Friday, July 27, 2012

Đi tù cả lũ

Đi tù cả lũ

Đỗ Đăng Liêu

 

 

Ông Tony Abbott là lãnh tụ đảng đối lập tại Úc Châu.

Ông Mitt Romney là người Đảng Cộng Hoà chọn để tranh cử chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới.

 

Ông Francois Holland, cách đây vài tháng là lãnh tụ đối lập thuộc Đảng Xã Hội Pháp, nay đã trở thành tổng thống sau khi “lật đổ” được đảng cầm quyền của Tổng Thống Nicolas Sarkozy.

 

Ông Ed Miliband hiện là lãnh tụ Đảng Lao Động Anh Quốc là đảng đối lập với Đảng Bảo Thủ đang cầm quyền.

 

 Ở Đức Quốc, ông Sigmar Gabriel là lãnh tụ của đảng Dân Chủ Xã Hội đối lập với chính quyền của Thủ Tướng Angela Merkel.

 

Ở nước Ý, ông Pier Luigi Bersani là lãnh tụ Đảng Dân Chủ, đối lập với chính quyền của Thủ Tướng Mario Monti.

Ở trên là tên của một vài lãnh tụ đối lập tại một số quốc gia được coi là dân chủ trên thế giới.

 

Tất cả những vị đó và những lực lượng mà họ lãnh đạo đều có một mục tiêu rất rõ ràng và công khai là “lật đổ” chính quyền đương nhiệm tại nước của họ để lên nắm quyền nhằm thi hành một chính sách mà họ cho là hay hơn.

 

Và trong khả năng của họ, họ làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép, kể cả biểu tình, chỉ trích, vạch trần những cái xấu của chính phủ, … để đạt mục tiêu “lật đổ chính quyền” qua lá phiếu của người dân.

 

Dựa trên kinh nghiệm tại các quốc gia này thì có xác suất rất cao là những kẻ âm “mưu lật đổ chính quyền” đó sẽ thành công và trở thành những người nắm quyền đất nước mới. Và đó cũng chính là con đường mà những người hiện đang nắm quyền đã làm đối với những chính quyền trước đó.

 

Với cái thế “cầm quyền” và “đối lập” đó, các lực lượng chính trị thay nhau cầm quyền theo quyết định của người dân, là những người thực sự làm chủ đất nước và thật sự nắm trong tay quyền quyết định tối hậu.

 

Ngày hôm nay Đảng A nắm quyền, ngày mai Đảng B “lật đổ” Đảng A và lên nắm quyền, ngày mốt Đảng A lại “lật đổ” Đảng B và trở lại nắm quyền.

 

Tất cả những sự thay đổi quyền hành đó diễn ra thường xuyên, trong trật tự, trong khuôn khổ của pháp luật. Không có công an đàn áp biểu tình, không có công an và côn đồ quấy nhiễu người đối kháng, không tù tội, không đổ máu.

 

Và đất nước cứ tiến bộ ngày một nhanh hơn.

Tại các nước dân chủ tiền tiến như nước Úc, nước Anh, ... bất chấp những tranh cãi, thậm chí mắng nhiếc nhau thậm tệ tại diễn đàn Quốc Hội, là nơi việc nước được đem ra bàn thảo, những người trách nhiệm của chính phủ và phe đối lập vẫn đều đặn xuất hiện bên nhau trong tất cả những công việc chung khác của đất nước; vẫn chào hỏi, cười nói và bắt tay nhau như những công dân của một xã hội văn minh.

 

 Mỗi người làm tròn trách nhiệm và vai trò của mình.

 

Ở những quốc gia kể trên, không có những hành vi côn đồ và lưu manh chơi xấu đối phương như ném phân vào tư gia, nhét kẹo cao su vào ổ khoá, khoá cửa để chủ nhà không vào được nhà của mình, chèn cho ngã xe ở ngoài đường, chốt công an và côn đồ 24/24 trước nhà, dọa nạt bạo hành, bắt bớ và giam cầm trái pháp luật, …

 

Tất cả những hành vi sai trái và phạm pháp đó, nếu xẩy ra ở những quốc gia dân chủ, luôn bị hệ thống tư pháp độc lập xử lý nghiêm minh và bị truyền thông phơi bày đầy đủ.

 

Lý do đơn giản là vì cả chính quyền và phe đối lập đều thấu hiểu về lợi ích của những việc mà họ và đối phương đang làm đối với sự lành mạnh của hệ thống chính trị nước nhà.

 

Phe đối lập hiểu rằng phải có chính phủ để điều hành quốc gia. Phe chính phủ ngược lại cũng hiểu sự cần thiết của đối lập để ngăn chặn mọi hình thức lạm dụng quyền hành của chính phủ.

 

Vì vậy, dù luôn rất khó chịu và khổ sở vì những công kích và đánh phá của đối phương nhằm “lật đổ” mình, cả hai phiá đều tôn trọng vai trò của nhau và cùng ra sức bảo vệ cái cấu trúc chính quyền và đối lập trong quốc gia của họ vì quyền lợi tối thượng của đất nước và mọi người dân nước họ.

 

Trong tinh thần và sự hiểu biết đó, mỗi phe gắng hết sức của mình để đạt được sự ủng hộ của người dân là người trọng tài tối hậu. Qua các cuộc tuyển cử tự do và công bằng, người dân quyết định số phận của họ ở vai trò chính quyền hay đối lập.

 

Nhưng cũng may cho những ông bà Abbott, Romney, Hollande, Miliband, Gabriel, Bersani, …

 

 Nếu họ chẳng may sinh nhầm vào nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam thì chắc đã đi tù cả lũ, hay bị tử hình cả rồi theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự!

 

Thật vậy, nhìn lại đất nước Việt Nam chúng ta mà không khỏi đau buồn vì sự kém hiểu biết đi đôi với lòng tham, và sự u tối của những người lãnh đạo hiện nay.

 

Những người lãnh đạo CSVN biết rất rõ sự kém cỏi của họ trong việc xây dựng đất nước.

 

 Họ tự biết là không có khả năng tranh tài một cách công bằng với những thành phần yêu nước khác nên họ không chấp nhận bất cứ hình thức tranh tài công bằng và công khai nào như diễn ra ở những quốc gia dân chủ.

 

Vì vậy, họ dùng mọi phương tiện, nhất là những phương tiện bất chính, vi phạm ngay chính những luật lệ mà chính họ đặt ra, để tiêu diệt mọi hình thức đối lập.

 

Ngoài việc lén lút và công khai đàn áp, bỏ tù và sát hại những người đối lập mà lãnh đạo CSVN nhìn thấy ở đó nguy cơ bị lật đổ, mức độ tệ hại của lãnh đạo CSVN lên lới mức cao nhất và hèn hạ vô liêm sỉ nhất là triệt hạ ngay cả lòng yêu nước, ý chí bảo vệ đất nước, sự quyết tâm sẵn sàng hy sinh để chống ngoại xâm của toàn dân, qua việc trấn áp, bắt bớ và giam cầm ngay cả những người phụ nữ chân yếu tay mềm, và đả thương cả những cụ bà tuổi đã gần đất xa trời và một thời từng là đồng chí hy sinh xương máu để họ đến được địa vị ngày hôm nay.

 

Tội tham cũng chỉ là tội nhỏ, nhưng diệt lòng yêu nước là một trọng tội!



--
Mời bạn ghé vào trang nhà của CTM để đọc và góp ý với nhiều bài vở phong phú tại:
http://diendanctm.blogspot.com/

 

1 comment:

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link