Thursday, November 29, 2012

Áp Lực Quân Sự Mới Đè Nặng Lên Đông Nam Á

Áp Lực Quân Sự Mới Đè Nặng Lên Đông Nam Á

Đào Văn Bình

 

Vào ngày 25/11/2012 các trang tin điện tử BBC, Đất Việt và Reuters đã đưa tin “ Máy bay tiêm kích J-15 cất và hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc”, đồng thời kèm theo đoạn Video ngắn của Đài Truyền Hình CCTV ghi lại hình ảnh chiến đấu cơ J-15 cất cánh và hạ cánh đẹp mắt giống như các máy bay của Mỹ trên các hàng không mẫu hạm. Như thế, trái với dự đoán của các nhà bình luận quân sự Tây Phương là còn lâu hải quân Hoa Lục mới học được kỹ thuật hạ cánh và cất cánh, một mắt xích then chốt của bất kỳ hàng không mẫu hạm nào.
 
Không chở theo máy bay hoặc có chở theo máy bay, mà máy bay không thể cất cánh thì hàng không mẫu hạm chỉ là chiếc quân vận hạm khổng lồ, làm mồi ngon cho máy bay và tàu chiến địch. Hai trang tin điện tử trên cũng cho rằng với thành công này, Hoa Lục sẽ sớm đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào lực lượng tác chiến trên biển.



Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trước đây có tên tạm Thi Lang là chiếc tàu cũ Varyag của Ukraina mà Hoa Lục mua lại chỉ có xác, không động cơ vào năm 1998. Sau đó nó được bí mật hiện đại hóa tại Liêu Ninh mãi tới năm 2011 tin tức mới được công bố. Hiện nay một số vẫn cho rằng, đối với Mỹ thì tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là “cọp giấy” hay thứ “hàng mã”, không thể so sánh với bất kỳ tàu sân bay nào của Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta thử xem “con cọp giấy, đồ mã” đó nó được trang bị như thế nào.
 
 Theo Wikipedia thì hệ thống vũ khí đáng chú ý của Liêu Ninh là Type 1030 CIWS và tên lửa FL-3000N. Theo thiết kế, nó có thể được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 8 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS, và hệ thống pháo phản lực chống tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW.
 
Cũng theo thiết kế, nó có thể mang 26 máy bay chiến đấu và 24 trực thăng võ trang v.v..và chở theo khoảng 4000 thủy quân lục chiến.” Theo chiến lược hải quân hiện đại, một hàng không mẫu hạm thường được hộ tống bởi: 2 tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo, 2 tàu trang bị hỏa tiễn phòng không và từ 1-2 tàu khu trục săn tàu ngầm. Nếu cần đánh chiếm, đổ bộ một hòn đảo hay quần đảo nào, nó có thể dẫn theo vài chiếc tàu đổ bộ khổng lồ LPD lớp 071: Với chiều dài 210 m và nặng 20.000 tấn, có bãi đáp cho 2 chiếc trực thăng và có thể mang theo tổng cộng 4 trực thăng quân sự loại Z-8 hoặc Z-9. Ngoài ra, mỗi chiếc tàu LPD lớp 071 còn có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí, 2 tàu chiến loại nhỏ cùng 800 binh lính, 20 xe bọc thép. Tàu đổ bộ này trước đây đã thấy lảng vảng ở Trường Sa của Việt Nam và Bãi Cạn Scarborough của Phi Luật Tân, ấy là chưa kể khoảng 52 tàu ngầm loại quy ước (không mang vũ khí nguyên tử) đã và đang được triển khai từ Bắc Á, Thái Bình Dương tới Biển Nam Ân Độ.

Với hỏa lực hùng mạnh như vậy, có thể nói khi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được triển khai, không một quốc gia Đông Nam Á nào, kể của Úc Châu có khả năng đề kháng. Việt Nam hiện nay - với hệ thống hỏa tiễn phòng thủ bờ biển vừa cố định vừa di động Bastion (của Nga) và Brahmos (của Ấn Độ) được các nhà quân sự thế giới đánh giá rất cao nhưng cũng không thể ngăn nổi hỏa lực của Liêu Ninh khi nó tiến gần Trường Sa - nếu Việt Nam không trang bị thêm tiêm kích Sukhoi, tàu ngầm Kilo và tàu ngầm Mini tàng hình.

Chỉ cách đây ít ngày Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) 20-11-2012 đã phủ một lớp mây đen lên bầu trời ASEAN khi Hoa Lục “ rót tiền vào” và khống chế được Kampuchia khiến khối này không thể đưa vấn đề Biển Đông ra trước bàn hội nghị - dù có sự hiện diện của “đại cao thủ” Obama. Tệ hại hơn nữa, Kampuchia còn “xập xí xập ngầu” tuyên bố ASEAN đã thống nhất lập trường không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự khiến tổng thống Phi Luật Tân phải phá bỏ nguyên tắc ngoại giao bằng cách họp báo phủ nhận. Cũng trong dịp này Tổng Thống Obama đã thăm viếng Thái Lan để xiết chặt thêm mối quan hệ hợp tác chiến lược với quốc gia đã từng là đàn em thân tín của Mỹ từ 1951.
 
Thế nhưng chỉ hai ngày sau, Thái Lan đã theo chính sách “ đưa người cửa trước, rước người cửa sau” bằng cách long trọng đón tiếp Thủ Tướng Ôn Gia Bảo với nghi thức ngoại giao dành cho Tổng Thống Obama, làm cho Mỹ ngỡ ngàng. Nhân dịp này Ô. Ôn Gia Bảo đã khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Trung Quốc ở Bangkok, thắt chặt và mở rộng hợp tác về mọi mặt và hứa mua 5 triệu tấn gạo của Thái Lan. Hiện nay Bắc Kinh và Bangkok còn triển khai nhiều chương trình hợp tác văn hóa, giáo dục. Hiện tại, có khoảng 800,000 người Thái đang theo học tiếng Trung Hoa. Trung Quốc đã xây dựng hoàn tất 12 trường nghiên cứu về Khổng Tử tại Thái Lan. Vào ngày 17/4/2012 bà Thủ Tướng Yingluck đã đưa một phái đoàn hùng hậu tới Bắc Kinh. Trong cuộc hội kiến này, Bà Yingluck Shinawatra đã cùng Ô. Ôn Gia Bảo cam kết đưa con số ngoại thương giữa hai nước tăng lên 100 tỉ đô-la trong năm nay.
 
Theo các hãng thông tấn quốc tế, Thái Lan là nước Đông Nam Á đầu tiên ký hiệp định khung hợp tác chiến lược lâu dài với Hoa Lục.
 
Trước hình ảnh trớ trêu đó, các nhà bình luận quốc tế phải ngao ngán nói rằng Thái Lan đã theo chính sách “gió chiều nào theo chiều đó” tức sẵn sàng bỏ rơi đồng minh chiến lược nếu đồng minh chiến lược của mình suy yếu hoặc không còn thích hợp với quyền lợi lâu dài hoặc trước mắt của mình. Đài BBC đã bình luận rằng chuyến đi của Tổng Thống Obama để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Nam Vang chỉ có tính hình thức. Sự thất bại của hội nghị - chia rẽ, không thống nhất được tiếng nói chung- cùng chính sách ngoại giao “đu giây” của Thái Lan đã cống hiến cho Hoa Kỳ một bài học là lôi kéo Đông Nam Á ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Lục không dễ như Hoa Kỳ tưởng.

Đám mây đen của hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh chưa tan thì một tin không vui lại đến: Hoa Lục vừa cho in bản đồ Trung Quốc có Đường Lưỡi Bò trên sổ xuất cảnh, công khai chà đạp luật pháp quốc tế và coi thế giới, kể cả Hoa Kỳ như “pha” - cùng lúc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh không còn là “con ngáo ộp” nữa- mà là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đông Nam Á, đặc biệt Phi Luật Tân và Việt Nam. Hoa Kỳ phải làm gì đây giữa lúc đang phải đối phó với “Vách Núi Tài Chính” (Fiscal Cliff) đứng sừng sững trước mắt và kế hoạch cắt giảm 450 tỉ đô-la ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới?

Trong khi chờ đợi Hoa Kỳ - minh chủ võ lâm - còn ở trong “thạch thất” luyện nội công và hoàn thành bí kíp “Xoay Trục” - các nước Đông Nam Á - tức các bang phái nhỏ - hoang mang và chia thành ba phe: Phe tự võ trang và chiến đấu tới cùng, phe trung lập, và phe sợ quá phải ngả theo Hoa Lục.

Sau khi thất bại trong Chiến Tranh Việt Nam năm 1975, Hoa Kỳ rời bỏ khu vực Á Châu, đặc biệt ĐôngNam Á và tập trung toàn bộ sức mạnh vào Trung Đông để rồi lún sâu vào hai cuộc chiến tranh Irag và Afghanistan vô cùng tốn kém mà không đem lại lợi ích gì. Ba mươi lăm năm sau, Hoa Kỳ trở lại Á Châu để chứng kiến một đổi thay ngoài sức tưởng tượng. Người mà mình nâng đỡ, dỡ bỏ hàng rào ngăn cấm, đưa vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ào ạt đổ vốn đầu tư khai thác lợi nhuận, rồi biến thành hợp tác chiến lược - bỗng trở thành địch thủ đáng ngại và khống chế toàn bộ vùng mà mình đã bỏ đi và thực tể đang làm bá chủ Biển Đông và khai thác tài nguyện trái phép vùng này.
 
Trước tình hình đó, chính sách ngoại giao “không theo phe nào” trong xung đột giữa Hoa Lục - Nhật ở Biển Nhật Bản và giữa Hoa Lục- Phi Luật Tân-Việt Nam ở Biển Đông có còn thích hợp nữa không? Và chủ trương hợp tác chiến lược với Hoa Lục để sinh tồn kinh tế cùng kế hoạch “Xoay Trục” để kiềm chế Hoa Lục có mâu thuẫn với nhau không? Chưa bao giờ, ít nhất trong nửa thế kỷ qua tôi lại thấy Hoa Kỳ có một chiến lược ngoại giao lạ kỳ đến như vậy, hay Mỹ “siêu” quá không ai hiểu nổi?

Thời gian thì gấp rút, áp lực quân sự mới đang đè nặng lên Đông Nam Á nhưng chúng ta không còn cách nào hơn là kiên nhẫn chờ xem trong những ngày tháng tới Hoa Kỳ sẽ làm gì? Trong khi chờ đợi Hoa Kỳ “sẽ làm gì” các nước nhỏ muốn sinh tồn - chỉ còn cách tự lo lấy hay cầu viện một “đại cao thủ” khác có sức mạnh hơn hoặc tương với Hoa Lục. Đó là nguyên tắc nghìn đời giữa chốn giang hồ mà ngày nay thiên hạ gọi là “những vấn đề của thế giới”./.

Đào Văn Bình

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link