Sunday, August 11, 2013

Nước mất đến nơi, vẫn đời đời nhớ ơn Trung Quốc


 

 

 

 

Nước mất đến nơi, vẫn đời đời nhớ ơn Trung Quốc

 

Lê Dủ Chân

 

Trong giấc mộng bá chủ thế giới của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ xem Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng thì Việt Nam

là nước đầu tiên họ cần phải thu phục. Từ Việt Nam họ sẽ có Đông Dương, kiểm soát Đông Nam châu Á, kềm kẹp các nước Nhật Bản, Ấn Độ làm chủ châu Á sau đó tranh hùng với Mỹ và Liên Sô để bá chủ thế giới.

Tại Hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956, Mao Trạch Đông đã nói: 

“Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghiệp... Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới.”

Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị của quân ủy trung ương, Mao Trạch Đông lại nói: 

“Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”

Đến tháng 8 năm 1965 trong cuộc họp của Bộ Chính Trị ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông khẳng định:

“Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy...”

Và trong văn kiện chỉ đạo cho gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam năm 1973 có đoạn ghi rõ rằng:

“... Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay. Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay. Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta...” (Trích lời khai của Lê Xuân Thành sinh ngày 20-3-1949 tại tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, gián điệp Trung Quốc bị bắt ngày 30-3-1973 tại xã Ngư Thủy, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Tư tưởng chủ đạo này khẳng định tất cả mọi chi viện giúp đỡ của Trung Quốc cho đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam xuyên suốt 70 năm qua hoàn toàn không vô tư, xuất phát từ tình láng giềng hữu nghị, tình đồng chí anh em, mà đó một công cụ để phục vụ cho giấc mộng bá chủ thế giới của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Pháp, cũng như trong 20 năm nội chiến huynh đệ tương tàn, Trung Quốc là nước viện trợ vũ khí, trang bị quân sự nhiều nhất cho đảng cộng sản Việt Nam. Sự trợ giúp này này tuyệt đối không phải vì nền độc lập, thống nhất lãnh thổ, tự do no ấm cho tổ quốc và nhân dân Việt Nam mà chính vì những lý do và âm mưu sâu độc sau:

- Sự an nguy của chính bản thân Trung Quốc: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung biên giới về phía nam, nếu Việt Nam và Đông Dương sau khi được độc lập theo thể chế tự do dân chủ thì phía nam của Trung Quốc sẽ bị thế giới tự do uy hiếp sát nách. Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc tham chiến tại Triều Tiên để giúp Bắc Hàn. Bắc Việt Nam và Bắc Hàn là những lãnh thổ trái độn cần thiết phải có đối với nền an ninh của Trung Quốc trong hoàn cảnh lúc đó.

- Tạo thanh thế trên chính trường quốc tế: Như chúng ta đã biết từ năm 1950 về trước, sau hơn 23 năm nội chiến Quốc-Cộng (1927-1950), 8 năm bị Nhật Bản xâm lược (1937-1945) Trung Quốc dưới mắt của cộng đồng các quốc gia trên thế giới chỉ là một nước chậm tiến, nghèo, lạc hậu. Đó là thời mà ngay trên đất nước của họ có những tấm bản đề “cấm chó và người Trung Quốc.”

Nếu không có chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc làm sao có tiếng nói quyết định tại hội nghị Bàn Môn Điếm ở Triều Tiên (1953), hội nghị Genève ở Thụy Sĩ (1954), hội nghị Paris ở Pháp (1973), gia nhập vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (1971) và vị thế ngày hôm nay.

Những diễn biến lịch sử này đã xác định Trung Quốc, thông qua bọn tay sai, chính là kẻ đã lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia và Triều Tiên mặc cả với Pháp, Mỹ và Liên Xô để trục lợi về mình.

 

- Kềm kẹp Việt Nam trong quỹ đạo:

Xuyên suốt 2200 năm lịch sử ban giao hai nước Việt-Trung, chưa có thời đại nào nước Việt Nam bị kềm chế, kiểm soát chặt chẽ bởi nhà cầm quyền Trung Quốc như dưới thời đại do Hồ Chí Minh và đảng cộng sản nắm quyền. 

Vào thời phong kiến mặc dầu Việt Nam là một nước nhỏ và yếu nhưng vua nước Việt chưa bao giờ sang Bắc Kinh để bệ kiến các hoàng đế Trung Hoa.

Trong khi đó chỉ có 4 năm từ năm 1950 đến năm 1954, Hồ Chí Minh chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa đã có 4 lần sang Bắc Kinh để hội kiến với lãnh tụ nước Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào các năm 1950, 1951, 1952, 1954. Kế tục sự nghiệp ô nhục này, tập đoàn lãnh đạo đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam từ Lê Duẫn đến Nguyễn Phú Trọng đều phải qua Trung Quốc nhận chỉ thị và cam kết lòng trung thành với Bắc Kinh ít nhất một lần trong nhiệm kỳ của mình.

Trong chiến tranh chống Pháp (1940 -1954) và trong chiến tranh xâm lược miền nam Việt Nam (1955 -1975) dưới sự kềm kẹp của Bắc Kinh nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt hầu như đã hoàn toàn mất chủ động trong ban giao quốc tế cũng như trong chính sách nội trị của mình. Từ bộ áo đại cán mặt trên người đến cơ cấu tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, từ những phong trào chính trị như rèn cán chỉnh quân, cải cách ruộng đất, đến việc ký kết các hiệp định, hiệp thương có ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc như hội nghị Genève ở Thụy Sĩ (1954), hội Nghị Paris ở Pháp (1973)... nhất  nhất đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc.

 

 Xâm lược lược Việt Nam:

Sau khi Liên Sô và các nước trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa tại Đông Âu sụp đổ, nhất là sau khi chiến tranh biên giới Việt Trung kết thúc, thái độ phục tùng của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam đối với Bắc Kinh càng ngày càng sâu đậm. Đây cũng là thời kỳ để Bắc Kinh thu về cả vốn lẫn lời những gì họ đã bỏ ra trong chiến tranh Việt Nam. 

Với công hàm Phạm Văn Đồng (1958) Trung Quốc có được biển đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Với hội nghị Thành Đô (1990) và phương châm 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt (1999) Trung Quốc đã khai thông con đường nam tiến không tốn một giọt nước bọt.

Với hiệp ước Biên Giới Việt Hoa (1999), hiệp định Phân Định Vịnh Bắc Bộ (2000) Trung Quốc đã có được cả ngàn cây số trên biên giới phía Nam với những di tích và danh lam thắng cảnh lịch sử không hao một giọt mồ hôi. 

Với dự án khai thác bauxite Tây Nguyên (2001), hợp đồng cho thuê rừng đầu nguồn của 10 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của những cao điểm chiến lược để khống chế Việt Nam và Đông Dương. 

Và gần đây nhất với hành động đàn áp, bỏ tù người dân biểu tình chống xâm lược Trung Quốc, với bản tuyên bố chung 8 điểm “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam” ký kết ngày 21/06/2013 giữa Tập Cận Bình tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc và Trương Tấn Sang chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ban lãnh đạo Trung Quốc chắc hẳn biết rằng giấc mộng xâm chiếm Việt Nam của Mao Trạnh Đông không còn bao lâu nữa sẽ thành sự thật.

Để đền đáp “công ơn” hiểm độc trên của Trung Quốc, Phùng Quang Thanh đại tướng ủy viên BCT / TW đảng, bộ trưởng bộ quốc phòng thay mặt đảng, quân đội Nhân Dân Việt Nam khẳng định tại buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc tại Bộ Quốc Phòng Việt Nam ngày 28/7/2012 như sau:

“... Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam...” 

Thay mặt cho nhà nước Cộng Hòa Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân phó Thủ Tướng chính phủ, trong lần chủ trì “Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc – Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc” tại Hà Nội ngày 10/07/2012 đã chỉ thị:

“Hội hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc sẽ tổ chức các hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức và địa phương Trung Quốc, xuyên suốt trong 5 năm, sau đại hội này…”

Tiêu biểu cho tư tưởng chiến lược của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Trần Đăng Thanh đại tá phó giáo sư - tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, thuộc học viện Chính trị Quốc Gia Bộ Quốc Phòng trong một buổi giảng bài tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây ngày 19/12/2012 đã phân tích:

“... Trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với Trung Quốc hai điều không được quên...”

 

Không riêng gì đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam mang ơn Trung Quốc, trong quần chúng nhân dân đây đó cũng đã có một số không nhỏ bị đầu độc bởi tư tưởng “ơn nghĩa Bắc Triều” như những phát biểu tiêu biểu sau:

“... Tấm gương khiêm tốn lễ độ và yêu thương của Bác Hồ với các đồng chí Trung Quốc phải được truyền rộng khắp đất nước ta để toàn dân học tập và tuân thủ”. Tấm gương này sẽ xóa tan mọi hiềm khích giữa hai bên để Việt Nam mau chóng trở về với Trung Quốc và thực sự thành một chi bộ tốt của Đệ Tam Quốc Tế, bên cạnh người anh cả Trung Quốc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã tỏ rõ chân lý của trí tuệ sáng ngời khi ông giáng bút:

 

“Bác Mao không ở đâu xa

Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”.

 

... Chúng ta sẽ cùng nhau hãnh diện là người Trung Quốc, chia xẻ nền văn hóa Trung Quốc và sát cánh tranh đấu cho chế độ vô sản chuyên chính. Tương lai của Việt Nam là tương lai của Trung Quốc, hay ngược lại... Tóm lại, Việt Nam thực sự là Trung Quốc về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... ” Trích bài viết “Bác Hồ và Trung Quốc” của Nguyễn Tất Trung một cán bộ hưu trí đang sống tại Sài Gòn.


“... oán hận với Tàu, tôi vẫn nhớ nhưng cũng có lúc này lúc khác tôi cũng không quên những sự giúp đỡ của Tàu và Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tôi cũng không thể phủ nhận điều đó, cũng không nên qua cầu rút ván...” Trích “comment” của “đại ca xứ Quảng” trên Dân Làm Báo ngày 12/06/2013.

Lịch sử dân tộc Việt Nam có trên 22 thế kỷ ban giao với Tàu. Trong 2200 năm đó dân tộc Việt Nam đã nhận được ơn nghĩa gì của Tàu ngoài máu đổ thành sông, xương trắng núi đồng và 1000 năm làm nô lệ!. Thế mà ngày hôm nay trước âm mưu xâm lược trắng trợn và những hành động ngang ngược phá sạch, giết sạch, chiếm sạch của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh, đảng cộng sản Việt Nam vẫn một lòng một dạ “đời đời nhớ ơn Trung Quốc”. 

Trước họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu khi những kẻ nhận giặc làm cha, mang ơn kẻ thù còn làm chủ đất nước, còn ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.

Lê Dủ Chân

(Danlambaovn)

 END

 

 

Kính gửi quý vị,

Chúng tôi xin được gửi đến quý vị Bản TCBC: "Về người luật sư yêu nước Lê Quốc Quân"  để thông tin và mong được quý vị tiếp tay phổ biến.

Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân

****************************************

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Về người luật sư yêu nước Lê Quốc Quân

Sau rất nhiều lần xử dụng các biện pháp hăm dọa, hành hung, bắt bớ cá nhân, đến xách nhiễu gia đình, họ hàng Luật sư Lê Quốc Quân mà không khuất phục được ông, vào ngày 27/12/2012 công an CSVN đành dàn dựng lý cớ để bắt giữ và kéo ông ra tòa vào ngày 9/7/2013 sắp tới với tội danh "trốn thuế".

Công luận trên cả nước và trên khắp thế giới lập tức phản đối vì mọi người đều biết lý do hoàn toàn khác. Đó là nhà cầm quyền CSVN hoảng sợ trước những hoạt động không ngừng của người luật sư yêu nước nồng nàn và đầy lòng nhân bản Lê Quốc Quân. Ông:

  • Có mặt trong hầu hết các lần biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và trong các nỗ lực đùm bọc các gia đình ngư dân bị hải quân Tàu đánh, cướp, bắn, giết trên Biển Đông. Ông viết liên tục về hiểm họa ngoại xâm và nỗi xót xa về những phần quê hương bị dâng nhượng.
  • Luôn là một trong những tiếng nói đầu tiên bênh vực, và tình nguyện làm luật sư bào chữa cho các nhà dân chủ bị chế độ bắt giam để bịt miệng.
  • Sẵn sàng giúp đỡ, cố vấn cho những người dân nghèo đi tìm công lý dù khi còn bằng hành nghề hay sau khi bị nhà cầm quyền cướp đi bằng hành nghề luật sư.
  • Luôn có mặt cùng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong các nỗ lực đòi công lý, dù đó là nỗ lực của giáo xứ hay giáo dân, tại Hà Nội, Nghệ An, và nhiều nơi khác.

Ngay cả trong những ngày tháng bị giam giữ trước đây, Luật sư Lê Quốc Quân vẫn chỉ lo âu về những nguy cơ đang phủ xuống đất nước và các ngư dân Việt trên Biển Đông. Ông trải lòng mình qua 4 bài thơ được chuyển ra từ sau các song sắt Hỏa Lò. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2012, khi thấy vòng vây công an đang xiết lại quanh mình, Luật Sư Lê Quốc Quân đã công bố bức Thư Ngỏ, bày tỏ ước nguyện đấu tranh cho Tổ Quốc, sẵn sàng đón nhận những gian nan, và không lùi bước trước bạo lực. Ông tâm nguyện: “Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa, tôi lắng nghe Tổ Quốc gọi tên mình.

Chính vì vậy mà việc đưa Luật sư Lê Quốc Quân ra tòa chỉ càng cho công luận và thế giới thấy rõ hơn:

  • Nhà cầm quyền CSVN đang hoảng sợ trước mọi tiếng nói yêu nước, từ Luật sư Lê Quốc Quân, đến Blogger Điếu Cày, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha, ... Họ sợ hãi đến độ sẵn sàng luồn cúi sau những lý cớ ngày càng hèn kém, và thừa nhận bản chất “hèn với giặc, ác với dân” của họ trước nhân dân.
  • Các bản án trong những ngày tới đối với Luật sư Lê Quốc Quân và các thân nhân của ông chỉ càng đẩy nhanh tiến trình khinh bỉ và cô lập của thế giới đối với những kẻ cai trị độc tài tại Việt Nam.
  • Lãnh đạo đảng CSVN đang ngày càng lún sâu vào con đường mà nhiều chế độ độc tài khác đã đi qua khi bắt đầu bước vào giai đoạn chót.

Đảng Việt Tân bày tỏ lòng cảm phục đối với những hy sinh của Luật sư Lê Quốc Quân và gia đình. Toàn thể đảng viên đảng Việt Tân chân thành chia sẻ những lo âu và nguyện tiếp tay với các nỗ lực tranh đấu cho Luật sư Lê Quốc Quân, các nỗ lực hỗ trợ gia đình ông, và nhất là những nỗ lực để thực hiện các ước nguyện của ông cho một tương lai tự do, dân chủ, và nhân bản cho dân tộc Việt Nam.

Ngày 1 tháng 7 năm 2013
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạcHoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 - www.viettan.org, vnctcmd.blogspot.com


Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ -
Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước

 

Tổ Quốc Gọi Tên Mình

 

Hai câu thơ thật hay :



Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình.

 

 LQQ

 

Quân đội của ai?


Huỳnh Ngọc Tuấn

Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp:

- Đủ ăn, đủ binh và được dân tin cậy.

Tử Cống nói:

- Nếu phải bỏ đi một điều thì trong ba điều ấy điều nào có thể bỏ được?

Khổng Tử trả lời:

- Bỏ binh.

Tử Cống lại hỏi:

- Nếu còn phải bỏ đi điều nữa trong hai điều còn lại, điều nào có thể bỏ được?

Khổng Tử đáp:

- “Khứ thực, tự cổ nhân giai hữu tử, dân vô tín bất lập”, bỏ ăn, từ xưa ai cũng phải chết, nhưng nếu dân bất tín thì chính trị không đứng vững.

Đó là đoạn đối thoại giữa hai nhà minh triết Trung hoa về nghệ thuật chính trị, nghệ thuật lãnh đạo. Qua đó chúng ta thấy rằng lòng dân là một yếu tố căn bản trong một thể chế chính trị, có được sức mạnh quân sự- kinh tế chưa hẳn có được lòng dân, nhưng một thể chế chính trị có được lòng dân thì sẽ có được quân đội hùng mạnh và kinh tế phát triển

“Cái thực tế của chính trị là no đủ . Túc thực, túc binh. Nói rằng có thể bỏ binh bỏ thực là phủ nhận thực tế sao? Cái nghĩa không phải vậy. Bỏ binh đây có nghĩa là chớ đem binh đội biến thành móng vuốt của thống trị”.

 Đó là chính trị của Trung hoa, còn chính trị theo triết lý Việt thì sao?

Chính trị Việt thiên về văn tự, khi nói đến võ chỉ dùng hai chữ võ công. Võ để chống xâm lược, để thực thi quốc phòng chính sách, không để dùng làm qua nha. (Những quy luật trong chính trị Việt- Vũ tài Lục).

Vậy mà vừa qua trên BBC đưa tin:

“Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chỉ đạo cho Quân đội phải nâng cao năng lực điều hành và chỉ huy nhằm “xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương đồng bộ và có hiệu quả hơn”.

Lãnh đạo ngành tuyên giáo của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đã phát biểu như vậy trong bối cảnh các địa phương tại Việt Nam tiếp tục bắt giữ những người viết bài phê phán chính quyền trên mạng Internet”.

Từ cổ chí kim quân đội của bất cứ quốc gia nào cũng từ nhân dân mà ra, được sự nuôi dưỡng của nhân dân và một lẽ tất nhiên là phục vụ nhân dân.

Thời đại ngày nay ở các nước dân chủ văn minh, quân đội phải đứng ngoài chính trị hay có thể gọi là “phi chính trị” .

Được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính phủ dân sự do người dân bầu ra, quân đội không thiên về một đảng chính trị nào và tuyệt đối trung thành với quốc gia và dân tộc, phục vụ quốc gia và dân tộc.

Vậy mà dưới thời đại Hồ chí Minh quân đội trở thành công cụ của đảng CS, trung thành và phục vụ cho đảng CS, để một khi quyền lợi của đảng CS và quốc gia mâu thuẫn người dân bất phục tùng nổi lên chống lại cái đảng cầm quyền phản quốc hại dân thì quân đội lại được đảng sử dụng như một công cụ để đàn áp nhân dân, bảo vệ đảng.

Như vậy đảng CS đã biến quân đội thành gia nô của mình.

Nhưng ý đồ của đảng có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào quân đội, nếu quân đội ý thức được vị trí, giá trị và sứ mệnh cao quý của mình là bảo vệ tổ quốc và nhân dân thì họ sẽ biết phải làm gì.

Những vị lãnh đạo của quân đội cũng vậy nếu họ ý thức được họ là những người con của dân tộc Việt, trong con người họ còn lưu chuyển dòng máu anh hùng của Bà Trưng bà Triệu, của Ngô Quyền, Lý thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì tất họ sẽ biết phải làm gì, biết chọn cho mình chỗ đứng nào trong lòng dân tộc và lịch sử Việt nam.

Tôi luôn hy vọng rằng trong quân đội hiện nay vẫn còn nhiều người có tầm nhìn viễn đại, trong hàng ngũ bộ đội, sĩ quan và tướng lĩnh vẫn còn rất nhiều  người ý thức được họ là con em của dân từ nhân dân mà ra, phục vụ nhân dân và tổ quốc là sứ mệnh và lý tưởng thiêng liêng của quân đội.

Trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội nhân dân VN, chúng ta đã từng thấy sự dấn thân của tướng Trần Độ và hiện nay là tướng Nguyễn trọng Vĩnh, hai vị tướng này đã chọn lựa đứng về phía dân tộc để hành xử tư cách làm tướng của mình.

Trong chế độ độc tài đảng trị hiện nay việc chọn lựa đứng về phía nhân dân không phải là một sự chọn lựa dễ dàng vì cho dù là tướng trong quân đội họ vẫn còn có gia đình vợ con, sự an nguy của những người thân của họ là một sự trói buộc phải cân nhắc.

Nhưng một khi thời cuộc biến động đặt ra những yêu cầu bức thiết thì những con người này sẽ có cơ hội để vùng thoát khỏi sự chi phối của đảng CS, họ sẽ đứng về phía nhân dân bằng cách hợp tác với những người đại diện của dân để tìm được sự chính danh trong hành động.

Đảng CSVN ngày hôm nay đang bế tắc với những tranh giành quyền lực nội bộ nên việc họ muốn kiểm soát và chi phối quân đội một cách toàn diện là điều kiện sinh tử để đảng CS ngăn ngừa những cuộc binh biến có thể xảy ra và sẵn sàng đàn áp và vô hiệu hóa sự nổi dậy của người dân cũng là những mục tiêu mà đảng CS nhắm tới.

Nhưng việc dùng quân đội như vũ khí và nanh vúôt của chế độ để đàn áp nhân dân là biểu hiện sự khốn cùng của đảng CS.

Quân đội nhân dân VN hãy so sánh mình với quân đội các nước trong khu vực và thế giới để biết thực trạng của mình chỉ là con tốt trong tay đảng CS.

- Quân đội Thái Lan sẵn sàng can thiệp vào chính trị mỗi khi họ nhận thấy một chính phủ dù là do dân bầu có xu hướng đi chệch với mục tiêu dân chủ và đi ngược lại với quyền lợi quốc gia, nhưng họ không lợi dụng sức mạnh và ưu thế của mình để biến thành quân phiệt như ta đã thấy.

Chỉ có một quân đội và một quốc gia luôn luôn vận động để trưởng thành về chính trị mới làm được như vậy.

- Còn quân đội Philippin đã có cách hành xử hoàn toàn khác với cách hành xử thụ động và nhu nhược của quân đội VN trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước trước tham vọng của Bắc kinh, mặc dù quân đội nước này đang phải chật vật đối đầu với một cuộc nội chiến gây ra từ những phần tử Hồi giáo và Cộng sản cực đoan.

Quân đội nhân dân VN không phải là bất tài và vô trách nhiệm, nhưng họ đang bị bịt mắt  để phục vụ cho chính sách nhu nhược của đảng CSVN trong quan hệ với Trung cộng, bằng chứng là hai cuộc chiến tranh với Trung cộng  (1979 trên biên giới Việt –Trung và 1988 tại quần đảo Trường sa) đã chứng minh điều đó.

Quân đội nhân dân VN đang bị đảng CS trói tay và biến thành công cụ đàn áp nhân dân, có nghĩa là quân đội đã bị đảng CS sĩ nhục.

Việc ông Trương tấn Sang công du Trung quốc lần này với những cam kết về một sự “hợp tác chiến lược toàn diện” trên tinh thần “đồng chí anh em” chỉ đẩy đất nước lún sâu hơn vào hiểm họa lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung cộng mà thôi.

Để bảo vệ đất nước chúng ta cần một chiến lược ngoại giao hợp thời và khôn khéo cộng với một quân đội hùng mạnh, độc lập và chuyên nghiệp.

Muốn làm được điều đó Việt nam phải “thoát xác” như Miến Điện để phá vỡ thế cô lập chính trị hiện nay và thoát khỏi quỹ đạo của Trung cộng.

-         Dân chủ hóa đất nước để tháo bỏ những rào cản hội nhập thế giới.

-         Nâng mối quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN” để làm đối trọng với Trung quốc.

Vai trò của quân đội VN ngày hôm nay là góp phần định hình cho tiến trình dân chủ hóa VN.

Tóm lại quân đội muốn giữ được vị trí tôn quý của mình trong dòng sinh mệnh dân tộc và thực hiện được sứ mệnh trọng đại của mình là phục vụ Tổ quốc và nhân dân thì quân đội phải độc lập.

Quân đội muốn được tôn quý và độc lập thì phải ủng hộ việc xây dựng một chế độ dân chủ đa đảng, để không phải lệ thuộc vào bất cứ một đảng cầm quyền nào.

Quân đội chỉ làm nhiệm vụ quốc phòng và là một động lực để cân bằng chính trị.

© Huỳnh Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt

THEO DÒNG SỰ KIỆN:







 

 

Văn kiện đầu hàng

 

Bùi Tín
01.07.2013


 

 Việt Nam, Trung Quốc ra Tuyên bố chung


 


Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy.
 
Nhân danh Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 21 tháng 6 ông đã ký với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình bản Tuyên bố chung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước ta.
 

Bản Tuyên bố chung bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và phố biến đi khắp thế giới.

Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc.

Chắn chắn cả Bộ Chính trị 16 người đã được thông báo và đồng tình với bản Tuyên bố chung (TBC) thảm hại này.

Đọc thật kỹ bản TBC, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực.

 

Kính mời đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, kể cả các đảng viên Cộng sản, hãy đọc cho kỹ bản TBC ký chưa ráo mực này.

Ngoài bản TBC dài lòng thòng gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến 13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu, 2 bên còn ký đến 10 văn kiện khác, trong đó có Chương trình hoạt động chung của chính phủ 2 nước, Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa bộ Quốc phòng 2 nước, Thỏa thuận giữa 2 bộ Nông nghiệp về đường dây nóng trong nghề đánh cá trên biển, về giám sát chất lượng, kiểm dịch thực vật, Điều lệ hợp tác quản lý cửa khẩu trên đất liền, Ghi nhớ về xây dựng các trung tâm Văn hóa Việt – Trung, Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị, Hợp tác trong thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.…

Trong 13 mục quan hệ mở rộng và ăn sâu, sau khi khẳng định phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, TBC kể ra một loạt thỏa thuận : thường xuyên tiếp xúc ở cấp cao đảng, chính phủ, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác chiến lược toàn diện song phương, quan hệ chặt chẽ giữa 2 đảng, 2 ban Đối ngoại, 2 ban Tuyên huấn, về ngiên cứu lý luận, về xây dựng đảng, quan hệ giữa 2 bộ Ngoại giao, giữa các vụ, cục trong 2 bộ Ngoại giao, quan hệ giữa 2 quân đội, 2 bộ Quốc phòng, trao đổi về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đào tạo sỹ quan, trong tuần tra chung ở vùng biên phòng đất liền, hợp tác về thực thi pháp luật, an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về an ninh biên giới và cảnh sát biển, thực hiện kế hoạch  2 hành lang 1 vành đai vùng biên giới, hợp tác về năng lượng, giao thông vận tải, đầu tư kinh doanh, hợp tác về văn hóa, khoa học, công nghiệp và thông tin …

Bản TBC còn nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với 3 tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc - Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông - và đảo Hải Nam.

TBC cũng nói đến hợp tác của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt – Trung để tàu thuyền đi lại tự do trong khu Bắc Luân, hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc, và cũng không quên nói đến hợp tác đáng cá chung trong Vịnh Bắc Bộ.

Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy.

Đây phải chăng là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới của đảng CS Trung Quốc, với Tập Cận Bình cầm đầu, giăng ra để nhử Trương Tấn Sang chui vào tròng. Chiếc bẫy này chắc chắn đã được chuẩn bị rất công phu, và buộc Trương Tấn Sang phải cúi đầu chấp nhận cả gói, không sửa đổi du di gì được dù một ly.

Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt.

Đây có thể là phản ứng có tính toán của nhóm Tập Cận Bình đối với lời lên án của Việt nam tại cuộc họp Shangri La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua. Tuy chỉ là lời nói bóng gió, không nêu đích danh, nhưng cũng đủ để bị chạm nọc, để mất mặt giữa trường quốc tế và để nổi tự ái giận dữ. Đó là câu của thủ tướng Ba Dũng: «Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền». Đã nhún nhường, nói xa xôi, nhưng vẫn cay đắng, vì bọn trùm bành trướng luôn kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự coi là yêng hùng trong thiên hạ.

Trung Nam Hải gần đây tỏ ra rất lo ngại khi trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng như một số đảng viên CS lão thành tỏ rõ ý muốn Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu…trước mối đại họa bành trướng Trung Quốc.

Cũng có thể đây là một tính toán thâm độc của Trung Nam Hải, nhưng cũng có thể là một tính toán sai lầm trong cơn hoảng hốt. Họ không tính rằng sự lộ mặt quá lộ liễu là ông chủ của 16 ông vua tập thể ở Ba Đình là dại dột và nguy hiểm cho họ ra sao. Nước cờ này sẽ đẩy đảng CS Việt Nam đang núng thế thụt sâu thêm xuống hố suy thoái, bị lên án mạnh thêm là bán nước cầu lợi riêng, chia rẽ thêm nhóm lãnh đạo vốn đã hiềm khích nhau, kích thích mạnh thêm các cuộc xuống đường quyết liệt chống bành trướng và tay sai của đồng bào ta.
 

Tin liên hệ



* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link