BÁO CHÍ - TRUNG QUỐC - Bài đăng : Thứ năm 17 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 17 Tháng Năm 2012
Việc ký giả Melissa Chan bị trục xuất cho thấy môi trường truyền thông Trung Quốc đang tồi tệ đi
Phóng viên Melissa Chan
RFI
Trọng Thành RFI
Đầu tháng Năm 2012, chính quyền Trung Quốc cho biết, sẽ không gia hạn visa cho ký giả Hoa Kỳ Melissa Chan, điều này cũng đồng nghĩa với việc phóng viên này bị trục xuất. Quyết định kể trên gây chấn động báo giới và giới bảo vệ nhân quyền. Mới đây, nữ ký giả Melissa Chan đã được đại học Standford trao tặng học bổng, để có thể tiếp tục theo đuổi các tìm tòi trong nghề báo.
Ngày 08/05/2012, đài truyền hình Al-Jazeera buộc phải tuyên bố đóng cửa chi nhánh tiếng Anh tại Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ không cho phép nữ phóng viên duy nhất của đài được gia hạn visa, và cũng không chấp nhận cấp visa cho các phóng viên khác. Câu lạc bộ các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) tuyên bố phản đối quyết định của chính quyền Trung Quốc. Đây có thể coi như là vụ trục xuất phóng viên đầu tiên khỏi Trung Quốc, kể từ 14 năm nay, tức là kể từ vụ một nhà báo Đức của tạp chí Der Spiegel năm 1998, « bị kết tội xâm phạm bí mật quốc gia ».
FCCC khẳng định, việc không gia hạn cho nhà báo kể trên là một đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của các phóng viên ngoại quốc tại Trung Quốc. Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), có trụ sở tại New York, « việc từ chối không cấp lại visa cho phóng viên Melissa Chan cho thấy môi trường làm việc của truyền thông tại Trung Quốc đang trở nên tồi tệ đi ».
Tờ Los Angeles Times cho biết sơ lược về tiểu sử của phóng viên Melissa Chan. Rời Hồng Kông năm cô mới ba tuổi để cùng gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ. Trở thành công dân Mỹ, Melissa Chan theo học trường Yale University và nhận được bằng tốt nghiệp về chính trị học so sánh của London School of Economics. Nói thông thạo tiếng phổ thông Trung Hoa và tiếng Quảng Đông, Melissa Chan trở thành phóng viên thường trú cho hãng truyền thông Qatar Al-Jazeera tại Trung Quốc từ năm 2007.
Melissa Chan, 31 tuổi, là tác giả của khoảng 40 phóng sự truyền hình, được các đồng nghiệp đánh giá là xuất sắc. Các phóng sự này đụng chạm đến các lĩnh vực được coi là « nhạy cảm » trong xã hội Trung Quốc, tức là những hiện thực đời sống mà chính quyền Trung Quốc muốn che giấu, như nổi dậy của nông dân miền Nam Trung Quốc, bạo loạn tại vùng Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ, phong trào phản kháng ở vùng tự trị Nội Mông, lũ lụt ở miền Nam, an ninh lương thực, … Al Jazeera là kênh truyền hình hàng đầu về thời sự Trung Quốc, và các nước láng giềng Châu Á khác.
Giải thích lý do vì sao nữ ký giả này lại bị trục xuất, FCCC cho hãng thông tấn Pháp AFP biết, có thể cuốn phim tài liệu về lao động cưỡng bức tại Trung Quốc của Al-Jazeera chính là điều khiến chính quyền tức giận. Phóng sự này được truyền đi, đúng vào lúc luật hình sự cải cách đang được thông qua tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng ba năm nay.
Trả lời phỏng vấn Los Angeles Times, chính nữ ký giả cũng không biết, vì sao cô không được gia hạn visa. Vào tháng Ba năm nay, cô đã làm một phóng sự về hiện tượng « nhà tù đen » (một kiểu bắt giam người bất hợp pháp) tại Trung Quốc. Melissa Chan cho biết, đề tài kể trên đã được báo chí nói đến nhiều, nhưng cô là người đầu tiên đưa chuyện này lên truyền hình.
Tờ Los Angeles Times thuật lại, trở về nhà tại Walnut, miền nam California, nữ ký giả chia sẻ, cô không nghĩ rằng mình là một nhà báo táo bạo nhất tại Trung Quốc. Melissa Chan hâm mộ các phóng viên có mặt tại chỗ đưa tin về các phản kháng dân chủ hồi năm ngoái tại Trung Quốc, và các cuộc tự thiêu của người Tây Tạng mới đây. Và gần đây nhất, cô cũng đã không thể giới thiệu được gì về vụ trốn chạy ngoạn mục của luật sư mù Trần Quang Thành, vì cô đang làm việc ở Hồng Kông.
Phóng viên Melissa Chan tiếp tục nghiên cứu về nghề báo tại Standford University
Trong hiện tại, nữ ký giả Hoa Kỳ tâm sự trên Twitter của cô là, trước mắt cô có một khoảng thời gian sống trong không khí bình an, trong lúc chờ khóa học tại đại học Standford University. Cô cũng vừa nhận được học bổng của Knight Fellowship. Melissa Chan là một trong số 13 nhà hoạt động báo chí xuất sắc nhất được Knight Fellowship vinh danh năm nay và được hỗ trợ tài chính để theo đuổi việc học tập nghiên cứu trong ngành báo chí.
Học bổng Knight Fellowship của đại học Standford được dùng để hỗ trợ cho các cách tân trong báo chí, trong quản trị nghề báo, được dành cho các nhà báo đã có kinh nghiệm nghề nghiệp, dấn thân vì lý tưởng, để nâng cao trình độ làm báo và phát triển các kỹ nghệ truyền thông. Tại Standford University, Melissa Chan sẽ tiếp tục nghiên cứu về các biện pháp giúp các nhà báo bảo vệ máy tính trước các tấn công của tin tặc.
Trước khi năm học bắt đầu vào tháng Chín tới, Melissa Chan sẽ trở lại đài Al Jazeera, để tiếp tục nghề phóng viên tại một địa điểm mới.
Về Trung Quốc, phóng viên Melissa Chan chia sẻ, tình thế hiện nay khiến cô không thể trở lại Trung Quốc trong tương lai gần, tuy nhiên cô tin tưởng rằng cô sẽ quay lại một khi có cơ hội.
Trả lời báo giới về quyết định không gia hạn visa cho phóng viên Al Jazeera, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nhắc lại một nguyên tắc chung là Bắc Kinh khuyến khích các nhà báo nước ngoài đưa tin một cách khách quan về Trung Quốc và khẳng định môi trường làm việc của các nhà báo được bảo đảm. Theo AFP, tuyên bố của đại diện chính quyền Bắc Kinh được đưa ra bất chấp việc trong thời gian gần đây, nhiều phóng viên bị đe dọa thu hồi visa, chỉ vì họ đã đến bệnh viện Chaoyang (Bắc Kinh) để chờ gặp nhà đấu tranh nhân quyền, luật sư mù Trần Quang Thành.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, phóng viên Melissa Chan không có lỗi, các phóng sự do cô tiến hành hoàn toàn tuân thủ luật pháp Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát vụ việc này.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment