Saturday, October 12, 2013

Đọ sức Ấn – Trung về Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á


 

TRUNG QUỐC - ẤN Độ - 

Bài đăng : Thứ bảy 12 Tháng Mười 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 12 Tháng Mười 2013




Đọ sức Ấn – Trung về Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á


Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (G) chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN nhân Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, Brunei, 10/10/2013

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (G) chụp ảnh chung với các lãnh đạo ASEAN nhân Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, Brunei, 10/10/2013

REUTERS

Trọng Nghĩa  RFI


Quan điểm đàm phán song phương của Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông tiếp tục đẩy Trung Quốc vào tư thế đơn độc tại các diễn đàn khu vực. Đó cũng là điều xẩy ra nhân Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei hôm 10/10/2013 khi hầu hết các thành viên của diễn đàn gồm 18 nước đều tỏ thái độ ủng hộ một giải pháp đa phương cho Biển Đông – cụ thể là kêu gọi đẩy mạnh việc đúc kết một bộ Quy tắc Ứng xử cho vùng này. Giới quan sát đặc biệt ghi nhận thái độ của Ấn Độ, không ngần ngại công khai phản bác lập trường “song phương" của Trung Quốc, cho dù với những lời lẽ rất ngoại giao.


Điều có thể gọi là cuộc “đọ sức” Ấn-Trung khởi sự với bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc. từ trên diễn đàn của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, bên cạnh những lời lẽ hòa dịu đầy tính trấn an liên quan đến Biển Đông, ông Lý Khắc Cường đã mạnh mẽ bảo vệ chủ trương nhất quán của Trung Quốc là chỉ giải quyết tranh chấp một cách song phương với các nước có liên can.

Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc xác định : “Tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa các quốc gia trong khu vực này (Biển Đông) nên được các nước liên quan giải quyết thông qua tham vấn hữu nghị”. Tuyên bố trên đây mang đầy đủ ý nghĩa của nó trong bối cảnh trước lúc ông Lý Khắc Cường đến Brunei, báo chí Trung Quốc đã lại liên tục lên tiếng cho rằng các nước ngoài khu vực không nên can thiệp vào hồ sơ Biển Đông.

Trên cùng một diễn đàn ngay sau khi lãnh đạo Trung Quốc phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có một phản ứng, được giới quan sát cho là nhằm trực tiếp phản bác lập trường của Trung Quốc, mặc dù với những ngôn từ rất ngoại giao.

Thủ tướng Ấn thẩm định : “Một môi trường biển ổn định là điều thiết yếu để thực hiện nguyện vọng chung của chúng ta trong khu vực". Đối với ông, Ấn Độ “hoan nghênh các cam kết chung của các nước có liên quan về việc thực thi bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và hướng tới việc thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận”.

Thủ tướng Ấn Độ còn nhấn mạnh đến một số cơ chế đa phương đã được hình thành để góp phần cải thiện tình hình trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế liên quan đến an ninh hàng hải. Khi được một tờ báo Indonesia hỏi về cách thức xử lý tốt nhất các tranh chấp tại Châu Á, ông Singh tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò hữu ích của các tổ chức đa phương.

Theo ông : “Các diễn đàn khu vực có thể đóng một vai trò hữu ích… Do đó, chúng tôi nhìn thấy giá trị to lớn của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng ADMM + và nhiều cơ chế hợp tác khu vực khác ”.

Theo các nhà quan sát, Ấn Độ là quốc gia thường xuyên tự động can thiệp vào các tranh chấp Biển Đông bên cạnh các nước ASEAN, bất chấp thái độ bất bình của Trung Quốc. Phản ứng mạnh nhất là tuyên bố vào cuối năm ngoái của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ DK Joshi, khẳng định rằng New Delhi sẵn sàng gửi tàu hải quân qua Biển Đông bảo vệ quyền lợi Ấn Độ.

Tại khu vực này, Ấn Độ đang có hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí tại một lô đang bị Trung Quốc cho là thuộc vùng biển của họ. Các lời phản đối hay động thái đe dọa của Bắc Kinh đều đã bị New Delhi bác bỏ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vừa rồi, Ấn Độ không phải là nước duy nhất tỏ thái độ với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Từ các nước ASEAN cho đến Mỹ, Nhật, tất cả đều thúc giục Trung Quốc nhanh chóng đàm phán với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, tức là chấp nhận một giải pháp đa phương.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ngày 10/10 vừa qua, phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng John Kerry, trưởng phái đoàn Mỹ, đã giải thích : « Một bộ quy tắc ứng xử là điều cần thiết trong lâu dài, nhưng các nước đều có thể làm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm bằng cách thực hiện ngay một số bước ».

Ngoại trưởng Mỹ còn nhắc lại thông điệp được Washington nhấn mạnh trong thời gian gần đây, theo đó, tất cả các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải làm rõ các yêu sách chủ quyền của mình, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không nói gì hơn khi xác định là Tokyo mong muốn bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông có tính ràng buộc về mặt pháp lý sớm được hoàn tất.

Trong một lời đả kích gián tiếp thái độ hung hăng của Bắc Kinh nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong vùng, ông Abe khẳng định : « Các vùng biển cần phải được cai quản bằng pháp luật chứ không phải bằng vũ lực ».

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link