Friday, September 25, 2015

Làm gì và phải sống như thế nào? (II)


Làm gì và phải sống như thế nào ? (I)

Thu, 08/27/2015 - 21:27 — nguyenthituhuy
Liên quan đến câu hỏi của bài trước, « chúng ta còn tiếp tục sống như thế này đến bao giờ ? », là một câu hỏi khác, mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã và đang tự đặt ra cho chính mình và đặt ra cho những người xung quanh, cho toàn bộ xã hội, trong bối cảnh bi đát hiện nay: « Vậy phải làm gì ? ». Hoặc cũng có thể đặt câu hỏi này theo cách khác : « Vậy phải sống như thế nào ? ».
Câu hỏi này, « phải sống như thế nào ? », thực ra Václav Havel đã trả lời cho chúng ta từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Câu trả lời của Havel : «Sống trong sự thật ».
Câu trả lời này được đưa ra xuất phát từ sự phân tích và nhận thức của Havel về các đặc trưng cơ bản của hệ thống toàn trị : đó là một hệ thống vận hành dựa trên nguyên lý của sự dối trá. Hệ thống toàn trị còn tồn tại chừng nào các cá nhân trong đó còn tham gia vào các trò diễn dối trá của nó. Vì thế mà sống chân thực, sống trong sự thật, trở thành một thứ sức mạnh, một thứ quyền lực. Và sống trong sự thật chính là để khôi phục lại phẩm giá và đạo đức cho mỗi cá nhân và cho toàn xã hội.
Như vậy ở đây ta thấy một cách rõ ràng sự gặp gỡ giữa ý tưởng của Havel ở những năm 1970 về sức mạnh chính trị của lối sống trong sự thật và thực tế về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu từ cuối thập kỷ 80, nếu ta đồng ý với Leon Aron rằng Liên Xô tan rã là vì người Nga muốn bảo vệ nhân phẩm, muốn có một cuộc sống đạo đức, với đầy đủ các giá trị tinh thần, vì họ muốn từ bỏ cuộc sống nhục nhã trong dối trá.
Chính Havel, trong tác phẩm « Quyền lực của kẻ không quyền lực », viết năm 1978, cũng tìm cách trả lời cho câu hỏi do chính ông đặt ra: « Thế thì phải làm gì ? ».
Do đánh giá được ý nghĩa to lớn của việc sống trong sự thật mà Havel nhìn thấy tầm quan trọng của những người bất đồng chính kiến và hoạt động của xã hội dân sự, hai trong số các yếu tố có ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ toàn trị.
Trước tiên, đối với Havel, ý nghĩa của các hoạt động bất đồng chính kiến nằm trong chính việc thiết lập hình thức « sống trong sự thật » để chống lại sự dối trá vốn là nguyên lý vận hành của hệ thống toàn trị. Ông viết : « công việc chính của các “phong trào bất đồng chính kiến” là phụng sự sự thật, tức là, phụng sự những mục tiêu chân chính của sự đời, và nếu nó nhất định phải phát triển thành phong trào bảo vệ cá nhân và quyền được sống cuộc đời tự do và chân thực của anh ta (có nghĩa là bảo vệ các quyền con người và đấu tranh để buộc người ta tôn trọng pháp luật) thì cách tiếp cận này phải có một giai đoạn tiếp theo, có thể là giai đoạn trưởng thành nhất cho đến nay, tức là giai đoạn mà Václav Benda gọi là tạo ra những “cơ cấu song hành” (Trích “Quyền lực của kẻ không quyền lực”, bản dịch của Phạm Nguyên Trường).
Theo phân tích của Havel, khi những người bất đồng chính kiến bị đẩy ra khỏi cơ cấu chung của xã hội hiện hành thì họ kết nối lại với nhau và cùng nhau tạo thành một cơ cấu riêng của họ, tồn tại song song với cơ cấu toàn trị. Khi những cơ cấu này đủ lớn mạnh họ sẽ tạo ra “cuộc sống tự chủ của xã hội”. Và khi nào đời sống độc lập này của xã hội được tổ chức một cách chặt chẽ và được thể chế hóa thì lúc đó đời sống chính trị song hành sẽ được hình thành. Ta có thể thấy Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam và một số hội độc lập khác chính là minh chứng cho phân tích của Havel. Tuy nhiên, ta còn chưa biết đến bao giờ thì những tổ chức này đủ lớn mạnh và được tổ chức một cách chặt chẽ để hình thành một đời sống chính trị song hành với đời sống chính trị toàn trị hiện nay ở Việt Nam
Về các tổ chức xã hội dân sự, Havel cho rằng các hoạt động xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc phục hồi đạo đức xã hội, bởi vì chúng “ phục hồi những giá trị như niềm tin, cởi mở, trách nhiệm, tương trợ, yêu thương”. Trong định nghĩa của Havel, các tổ chức xã hội dân sự là những tổ chức hình thành một cách tự phát, do sự thúc đẩy của các nhu cầu có thực của đời sống. Chính những nhu cầu thực sự đó gắn kết mọi người lại với nhau trong những bối cảnh cụ thể của đời sống để cùng nhau giải quyết vấn đề. Và khi vấn đề đã được giải quyết thì tổ chức ấy có thể giải tán, để rồi sau đó các tổ chức khác lại hình thành khi mà các vấn đề của cuộc sống được đặt ra và đòi hỏi được giải quyết. Vì thế các tổ chức ấy giống như những mảnh ghép muôn hình muôn dạng trong xã hội, nảy nở, sinh sôi và tán tụ cũng theo một cách thức hết sức linh hoạt.
Những hoạt động như phong trào phản đối vụ chặt cây Hà Nội chính là hoạt động xã hội dân sự theo định nghĩa của Havel. Phong trào phản đối chặt cây xanh đã diễn ra theo đúng nhịp thở của đời sống, nó nhằm bảo vệ nhu cầu được sống trong môi trường xanh của con người. Và cũng vì thế, theo định nghĩa của Havel, nếu sau khi mục đích đã đạt được, phong trào vì cây xanh có tan rã thì cũng là bình thường. Những người đấu tranh không nên lo lắng và những người chứng kiến không nên thất vọng. Xã hội dân sự giống như những làn sóng biển, bọt sóng sẽ tung lên thành hoa khi những con sóng tiến vào gần bờ, để rồi khi lên bờ hoa sóng sẽ tan ra thành nước và quay trở lại biển, và nước biển sẽ tiếp tục tạo nên những đợt sóng khác. Càng có nhiều đợt sóng thì xã hội dân sự càng sôi động, nghĩa là xã hội càng được “sống”, trong khi mà hệ thống toàn trị muốn bóp nghẹt tất cả, muốn bịt miệng tất cả và muốn xếp con người vào hộp như những hộp cá trích. Những tổ chức như Hội Nhà báo Độc lập sẽ phải tồn tại lâu hơn, vì mục đích của nó là tự do xuất bản, tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình... những mục đích này còn lâu lắm mới có thể đạt được, nếu ta nhìn thẳng vào thực trạng của nền chính trị hiện hành.
Theo quan sát của Havel, các tổ chức xã hội dân sự không có tham vọng bành trướng và thực thi quyền lực. Mà đó là những cơ cấu gắn bó với nhau bằng những cảm nhận chung về trách nhiệm đối với cộng đồng. Đấy chính là sự khác biệt của các cơ cấu xã hội dân sự so với các hoạt động chính trị truyền thống. Ông viết: “Chẳng phải là những nhóm này sinh ra, trưởng thành và tiêu vong dưới áp lực của những nhu cầu đích thực và cụ thể, chứ không phải mang trên vai gánh nặng của những truyền thống trống rỗng hay sao? Những cố gắng của họ nhằm sáng tạo một hình thức cụ thể của sống trong sự thật và khôi phục lại cảm giác về trách nhiệm trong một xã hội thờ ơ chẳng phải là dấu hiệu thực sự về sự hồi sinh đạo đức hay sao?
Như vậy, hoạt động của xã hội dân sự chính là dấu hiệu của sự hồi sinh đạo đức trong một cơ chế chính trị mà quyền lực được xây dựng nhờ vào sự huỷ diệt đạo đức, nhờ vào sự tha hóa của con người.
Điều đó khiến cho các hoạt động của xã hội dân sự mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nice, ngày 27/8/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Làm gì và phải sống như thế nào? (II)

Tue, 09/01/2015 - 11:03 — nguyenthituhuy
Rốt cuộc, những câu hỏi này (« phải làm gì ? », « phải sống như thế nào ? ») sẽ có giá trị chung và mang một ý nghĩa rộng lớn hoặc mang lại hiệu quả thiết thực chỉ khi nào mà mỗi người chúng ta tự đặt cho chính mình. Nghĩa là chỉ khi nào sự trăn trở về lối sống, sự khao khát hành động trở thành nhu cầu nội tâm của từng người thì lúc đó xã hội mới có đủ động lực để thay đổi.

Thực ra việc chúng ta đòi hỏi những người đang tranh đấu (hay bất kỳ ai) phải có câu trả lời cho các câu hỏi đang ám ảnh chúng ta là một đòi hỏi không thỏa đáng. Càng không thỏa đáng trong trường hợp chúng ta khoanh tay ngồi nhìn, đóng vai người quan sát và đòi hỏi những người đang tranh đấu phải chỉ ra cho chúng ta phải làm gì để có kết quả cuối cùng. Đòi hỏi đó không thỏa đáng, bởi vì những người tranh đấu đang đi tìm câu trả lời bằng chính hành động của họ, và họ hành động theo niềm tin của họ, tin rằng họ đang làm điều cần phải làm, dù có thể thất bại, dù phải trả giá và không biết kết quả sẽ như thế nào, nhưng họ vẫn làm theo sự thúc đẩy nội tâm của họ.

Để chứng minh cho điều này, tôi dẫn lại sự việc rằng, vào những năm 1970, dù Havel hành động theo sự dẫn dắt của đòi hỏi nội tâm và theo sự phân tích của lý trí, nhưng ở thời điểm ấy ông không có câu trả lời chắc chắn và không hình dung được kết quả của các hoạt động mà ông đang tiến hành, không hình dung được kết cục của Liên Xô và Đông Âu vào khoảng mười năm sau đó.

Vì không có câu trả lời chắc chắn cho tương lai, nên Havel lúc đó hình dung ra hai khả năng, tôi trích nguyên văn, và tách câu văn của Havel thành 2 đoạn cho độc giả dễ theo dõi :
1.  Hoặc là hệ thống hậu toàn trị sẽ tiếp tục phát triển (nghĩa là, sẽ có khả năng tiếp tục phát triển), và do đó, chắc chắn sẽ tiến gần hơn đến viễn cảnh đáng sợ mà Orwell nói về thế giới của sự thao túng toàn diện [Ý nói thế giới được mô tả trong tác phẩm 1984 của G. Orwell (Người dịch)], trong khi mọi biểu hiện của sống trong sự thật sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn;”
2.  hoặc là đời sống độc lập của xã hội(...), trong đó có các “phong trào bất đồng chính kiến”, sẽ từ từ nhưng chắc chắn trở thành một hiện tượng xã hội ngày càng quan trọng hơn, có vai trò thực sự trong đời sống xã hội, phản ánh ngày càng rõ ràng hơn và ảnh hưởng đối với tình hình chung cũng ngày càng tăng lên. Đương nhiên là đấy luôn luôn chỉ là một trong nhiều tác nhân có ảnh hưởng tới hoàn cảnh và nó chỉ vận hành trong khung cảnh và trong sự phối hợp với những tác nhân khác và phù hợp với khung cảnh đó.” (Trích “Quyền lực của kẻ không quyền lực”, viết năm 1978).

Dù Havel lúc đó không hình dung được một kết cục cụ thể, chỉ dám nói tới ảnh hưởng đối với tình hình chung khi các phong trào đấu tranh được nhân rộng và xã hội có được đời sống độc lập, nhưng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa đã chứng minh khả năng thứ hai trong phán đoán của Havel. Sự phát triển của các phong trào bất đồng chính kiến và sự lớn mạnh của xã hội dân sự rút cuộc đã tác động tới cấu trúc chính trị và làm thay đổi toàn bộ xã hội, đã làm chuyển động toàn bộ hệ thống toàn trị Đông Âu.

Tuy nhiên, nếu so với Đông Âu thì phải chăng tình hình của Việt Nam dường như lại đang chứng minh cho khả năng thứ nhất trong phán đoán của Havel? Liệu có phải Havel có lý khi nhìn thấy chủ nghĩa toàn trị tiếp tục phát triển, trong trường hợp các hoạt động bất đồng chính kiến và các hoạt động xã hội dân sự không đủ mạnh để trở thành phong trào rộng lớn, và thực tế Việt Nam đang ở trong trường hợp này?

 Liệu có phải sự tồn tại quá lâu trong cơ cấu toàn trị đã khiến cho hệ thống quyền lực ở nước ta hiện nay đã đạt tới sự thao túng toàn diện, còn người dân thì đã đánh mất thói quen sống trong sự thật? Liệu có phải chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi cái viễn cảnh đáng sợ mà Orwell đã tiên báo bằng tác phẩm văn học và Havel đã tiên báo trong tiểu luận chính trị của ông?

Câu trả lời không do nhóm đặc quyền lãnh đạo quyết định, không do nhóm thiểu số những người đang tranh đấu quyết định, câu trả lời do chính tất cả mọi người trong xã hội quyết định.

Vì sao?
Vì nhóm đặc quyền lãnh đạo hiện nay không đưa ra những dấu hiệu cho thấy rằng có người trong số họ hiểu được ý nghĩa thực sự của công việc lãnh đạo (thế nào là công việc lãnh đạo một quốc gia, cần phải trở lại với vấn đề này vào một dịp khác; có lẽ người lãnh đạo cuối cùng trong bộ máy chứng tỏ mình hiểu được ý nghĩa của công việc quản lý là ông Nguyễn Sự, nhưng ông đã chủ động từ bỏ hệ thống cách đây không lâu). 

Đối với họ làm lãnh đạo là để phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích gia đình. Và để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì bằng mọi giá họ phải duy trì cơ chế chính trị hiện tại, cơ chế toàn trị. Vì thế, dĩ nhiên họ chỉ có một quyết định: dẫn chúng ta, và cả họ, thẳng tới thế giới của Orwell, thẳng tới trại súc vật. Đó là điều mà họ đã và đang làm, kể từ khi họ giành được quyền lực. Họ đang xây cái trại súc vật và nhốt cả họ lẫn chúng ta vào đó.

Những người đang tranh đấu hiện nay không quyết định được tình thế, bởi họ quá thiểu số, quá đơn độc, không có được sự ủng hộ của số đông, trong khi chính quyền nắm toàn bộ các bộ máy quyền lực: công an, quân đội, truyền thông, giáo dục, luật pháp... Ngoài ra, những câu hỏi “làm gì?”, “sống như thế nào?” những người đang đấu tranh đã đặt ra cho chính họ, và họ đang trả lời bằng chính hành động của họ: lập ra một blog, lập ra một tờ báo, lập ra một nhóm, tham gia vào một phong trào... 

Gần đây nhất Hội Cựu Tù nhân Lương tâm và Hội Anh em Dân chủ đã mở kênh truyền hình “Lương tâm TV”. Những người đó, họ đang làm và đang sống trong sự thật, và chấp nhận trả giá cho lối sống của họ.

Vậy, rốt cuộc, tình thế chỉ có thể xoay chuyển khi có một áp lực đủ lớn của toàn xã hội. Chính Havel cũng đã nói điều này trong tiểu luận chính trị mà tôi đã dẫn trên đây: “Cố gắng cải cách chính trị không phải là nguyên nhân làm cho xã hội bừng tỉnh, mà là kết quả chung cuộc của sự bừng tỉnh ấy.” Để có thể dẫn tới các cải cách chính trị thì cần có sự bừng tỉnh của toàn bộ xã hội. Kể cả khi cải cách chính trị được tiến hành từ bộ phận lãnh đạo cấp cao, thì hành động cải cách ấy cũng là kết quả của sự bừng tỉnh của đa số mọi người. Nghĩa là sự thức tỉnh của xã hội tạo áp lực lên bộ máy chính trị và dẫn tới thay đổi. Trường hợp Liên Xô và Đông Âu là minh chứng rõ rệt của điều này.
Và dĩ nhiên, sẽ không có sự thức tỉnh của toàn xã hội nếu không có sự bừng tỉnh của mỗi người.

Vậy, những câu hỏi “làm gì?”, “sống như thế nào?”, mỗi người phải tự đặt ra cho chính mình, và tìm câu trả lời cụ thể ở trong chính vị thế cụ thể của mình. Bất kỳ ai cũng có thể sống trong sự thật, theo cương vị của mình. Đó là điều mà một giáo viên như Đỗ Việt Khoa đã làm. Ta hãy hình dung một viễn cảnh: có khoảng 80% (hoặc 50% thôi) giáo viên sống và hành động như Đỗ Việt Khoa, lúc đó nền giáo dục có thể vận hành lành mạnh. 

Nhưng thực tế là chúng ta chỉ có một số rất ít giáo viên dám “sống trong sự thật”, vì vậy mà Đỗ Việt Khoa phải bật ra khỏi ngành giáo dục, và ngành này hiện đang rất thối nát, bằng chứng chúng ta đã có đủ, không cần phải nhắc lại. Nhưng không riêng gì giáo dục, mọi ngành đều thối nát như vậy. Bởi vì trong xã hội chúng ta, miền Bắc tính từ 1954 và miền Nam tính từ 1975, guồng máy chính trị đã đẩy rất xa hiện tượng mà Havel nhìn thấy rõ ở Đông Âu vào thập kỷ 70: hệ thống làm cho con người tha hóa, và đến lượt mình con người đã tha hóa lại bảo vệ hệ thống ấy như là bảo vệ chính họ, bởi vì họ là một phần của hệ thống, chính họ làm nên hệ thống.

Liệu chúng ta còn có khả năng sống trong sự thật? 
Liệu chúng ta còn có khả năng thoát khỏi sự dối trá?

Chính việc sống trong sự thật sẽ góp phần làm lung lay nền tảng của chế độ toàn trị, bởi cách sống đó chống lại sự dối trá vốn là nguyên lý của chế độ toàn trị.
Sống trong sự thật không hẳn là bất đồng chính kiến. Đỗ Việt Khoa không phải là một người bất đồng chính kiến, ông ấy chỉ muốn sống và làm việc một cách trung thực, ông chống lại sự gian lận trong thi cử. Nhưng chính những người như ông ấy, bằng cách sống trong sự thật, buộc phải chống lại sự dối trá của xã hội, và do đó sẽ đi tới chỗ tạo ra một đời sống độc lập. Havel cũng nói rõ rằng những người như thế sẽ đóng góp vào hoạt động xã hội dân sự mà không nhất thiết phải là bất đồng chính kiến. Havel viết: “ những người, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào đời sống độc lập của xã hội, những người hoàn toàn không nhất thiết phải là “người bất đồng chính kiến”. 

Đấy có thể là các nhà văn viết theo ý mình mà không quan tâm tới bộ máy kiểm duyệt hay đòi hỏi của chính quyền, những người truyền bá tác phẩm của họ, dưới dạng samizdat [tư liệu cấm], đấy là nói khi các nhà xuất bản của nhà nước không chịu in. Đấy cũng có thể là các nhà triết học, sử học, xã hội học, hay tất cả những nhà nghiên cứu độc lập – đấy là nói những người không thể làm việc với các kênh chính thức hoặc bán chính thức – truyền bá tác phẩm của mình dưới dạng samizdat, hay những người tổ chức các cuộc thảo luận, giảng bài và hội thảo do tư nhân tổ chức. 

Đấy có thể là các giáo viên, những người kín đáo dạy thanh niên những điều vốn bị cấm kị trong các trường công, những linh mục đang tại vị, hoặc đã bị phế truất, nhưng vẫn cố gắng thực hành đời sống tôn giáo tự do; các họa sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ, những người đang lao động nghệ thuật mặc dù bị các cơ quan của nhà nước theo dõi; và tất cả những người, bằng mọi phương tiện sẵn có, cố gắng thể hiện và bảo vệ các lợi ích xã hội thực sự của người lao động, trả lại ý nghĩa đích thực cho các công đoàn, hay sáng lập các công đoàn độc lập; những người không sợ hãi khi tìm cách buộc các quan chức phải lưu tâm tới những trường hợp bất công và những người đấu tranh để buộc người ta phải tuân thủ luật lệ; và những nhóm thanh niên đang thoát ra khỏi những hành động thao túng và sống theo ý của mình, sống theo những giá trị mà mình tôn trọng.”

Bao giờ có nhiều người trong chúng ta mong muốn sống trong sự thật và bao giờ mong muốn đó chuyển thành hành động khiến ta hành động, nghĩa là khiến ta chọn cách sống trong sự thật, như Đỗ Việt Khoa đã làm, thì lúc đó xã hội dân sự mới có thể lớn mạnh.

Tóm lại, những câu hỏi “làm gì?” và “sống như thế nào?” không thể là câu hỏi được đặt ra cho người khác. Đó là những câu hỏi mà mỗi người phải tự đặt cho chính mình, nếu chúng ta muốn xã hội thay đổi. Xã hội không thể thay đổi nếu chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, mà không thấy rằng nếu không có sự đồng lõa của mỗi người thì xã hội đã không thể vận hành theo cách thức hiện nay. Xã hội không thể thay đổi nếu mỗi người không tự thấy rằng chính mình sẽ phải đóng góp vào sự thay đổi đó, chứ không thể ngồi chờ người khác.

Hiện trạng của Việt Nam hiện nay đang là như vậy: chỉ có một số vô cùng ít những người tranh đấu cho sự thật và sống trong sự thật, còn lại gần như toàn bộ xã hội vẫn trong tình trạng mê ngủ. Nhiều người không phải là không biết, tức là đã tỉnh, nhưng chọn thái độ ngồi chờ và than thở mỗi khi có sự cố xảy ra. Than thở trong các quán cà phê, trên các bàn nhậu, trong các không gian riêng, nhưng không làm gì cả, ngay đến một chữ ký hoàn toàn không gây hậu quả gì họ cũng không ký. Nhưng nếu tất cả cùng chờ thì ai sẽ là người làm thay đổi xã hội và bao giờ có sự thay đổi xã hội? Câu trả lời quá dễ: chẳng có ai và chẳng bao giờ. Đấy là lý do khiến ở trên tôi nói rằng thiểu số quá ít ỏi những người đang tranh đấu ở Việt Nam sẽ không thể làm biến chuyển xã hội, nếu không có sự hỗ trợ của đa số dân chúng.

Và cũng sẽ khó có sự thay đổi nếu ta vẫn đổ lỗi cho một Lịch Sử chung chung và mơ hồ nào đó, nếu vẫn tự dối mình đằng sau cái công thức “sự lựa chọn của Lịch Sử” (cụ thể hơn, ví dụ như: “lịch sử đã chọn Hồ Chí Minh chứ không chọn Phan Châu Trinh”), bởi cái công thức đó ngăn không cho chúng ta thấy rằng chính chúng ta đã và đang lựa chọn số phận của chúng ta, rằng chính chúng ta đang làm nên Lịch Sử, sau khi mà lịch sử đã làm nên chúng ta. Nghĩa là, chúng ta không thể lựa chọn quá khứ, nhưng chính chúng ta là người quyết định hiện tại và tương lai của mình.

Người Đức đã không lảng tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho Hitler và cho Marx, họ nhận trách nhiệm về quá khứ và tự nhận lấy trách nhiệm quyết định hiện tại và tương lai cho chính họ. Người Đức không nói “Lịch sử đã chọn Hitler” hay “Lịch sử đã chọn Marx”. Họ phân tích để hiểu vì sao Hitler và Marx đã được lựa chọn trong những bối cảnh cụ thể của lịch sử (chẳng hạn Hannah Arendt đã viết ba tập sách để phân tích các nguồn gốc chính trị, xã hội, kinh tế, lịch sử, văn hóa... đã dẫn đến sự hình thành của chế độ Hitler và chế độ Staline). 

Người Đức vẫn nghiên cứu về Marx, vẫn dạy Marx trong các trường đại học, nhưng họ đã từ bỏ mô hình được xây dựng dựa trên các ý tưởng ban đầu của Marx, mô hình Đông Đức. Họ phân tích để hiểu, để tránh các sai lầm trong quá khứ và để lựa chọn cho họ một tương lai khác chứ không để cho các bóng ma của quá khứ định đoạt cuộc sống của họ. Họ tự quyết định tương lai của mình.

Hiện tại của Việt Nam đang là như vậy, còn tương lai, chúng ta sẽ để mặc nó cho một nhóm người quyết định hay chính chúng ta sẽ quyết định chọn một tương lai khác với cái hiện tại đầy nhức nhối này?
Nice, 1/9/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link