Sunday, November 25, 2012

National Vietnam Veterans Museum


National Vietnam Veterans Museum
Phillip Island - Australia

________________________________________________________________________________________________

NGUYỄN KHẮP NƠI


 

Chủ Nhật 18 11 2012 vừa qua, tôi đã được mời tham dự buổi lễ “Back To Museum Day 2012” của Viện Bảo Tàng Quốc Gia Cựu Chiến Binh Việt Nam – National Vietnam Veterans Museum, tổ chức tại khuôn viên của Viện Bảo Tàng, số 25 Veterans Drive, Newhaven, Phillip Island VIC 3925.

Đã có khoảng hơn năm trăm quan khách Úc Việt (đa số là cựu quân nhân) tham dự buổi lễ này. Vì Viện Bảo Tàng cách xa Melbourne khoảng 120 km, nên đa số đồng hương đã tới dự buổi lễ bằng hai chiếc xe bus do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria và Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà Tiểu Bang mướn, còn dân Úc thì đến bằng xe riêng.

Người có sáng kiến tạo nên Viện Bảo Tàng Quốc Gia Cựu Chiến Binh Việt Nam là vợ chồng cựu Đại Uý John Methven và vợ là Krishna (John Methven là Đại Uý thuộc Tiểu Đoàn 7 của Quân Lực Hoàng Gia Úc Đại Lợi - The 7th Battalion, Royal Australian Regiment (7 RAR). Tiểu đoàn của ông được điều tới Việt Nam năm 1967 với nhiệm vụ giữ an ninh cho căn cứ Núi Đất và mở những cuộc hành quân tìm và tiêu diệt Việt Cộng quanh vùng. Mãn nhiệm kỳ, ông trở về Úc vào năm 1970). Vào năm 1996, hai vợ chồng đã gom góp được một số quân trang quân dụng của quân đội Úc sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, họ để tất cả vào một rờ moọc của chiếc xe Land Rover và lái đi chung quanh nước Úc, bất cứ nơi nào bạn bè họ (đa số là cựu chiến binh Việt Nam) muốn nhìn lại những vũ khí mà mình đã sử dụng trước đây. Hai vợ chồng gọi đó là... Phòng triển lãm lưu động (mobile museum). Đó cũng là ý kiến của Bộ Cựu Chiến Binh Úc (Bộ đã trả tiền xăng cho hai vợ chồng), muốn cho các cựu chiến binh biết rằng, một hội đoàn cựu chiến binh Úc vừa mới được thành lập, lấy tên là Vietnam Veterans Association of Australia. Hội đoàn này là nơi họ sẽ được giúp đỡ để ổn định cuộc sống sau chiến tranh và tìm lại những chiến hữu ngày xưa.

Trong chuyến viễn du này, John và Krishna đã thâu nhận thêm được rất nhiều hình ảnh cũng như quân trang quân dụng, nhiều tới nỗi, khi hai vợ chồng về tới San Remo, Phillip Isnland, họ phải dùng nguyên cái nhà đậu xe của họ để chứa những vật dụng kể trên. Garage này đã trở thành... Viện Bảo Tàng đầu tiên của cựu chiến binh Việt Nam, được khánh thành bởi ông Brian Flynn - đại diện Bộ Cựu Chiến Binh Tiểu Bang - vào ngày 21.3.1998 và cũng là ngày mở cửa cho công chúng vào xem.

Tới năm 1999, do nhận đuợc quá nhiều tặng vật và quá nhiều người đến thăm viếng, nhu cầu cần một cơ sở rộng hơn được đặt ra, Viện Bảo Tàng đã phải mướn một nơi rộng rãi hơn để phục vụ quần chúng. Đến thời điểm này, việc điều hành Viện vẫn là do tự nguyện và mọi tài sản của Viện đã được đưa vào Patriotic Trust Fund, do chính phủ lập ra. Từ đó, những tặng dữ từ $2.00 trở lên đã được cấp giấy chứng nhận trừ thuế (tax deductible).

Đến năm 2003, toà nhà đang mướn lại trở nên chật chội, Viện Bảo Tàng lại phải ra công tìm địa điểm mới.

Có người đề nghị dời Viện Bảo Tàng về Melbourne hoặc Geelong, nhưng tiền mướn ở cả hai nơi này đều quá cao, hơn nữa, cũng khó mà kiếm được lô đất thích hợp. Trong khi đó, Phillip Island vừa có nhiều khách du lịch viếng thăm (tổ chức đua xe hơi và xe môtô quốc tế (International Super Bikes, the Moto Grand Prix and the V8 Super Cars), nên Viện lại cố thủ ở Phillip Island.

Dịp may đã đến, có người đồng ý bán 1.25 mẫu đất với giá phải chăng, không tính tiền lời, trả dứt trong vòng 10 năm.Với sự trợ giúp của Vietnam Veterans Association, Viện Bảo Tàng đã mua được miếng đất nói trên. Viện cũng đã cố gắng mua một nhà kho lớn để dùng làm phòng triển lãm.

Bộ Cựu Chiến Binh lại ra tay trợ giúp với ngân phiếu $30,000 Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria cũng mở cuộc lạc quyên gây quỹ được $20,000. Hội Xe Môtô (The Victorian Vietnam Veterans Motorcycle Club and RAASC Association) cũng đã gây quỹ được gần $20,000 để tặng vào ngân sách của Viện.

May mắn thay, sau khi tiếp xúc với Hội Đồng Thành Phố Bass Coast Shire và Quỹ Phát Triển Những Thành Phố Nhỏ ở Victoria (Regional Development Victoria's Small Towns Development Fund), số tiền $30,000 của Bộ Cựu Chiến Binh hứa đã được tăng thêm để trở thành một số tiền trợ cấp là $250,000.
Chính quyền Liên Bang lại tặng thêm $58,000 nữa. Viện Bảo Tàng đã phải gấp rút đệ trình dự án mở rộng phòng triển lãm để xin giấy phép để được chấp nhận trợ cấp.

Vào ngày 09.3.2007, Viện Bảo Tàng Quốc Gia Cựu Chiến Binh Việt Nam đã được chính thức khai mạc bởi Thủ Hiến Victoria Steve Bracks, với hơn 2,000 khách tham dự. Với cái tên mới này, viện bảo tàng đã từ vị thế Tiểu bang trở nên một Viện Bảo Tàng với vị thế Quốc Gia, một tổ chức vô vụ lợi (Not For Profit Organisation) và được xếp vào danh sách những địa điểm viếng thăm của du khách tới Úc.

Hiện nay, Viện Bảo Tàng chứa hơn 25,000 hình ảnh, sách vở và quân trang quân dụng của Quân Lực Úc và Đồng Minh đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, từ 1962 tới 1972, bao gồm trực thăng Cobra Gunship - AH-1G Huey - Đại bác105mm Howitzer - Xe Tăng Centurion - Xe vận tải và Land Rovers – Hỏa Tiễn Aerial Rockets - Phi Đạn Precision Guided Missiles - Súng Cối 81 ly - 60 ly - Đại liên M60 - Tiểu Liên M16... Trong tương lai, Viện Bảo Tàng sẽ có thêm những Máy Bay Phản Lực (có thể là F100 hoặc A 37, A5) Khu Trục Cơ Sky Raider - Canberra Bomber và Wessex Helicopter.

Từ Melbourne tới Phillip Island lái xe khoảng hơn một tiếng. Tuy đường xá xa xôi nhưng chạy xe không thế nào lạc được, vì chỉ có một con đường tới đảo mà thôi, hơn nữa, Phillip Island là một địa điểm du lịch, nên bảng chỉ đường ở dọc đường đi rất nhiều. Đảo nối với đất liền bằng một cây cầu dài khoảng 700m, qua khỏi cầu, chạy một hồi, nhìn về phía tay trái sẽ thấy ngay Viện Bảo Tàng với một hàng cờ những Quốc Gia tham chiến tại Việt Nam, nổi bật lên trên nền trời. Bãi đậu xe thật lớn mà đã gần kín hết cả rồi, nào là xe bus, xe nhà, xe Mô Tô và cả... xe đạp nữa.

Phòng triển lãm là một cái nhà kho thật lớn, bao gồm một tầng lầu và tầng trệt, chứa đầy những quân trang quân dụng. Quan khách được mời vào phía trong, nơi chứa những máy bay mới mang về, đang được ráp lại. Khán giả cả Úc lẫn Việt đứng ngồi tràn đầy không còn lối đi, khán đài là một cái bục làm bằng những tấm bửng sắt cũ (làm bãi đáp máy bay trước đây) trải thảm lên cho lịch sự. Xướng Ngôn Viên do đích thân ông Gary Parker - Chủ tịch của Viện Bảo Tàng - đảm nhiệm.

Khác với cách tổ chức của người Việt chúng ta, mở đầu bao giờ cũng là Lễ Chào Cờ và hát Quốc Ca, dân Úc đọc diễn văn mở đầu trước, rồi cuối cùng, trước khi bế mạc buổi lễ, họ mới làm lễ chào cờ và mặc niệm. Đúng 11:45am ông Gary Parker đã mở đầu buổi lễ bằng bài nói chuyện kể lại lịch sử của Viện Bảo Tàng lưu động từ ngày đầu tiên cho tới nay. Sau đó, ông mời Thiếu Tá Bob Elworthy – Chủ Tịch Vietnam Veterans Association Victoria lên đọc diễn văn khai mạc.Ông Bob rất hãnh diện vì hội Vietnam Veterans đã góp phần vào việc mua miếng đất để xây cất lên một Viện Bảo Tàng có tầm cỡ quốc gia như ngày hôm nay.Ngày hôm nay cũng là ngày mà hội có đủ tiền trả đứt cho chủ đất để cầm được tấm bằng khoán đất trong tay.


John Methven đang nói lời cảm tạ sau khi nhận bằng khoán đất. Bên trái của ông là Luật sư của Hội Cựu Chiến Binh Úc, bên phải là ông Bob Elworthy và ông Gary Parker.

Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan có ký với nhau một hiệp uớc phòng thủ hỗ tương, gọi là ANZUS (1951). Vì thế, hễ trận chiến nào có một trong ba quốc gia tham dự, chắc chắn hai quốc gia kia cũng nhập cuộc. Trong chiến tranh Việt Nam, có Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan cùng tham chiến với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vì thế, trong Viện Bảo Tàng này, chắc chắn Hoa Kỳ và Tân Tây Lan cũng có phần.

Ông Daniel Taylor, Tổng Lãnh Sự Tân Tây Lan tại Victoria đã được mời lên khán đài giới thiệu phần đóng góp của các cựu chiến binh Kiwis.

Phần đóng góp này được đặt tên là "Home Fires Burning New Zealand' Vietnam War, do Bộ Văn Hóa và Truyền Thống New Zealand đảm trách.

Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Victoria, bà Mary Warlick được mời lên khán đài để giới thiệu quà tặng của Hoa Kỳ: Chiếc Trực Thăng Huey UH 1G.


Chiếc trực thăng này do Hoa Kỳ chế tạo, đặt tên là UH 1G và đưa cho Úc... mượn xài tạm trong thời gian Úc tham chiến ở Việt Nam. Khi nhận trực thăng, Không Quân Úc đổi tên chiếc máy bay chuồn chuồn này là Huey Bushranger A2-110.

Khởi đầu, trực thăng này giữ nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực (Gunship), được trang bị:

Hai Đại liên M 60, Hai Ống Phóng M158 với 7 Hỏa tiễn, Hai Trung Liên XM 21 gắn ở đầu máy bay.

Trong thời gian yểm trợ hỏa lực, trực thăng này đã bị bắn trúng nhiều lần, nhưng vẫn còn khiển dụng. Lần cuối cùng, trực thăng bị bắn gãy càng, hư hại nhiều chỗ, phải đáp khẩn cấp xuống một cánh đồng lúa. Sau khi tân trang, trực thăng này được dùng để chở quân dụng và tải thương. Sau khi hoàn thành sứ mạng, chiếc A2-110 được đem về Úc vào ngày 08.12.1970.

Không còn địa bàn hoạt động nữa, trực thăng được cho nằm ụ và trở thành nơi tạm trú cho... rắn. Đã có lần, các nhân viên bảo trì đã phải gỡ từng bộ phận của trực thăng ra để... bắt rắn, xong rồi thì lại để chiếc trực thăng phơi sương phơi nắng ngoài bãi đất trống.


Trực thăng UH-1G Huey Bushranger sau khi được tân trang.

Khi Viện Bảo Tàng ngỏ ý muốn xin chiếc trực thăng, Không quân mừng quá, vì đã có người chăm sóc dùm món đồ cổ, nhưng không dám cho, vì mình chỉ là người xài chứ không là chủ. Cuối cùng, Viện Bảo Tàng đã phải gởi thơ cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ để xin chiếc trực thăng làm vật dụng triển lãm.


Ông John Methven nhận giấy chủ quyền chiếc trực thăng.

Sau một thời gian chờ đợi, đơn xin đã được chấp thuận và Không Quân Úc đã phụ với Hội Cựu Chiến Binh Úc tân trang lại chiếc máy bay, gắn thêm phụ tùng và sơn phết lại đúng màu sơn ngày xưa. Chiếc trực thăng được hoàn tất và tháo gỡ cánh quạt ra để chuyên chở về Viện Bảo Tàng vào tháng 6.2012 vừa qua và chờ đến ngày hôm nay mới được chính thức chuyển giao cho chủ nhân mới.

Bà Mary Warlikc, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Victoria đã lên khán đài ca ngợi tinh thần chiến đấu của những binh sĩ Úc trong thời gian tham chiến tại Việt Nam trong nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng Đỏ Cộng Sản và những hành động khủng bố của chúng. Khi chiến tranh kết thúc, chiếc trực thăng này xứng đáng được trao lại cho các cựu chiến binh Úc để thể hiện tinh thần hợp tác giữa hai quân đội.


Trước một số đông cử tọa là những cựu chiến binh Việt Nam mà bà Mary không có một câu nói nào tới họ cả, nên anh Nguyễn Văn Bon - Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, trong phần phát biểu cảm tưởng, sau khi đã đề cao vai trò đồng minh của các chiến sĩ Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, xứng đáng là những anh hùng bảo vệ tự do cho người dân Việt, đã ca ngợi tinh thần chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến bảo vệ tổ quốc. Tinh thần chiến đấu này đã được truyền từ thế hệ cha anh qua thế hệ tiếp theo mà anh Bon và những người trẻ Úc gốc Việt hãnh diện là thành phần hậu duệ. Lớp người trẻ hậu duệ này đã cùng nhau gây quỹ được số tiền trên $20,000 để giúp trùng tu Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam. Lời nói của anh thật chân thành và đầy thiện cảm, đã làm cho các khán giả Úc cũng như Việt đứng cạnh tôi cảm động chẩy cả nước mắt. Có một bà vợ của cựu chiến binh Úc đã nhờ tôi chuyển lời lại cho anh Bon, nói rằng, bà rất cảm động khi nghe những lời nói chí tình của anh.

Ngoài Cộng Đồng Người Việt và các cựu quân nhân Việt Nam gây quỹ giúp đỡ, còn có nhiều hội đoàn khác cũng góp công vào việc trùng tu Viện Bảo Tàng. Hội Vetride gồm những cựu chiến binh Úc thích chạy xe đạp, đã cùng nhau đạp xe khắp Tiểu Bang Victoria để gây quỹ được $31,500 giúp trùng tu Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam.


Ông Peter, đai diện Vetride, trao tấm ngân phiếu tượng trưng số tiền $31,500 cho ông John Methven.

Sau buổi lễ, quan khách được mời đi vòng quanh Viện Bảo Tàng để ngắm những hình ảnh và quân trang quân dụng được trưng bày khắp nơi.

 



Súng Cối 60 ly và 81 ly.

Như đã trình bày ở trên, Viện Bảo Tàng có hơn 25,000 hình ảnh và quân trang quân dụng mà các Lực Lượng Đồng Minh và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã dùng trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam. Những vật dụng này (từ khẩu súng Carabin, Garant M1 cho tới lựu đạn Mk 26, Xe Tăng, Trực Thăng, từ những bức hình của các quân nhân Úc đang giao chiến với Việt Cộng ở Long Tân cho tới bức hình họ đang cấp phát gạo và thực phẩm cho dân lành... đã được trưng bày khắp nơi trong hai tầng lầu của phòng triển lãm, nếu muốn xem hết từng thứ, từng hạng, chắc phải mất cả một tuần lễ, thôi thì chúng ta hãy cùng nhau đi xem một vài thứ tiêu biểu trong trận chiến của chúng ta.

Trước hết, hãy nhìn hai khẩu Súng Cối 60 ly và 81 ly trang bị cho hầu hết các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chúng ta, từ cấp Đại đội và Tiểu đoàn. Đạn súng cối loại nào? Thuốc bồi loại nào? Bắn xa, bắn gần, nổ chụp nổ chậm ra sao... chắc anh em chúng ta còn nhớ. Đã có những trận chiến mà người lính Biệt Động Quân không có thì giờ đặt bàn tiếp hậu cho khẩu súng cối 60 ly, cứ thế mà ôm sát vào người, tự điều chỉnh hướng mà bắn về phía Việt cộng. Đã có những trận chiến mà người lính bắn súng cối tới đỏ nòng, phải tưới nước lên để tiếp tục bắn.


Trực thăng Cobra Gunship.

Trực thăng Cobra thường là do Không Lực Hoa Kỳ sử dụng. Với hỏa lực hùng hậu (hai Đại liên 6 nòng, hoả tiễn...) và thân hình dẹp lép dễ hoạt động, trực thăng này thường giữ nhiệm vụ dọn bãi đáp trước khi đổ quân và yểm trợ cho các đơn vị trong lúc chiến đấu.


Bạn đã có lần nào xin pháo binh bắn dọn đường trước khi tấn công địch hoặc xin đại bác 105 ly yểm trợ khi bị địch tấn công hay không?

Chắc là bạn cũng có vài lần... tùng thiết, phải không bạn?

Tôi nhớ lần hành quân trực thăng vận đầu tiên, khi đi thực tập với Tiểu Đoàn 44 Biệt Động Quân ở chiến trường Kiến Phong, chiếc trực thăng đảo qua đảo lại, làm cho tôi không còn biết đâu là Trời đâu là Đất nữa, lúc được lệnh nhảy, chúng tôi nhảy xuống ngay một con sông nhỏ đầy những nước, người xạ thủ súng cối mang nặng quá, chìm lỉm xuống tận đáy sông, tất cả phải xúm lại moi anh ta lên.


Trực thăng Wesex

Trực thăng Wesex được phi đoàn 219 sử dụng để thả những toán Biệt kích xâm nhập vùng tam biên và các mật khu của Việt Cộng.

Đi xem khắp mọi nơi, nhiều chiến hữu đã có cùng một ý nghĩ: Còn thiếu một cái gì đó.

Cái gì đó tức là những quân trang, quân dụng mà người Lính Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã sử dụng trong cuộc chiến chống lại bọn Cộng sản xâm lược. Những chiếc nón bê rê Đỏ, Xanh, Nâu, Đen đang ở đâu? Những bộ quân phục màu xanh rừng núi, những bộ quân phục rằn ri ở đâu? Và cả những huy chương mà chúng ta đã nhận lãnh nữa.


Lễ Chào Cờ và Mặc Niệm ở cuối chương trình.

Các bạn của tôi ơi, hãy tặng một vài món quân dụng tiêu biểu của chúng ta, hãy cùng nhau góp phần vào Viện Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam, các bạn nhé.

Đó là Viện Bảo Tàng của chúng ta đó.

NGUYỄN KHẮP NƠI

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link