Thursday, October 10, 2013

Thế hệ sau chiến tranh nghĩ gì về tướng Giáp


 

Thế hệ sau chiến tranh nghĩ gì về tướng Giáp


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-09

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


10092013-vngiap-kh.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

000_Hkg9079240(1)-305.jpg

Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013

AFP photo

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm dấy lên một cuộc tranh luận, trao đổi cảm nghĩ về nhân vật lịch sử này trên không gian truyền thông internet. Kính Hòa trò chuyện với các thanh niên Việt nam sinh ra và lớn lên sau chiến tranh về chủ đề này.

Sự kiện lớn nhất trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam trong tuần qua không phải là hội nghị trung ương lần thứ tám của đảng cộng sản cầm quyền, mà là Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 102. Sự kiện này cũng được nhiều kênh truyền thông quốc tế nhanh chóng loan tải. Sau một ngày ngập ngừng, cuối cùng thì truyền thông “chính thống” của nhà nước Việt Nam cũng loan tin và đưa những bài viết ca ngợi vị Đại tướng đã trải qua những cuộc chiến khốc liệt dai dẳng trên bán đảo Đông Dương trong thế kỷ vừa qua.

Tướng Giáp là một nhân vật lịch sử của Việt Nam, một vị tướng tài giỏi trong chiến tranh.
- Bạn Tiến, Hà Nội

Nhưng sôi nổi nhất có lẽ là không gian truyền thông internet trong không gian Việt ngữ, với những tranh luận, chia nhau ra thành đôi ba phe, cực đoan có, ôn hòa có. Có những người ca ngợi ông hết lời, có những người sỉ vả ông cái trách nhiệm đã đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam cùng với sự tang tóc mà hàng trăm ngàn gia đình người Việt Nam phải gánh chịu.

Việt nam hiện nay có một số dân rất đông đảo sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Những người sẽ tạo nên diện mạo của Việt Nam trong mười hay mười lăm năm nữa nghĩ gì về nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp?

Chúng tôi tìm hiểu vấn đề này qua những cuộc chuyện trò với các bạn trẻ sống trong một không thời gian khá xa những cuộc chiến của Đại tướng Giáp. Những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đều có trình độ đại học, lớn lên ở những vùng khác nhau, và đều có khả năng tiếp xúc với thế giới thông tin hiện đại, đa chiều.

Một nhân vật lịch sử

image-250.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh chụp năm 2008 tại Hà Nội. AFP

Bạn Tiến, 26 tuổi, một người sinh ra ở Hải Phòng, đã tốt nghiệp đại học xây dựng và hiện đang sống ở Hà Nội.

“Tướng Giáp là một nhân vật lịch sử của Việt Nam, một vị tướng tài giỏi trong chiến tranh. Còn sau này thì có chuyện khúc mắc gì đó trong những người cầm quyền nên tướng Giáp không giữ trọng trách được nữa, mình cũng khó nói về giai trò của ông ấy sau này. Có những ý kiến trái chiều về tướng Giáp thì điều đó cũng bình thường thôi. Có những người cho là những điều tệ hại hiện nay có một phần trách nhiệm của tướng Giáp, em cũng thấy thoải mái với cái ý đó của họ thôi, nhưng em nghĩ rằng những người có tinh thần dân tộc thì lại xem tướng Giáp như là người anh hùng, và còn thần tượng ông ấy nữa.”

Tiến nói rằng bạn ấy cũng có thể là sẽ đến viếng tướng Giáp trong những ngày sắp tới. Một bạn trẻ khác tên Tuyền sinh năm 1990, lớn lên ở Phan Thiết, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và tin học tại và hiện đang làm kinh doanh cho một công ty tư nhân tại TP HCM cho biết suy nghĩ của mình:

Cách đây hai năm thì ông ấy là một thần tượng của em, còn bây giờ thì em đâm nghi ngờ tất cả, vì tất cả những gì mình biết đều là một chiều, em cần một cái gì trung dung.
- Nữ họa sĩ Yên Khê, Hà Nội

“Khi mà em nghe tin tướng Giáp mất thì em cũng chỉ nghĩ như một người lớn tuổi mất và lấy làm tiếc, mong ông được yên nghỉ. Còn những chuyện đúng sai của ông thì em không rõ. Quan điểm của em là nếu là chuyện gì đó mà hy sinh nhiều dân thường quá thì không nên. Dĩ nhiên là có những người mang ơn ông, thì em nghĩ đó cũng là điều bình thường.”

Nữ họa sĩ trẻ Yên Khê tại Hà Nội lại có những chuyển biến tư tưởng về nhân vật huyền thoại này của lịch sử Việt Nam hiện đại:

“Cách đây hai năm thì ông ấy là một thần tượng của em, còn bây giờ thì em đâm nghi ngờ tất cả, vì tất cả những gì mình biết đều là một chiều, em cần một cái gì trung dung. Theo em thì tướng Giáp là một nhân vật lịch sử, là người có tác động đến lịch sử và cũng là người yêu nước. Còn sự thật đằng sau cuộc đời ông thì thông tin rất bị nhiễu. Nếu được hỏi thì em nói là em quý trọng ông. Còn về chuyện có hai luồng ý kiến khác nhau về ông thì cũng bình thường, vì ông là một vị tướng của chế độ này.”

Không thần thánh hóa

000_Hkg9076360-250.jpg

Giới trẻ Hà Nội đi viếng tướng Giáp hôm 08/10/2013. AFP photo

Trọng Hiền sinh năm 1983 trong một gia đình công chức nhỏ của chế độ Việt Nam cộng hòa, lớn lên ở Phan Thiết, tốt nghiệp đại học bách khoa TP HCM, và hiện làm luận án tiến sĩ tin học tại Úc, theo dõi sát những diễn biến tranh luận sau khi tướng Giáp mất. Hiền nói với chúng tôi:

“Em thấy là tướng Giáp là một nhân vật đầy tranh cãi đối với người Việt vì những đóng góp của ông trong cuộc chiến đánh Pháp và Mỹ, mà người Việt bị chia rẽ bởi những cuộc chiến đó. Ông là một vị tướng rất giỏi, như nhiều người trên thế giới đánh giá, trong đó có cả những địch thủ của ông, em đồng ý điều này. Gần đây ông có đưa ra những ý kiến về dự án bauxite, về kế hoạch mở rộng Hà Nội, điều đó chứng tỏ ông là người có tấm lòng với đất nước, riêng em thì em đánh giá ông ấy cao và yêu quý ông ấy, nhưng không thần thánh hóa.

Khi ông mất đi thì bùng lên những thông tin tranh luận về ông trong và ngoài nước, thế hệ chiến tranh và sau chiến tranh thì em cho đó là điều rất thú vị, nó mở ra môi trường tranh luận, cho phép mình có nhiều thông tin không những về ông mà còn về cuộc chiến nữa. Những người thuộc thế hệ của em nên đứng lùi lại một chút để có cái nhìn khách quan, tránh thần tượng hóa, về một nhân vật không có trong thời đại mình, về những công lao cũng như những góc khuất của cuộc đời ông liên quan đến những biến động lớn của dân tộc mình trong thế kỷ trước.”

Bạn Hy Văn, quê gốc Nghệ An, sinh năm 1985, tốt nghiệp đại học Kiến trúc và hiện đang làm việc tại Hà Nội lại đề cập đến sự tiếp cận thông tin đa chiều của thế hệ trẻ về nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp:

...riêng em thì em đánh giá ông ấy cao và yêu quý ông ấy, nhưng không thần thánh hóa.
- Trọng Hiền, TP HCM

“Thế hệ chúng tôi tiếp cận nhiều với thông tin đa chiều nên cái nhìn không nặng nề như thế hệ trước, không thần tượng hay thần thánh hóa. Nói chung những bạn bè thế hệ của mình đều kính trọng ông ấy, ông ấy là một nhân vật lịch sử, gắn với lịch sử ở thế kỷ 20 của Việt Nam. Còn sự tranh cãi về ông là đương nhiên, nó thể hiện sự hòa giải của người Việt sau chiến tranh vẫn chưa kết thúc, chưa tìm ra được giải pháp, cho nên một bên thì muốn tô vẽ ông rất tốt đẹp, còn bên kia thì muốn hạ thấp vai trò của ông, nhưng nói chung cả hai bên đều là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của cái gọi là thắng cuộc hay thua cuộc. Nhưng sự tranh cãi tạo nên nhiều thông tin và mình cho đó là một sự tiến bộ.”

Cuộc trao đổi của chúng tôi với năm bạn trẻ này là một cố gắng tìm hiểu những suy nghĩ của thế hệ không biết đến bom đạn của cuộc chiến dài nhất thể kỷ 20 trên thế giới. Nó có thể chưa đầy đủ, nhưng cũng cho thấy sự chấp nhận đa chiều trong giới trẻ Việt nam có học thức, và một sự phân biệt rõ ràng quá khứ và tương lai, muốn tìm hiểu quá khứ nhưng không nhầm lẫn đó là tương lai.

 


__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link