Tuesday, October 8, 2013

TỔNG HỢP Ý KIẾN XÃ HỘI VÀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM


 

TỔNG HỢP Ý KIẾN XÃ HỘI VÀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM



Trước hết, chúng ta cần rõ ràng về mục tiêu dân chủ. Hoạt động cho dân chủ, xã hội công bằng hiển nhiên là mục tiêu lâu dài của cả xã hội – không thể xem đó là hành vi phạm pháp hay hoạt động chống lại nhân dân, phản bội Tổ quốc.
 
Thứ hai, chúng ta cần nhận diện và phân định xác đáng những vấn đề lâu nay trong xã hội, vì xã hội Việt Nam vốn bị đánh lạc hướng bởi tuyên truyền một chiều nên không phải lúc nào các vấn đề cần giải quyết cũng được nhận diện một cách đúng đắn. Vấn đề du nhập ý thức hệ cộng sản “kiêu căng và cố chấp” đã tạo ra hệ thống chính trị bất trị.
 
Cũng vì bị tiêm nhiễm quá nặng ý thức hệ sai lầm và cố chấp đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã bất chấp cả pháp lý lẫn đạo lý xã hội.
 
 Việt Nam đã qua thời chiến tranh ý thức hệ đẫm máu sai lầm. Vấn đề hiện nay không còn là cộng sản hay chống cộng nói chung. Vấn đề hiện nay là tham nhũng hay chống tham nhũng, dân chủ hay phi dân chủ, pháp trị hay đảng trị.

Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong chế độ một đảng thực tế là: Đảng Cộng sản tự biến Đảng thành nhà nước, biến tài sản nhà nước thành tài sản của Đảng.
 
Chỉ có chế độ “Đảng là Nhà nước” mới có thể biến báo chí và các phương tiện truyền thông của xã hội thành các cơ quan tuyên truyền một chiều cho Đảng, biến trường học thành bộ máy giáo dục sản xuất rập khuôn một ý thức hệ phục tùng cho lợi ích của thiểu số cầm quyền, biến toà án thành các cơ quan thi hành chỉ thị của Đảng, biến cả Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất nước – thành diễn đàn phục vụ cho Đảng.
 
Đó là những đặc điểm của chế độ một đảng mà chúng ta cần nhận diện nhằm thúc đẩy các thay đổi cho phù hợp với mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng.
 
Vấn đề độc đảng, gây bất công, kềm hãm xã hội lâu nay là nhằm phục vụ cho lợi ích riêng và tham vọng độc quyền chính trị của thiểu số cầm quyền.
 
Thế nhưng những hậu quả – suy đồi chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục – lại là trách nhiệm mà toàn xã hội phải gánh chịu. Để khắc phục những hậu quả đó và tránh nguy cơ người dân nổi dậy, điều tiên quyết là Đảng Cộng sản Việt Nam cần trả lại quyền làm chủ cho người dân thông qua một bản hiến pháp dân chủ chuẩn mực. Sự tệ hại của Đảng Cộng sản đã quá độ mà còn cơ hội hô hào chỉnh đốn đảng như hiện nay là điều may mắn. Tuy nhiên, hô hào chỉnh đốn đảng mà không sửa lỗi hệ thống và bắt đầu bằng một hiến pháp dân chủ thì vẫn chỉ là chiêu bài cũ, không thể cứu vãn được tình thế.

Thực chất về hô hào tranh đấu vì mục tiêu dân chủ

1. Trong Hiến pháp của Đảng Cộng sản quy định Nhà nước đảm bảo thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, nhưng giới cầm quyền lại tuyên bố không chấp nhận đa đảng tại Việt Nam. Ý kiến của Đảng Dân chủ về vấn đề này như thế nào?

Đảng Cộng sản quy định trong hiến pháp nhà nước bảo đảm thực hiện xã hội công bằng, dân chủ mà lại tuyên bố ‘Việt Nam không chấp nhận đa đảng’ hiển nhiên là trái ngược với pháp lý, lương tâm và lẽ phải. Những tuyên bố như trên là chủ quan, mang tính độc đoán.
 
Trong thể chế cộng hoà, quyết định có đa đảng hay không là lựa chọn của người dân thông qua lá phiếu chứ không phải do một cá nhân hay tổ chức nào tự quyết định. Tại Việt Nam, tuy mang tiếng là chủ nhân đất nước, nhưng nhân dân chưa bao giờ được trưng cầu ý kiến về việc này.

Tiêu chuẩn của chế độ đa đảng là nhà nước pháp quyền, bầu cử tự do, công bằng. Người dân có quyền chọn lựa người đại diện của họ thông qua lá phiếu, và có quyền (pháp luật quy định) bãi nhiệm chính phủ bất tín chứ không phải chỉ nói suông. Điều rõ ràng trong chế độ dân chủ là quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được hiến định và được nhà nước bảo vệ. 
 
Ngược lại, chế độ độc đảng hiển nhiên là chế độ chuyên quyền, bầu cử chỉ mang tính hình thức, hiến pháp và luật pháp bị một đảng áp đặt lên toàn xã hội. Nhưng điều tráo trở nguy hại là quyền làm chủ của nhân dân luôn được nhà nước hô hào nhưng lại luôn bị xâm phạm và không được bảo vệ.

Do đó, vấn đề đơn phương tuyên bố ‘không chấp nhận đa đảng’ không chỉ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân mà còn rõ ràng đi ngược lại các nguyên tắc hiến định về dân chủ mà đảng cầm quyền đã hô hào từ nhiều năm nay. Điều đáng chú ý ở đây là chế độ nói một đằng làm một nẻo. Khi nói đến dân chủ thì không thể không thực hiện bầu cử đa thành phần với bản hiến pháp của toàn dân.
 
Cho nên, chuyện một đảng chuyên quyền mà hô hào tranh đấu vì mục tiêu dân chủ cho xã hội rõ ràng là nghịch lý, hoang đường, và mị dân.

Sự thật về tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng

2. Tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng là nghĩa vụ đúng đắn, cần thiết, lâu bền và thực tế cho mọi xã hội. Tại Việt Nam, các chính đảng cùng với toàn dân đã giành lại độc lập, thông qua bản Hiến pháp dân chủ năm 1946 và thành lập được một chính phủ đa đảng đầu tiên.
 
Thế nhưng, sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, dù liên tục hô hào xây dựng xã hội công bằng nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đây là Đảng Lao động) đã từng bước biến chính phủ đa đảng năm 1946 thành chính phủ một đảng như hiện nay. Đảng Dân chủ nghĩ thế nào về vấn đề này?

Hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng, dân chủ mà vẫn chưa có hiến pháp dân chủ thì chỉ là nói suông, mọi giải thích đều là ngụy biện. Việt Nam đã có lịch sử lập hiến hơn nửa thế kỷ mà đến nay đất nước vẫn chưa có được một bản hiến pháp dân chủ đúng nghĩa và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước vẫn cai trị nhân dân bằng các chỉ thị và mệnh lệnh của đảng cầm quyền, và tình trạng pháp luật tùy tiện này không khác nhiều so với thời còn chế độ thực dân, phong kiến.

Xã hội công bằng cơ bản được hiểu là mọi người trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội như nhau trong tất cả các lãnh vực – từ chính trị, kinh tế, xã hội, y tế đến giáo dục, v.v… Đảng Cộng sản luôn hô hào xây dựng xã hội công bằng nhưng lại chủ trương chế độ một đảng, áp đặt hiến pháp và pháp luật của một đảng lên toàn xã hội. Dù vấn đề này đã bị Đảng Cộng sản biến thành chuyện thường ngày, không để người dân quan tâm nhưng đây chính là vấn đề lớn nhất cần phải làm sáng tỏ. 
 
Độc đảng đồng nghĩa với quyền lực không có đối trọng và không có kiểm soát. Đây chính là nguồn gốc của quốc nạn tham nhũng, cường quyền, là nguyên nhân cốt lõi gây ra bất công dai dẳng trong xã hội.

Đảng Dân chủ Việt Nam cho rằng, xã hội công bằng chỉ có thể bắt đầu bằng lãnh đạo với tư duy dân chủ và trên nền tảng hiến pháp của toàn dân và cơ chế nhà nước minh bạch. Một xã hội thiếu dân chủ thì không thể tạo lập xã hội công bằng.

Về vấn đề đàn áp, trả thù

3. Lâu nay công luận cho rằng Đảng Cộng sản độc quyền chiếm dụng báo chí và các cơ quan truyền thông cho mục đích tuyên truyền một chiều. Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động dân chủ cho Việt Nam vẫn luôn bị Đảng Cộng sản quy chụp là những phần tử háo danh, tổ chức phản động lưu vong, thế lực thù địch, phạm tội chống lại nhân dân Việt Nam, chống lại dân tộc, phản bội tổ quốc… Đảng Cộng sản cũng luôn tuyên truyền rằng cuộc chiến bảo vệ xã hội chủ nghĩa của họ là một mất một còn và xã hội có đa đảng thì sẽ gây ra bất ổn, rối ren, thậm chí xảy ra chiến tranh và Đảng Cộng sản sẽ bị trả thù. Quan điểm của Đảng Dân chủ về các vấn đề đó như thế nào?

Mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ đòi hỏi thông tin đa chiều, trung thực, kịp thời và đầy đủ thay vì phân biệt báo chí lề phải, lề trái, hay gây chia rẽ, kích động hận thù. Cần phân biệt rõ giữa đảng chính trị, nhà nước, dân tộc và tổ quốc để không bị tuyên truyền nhầm lẫn.
 
Lịch sử cho thấy chỉ có dân tộc mới vĩnh cửu, chỉ có tổ quốc mới trường tồn, còn đảng chính trị và nhà nước chỉ là phương tiện tổ chức và điều hành xã hội, cho nên không thể đánh đồng Đảng Cộng sản Việt Nam là dân tộc hay nhà nước là tổ quốc.

Hận thù giữa người Việt trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở thế kỷ trước là sai lầm. Chiến tranh đã kết thúc và Việt Nam đã bang giao với các nước cựu thù thì không có lý do gì hận thù lại tiếp tục tồn tại giữa người Việt với nhau. Từ khi thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, xã hội đã bước sang giai đoạn mới – giai đoạn đấu tranh xây dựng xã hội công bằng.
 
Công cuộc tranh đấu hiện nay cần phân định giữa tham nhũng và chống tham nhũng, giữa dân chủ và phi dân chủ, giữa pháp trị và đảng trị chứ không phải tranh cãi về chủ nghĩa hay tư tưởng… Bắt nguồn từ tư duy độc tôn, Đảng Cộng sản đã đánh đồng Đảng là nhà nước, là tổ quốc, là dân tộc, cho nên khi đề cập đến các vấn đề của Đảng thì bị quy chụp là phản động, chống lại nhân dân, thế lực thù địch… Chính các hành động này mới là vấn đề gây chia rẽ, kích động hận thù, vi phạm pháp luật, cản trở sự tiến bộ của xã hội, và trái ngược với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Rõ ràng đây là chiêu bài lừa gạt cho mục tiêu độc quyền chính trị của thiểu số cầm quyền.

Trong thời điểm hiện nay khi chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, việc đoàn kết dân tộc và điều hành xã hội theo nguyên tắc dân chủ là cấp thiết. Trước quốc nạn tham nhũng, thực trạng bất công và đạo đức xã hội suy đồi, việc tiếp tục không đổi mới chính trị mới là nguyên nhân gây thêm bất ổn trầm trọng cho xã hội… Đa đảng tự bản thân nó không dẫn đến hỗn loạn, mà ngược lại tạo cơ hội cho tất cả công dân có quyền tham gia vào công việc chung của nhà nước, tránh tình trạng lạm quyền, cũng như tạo và góp phần ổn định xã hội.
 
Nhìn vào những biến cố tại các nền dân chủ mới, hỗn loạn và mất ổn định không phải từ phía người dân đòi dân chủ, mà do bạo lực và những hành động phi pháp từ phía nhà cầm quyền. Trong xã hội dân chủ pháp trị thì vấn đề trả thù, cầm tù trái phép cũng khó diễn ra.

Đảng Dân chủ tin rằng đã đến lúc Việt Nam cần khép quá khứ lại và cùng nhau hướng về tương lai, dù đã trễ. Đảng Dân chủ Việt Nam hướng đến phối hợp với mọi thành phần xã hội, tất cả người dân Việt Nam trong và ngoài nước không phân biệt quá khứ chính trị.
 
Chúng ta không nên lặp lại các sai lầm trong quá khứ gây chia rẽ giữa người Việt với người Việt. Việc các đảng viên Đảng Cộng sản yêu nước sát cánh với các thành phần dân chủ từng bước chuyển đổi cho phù hợp với những đòi hỏi thiết thực của xã hội là đúng đắn và cần thiết. Giới cầm quyền cần có trách nhiệm vì tương lai của các thế hệ hôm nay và mai sau thay vì độc tôn và độc quyền chiếm giữ quyền lợi cho cá nhân mình.

Xem thêm:

Không khó bắt gặp những bài báo của Đảng Cộng sản bôi xấu các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động dân chủ với giọng điệu kích động thù hận, gây chia rẽ, và phi dân chủ. Hãy xem một đoạn trích trên báo Công an tháng 3 năm 2012, để thấy rõ hơn về những hành động cổ hủ, nặng tính độc tôn và thiếu tư duy dân chủ của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Mới đây, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 – khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Chúng áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt, kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị của ta.”

Về phương diện hợp thức

4. Đảng Dân chủ có hợp thức tại Việt Nam không?

Đảng Dân chủ chính thức được thành lập tại Việt Nam năm 1944, hoạt động đến năm 1988 và phục hoạt lại vào năm 2006. Đảng Dân chủ Việt Nam đã từng tham chính, trực tiếp tham gia soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước vào năm 1946. Vì dân chủ là nhu cầu xã hội, đồng thời cũng là mục tiêu hoạt động của các chính đảng lâu nay nên việc Đảng Dân chủ Việt Nam có hợp thức hay không, không phải là điều cần bàn thảo. Nhưng vấn đề cần hóa giải hiện nay là sự hợp thức và tính cầm quyền chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập từ năm 1930 nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật lập hội, lập đảng để Đảng Cộng sản hợp thức hóa bằng pháp luật. Tương tự, về tính cầm quyền chính danh, kể từ Hiến pháp 1959 đến nay, Việt Nam chưa có bản hiến pháp nào ban hành có giá trị pháp lý đối với nhân dân, bởi các hiến pháp đó chưa bao giờ được nhân dân phúc quyết thông qua như trong quy định của Hiến pháp gốc năm 1946.
 
Hơn nữa, toàn thể đại biểu quốc hội và các chức vụ lãnh đạo trong nhà nước từ trung ương xuống địa phương đều do Đảng Cộng sản quyết thông qua hình thức bầu cử áp đặt và chiếu lệ, thay vì do nhân dân chọn lựa thông qua thủ tục bầu cử dân chủ một cách tự do và công bằng. Cho nên hiện nay tại Việt Nam, về phương diện pháp lý, Đảng Cộng sản không hợp thức và cầm quyền cũng không chính danh.

Như đã trình bày, kể từ Hiến pháp 1959 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự soạn thảo, tự thông qua, tự ban hành, tự cầm quyền chứ không được nhân dân chính thức thỏa thuận trao quyền. Về vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không tự nỗ lực điều chỉnh để các hoạt động chính trị được hợp thức và cầm quyền được chính danh.

Vì Việt Nam chưa có luật lập hội, luật thành lập đảng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã thao túng chính trường, đàn áp các tiếng nói tiến bộ cho mục đích duy trì độc quyền chính trị. Riêng về Đảng Dân chủ tại Việt Nam, các đảng viên hoạt động công khai đã bị hãm hại tù đày, các văn phòng đại diện của Đảng bị quấy nhiễu và khủng bố. Cho nên để hóa giải vấn đề, các lực lượng dân chủ trong và ngoài Đảng Cộng sản cần liên kết có hệ thống. Cá nhân không thể thay thế hệ thống, chỉ có hệ thống mới khắc phục hệ thống.

Đảng Dân chủ Việt Nam là một tổ chức chính trị ôn hòa của người Việt, sinh hoạt chính trị lành mạnh theo hệ thống và cácnguyên tắc dân chủ chuẩn mực. Đảng Dân chủ là môi trường phát huy dân chủ, là nơi rèn luyện đảng viên, đặc biệt về tư tưởng dân chủ và tư cách lãnh đạo. Đảng Dân chủ Việt Nam được xây dựng bằng tư duy tiến bộ và hệ thống dân chủ, sẽ là một hệ thống chính trị nhân bản cân bằng các thế lực chính trị khác, giúp xã hội phát triển toàn diện và bền vững.

Về vấn đề nhân danh pháp luật đàn áp nhân dân

5. Trong năm 2009 và 2010, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các tòa án đã tuyên án giam cầm các lãnh đạo và cộng sự của Đảng Dân chủ đối với Tổng Thư ký Lê Công Định, Phó Tổng Thư ký Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, các doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, và Phùng Lâm, với các tội danh “tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã chỉ trích và lên án nhà cầm quyền Việt Nam nặng nề, riêng quan điểm của Đảng Dân chủ về vấn đề này như thế nào?

Đảng Dân chủ nhắc lại rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng không được nhân dân chính thức trao quyền (Hiến pháp 1992 là Hiến pháp áp đặt do không được nhân dân phúc quyết). Do đó, Đảng Cộng sản không có quyền chính danh và pháp luật của Đảng Cộng sản không phải là pháp luật của toàn dân. Các phiên tòa đối với đảng viên Đảng Dân chủ, cũng như tất cả các phiên tòa chính trị khác, chỉ là tuồng diễn pháp lý của một đảng tiếm quyền đàn áp các tiếng nói bất đồng.

Thực tế là, tất cả các chí hữu của Đảng Dân chủ không có tội, không vi phạm pháp luật quốc gia hay quốc tế. Những hoạt động dân chủ mà anh em tham gia thúc đẩy là những hành động yêu nước và chính đáng. Câu hỏi mà công luận đặt ra là, nếu như luật pháp phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân, được ban hành một cách chính danh, công bằng và minh bạch thì lâu nay Việt Nam đã không có tù nhân chính trị. Cho nên, đây không phải là vụ án hình sự hay vụ án đơn lẻ của những cá nhân, mà là kế hoạch đàn áp chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hoạt động dân chủ.

Không nên nhầm lẫn hoạt động cho dân chủ, cho xã hội công bằng là hành vi phạm pháp hay chống lại Việt Nam. Cần thấy rõ rằng vấn đề quy chụp và chủ trương tạo sự nhầm lẫn là để phục vụ cho mục tiêu bất chính của đảng cầm quyền.

Kể từ khi phục hoạt, Đảng Dân chủ không ngừng phát triển đảng viên trong cũng như ngoài nước, vì thế đảng cầm quyền luôn tìm cách trấn áp, bất chấp đạo lý và lẽ phải. Đảng Dân chủ nhắc lại, tòa án không phải nơi giải quyết những bất đồng chính trị, mà nghị trường mới là nơi phù hợp. Đảng Cộng sản Việt Nam nên vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ như đã hô hào mà sớm trả tự do cho các tù nhân chính trị và điều chỉnh cách hành xử cho hợp với pháp lý chuẩn mực và lẽ công bằng.

Về phương diện mục tiêu hoạt động

6. Mục tiêu hoạt động của Đảng Dân chủ khác với mục tiêu của Đảng Cộng sản như thế nào?

Hoạt động vì mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng là thực tế và luôn cần thiết. Đó là những điều tốt đẹp và có thể nói cũng là mục tiêu lâu dài của xã hội. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hiện nay là cách hoạt động của Đảng Cộng sản, cũng như cách nhà nước điều hành xã hội như thế nào để đạt tới mục tiêu mà không áp đặt, hại dân, trái với pháp lý, ngược với lẽ công bằng.

Mục tiêu của Đảng Dân chủ là xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng. Trong đó, toàn thể nhân dân Việt Nam đều có các quyền tự do, đồng đều cơ hội mưu cầu hạnh phúc và tiến thân trong một xã hội văn minh, công bằng. Đảng viên Đảng Dân chủ sinh hoạt ở trong hay ngoài nước, tất cả đều chỉ phục vụ cho Tổ quốc Việt Nam.

Nếu “chủ nghĩa xã hội” mà Đảng Cộng sản Việt Nam ca ngợi cuối cùng cũng là xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ, văn minh… thì việc tranh cãi về chủ thuyết này là không cần thiết, mà cơ chế nhà nước minh bạch và cách điều hành xã hội theo pháp luật mới chính là nút thắt vấn đề. Một nhà nước pháp quyền, điều hành xã hội đòi hỏi cả hệ thống và nguyên tắc dân chủ. Lâu nay Đảng Cộng sản không chỉ né tránh vấn đề, mà còn chủ trương đánh lạc hướng công luận bằng các ngụy biện và thủ đoạn. Việc điều hành xã hội bằng pháp luật được nhân dân chuẩn thuận là một đòi hỏi cấp thiết của xã hội dân chủ thì Đảng Cộng sản lại không đáp ứng; còn chống tham nhũng mà cũng độc quyền thì làm sao có thể đánh bại quốc nạn tham nhũng.

Các nước phương Tây với chế độ dân chủ đa đảng không hô hào chủ thuyết như ở các nước xã hội chủ nghĩa nhưng lại đang phát triển tốt. Người dân của họ có đời sống cao hơn nhiều so với các nước có chế độ cộng sản kém phát triển, đầy rẫy bất công và các tệ nạn xã hội. Rõ ràng, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là ba trụ cột của xã hội dân chủ phát triển lành mạnh mà các quốc gia phát triển đang thực hiện tốt.
 
 Trong khi tại Việt Nam, nhà nước vẫn tiếp tục ngụy biện đánh lạc hướng về các vấn đề xã hội thay vì tiến hành tạo nền tảng pháp lý và chính trị cần thiết của xã hội công bằng: thực hiện bầu cử dân chủ để có quốc hội chính danh và phúc quyết thông qua một bản hiến pháp của toàn dân.

Cần hiểu rằng, mục tiêu và phương tiện chính trị để đạt được mục tiêu đều quan trọng như nhau. Mục tiêu vì xã hội dân chủ, công bằng thì phương tiện cũng không thể khác. Đảng cầm quyền không thể hành động bất công, phi dân chủ mà đạt tới mục tiêu công bằng, dân chủ.
 
Vấn đề lâu nay tại Việt Nam là lãnh đạo cộng sản hô hào “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” trong khi quyền làm chủ của nhân dân chưa bao giờ có trong hiến pháp cũng như trên thực tế; Đảng Cộng sản hô hào tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng nhưng lại chiếm giữ độc quyền chính trị trong khi Đảng Cộng sản chỉ chiếm khoảng 5% trong xã hội; hô hào bầu cử công bằng nhưng lại tổ chức bầu cử bất công; hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng lại áp đặt hiến pháp và pháp luật lên toàn xã hội; hô hào phát huy dân chủ nhưng lại độc tôn, trù dập, bỏ tù các tiếng nói yêu nước có quan điểm chính trị tiến bộ.

Một đảng chính trị, đặc biệt là đảng cầm quyền, mà bất nhất giữa mục tiêu và phương cách hành động, thì dù có ngụy biện thế nào cũng không thể được nhân dân tin cậy. Hậu quả là bất ổn chính trị tiếp tục kéo dài và việc chế độ bị sụp đổ là điều khó tránh khỏi. Đó là lý do tại sao chế độ xã hội chủ nghĩa đã phải sụp đổ và chủ nghĩa cộng sản cũng đã cáo chung ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trường hợp ở Việt Nam có khác – ngụy biện lâu hơn – nhưng không phải ngoại lệ.

Về vấn đề “lật đổ” hệ thống tiếm quyền tham nhũng

7. Trong cuộc Đối thoại Phòng, Chống Tham nhũng tại Hà Nội ngày 29 tháng 11 năm 2011, tiến sĩ Antony Stokes thuộc Đại sứ Vương Quốc Anh, đã phát biểu rằng nạn tham nhũng mang tính hệ thống ở Việt Nam đã trầm trọng hơn trong nửa thế kỷ qua bất chấp các nỗ lực của pháp luật. Trước tình trạng tham nhũng đe dọa tính ổn định và uy tín của Việt Nam, nhiều nhân sĩ và các tổ chức đòi lật đổ xóa sổ hệ thống cộng sản tham nhũng, Đảng Dân chủ có ủng hộ vấn đề đó không?

Độc đảng và độc quyền tất dẫn đến tập quyền và tham nhũng. Xã hội có cường quyền, tham nhũng thì có đấu tranh – đó là quy luật tự nhiên. Thực tế từ năm 1960 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (trước năm 1976 ẩn danh là Đảng Lao động) cầm quyền không còn tính chính danh. Vấn đề Đảng Cộng sản loại bỏ Hiến pháp gốc 1946, tước bỏ quyền làm chủ của nhân dân, tự soạn thảo và thông qua các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2001 (sửa đổi) đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng không hợp thức. Đây chính là nguồn gốc gây ra các bất công và quốc nạn tham nhũng dai dẳng. Một nhà nước tiếm quyền của dân, không thông qua bầu cử công bằng, không tôn trọng và không có trách nhiệm với nhân dân nên có nhiều người trong xã hội nảy sinh ý muốn xóa bỏ hệ thống nhà nước tham nhũng, hại dân là điều không khó hiểu.
 
 Chính vì vậy mà đã có ý kiến từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng nếu không đổi mới chính trị thì không thể đánh bại được tham nhũng.

Tuy vậy, quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Đảng Dân chủ không phải là thế lực thù địch của bất cứ ai. Mục tiêu của Đảng Dân chủ không phải lật đổ bất kỳ chính quyền nào, mà là hoạt động ôn hòa nhằm thúc đẩy cho Việt Nam sớm có một hiến pháp dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập, và nhân bản trong một nền kinh tế sinh động.

Đảng Dân chủ Việt Nam luôn mong muốn các chính đảng hoạt động công khai, bình đẳng và tuân thủ pháp luật. Đảng Dân chủ không ủng hộ những hoạt động bất chính của bất cứ cá nhân hay thành phần nào trong xã hội. Dù Đảng Cộng sản trên thực tế chỉ là thành phần thiểu số trong xã hội, chưa đến 5% dân số Việt Nam, nhưng chuyện “xóa sổ” một đảng chính trị nào đó là do người dân quyết định thông qua lá phiếu, chứ không do ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hay lực lượng chính trị nào.

Về phương diện tâm lý xã hội

8. Nhu cầu thực tế của xã hội là dân chủ và lâu nay Đảng Cộng sản cũng hô hào xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, nhưng tại sao đến nay công cuộc dân chủ hóa vẫn chưa có sự tham gia tích cực của các thành phần xã hội? Sự sai lầm bắt nguồn từ tư duy độc tôn cũng đã có nhiều tiếng nói tâm huyết nêu thẳng vấn đề – từ người trong đến người ngoài Đảng Cộng sản, từ người trong nước đến người ngoài nước, từ đảng viên cấp thấp đến lãnh đạo cấp cao, kể cả Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đến Phó Chủ tịch nước. Vậy mà vấn đề dân chủ đa nguyên cũng vẫn chưa được nhà nước đáp ứng hay điều chỉnh, ý kiến của Đảng Dân chủ về việc này như thế nào?

Nếu các cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã phải lên tiếng thì rõ ràng các vấn đề trong xã hội không chỉ là cục bộ, rời rạc, mà mang tính hệ thống. Một hệ thống chính trị đã không biết nghe những tiếng nói tâm huyết từ những người một thời đã xây dựng ra nó hiển nhiên là bất trị, cần phải được thay đổi.

Lỗi hệ thống này thể hiện ngay trong hiến pháp và pháp luật, bên cạnh các vấn đề lương tâm và tầm nhìn. Lý do mà các lãnh đạo cộng sản không đáp ứng các tiếng nói tâm huyết hay nguyện vọng của người dân chính vì quyền làm chủ của nhân dân đã bị giới lãnh đạo thao túng ngay trong hiến pháp. Nếu nhân dân thực sự có quyền làm chủ đất nước (quyền bầu cử ứng cử tự do, quyền phúc quyết hiến pháp…) thì giới lãnh đạo cộng sản đã không dám xem thường nhân dân. Nếu quyền làm chủ đất đai được hiến định và nhà nước bảo vệ thì tình trạng dân oan và những vụ như trường hợp ở Tiên Lãng hay Văn Giang không thể xảy ra.

Lâu nay, từ người dân bình thường đến các cấp lãnh đạo đều nói nhiều về dân chủ và mong muốn đất nước có dân chủ nhưng số người tham gia trực tiếp vào các hoạt động dân chủ thì lại chưa có nhiều. Vấn đề chính là sự vận hành của hệ thống chính trị một đảng. Để duy trì hệ thống độc đảng, đảng cầm quyền luôn tìm cách ngăn chặn những người hoạt động vì dân chủ và sách nhiễu họ dưới nhiều hình thức, từ tuyên truyền bóp méo sự thật, bẻ cong lịch sử đến quy chụp tội hình sự.

Một hệ thống chuyên quyền, tham nhũng, trù dập nhân tài, bỏ tù những người yêu nước có cần phải tiếp tục duy trì hay không?

Quyền của công dân không có trọng lượng lớn nếu không được kết hợp vào một hệ thống. Cá nhân không đủ khả năng giám sát quyền lực, và cũng không có đủ sức mạnh để tác động lên lỗi hệ thống. Chỉ có hệ thống mới thay thế hệ thống, cũng như chỉ có quyền lực mới giám sát quyền lực. Cho nên việc cùng nhau xây dựng một hệ thống và sinh hoạt trong tinh thần chung sức hợp lực là đúng đắn và cần thiết.

Có hệ thống tốt thì sẽ có lãnh đạo giỏi. Hệ thống chính trị ổn định và bầu cử công bằng sẽ giúp chọn ra nhân tài lãnh đạo đất nước. Xã hội có hệ thống tốt sẽ giúp người tốt trở nên tốt hơn và người kém có cơ hội khá lên. Còn xã hội có hệ thống tồi thì người tốt cũng khó làm được việc tốt trong khi người xấu càng trở nên xấu hơn.

Là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội tiên phong dẫn đường trong việc đoàn kết dân tộc, bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước, thay vì cố duy trì quyền lực chính trị của phe nhóm mà né tránh những ý kiến, quan điểm hay những đòi hỏi chính đáng của nhân dân từ lâu nay. Lãnh đạo mà không theo kịp tiến trình của xã hội thì không còn là lãnh đạo mà là vật cản đường trong tiến trình phát triển đất nước. Lãnh đạo Việt Nam không nên chờ đến lúc kinh tế kiệt quệ, dân “xé rào” mới có chính sách Đổi mới như hồi năm 1986; hay để quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974 mà đến cuối năm 2011 mới chịu lên tiếng. Nếu đợi đến lúc cách mạng bùng lên trên khắp đường phố và thôn làng mới chịu thay đổi thì đã quá muộn. Hoạt động chính trị chính đáng phục vụ cho Tổ quốc không nên đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân hay cố ý lừa mị xã hội.

Ngoài bản hiến pháp của toàn dân và trách nhiệm thượng tôn pháp luật, sự phát triển của đất nước tùy thuộc vào ba yếu tố quan trọng của giới lãnh đạo: lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tư duy dân chủ. Lòng yêu nước là truyền thống, đặc điểm của dân tộc Việt Nam. Nhưng yêu nước mà thiếu tinh thần dân tộc thì khó tạo sự đoàn kết trong xã hội, vì tinh thần dân tộc sẽ giúp lãnh đạo hòa hợp dân tộc thay vì gây chia rẽ và kích động hận thù. Còn lãnh đạo mà phong kiến, độc đoán là thiếu tư duy dân chủ. Các thiết chế dân chủ chỉ là điều kiện cần, tư duy dân chủ mới là điều kiện đủ để thực thi các thiết chế đó. Cho nên, thiếu tư duy dân chủ thì rất khó để xây dựng xã hội công bằng hay kiến tạo xã hội hài hòa nhằm phát triển toàn diện đất nước.

Vấn đề lên tiếng đơn lẻ, thiếu đồng thanh tập thể

9. Những bất công xã hội tại Việt Nam rõ ràng bắt nguồn từ vấn đề quyền làm chủ của người dân bị lấy mất. Vấn đề nguy hại này ngay cả giới lãnh đạo cộng sản cũng đã lên tiếng và chỉ rõ ra sự việc, nhưng tại sao cho đến nay những bất công đó vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa được hóa giải?

Công tâm mà nói, lâu nay có nhiều tiếng nói tâm huyết trong Đảng Cộng sản đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi gây hại xã hội:

“Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả…” Và, “…một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ” (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộcphỏng vấn với BBC ngày 17 tháng 4, 2007).

“Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước. Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp” (Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trả lời Tuần Việt Nam).

“Chống tham nhũng, lãng phí và những việc phạm pháp, tiêu cực khác là chống ‘giặc nội xâm’ chỉ có thể thành công nếu biết dựa vào dân”. Mặt khác, để ngăn chặn được tệ nạn tham nhũng và nghiêm trị ‘giặc nội xâm’ thì Việt Nam “cần có cơ chế thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, thu hút được sự tham gia rộng rãi của toàn dân” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Rõ ràng, các tiếng nói đơn lẻ khó làm thay đổi chủ trương thao túng quyền làm chủ nhân dân vì mục đích độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản. Việc Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng quân đội, Thủ tướng và nhiều viên chức của chế độ khi đã hết quyền lên tiếng là vì họ nhận thức những tai hại về quyền làm chủ của người dân bị thiểu số cầm quyền trái phép nắm giữ lâu nay. Quyền làm chủ là quyền bầu cử ứng cử tự do, quyền phúc quyết hiến pháp và các vấn đề hệ trọng của đất nước. Hậu quả của việc mất quyền làm chủ đã dẫn đến tình trạng dân oan, vấn đề biên giới–biển đảo, vấn đề boxit Tây Nguyên và nhiều bất công xã hội không được giải quyết thỏa đáng, minh bạch.

Cho nên, việc phải đòi lại quyền làm chủ đất nước của nhân dân thông qua một bản hiến pháp dân chủ là vô cùng khẩn thiết, trong đó quyền làm chủ đất đai, quyền bình đẳng kinh tế tư nhân cũng không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, để tiếng nói đó được nhà cầm quyền lắng nghe và đáp ứng, thì nhất thiết cần có ý kiến đại thể và đồng thanh thống nhất. Nghĩa là, những tâm huyết đó cần được hệ thống hóa và cần có nhiều người dũng cảm cùng đồng thanh không phân biệt giữa người trong hay ngoài Đảng Cộng sản hoặc giữa người ở trong hay ngoài nước.

Có người cho rằng một nhà nước mà đảng cầm quyền đã tệ hại và bất tín nhiệm đối với nhân dân thì việc nói ra có giúp ích được gì hay có khi còn bị hãm hại. Thế nhưng, có điều mà nhiều người trong chúng ta chưa thấy là, một khi số đông đã đồng thanh thống nhất với yêu cầu chính nghĩa thì lúc đó đảng cầm quyền sẽ không thể không đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Vấn đề tư duy độc tôn, không tôn trọng dân chủ

10. Nhiều ý kiến cho rằng, hô hào tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ mà suy nghĩ và hành động vẫn độc tôn, cục bộ là mâu thuẫn, ngăn chặn sự tiến bộ xã hội… Hậu quả là tình trạng bất hòa, xung đột giữa các thành phần xã hội vẫn còn dai dẳng. Đảng Dân chủ quan niệm thế nào về đoàn kết dân tộc? Để các hoạt động cho dân chủ, xã hội công bằng được phù hợp và hữu hiệu hơn, ý kiến của Đảng Dân chủ như thế nào?

Đoàn kết dân tộc luôn luôn là điều cần thiết. Đảng Dân chủ Việt Nam chủ trương đoàn kết dân tộc theo nguyên tắc tự do, dân chủ, và bình đẳng. Đảng Cộng sản lâu nay đã hô hào đoàn kết dân tộc nhưng không thành và sẽ không bao giờ thành, vì họ kêu gọi đoàn kết trên nguyên tắc độc tôn, một đảng. Nghị quyết 36 về đoàn kết dân tộc trong thời gian qua đã thất bại vì không theo các tiêu chí dân chủ bình đẳng cơ bản. Tương tự, có tổ chức cũng kêu gọi đoàn kết dân tộc nhưng lại loại trừ các chính đảng mà họ không thích và điều này không phù hợp với tinh thần dân chủ.

Đảng Dân chủ luôn mong muốn đất nước thoát khỏi tình trạng hận thù, bất hòa, và phân hóa. Tuy nhiên, việc hòa giải khép lại quá khứ, phải bắt đầu từ phía gây thù địch là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Dân chủ cho rằng các cá nhân, tập thể hoạt động vì dân chủ mà chống nhau thì đó là vấn đề cần xem xét lại. Sống là tranh đấu. Tranh đấu hiệu quả thì phải có phương hướng nhất định và phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Chúng ta không nên bận rộn với những vấn đề có tính cách cá nhân, để rồi có thể vô tình rơi vào quỹ đạo đối nghịch làm sao lãng các mục tiêu của xã hội. Thay vì gây thêm vấn đề, chúng ta cần giữ hoạt động trong tinh thần dân chủ, bình đẳng cho các mục tiêu chung. Còn hô hào phục vụ xã hội mà hoạt động đơn lẻ, chú trọng cho cá nhân hơn tập thể, thì khó có đủ sức mạnh cho công việc và khó tạo sự thống nhất cần thiết cho công cuộc chung.

Kết Luận

Chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung cùng với chế độ cộng sản tại đất nước đã sinh ra nó. Những lý luận về “chủ nghĩa xã hội” và việc nghiên cứu tìm “cách đi lên chủ nghĩa xã hội” chỉ là chiêu bài cố bám của Đảng Cộng sản. Điều đất nước đang cần là xây dựng một nhà nước chính danh với cơ chế dân chủ, minh bạch và điều hành xã hội bằng pháp luật chứ không phải xoay quanh vấn đề chủ nghĩa hay tư tưởng…

Vấn đề ngụy biện, tuyên truyền một chiều lâu nay đã tiêu phí biết bao thời giờ, tiền của và công sức của toàn xã hội. Sự áp đặt, tiêm nhiễm và ru ngủ đã tạo ra tình trạng xã hội bạc nhược, ảnh hưởng tai hại cho nhiều thế hệ. Trường học không phải là nơi tuyên truyền lừa mị; bao nhiêu sách vở, bao nhiêu tờ báo in ấn tốn hàng tấn giấy mực, bao nhiêu biểu ngữ tuyên truyền, loa phóng thanh quấy nhiễu sự yên bình của xã hội đã đến lúc cần kết thúc tại Việt Nam.

Đặc điểm của chế độ cộng sản là độc đảng, độc tôn, độc quyền, trong khi đất nước cần là dân chủ, đoàn kết, phát triển. Tình trạng độc tôn, bôi nhọ cá nhân, gây chia rẽ trong xã hội ngay cả tôn giáo cũng không tránh khỏi. Chính vì vấn đề độc tôn, cố chấp của đảng cầm quyền mà đến nay việc đoàn kết dân tộc vẫn chưa được thực hiện.

Chủ trương độc đảng hiển nhiên là chứng cứ gây tội ác trong xã hội. Vấn đề chiếm đoạt quyền làm chủ của nhân dân đã quá lâu, đã đến lúc cần được trả lại và tôn trọng. Quyền làm chủ của người dân không có thì dù có lên tiếng thế nào cũng không được đáp ứng. Người dân có quyền làm chủ thì mới có quyền quyết định, không có quyền làm chủ đồng nghĩa với việc không có quyền quyết định. Quyền làm chủ đất nước mà không nằm trong tay của người dân thì đất nước có “độc lập” cũng chẳng có ý nghĩa gì và sự hy sinh của toàn dân trở nên vô nghĩa.

Thực tế là, không phải tất cả người cộng sản đều không có trái tim hay không hiểu vấn đề nhưng vì sự vận hành của hệ thống cộng sản đã bất trị. Trong khi lãnh đạo thì thiếu dũng cảm, thiếu tinh thần dân tộc, hơn nữa lại quá đặt nặng lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bất chấp danh dự và lợi ích quốc gia, không sửa lỗi hệ thống!

Lỗi hệ thống cơ bản cần sửa đổi chính là trả lại quyền làm chủ cho nhân dân, cụ thể là nhà nước phải tổ chức bầu cử công bằng, chấm dứt tình trạng áp đặt hiến pháp và pháp luật của một đảng lên toàn xã hội, và cấp thiết ban hành hiến pháp, pháp luật của toàn dân. Việc tháo gỡ hệ thống chính trị bất trị đó cần tiên phong từ những người góp phần xây dựng ra nó.

Nhận thức sự vận hành của bộ máy cộng sản đã bất trị và cần được tháo gỡ, nên vấn đề đổ lỗi cho ai hay tranh cãi về chủ thuyết nào không phải là việc cần tập trung, mà việc chính cần giải quyết hiện nay là thúc đẩy trở lại với tình tự dân tộc, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong xã hội và cùng nhau xây dựng đất nước.

Về phía các lực lượng dân chủ, vấn đề hiện nay là các thành phần dân chủ chưa phối hợp chặt chẽ, chưa đồng thanh tương ứng. Cho nên, các lãnh đạo cộng sản mới có cơ hội hô hào “chỉnh đốn đảng”, chống “diễn biến hòa bình”, ngụy tạo ra “thế lực thù địch”… – các chiêu bài cũ này chỉ là để đánh lạc hướng, nhằm xoa dịu đảng viên và công luận đang bức xúc đòi hỏi thay đổi.

Đảng Dân chủ tin rằng một khi các thành phần dân chủ trong và ngoài Đảng Cộng sản phối hợp thì lúc đó việc hòa hợp dân tộc sẽ bắt đầu và xã hội sẽ chuyển biến nhanh theo chiều hướng tích cực, vì trong Đảng Cộng sản có rất nhiều người yêu nước với khuynh hướng chính trị cấp tiến đã sẵn sàng cho các thay đổi.

Tóm lại, cốt lõi của vấn đề cần giải quyết tận gốc chính là vấn đề tư duy và cơ chế. Ngày nào Việt Nam chưa có hiến pháp dân chủ, chưa thực hiện bầu cử tự do và công bằng, thì đảng cầm quyền vẫn không chính danh, và những hô hào của giới cầm quyền vì mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng… vẫn chỉ là nói, không thành thật.

Tham khảo kết luận

I. Những phát biểu đáng chú ý về cộng sản từ nơi phát sinh ra cộng sản:

Cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên xô, ông Gorbachev nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, hôm nay tôi đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”

Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói: “Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó.”

Tổng thống Nga Putin nói: “Kẻ nào tin những gì cộng sản nói, là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của sộng sản, là không có trái tim.”

Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã trả lời câu phỏng vấn của tờ nhật báo Nga Isvestiai rằng: “Chế độ chính quyền ở Liên Xô khi trước không thể diễn tả bằng cách nào khác hơn là một chế độ độc tài toàn trị. Thực không may, đây là một chế độ đàn áp các quyền tự do cơ bản không những chỉ người dân của nước mình, mà còn cho nhân dân các nước nằm trong khối cộng sản, tôi muốn nói tới các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong gần nửa thế kỷ nay. Và vết nhơ này không thể nào bôi xóa trong lịch sử”.

Nhà văn Nga Alexandre Soljenitsym nói: “Khi thấy thằng cộng sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại, những lời nó nói láo với người khác.”

Những phát biểu đó đã đủ để kết luận về chế độ cộng sản. Không khó hiểu, nếu không có sự áp đặt, không chiếm đoạt quyền làm chủ của nhân dân, không tuyên truyền nói dối thì chế độ cộng sản không thể tồn tại. Dù bị giải thể, Đảng Cộng Sản Nga đã trở lại và tự do hoạt động nhưng đa số người Nga hiện nay không quan tâm đến đảng cộng sản hay chủ nghĩa Mác Lênin!

II. Phần trích các phát biểu và nhận xét của các lãnh đạo Cộng sản về các vấn đề của Đảng Cộng sản và trong xã hội. Qua các phát biểu này chứng tỏ giới lãnh đạo Cộng sản vẫn nói suông, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo:

Về tình hình đất nước trước quốc nạn tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây đã chia sẻ, “trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này…”. Nhìn lại từ thời Đỗ Mười, tham nhũng đã là “quốc nạn”, và sau đó gọi là giặc “nội xâm”. Thời Lê Khả Phiêu, “chúng ta đã coi tham nhũng là quốc nạn thì đến nay vẫn là quốc nạn”; thời Nông Đức Mạnh, “tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng, nhằm khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”; cho đến thời Nguyễn Phú Trọng, “kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí”. Và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đãkhẳng định rằng, “không thể đánh bại được tham nhũng nếu không có đổi mới chính trị ở Việt Nam”.

Về dân chủ và bầu cử dân chủ, Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng cần “tránh dư luận nhân dân cho rằng có thể đi bầu hộ, một người bầu cho cả gia đình, hoặc chuyện đi bầu chỉ là hình thức vì đã chọn sẵn từ trước,” … nên ông đã cam kết, phát huy dân chủ thực sự, chứ không phải “dân chủ trình diễn, dân chủ hình thức”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề này rằng, “một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ”. Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rõ rằng cần “nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.  Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc chia sẽ quan điểm trên Vietnamnet rằng “…đã có những lúc chúng ta đã không dám nói đến dân chủ… Từ dân chủ mới được đưa vào mệnh đề này mươi năm nay thôi…Ngay mệnh đề nhà nước pháp quyền cũng thế. Một nhà nước pháp quyền không thể là pháp quyền nếu như nó không thực hiện chế độ dân chủ, nhưng từ pháp quyền cũng đã có lúc chúng ta ngại đề cập tới… Vấn đề rất lớn hiện nay chúng ta phải giải quyết, theo tôi hiểu, đó chính là làm thế nào cho chế độ đại diện bầu cử phải thực sự trở thành cơ chế thực sự dân chủ…”. Và còn nhiều ý kiến khác đã chỉ ra: không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức…; không dám nói thẳng nói thật…; Dân chủ trong Đảng chưa được phát huy mạnh mẽ thì không thể thúc đẩy được dân chủ trong xã hội… ; Dân chủ không được thực hiện một cách đúng đắn đã biến tập thể trở thành “bình phong” để hợp thức hóa ý kiến của thủ trưởng, mà thực chất là gia trưởng, độc đoán.

Về tình hình xã hội, trong phiên họp của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức qua báo cáo “tình trạng quá tải bệnh viện, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn bức xúc. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp…” và đề ra, “cần sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Trong khi hệ thống chính trị thì bất trị và các thành phần xã hội khác với Đảng Cộng sản thì bị quy chụp là các thế lực thù địch. Một nhà nước dân chủ, một chế độ chính trị có trách nhiệm, không thể có những kiểu phát biểu như: “Hãy nhìn thẳng vào sự thật; đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, nói ra sự thật; phát huy được dân chủ là nguồn lực vô tận; điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ; bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát…”.

Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trong Nghị quyết TW4 về xây dựng đảng ngày 27/2/2012 tại Hà Nội: “… tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo,… Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc… Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm…ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức;… Đáng chú ý là…một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân…, bất chấp đạo lý, dư luận”; Về những phát biểu này, công luận đặt vấn đề rằng bộ phận suy thoái nghiêm trọng đó có loại trừ Bộ Chính trị, nơi xuất phát các mệnh lệnh trong Đảng Cộng sản Việt Nam? Trong xã hội văn minh, tình trạng suy thoái cả đạo đức, tư tưởng và lối sống của một đảng chính trị như ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu không thể được phép tồn tại, chứ đừng nói đến hô hào chỉnh đảng.

© 2012 Đảng Dân chủ Việt Nam – www.ddcvn.info

  •  

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link