuu xe hơi các loại của phụ huynh đưa đón con cháu, họ “vô tư” nổ máy, ngồi xe choáng đường cho con nhìn rõ và dễ dàng vọt đi, gây kẹt đường, kẹt cả lối đi, các bà đi bộ đón con cứ như nhảy mambo, hết né xe đang đậu đến tránh xe vọt ra bất kể phải trái.

 

 

                                              

                                                Đô thị không còn nhìn thấy đường đi, xe máy thi nhau chạy trên lề

 

Có những trường hợp bất chấp tín hiệu đèn đỏ, người lái xe hơi, xe máy vẫn cứ phóng bừa, vượt ẩu, có khi gây tai nạn rồi bỏ trốn. Phần lớn các xe ca trên đường đều là các tài xế trẻ, thường chạy vượt tốc độ, tranh giành khách quyết liệt. Khi bị các trạm kiểm soát giao thông xử phạt thì họ tìm mọi cách để “làm luật”, tạo nên tiêu cực, hết sức bất bình trong dư luận.

Ung thư của ngành giao thông

Chúng ta hãy thành thật, nói thẳng thắn với nhau hầu như ai cũng biết bây giờ tệ nạn tham nhũng ở VN phải kể đến Cảnh Sát Giao Thông đứng đầu sổ. Tuy không phải là tất cả nhưng nói là “đa số” thì đúng ngay boong. Có nhiều người gọi đó là “ung thư của ngành giao thông”. Tình trạng này từ lâu lắm chứ chẳng phải năm nay mới nhìn ra. Xin dẫn chứng cụ thể:

Giới chủ xe tải tại Đồng Bằng Sông Cửu Long tiết lộ cánh tài xế xe tải muốn làm ăn ở TP Sài Gòn thì phải xin gia nhập vào các đoàn “xe vua” để được cấp “kim bài” miễn trừ thanh tra
Để xác minh thông tin này, phóng viên một tờ báo đã bám theo xe của Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 4 (Sở GTVT TP Sài Gòn) trong nhiều ngày và nhận thấy không ít hiện tượng bất thường.
Phóng viên này đã mắt thấy tai nghe rất nhiều trường hợp xe vận tải, xe chở hàng, xe chở hành khách vượt mọi quy định vẫn được CSGT cho qua. Ở đây tôi chỉ chứng minh hai trường hợp điển hình, một tại ngay TP Sài Gòn và một ở tỉnh xa.

“Xe vua” giữa thành phố

Theo anh N. - một chủ xe đã bỏ nghề - để trở thành “xe vua”, mỗi tháng tài xế phải chung chi 2 triệu đồng cho một xe tải lớn, 1 triệu đồng cho xe nhỏ. Khi được phong “xe vua” thì phải dán logo trước đầu xe để TTGT phân biệt.

Tại TP Sài Gòn có 3 đoàn “xe vua” lớn nhất là Tr.L, H.L và L.V. Trước đây, Tr.L và L.V là một. Tuy nhiên, khi đoàn xe lớn mạnh, L.V tách ra hoạt động riêng. Ký hiệu đoàn xe L.V được gắn trên cabin với dòng chữ to và số điện thoại. Còn đoàn xe Tr.L thì được gắn phía trước đầu xe bên trái cũng kèm theo số điện thoại. Khi ra đường thấy những ký hiệu này, TTGT rất ít dừng xe để kiểm tra. Ngoài ra, đoàn xe H.L cũng có logo tương tự.

K. - một chủ xe gia nhập đoàn “xe vua” Tr.L - tiết lộ ông chủ đoàn xe này chỉ có hơn 20 xe. Tuy nhiên, các xe “mồ côi” khác muốn không bị “ăn” biên bản thì phải gia nhập. Chính vì thế, hiện nay, logo Tr.L được gắn không dưới 100 xe. Còn đoàn xe L.V cũng trên dưới 70 xe. Trên các con đường TP Sài Gòn, có rất nhiều đoàn xe mang logo của các “xe vua” hầu như không bị TTGT chặn.

Xe vua lộng hành ở Bình Định

Gần một năm qua, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (Tập đoàn Phúc Lộc, tỉnh Ninh Bình) đã trúng 2 gói thầu xây dựng lớn ở Bình Định là tuyến đường Long Vân - Long Mỹ với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng và tuyến Quốc lộ 19 (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao với Quốc lộ 1) với tổng kinh phí đầu tư gần 5.300 tỉ đồng.
Để phục vụ 2 công trình trên, cuối năm 2012, Tập đoàn Phúc Lộc đã đưa hàng chục xe ben loại có trọng tải 13 tấn từ Ninh Bình vào Bình Định. Khi đoàn “xe vua” này xuất hiện ở Bình Định cũng là lúc người dân phải đối mặt với nỗi kinh hoàng khi đi trên đường.

Những ngày qua, Tập đoàn Phúc Lộc đưa hơn 20 xe ben xuống huyện Vân Canh vận chuyển cát đi theo Tỉnh lộ 638 về TP Quy Nhơn để phục vụ công trình xây dựng Quốc lộ 19. Mặc dù tải trọng cho phép xe vận chuyển chỉ 13 tấn nhưng thực tế, “xe vua” của Tập đoàn Phúc Lộc luôn chở từ 25 đến 30 tấn cát.

Ngoài ra, con đường này chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 13 tấn lưu thông nhưng hằng ngày, mỗi chiếc xe ben có tổng tải trọng hơn 40 tấn (tính cả trọng tải xe và cát) vẫn chạy ngang nhiên. Vì vậy, Tỉnh lộ 638 dài gần 40 km, nối từ thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước đến xã Canh Hòa, huyện Vân Canh vừa được Sở GTVT Bình Định nâng cấp, sửa chữa cách đây khoảng 1 năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Người dân nơm nớp sợ xe vua đi qua

Ngoài ra, đoàn “xe vua” của Tập đoàn Phúc Lộc còn thường xuyên chạy quá tốc độ, chở đất cát không phủ bạt nên bụi bay mịt mù. Không chỉ người tham gia giao thông mà ngay cả người dân sinh sống hai bên Tỉnh lộ 638 cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi đoàn “xe vua” đi qua.
Bà Nguyễn Thị Hương, nhà ở ven Tỉnh lộ 638, thuộc xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, bất bình kể: “Từ ngày xuất hiện đoàn xe của Tập đoàn Phúc Lộc, chúng tôi hiếm khi ra đường. Đoàn xe này chở cát quá tải lại không phủ bạt, nối đuôi nhau phóng bạt mạng khiến bụi bay mù mịt”.


Thanh tra giao thông kinh doanh xe vua


Mỗi ngày, hàng chục xe ben của Tập đoàn Phúc Lộc tung hoành từ Tỉnh lộ 638 về TP Quy Nhơn với nhiều lỗi vi phạm nhưng ít khi bị lực lượng chức năng xử lý. Trong khi đó, ngoài những lỗi thường vi phạm như chở quá tải, không phủ bạt, chạy quá tốc độ…, phần lớn “xe vua” này đều hết hạn đăng kiểm.

Một viên chức thanh tra giao thông cho biết: “Cách đây vài hôm, tôi cùng tổ công tác đã chặn 8 xe ben chở cát của Tập đoàn Phúc Lộc để kiểm tra thì phát hiện 7 chiếc hết hạn đăng kiểm và cùng vi phạm các lỗi không mang theo giấy tờ, chở quá tải, không phủ bạt... Khi chúng tôi định lập biên bản vi phạm thì cấp trên gọi điện yêu cầu thả”.
Theo vị này, hầu hết tài xế của Tập đoàn Phúc Lộc đều không được giữ bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến “xe vua”. Khi xe bị lực lượng chức năng kiểm tra, các tài xế chỉ việc gọi về công ty là sẽ có người xử lý. Theo tài xế K., cả 3 đoàn “xe vua” đều do một TTGT đưa người đứng ra làm.
Không riêng gì lực lượng thanh tra giao thông mà ngay cả CSGT cũng né các “xe vua” của Tập đoàn Phúc Lộc, chẳng xe nào của Phúc Lộc bị phạt!

Cứ nhìn những hiện tượng trện đây, hẳn bạn đọc đã thấy rõ tình hình giao thông ở VN phức tạp và đáng sợ như thế nào. Đừng đổi tội loanh quanh nữa, chung quy đó là đạo đức xuống cấp, chính người thi hành luật pháp khiến cho người sống trong luật pháp không còn giữ được phẩm hạnh của mình. Luân lý cũng suy đồi chính vì lý do này. Làm sao tìm được niềm tin ở người dân? Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật.
Văn Quang 


 
                                                                          ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link