Friday, November 30, 2012

Lê Tài Điển, Trong Tôi Xuân Về


 

Lê Tài Đin, Trong Tôi Xuân V

 

 Nguyễn-Xuân Nghĩa



 

Hồi tưởng về tuổi hoa niên với Lê Tài Điển là đụng vào hiện tượng "télescopage", sự va chạm dữ dội cùng lúc của ký ức, làm bung ra những màu sắc táo bạo, lạnh lùng mà buồn thảm. Như tranh của ông. Trong nhà tôi, duy nhất có bức tranh sơn dầu của một tác giả Việt Nam thì đấy là tranh Lê Tài Điển.



Năm xưa, khi đọc cuốn "Bốn Mươi" của Mặc Đỗ, chúng tôi còn là những đứa trẻ.

Ngày nay, đã gấp rưỡi tuổi đó mà nhìn lại thì Paris và Sàigon đã gấp làm một. Ở giữa là mái tóc Lê Tài Điển như cái bờm sư tử và tiếng "ụ ẹ" rất độc đáo của ông... Nhớ lại là lại trào nước mắt.

Tôi có cái may là chơi với người bạn mình coi là bậc thầy mà vẫn được gọi là "mày tao", dù Lê Tài Điển sinh trước khá lâu. Xin nói về chuyện "thầy trò" này trước, được khám phá khi còn đi học tại Paris.

Thời điểm là quãng 1968-1969. Địa điểm là Châtillon, nơi Điển trú ngụ trong một căn phòng tối cùng một người em cũng ít nói như ông. Khi ấy, tôi nào có biết họ Lê Tài là một dòng họ lớn ở miền Nam?



Lê tài Điển –Thái Tuấn - Nguyễn Phước

Tỉnh Hauts de Seine là vành cung ôm lấy phía Tây thủ đô Paris, từ Bắc xuống Nam. Châtillon là mỏm cực Nam của tỉnh, từ Paris đi xuống bằng xe điện ngầm thì phải mệt mỏi đến trạm cuối, hình như là Châtillon-Montrouge, còn sâu hơn Montrouge, là nơi gặp Danh, Lộc, Hương, Phương....

Thời ấy, Điển hút Peter Stuveysant rất thơm trong gian phòng chỉ có mùi cà phê đặc. Căn phòng tối vì chúng tôi chỉ gặp nhau nơi đó vào lúc âm u ban chiều.

Hàng năm, ngoài tờ nguyệt san Sinh Viên in ronéo, và có bàn tay của Điển, Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris vẫn tổ chức một đêm văn nghệ Tết tại rạp Maubert Mutualité. Một hý viện bình dân gần hai ngàn chỗ, tại Quận Năm. Năm đó là ngay sau vụ Mậu Thân 68 ở nhà.

Đám sinh viên tụi tôi bảo nhau phải đưa ra một tay chống cộng nổi tiếng trong cuộc bầu cử vào Ban Chấp hành. Trong Ban Chấp hành đắc cử nhiệm kỳ 1968-1969, có Lê Tài Điển. Chủ tịch là kẻ mang tiếng du côn ưa đánh lộn ngoài đường với đám sinh viên Cộng sản hay thân cộng, là người viết này. Còn lại, đều là những người tử tế, đôi khi không hiền lành, như Đinh Xuân Quân.



Nguyễn Trung ,Nguyễn Cầm ,Mai Thảo ,LêtàiĐiển

Paris 1991  

Tổ chức Văn nghệ Tết Kỷ Dậu, vụ Mậu Thân 68 có phần lấn át lễ kỷ niệm chiến thắng Kỷ Dậu 1789. Vì chủ đề của buổi văn nghệ đó phải là biến cố Mậu Thân và những vụ thảm sát ở nhà.

Viết nhạc cảnh không kéo màn, non-stop, cho buổi trình diễn đó là sự tài hoa của Nguyễn Kim Cương. Học Jean Jacques Rousseau ở nhà, Cương đã vào trường Ponts (Kiều Lộ) nhưng là tay kỹ sư có máu văn nghệ và trình độ văn hóa thuộc loại cao nhất trong số anh em....

Nhưng trên một sân khấu bề ngang 18 thước, làm sao diễn tả những cảnh đổ nát của chiến tranh - mà ngân sách của một hội sinh viên thì có hạn? Lê Tài Điển trầm ngâm suy nghĩ về bài toán này.

Chúng tôi thuộc vào loại bạn chí thiết đến độ cả ngày không nói với nhau quá ba câu. Có gì để nói đâu, ánh mắt là đủ. Đấy là sự cô đơn thoải mái.

Trong căn phòng tối thui, ngổn ngang đồ vật lỉnh kỉnh của một họa sĩ, điêu khắc gia và thiết kế nữ trang để kiếm sống, Điển làm một bình cà phê đặc quánh, có thoả hiệp với sức khoẻ là châm chút sữa, nhưng kéo thuốc liên hồi. Quấn chăn, mặc áo lạnh như con gấu, ông cứ nín thinh tựa một thiền sư. Rồi xé tấm bìa trắng, gấp làm ba như hình chữ U, ông bật ngọn đèn thổ tả trên bàn và chiếu áng sáng vàng vọt vào đó.

Sân khấu đấy!

Với màu nước và cây cọ nhỏ bằng chiếc bút chì, Điển thư thái nhờ Peter Stuveysant dẫn về nhà, hay vào một thế giới khác. Bên cạnh, tôi ngồi đực mặt với bản thảo của vở nhạc cảnh. Chẳng hiểu gì khi Điển nguệch ngoạc vẽ màu đen đỏ chằng chịt trên vuông giấy to bằng tấm carte postale.

"Đấy là maquette của sân khấu, mô hình theo đó tụi mày cố mà làm!"

Tôi hơi run và càng run hơn nữa khi anh em phải mua vải bố loại rẻ nhất rồi díu vào nhau thành một tấm bạt trắng trải lên gian phòng ở sân thượng của Đại học xá Maison de l'Indochine. Đây là loại nhà kho trên lầu bốn để chất những vật dụng chẳng ai thèm ngó tới, kể cả một bức tranh của Lê Phổ từ năm 1936 và nhiều áo quần của binh lính thời xưa, hình như đem từ nhà qua cho một cuộc Đấu xảo thời Khải Định mà mọi người đều quên ở đó.

Chuyện kinh hãi hơn là Lê Tài Điển mở ra từng thùng sơn đỏ, cam, xanh, đen. Ông lấy thanh gỗ pha ngoáy lung tung và đổ ào lên tấm bạt rồi lấy cây cọ bự bằng cái chổi mà quét ngang dọc liên hồi. Chúng tôi bì bõm trong màu mà hơi hốt hoảng vì vốn liếng chỉ có ngần đó thôi! Đợi sơn khô rồi, Điển cầm chổi vẽ dọc ngang từng mảng đen ngòm.

Nghĩa là từ tấm bìa vẽ đỏ đen trong phòng, Lê Tài Điển đã sai chúng tôi phóng màu lên tấm bạt mười mấy thước và ngoáy thêm mấy mảng xanh đậm. Rồi đợi ngày lên khung. Là đem lên sân khấu rạp Maubert tìm cách treo lên mà không được trùng. Bên dưới là mấy thùng carton méo mó được trải trên sàn, phủ bằng vải bố dày cứng những sơn.

Chúng tôi hơi khớp cho buổi tập dượt. Gói ghém đồ nghề vào nhà kho cho buổi trình diễn thì còn run hơn nữa mà không vì lạnh. Tháng Hai buốt giá tại Paris mà đi dán biểu ngữ quảng cáo cho buổi Văn nghệ Tết Kỷ Dậu, trong khi chờ đợi đụng trận với phe bên kia, tại cùng một rạp vào một ngày khác.

Thế rồi, đêm đó, khi sân khấu mở màn thì tôi học được bài học về sự sáng tạo của nghệ thuật.

Màn kéo lên trong tiếng nổ chát chúa của bom đạn và những tràng liên thanh bất tận. Hình như đấy là phần kỹ thuật của Trịnh Xuân Điều. Ánh sáng nhập nhòa trong tiếng súng, nghi ngút toả khói từ neige carbonique và tràn ra ngoài.
Khi khói tan dần thì khán giả ứa lệ trước cảnh thê lương đổ nát.
Chân trời đỏ rực những mái nhà sạt góc, phơi ra rui mè đen đủi, bên dưới là những mảnh vụn của gạch vữa và cây cối, cùng những xác chết ngổn ngang.

Khán giả bên dưới bật khóc khi bà mẹ tìm con, vợ tìm chồng và lật ngửa từng người để xem mặt. Đủ cả, lính quốc gia lẫn đặc công Việt cộng! Một người từ Besançon xuống đã được anh em đôn vào trận đánh này là Mai Thanh Truyết. Nhờ dáng vẻ gầy gò nên thủ vai Việt cộng là hợp cách!

Sau giây phút bàng hoàng làm mọi người chết lặng, bỗng thấy trổi lên điệu "Giang Đông Hướng Mã" của cổ nhạc Nam phần:
"Cũng tại chúng, nhân ngày Xuân,
"Hưu chiến rồi phản công
"Dùng dân làm bia!
"Rồi thua trận trên đường bại tẩu
"Đốt nhà! Bắn nhầu...
"Nghe tin ấy, sinh viên ở đây,
"Đau xót, hờn căm"....

Ngày nay, người sáng tác vở nhạc kịch này là Cương thì có thể đã quên. Và cũng quên phần kết rất vui tươi lấy từ một điệu Chèo cổ của miền Bắc, trên một rừng cờ vàng rực sáng. Tôi thì không quên và vẫn thắc mắc. Vì sao một kỹ sư Kiều Lộ sinh ở ngoài Bắc, du học từ một trường Tây ở Sàigon lại biết và nhớ ngần ấy điệu ca của dân gian để đưa vào một màn ca vũ nhạc cảm động như vậy?

Bây giờ thì mình cũng hiểu vì sao Lê Tài Điển là một người thầy.



Ngồi trong căn phòng nhỏ hẹp ở vùng ngoại ô tồi tàn của Paris, ông mường tượng ra sự hoang tàn ở nhà và trên một mảnh giấy nhỏ đã vẽ từ trong đầu ra sân khấu rạp Maubert. Khi âm thanh và ánh sáng nổi lên, những tấm vải bạt với màu sắc tối ám vô nghĩa bỗng sống dậy, bật lên như một trái đấm vào tim.

Tôi kết luận là họa sĩ nhìn sự thể không giống người thường.

Và biết mình sẽ không thể đi vào hội họa! Tôi kính trọng các họa sĩ và càng kính trọng ông khi thấy nét vẽ Lê Tài Điển từ bốn chục năm trước đã dần dần xuất hiện ở nhiều người khác. Nhưng Điển thuộc vào loại nghệ sĩ có tài mà có tật: rất ghét bán tranh của mình!

Sau này, khi về nước làm việc, trong nhà tôi chỉ có tranh Lê Tài Điển. Vẫn lầm lì ít nói, ông đến tận nhà, lên khung căng bạt để vẽ. Những tác phẩm đó rồi cũng mai một sau biến cố 1975.

Nhà ông ở đường Trần Quý Cáp có những tàng cây trứng cá trên cái sân im ắng như cuộc đời ông, hiền lành như thân phụ ông, một cụ ông có phong cách của nhà giáo miền Nam. Nhưng ít ai biết là tuổi thanh xuân của Lê Tài Điển lại không phẳng lặng như vậy!

Nứt mắt ra đã đi biểu tình vụ Trần Văn Ơn. Sau này còn dính líu đến vụ Nguyễn Văn Trỗi và bị mật vụ thời ông Diệm đánh cho nhừ tử. Ở bên trong ổ kiến lửa, ông biết Nguyễn Văn Trỗi là không có thật và chạy trối chết qua Pháp. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định này cũng lạ!

Tại Paris, ông ở vào phe quốc gia thứ thiệt, dù đã từng bị bầm dập từ cả hai phía. Vậy mà khi về nhà, ông còn bị kẹt lại sau 75. Không nói ra, chúng tôi đều lo....

Trong ngôi nhà của ông, dưới tàng cây trứng cá, tôi được gặp một bà dì họ xa của Điển. Bà là cố nhân của Tướng Nguyễn Bình và nói chuyện rất lâu về giấc mơ độc lập rồi những bẽ bàng sau đó. Nguyễn Bình hay Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Xuân Thảo gì đó là những tiền kiếp của quê nội tôi ở làng An Phú đất Hưng Yên. Tôi nghe lại những chuyện đó trong ngôi nhà của Điển trên đường Trần Quý Cáp ở Sàigon - và cứ hỏi "tại sao mày kẹt lại?"

Kẹt lại không chỉ trong không gian mà cả một khung cảnh đầy nhiễu nhương của thời gian. Nói cho cường điệu là của lịch sử!

Từ năm ngoái, Nguyễn Xuân Hoàng tại San Jose và Phan Thị Trọng Tuyến ở bên Pháp liên lạc để nói về "Dự án Lê Tài Điển". Khi ấy, tôi dự tính trình bày lòng ngưỡng mộ của mình cho một thằng bạn tuổi thanh xuân. Nhưng ngần ấy kỷ niệm va chạm và vỡ vụn như những tảng màu của một bức tranh buồn khiến mình tần ngần mãi. Khởi đầu là truyện "Bốn Mươi" của Mặc Đỗ, với các nhân vật có ký ức chồng chất từ phe này qua phe kia trong sự loay hoay chung của đất nước. Đến thế hệ chúng tôi cũng vậy.

Cuối cùng, chỉ có Lê Tài Điển là bình thản lãnh hết. Rồi phóng lên tranh, viết thành thơ. Trong sự không may chung, ông là người ung dung nhất. Riêng tôi thì giữ được một phần thưởng chẳng ai trao: "Có người bạn thân nhất trong tất cả các bạn xưa nay, chính là Lê Tài Điển".

Tôi có nhờ Nhã Ca, Nguyễn Xuân Hoàng và nhiều người khác nhắn cho điều ấy. Nay thì xin được viết lại trên giấy, và nhớ lời dặn dò của thằng bạn lúc nào cũng mạnh bạo trong sự từ tốn bí hiểm như hội họa của ông. Đó là tên bài thơ xuôi "Tình Ca Đất Nước Ta Đi Tới"....

GHI CHÚ: TUYỂN TẬP NHỮNG MẢNG RỜI

Buổi Ra Mắt Sách Tuyển tập Những Mảng Rời của tác giả Lê Tài Điển tổ chức vào Chủ Nhật 18/11, lúc 3PM, tại Việt Báo Gallery, 14841 Moran St, Westminster, CA 92683. L/L (714) 894-2500.3

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link