Nghĩ vội về Tuyên bố ([*])
Trần
Minh Thảo
1/ Dân Phi luật Tân ‘tinh quái’
Bành trướng Bắc Kinh phát hành ‘hộ chiếu lưỡi bò’ gây ra phản ứng ngược của quốc tế. Hoa Kỳ cũng không chấp nhận thứ hộ chiếu ‘lưỡi bò’ đó với lý do vùng lãnh thổ trong đường lưỡi bò là vùng tranh chấp.
Vùng tranh chấp hay vùng xâm lược còn tùy cách nhìn của mỗi quốc gia nhưng với trách nhiệm chính trị, Hoa Kỳ nên có thái độ minh bạch và cần mạnh mẽ tuyên bố Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Hoa Kỳ có tư cách và bằng chứng để tuyên bố như vậy. Muốn thu phục nhân tâm thì trước sau gì Hoa Kỳ cũng phải tuyên bố như vậy.
Trong các quốc gia bị tấm hộ chiếu nhục mạ thì Ấn Độ và Philippines có phản ứng rất cân xứng.
Tấm hình dân Philippines mang theo ở chỗ rất ‘nhạy cảm’ trong cuộc biểu tình chống ‘đường lưỡi bò’ thể hiện sự trưởng thành của nền dân chủ và sự tinh quái của phản ứng dân sự trước tham vọng bành trướng lãnh thổ của bá quyền Trung Quốc của người Phi, một kiểu phản ứng dân sự rất bình dân nhưng dứt khoát trong khi họ không chịu thiệt hại nhiều mặt như Việt Nam.
2/ Ủng hộ hay phản đối?
Tháng 5/1912, Trung Quốc phát hành hộ chiếu lưỡi bò. Tháng 11/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Báo chí chính thống, mạng xã hội, các trang blog cá nhân… kịch liệt lên án, phanh phui các ngóc nghách thâm độc của chủ nghĩa bành trướng sau tấm hộ chiếu lưỡi bò mà dân Phi Luật Tân dùng để che hạ bộ trong cuộc biểu tình chống bành trướng.
Hôm nay, ngày 27/11/2012 tôi được xem bản Tuyên bố chính thức phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình ‘lưỡi bò’ lên hộ chiếu công dân (BVN) của 150 nhân sĩ trí thức trong ngoài nước. Tôi tán thành, ủng hộ bản Tuyên bố, giá như…
Thực ra từ khi nhóm dự thảo Tuyên bố đưa bản thảo lên mạng lấy ý kiến chỉnh sửa, tôi được biết có nhiều ý kiến tham gia xây dựng bản dự thảo. So sánh bản dự thảo và bản chính thức tôi thấy có sự ‘lột xác’gần như hoàn toàn. Giá như bản Tuyên bố chính thức cắt bỏ đoạn trích dưới đây thì hoàn hảo:
“Chúng tôi ủng hộ tuyên bố ngày 22-11-2012 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, trong đó nêu rõ: “Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông”.
Hoặc chỉnh sửa một tí như sau: “Chúng tôi không thể hài lòng trước tuyên bố chậm trễ ngày 22-11-2012 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, tuy nội dung tuyên bố thì hoàn toàn đúng: “Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông”.
Đoạn trích đó trong bản Tuyên bố đã ra mắt, trên danh nghĩa chính thức là để phản đối Trung Quốc nhưng vô hình trung lại ủng hộ việc làm chậm trễ của Nhà nước Việt Nam mà nhân dân không thể tán đồng (với tôi là như thế). Âm mưu thâm hiểm của Bắc Kinh về đường lưỡi bò thì Việt Nam là nước bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Vì thế, việc phản ứng chậm trễ của Nhà nước Việt Nam phải bị lên án gay gắt hơn ý đồ xỏ xiên của chính Bắc Kinh.
Nếu toàn tâm toàn ý vì độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ thì Nhà nước Việt Nam phải phản đối hộ chiếu lưỡi bò ngay hồi tháng 5/2012 và lập tức triệu hồi Đại sứ ở Bắc Kinh về nước báo cáo sự việc. Việc đó đồng nghĩa với việc hạ thấp quan hệ ngoại giao. Đó cũng là việc phải làm nếu Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chính trị đối với đất nước (là một hình thái tự trọng chính trị).
Cứ để đoạn này trong “Tuyên bố” thì có thể suy ra “Tuyên bố” phản đối TQ nhưng chủ đích ngầm là để ‘ủng hộ’ sự chậm trễ khó hiểu của Nhà nước Việt Nam. Một phát ngôn sau 6 tháng nói lên điều gì? Nhân sĩ trí thức Việt Nam có nên ủng hộ sự chậm trễ vậy không? Có lẽ đó là hỏng hóc kỷ thuật của Nhóm khởi xướng bản Tuyên bố?
Cũng trên BVN hôm nay (27/11/2012) có bài phỏng vấn ông Lê hiếu Đằng do GS Nguyễn Huệ Chi thực hiện. Bài phỏng vấn đề cập đến một hành vi phản đối dân sự rất tích cực trước sự hèn hạ – hộ chiếu lưỡi bò – của chủ nghĩa bành trướng, là nên bày tỏ quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược bằng các hình thức xuống đường có tổ chức và trật tự ở nhiều địa phương trong nước.
Nên chăng bản Tuyên bố cần thêm vào ý này: nhân dân Việt Nam giành toàn quyền tiến hành các phản ứng dân sự thích đáng cho đến khi nhà cầm quyền Bắc Kinh hủy bỏ hộ chiếu lưỡi bò và tham vọng nô dịch Việt Nam?
Phản ứng dân sự là hành vi của lòng yêu nước, yêu công lý vừa là hoạt động rèn đúc ý chí, tình cảm, ý thức vì nước vì dân cho các tầng lớp nhân dân trước hết và chủ yếu cho thanh thiếu niên – chủ nhân tương lai của đất nước.
Hai đề xuất vội sau khi xem “Tuyên bố”:
(1) Nhà nước Việt Nam phải triệu hồi Đại sứ tại Bắc Kinh về nước để tường trình vụ ‘hộ chiếu lưỡi bò’ và thông báo sự việc cho toàn dân biết.
(2) Nhà nước Việt Nam phải bảo hộ việc người dân tổ chức các cuộc “phản ứng dân sự” như Nhà nước Philippines đối xử với dân của họ
T.M.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment