Friday, November 30, 2012

Pháp điều tra quần áo “made in China” gây dị ứng nghiêm trọng


Pháp điều tra quần áo “made in China” gây dị ứng nghiêm trọng


Bích Vân


 

Chất diméthylfumarate (DMF) lại một lần nữa trở thành đầu đề bàn tán xôn xao tại Pháp trong mấy ngày vừa qua. Nạn nhân của chất DMF, thường thấy trong các sản phẩm xuất xứ từ Trung quốc, lần này là một em bé gái ở làng L’Aigle thuộc tỉnh Orne ở vùng Basse-Normandie của nước Pháp. Theo tường thuật của báo Le Réveil Normand, tất cả những đau đớn mà em bé này phải gánh chịu bắt đầu từ cái váy và cái áo T-shirt mà ông bố đã mua để mừng sinh nhật cô con gái vừa đúng 4 tuổi. Ngay hôm sau ngày sinh nhật, trên người cô bé bắt đầu nổi đầy những nốt mẩn đỏ, và rồi tình trạng càng ngày càng nghiêm trọng khi những vết mẩn đỏ mọc dầy đặc khiến sưng vù mặt mũi và cả cơ thể, ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng của cô bé nguy kịch đến nỗi phải đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện địa phương ở L’Aigle, rồi được chuyển đến bệnh viện ở Lisieux và sau cùng là bệnh viện đại học (CHU) ở Caen. Tại đây các bác sĩ đã chẩn đoán chất DMF là nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng; cô bé đã được điều trị và hiện nay đã hoàn toàn bình phục.

Đây không phải lần đầu tiên mà chất DMF là “thủ phạm”. Năm 2008, một loạt các trường hợp dị ứng liên quan đến quần áo, giày dép, ghế sô-pha và các ghế bành “made in China” có chứa chất DMF đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mãnh liệt tại Pháp. Chất DMF có công dụng chống mốc được đựng trong các túi nhỏ nhét trong giày dép hoặc trong các ghế nhồi nệm; nhưng với thời gian chất DMF có khuynh hướng bay hơi và biến thành khí. Triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da, ngứa ngáy do chất DMF cũng tương tự như những người bị dị ứng với chất nickel (đồ trang sức, khuy nút quần jean, .v.v…) Rất nhiều trường hợp bị dị ứng vì những ghế nệm của Tàu đã từng được ghi nhận tại Phần-lan và Anh quốc từ năm 2007; chính vì thế mà giới bác sĩ đã cho công bố một tường trình về sự độc hại của chất DMF trên tạp chí British Journal of Dermatology (ấn bản tháng Bảy 2008). Kết quả là chất DMF đã bị cấm xử dụng tại Pháp và nhiều quốc gia Âu châu từ năm 2008.

Ông thị trưởng Thierry Pinot của L’Aigle đã yêu cầu nước Pháp phải có thái độ để bảo vệ con dân, phải điều tra rồi tịch thu lô hàng của Trung quốc trên thị trường, và nếu cần thiết, phải cảnh báo các quốc gia tại Âu châu về sự kiện này. (BV)

Còn ai dám cho rằng người tuyết Yeti chỉ là sản phẩm của tưởng tượng?

Cuối năm ngoái Giám đốc Igor Burtsev của Trung tâm quốc tế về Hominologie và Zoologie (động vật học) tiết lộ với thông tấn xã ITAR-TASS của Nga rằng trong thời gian gần đây dân số của người tuyết Yeti tại Nga đã tăng gấp ba lần, nghĩa là rất có thể có khoảng 30 người Yeti, còn gọi là Bigfoot, đang lẩn quẩn trong những khu vực rừng núi của vùng Kemerovo. Lời tuyên bố này đã được báo giới rầm rộ đăng tải trước thời điểm của cuộc hội nghị quốc tế có chủ đề thảo luận về người tuyết Yeti, được tổ chức từ ngày 6 đến 8/10 tại Tashtagol (ở vùng phía nam Kemerovo của nước Nga) với sự tham dự đông đảo của các chuyên gia quốc tế từ Canada, Trung quốc, Estonia, Mông-cổ và Thụy-điển, .v.v… Các nhà nghiên cứu Hoa kỳ và Nga nhân dịp này đã phổ biến nhiều tài liệu chứng minh những ái lực về di truyền giữa người tuyết Yeti và người homo sapien (thời đại của chúng ta), cùng nhiều đoạn phim video, các hình chụp, và cả những đoạn thâu âm ghi lại những tiếng nói trao đổi qua lại giữa các Yeti với nhau.

Sau khi cuộc hội nghị kết thúc, một nhóm các khảo cứu gia về nhân chủng học đã khởi hành trực chỉ vùng núi Shoriya ở Kemerovo của nước Nga, để tìm kiếm dấu vết chứng tỏ sự hiện hữu của giống người Yeti. Đây là cuộc du hành đầu tiên được tổ chức quy mô kể từ chuyến thám hiểm nổi tiếng thế giới do sử gia Boris Porchnev (kiêm giáo sư về nhân chủng học) cầm đầu năm 1958, để truy lùng dấu tích của người tuyết. Các nhà thám hiểm quốc tế của 5 quốc gia (Hoa kỳ, Nga, Canada, Estonia và Thụy-điển) đã tìm thấy trong hang động Azasskaïa những vết tích cùng những dấu chân rõ ràng và rất lớn của một sinh vật kỳ bí. Sau một năm trời nghiên cứu những nắm lông tìm thấy trong hang, các khảo cứu gia của 3 phòng thí nghiệm tại Mạc-tư-khoa, Saint-Petersburg (Nga) và tại đại học Idaho (Hoa kỳ) đều đi đến cùng một kết luận: những sợi lông này không thuộc về người mà thuộc về một sinh vật có vú cho đến nay khoa học chưa biết tới. DNA của những sợi lông cho thấy một sự khác biệt ít hơn 1% so với DNA của loài người chúng ta. Theo nhận định của các khảo cứu gia, DNA của những nắm lông được tìm thấy trước đây ở Hoa kỳ, và ở vùng Ural gần St Petersburg của Nga, giống hệt như những sợi lông tìm được trong hang Azasskaïa ở Kemerovo.

Từ ba năm qua, nhiều người quả quyết đã trông thấy người tuyết Yeti ở vùng núi Shoriya hiểm trở (năm ngoái, Ngày Người Tuyết đã được ghi thêm vào lịch các ngày lễ chính thức tại vùng núi Shoriya). (BV)

Hoà-lan rồi cả Hoa kỳ cũng sắp xây “xa lộ thông minh”

Vào giữa năm 2013, những con đường xa lộ tại Hoà-lan sẽ trở thành “thông minh”, và đây là dự án lần đầu tiên được thực hiện tại Âu châu. Theo đăng tải của tạp chí Wired, điểm đặc biệt nhất của xa lộ thông minh (smart highway) là có thể chiếu sáng ban đêm với hệ thống đèn đường gắn sensor, và những bảng chỉ dẫn hai bên đường ngoài nhiệm vụ chỉ đường còn có thể điều chỉnh những thông tin về thời tiết để các người lái xe thích ứng với các tình huống cụ thể trong giao thông. Những con đường xa lộ của hệ thống smart highway tại Hoà-lan có thể toả sáng, lấp lánh trong bóng tối, nhờ được rắc chất bột lân tinh; ngoài ra tất cả các loại xe chạy bằng điện có thể xạc lại bình điện khi chạy trên smart highway. Các cột đèn được gắn sensor trên xa lộ thông minh, hoạt động nhờ các tuộc-bin cung cấp năng lượng bằng sức gió (wind turbine), chỉ sáng lên khi có xe chạy gần tới.

Dự án smart highway sẽ do nhà thiết kế xây dựng Daan Roosegaarde nổi tiếng của Hoà-lan đảm trách, với sự hợp tác của công ty Heijmans Infrastructure chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau Hoà-lan sẽ đến lượt vùng duyên hải phía tây của Hoa kỳ cũng được thiết kế với hệ thống smart highway (loại xe không người lái của Google sẽ được thử nghiệm tại vùng này). (BV)

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link